LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

Thân xác và linh hồn.
Suy niệm của John W. Martens
Văn Hào SDB chuyển ngữ


“Ta sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết” (Ga 6,40).



Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra? Đây là vấn nạn chúng ta thường đặt ra, đặc biệt đối với các Kitô hữu, khi mọi người đều hướng vọng về sự sống mai sau. Nhưng trước khi thân xác chúng ta được phục sinh trong ngày sau hết, trong thời gian chuyển tiếp, điều gì sẽ xảy ra. Khi chúng ta giã từ trần gian, chúng ta sẽ đi về đâu? Đây là điều thường gây ngộ nhận, nếu chúng ta không quán triệt giáo lý của Giáo hội. Hồi còn nhỏ tôi vẫn nghĩ tưởng về sự phục sinh mai sau, và cho rằng khi tôi chết, tôi sẽ được sống lại ngay lập tức trên quê trời, cùng với tất cả những ai đã được quyền năng của Chúa cho sống lại. Đây không phải là cái nhìn theo quan điểm Kitô giáo. Tuy nhiên nhiều Kitô  hữu vẫn ngộ nhận rằng sau khi chết, chúng ta sẽ sống trên quê trời, tuy không mang hình hài thân xác, nhưng linh hồn chúng ta được giải thoát khỏi những ràng buộc của thể lý, và đó cũng là cuộc sống mà mọi người phải hướng vọng về. Cuộc sống mai hậu, khi thân xác chết đi, là một điều rất khó giải thích, bởi vì những bản văn Kinh Thánh chỉ nói tới cách rời rạc, và không nhất quán đưa ra một cắt nghĩa tổng thể. Về cuộc sống chúng ta sau khi chết đi, Kinh Thánh chỉ mặc khải một cách tiệm tiến và dần dần.
Những người Do Thái cổ đại không đặt trọng tâm vào thế giới mai sau, nhưng họ chỉ nhắm đến cuộc sống hiện sinh với những phần thưởng và chúc lành từ nơi Thiên Chúa. Đó là một cuộc sống trường thọ của ngày hôm nay, được đông con nhiều cháu, được dư dật của cải, cụ thể có đầy tràn hoa màu ruộng đất và đàn gia súc dư giả. Theo quan niệm cổ xưa, người chết sẽ xuống âm phủ, là nơi không phải để thưởng phạt, nhưng chỉ là nơi bóng tối của sự chết bao trùm khi chúng ta an giấc ngàn thu.
Cựu ước rất ít nói về sự phục sinh. Mãi về sau này, trong các bản văn thuộc thế hệ sau lưu đầy, khi dân Israel trở về kiến thiết lại Giêrusalem, sự phục sinh thân xác mới được nhắc tới. Vài thế kỷ trước công nguyên, dần dần xuất hiện sự phát triển quan điểm về số phận muôn đời của người đã chết. Muộn thời sau này, người Do Thái mới có tư tưởng, tuy không hệ thống hóa, nhưng nhấn mạnh rằng trọn vẹn con người chúng ta, cả xác lẫn hồn, sẽ được chỗi dậy trong ngày sau hết.
Trong khi khá ít những tư tưởng nói về cuộc sống con người sau cái chết để chờ đợi được phục sinh, thì tác giả sách Khôn ngoan, bộ sách đã được viết vào khoảng từ năm 30 đến năm 40 trước công nguyên tại Alexandria, thành phố nói tiếng Hy Lạp, có đề cập đến “linh hồn những người công chính” đã chết. Tác giả viết “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi. Khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng ta tưởng là họ bi tiêu diệt. Nhưng thật ra họ đang hưởng bình an (Kn 3 1-3). Quan niệm âm phủ không còn nữa, nhưng thay vào đó, là tình trạng con người thoát khỏi cực hình và được an bình. Toàn bộ trình thuật đưa ra một tiến trình phán xét sau khi chết, và nói về sự hiện diện tiếp mãi của Thiên Chúa. Nhưng bản văn cũng tiên báo một Vương quốc của Thiên Chúa trong tương lai, khi đó linh hồn người công chính sẽ thống trị muôn dân nước và xét xử muôn dân tộc, và Đức Chúa sẽ cai trị họ đến muôn đời (Kn 3, 7-8).
Đối với người Kitô hữu, Vương quốc tương lai này sẽ được khai mở khi Đức Giêsu trở lại, lúc đó tất cả mọi người, kẻ sống cũng như kẻ chết, sẽ được tham phần vào sự sống lại của Đức Kitô nơi thân xác họ. “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại (Rm 6,5). Đức Giêsu đã nói về sứ mạng cứu thế của Ngài, khi chiến thắng tội lỗi và sự chết “ Quả thật, đây là ý muốn của Cha tôi, những ai thấy Chúa Con và tin vào Người Con, sẽ có sự sống đời đời, và ta sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết”.
Tất cả những ai còn sống trong thân xác trần thế, chúng ta đợi chờ cái chết chắc chắn sẽ đến, và hướng vọng về Vương quốc mai sau trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ cũng ngóng đợi sự viên thành của Vương quốc nước trời, khi hồn và xác được kết hiệp lại để sống muôn đời. Sách Giáo lý Công giáo, điều 1005, cũng cắt nghĩa theo lời dạy của Thánh Phaolô, với một viễn cảnh tràn trề hy vọng: “Để được chỗi dậy với Đức Kitô, chúng ta phải chết với Đức Kitô, tức là chúng ta phải xa lìa thân xác để được cư ngụ với Chúa”. Sự chia lìa tạm thời này, chính là cái chết, khi thân xác tách rời khỏi linh hồn. Linh hồn sẽ được kết hiệp lại với thân xác trong ngày kẻ chết sống lại. Vì thế, cùng với những linh hồn công chính đã ra đi trước chúng ta, các Kitô hữu sẽ chờ đợi Vương quốc của Thiên Chúa, nơi đó tất cả sẽ được viên toàn, và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh, hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng. Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong, mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời. Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt: giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp, hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình... Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna. Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein. Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia. Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ. Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh, vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai. Các mối phúc là con đường nên thánh. Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi. Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa, có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài. Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác, có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành, có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội, nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người. Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại. Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc. Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời. Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt. Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.” Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện. Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài. Nên thánh là đáp trả lời mời đó. Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì. Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống, là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình để sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân. Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại. Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao, là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình, dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa. Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em, là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình. Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng. với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại, với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối. Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi. Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con phó mặc con cho Cha, xin dùng con tùy sở thích Cha. Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn. Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả. Miễn là ý Cha thực hiện nơi con và nơi mọi loài Cha tạo dựng, thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa. Con trao linh hồn con về tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha, lạy Chúa Trời của con, với tất cả tình yêu của lòng con, Vì con yêu mến Cha, vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha, thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha, không so đo, với một lòng tin cậy vô biên, vì Cha là Cha của con. (Chân phước Charles de Foucauld) 
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

HAI CHỊ HỌC VIỆN ĐẠT HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2013-2014

Các chị em Học Viện đang theo học khóa trung cấp sư phạm tại trường Trung Cấp Đông Dương đã khai giảng năm học mới vào tối thứ sáu ngày 24.10 vừa qua. Trong dịp này  nhà trường cũng đã khen thưởng cho các sinh viên có học lực giỏi trong năm học vừa qua. và Dự-Tỉnh chúng ta vinh dự có 2 chị nằm trong top những học sinh giỏi này, chị Hồng Thịnh và chị Hồ Thị Xuyên. Mặc dù, các chị vừa theo học Thần Học vừa theo học khóa Mầm Non, nhưng các chị đã cố gắng chu toàn bài vở, và nổ lực học tập để đạt kết quả cao trong sứ vụ học hành của mình. Xin được chung vui và chúc mừng các chị, cũng như tiếp tục cầu ngyện cho các chị có nhiều ơn Chúa, đẩ các chị có đủ sức khỏe chu toàn việc học tập của mình.

LỜI CHÚA CN XXX- TNA

TÌNH YÊU LÀ TẤT CẢ
Suy niệm của Barbara E. Reid OP.
Văn Hào SDB, chuyển ngữ

“Thưa Thầy, giới răn nào trọng nhất” (Mt 22,36).
Khi tôi hướng dẫn các sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, tôi luôn hỏi xem các em có thể tóm tắt bài luận văn bằng một câu đơn giản được không. Cũng tương tự, khi  các sinh viên thuyết trình một đề tài gì, tôi luôn bắt các em phải tóm tắt đề tài đó bằng một câu ngắn. Nếu các em không làm được điều này, chứng tỏ các em chưa nắm bắt được nội dung những gì các em sẽ trình bày.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu, trong lề luật giới răn nào quan trọng nhất. Họ muốn Đức Giêsu tóm tắt những điều luật bằng một câu giản đơn. Câu chuyện được thánh Matthêu kể lại hôm nay là giai thoại thứ ba trong bốn giai thoại được thánh ký ghi lại nơi chương 22. Những đầu mục Do Thái giáo đưa ra những cái bẫy nhằm bắt bẻ Đức Giêsu. Trình thuật này khác với những câu chuyện mà Luca hay Marcô ghi lại (xem Mc 12, 28-34; Lc 10, 25-28). Trong Luca hay Marcô, những câu hỏi đưa ra phát xuất từ sự chân thành chứ không phải mang tính gian dối hay giảo quyệt, và Chúa Giêsu đã trả lời với những huấn dụ rất khẳng quyết.
Nơi trình thuật Matthêu, câu hỏi mà những người biệt phái nêu ra để thử Đức Giêsu được diễn bày theo hai dạng thức. Dạng thức thứ nhất, các giới răn đều quan trọng và mọi người phải tuân giữ. Nếu Đức Giêsu chỉ nhấn mạnh đến một giới răn, và tỏ ra khinh suốt đối với những điều khoản khác, họ sẽ bắt bẻ Ngài. Vả lại, theo dạng thức thứ hai, những người biệt phái thử xem Chúa Giêsu có tài năng giống với những thầy dạy đương thời nổi tiếng khác hay không, bởi vì những kinh sư Do thái  rất dễ tóm tắt các điều luật. Ví dụ, thầy Rabbi tên là Hillel, đã tóm tắt các giới răn như sau “Những gì bạn ghét bỏ, không muốn người ta làm cho mình, bạn cũng đừng làm cho người khác (Sabb 31a). Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đưa ra một định thức tương tự để tóm kết các điều luật “Những gì anh em muốn người khác làm cho mình, anh em hãy làm cho họ, và đây là lề luật, là lời các ngôn sứ (Mt 7,12). Ở đây, Đức Giêsu cũng hé mở một khía cạnh khác của cùng một vấn đề: Đó là phải thực thi tình yêu dành trao cho Thiên Chúa.
Giới lệnh “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết  trí khôn, hết sức lực”, cũng đã được nói tới trong sách đệ nhị luật (Dnl 6, 4-9), tức sách Shema , mà những người Do Thái mỗi ngày vẫn phải đọc đi đọc lại hai lần. Phải yêu mến Thiên Chúa với trọn vẹn con người mình. Yêu mến với tất cả cõi lòng, tức là thể hiện những tình cảm sâu xa nhất. Yêu mến với hết linh hồn, tức là tình yêu phát nguồn từ căn rễ mọi sức sống nơi ta. Đồng thời cũng phải yêu mến với tất cả ý thức và sức lực của mỗi người. Giới lệnh yêu thương tha nhân cũng được trích dẫn từ sách Lêvi 19,18 nói về những điều luật thánh thiêng. Giới lệnh này muốn minh thị rằng cách biểu tỏ cụ thể tình yêu đối với Thiên Chúa chính là thương yêu đồng loại. Thực sự đây không phải là hai giới răn, nhưng chỉ là hai khía cạnh của một thực tại duy nhất: đó là Tình yêu.
Đoạn văn này không nói một cách minh nhiên, như nhiều đoạn văn khác trong Kinh Thánh, khi muốn nhấn mạnh rằng, tình yêu đối với Thiên Chúa luôn phải được đặt vào chỗ tối thượng nơi ta. Trước khi chúng ta có thể diễn bày tình yêu đối với Chúa, và tình yêu đối với cận nhân, thì chính Thiên Chúa đã đi bước trước, đã gợi lên sáng kiến để giúp ta am tường về tình yêu Ngài. Khi chúng ta trải lòng mình ra để đón nhận tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, sống thật sung mãn và ngập tràn tình yêu Ngài, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ biết cách đáp trả tình yêu đó, và dàn trải tình yêu như thế cho mọi người. Khi tình yêu linh thánh của Thiên Chúa chiếm ngự nơi chúng ta, chúng ta dễ dàng quy phục Ngài và chúng ta sẽ tự hỏi giống như tác giả Thánh vịnh đã diễn tả “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?”(Tv 116,12). Câu trả lời rất giản đơn: Tình yêu. Tình yêu đáp trả tình yêu.  Tình yêu đó hướng đến cả hai đối tượng bất khả phân: Thiên Chúa và tha nhân.
Ngày nay, với cảm thức sâu xa về một thế giới đại đồng rộng khắp, chúng ta xem tất cả mọi tạo vật chung quanh đều là những cận nhân cần được yêu mến. Chúng ta có thể gồm tóm ngay cả việc yêu thương chính mình vào phạm trù này, cho dù theo não trạng của thế giới Kinh thánh, điều đó khá xa lạ. Họ không hiểu yêu thương chính mình, theo cách diễn đạt ý niệm sống cá nhân chủ nghĩa, nhưng theo họ, ý niệm này trải rộng trước hết đến gia đình riêng của họ, đến một đoàn thể, hay một tổ chức tôn giáo nào đó mà họ tham gia. Họ luôn phải lệ thuộc vào người khác, trong khi vẫn luôn phải khẳng định chính mình. Chúng ta biết giới răn lớn nhất là yêu thương, nhưng trong thực tế, điều này không dễ dàng  thực hiện. Thánh Augustinô đã khuyên mời chúng ta “Bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm – Ama et fac quod vis (Trích bài giảng thứ 7 về thơ thứ nhất của Thánh Gioan). Khi bị vặn hỏi về sự hiểu biết và thực hành giới răn của Thiên Chúa như thế nào, Đức Giêsu đã trả lời cho những biệt phái, để họ biết rằng giới răn đó không phải chỉ được Ngài công bố trên môi miệng một cách lý thuyết, nhưng đã được thực hiện trong suốt cuộc đời Ngài. Chúng ta cần phải sao chép lại cách thực hành đó trong cuộc sống chúng ta ngày hôm nay.
Barbara E. Reid OP.

CUỘC THI CẮM HOA : CÁNH HOA DÂNG MẸ

Chuẩn bị vật liệu
Sáng thứ bảy ngày 25.10 vừa qua, tại tu viện Bình Triệu đã diễn ra cuộc thi cắm hoa nghệ thuật với chủ đề " Cánh Hoa Dâng Mẹ". 
ngay từ sáng sớm, không khí hân hoan nhộn nhịp đã tràng ngập khắp tu viện. Sau giờ cơm sáng, các em Nhà Thử và Tuyển Sinh đã cùng nhau chuẩn bị cho cuộc thi: người thì cắt lá, người thì chuẩn bị chậu, lọ, giỏ cắm hoa, còn người thì lo khăn nước chho các giám khảo. Ai cũng nhiều việc, nhưng nét mặt ai cũng tràn ngập niềm vui.
Dì Hai chào đón Ban Giám Khảo
 Bắt đầu từ 08g00, ban giám khảo lần lượt xuất hiện làm tăng thêm phần long trọng cho buổi thi, cha Tổng Phụ Trách của Tu Đoàn Nhà Chúa cũng đã hiện diện để khuyến khích các thí sinh dự thi. đúng 8g30, thầy Vinhsơn Hòa Đức-thầy phụ trách giảng dạy của khóa học Cắm Hoa- đã bắt đầu chương trình. Sau tiếng chuông của Dì Hai, các thí sinh- các em Nhà Thử và Tuyển Sinh, ngoài  ra còn có sự tham gia của các sơ trong dòng Philippin- đã bắt đầu thực hiện tác phẩm của mình. 

Sau một giờ mười lăm phút, các em đã hoàn thành tác phẩm của mình và trình bày cho ban giám khảo cùng các khán giả thưởng thức. tác phẩm nào cũng đẹp mắt và đầy ý ngĩa với phần thuyết trình của các thí sinh.
Vì thế, ban giám khảo đã rất vất vả và rất khó khăn trong việc chọn ra tác phẩm nào xuất sắc nhất để trao giải. Sau khi đã hội ý kỹ lưỡng, cuối cùng ban giám khảo cũng chọn ra sáu tác phẩn đoạt giải, gồm có: giải nhất, giải nhì, giải ba và ba giải khuyến khích.
Sau đây là danh sách các chị em đoạt giải:
ban giám khảo hội ý











- Giải nhất: chị Matta Trương Thị Thìn 
- Giải nhì: chị Maria Võ Thị Thu Cúc
- Giải ba: chị Têresa Đỗ Thị Hường
   Giải khuyến khích: chị Anna Trần Thị Bích Phượng
                                Chị Maria Đỗ Thị Thiều
                                Chị Maria Võ Thị Hải

NGÀY KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Sáng chúa nhật 19/10/2014, ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, giáo phận Xuân Lộc long trọng tổ chức thánh lễ tiếp nhận 917 Anh Chị Em Dự Tòng, lãnh nhận bí tích thánh tẩy và thêm sức tại nhà thờ giáo xứ Hà Nội, giáo hạt Hố Nai.
Hòa cùng sinh hoạt chung của giáo phận, Hội Dòng chúng ta cũng đã có những công việc cụ thể tham gia tích cực trong ngày lễ đặc biệt này.
Một số chị em Vĩnh Khấn và Học Viện đã phải thức dậy từ rất sớm, không quản ngại đường xá xa xôi, vượt hàng chục cây số từ Long Khánh về giáo xứ Hà Nội, hạt Hố Nai để góp phần nhỏ bé của mình trong ngày Khánh Nhật truyền giáo. Công việc của các chị rất đơn giản là gửi đến cho từng người tờ bướm chương trình của ngày lễ. Dù thời tiết mỗi lúc càng trở nên nắng hơn nhưng tại cổng ra vào, trên khuôn mặt các chị luôn rạng rỡ nụ cười. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, nhìn thấy ai cũng có trên tay mình tờ chương trình của ngày lễ để cùng ngân nga theo lời bài ca, mọi người cùng nhìn vào hướng dẫn trong tờ chương trình để cùng thưa, đáp rất nhịp nhàng góp phần làm cho Thánh lễ thêm trang nghiêm và sốt sắng, các chị ai cũng vui với công việc nhỏ bé của mình, thiết nghĩ mình cũng đang góp phần rao truyền Tin Mừng của Chúa.
Các em nhà thử và tuyển sinh đã tham gia chương trình thánh ca, diễn nguyện trước Thánh lễ với tiết mục múa: “Bước chân loan báo Tin Mừng”. Với vũ điệu sinh động, nhịp nhàng, vui tươi với ca từ lắng đọng dẫn mọi người chuẩn bị tâm hồn sốt sắng bước vào Thánh Lễ.
So sánh với các Hội dòng lớn khác, thì Hội Dòng của chúng ta thật nhỏ bé. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia vào công tác này thì quả thật là một dấu ấn, một điểm nhấn để Dự-Tỉnh của chúng ta làm mới mình và phát triển.

Ước mong Dự Tỉnh Đức Mẹ La Vang của chúng ta ngày càng gắn bó, đoàn kết, yêu thương và phát triển, tham gia tích cực và cụ thể hơn nữa trong việc giới thiệu về Chúa trong giáo phận và Giáo Hội toàn cầu



HỌC SỐNG CÓ Ý NGHĨA



Ngày xưa tôi đi tu chỉ sợ nhất một điều đó là sống cộng đoàn. Các cha định nghĩa cho tôi nghe là nếu muốn đi tu thì tôi phải giỏi một cái gì đó, vì tôi phải sống chung với rất nhiều người, tôi mà không giỏi thì sẽ bị loại ra, hay còn nói cách khác là không có ơn gọi. Mới nghe tôi đã thấy nản rồi, vì xét lại mình tôi không thấy mình giỏi được cái gì cả, chỉ giỏi khóc nhè thôi (hic). Thế mà do hoàn cảnh đẩy đưa, mà bây giờ tôi mới nghiệm ra đó là Thánh Ý Chúa, tôi đã đi tu, mà khốn nỗi lại tu Dòng Đaminh, một Hội Dòng đề cao đời sống cộng đoàn.
Thời gian qua mau, bây giờ tôi đã lớn, ý niệm về đời tu cũng đã thay đổi nhiều, tôi không còn thấy sợ phải sống chung nữa, không khéo bây giờ cho tôi sống riêng thì tôi lại sợ hơn là sống chung. Qua những giai đoạn của "đời dâng hiến", từ ngữ này thay thế cho "đời tu", tôi đã từng bước cảm nhận đời dâng hiến mà không có đời sống cộng đoàn là một sự thiếu sót trầm trọng. Nói như vậy là tôi không hề có ý bác bỏ hay không đồng thuận với các Thánh tổ phụ đời xưa, vì chưng mỗi một thời đại, con người lại có những thay đổi cho phù hợp với thời thế, do đó đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi.
Một vài ý tưởng về đời sống cộng đoàn mà tôi cảm nhận được trong những năm sống vừa qua, xin được phép chia sẻ với mọi người, cũng mang chút hi vọng là có thể giúp ích được cho một ai đó.

1.     Chúng ta sống cộng đoàn với chính mình
Thuở còn bé, tôi được nghe câu chuyện này: Một hôm, tay trái nói với tay phải rằng: "tớ phải làm việc rấy là vất vả: nào viết bài, nào làm dấu, nào gọt trái cây…, còn cậu thì sung sướng quá, chẳng phải làm việc gì". Tay trái nghe xong thì buồn lắm, nó khóc suốt một đêm rồi quyết định rằng đã vậy thì từ nay nó không giúp tay phải bất cứ điều gì nữa. Sáng hôm sau con người thức dậy, và con người thấy ngay là có sự bất tiện vì tay phải thì cầm bàn chải đánh răng nhưng tay trái thì không cầm được ly nước, phải đánh răng rửa măt một tay, con người rất là khó chịu. Rồi đến lúc mặc áo, chỉ một tay phải thôi, con người không thể nào cài cúc áo được, nên con người đành mặc chiếc áo thun nhăn nhúm đến trường. Tời giờ tập vẽ mới đúng thật là hết sức chịu nổi, tay phải cầm bút chì nhưng tay trái không chịu giữ tờ giấy, thế là loay hoay mãi cả buổi mà con người không thể vẽ được một tác phẩm nào. Quá tức giận, con người ném cây bút chì vào góc tường. Đến lúc này thì tay phải đã nhận ra sai lầm của mình khi cho rằng tay trái là vô dụng, nó nhẹ nhàng đến bên tay trái và lí nhí nói lời xin lỗi. Tay trái không còn giận tay phải nữa và nó lại chịu giúp đỡ tay phải trong các công việc hằng ngày mà con người cần đến cả hai tay.
Sống cộng đoàn với chính mình là thế đấy. Thiên Chúa không lầm khi Ngài dựng nên con người có hai tay chứ không phải một tay, có hai mắt chứ không phải một mắt, có một cái miệng chứ không phải hai cái miệng…mỗi bộ phận trong thân thể chúng ta đều có bổn phận riêng của nó nhưng không có nó thì không được.

2.     Chúng ta sống cộng đoàn là sống với nhau

Một món ăn mà ngày nay hầu như các bạn trẻ rất ưa thích là món bánh tráng trộn. Món ăn này có thể là một minh họa rất tuyệt cho đời sống cộng đoàn. Ai đã từng ăn món này thì biế rất rõ rằng món này ngoài bánh tráng ra còn có rất nhiều phụ gia đi kèm: muối tôm, xoài, sa tế, khô mực, rau răm…và nếu nó chỉ có mỗi bánh tránh thôi thì nó sẽ không được gọi là bánh tránh trộn. Món bánh tráng trộn đơn giản nhất thì cũng có ít nhất là 3 nguyên liệu là bánh tráng, muối tôm và tắc.
Cũng thế, đời sống cộng đoàn cũng bao gồm mình và những phụ gia khác kèm theo là anh chị em của Dòng mình, lớp mình, nhóm mình…Cũng như món bánh tráng trộn muốn ngon thì phải trộn lẫn với nhau, ăn riêng từng thứ sẽ vô cùng dở thì đời sống cộng đoàn cũng vậy, chúng ta sống chung với nhau thì cũng chia sẽ cho nhau những vui buồn, cay đắng, mặn ngọt…của cuộc sống, để những điều đó trộn lẫn với nhau sẽ cống hiến cho đời một của lễ hi sinh cao cả.
Một đặc điểm khác của món này nữa là từng gia vị  tuy trong cùng một món ăn nhưng lại không thể lẫn vào nhau được. Đời sống cộng đoàn cũng thế, chúng ta sống chung nhưng không vì vậy mà chúng ta mất đi sự riêng biệt của mình. Một mặt chúng ta tôn trọng những nét nổi bật của anh chị em chúng ta, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải sống cái riêng của mình. Mỗi một người là một tác phẩm độc đáo của Thiên Chúa, do đó đừng để mất đi cái hồn sống riêng mà Chúa chỉ ưu ái cho riêng mình thôi.

3.     Chính Thiên Chúa cũng sống cộng đoàn
Từ bé chúng ta đã nghe dạy rằng Thiên Chúa chỉ có một nhưng Ngài có đến Ba Ngôi, đây là một mầu nhiệm mà ngay đến Thánh Augustino suy niệm còn không ra, cho nên mình cũng không dám "qua mặt" ngài để suy tư về mầu nhiệm ấy. Mình chỉ muốn nêu ra đây để minh chứng rằng Thiên Chúa cũng sống cộng đoàn như chúng ta vậy. Vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Ngài, cho nên vì thế chúng ta ngày nay cũng được mời gọi sống như Ngài – sống cộng đoàn – tuy rằng chúng ta còn ở thế gian nên đời sống cộng đoàn của chúng ta còn nhiều hạn chế.

4.     Sống có ý nghĩa
Một vài suy nghĩ vẩn vơ sau những năm sống đời thánh hiến xin được chia sẻ cùng mọi người. Một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, và biết đâu câu hỏi mà Chúa đặt ra cho chúng ta khi chúng ta đến trình diện Ngài là : người anh chị em của con đâu rồi?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong một nhạc phẩm của ông: ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Chúng ta không phải là sỏi đá, chúng ta biết suy nghĩ, có tự do, cho nên thật tốt biết bao nếu chúng ta chọn cho mình một đời sống có ý nghĩa, biết quan tâm đến nhau, bỏ bớt cái tôi để hướng đến cái chúng ta, cho dù có những lúc thấy thật cay đắng trong lòng. Món bánh tráng trộn đôi khi có cay một chút nhưng cay mới ngon phải không? Đời thánh hiến những lúc cay đắng mà chúng ta vẫn can đảm nuốt trôi thì đời chúng ta mới thực sự có ý nghĩa.

Hoa Đất

MÓN QUÀ VÔ GIÁ

mom-qua-vo-giaCó những món quà bạn không cần phải mua nhưng lại vô cùng ý nghĩa và có giá trị lớn lao khi bạn trao tặng cho bạn bè, người thân và cho cả chính bạn...

● Món quà của SỰ LẮNG NGHE.

Hãy thật sự lắng nghe, chia sẻ những nỗi đau, tâm sự vui buồn cùng người khác. Hãy lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng tất cả tấm lòng.

● Món quà của SỰ QUAN TÂM.

Hãy dành thời gian để quan tâm đến người thân, bạn bè đồng nghiệp, xem những vấn đề của họ như là của chính bạn. Hãy để mọi người cảm nhận tình cảm của bạn qua những hành động bạn thể hiện hàng ngày.

● Món quà từ SỰ TRÌU MẾN:

Hãy thể hiện sự trìu mến với những người thân yêu bằng những lời nói ân cần và cử chỉ trìu mến, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu.


● Món quà từ NHỮNG NỤ CƯỜI:

Nụ cười là một ngôn ngữ không lời nhưng có khả năng lan tỏa sức mạnh đến người khác nhanh nhất. Một nụ cười làm niềm vui nhân đôi, làm nỗi buồn trở nên nhẹ bỗng. Hãy trao tặng nụ cười cho tất cả những người xung quanh.

● Món quà từ SỰ GIÚP ĐỠ:

Mỗi ngày hãy chủ động làm một vài điều tử tế, bạn sẽ thấy cuộc sống thật vui vẻ và nhẹ nhàng.

● Món quà của NHỮNG LỜI KHEN TẶNG:

Những câu nói giản đơn nhưng chân thành như “Hôm nay trông bạn thật rạng rỡ!”, “ Bạn làm việc đó thật tốt”, hay “Bữa ăn hôm nay thật tuyệt vời!”… sẽ tạo thêm niềm vui và phấn chấn cho người khác.

● Món quà của SỰ SÁNG TẠO:

Mỗi ngày hãy thực hiện một điều bất ngờ nho nhỏ cho bạn bè và gia đình. Chắc chắn bạn cũng sẽ nhận được những điều bất ngờ thú vị từ họ.

● Món quà của SỰ TĨNH LẶNG:

Là những khoảnh khắc bạn thực sự chỉ muốn yên lặng một mình. Hãy trân trọng thời khắc quý báu này và trao món quà của sự tĩnh lặng cho người khác đúng lúc.

● Món quà của SỰ TRI ÂN:

Những lời đơn giản nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm, chia sẻ của người khác chính là “Chào bạn!” và “Cảm ơn” cùng nụ cười chân thành…

● Món quà từ NHỮNG MẨU GIẤY VIẾT TAY:

Hãy viết ra từ những lời chân thật, dù rất ngắn, nó có sức mạnh phi thường đấy, dù nó là dòng chữ “cảm ơn bạn đã giúp đỡ tôi” hay “xin lỗi vì mình đã quá nóng với bạn”. Hay thậm chí một bài thơ hay một lời khuyên đẹp. Chính những điều nho nhỏ đó, có thể đi suốt cuộc đời ta.

Khi bạn trao tặng những món quà này cho bất kỳ ai cùng với một ánh mắt khích lệ chính là tấm chân tình của bạn, chắc chắn chúng sẽ trở thành những món quà vô giá, cho người nhận và cả cho người trao tặng!
-Sưu tầm-

LỜI CHÚA CN XXIX TN- A

Vẫn lồng trong bối cảnh cuộc tranh luận, hay đúng hơn, đối kháng giữa Đức Giê-su với các cấp thủ lãnh đạo đời của dân Do Thái thời đó (coi Mát-thêu chương 21-22), mà vấn đề nộp thuế hay không nộp được đặt ra. Câu trả lời khôn ngoan của Đức Giê-su dĩ nhiên đã bẻ gẫy được cái bẫy gài sẵn “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kể giả hình?”; nhưng không đơn thuần chỉ có thế. Giải đáp Người đưa ra là cả một khảng định rất quyết liệt về sự khác biệt sâu sắc giữa Cựu Ước (bao gồn cả hai lãnh vực đạo đời) và Tân Ước hay Tin Mừng Người đang muốn mạc khải. Trong tinh thần và truyền thống Do Thái thời đó, người ta không tách biệt rõ rệt hai lãnh vực đạo đời như lối suy nghĩ trần tục (secularism) của chúng ta thời nay. Do đó “của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” mà Đức Giê-su khảng định cũng không được hiểu theo nghĩa chu toàn cả việc đời lẫn việc đạo, hay lưu tâm tới cả lãnh vực vật chất trần tục lẫn lãnh vực thiêng liêng đạo đức.
Nộp thuế, cho dầu có nhuốm mầu chính trị hay thường xuyên bị lạm dụng bất chính tới mấy đi nữa, thì nền tảng nguyên sơ của nó vẫn dựa trên định luật công bằng, và điều này có giá trị cho mọi thời đại. Người dân nộp thuế cho nhà cầm quyền để được hưởng các phúc lợi của công ích, và chính quyền có thu thuế cũng là để có ngân sách phục vụ ích chung. Dựa trên công bằng, thời xưa nhà cầm quyền buộc người dân nộp thuế theo luật định đồng thời nghiêm phạt những ai trốn thuế, thời nay người dân có quyền kiểm tra, tố cáo, thậm chí truất phế chính quyền, nếu tiền thuế không được chi tiêu cách chính đáng vào các chương trình phúc lợi lo cho dân. Nộp thuế do đó là biểu tượng của luật công bằng, không chỉ trong lãnh vực đời mà cả trong việc đạo. Mọi người Do Thái đều phải nộp thuế đền thờ, và vì thế Đức Giê-su cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh (xem Mt 17:24-27).
Trong khái niệm đó, công bằng (mà nộp thuế là biểu tượng) chính là định luật căn bản con người dùng để đối sử với nhau. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Gia-vê cũng phần nào bị nhân cách hóa để ký kết một giao ước sòng phẳng với dân Người, trong đó giữ luật lệ tôn giáo là một thứ thuế vụ phải trả để được Đức Chúa bênh vực chở che. Các người Pha-ri-sêu biết rất rõ điều đó; họ hiểu hơn ai hết khi Đức Giê-su nói ‘của Xê-da, trả về Xê-da’ là để ám chỉ theo nghĩa này. Thế nhưng trước đó, cũng trong một đoạn phúc âm Mát-thêu (17:24-27), Người còn đưa ra một định luật hay một tương quan rất khác: “Anh Si-mon, anh nghĩ sao: vua chúa trần gian bắt ai nộp thuế, con cái mình hay người ngoài?” Tân Ước đã thoát ra khỏi tương quan vua - tôi hay tương quan với người ngoài để đưa vào tương quan con cái trong gia đình. Thiên Chúa không còn phải là một Đức Chúa oai hùng ngự trị trên đỉnh Si-nai, mà đã trở thành ‘Cha chúng con ở trên trời’. Do đó không còn chỗ cho tương quan thuế vụ nữa, “vậy thì con cái được miễn”. Như thế “của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” không thuần túy đề cập tới lãnh vực nghiêm chỉnh ‘giữ đạo’ mà tới một tương quan, một giao ước hoàn toàn mới mẻ; Thiên Chúa của Đức Giê-su không còn lấy sự công bằng, sòng phẳng làm nền cho các bổn phận tôn giáo. Đức Giê-su, qua các lời rao giảng, qua thái độ, và nhất là qua cái chết thập giá của Người, đã không ngừng cất công khảng định rằng Thiên Chúa là Người Cha nhân ái giầu lòng xót thương. Người có trí nhớ rất kém và thậm chí không biết làm các phép tính đơn giản nhất, theo kiểu nói hóm hỉnh của Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, thì làm sao giữ nổi cuốn sổ thuế mà thâu? Đối với một Thiên Chúa như thế, con cái hãy ‘trả về’ cho Cha mình niềm tin yêu phó thác trong mối tương quan phụ tử… của an bình và vui tươi, chứ không như thuế nộp cò kè thêm bớt, tính toán sòng phẳng. Tin Mừng phải là như thế! Chẳng trách gì các Pha-ri-sêu ‘nghe vậy, họ ngạc nhiên, và để Người lại đó mà đi’. Họ kinh ngạc vì điều Đức Giê-su vừa công bố quá xa lạ đối với quan niệm giữ luật lệ họ vốn có. Và vì không có cách gì hiểu nổi điều này nên lảng ra xa là thượng sách. Các môn đệ của Đức Giê-su thì khác; họ hiểu và phải hiểu điều này, vì toàn bộ việc ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ mà Đức Giê-su kêu gọi chính hệ tại ở điều này. Như vậy “của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa” sẽ phải rất khác với “của Xê-da trả về Xê-da”; Ki-tô hữu chúng ta không thể đánh đồng hai bổn phận này cho dầu là trên hai bình diện khác nhau!
Và tôi, một Ki-tô hữu, hơn nữa một linh mục của Đức Ki-tô, tôi phải hiểu rõ điều này hơn ai hết. Trong mục vụ, thay vì nhấn mạnh trên tương quan vua tôi (thưởng phạt, xét xử công minh, công nghiệp), sứ mạng chính yếu của tôi sẽ phải là loan báo một tương quan cha con của lòng nhân ái và xót thương (phi thuế vụ) cho càng nhiều người được biết càng tốt, nhất là cho các giáo dân tôi có bổn phận hướng dẫn. Chỉ như thế tôi mới thật sự kêu gọi họ trả về cho Thiên Chúa nhân ái những gì của Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa nhân ái và giầu lòng xót thương, xin cho con tránh xa việc giữ đạo như một thứ nghĩa vụ, một bổn phận trả thuế cò kè tính toán. Xin gạt ra khỏi trí lòng con mối bận tâm thu tích công nghiệp để hơn thua với Chúa. Xin Thần Khí Chúa hãy đổ đầy tâm hồn con tâm tình con thảo để có thể kêu lên ‘Ab-ba / Cha ơi’, và xin cho con được luôn sống trong niềm vui của Tin Mừng cứu độ, và loan báo Tin Mừng Nhà Cha cho mọi người được biết. A-men

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

LỜI CHÚA CN XXVIII- TNA

Tiệc cưới đã sẵn sàng 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

Dụ ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối. Chẳng có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử. Tiệc cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo. Vua đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.

Trước những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ. Thái độ của quan khách thật không sao hiểu nổi. Họ chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi quan trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5). Thậm chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6). Những khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân. Họ sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.

Như thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu? Ai là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng? Nhà vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ. “Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9). Như thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.

Dụ ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc để quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11). Có người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).

Tại sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới? Nhưng đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ, nên anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).

Lịch sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên. Ngài vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài. “Mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4). Đối với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn. Khi đa số dân Do-thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,

Ngài đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn. Thiên Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người. Họ đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội. Giáo hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc, cần mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng. Y phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.

Các kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa. Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội, nhưng chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn. Số người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi. Để vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban. Có khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình quan trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa. Làm thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?

Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

LỜI CHÚA LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

CHUỔI ĐỜI MÂN CÔI
lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Có lẽ từ lâu lắm hình ảnh của chuỗi đời lần theo Mân Côi đã lưu lại trong ký ức của tôi. Những ngày bình yên, những lúc loạn ly, những khi sầu tủi, những đêm chờ đợi, những ngày hối lỗi ăn năn, những lúc vui mừng… Bao nhiêu sự kiện trong cuộc đời đã bao nhiêu lần ghi nhớ những hạt Mân Côi làm nên chuỗi Hoa Hồng trong đời.

Thời thơ ấu, nhớ nhiều lắm những năm tháng được ướp trong giờ lần chuỗi của gia đình. Dù những khi còn bé, đọc kinh Mân Côi ngủ gà ngủ gật, chỉ mong cho chóng xong, hay cố tình trốn khỏi, nhưng vẫn hoài ghi đậm giờ kinh đầm ấm hạnh phúc ấy trong tôi. Đến bây giờ mỗi khi nghe những lời kinh ấy vẳng ra từ các gia đình kế cận, tôi lại bồi hồi nhớ lại khung cảnh ấu thơ được ướp trong giờ kinh gia đình.

Dù chẳng có con số thống kê nào diễn tả, những giờ kinh gia đình đã giữ gìn được bao nhiêu mái ấm, nhưng vẫn một điều chắc chắn, những giờ kinh ấy chẳng bao giờ nguôi ngoai trong tôi.

Lớn lên, mỗi người mỗi ngã, gia đình tôi vắng đi nhiều người hơn, nhưng vẫn đều đều giờ kinh ấy đầm ấm vẫn dâng lên. Tôi rời gia đình vào tuổi lên mười để sống vào trong khung cảnh của tiểu chủng viện nơi xa xôi, cũng như các anh tôi, mỗi người một trường, một nơi khác nhau. Không còn giờ kinh tối chung trong gia đình, nhưng cộng đoàn lại không thiếu giờ kinh ấy. Tôi được tiếp tục ướp trong lời kinh cộng đoàn, nhớ lắm những giờ kinh đều đặn vang lên, dù khi thơ bé vẫn chưa ý thức sự hòa quyện của lời kinh làm ấm áp cuộc đời, nhưng vẫn không thể quên những âm thanh hòa dịu của những nhạc điệu lời kinh để đôi khi nhớ về lại thấy bồi hồi xao xuyến.

Không chỉ là hững lời kinh của ngày yên bình thơ ấu, tôi còn nhớ những lúc chạy loạn, bên cạnh những tiếng đại bác, bom nổ, đạn bay, vẫn những lời kinh âm thầm như nghẹn lại trên môi miệng. Lời kinh dẫn dắt qua bầu trời lửa đạn cũng là lời kinh dịu dàng ru bé thơ ngủ trên chiếc võng giữa trời loạn ly. Những hình ảnh gợi lại những nỗi buồn chiến tranh mà vẫn thấy một điều gì đó khó diễn tả, có thể là tiếng chim vẫn hót bên cạnh những hố bom.

Chiến tranh đi qua, thời yên bình lại đến. Cái yên bình không còn loạn mà vẫn còn ly. Gia đình ly tán, mỗi người một nơi, mấy anh em tôi về miền quê để sống, mẹ và các em tôi sống tại ngôi nhà cũ ở Sài Gòn, ba đi cải tạo. Mỗi góc trời lại cũng nghe lời kinh Mân Côi. Gian nan vất vả, quanh năm đồng áng, bữa no bữa đói, biết thế nào là cõi buồn nhưng cõi buồn đượm lời kinh, không chỉ cầu nguyện cho mình mà là cầu nguyện cho nhau. Không chỉ là một gia đình mà nhiều nơi khác nhau trong gia đình. Dường như ly tán cũng chỉ là dịp cho lời kinh Mân Côi tỏa đi nhiều nơi, để mỗi khi nghe lại lời kinh lại thấy những hình ảnh cũ hiện về.
Sau những ngày đói khát, miền quê không nuôi sống đủ cho anh em tôi, cũng là dịp gia đình trở lại quy tụ ở Sài Gòn. Ba đi cải tạo đã về, gia đình vỏn vẹn kế sinh nhai bằng chiếc xích lô ba, những hàng gạo thúng mủng của mẹ. Chúng tôi lớn lên, mỗi người mỗi việc phụ giúp gia đình, vừa làm vừa học. Những lời kinh vẫn đều đặn giữa những bươn trải để rồi mỗi khi nghe lại cũng nhận ra dấu chỉ Chúa yêu thương trợ giúp.

Cũng đâu chỉ ở gia đình mãi, lớn lên mỗi người mỗi phương, đứa thì đi Úc, đứa thì ở Mỹ, rồi lập gia đình, đi tu. Gia đình vào lúc này cũng chỉ còn lại một gia đình ở cùng với ba mẹ. Nhà lại vắng người, lời kinh dường như nhiều hơn. Tôi nghe trong đó có bao nhiêu tâm tình phó thác của ba mẹ, phó dâng hết đứa này đến đứa kia, cầu nguyện cho từng đứa con và những đứa cháu.

Còn chúng tôi vẫn những lời kinh từ ba mẹ để cho, lần hạt qua những nỗi niềm riêng mình, khi âu sầu, khi hạnh phúc, khi hối lỗi, khi bình an. Trong những khoảnh khắc bế tắc hay thành công, những lúc rối bời cũng như thanh thản, riêng mình hay cho người khác, vẫn nghiệm thấy lời kinh Mân Côi đang xâu chuỗi tất cả để nên một chuỗi hoa hồng dâng Chúa. Lời kinh đều đặn như những hạt đều nhau làm nên tràng chuỗi để nghe trong đó tâm tình của một đời hiến dâng.

Nguyện cầu cùng Mẹ đón nhận để dâng Chúa những hạt của các ngày sống qua từng thời kỳ của năm sự: Vui, thương, mừng để rồi được sáng lên trong Danh Thánh Chúa.


lm. Giuse Hoàng Kim Toan









LỜI CHÚA CN XXVII- TNA

MỔI NGƯỜI LÀ MỘT TÁ ĐIỀN
LÀM VƯỜN NHO
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

Ca nhập lễ thánh lễ Chúa nhật XXVII thường niên, năm A viết: ” Lạy Chúa, Chúa an bài mọi sự theo thánh ý của Ngài, mà không ai cưỡng nổi.Ngài tạo thành vũ trụ cùng muôn loài hiện hữu dưới bầu trời. Chính Ngài là Chúa Tể càn khôn “. Các bài đọc hôm nay, đặc biệt đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn “ Những người thợ làm vườn nho “. Chúa trao cho chúng ta mỗi người một vườn nho để chúng ta làm việc sinh hoa lợi và Ngài còn tôn trọng chúng ta, để chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc và trẩy đi phương xa…


Điều quý trọng nhất của con người, tức là tá điền được Chúa trao phó cho một vườn nho và Ngài để cho con người tùy theo sáng kiến với khả năng, với của cải để định đoạt công việc. Tác giả Tin Mừng Matthêu viết: ” Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa “ ( Mt 21,33 ). Ông chủ tin tưởng tá điền, không cần ở đó để canh chừng, kiểm soát. Ông tôn trọng con người. Tuy nhiên, có những tá điền, có những con người đã không tuân lệnh Ông chủ, đã lạm dụng sự tin tưởng, tín nhiệm của Ông chủ mà tìm kiếm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của Ông chủ. Những tá điền này đã ngược đãi, đánh đập, sát hại các đầy tớ mà Ông chủ sai đến. Cuối cùng, Ông chủ sai chính con của mình đến, nhưng những tá điền cũng hoàn toàn không nể vì Ông chủ, họ đã đang tâm làm điều gian ác, đang tâm sát hại, giết chết đứa con trai duy nhất, yêu quý của Ông chủ. Những tá điền làm như thế cốt chiếm lấy gia tài của Ông chủ để vinh thân phì gia, để lợi lộc riêng tư vv…Hậu quả thật đáng kinh tởm, gớm ghê đến nỗi: ” Ác giả ác báo, Ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho Ông “ ( Mt 21, 41 ).



Chúa vẫn hiện diện giữa nhân loại, giữa con người. Ngài ban muôn vàn hồng ân xuống cho con người, để con người biết làm lợi cho Chúa và làm lợi chia sẻ cho anh chị em. Ngài không ban riêng cho con người để con người tìm danh lợi, làm giầu cho bản thân và tìm cách làm thỏa mãn cho cá nhân mình.



Chúa luôn trung thành, kiên nhẫn với những lỗi lầm, xúc phạm của con người và luôn tạo cơ hội để con người quay trở về, chứ không phải để họ càng ngày càng sa lầy trong tội lỗi, yếu hèn, xa Chúa. Vâng, xưa Chúa đã sinh ra, lớn lên và đi rao giảng, dân Do Thái và nhiều người đã được nghe Chúa rao giảng, đã chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhưng họ vẫn chống đối Ngài. Chúa luôn hướng tới người nghèo, thương xót người tội lỗi, Ngài đã thực hiện các phép lạ trong cả ngày Sabbat, hưu lễ, nên càng làm cho giới lãnh đạo tôn giáo và Biệt phái, Pharisêu căm phẫn, chống đối. Ơn cứu độ Chúa ban là ơn cứu độ phổ quát, nhưng không cho con người, không trừ ai, miễn con người biết mở rộng tấm lòng để lãnh nhận ơn của Ngài. Chúa trao phó cho con người những nén bạc, khả năng là để con người làm lợi cho Ngài, chứ không phải để con người cất giấu và không biết xử dụng ơn huệ Ngài trao ban. Con người sẽ được Chúa chúc lành, gia ân giáng phúc nếu họ biết sử dụng tài năng, của cải Chúa ban nhưng không cho họ. Nếu không Chúa sẽ cất hết, rút lại hết và sẽ bị Chúa khiển trách: ”Hỡi đầy tớ lười biếng…”.



Chúa sẽ đòi chúng ta tính sổ với Chúa vào một lúc nào đó trong đời sống hoặc là chúng ta làm lợi như người năm nén làm lợi được năm nén khác hoặc như người được chủ trao một nén đã chôn vùi xuống đất, không biết làm lời cho chủ nên bị chủ rút hết số vốn một nén và trao cho người đã có năm hoặc mười nén. Người có sẽ được cho thêm và người không có đã bị lấy đi là như thế!



Hôm nay, Giáo Hội Việt Nam cũng cho phép được mừng kính trọng thể lễ Mẹ Mân Côi. Mẹ Maria được Giáo Hội Việt Nam và các tín hữu Việt Nam đặc biệt tôn kính mến yêu. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhưng Mẹ cũng là Mẹ của mỗi tín hữu. Chắc chắn Mẹ yêu Chúa thế nào, Mẹ cũng yêu mến mỗi người chúng ta như vậy. Chúng ta hết lòng tôn kính Mẹ và nghe lời Mẹ dạy bảo là năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày trong nhà thờ, trong gia đình và ở nơi nào có thể được.