THIÊN CHÚA MUỐN TÔI LÀM GÌ BÂY GIỜ

Ai muốn bắt chước Ðức Mẹ luôn luôn tìm Thánh Ý Chúa và "xin vâng". "Hãy thành sự cho tôi theo ý Ngài".
Khi Chúa Kitô sống trong tôi, tôi cũng tìm lương thực nội tâm trong Thánh Ý Thiên Chúa. Sống theo Thánh Ý Chúa mang ích lợi cho tôi bởi vì Ngài che chở tôi và Ngài muốn làm vinh hiển cho tôi. Nhưng theo vết chân Chúa Kitô tôi không tìm Thánh Ý Chúa vì "ích lợi" này mà vì tôi yêu thương Ngài.
Ðây là một trái tim mới, là một con người mới trong tôi. Vì thương yêu Thiên Chúa, thánh I-Nhã muốn biết Thiên Chúa kêu mời ngài làm gì. Từ từ qua kinh nghiệm nhiều năm trời tìm Thánh Ý Chúa, thánh I-Nhã được Chúa ban một khả năng đặc biệt để tìm kiếm Thánh Ý Chúa.
Ðây cũng là khả năng đặc biệt Thiên Chúa ban cho nhà Dòng thánh I-Nhã sáng lập và cho những ai muốn kết thân với Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của ngài: "Luôn luôn phục vụ Thiên Chúa vì tình yêu".
Cách Tìm Thánh Ý Chúa
Chúng ta không có thể tìm Thánh Ý Thiên Chúa cách trực tiếp, ngay trong trái tim Ngài bởi vì trong đời này chẳng ai có thể gặp gỡ Thiên Chúa cách trực tiếp.
Chúng ta cũng không có thể tìm hiểu Thánh Ý Chúa như một kế hoạch Ngài soạn thảo sẵn và dành cho chúng ta. Thánh Ý Chúa cũng không phải là một chương trình gồm có những biến cố sẽ xảy ra cho mình và những hành động Ngài mong muốn chúng ta thực hiện.
Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta có quyền mở trái tim mình cho những ý muốn, niềm hy vọng và tình yêu chúng ta muốn lựa chọn. Chính Ngài là Ðấng tôn trọng quyền tự do đó.
Chúng ta tìm Thánh Ý Chúa trong các kinh nghiệm sống. Khi giữa Thiên Chúa và chúng ta có một tình thân mật, một mối liên hệ sống động, chúng ta sẽ nhìn nhận những tác động vui buồn nội tâm. Qua những tác động nội tâm đó chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa mong chúng ta làm gì, làm như thế nào.
Không biết Thiên Chúa dành cho chúng ta những gì trong tương lai, nhưng mỗi lần chúng ta tuân theo các tác động của Chúa có một kết quả . Nhìn lại các năm trời vừa qua chúng ta sẽ khám phá ra một đường hướng, một kế hoạch kỳ lạ, đầy khôn ngoan, lòng nhân từ và vinh quang. Chúng ta tin rằng đó là kế hoạch Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Chúng ta tìm những "tác động" nội tâm. Có thể là tác động vui, cũng có thể là tác động buồn. Khi chúng ta bước theo Thánh Ý Chúa thường Ngài ban cho chúng ta bình an và niềm vui nội tâm. Khi chúng ta theo ý mình và từ chối tiếng kêu mời của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy u buồn như thanh niên giàu có không dám "nghe" tiếng kêu mời của Chúa Kitô.
Tìm Thánh Ý Chúa là luôn luôn mở lòng cho Ngài, là sống trong tình thân mật với Ngài. Như Ðức Mẹ, Ðức Mẹ chẳng biết Thiên Chúa dẫn Mẹ đi đến đâu. Nhưng trong mỗi hoàn cảnh và biến cố, Ðức Mẹ lắng nghe và đón nhận ý muốn Thiên Chúa. Ðức Mẹ giữ trong lòng các biến cố để tìm hiểu đường lối và Thánh Ý Chúa.
Chúng ta tìm Thánh Ý Chúa trong các liên hệ với anh em, trong cách chúng ta tiếp xúc với họ. Trong tình thân mật với Chúa chúng ta sẽ tìm cách phục vụ, cách tiếp xúc với họ theo Thánh Ý Ngài.
Những kẻ biết nhận ra Thánh Ý Chúa, như thánh Gioan, sẽ nhận ra Ngài trước. Trong các ngã ba, trong các xung đột, lúc phải tìm một hướng đi, có kẻ nhận ra Thánh ý Chúa trước, giúp người khác cũng nhận ra Ý Ngài.
Xác Ðịnh Thánh Ý Chúa
Làm sao chúng ta có thể xác định chúng ta thực sự theo Thánh Ý Chúa chứ không phải theo ý mình?
Thiếu tình thân mật với Thiên Chúa chúng ta dễ suy luận và nhận định các vấn đề theo ý riêng, do quan niệm bản thân. Tưởng rằng đang phục vụ Thiên Chúa thực sự chúng ta có thể âm mưu ích lợi và danh vọng riêng.
Khi gặp sóng gió và thử thách chúng ta mới có thể biết đường lối chúng ta đang theo và động lực đang thúc đẩy chúng ta là do tình yêu Thiên Chúa hay do tự ái riêng.
Khi gió thổi mạnh và nước tuôn đến chúng ta mới có thể biết ngôi nhà được xây dựng trên cát hay trên tảng đá.
Lúc thành công, mọi người đứng vững, hăng hái hoạt động. Nhưng lúc gặp hiểu lầm, thất bại và bị sỉ nhục những kẻ muốn phục vụ một mình Thiên Chúa mới tiếp tục hoạt động và bình tĩnh dấn thân tiếp.
Chúa hỏi các môn đệ: "Bạn muốn gì?"
Phúc cho môn đệ có thể đáp trả lại: "Con mong muốn nhận biết Chúa Kitô, và sức mạnh phục sinh của Người, con mong muốn thông phần vào sự thương khó của Người và nên giống Người trong sự chết với niềm hy vọng con cũng sẽ được sống lại từ các kẻ chết". (Phil 3:10-11)
Julian Elizalde, SJ
Trích báo Ðồng Hành



CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - C

Toàn cầu hóa đã giúp nhân loại phát triển tình liên đới. Nhân loại trở nên một cộng đồng sinh mệnh. Sự an nguy không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Cứu người chính là cứu mình. Vì một thảm họa nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ mau chóng lan tràn khắp thế giới. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Nó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân trên hành tinh. Biết sống liên đới, nhân loại đang đi vào con đường Phúc Âm.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến tình liên đới. Phải liên đới vì mọi người đều là anh em với nhau. Phải liên đới vì đó là điều kiện vào Nước Trời.
Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy điều đó. Có lẽ khi đọc bài dụ ngôn này, có nhiều người bất mãn tự hỏi: “Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?”.
Vâng, giàu có đâu phải là một tội. Tuần trước Chúa Giêsu đã cho ta thấy giá trị tích cực của tiền bạc khi dạy ta hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu để họ đưa ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Tiền bạc, nếu biết sử dụng, sẽ có giá trị tích cực. Nhưng nếu không biết sử dụng, sẽ trở thành nguy cơ.
Nguy cơ thứ nhất là: tiền bạc có thể mê hoặc tâm hồn.
Khi đó tiền bạc sẽ trở thành sợi dây trói buộc. Tâm hồn mê tiền bạc giống như con chim bị cột, không cất cánh bay cao, bay xa được. Đó là trường hợp chàng thanh niên đạo đức trong Phúc Âm. Anh đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời. Anh muốn vươn lên, muốn tiến bộ trên đường đức hạnh. Nhưng tiền bạc đã ngăn cản bước tiến của anh. Chúa Giêsu cất tiếng gọi anh. Nhưng tiền bạc đã trói buộc bước chân. Và anh bỏ cuộc quay về. Đành cam chịu với nếp sống tầm thường xưa cũ.
Nguy cơ thứ hai là: tiền bạc dễ làm cho trái tim thành xơ cứng, chai đá.
Người có nhiều tiền bạc dễ rơi vào tình trạng tự mãn. Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Phúc Âm hôm nay. Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác. Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy. Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô. Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới.
Nguy cơ lớn nhất mà tiền bạc có thể dẫn tới: đó là làm cho ta mất hạnh phúc đời đời.
Hạnh phúc trên Nước Trời là một cuộc sống hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Cho đi tất cả để nhận lãnh được tất cả. Những người ích kỷ không biết cho đi, không biết chia sẻ, không thể tham dự vào sự sống hiệp thông này. Vì thế, người ích kỷ là người tự chọn con đường xuống hỏa ngục. Kẻ khép cửa lòng trước nỗi khốn cùng của tha nhân, là người tự đào huyệt chôn mình. Người sống thiếu tình liên đới là người tự trục xuất mình ra khỏi Nước Trời.
Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao ông nhà giàu lại bị đày đọa trong hỏa ngục. Ông nhà giàu không có tội gì. Ông chỉ có tội thiếu sót: thiếu sót tình liên đới, thiếu sót sự chia sẻ. Trước đây ông đóng kín cửa để tự ngăn mình với Ladarô. Nay cánh cửa đó biến thành vực sâu thăm thẳm chia cắt hai người. Trước kia ông chỉ cần xoay nắm mở cửa là gặp được Ladarô. Nay ông không tài nào vượt qua được vực thẳm ngăn cách. Trước kia ông nghĩ sẽ không bao giờ cần tới Ladarô. Nay ông biết mình cần Ladarô cho mình một giọt nước thì đã trễ. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.
Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác. Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau. Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được. Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình. Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày. Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh. Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.
Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh con. Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

NGUYÊN TẮC CẦU NGUYỆN

Nói “nguyên tắc” có vẻ “nghiêm trọng” và quá… nguyên tắc. Đó là những “định hướng” giúp chúng ta cầu nguyện hiệu quả hơn. Nguyên tắc ACTS là phương pháp cầu nguyện. ACTS là viết tắt từ 4 chữ: Adoration (Tôn sùng, Thờ phượng, Tôn thờ) – Ca tụng và thờ Thiên Chúa vì Ngài là chính Ngài. Confession (Thú nhận, Tự thú) – Cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi. Thanksgiving (Tạ ơn, Tri ân) – Tin tưởng và nhận biết ơn Chúa. Supplication (Thỉnh cầu, Cầu xin, Cầu nguyện) – Những lời cầu nguyện của chúng ta. Để dễ nhớ và áp dụng theo Việt ngữ, chúng ta có thể gọi là “Nguyên tắc 4 T” (Tôn sùng, Thú nhận, Tạ ơn, Thỉnh cầu). 
1/TÔN SÙNG (Adoration) Điều đầu tiên và quan trọng nhất là luôn bắt đầu cầu nguyện bằng cả linh hồn, trí khôn, và hết sức tập trung vào THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG. Đây là giai đoạn tôn thờ, luôn phải là tâm tình đầu tiên. Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:31-33). Chúng ta phải tin nhận Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Chúa Chiên Lành (Ga 10:11; Tv 23:1), là Thượng Tế siêu phàm (Dt 4:14-16; Rm 8:34), là Sức mạnh của chúng ta (Tv 18:2),… Nói cách khác, chúng ta phải coi Ngài là tất cả đối với chúng ta, chỉ tập trung vào một mình Ngài mà thôi, và đừng lải nhải, “vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:8) 
2/ THÚ NHẬN (Confession) Điều thứ nhì là thú nhận tội lỗi và xin ơn tha thứ, hoàn toàn tin Máu Thánh Đức Kitô mới có thể tẩy sạch (1 Ga 1:9). Chúng ta làm vậy để lời cầu nguyện của chúng ta không bị tội lỗi che khuất: “Điều gian ác, nếu lòng này ấp ủ, chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu” (Tv 66:18), xem thêm: Tv 51:17; Tv 139:23-24; Mt 6:12; 2 Sbn 7:14. 
3/ TẠ ƠN (Thanksgiving) Điều thứ ba là tạ ơn, nghĩa là chân nhận mọi phúc lành đều do Chúa ban, đồng thời tin tưởng và đón nhận phúc lành của Chúa. Khi tạ ơn, “hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa” (Ep 6:13), và nhận mọi điều đều được làm nơi Đức Kitô (Ep 1:3). 
4/ THỈNH CẦU (Supplication) Đây là lúc chúng ta sẵn sàng cầu xin Chúa ban cho những điều đặc biệt. Lúc này chúng ta đang ở trong Sức mạnh của Chúa (Ep 6:10). Ngay sau khi mô tả binh giáp của Thiên Chúa (Ep 6:10-17), Thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta cầu nguyện: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18). Chúng ta ở trong Sức mạnh của Chúa thì phải cầu nguyện bằng Thần Khí. Điều đầu tiên cầu xin Chúa là Ngài sẽ làm chúng ta đầy Thánh Thần (Lc 11:13; Cv 1:4-8; Ga 7:37-38; Ep 5:18), để Thần Khí giúp chúng ta hoàn toàn tập trung vào Chúa (2 Cr 10:3-5). 
Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta cầu nguyện. Như vậy, lúc này chúng ta đang hiện diện trước mặt Chúa. Thánh Phaolô nói thêm: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:26-27). 
Khi cầu nguyện bằng Thần Khí, đừng ngạc nhiên nếu chúng ta cảm thấy không có cảm xúc, nhưng chúng ta vẫn đang hít thở bằng tình yêu Chúa. Thường thì chúng ta cảm thấy vui mừng, nhưng đôi khi có thể chúng ta cảm thấy lòng trĩu nặng, có thể bật khóc trong khi cầu nguyện. Thánh Phaolô diễn tả đó như “cơn đau đẻ” của phụ nữ. Có thể diễn tả đó là nỗi đau của linh hồn, đồng thời cũng quá vui mừng trước mặt Chúa. Đó là hoa trái của Thần Khí (Gl 5:22-23), niềm tin vào Thần Khí dẫn chúng ta tới sự thật (Ga 16:13-14). Nói cách khác, chúng ta có thể được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, hoặc đó là cách thể hiện của Ngài trong khi cầu nguyện (1 Cr 12:7; Cv 13:1-4). 
Phương pháp ACTS quan trọng vì 2 lý do. Thứ nhất, chúng ta cần xác định sự hiện diện của Thiên Chúa là thuần túy theo Kinh thánh, được Lời Chúa linh hứng, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chứ không chỉ là chính chúng ta. Thứ nhì, chúng ta thường sầu khổ vì nhiều gánh nặng cuộc sống, tập trung nhiều vào việc ở trước mặt Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta chỉ tập trung vào “nhu cầu” của mình được thỏa mãn mà không tập trung vào Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta có thể càng lúc càng “than thở” nhiều hơn, hoặc thiếu kiên nhẫn như khi xếp hàng dài chờ mua hàng. Như vậy, chúng ta có thấy mình ích kỷ ngay trong lời cầu nguyện chưa? Hãy thật lòng tín thác: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8:32). Phương pháp ACTS bắt đầu bằng việc tập trung vào Chúa. Đó là lý do mà Đức Kitô dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, cũng bắt đầu bằng việc nhận biết Chúa Cha. Tóm lại, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta phải tìm kiếm Chúa Giêsu là Vua, và trở lại với tình yêu đầu tiên của chúng ta (x. Kh 2:1-4). Lúc đó Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta cầu nguyện, chúng ta sẽ hy vọng vào Thiên Chúa, và Ngài sẽ hoàn tất mục đích của Ngài nơi chúng ta (Lc 12:32; Ga 14:12-14; Pl 1:6; Pl 2:13; 1 Cr 1:5-8; Ep 3:10). 
TRẦM THIÊN THU (lược dịch từ JustPray.org)

TRĂNG VÀNG MÙA THU

Mùa thu đã về! Vẻ đẹp của mùa thu được ghi dấu bởi những chiếc lá vàng rơi lãng đãng, trong làn sương mù bàng bạc và làn gió se se lạnh đầu ngày.
Vẻ đẹp của mùa thu còn đi liền với ánh trăng. Mặc dù mặt trăng xuất hiện quanh năm, nhưng trăng mùa thu mới mang một vẻ đẹp huyền bí, tạo nên một nét đẹp vừa thanh tao vừa lãng mạn, nhất là ở miền quê, là nơi không có nhiều ánh sáng của đèn điện. Ánh trăng thu dịu êm và tươi mát, tạo cho ta một cảm giác thư thái thanh bình. Sau một ngày lao động mệt nhọc, vầng trăng thu giúp ta lấy lại sức khỏe thể xác và tinh thần. Trăng thu đã gợi hứng cho các thi sĩ tạo nên những áng thơ bất hủ. Hàn Mặc Tử, một thi sĩ công giáo, đã gắn bó cả cuộc đời mình với trăng và với thơ. Trong cuộc đời và sự nghiệp của người thi sĩ này, trăng là bạn và là nguồn cảm hứng để ông sáng tác. Ông không thể thiếu trăng trong cuộc đời. Đối với ông, trăng gợi hứng để cầu nguyện, trăng giúp ông nâng tâm hồn lên với Chúa và giúp ông trở về với đời sống nội tâm. Trăng còn là người bạn tri kỷ, là nơi ông trút bầu tâm sự những lúc ông bị căn bệnh phong quái ác hành hạ. Trăng như một người tình vừa hư vừa thực, vừa trần tục vừa thanh tao. Trăng là nơi gửi gắm yêu thương và cũng là nơi ông thể hiện sự dỗi hờn. Yêu trăng đến mức say trăng và nhìn đâu cũng thấy trăng, có lẽ điều này chỉ có nơi Hàn Mặc Tử. Cũng như thi sĩ, thiên nhiên vũ trụ đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của trăng:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, Chị Hằng ơi” (Bẽn lẽn)
Ở nước ta và ở Trung Quốc, tết Trung thu được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch. Ngày tết này cũng được gọi là tết Trông Trăng. Từ thành phố tới thôn quê, mỗi nơi mỗi vẻ, những cuộc múa lân được tổ chức rộn ràng, với tiếng trống thùng thình vang dội, thu hút nhiều trẻ em và người lớn tham gia. Những bài hát mang nội dung ca ngợi mặt trăng mà người ta gọi với cái tên rất thân thương là “Chị Hằng.” “Chị Hằng” được coi như người thân của mọi người, rất xinh đẹp và thân thiện, lại là người tốt bụng hay tặng quà cho các bé ngoan. Người ta tổ chức cỗ trung thu gồm bánh, kẹo và trái cây các loại. Các em thiếu nhi thì vui mừng nhảy múa ca hát, tới khuya thì cùng “phá cỗ,” tức là mọi người cùng thưởng thức mâm cỗ đã chuẩn bị. Tết Trung thu là tết của người lớn cũng như của trẻ em. Đây là dịp biểu lộ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái, là ngày hội ngộ gia đình trong bầu khí thân thương, hài hòa.
Nếu người Việt Nam và người Trung Hoa tổ chức lễ Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch để ca ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì người công giáo cũng tôn vinh Đức Mẹ Maria vào ngày 15 tháng 8 dương lịch. Trong thi ca công giáo, Đức Mẹ được sánh ví như vầng trăng tuyệt vời. Đức Mẹ không chỉ là vầng trăng cho một số dân tộc mà là vầng trăng cho cả nhân loại. Nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy tất cả những ưu điểm của vầng trăng như sự dịu mát, thanh bình, hướng tâm, thánh thiện:
“Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang.
Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang.
Mẹ là tiếng hát ru êm giữa đêm hè vắng.
Mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang” 
(Dao ca Mẹ dịu hiền – Văn Chi)
Hơn thế nữa, Mẹ Maria còn là Đấng che chở và phù giúp chúng ta trong cuộc sống dương thế đầy gian nan vất vả. Chúng ta đều biết, mặt trăng là một tinh tú ở gần trái đất. Nó không có khả năng phát sáng, mà nó tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời giống như bao vì tinh tú khác. Nhờ việc tiếp nhận này, mặt trăng được sưởi ấm và tích tụ ánh sáng để chiếu soi ban đêm, khi mà mặt trời bị khuất dạng bởi trái đất xoay vần. Vì thế mà ánh trăng luôn dịu dàng, thanh thoát và chiếu sáng vào ban đêm. Mẹ Maria là một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa. Mẹ nhận ánh sáng Chân Lý từ Đức Giêsu Kitô, là Mặt Trời Công Chính để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian. Ánh sáng của Chúa Giêsu là tình yêu, lòng nhân hậu, sự từ tâm, tình huynh đệ, lòng bao dung tha thứ, lòng trung thành và khiêm nhường… Đức Giêsu là Ánh Sáng Thật, Ánh Sáng Bởi Ánh Sáng, tức là nơi Người phản ánh hình ảnh của Chúa Cha là cội nguồn ánh sáng. Ánh Sáng này đã đến thế gian để phá tan tăm tối mịt mù, để xóa bỏ hận thù ghen ghét, và khai mở một thế giới yêu thương. Tất cả giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng đều nhằm đến nội dung căn bản này. Như thế, đón nhận Đức Giêsu là đón nhận ánh sáng từ trời, nhờ đó ta nhận ra con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực.
Là người Kitô hữu, chúng ta cũng được tiếp nhận ánh sáng thiêng liêng từ Chúa Giêsu, qua Giáo Hội. Trong nghi thức rửa tội, vị linh mục chủ sự trao cho thụ nhân một cây nến sáng và nói: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn sống như con cái của sự sáng, để được bền vững trong đức tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời” (Nghi thức Rửa tội). Cũng như Đức Maria, Vầng Trăng Thu tuyệt hảo, đã đón nhận ánh sáng từ Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính để giãi ánh vàng êm dịu cho trần gian, chúng ta, các Kitô hữu, cũng được đón nhận ánh sáng từ Đấng Cứu độ, để thông truyền cho cuộc đời, góp phần đẩy lui bóng tối là sự hận thù ghen ghét và dối gian.
Chúng ta đang chuẩn bị đón tết Trung thu, bầu khí rộn ràng của ngày hội vui này đang lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Ước chi mỗi tín hữu biết ca tụng quyền năng Thiên Chúa khi ngắm vầng trăng vàng mùa thu, đồng thời nhận ra sự che chở yêu thương của Đức Mẹ, Vầng Trăng Vĩnh Cửu.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên


CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - C


Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.
Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.
Người quản lý trong bài Phúc Âm hôm nay khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì ông đã phung phí, làm hại tài sản của chủ.
Khi khen người quản lý này khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.
Quả thực chúng ta là những người quản lý của Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc… đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng.
Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.
Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng. Tiền bạc có thể sinh lợi ở ba góc độ khác nhau.
Mức độ bình thường nhất là: tiền đẻ ra tiền. Dùng tiền gởi ngân hàng để lấy tiền lời. Dùng tiền đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa.
Mức độ thứ hai cao hơn là: dùng tiền đầu tư vào chất xám, vào giáo dục, vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Vì thế họ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo có kiến thức, có khoa học kỹ thuật. Nhờ thế, không những họ làm cho đất nước giàu mạnh mau chóng, mà còn nâng cuộc sống nhân dân lên cao hơn, giàu có sung túc về của cải vật chất và nhất là cao đẹp vì có văn hóa, đạo đức.
Mức độ thứ ba, cũng là mức độ cao nhất là: dùng tiền mua hạnh phúc vĩnh cửu. Biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời. Để làm được việc này, ta phải vượt qua sự khôn ngoan, nhạy bén đầy tính toán của người đời để đạt tới sự khôn ngoan nhạy bén đầy quảng đại theo tinh thần Phúc Âm.
Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian.
Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Người nghèo là Chúa Giêsu hóa trang. Khi ta giúp đỡ người nghèo là ta chuyển tiền về thiên quốc. Qua trung gian người nghèo, đồng tiền trần gian hay hư nát sẽ biến thành tài sản vĩnh cửu trên trời.
Chúng ta là con cái sự sáng. Hãy biết sống theo con đường sự sáng của Phúc Âm. Hãy xin Chúa ban cho ta sự khôn ngoan của Phúc Âm. Hãy rèn luyện cho ta có sự nhạy bén đối với những thực tại vĩnh cửu trên trời. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

NGHI THỨC VÀO NHÀ THỬ

Trong bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện của giờ Chầu Thánh Thể, lễ Sinh nhật Đức Maria, tại tu viện Fatima-Bình Triệu đã diễn ra nghi thức đón nhận các em vào Nhà thử.
Năm nay, Hội dòng Đaminh ĐMRTMC Monteils, Dự-tỉnh Đức Mẹ La vang, nhận 4 em vào Nhà thử, đó là các em: Matta Trương Thị Thìn, Matta Trần Thị Hà, Anna Nguyễn Thị Sen, Anna Nguyễn Thị Lương.
Được sự ủy quyền của Bề trên Dự-tỉnh, soeur M. Jean Nguyễn Thị Nga, nguyên bề trên và hiện nay là Bề trên Tu viện Đức Mẹ Fatima, đã chủ sự nghi thức vào Nhà thử. Ngoài ra còn có sự tham dự của các chị Vĩnh khấn, Học viện và các em Tuyển sinh thuộc Tu viện.
Trong nghi thức, khi được hỏi về nguyện ước của mình, các em đã nói lên lòng khao khát muốn tìm hiểu và muốn sống thử nếp sống của các chị em dòng Đaminh ĐMRTMC Monteils trong Dự-tỉnh Đức Mẹ La vang.
Cũng trong nghi thức, các em đã được chị Bề trên tu viện trao cho một Tràng hạt Mân Côi với ước mong đó sẽ là người bạn trung thành của các em, luôn theo sát các em trong giai đoạn này, giúp các em có một thói quen suy niệm Lời Chúa và lần hạt Mân Côi trong mỗi ngày sống.
Kết thúc nghi thức, cộng đoàn Tu viện Đức Mẹ Fatima đã hòa lên bài hát “Tận hiến cho Mẹ”, một phần để dâng các em cho mẹ, một phần là để nhờ mẹ dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân vì hồng ân của Chúa vẫn tuôn đổ xuống trên cộng đoàn.
Xin trao các em vào bàn tay nhân từ của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, xin các Ngài dìu dắt và đưa dẫn các em đi theo đúng đường lối và Thánh Ý Thiên Chúa.

Tu viện Đức Mẹ Fatima – Bình Triệu

ĐI ĐẠO ...

Cha ông ta đã khéo vận dụng từ ngữ để diễn tả những thực tại tâm linh. Từ ngữ xem ra bình dân mà nội dung phong phú, sâu sắc. Khi Tin Mừng được truyền giảng tại quê hương, các ngài đã gọi đó là ĐẠO. ĐẠO là “tôn giáo”, “đạo giáo” mà cũng là ĐƯỜNG phải đi để đạt ĐẠO. Như thế, ĐẠO là ĐƯỜNG mã cũng là ĐÍCH, vì người có ĐẠO cần phải sống cho phải ĐẠO, sống theo ĐẠO lý, sống có ĐẠO đức để đạt tới ĐẠO làm người, ĐẠO làm con Chúa. ĐẠO là ĐÍCH mà cũng là CỘI NGUỒN. Ai sống tốt lành đạo đức được coi như người ĐẠO gốc, ĐẠO dòng, người sinh ra trong gốc gác, dòng dõi của ĐẠO. Ai đón nhận Tin Mừng và rửa tội thì được gọi là THEO ĐẠO. Rồi khi ĐẠO đã thành nếp sống thì gọi là ĐI ĐẠO. Ai không đi ĐẠO thì được gọi là ĐI LƯƠNG (sống theo LƯƠNG TÂM?) Người nào sống ngược với đạo đức, lễ giáo, luân thường thì bị coi là “quân VÔ ĐẠO.” Ai chống đối, phá rối, ngăn cản, làm cho tục hóa đạo giáo thì bị gọi là “quân PHẢN ĐẠO, RỐI ĐẠO, BÁNG ĐẠO…”
Khi suy nghĩ về đời sống Đạo Chúa Kitô tại Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng thử bàn qua về ba từ mấu chốt trong một chuỗi từ ghép liên quan đến ĐẠO trên đây: giữ đạo, sống đạo, truyền đạo.
Giữ Đạo
Đạo đã được truyền vào nước ta khoảng 500 năm trước. Cha ông chúng ta đã đón nhận Đạo với niềm tin đơn thành, sốt mến. Liền sau khi theo Đạo, cha ông chúng ta đã tích cực đi Đạo, nghĩa là tin nhận và sống theo đạo lý mới. Đạo lý mới được cụ thể hóa bằng những điều phải tin và phải giữ. Vậy theo Đạo, đi Đạo đồng nghĩa với tin Đạo và GIỮ ĐẠO. Nhưng rồi việc theo Đạo không phải là thuận lợi mà đã gặp những chống đối, bắt bớ, cấm cách, bách hại… Chân lý của Đạo bị xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ… Các nhà truyền giáo bị cấm giảng Đạo, các tín hữu bị buộc phải bỏ Đạo, chối Đạo… Lúc này đi Đạo vẫn mang nghĩa là GIỮ ĐẠO, nghĩa là giữ gìn bảo vệ sự tinh tuyền giáo lý của Đạo, giữ gìn lòng hăng say và can đảm truyền Đạo, giữ gìn lòng trung thành với Đạo, dù có phải máu chảy đầu rơi, thây phân trăm mảnh…

Sống Đạo
Đạo cần phát triển về chiều sâu, cần thấm nhập vào đời sống, cần trở thành thịt thành máu, thành tim thành óc của mỗi tín hữu, cần bén rễ sâu vào mọi ngóc ngách của môi trường sống… Đi đạo lúc này không chỉ dừng lại ở việc giữ Đạo mà cần phải sống Đạo, làm cho Đạo trở thành cuộc sống, và làm cho cuộc sống chuyên chở Đạo. Đạo không chỉ là một loạt những điều cần tin, cần giữ, cũng không chỉ đóng khung trong khuôn viên nhà thờ nhà thánh, mà Đạo đi sâu vào mọi góc cạnh, như hơi thở của linh hồn, linh hồn của thể xác… Tinh thần Đạo được thể hiện không chỉ trong kinh nguyện mà cả trong cuộc sống hàng ngày nơi phố xá, làng mạc, trường học, công sở, chợ búa, đồng nương, nghệ thuật, văn hóa, chính trị…
Truyền Đạo
Đạo là kho tàng, kho báu. Người đi Đạo như tìm được ngọc quý, bỏ mọi sự để theo Đạo, để có Đạo. Nhưng Đạo không phải là một kho tàng quý báu để chôn cất giấu giếm. Đạo cần được chi ra, lan rộng. Đi Đạo, thấm nhuần Đạo, thì không thể không tìm thấy niềm vui hạnh phúc “có Đạo,” không thể không thấy được trách nhiệm cần phải chia Đạo cho người khác, vì cốt lõi của Đạo là Bác Ái, một tình yêu rộng rãi, sẻ chia, vô điều kiện. Đạo là Lửa từ trời, càng chia càng cháy, càng loan càng sáng. Ngọn lửa chia ra, bay xa không tắt đi, yếu đi mà cháy thêm, sáng thêm. Nếu nó chỉ cháy mình nó, có lẽ nó sẽ vụt tắt một ngày, vì dầu của nó thì hữu hạn, gỗ của nó cũng có chừng. Đi Đạo là Truyền Đạo, vì không Truyền Đạo là ngược lại với bản tính của có Đạo, đi ngược với ơn gọi lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, đi ngược với điều răn Bác Ái Kitô giáo.
Suy nghĩ về cuộc sống Đạo, ta thấy thực ra giữ Đạo, sống Đạo hay truyền Đạo không phải là những khía cạnh tách rời hoặc loại trừ nhau. Sống Đạo không có nghĩa là bỏ giữ Đạo, truyền Đạo cũng chẳng phải là xao lãng việc giữ Đạo và sống Đạo. Đó là ba khía cạnh như kiềng ba chân của việc đi Đạo. Sống Đạo làm cho việc giữ Đạo đi vào chiều sâu, và truyền Đạo làm cho việc sống Đạo lớn lên về chiều rộng. Càng sống Đạo thì việc giữ Đạo càng sốt sắng, nhiệt thành và càng truyền Đạo thì việc sống Đạo càng khởi sắc, hăng say. Đi Đạo là giữ Đạo, sống Đạo và truyền Đạo vậy. Đạo là Đường nên cần phải lên đường, cần phải đi…
Dominic Trần
***********************************************
Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng, và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời. Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.
Origênê (Trích Lời Kinh Từ Cuộc Sống – p.110)


CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN - C

Để đối phó với những người phạm tội, luật hình sự tại các quốc gia quy định nhiều hình phạt khác nhau: phạt tiền, giam nhốt trong các nhà tù hay xà lim, lưu đày biệt xứ hoặc trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì đem ra xử tử để vĩnh viễn loại trừ người lỗi phạm khỏi thế giới loài người.
Trong khi đó, để đối phó với tội nhân, Thiên Chúa không muốn trừng phạt mà chỉ muốn giúp tội nhân ăn năn hối cải quay về đường lành. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Ê-dê-kiên: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối mà được sống” (Ê-dê-kiên 18, 23 và 33, 11)
Đối với Thiên Chúa, mỗi một người đều có giá trị rất cao nên cần phải được trân trọng và yêu thương. Dù con người có đắm chìm trong lầm lạc và tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ rơi, không hủy diệt họ, nhưng tìm mọi cách đưa họ trở về đàng lành.
Dụ ngôn người đi tìm chiên lạc trong Tin Mừng Luca (Lc 15, 4-7) chứng tỏ cho chúng ta thấy điều đó:
Người chăn chiên tốt hết lòng yêu thương, quý mến từng con trong đàn, bất kể đó là chiên tốt hay chiên xấu, mập hay gầy, già hay non. Và khi phát hiện ra một con chiên lạc đàn, anh ta bôn ba, tất tả kiếm tìm cho bằng được con chiên lạc với bất cứ giá nào. Một khi đã tìm thấy, anh vác chiên lên vai, mừng vui hớn hở trở về, kêu mời bà con làng xóm đến chia mừng với anh.
Qua dụ ngôn trên đây, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa xem mỗi người chúng ta là báu vật vô giá, nên nếu có bất kỳ ai “lạc mất”, thì Ngài phải tìm về cho bằng được.
Dụ ngôn trên cũng cho thấy cung cách ứng xử rất khoan dung và đầy thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Thay vì trừng trị hoặc trừ khử các tội nhân như các tòa án khắp nơi thường làm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã rời bỏ ngai trời vinh hiển, vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm để đi tìm kiếm từng người trong nhóm họ.
Thay vì tống giam các tội nhân vào ngục, bắt họ mang gông cùm xiềng xích, Chúa Giê-su rất tôn trọng và quý mến tội nhân, tìm nhiều cách hoán cải họ; có khi Ngài còn đến ở lại trong nhà người tội lỗi, cùng ăn uống đồng bạn với họ, trở nên bạn bè của họ, nhằm lấy tình bạn mà cảm hóa họ trở về. (Luca 15,2)
Thay vì kết liễu mạng sống của các tội nhân ác nghiệt, bắt họ phải đền nợ máu họ đã gây ra như các tòa án nhân loại thường làm, Chúa Giê-su đã đổ máu châu báu của mình ra để chết thay cho họ, để rửa sạch họ khỏi muôn vàn tội lỗi và cho họ được sống đời đời.
Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ngay cả những tội nhân bầm dập, khốn cùng nhất, đã được Chúa Giê-su khẳng định trong Tin Mừng Mat-thêu: “Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng.” (Mt 12, 20 và Is 42, 3)
Lạy Chúa Giêsu,
Hôm xưa, Chúa đã rong ruổi tìm kiếm từng con chiên lạc để vác chiên về. Hôm nay, để tiếp tục sự nghiệp đó, Chúa đã dùng bí tích Thánh Tẩy để tháp nhập chúng con vào Thân Mình Chúa, cho chúng con trở thành một chi thể sống động trong Thân Thể Chúa để chúng con đồng hành với Chúa trên hành trình tìm kiếm và đưa về đàn nhiều con chiên lạc trong thôn xóm chúng con.
Xin cho chúng con trở nên đôi chân của Chúa, rảo bước không mệt mỏi trên vạn nẻo đường đời, để tìm kiếm và đưa về những anh em lạc xa đường Chúa.
Xin cho chúng con trở nên đôi vai của Chúa để làm chỗ dựa tinh thần cho những con người lâm cảnh khốn cùng đang cần một chỗ tựa nương. Amen.
Lm. Ignatiô Trần Ngà


HỌC VIỆN LIÊN DÒNG THÁNH TÔMA - THÁNH LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2016-2017

Thế là mùa hè đã trôi qua, tiếng ve râm ran giờ đây đã im lặng, những cành hoa phượng đỏ đã bắt đầu đâm chồi xanh mơn mỡn. Những tháng ngày nghỉ ngơi thư giản đã trôi qua. Và biết bao hồng ân Chúa đã ban xuống trên mỗi một chị em học viện chúng con. Hôm nay chúng con đã tề tựu về mái trường thần học Tôma thân yêu để cùng hợp dâng thánh lễ khai giảng năm học mới 2016-2017.
Thánh lễ hôm nay được diễn ra một cách trang nghiêm sốt sắng do cha Vinh Sơn nguyên Bể Trên Giám Tỉnh Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế chủ tế, cùng đồng tế với Ngài có quý Cha giáo sư của trường. Thánh lễ khai giảng năm nay hết sức đặc biệt diễn ra với những dấu ấn sau:
- Năm nay là năm thánh Lòng thương xót.
- Mừng năm thánh 800 năm của Dòng Đaminh.
- Nhằm ngày 3 tháng 9: Lễ thánh Grêgôriô.
Tất cả những sự trùng hợp trên nhằm nhắn gửi mỗi một chị em học viện chúng con những ý hướng sau đây:
1. Hãy biết ký thác năm học mới này cho lòng thương xót của Thiên Chúa.
2. Mừng 800 năm hiện diện của Dòng Đaminh là Dòng giảng thuyết, mỗi người chúng ta ý thức việc nghiên cứu học tập Lời Chúa và những kiến thức về Giáo Hội, để có khả năng phục vụ cho mọi người mà chị em có dịp gặp gỡ.  Vì vậy là sinh viên của trường thần học Tôma, mỗi chị em học viện hãy ý thức: “học hành là khổ chế và việc học tập của chúng ta luôn gặp gỡ Thiên Chúa”.
3. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Grêgôriô, sau khi học biết về Chúa, chúng ta biết đem hết khả năng của mình để phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân và mưu ích cho các linh hồn như gương Ngài đã sống.  Trong cuốn huấn thị Thánh nhân đã viết: “Người ta leo núi không bằng những bước nhảy vọt nhưng bằng những bước chập chững”. “cho phép con người của mình dễ dàng với những niềm vui bề ngoài thì bên trong cũng sẽ dễ dàng đạt được”, đó là những gì nhắn gửi mỗi học viên phải luôn suy tư trong học tập. Chúng ta ý thức rằng việc đào tạo là một tiến trình không có điểm dừng, mang nhiều ý nghiã và không kém phần thử thách, khó khăn. Do vậy luôn đòi hỏi sự nỗ lực của cả thầy và trò, luôn nhiệt huyết tích cực và cùng với ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để đào tạo mỗi người trở nên những con người có ích cho Hội Dòng, cho Hội Thánh. Dẫu biết rằng thành công cũng chỉ là thành tựu trong hy sinh mà thôi. Nhưng với ơn sủng Chúa ban mỗi người chúng con sẽ hoàn thành tốt sứ mạng của mình. Nguyện xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ mỗi chị em chúng con, xin Ngài ban sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài giúp mỗi người chúng con luôn chu toàn những gì Chúa đã khởi sự hôm nay sẽ mang lại kết quả cho ngày mai tươi sáng.
Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng con, giải thoát chúng con khỏi những sợ hãi, khó khăn, nhút nhát. Và mang ơn Chúa Phục Sinh đến thổi vào chúng con ơn khôn ngoan và lòng can đảm, nhiệt thành và sẵn sàng dấn thân để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó qua bổn phận học hành và sứ vụ, để Chúa được vinh danh trên khắp mặt địa cầu.

Sr.M.JeanVianey

ĐIỆU CA CỦA NGƯỜI MÙ

Tôi vào đời không có màu sắc. Tôi đi trong biển đêm không giới hạn hoàng hôn hay bình minh. Cuốn lịch của tôi chỉ có một tờ, dài bằng cuộc đời. Tờ lịch mở ra là ngày sinh và bóc đi là ngày chết. Chiều lên hay chiều xuống, rừng thay mùa đổi lá, thửa vườn tôi vẫn không đổi thay. Bốn mùa đời tôi chỉ có vậy, vang vang một cung điệu trầm của bóng tối, ngày lẫn vào đêm.
Tôi vào đời trong không gian không có hình dáng. Mây về ngang trời hay mây đi xa, mùa thu êm ả hay hoa xuân rạo rực trên đồi, không gian tôi vẫn thế. Tôi không biết gần, không biết xa. Chung quanh tôi có khi cận kề mà như xa tít tắp. Có khi xa lắm mà lại như bên cạnh.
Tôi dò dẫm cuộc đời trong bước chân rất chậm. Tôi tìm tôi trong cuộc sống bằng tiếng nói của con tim chứ không thể bằng con mắt.
Bởi tôi mù, tôi không bao giờ biết thế nào là ánh sáng, nên ánh sáng của tôi là một thứ ánh sáng không nắm bắt được bằng ánh mắt của xác thân. Cứ mặt trời lên, mặt trăng về là vũ trụ tuần tự lên xuống theo ánh sáng. Ánh sáng trong trí tuệ mà thôi. Bởi thế, những gì con người nhìn thấy và gọi là ánh sáng thì không phải ánh sáng của tôi. Không so sánh được với ánh sáng thì bóng tối của tôi cũng khác. Do đấy, bóng tối của tôi cũng khác xa bóng tối được xác định bằng nhãn quang của con người. Lương tâm tôi xác định bóng tối cho tôi.
Với thân phận mù lòa, con mắt của tôi không phải là ngôn ngữ định nghĩa về bóng tối và ánh sáng. Tôi đi tìm ánh sáng và bóng tối trong lương tâm và trí tuệ
Từ bóng tối và ánh sáng trong tim tôi, tôi vào đời bằng điệu ca của người mù, điệu ca cũng đến từ con tim nơi tôi suy niệm về bóng tối và ánh sáng đó. Ðây là bài ca:
- Xin thương xót tôi! Xin thương xót tôi!
- Xin thương xót tôi! Xin thương xót tôi!
Tôi là người mù nên bị xếp chung một loại với những người mù khác. Mở Phúc Âm để nhìn lại những bức ảnh của người mù, người ta sẽ thấy bốn trường hợp Phúc Âm nhất lãm ghi lại cũng là bốn lần chúng tôi hát điệp khúc ấy.
Trong Tin Mừng Mátthêu lần thứ nhất:
Khi Ðức Kitô ra khỏi đó thì có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: “Lạy Con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt. 9:27)
Trong Tin Mừng Mátthêu lần thứ hai:
Có hai người mù ngồi ở vệ đàng; nghe biết Ðức Kitô đi ngang qua, thì họ kêu rằng: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt. 10:29-30)
Trong Tin Mừng Máccô:
Con của Timê là Bartimê, một người mù ăn xin, ngồi ở vệ đàng. Nghe biết là Ðức Yêsu Nazarét đó, thì hắn lên tiếng kêu rằng: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mc. 10:46-47)
Trong Tin Mừng Luca:
Có người mù nọ đang ngồi ăn xin ở vệ đàng. Nghe có đông người đi ngang qua, hắn dò hỏi cho biết chuyện gì thế. Người ta cho hắn biết là có Yêsu Nazareth ngang qua. Và hắn la lên rằng: “Lạy con vua Ðavit, xin thương xót chúng tôi!” (Lc. 18:35-38)
Những người mù chúng tôi không có bài ca nào khác. Trước chân dung Ðức Kitô, chúng tôi chỉ có điệu ca duy nhất. Chúng tôi chỉ lập đi, lập lại mãi:
- Xin thương xót chúng tôi! Xin thương xót chúng tôi!
Chúng tôi không nhìn thấy khuôn mặt của Ðức Kitô. Bao nhiêu người đã chứng kiến dấu lạ Ngài làm và tin Ngài. Ðối với kẻ mù lòa như chúng tôi, niềm tin của chúng tôi cũng khác lắm. Vì không bao giờ nhìn thấy, bởi đó, chúng tôi kiếm tìm niềm tin dựa vào lòng thương xót. Chúng tôi không thấy dấu lạ. Chúng tôi chỉ tin rằng Ngài có lòng thương xót. Và hễ nghe tin Ngài sắp đi ngang qua là chúng tôi kêu lên:
- Xin thương xót chúng tôi! Xin thương xót chúng tôi!
Ngày ngày ngồi ở vệ đường xin ăn, tôi chỉ biết về Ðức Kitô bằng cách lắng nghe tiếng người qua lại chuyện trò. Một người mù trong nhóm chúng tôi bị kết tội là do tội lỗi của cha mẹ hắn ta, hoặc có thể tội riêng hắn mà phải mù. Ngài bảo rằng không phải tội của ai cả. Nhưng là để quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện (Yn 9:1-41). Ðấy, Ngài lại có lòng thương xót.
Ngồi ở vệ đường, tôi nghe kể về Ðức Kitô đã đến với những kẻ khốn cùng như chúng tôi. Bị trách là tại sao vào thăm nhà những người thu thuế tội lỗi, thì Ngài bảo là người đau yếu mới cần thầy thuốc (Mc. 2:15-17). Gặp kẻ khốn cùng vì câm điếc, mù lòa, tật nguyền là Ngài xót thương họ ngay (Mt. 15:29-31). Bao nhiêu lần Ngài cứu chữa những người còng lưng, bất toại trong ngày Sabat (Mt. 12:9-14). Ngài không bảo chúng tôi về, ngày mai hãy tới vì Ngài phải coi ngày Sabat trọng hơn sự khốn khổ của chúng tôi. Lòng thương xót của Ngài không bao giờ là tình thương được định theo thời khóa biểu.
Ngồi bên vệ đường, tôi suy nghĩ về lòng xót thương. Tôi thấy lòng thương xót nào mà không phải chờ đợi bằng chương trình của những thời khóa biểu thì đấy là lòng thương xót thật. Tôi thấy chỉ vì thương xót chúng tôi mà Ngài mất đi niềm thương xót của các thầy tư tế, các kinh sư.
Cũng như những tháng ngày ngồi bên vệ đường, cũng bằng con tim thôi, tôi thấy lòng thương xót nào mà sẳn sàng chịu thương đau với người mình thương xót thì đấy là lòng thương xót thật. Những ngày thinh lặng bên chợ đời, cũng chỉ bằng con tim, tôi nhìn thấy chân dung Ngài. Làm sao màu sắc có thể vẽ được lòng thương xót? Tôi chỉ vẽ hình ảnh Ngài bằng điệu ca:
- Xin thương xót chúng tôi! Xin thương xót chúng tôi!
Những lời kêu của chúng tôi làm người chung quanh nhàm chán lắm: “Những kẻ đi trước quát bảo hắn im đi” (Lc. 18:39). Ðức Kitô không bao giờ chán nghe điệu ca ấy, không bao giờ từ chối bài ca của người mù chúng tôi. Ngài biết từng bước lần mò trong đời sống của kẻ mù lòa tội nghiệp như thế nào. Ngài không từ chối tiếng gọi của chúng tôi, vì trong điệu ca, chúng tôi đã gọi đúng tên của Ngài.
Tên Ngài là Ðấng hay xót thương. Và niềm tin của chúng tôi là tin Ngài là Ðấng hay thương xót.
******************************
Lạy Chúa, đọc trong Phúc Âm nhất lãm, chúng con đã thấy bốn trường hợp nhắc đến người mù là bốn lần có điệp khúc “xin thương xót chúng tôi.” Hôm nay, lập lại bài ca thương xót trước mỗi lần dâng lễ:
- Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con!
Là chúng con lập lại bài ca của người mù thủa xưa. Nhắc tới ánh sáng người mù đã nhìn thấy là lập lại lòng thương xót của Chúa. Họ đã nhìn thấy một tên gọi đẹp nhất để gọi Chúa: Chúa là Ðấng hay thương xót.
Ngày nào con yêu điệp khúc đó trong đời con là ngày đó con hạnh phúc. Nếu con không biết Chúa là Ðấng thương xót con, con sẽ lạc lõng.
Lạy Chúa, mỗi lần đi lễ, nghe điệp khúc ấy, con muốn Chúa cho con trong niềm tin, cậy, mến nói với Chúa rằng: Con hạnh phúc vì Chúa luôn thương xót con.
Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J


CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN - C

Ai trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa. Ai cũng muốn theo chân Chúa. Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không? Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.
Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc. Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời. Nhưng là một việc lâu dài. Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù”. Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao. Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng. Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li. Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh. Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng. Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.
Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng. Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa. Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không. Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự. Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất, không yêu mến thày. Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư. Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa. Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình. Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình. Điều này chắc chắn không dễ dàng. Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta. Người đã đòi hỏi chính mình trước. Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước. Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.
Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước. Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp. Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người. Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người. Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha. Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”. Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi”.
Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.


BỔN MẠNG THÁNG 9


THÁNG 9
NGÀY

LỄ
QUAN THẦY
21.09
Lễ thánh Mattheu, Tđ
* Chị Hồng Thịnh .
29.09
Lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần.

* Dì Trưởng .



 


* Ghi Chú:           

* Từ ngày 20/9 đến  28/9: Làm tuần cửu nhật, Mừng Kính Tổng Lãnh Thiên Thần  Gabriel. Bổn mạng Dì Trưởng.


* Từ ngày 28/9 đến ngày 06/10: Làm Tuần cửu Nhật, Mừng Lễ Mẹ Mân Côi. Bổn Mạng Hội Dòng

 


LỄ GIỖ CHA MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY
LỄ GIỖ

05.09

Giỗ ân nhân và thân nhân Dòng

08.09

Bà cố Catarina- Thân mẫu Dì Trưởng
09.09
Ông cố Giacôbê- Thân phụ Chị Thìn