THƯ LUÂN LƯU CỦA SOEUR BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN








                                                                     
Thư luân lưu – Tháng 12/ 2014


Chị em thân mến,

“Những người cậy trông vào Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân ” (Is 40,31)

Đây chính là động cơ của chúng ta trong Mùa Vọng.

Ước gì thời gian hoán cải này thúc đẩy chúng ta nhìn lại những thái độ gắn kết của chúng ta trong sự trung thành với Thiên Chúa, trong mối tương quan với chị em, trong những chọn lựa của chúng ta về những gì mà chúng ta không ưa thích lắm,  theo như kế hoạch của Chúa Giêsu.

Như thế, chúng ta sẽ được chuẩn bị để đón Chúa Hài Đồng 

đến gặp chúng ta trong bầu khí tràn đầy niềm vui.

Chúc chị em Mùa Vọng tốt đẹp.

Chúc chị em một Mùa Giáng Sinh và Năm Mới tràn đầy ân 

sủng của Chúa Hài Đồng !


Tôi chào hôn từng mỗi chị em.


Sr. Cléonice CARDOSO

Bề Trên Tổng Quyền

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG-B

Thiên Chúa viếng thăm dân Người
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Vào một buổi tối trong một kỳ nghỉ đông lạnh lẽo, một đứa bé trai khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài cửa sổ của một cửa hàng. Cậu bé không có giày để mang, quần áo của cậu thì rách rưới.
Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, cô nhìn thấy cậu bé và cô đọc được nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu bé. Cô nắm lấy tay cậu bé và dẫn cậu vào trong cửa hàng rồi cô mua cho cậu một đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm.
Sau đó cô dắt cậu trở ra và nói với cậu: "Bây giờ cháu có thể trở về nhà và có một kỳ nghỉ đông thật hạnh phúc".
Cậu bé chăm chú nhìn cô rồi hỏi: "Cô có phải là Thượng đế không?".
Người phụ nữ nhìn cậu bé, mỉm cười và trả lời: "Không cháu à, cô chỉ là một trong số đứa con của Thượng đế".
Quả thực, "chúng ta đều là những người con của Thương Đế thôi". Mỗi người chúng ta đều là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Hình ảnh Ngài là tha nhân, là bạn bè, là những người thân quen hay xa lạ mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Hình ảnh Ngài đang hiện diện qua những người yếu đuối, bất hạnh và nghèo khó đang cần chúng ta chăm sóc chở che. Có thể nói: Thiên Chúa cũng đang viếng thăm chúng ta qua những phận người đói rách lầm than, hay những phận đời bơ vơ túng quẫn trăm chiều. Thế nên, là con của Thiên Chúa chúng ta phải sống yêu thương nhau. Tình yêu sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại để có thể làm điều gì đó tốt đẹp nhất cho tha nhân. Tình yêu sẽ giúp chúng ta liên đới với nhau thay vì vô cảm thiếu trách nhiệm với nhau.
Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 2,000 năm, một thiếu nữ miền Nagiaret được vinh hạnh đón tiếp Thiên Chúa viêng thăm một cách rất âm thầm nhưng đầy thân tình. Người thiếu nữ ấy tên là Maria. Với lòng quảng đại và với lòng tin tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa, cô đã không để đánh mất cô hội ngàn năm có một là cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Cô đã nhanh nhẹn đáp lời bằng hai tiếng xin vâng. Có thể nói: lời thưa xin vâng lúc này là lời đẹp nhất trong cuộc đời cô. Lời thưa xin vâng không những đã làm nên trang sử mới trong cuộc đời cô mà còn đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới của lịch sử. Triều đại mới đã bắt đầu. Thời đại hồng ân đã khởi sự. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Ngày hôm nay Thiên Chúa vẫn đang viếng thăm dân Người. Ngài đang đến trong thân phận những con người nghèo khổ, bất hạnh đang cần giúp đỡ, cảm thông. Ngài đang đến trong thân phận những hài nhi yếu ớt đang cần sự đón nhận, chở che. Ngài đang đến trong thân phận những người già neo đơn, bệnh tật đang sống lây lất từng ngày. Ngài đang đến giữa chúng ta. Ngài cũng có thể đã từng bị chúng ta khước từ. Ngài đã từng bị chúng ta xua đuổi, chúng ta tẩy chay, chúng ta loại trừ. Ngài vẫn đang âm thầm đến ngỏ lời từng cuộc đời chúng ta. Hãy rộng lòng đón nhận Chúa. Hãy quảng đại để chấp nhận Chúa. Hãy dấn thân và phục vụ Chúa qua những anh em đang cần sự trợ giúp của chúng ta.
Vâng Thiên Chúa đã hạ sinh làm người và ở giữa chúng ta. Ngài không tự nhốt mình trong cung điện nguy nga tráng lệ, nhưng Ngài sinh ra giữa dân nghèo cùng cực. Ngài ở giữa những cảnh đời tha phương cùng cực nhất của nhân loại là "sinh vô gia cư, chết vô địa táng". Ngài ở giữa nhân trần để chia sẻ cảnh đời vốn dĩ vô thường và lắm nổi trôi. Ngài ở giữa chúng ta để trao ban tình yêu cho những người bất hạnh, ốm đau, bệnh tật, bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Ngài còn dành một tình yêu đặc biệt cho những người tội lỗi là phường thu thuế và gái điếm.
Hôm nay, Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy để cho Chúa được tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Hãy để cho Chúa làm chủ cuộc sống của mình bằng việc tuân hành thánh ý Chúa. Hãy noi gương Đức Mẹ, chúng ta hãy dọn cho Chúa một cung lòng để Chúa ngự trị. Hãy đón nhận Chúa. Hãy sống cho Chúa. Hãy phục vụ Chúa trong anh em.
Ước gì trong mùa Giáng sinh năm nay, lời cầu chúc Emmanuel không chỉ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mà ở cùng anh chị em chúng ta. Xin Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel luôn hiện diện sống động trong cuộc đời từng người chúng ta, xin Ngài ban tràn đầy niềm vui thánh ân trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh. Amen.

FIAT- LỜI THƯA CÓ SỨC MỞ ĐẦU CHO SỰ SỐNG NHÂN LOẠI


 Fiat – Lời thưa có sức mở đầu cho sự sống nhân loại


  1. Khung cảnh
"Bà Elisabeth có thai được 6 tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galile, gặp một trinh nữ đã thành hôn với ông Giuse thuộc nhà Đavid, trinh nữ ấy tên là Maria"( Lc 1,26-27). Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch cứu độ của Ngài. Ngài đã tìm được một tâm hồn đơn sơ ngay chính, đầy tin tưởng và khiêm tốn để mời gọi trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế. Qua Maria, Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để tỏ lòng thương xót đối với nhân loại cách đặc biệt. Thật vậy, Thiên Chúa hồi hộp chờ đợi giờ phút này như nhà vua cho người đi hỏi vợ cho hoàng tử, Ngài chăm chú nhìn vào Maria và chờ đợi sự ưng thuận của mẹ, Thiên Chúa đã hạ cố một cách tận cùng trong tình yêu dành cho nhân loại. Thánh Benado cũng đã nói đến điều này trong một bài giảng của mình:" Lạy Đức Trinh Nữ, xin mau trả lời, xin mau trả lời cho Thiên Chúa".

  1. Sứ điệp của Thiên thần và lời đáp trả của Đức Maria.
  1. Sứ điệp của Thiên thần
Lời chào của thiên thần rất lạ, đó không phải là lời chào thông thường như những  người Do Thái vẫn thường chào nhau, Thiên thần không dùng hạn từ Shalom - bình an, mà lại dùng hạn từ tiếng Hi Lạp là Chaire – mừng vui lên. Maria đã thật sự ngạc nhiên về điều này, vì Mẹ biết mình chỉ là một thôn nữ bình thường  mà lại được chào bằng một hạn từ cao quí. Hạn từ này đã xuất hiện trong lời tiên báo của ngôn sứ Xophonia: "Reo vang lên hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi"(Xp 3, 14-15).
Lời chào của thiên sứ không chỉ là chào vậy, mà lời chào này còn có những ý nghĩa to lớn. Một là nói lên tính phổ quát của thông điệp Kitô giáo, vì lời chào này không bị gò bó trong khuôn khổ Do Thái mà đã mở rộng ra: lời chào bằng tiếng Hi Lạp. Điều khiến cho thiếu nữ Xion hỉ hoan là Thiên Chúa ngươi ngự ở giữa ngươi hay nói chính xác là ngự trong cung lòng ngươi. Điều này có thể cho ta có suy tư rằng Đức Maria chính là thiếu nữ Xion mà Xophonia đã nhắc tới, như vậy ý nghĩa thứ hai của lời chào là tiếp nối hoàn toàn với lịch sử cứu độ. Ý nghĩa thứ ba của lời chào này là niềm vui đi đôi với ân sủng, thật vậy vì hạn từ này có chung nguồn gốc với từ ân sủng. Khi có ân sủng thì lòng người vui sướng và khi lòng hân hoan vui sướng thì lòng phải tràn đầy ân sủng.
Sau lời chào là một thông điệp mà thiên thần trao cho Maria. Nội dung chính của thông điệp là việc Thiên Chúa loan báo rằng đã đến lúc Ngài thực hiện lời hứa cứu độ mà xưa kia Ngài đã hứa sau khi nguyên tổ phạm tội. Và hôm nay – chính là lúc này - Thiên Chúa thực hiện lời hứa qua việc mời Mẹ cộng tác với Ngài hạ sinh Đấng Cứu Độ.

  1. Lời đáp trả của Đức Maria
Có nhiều giả thuyết cho rằng thiên thần hiện đến lúc Maria đang cầu nguyện, đang đi kín nước hay đang quét nhà, nhưng vấn đề đó không quan trọng cho bằng việc Maria thấy thiên thần hiện đến mà không hoảng sợ hay bỏ chạy. Maria đã can đảm ngay từ phút đầu tiên, đã anh hùng ngay từ lúc khởi đầu, vì vậy trong những giờ phút tiếp theo và giây phút quyết định cuối cùng, Maria vẫn giữ được nét tuy khiêm tốn nhưng dứt khoát khi thưa lời Xin vâng. Nghe lời chào của thiên thần, mẹ thoáng bối rối – đây là thái độ đầu tiên của mẹ khi đối diện với thiên thần - tuy vậy mẹ không hoảng sợ như Dacaria. Kinh nghiệm cho thấy là khi chúng ta vượt qua được giây phút ban đầu của sự việc thì chúng ta sẽ giữ được thế chủ động trong các vấn đề tiếp theo. Trường hợp Maria ở đây là đúng vậy, Mẹ đã giữ cho mình ở thế chủ động nên Mẹ bình tĩnh nắm bắt vấn đề cách chính xác. Đây là đặc tính riêng của Mẹ - bình tĩnh đón nhận vấn đề, suy đi nghĩ lại trong lòng và thấm nhuần, ăn sâu trong lòng Mẹ. Cũng chính do đặc điểm nổi bật này mà Mẹ xứng đáng trở nên hình ảnh của Giáo Hội: cũng ghi nhớ Lời Chúa, suy niệm trong ân sủng và tìm cách thấu hiểu Lời Chúa để áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của mình.
Cũng trong tâm thế chủ động, Mẹ bắt đầu đối thoại với thiên thần. Khác với Dacaria, Mẹ không hề tỏ ra nghi ngờ lời thiên thần tỏ cho Mẹ biết ý định của Thiên Chúa là muốn nhờ Mẹ để Ngôi Hai nhập thể và nhập thế. Thiên Chúa đã chấp nhận hạ cố một cách tận cùng vì thương chúng ta. Mẹ Maria cũng không hỏi về bằng chứng để biết được đó có chắc là ý Chúa không, điều này chứng tỏ Mẹ đã đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài. Câu hỏi mà Mẹ đặt ra cho thiên thần là câu hỏi về cách thức thực hiện lời hứa:" việc ấy sẽ xảy ra cách nào?". Sau khi được trả lời, Mẹ trong tâm tình phó thác tin yêu đã thưa lên lời Fiat – Xin vâng. Trong hoàn cảnh ấy, một đàng Mẹ đã suy đi nghĩ lại về giao ước của Thiên Chúa với dân tộc của Mẹ, về lời hứa cứu độ đã được các Ngôn sứ bao đời loan báo, đàng khác Mẹ cũng suy nghĩ đến mình, một thôn nữ hèn mọn, nghèo nàn. Đứng giữa hai thực tế giao tranh nhau, Mẹ đã can đảm, tự do và tin yêu để chiến thắng. Fiat – lời thưa có sức mở đầu cho sự sống nhân loại đã được Maria can đảm cúi đầu thốt ra. Trong tích tắc ấy, Trời và Đất đã được giao hòa, Con Thiên Chúa đã thân hành xuống ngự vào cung lòng thanh sạch của Mẹ. Có thể nói với sự việc này Mẹ những tưởng Mẹ đã thất bại trong việc quyết giữ mình đồng trinh nhưng Mẹ không thất bại trong đau khổ, trong chán chường mà là thất bại trong sự tự do của con cái Thiên Chúa, thất bại trong sự khiêm tốn đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa, trong niềm vui sướng hân hoan vì nhân loại sắp được giải phóng. Chính giây phút ấy, Thiên quốc hân hoan và trần hoàn nhảy múa, thiên thần vang hát và ma quỉ hãi hùng, Thiên Chúa tỏ lòng nhân ái và con người được đón nhận lòng nhân ái đó. Để tưởng thưởng cho Mẹ đã dám can đảm chịu "thất bại", Thiên Chúa đã ban cho Mẹ có được đặc ân mà không ai có thể có là tuy mang thai, hạ sinh con Thiên Chúa nhưng Mẹ vẫn được đồng trinh trọn đời như lòng Mẹ ước mong. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho Mẹ.

3. Tạm kết
Sau giây phút có thể nói là huy hoàng vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria vẫn tiếp tục sống những ngày còn lại của đời mình sau khi thiên thần từ biệt ra đi. Một cuộc hành trình đầy gian khổ, mồ hôi và nước mắt. Một hành trình đức tin trong đêm tối, chỉ được một ánh sao dẫn dường là Lời Chúa. Mẹ vẫn đi, vẫn can đảm chập nhận sự hiểu lầm của mọi người, đó có thể là ánh mắt trách móc của cha mẹ, cái nhìn thất vọng của Giuse, tia nhìn soi mói của dân làng Nazareth…….Trên hết những điều đó, Maria vẫn một niềm tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa, Mẹ không hề hé môi nói một lời giải thích cho sự việc này. Nước mắt chồng chất đau khổ, Mẹ đã cam chịu cho đến giây phút đau đớn nhất trên đồi Calve. Mẹ xứng đáng hưởng phần thưởng cao quí nhất vì Mẹ đã thưa tiếng Xin vâng trong suốt cuộc đời của Mẹ và trở nên gương mẫu cho những ai muốn sống theo Thánh Ý Chúa như Mẹ. Lạy Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con đáng hưởng lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.



BUỔI RA MẮT CỦA CHỊ TÂN BỀ TRÊN DỰ-TỈNH


Trong niềm vui mừng của Chúa Nhật III Mùa Vọng, chị em trong Dự-Tỉnh Đức Mẹ La vang cũng tràn đầy niềm vui và hân hoan quy tụ về Tu viện Long Khánh, trước tiên để mừng kính thánh nữ Lucia, bổn mạng  chị Bề Trên Dự-Tỉnh, đồng thời  đây cũng là lần đầu tiên chị Tân Bề Trên Dự-Tỉnh ra mắt các chị em trong toàn Dự-Tỉnh. Bên cạnh đó, nhân dịp kỷ niệm Kim Khánh giáo phận Xuân Lộc, chị em cũng kết hợp hành hương tại nhà thờ Chính Tòa của Giáo phận để lãnh nhận Ơn Toàn Xá. 
Trong thời tiết se lạnh của vùng Long Khánh, các chị em tại Sài Gòn, Xuân Đường, Xuân Lộc đã quy tụ về nhà thờ Chính Tòa để bắt đầu cuộc hành hương năm Thánh giáo phận Xuân Lộc. Đúng 9g30, cha  Quản Hạt Đaminh Ngô Công Sứ đã nói về ý nghĩa của những cuộc hành hương trong lịch sử Thánh Kinh. Tiếp đến là nghi thức thống hối trở về với Chúa để nhận được ân sủng Chúa  trong cuộc hành hương này. Ngay sau khi nghi thức hành hương kết thúc, cộng đoàn đã hiệp dâng thánh lễ sốt sắng và long trọng với bà con giáo dân giáo xứ Xuân Bắc cũng về hành hương giáo phận trong dịp này. 
Sau Thánh lễ, các chị em trong Dự-Tỉnh đã quay quần quanh chị Tân Bề Trên để mừng bổn mạng chị tại nhà khách của giáo xứ, với những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm cùng những món quà xinh xắn đã nói lên tất cả tâm tình dành cho chị Tân Bề Trên. Kế đến, cha Quản hạt đã ngỏ lời mời chị em ở lại dùng bữa cơm thân tình với các cha trong giáo xứ. 
Sau đó, chị em đã về tại tu viện Long khánh nghỉ ngơi. Vào đầu giờ chiều, lúc 14g, chị Tân bề Trên đã gặp tất cả chị em tại phòng hội của tu viện Long Khánh. Trong cuộc gặp gỡ ấy, chị mời gọi chị em cùng cộng tác và góp ý xây dựng cho chị, để chị có thể chu toàn sứ vụ mới mà chị em đã đặt để nơi chị.

Ngoài ra, cũng trong dịp này chị đã chính thức tuyên bố những chức vụ trong Dự-Tỉnh, và mời gọi các chị em tích cực góp tay cùng với các chị có trách nhiệm, để hỗ trợ nhau, cùng xây dựng Dự-Tỉnh ngày càng tốt đẹp hơn. Chị Bề Trên Dự-Tỉnh cũng cảm ơn chị Bề Trên tu viện Long Khánh cùng các chị em trong tu viện đã nhiệt tình tổ chức buổi gặp gỡ này, và góp phần rất lớn để chị em có niềm vui được hội ngộ đông đủ và trao cho nhau những tiếng cười sảng khoái.

Sau bữa gouté, chị em chia tay nhau trong niềm luyến tiếc để quay về với cộng đoàn của mình, tiếp tục một tuần sống mới với nhiều hy vọng và phấn khởi về tương lai sắp tới trong niềm tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa.

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG-B

Dấu chỉ Đấng Messia - Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Nhân loại qua mọi thời đại luôn ngưỡng mộ những con người sống phục vụ, sống dấn thân vì lợi ích đồng loại, nhưng đáng tiếc lại rất ít người dám cúi mình phục vụ tha nhân. Bản tính con người thường ham sướng sợ khổ. Con người luôn thích lánh nặng tìm nhẹ. Người ta sợ hy sinh. Người ta tìm hưởng thụ và sự an nhàn cho bản thân nên có mấy ai dám hiến dâng cuộc đời cho hạnh phúc tha nhân.
Dầu vậy, thế giới ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay vẫn còn đó những con chim én đang tìm đàn để tạo nên muà xuân tô thắm cho nhân loại. Đâu đó vẫn còn đó những người đơn độc một mình nhặt những cái đinh đang rải rác trên đường do bọn đinh tặc mất tính người rải ra. Đâu đó vẫn còn đó những người đang âm thầm đi đến phục vụ những bệnh nhân đang nằm thoi thóp trên giường bệnh mà thiếu người thân chăm sóc. Đâu đó vẫn còn đó những con người tình nguyện đem ánh sáng văn hoá cho các trẻ em nông thôn vùng miền núi xa xôi. Và đâu đó vẫn còn đó những con người đang cúi mình tắm rửa cho các bệnh nhân Sida hay các bệnh nhân tại các trại phong...
Tất cả những con người đó đang làm cho thế giới này đẹp hơn về tình người, ấm áp hơn tình đồng loại. Người ta kể rằng: có một cha già cố cả đời sống thanh bần để lo cho giáo dân. Ngài chẳng giữ lại cho mình cái gì. Ngài luôn cho đi tất cả. Ngài luôn chia sẻ cho người nghèo trong xứ cái ăn, cái mặc mà quên đi cả bản thân. Cho tới ngày ngài nhắm mắt xuôi tay, người ta muốn tìm một bộ đồ đẹp để thay cho ngài nhưng không tìm thấy. Lúc đó, người giúp việc bên ngài mới kể lại: Cha già đã cho đi tất cả, chỉ còn một bộ mặc trên mình và một số đồ cũ kỹ mà thôi. Đây chính là một mẫu gương sống đơn sơ và nghèo khó. Đây là một dấu chỉ của cuộc sống người môn đệ của Chúa. Một cuộc sống yêu thương, hiến dâng. Một cuộc sống không cần lo cho bản thân. Vì "cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu".
Đức Giêsu khi tỏ dấu hiệu cho muôn dân nhận thấy Ngài là Đấng Messia, Ngài đã tỏ mình ra trong thân phận một người tôi tớ phục vụ. Ngài đến trần gian trong thân phận một hài nhi yếu đuối. Ngài đã sống một cuộc đời nghèo nàn trong thân phận bác thợ mộc làng quê Nagiaret. Dấu chỉ duy nhất mà Ngài đã tỏ bày về thân phận Đấng Messia chính là: "Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng".
Cuộc đời chúng ta là một mùa vọng. Ngày nào Chúa cũng có thể đến với chúng ta. Lúc nào Chúa cũng có thể ngỏ lời cùng chúng ta. Vì vậy, hãy tỉnh thức. Vì Chúa sẽ không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một ánh mắt cảm thông. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Hãy tạ ơn Chúa qua những con người đang sống với chúng ta, đang hy sinh vì chúng ta. Hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta luôn được sống trong tình nghĩa thằm thiết của những người thân bên cạnh chúng ta. Họ chính là hiện thân của Chúa để yêu thương và phục vụ chúng ta.
Bên cạnh đó, Chúa cũng mời gọi chúng ta cũng trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Đó chính là lòng bác ái, là tình yêu thương. Đây là hiệu kỳ của người ky-tô hữu, là căn tính của người môn đệ Chúa Kitô, vì "người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy. Đó là các con hãy thương yêu nhau". Đặc biệt trong mùa này, mùa tình yêu, mùa của chia sẻ và trao ban. Vâng, lễ giáng sinh chính là lễ của tình yêu. Thiên Chúa mang lấy thân phận một hài nhi yếu đuối đang cần chúng ta chăm sóc. Ngài đang cần chúng ta tái diễn tình yêu của Ngài cho những người đau khổ, nghèo đói, tật nguyền. Ngài đang cần đôi tay của chúng ta để Ngài băng bó vết thương cho trần thế. Ngài đang cần đôi chân chúng ta để Ngài lại có thể ra đi đến với những ai đang thất vọng sầu khổ. Và Ngài cũng cần trái tim của chúng ta để Ngài lại có thể cảm thông, chia sẻ với những ai bất hạnh đang mang nặng gánh đau thương. Đây cũng là phương thế để chúng ta dọn đường cho Chúa đến với nhân thế hôm nay.
Xin Chúa chúc lành cho những dự định, ước mơ và công việc của chúng ta ngõ hầu người ta sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Thầy Chí Thánh Giêsu. Amen.

TU VIỆN BÌNH TRIỆU: THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG BỀ TRÊN DỰ-TỈNH

Sáng hôm nay, ngày 13/12, tất cả các chị em trong tu viện Bình Triệu đã hiệp dâng Thánh lễ mừng kính thánh nữ Lucia, bổn mạng Chị Bề Trên Dự-Tỉnh. Thánh Lễ do cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc, một người cha rất thân thương và gần gũi với Tu viện, cử hành trong bầu khí trang nghiêm, thánh thiện nhưng cũng không thiếu những tràng cười. 
Sau Thánh Lễ, chị Bề Trên Tu viện Bình Triệu đại diện chị em nói lên lời chúc mừng chị Bề Trên Dự-Tỉnh: cầu chúc Chị  đón nhận được nhiều hồng ân của Thiên Chúa để chị được sáng suốt, khôn ngoan và can đảm thi hành sứ vụ  mới  mà Chúa trao phó cho chị, và tất cả chị em sẵn sàng cộng tác với chị để chị có thể thi hành bổn phận của mình.


Sau đó, chị Bề Trên Dự-Tỉnh cũng có đối lời đáp từ, chị cám ơn cha Giuse đã không quản khoảng thời gian eo hẹp đến dâng Thánh lễ, cầu nguyện cho chị cách đặc biệt, chị cũng cảm ơn chị Bề trên Tu viện Bình Triệu đã tạo mọi điều kiện có Thánh lễ sốt sắng hôm nay và xin chị em tiếp tục cầu nguyện và cộng tác với chị, giúp chị thi hành trách vụ mà Chúa và Hội Dòng đã ủy thác cho chị. Để kết thúc, chị em cùng chụp hình lưu niệm chung với Cha Giuse và chị Dự-Tỉnh


LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II- MÙA VỌNG B

Gioan, con người thật lạ lùng
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm một con người thật lạ lùng. Lạ lùng từ khi được cưu mang. Lạ lùng trong cách sống. Lạ lùng đến nỗi cha ông là Zacaria đã không tin rằng mình sẽ làm cha vào tuổi bóng đã ngả về chiều. Lạ lùng vì ngay từ trong dạ mẹ ông đã reo lên khi Chúa đến viếng thăm. Lạ lùng vì ông sống khắc khổ nơi rừng vắng. Ông chỉ ăn châu chấu với mật ong. Lạ lùng vì ông được người đời ca tụng nhưng ông đã từ khước tất cả danh vọng chỉ nhận mình là tiếng kêu nơi hoang địa. Cuộc đời ông luôn khiêm tốn nhỏ bé để Chúa được lớn lên. Ông có tên gọi thật khiêm nhường là Gioan.
Tin mừng thánh Luca trình thuật về việc làm của ông cũng thật lạ lùng. "Có tiếng người hô trong hoang địa". Tại sao ông lại hô giữa nơi hoang địa? Hoang địa khô cằn lại lắm hiểm nguy? Hoang địa làm sao có kẻ qua người lại mà ông đến nơi hoang địa để hô vang dọn đường cho Chúa? Thế mà tiếng hô của ông lại đánh động lòng người. Hàng ngàn người đã ăn năn sám hối. Hàng ngàn người tìm đến với ông để canh tân, sửa đổi cuộc đời. Như vậy, hoang địa ở đây có thể không mang nghĩa địa lý. Hoang địa ở đây chính là sa mạc của lòng người. Cuộc đời đã khô cạn tình người. Giữa phố xá đông người nhưng con người vẫn cô đơn, thất vọng, chán chường bởi sự ích kỷ, lạnh lùng trong quan hệ giữa người với người. Đây là "một ngõ vắng xôn xao nằm trong thành phố lớn". Dù rằng thành phố có trăm ngàn ngõ ngách nhưng bởi tính ích kỷ và sự vô cảm nên xã hội vẫn đầy những ngõ vắng cô đơn của cuộc đời. Vâng, cuộc đời trở thành một hoang địa khi tình người đã mất. Khi người ta sống bên nhau nhưng không còn liên đới, chia sẻ với nhau thì con người vẫn cô đơn giữa lòng nhân thế. Cuộc đời trở thành một hoang địa khô cằn nên cuộc đời buồn nhiều hơn vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười.
Tiếng hô của ông đi xuyên qua hoang địa lòng người. Ông đề nghị sửa lại lối sống. Đường quanh co hãy uốn cho ngay thẳng. Người quanh co là người sống thiếu chân thật. Người quanh co thường có lối sống gian dối, điêu ngoa, sống lắc lẻo, lừa bịp. Ăn không nói có. Thêm điều đặt chuyện để hại người hại đời. Lối sống như vậy chỉ là một loại phá hoại sự yên ổn của xóm làng và gây chia rẽ khu xóm, chỉ khiến con người xa rời nhau. Làm sao có thể tin tưởng và yêu mến nhau nếu trong giao tiếp thiếu sự chân thành, lại còn thêm điều đặt chuyện? Gioan còn đề nghị phải lấp đầy thung lũng của lòng người. Vì "sông sâu còn có kẻ dò - Lòng người nham hiểm trùng khơi khôn dò". Do vậy, phải lấp đầy thung lũng của những ngăn cách, của những phân biệt giai cấp và nghi kỵ hiểu lầm. Và cuối cùng là hãy bạt đi núi đồi của kiêu căng, tự mãn để nhờ đó mà con người khắp năm châu sẽ nắm tay nhau hát vang câu hát của thanh bình. Đây cũng là cách thức duy nhất để Nước Thiên Chúa hiển trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa trải rộng đến muôn tâm hồn.
Vâng thưa anh chị em, thế giới hôm nay vẫn còn đó tiếng kêu đơn độc giữa phố phường. Có biết bao người sống cô đơn lây lất vì thiếu sự cảm thông nâng đỡ của anh em bạn bè. Có biết bao trái tim đang co thắt trong đau khổ vì sự nghi kỵ, kết án, tẩy chay của anh em. Có biết bao cuộc đời đang thất vọng buông xuôi vì sự bỏ vạ, cáo gian, vì sự lừa gạt và hãm hại của đồng loại. Có biết bao giọt nước mắt vẫn rơi rớt trên giòng đời vì vô ơn bội bạc, vì sự bất trung, bất hiếu của những người thân trong gia đình. Và vẫn còn đó, còn rất nhiều những nỗi đau là hệ quả của một thế giới hoang địa khô cằn tình người.
Mùa vọng giáo hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để nhận ra tiếng kêu cầu cứu của tha nhân. Hãy yêu mến tha nhân trong tình yêu chân thành, đừng lường gạt lẫn nhau, hãy sống thật lòng với nhau. Hãy xóa đi những hố sâu của nghi kỵ, hiểu lầm để sống cảm thông và tha thứ cho nhau, đừng gây chia rẽ và tạo nên những hố sâu của bất đồng, của oán hận hờn căm. Hãy xan bằng những ngăn cách bởi kiêu căng tự mãn bằng một đời sống hoà hợp với nhau trong tình anh em có chung một cha trên trời.
Ước mong mỗi người chúng ta hãy sửa lại lối sống cho phù hợp với tin mừng cứu độ, để thiết lập một màu xanh yêu thương và ngập tràn niềm vui và hạnh phúc thay cho sự khô cằn của sa mạc tình người.
Nguyện xin Đấng Emmanuel, là Đường là sự thật và là sự sống dẫn dắt chúng ta đi trong hồng ân của Ngài, ngõ hầu mỗi người chúng ta sẽ được hưởng một mùa xuân của hoa công lý và tình thương nở rộ khắp nhân trần. Amen.