XÉT MÌNH MÙA VỌNG: TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG LỐI SỐNG NGUY HIỂM

Để sống niềm hy vọng vào Thiên Chúa và gieo niềm hy vọng cho mọi người, đòi tôi phải luôn tỉnh thức trước cuộc sống của mình. Khi xét mình trong Mùa Vọng, tôi thấy mình có khi tỉnh mà không thức, có lúc thức mà không tỉnh; hoặc tỉnh thức về những điều này nhưng lại mê muội về những điều kia… Do đó, có thể tôi đang rơi vào nhiều lối sống nguy hiểm:
- Nguy hiểm cơ bản là lối sống không trưởng thành về nhân bản.
- Nguy hiểm đáng sợ là lối sống không trưởng thành về tâm linh.
- Nguy hiểm thường xuyên là lối sống không trưởng thành về tri thức. 

I. Nguy hiểm cơ bản là lối sống không trưởng thành về nhân bản.

1. Quá chú trọng đến bản thân mình mà ít quan tâm đến tha nhân. 
2. Coi trọng việc riêng mà coi nhẹ việc chung.
3. Chỉ làm những điều mình muốn làm mà không làm những điều mình phải làm.
4. Đòi hỏi người khác mà không hề đòi hỏi mình. 
5. Góp phần xây dựng thì ít mà chê bai phê phán thì nhiều. 
6. Ham quyền hành chức vụ mà không khiêm tốn phục vụ. 
7. Phục vụ theo ý mình mà không theo nhu cầu của người khác. 
8. Ưa chuộng và quí mến người này nhưng ghét bỏ và khinh thường người kia. 
9. Cởi mở và vui vẻ với anh em này nhưng đóng kín và lạnh lùng với anh em khác. 
10. Đặt nặng công việc mà coi nhẹ con người. (lấy con người làm phương tiện).
11. Đặt nặng hiệu năng mà coi thường tính cách và ý hướng. (Bệnh thành tích). 
12. Đòi hỏi có tự do mà không có khả năng sống tự chủ. 
13. Khôn nhưng không ngoan, thẳng nhưng không khéo. 
14. Phán đoán bên ngoài mà không tìm hiểu bên trong. (Nông cạn, hình thức)
15. Đánh giá mình và người khác dựa vào công việc, mà không dựa vào phẩm cách. 
16. Biết lỗi mà không nhận lỗi; nhận lỗi mà không sửa lỗi. (Cố chấp)
17. Làm theo những gì mình nghĩ, mà không nghĩ về những gì mình làm. 
18. Nhiệt thành mà thiếu khôn ngoan. (Chủ quan, nhẹ dạ).
19. Ham nghe người khác tâng bốc mà không muốn nghe sự thật. (tự lừa dối mình).
20. Muốn mọi người phải giúp mình nhưng mình chẳng giúp ai. (ích kỷ).

II. Nguy hiểm đáng sợ là lối sống không trưởng thành về tâm linh.

1. Đặt nặng hình thức, tổ chức bề ngoài, mà coi thường nội dung và đời sống bên trong.
2. Ưu tiên cho các phương tiện vật chất, còn ơn thánh thì lại chẳng quan tâm.
3. Lao mình vào sự hiếu động ồn ào, còn nội tâm thì lạnh lùng, trống vắng.
4. Đặt nặng việc hưởng thụ, coi thường việc khổ chế.
5. Bám vào những công việc của Chúa, còn chính Chúa thì phớt lờ.
6. Lo được lòng mọi người mà không lo được lòng Chúa. 
7. Chuyên chăm việc đời mà lười biếng việc đạo.
8. Phản ứng tự nhiên mà thiếu tinh thần siêu nhiên
9. Lo bồi dưỡng thân xác mà không lo bồi dưỡng tâm hồn. 
10. Sống bác ái mà thiếu chân thật, sống chân thật mà thiếu bác ái. 
11. Làm việc vì danh thơm tiếng tốt hơn là vì lòng yêu mến.
12. Tìm cách thay đổi mọi người mà không thay đổi chính mình.
13. Lo xây đắp tương lai mà không sống trọn giây phút hiện tại. 
14. Muốn thành quả mà không muốn hy sinh.
15. Thực thi bác ái mà lại không sống công bằng. 
16. Yêu mến Chúa mà không yêu mến anh em.
17. Theo đuổi ơn gọi mà không sống ơn gọi: lo tiến thân mà không hiến thân.
18. Nỗ lực sống trung thành nhưng lại thiếu trung thực.
19. Cầu nguyện một đàng, sống một nẻo.
20. Nhiều thiện chí mà không có hành động. 

III. Nguy hiểm thường xuyên là lối sống không trưởng thành về tri thức.

1. Biết nhiều thứ mà không biết mình.
2. Biết thì nhiều mà sống không bao nhiêu.
3. Biết chẳng bao nhiêu mà tự kiêu tự mãn. 
4. Trí thức uyên thâm mà lại thiếu đức độ.
5. Chỉ đạt lý mà không thấu tình.
6. Làm việc mà không xem tình hình, không xét hậu quả.
7. Thông minh tài trí nhưng lại sống ích kỷ, hẹp hòi.
8. Học nhiều, đọc nhiều mà thiếu suy tư nghiền ngẫm. 
9. Chỉ nghe biết mà không truy tìm, tra cứu, điều nghiên.
10. Nhai lại tư tưởng người khác mà không khai sáng tư tưởng mình. 
11. Chỉ dựa vào sách vở và lý thuyết mà không có kinh nghiệm thực tế. 
12. Thấy chi tiết mà không thấy tổng quát.
13. Muốn động tay động chân mà không muốn động não.
14. Hiểu biết nhiều nhưng không biết điều chính yếu. 
15. Hiểu biết nhiều nhưng không sát, không sâu.
16. Hiểu biết mau nhưng không nguồn, không ngọn.
17. Hiểu biết nhiều mà không biết những điều mình phải biết. 
18. Hiểu biết nhiều mà không biết những điều mình không được phép biết.
19. Hiểu biết nhiều mà không biết sống yêu thương.
20. Hiểu biết sâu xa về nhiều thứ nhưng lại hiểu biết cạn cợt về Thiên Chúa.

Những lối sống trên đây luôn nằm trong tình trạng nguy hiểm. Nhưng hiểm nguy lớn nhất là tôi không nhận ra mình đang trong tình trạng nguy hiểm. Sống tỉnh thức là nhận thấy nguy hiểm do sự thiếu quân bình và cân đối trong đời sống mình về mọi mặt. Chỉ một chút quá đà sẽ gây ra hư hại khó lường. Chỉ một chút hụt hẫng sẽ rơi vào cảnh trống vắng nội tâm, dễ bị ma quỷ khống chế và thống trị. 

Thật vậy: “Quỷ thấy nhà bỏ trống, lại được quét tước trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy còn tệ hơn trước” (Mt 12,44-45). 
Lm. Thái Nguyên

THỜ Ơ VỚI CUỘC SỐNG, LỖ HỎNG KIẾN THỨC CỦA NGƯỜI TRẺ

TTO - Chúng ta đang tạo ra những thế hệ được gọi là "gà công nghiệp". Có thể rất giỏi về lí thuyết nhưng lại ngơ ngác giữa đời thường. Thờ ơ với cuộc sống xung quanh mình, ngẫm cho cùng chính là sự mai một về văn hóa.

Với tư cách là một giảng viên dạy học phần văn học dân gian Việt Nam cho sinh viên ngữ văn năm thứ nhất, tác giả kể ra những chuyện cười ra nước mắt về lỗ hổng kiến thức của các cô cậu cử nhân tương lai.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Mấy hôm nay, cộng đồng mạng dậy sóng bởi chuyện cô kĩ sư trẻ người Hà Nội, tham gia chương trình nổi tiếng “Ai là triệu phú” của VTV đã phải dùng quyền được trợ giúp khi trả lời hai câu hỏi đầu tiên của chương trình.
Sau sự việc này, cô bị cộng đồng mạng “ném đá”. Thật tội nghiệp cho cô gái trẻ, bỗng dưng lại hứng lấy "búa rìu" dư luận chỉ vì sự hụt hẫng kiến thức cuộc sống của mình trong một cuộc chơi.
Sau "sự cố" này, cộng đồng mạng còn biết thêm cô gái này là một kĩ sư ô tô hiện đang làm cho một tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản với mức lương kỹ sư mà mọi sinh viên đều mơ ước.
Tôi không muốn "ăn theo" cộng đồng mạng để "ném" tiếp gạch đá bởi một phút "ngơ ngác" của cô gái. Tôi cũng không muốn "chiêu tuyết" cho cô, bởi những gì đã xảy ra thì không thể làm lại được nữa.
Trước hết, tôi thấy cái sự hụt hẫng kiến thức đời sống như trường hợp của cô gái là không hiếm đối với giới trẻ hiện nay.
Các bậc phụ huynh cứ thử kiểm tra con cái mình mà xem, liệu có bao nhiêu cháu phân biệt được những vật dụng nhà nông như rổ, rá, dần, sàng…, những sản phẩm nông nghiệp như lúa tẻ, lúa nếp… hay những ngày lễ tết trong năm theo phong tục cổ truyền của dân tộc?
Có những kiến thức phổ thông cứ nghĩ đã là người Việt thì ai ai cũng biết, nhưng thực tế không phải vậy. Tôi xin kể vài mẩu chuyện sau đây, dù rất buồn khi phải nói ra điều này.
Tôi dạy học phần Văn học dân gian Việt Nam cho sinh viên ngữ văn năm thứ nhất. Buổi đứng lớp đầu tiên bao giờ tôi cũng dành ít thời gian kiểm tra kiến thức văn học dân gian của những cô cậu sinh viên vừa mới rời ghế nhà trường phổ thông. Buồn thay, rất nhiều bạn trẻ đã không thể đọc nổi một câu ca dao hay tục ngữ tùy thích.
Chuyện của cô kỹ sư trẻ bị "ném đá" trong chương trình "Ai là triệu phú', không biết là vô tình hay hữu ý mà hai câu hỏi khiến người chơi "bí" là hai câu ở hai lĩnh vực có vẻ như đối lập nhau.
Câu hỏi về El Nino là kiến thức phổ thông hiện đại. Câu hỏi về canh cua nấu với rau gì là kiến thức đời thường, dân dã.
Kiến thức dân dã, truyền thống không biết, kiến thức hiện đại cũng không biết thì quả đúng là không thể chấp nhận được đối với một thanh niên được đào tạo bài bản trong nhà trường.
Những câu hỏi nói trên dù đề cập kiến thức hiện đại hay truyền thống thì vẫn là những kiến thức phổ thông, có cái được học trong sách vở, có cái tự mình tích lũy bằng sự để ý, bằng sự quan sát thế giới xung quanh ta.
Lớp trẻ hôm nay, có thể thuộc nằm lòng một bài hát được xếp hạng MTV hằng tuần nhưng lại không thể hát nổi một câu dân ca; có thể thuộc lòng tiểu sử các ngôi sao ngoại quốc như Bi Rain, Phạm Băng Băng, Chương Tử Di,… nhưng lại mơ hồ về những danh nhân lịch sử như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Bội Châu,…
Vì sao lại có những nghịch lí như vậy? Câu trả lời có thể là vì nhà trường, vì xã hội, vì chúng ta…
Chúng ta đang tạo ra những thế hệ được gọi là "gà công nghiệp". Có thể rất giỏi về lí thuyết nhưng lại "ngơ ngác" giữa đời thường. Nhà trường, gia đình, xã hội chỉ chú tâm luyện "gà nòi", chẳng mấy ai lo trang bị cho họ những kĩ năng cần thiết gắn với môi trường sống hằng ngày, với văn hóa dân tộc.
Canh cua nấu với rau đay không chỉ là món ăn, đó còn là văn hóa, văn hóa ẩm thực. Mà nói đến văn hóa là nói đến hồn cốt của một dân tộc. Thờ ơ với điều đó tưởng như là chuyện vặt nhưng không phải, ngẫm cho cùng chính là sự mai một về văn hóa.
Một trong những nhược điểm của lớp trẻ hiện nay là sự thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Áp lực học hành, công việc, kiếm tiền khiến họ không còn thời gian, tâm trí để ý đến những gì đang diễn ra thường nhật. Công nghệ phát triển càng đẩy xa khoảng cách giữa cá nhân với môi trường xung quanh.
Tôi vẫn thường nhắn nhủ học trò của mình: Hãy quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của bạn, điều đó chỉ có thể làm cho bạn giàu thêm về tri thức và tâm hồn mà thôi.
Tôi nghĩ, khiếm khuyết nhất thời của cô kĩ sư cũng là khiếm khuyết chung của nhiều bạn trẻ hiện nay.
"Ném đá" hay biện minh đều không phải là cách tốt nhất để giúp họ điều chỉnh năng lực tri thức hay thái độ ứng xử cuộc sống của mình.
NGUYỄN DUY XUÂN(tuoitreonline)


BỔN MẠNG THÁNG 12


THÁNG 12

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

03/12
Lễ thánh Phanxicô Xaviê

* Chị Tho

08/12
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm




* Các Chị Học Viện             
*Chị Diễm Lan
*Rửa tội: Chị Thủy,Chị Kim Tiên, Chị Châu, Chị Sinh,Chị Vy, Chị Tho, Chị Chúc,Chị  Thúy Hường
13/12 
Lễ thánh Lucia, Tn, Tđ
* Chị Bề Trên Dự-Tỉnh
* Chị Mỹ
Lễ thánh Odile
27/12                                       
Lễ thánh Gioan Tông đồ
* Dì Hai.

    








* Ghi Chú     

  *Từ ngày 04/12 đến 12/12: làm tuần cửu nhật, mừng kính Thánh nữ  Lucia. Bổn mạng Chị Bề Trên Dự-Tỉnh

* Từ ngày 16/12 đến ngày 24/12: làm tuần cửu nhật mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh



LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM
TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY
LỄ GIỖ
03.12
Ông cố Micae- Thân phụ Dì Trưởng
11.12
Ông cố Phanxico Xavie- Thân phụ chị Mỹ Tiên
Ông cố Giuse- Thân phụ chị M. Odile Mỹ
22.12
(24.11 ÂL)
Bà Cố Maria – Thân Mẫu Dì Lan (Cattherine)





SỐNG TỈNH THỨC

Những ngày của tháng 09 và 10 mưa lớn như trút nước, lũ dữ từ thượng nguồn ào ạt đổ về. Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung ngập chìm trong biển nước. Nhà cửa, của cải, hoa màu bỗng tiêu tan . ..
Miền Trung năm nay thật là “họa vô đơn chí”, vì hết họa này đến họa khác. Khởi đầu là Formosa tàn phá thiên nhiên khiến ngư dân thất ngiệp, cái đói lặn vào từng gia đình. Rồi liên tiếp lũ lụt lại tàn phá tan hoang đất đai, nhà cửa, hoa màu của cải cuốn trôi theo dòng nước.
Những tai họa của miền Trung đáng buồn là do nhân tai nhiều hơn là thiên tai. Con người đã phá thiên nhiên ở dưới biển khi thải chất độc. Con người lại tiếp tục phá rừng vì thiếu ý thức và vì những công trình thủy điện lãng phí . . .
Nhìn thấy cảnh tượng dân Miền Trung dồn dập tai ương khiến cho chúng ta cũng chạnh lòng với nỗi đau của anh em mình. Không đau sao được khi chỉ trong phút chốc, người dân dải đất miền Trung vốn được xem là khúc ruột của cả nước phải lâm cảnh trắng tay vì tài sản đã bị cuốn chìm trong dòng nước lũ! Không đau sao được khi công sức bao năm chắt chiu, dành dụm chỉ một đêm lũ về thì nửa hạt gạo cũng chẳng còn!
Có một người dân đã nói rằng trong nước mắt: “Chúng tôi đã thức trắng trên nóc nhà với nước trên đầu, nước dưới chân. Chưa bao giờ thấy nước dâng cao như vậy, nhà cửa tan tành hết rồi…” - những lời than như khóc của bao người dân quê nghèo các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… giữa mênh mông biển nước tựa vết dao cứa lòng người.
Chạnh lòng với nỗi đau của anh em Miền Trung cũng mời gọi chúng ta chia cơm sẻ áo cho anh em. Một gói mì tôm, một chén gạo, một đồng tiền lẻ thật nhỏ bé nhưng được cả cộng đồng ý thức sẽ cứu cả hơn 20 triệu người dân Miền Trung. Đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta cuộc sống này chẳng có gì đảm bảo, tất cả sẽ có thể tan hoang, vuột khỏi tay ta cho dù ta có lắm kho lẫm kiên cố hay tiền dư bạc để rồi cũng chỉ là “phù vân trên mọi phù vân” . . .
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức đừng để ngày khốn đốn xảy đến mà chẳng hay biết gì, như “thời ông Noe, người ta vẫn ăn uống, vẫn cưới vợ, lấy chồng”. Người ta tưởng rằng thế giới mãi mãi là thế, chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì phải lo, phải sợ. Chỉ có một mình Noe, ông đã vượt ra khỏi thói quen của mọi người. Một mình ông đóng tàu. Một mình chuẩn bị đối phó với tai hoạ sẽ xảy đến cho ông và cho toàn thế giới. Và vì vậy, cũng chỉ một mình ông và gia đình được cứu thoát còn những người khác đã bị dòng nước cuốn đi khi họ vẫn ăn uống, vẫn đàn hát  . . .
Mùa vọng là mùa đợi chờ, mùa trông mong. Người ta trông mong quà cáp, thư từ, tiền lương, sum họp gia đình nhân dịp lễ Noel. Người tìn hữu còn được mời gọi trông mong ngày Chúa quang lâm. Ngày đó sẽ đến, nhưng không biết khoảng thời gian nào. Ngày đó sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó sẽ đến một cách bất chợt và thình lình. Sự khôn ngoan luôn nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức để luôn sẵn sàng đón chờ ngày đó sẽ đến.
Vâng, trong thế giới ngày nay, tình trạng sa đoạ và trụy lạc ngày càng nhiều và lan rộng, đến độ người ta cho rằng phải sống đồi trụy mới là tiến bộ. Chẳng hạn như: quan hệ trước hôn nhân, đồng tính luyến ái, ngoại tình, phá thai và các sách báo, phim ảnh đồi trụy mỗi ngày đều gia tăng. Cuộc sống sa đoạ đến mức mất ý thức về tội, người ta không còn nghĩ đến tội phúc, và cũng chẳng cần nghĩ đến danh dự của phẩm giá con người, người ta chỉ cần thoả mãn nhu cầu dục vọng đam mê của mình . . .
Là người tin Chúa sống trong xã hội băng hoại, ta cần sống chuẩn bị cho đời sau đừng để những thói đời trụy lạc lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Hãy tích lũy cho mình kho lẫm ở trên trời là đời sống trong sạch, tiết độ, công bình và bác ái. Đừng mải mê tìm kiếm bổng lộc trần gian mà xa lìa Chúa, vì những của cái ấy chỉ là của đồng lần nay người mai ta. Có khi chỉ một cơn gió thoảng chúng cũng biến tan đi. 
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức để vượt ra khỏi những cám dỗ của danh lợi thú, của những đam mê thấp hèn, hầu xứng đáng là người tôi trung luôn cầm đèn dẫn dắt anh em đi trong chân lý và hồng ân của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền


VIẾT CHO NGƯỜI Ở LẠI

Thời gian trôi qua, nhẹ như cánh lông hồng trong chiều gió thổi. Mới đó thôi, tôi đã là ánh tà dương khuất sau rặng đồi thê lương. Ngẫm nghĩ lại một đời, tưởng là dài lắm đấy, nhưng chỉ hệt như một thoáng chốc mong manh không ngờ. Tuổi ấu thơ, tuổi trưởng thành, tuổi trung niên… qua đi chỉ sau một nhịp thở. Da mồi tóc bạc, chân tay yếu ớt. Một thời vươn vai, rồi đến một thời phải khom mình lê bước.

Giờ đây, tôi nằm im trên giường. Thân thể không còn động đậy. Mặc cho người ta muốn làm gì tôi thì làm. Đôi mắt nhắm lại kết thúc cuộc sống giữa trần gian. Hai tay buông lơi trả lại cho đời này tất cả những gì tôi đã cố gắng nắm giữ. Một cái xác nằm đó. Người ta khóc lóc tiếc nuối tôi. Người ta mừng cho tôi được giải thoát. Người ta không dám lại gần tôi. Người ta sợ khi đụng chạm đến tôi. Đủ cung bậc cảm xúc. Còn tôi, tôi đã không còn thuộc về nơi đây nữa rồi!

Từ thuở nhỏ cho đến lúc già nua, tôi chẳng biết mình sống để làm gì nữa. Tại sao tôi phải tồn tại? Ai đã đem tôi vào thế giới này? Ai đã làm cho tôi lớn lên từng ngày? Để rồi giờ đây lại cất tôi ra đi vĩnh viễn? Cuộc đời hệt như một cuộc chạy đua. Tôi cũng như người ta, hết sức ùa mình vào cuộc đua ấy. Giành lấy thứ này, giữ lấy cái kia, rồi rốt cuộc cũng nhận ra mình chẳng phải là chủ tể của nó. Nắm rồi buông, được rồi mất. Cười rồi khóc, hạnh phúc rồi đau buồn … Bữa tiệc nhân gian này có biết bao mùi vị khác nhau. Nếm đủ rồi thì lại trở về với cát bụi mong manh, về với hư vô, với cõi quên lãng.

Người ta đặt tôi vào chiếc quan tài, một miếng gỗ khác đậy lên. Tôi chính thức trở về với bóng tối. Người ta tiễn đưa tôi vào nơi dành cho người đã khuất, cùng với tiếng kèn thê lương, mùi nhang khói vô hồn. Người ta đặt tôi xuống lòng đất sâu, rồi phủ lên trên những lớp cát lạnh lùng. Đó là nơi dành cho tôi, cũng như những ai đã đi qua cuộc đời này. Tôi được thành hình trong dạ mẹ nhưng lại kết thúc nơi bụi đất. Vòng đời vẫn cứ xoay, mặt trời vẫn cứ mọc. Người ta để tôi nằm đó làm bạn với miền âm u, rồi trở về với cuộc sống bình thường. Cái chết của tôi chỉ là một biến cố nhỏ xíu xảy đến trong một khoảnh khắc tí ti, chứ chẳng là gì ghê gớm giữa vũ trụ to tát này.

Thôi! Xin tạm biệt mọi người, cảm ơn mọi người đã tiễn đưa tôi đến đây. Giờ đây, tôi bắt đầu một hành trình mới. Tôi tiến về quê trời, về nhà của tôi, nơi có những người thân thiết đang chờ tôi gặp gỡ. Thời gian sống nơi tại thế, tôi đã không uổng phí những gì Tạo Hoá đã ban cho mình. Tôi đã cố gắng hết sức để bồi đắp cho sự hiện hữu của mình. Tôi đã không lây lất như cọng cỏ, nhưng ngày ngày lớn lên, làm sinh hoa kết trái những mầm mống ân huệ tuyệt đẹp mà Tạo Hoá đã đặt để trong tôi khi thành hình tôi trong bụng mẹ. Kể từ lúc chào đời, khi ý thức được cái mau qua của những sự hữu hình, tôi đã không ngơi kiếm tìm con đường để về với sự bất biến. Tôi biết thế gian chỉ là quán trọ, là nơi tạm dừng chân trong một cuộc hành trình hồi hương đầy gian khó. Thế gian là nơi tôi bắt đầu sự sống của mình, nhưng thiên đàng mới là nơi tôi thụ hưởng sự sống mình cách trọn đầy và tuyệt hảo nhất.

Xin đừng dành cho tôi những giọt nước mắt buồn thương. Xin đừng ghi dấu ấn cho sự ra đi của tôi bằng một nỗi tuyệt vọng. Bởi vì tôi không chết đi như một sự huỷ diệt của thời gian. Thân xác và linh hồn tôi đã được đóng ấn trường cửu của Chúa Tể sự sống. Chỉ là từ nay tôi không còn hiện diện nhãn tiền trước mắt mọi người thôi và mọi người sẽ không còn nhìn thấy mặt tôi, nghe giọng tôi nói nữa. Tôi đã chính thức trở thành ký ức trong con tim và khối óc của mọi người. Sự ra đi của tôi là một dấu chỉ báo trước cho sự ra đi của mọi người. Hãy cố gắng sống làm sao để khi nhắm mắt, mọi người có thể nở nụ cười tươi, lòng nhẹ nhàng thanh thoát không còn chút vấn vương gì. Hãy sống như đã chết để có thể chết đi cho sự sống mới và đích thực đang chờ mình.

Ta sẽ còn gặp lại nhau mà! Chỉ là một khoảng thời gian gián đoạn mà thôi. Khi mọi sự qua đi, khi thần chết hoàn toàn bị đánh bại. Tất cả chúng ta sẽ cùng tái hợp với nhau trong ngôi nhà thân ái của mình. Nơi đó, sẽ không còn nước mắt, không còn chia ly, không còn đau đớn, không còn tranh giành. Nơi đó, chỉ còn có tình thương và sự hợp đoàn. Nơi đó, ta sẽ vui niềm vui của ngày hội, vang khúc ca mừng chiến thắng của Chúa Tể hoàn tất công cuộc tạo dựng của mình.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

Vào dịp cuối năm, Lu-xi-phe triệu tập đại hội đồng quỷ sứ để kiểm điểm tình hình hoạt động suốt năm qua.
Quỷ già, quỷ cái, quỷ con đều họp mặt đông đủ và báo cáo cho Quỷ Vương Lu-xi-phe biết tình hình cám dỗ của toàn bầy quỷ sứ.
Nói chung, hoạt động cám dỗ không đạt kết quả như chỉ tiêu đã đề ra và tỉ số người phải xuống hoả ngục xem ra không gia tăng đáng kể.
Vì thế, khi bước qua phần hai của chương trình thảo luận, Quỷ Vương Lu-xi-phe kêu gọi hội đồng quỷ hãy đề ra những chiêu thức cám dỗ hữu hiệu hơn, liệu sao để lôi kéo được nhiều linh hồn sa hoả ngục hơn.
Các quỷ tham gia tranh luận sôi nổi, bày ra nhiều mưu chước nhằm làm cho loài người sa vòng tội lỗi. Ý kiến thì nhiều, nhưng chỉ nêu ra đây một số ý kiến tiêu biểu. Có quỷ đề nghị hãy cám dỗ các bạn trẻ rằng: "Không có Thiên Chúa, không có thiên đàng hoả ngục. Thiên đàng là ảo tưởng do Giáo Hội bày ra để dụ khị loài người; hoả ngục chỉ là sản phẩm do Cha Cố thêu dệt để hù doạ những người yếu bóng vía. Đừng dại dột tin vào Thiên Chúa, vào sự sống đời sau mà phí cả cuộc đời!". Mưu chước nầy cũng chưa thuyết phục nên không được đa số chấp nhận.
Có quỷ thì hiến kế nên thuyết phục người ta biết rằng Đức Giêsu chỉ là hạng phàm phu tục tử, Phúc Âm của Ngài gồm toàn những chuyện bịa đặt viển vông..." nhưng rồi ý kiến nầy cũng không được hưởng ứng.
Cuối cùng có lão quỷ già có tiếng là đa mưu túc kế lên tiếng: "Theo tôi, chúng ta nên cám dỗ thế nầy: "có Thiên Chúa, có thiên đàng hoả ngục, có linh hồn, có sự sống đời sau... (mình phải nói như vậy để người ta tin mình đã, rồi ta sẽ thêm) nhưng bạn hãy nhớ rằng: Đời bạn còn dài mà, bạn chưa chết đâu! Vậy hãy vui hưởng lạc thú đời nầy đi! Đợi đến khi già yếu rồi ăn năn sám hối cũng chưa muộn."
Một tràng pháo tay giòn vang tán thưởng diệu kế của lão quỷ già thâm độc. Thế là hội nghị nhất trí với phương thức cám dỗ được xem là sẽ rất kiến hiệu của lão quỷ già đa mưu.
Hiện nay, hầu như mọi người đều tin theo lời cám dỗ độc hại ấy. Ai cũng tin rằng đời mình còn dài, chưa đến lúc phải ăn năn hối cải. Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, ta sẽ sám hối, sẽ cải thiện cuộc đời, còn hôm nay, thì...
Qua bài trích thư gởi tín hữu Rô-ma trích đọc hôm nay (Rm 13, 11-14) thánh Phaolô kêu gọi chúng ta hãy mau quay về với Chúa, hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, đừng mơ tưởng đời còn dài rồi cứ đắm mình trong lạc thú:
"Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng."
Và Lời Chúa trong Tin Mừng cũng kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức vì giờ Chúa đến thật bất ngờ; vì như "Thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy".
"Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Nếu hôm nay, lúc còn an bình khoẻ mạnh, ta không tưởng gì đến Chúa; đợi đến lúc lâm nguy rồi mới chạy đến với Ngài thì chúng ta xem Chúa có khác gì chiếc phao. Bình thường khi trời quang mây tạnh, mọi sự an lành thì không ai thèm ngó lại chiếc phao, xem nó như cái gì thừa thãi vô tích sự, có thấy nó nằm giữa lối đi thì người ta cũng đá nó sang một bên, không ai thèm đoái hoài. Nhưng khi gặp phong ba bão táp, nguy khốn đến nơi thì tranh nhau giành lấy phao cho bằng được!
Lạy Chúa, Chúa là Chúa Tể quyền năng, là Thiên Chúa tối cao mà chúng con phải phụng thờ suốt đời, ngay cả bây giờ, chứ không phải là chiếc phao cứu mạng chỉ cần dùng lúc gặp gian nguy khốn khó.
Xin cho chúng con đừng khờ khạo tin rằng đời còn dài, hãy tận hưởng đời và mê đắm trong tội mà lãng quên phần rỗi đời đời của chúng con.
Lm Ignatiô Trần Ngà


PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Các bạn trẻ thân mến,

Nếu có dịp đọc lại chương đầu của sách Sáng Thế Ký, các bạn sẽ thấy công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa thật kì diệu biết bao. Lẽ dĩ nhiên, sách Sáng Thế Ký không phải là sách lịch sử, tường thuật lại cho chúng ta biết những gì trong quá khứ, nhưng là lời mặc khải của Thiên Chúa cho ta thấy ý nghĩa sự hiện hữu của mọi loài. Chỉ bằng một lời tuyên phán, ánh sáng xuất hiện giữa hỗn mang, giúp ta phân biệt đêm với ngày. Rồi đến vòm trời xanh, nơi treo lơ lửng vầng dương với vầng nguyệt, cùng biết bao tinh cầu lấp lánh. Sau đó đến chuyện nước bị đẩy lui để lộ dần những khoảng đất trống. Thiên Chúa tiếp tục trang hoàng thế giới bằng những đàn chim bay trên bầu trời, những đàn cá nô đùa trên sóng nước, tiếng cây cỏ trải mình giữa thảo nguyên. Từ một khối vô định hoang vu, Thiên Chúa đã vẽ nên một bức tranh đầy đủ sắc màu rực rỡ.

Thế nhưng, tất cả những điều ấy dường như chưa làm cho Thiên Chúa thỏa mãn. Sức sáng tạo mãnh liệt của Thiên Chúa đã khiến Ngài nghĩ đến chuyện làm nên một giống loài trỗi vượt hơn tất cả, để làm chủ bức tranh tuyệt đẹp kia. Để xứng đáng với tầm vóc cao cả cho giống loài này, Thiên Chúa không còn chỉ “phán một lời” nữa, nhưng cặm cụi ngồi xuống, lấy đất nắn nên một hình hài mà khuôn mẫu là chính Chúa. Tiếp đến, Ngài thổi Thần Khí vào hình hài ấy khiến cho nó được chuyển động và được sống, một sự sống khác loại hoàn toàn so với các loài kia. Cũng chính Chúa đã ra lệnh truyền: “Hãy thống trị mặt đấy, làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất… Đây, Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi…” Cũng cùng là một thụ tạo của Chúa, nhưng con người được Thiên Chúa đặt ở vị thế cao hơn mọi loài khác. Con người được sinh ra để làm chủ!

Các bạn trẻ thân mến,

Cuộc sống tân tiến ngày nay có lẽ phần nào đã khiến các bạn quên đi tư cách cao quý ấy của mình. Có đôi khi, nhiều người trong chúng ta vui thích với thân phận nô lệ hơn. Nô lệ cho đồng tiền, khiến ta phải lươn lẹo, gian dối. Ta bất chấp tất cả chỉ mong có được một khoản lợi nhuận cho bản thân, mà không màng chi đến những thiệt hại gây ra cho người khác. Nô lệ cho danh vọng đã khiến ta phải luồng cúi trước bạo quyền, dùng biết bao thủ đoạn để tiến thân, gạt sang một bên tất cả những giá trị của luân thường đạo lý. Có biết bao nhiêu bạn trẻ vì một phút nông nỗi, không kiềm chế được bản thân, đã buông mình theo những trò trụy lạc của tính dục, hút chích và ăn chơi, để rồi suốt quảng đời còn lại chỉ biết làm nô lệ cho chúng. Có quá nhiều điều xảy ra trong cuộc sống đã khiến ta cứ phải khom lưng, an vui với cái tầm thường nhỏ bé. Ta không những đã đánh mất đi địa vị cao quý của mình, mà còn làm cho hình ảnh Thiên Chúa trong ta bị méo mó.

Thiên Chúa dựng nên chúng ta là muốn chúng ta thay Chúa quản lý tất cả những thụ tạo hữu hình khác, kiến tạo và sử dụng chúng như một phương tiện để đạt đến Chúa, chứ không phải bị chúng lèo lái, thống trị đến độ đánh mất đi phẩm giá của mình. Làm chủ là một thái độ của người tự do với hết tất cả những bám víu và lôi kéo. Người sống đúng tư cách làm chủ là người có một tâm hồn hết sức thanh thoát, không còn để mình dính líu đến những lụy tục nhưng chỉ một lòng hướng về nguồn Chân Thiện Mỹ là chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy các môn đệ như thế khi tranh luận với các kinh sư về việc bứt lúa hay chữa lành các bệnh nhân trong ngày Sabat. Phong thái ung dung tự tại của Giêsu cho thấy Ngài đích thực là một con người hoàn toàn làm chủ.

Suy nghĩ về tư cách làm chủ của con người hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi nhớ đến những người nghèo, người già, người thiểu năng, các trẻ em và đặc biệt là các thai nhi vô tội. Cũng như chúng ta, họ đều có cùng một phẩm giá con người. Chẳng phải vì họ không may mắn có được những điều ta có mà họ bị xếp ở vị trí thấp hơn ta. Không! Họ cũng được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và cũng được Ngài ban cho quyền làm chủ giống như ta. Xin đừng tước đi nhân phẩm của họ, nhưng hãy cố gắng nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong họ.

Các bạn trẻ thân mến,
Chúa Giê-su đã rất hạnh phúc khi không ngừng gọi mình với danh xưng “con người”. Thiên Chúa đã xuống thế trong hình hài của con người, để cứu độ con người. Ta không hề thấy Thiên Chúa ưu ái với loài nào như thế. Dường như mọi hoạt động của Thiên Chúa đều chỉ nhắm đến con người mà thôi. Con người có một vị trí vô cùng to lớn trong trái tim Thiên Chúa đến độ Ngài không tiếc điều chi. Các bạn có ý thức điều đó không? Các bạn có hạnh phúc vì điều đó không


Hoàng Nam. SJ

TÌNH THƯƠNG VÀ LỜI NÓI DỐI CỦA MẸ

Con đừng lo, mẹ chẳng đau chút nào đâu con...Và đây là lần nói dối cuối cùng của MẸ...

Thuở nhỏ, gia đình cậu rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi cơm đủ ăn, mẹ lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo: Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói! - Lần nói dối đầu tiên của Mẹ.

Khi cậu lớn dần lên, người mẹ tảo tần tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô mò thêm ít cua, ốc về cho con. Món canh cua đồng thật ngon. Khi các con xì xụp ăn, mẹ ngồi một bên rệu rã với chút rau khoai luộc. Khi cậu đưa bát để xin thêm ít cơm, mẹ húp nốt những cặn canh cuối cùng. Cậu xót xa, liền lấy chén canh đổ vào bát mẹ. Mẹ không ăn, lại chan trả về bát cậu. Mẹ bảo: mẹ không thích ăn cua, chỉ vì không muốn cơm mới bị lẫn với chỗ canh thừa - Lần thứ hai Mẹ nói dối!
Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối. Một buổi tối đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc, thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu nhợt nhạt. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ chỉ cười: Con cứ ngủ đi, mẹ bị mất ngủ nên không buồn ngủ - Mẹ lần thứ ba nói dối!
Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm, cả đêm trước hì hụi nấu chõ xôi Đỗ, để sáng dậy con ăn như chúng bạn vẫn kháo nhau: ăn xôi đỗ sẽ thi đậu. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc, mẹ mong ngóng từng khắc phía ngoài phòng thi. Tiếng chuông hết giờ đổ vang. Mẹ dang rộng cánh tay ôm đứa con trai bé nhỏ, trong tay mẹ là bình trà pha sẵn mẹ đã ướp hoa từ độ tuần trước. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà nhỏ bằng thủy tinh nhỏ trong suốt, một trong những thứ tài sản quý giá nhất trong nhà, mời mẹ uống. Mẹ bảo: Mẹ đợi con, vừa được bác đứng cạnh mời uống rồi, con uống đi, mẹ không khát - Lần thứ tư Mẹ nói dối!
Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá, tần tảo ngày này qua tháng khác. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người gắn bó trước lâu rồi cũng sinh cái tình, huống chi mẹ cảm động trước tình cảm chân thành, chất phác của chú Lý lắm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, để có người san sẻ. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn vậy, kiên quyết không đi bước nữa. Mọi người có khuyên mẹ thì mẹ bảo: các con còn bé, nhỡ phải chịu điều tiếng gì, mà tôi cũng coi chú Lý như là anh em trong nhà cả thôi - Mẹ nói dối lần thứ năm!
Sau khi anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ, nhưng một thân một mình, cũng có tuổi, mẹ mắt đã kém, chân tay cũng không còn dẻo dai như trước, việc cũng dần ít đi. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: các con mới ra đời, cần nhiều khoản chi tiêu, nào có đầy đặn gì. Mà mẹ bây giờ tháng đi chợ cũng không có thiếu gì tiền cả. Cứ cầm lấy - Lần thứ sáu mẹ nói dối!
Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty chuyên về nghiên cứu. Khi đã có chút điều kiện, cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng. Nhưng không hiểu mẹ nghe đâu, rằng công việc của con trai cần sự tập trung cao, chẳng có nhiều thời gian, mà thủ tục mọi thứ sang Mỹ rất tốn kém, phức tạp. Mẹ nghe vậy, nhất quyết từ chối: tao sống ở đây nó quen rồi, tao không đi đâu cả. Dù đêm đêm mẹ ở một mình, mắt mẹ mờ đi vì thương nhớ đứa con trai bé nhỏ của mình đã xa cách bao lâu - Mẹ lại một lần nữa nói dối!
Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ đã già và yếu lắm. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ, mẹ mở mắt, cố gượng thều thào bảo cậu: Con đừng lo, mẹ chẳng đau chút nào đâu con...

Và đây là lần nói dối cuối cùng của MẸ...

 

Sưu Tầm

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN - C

     
Nghe bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ nhiều người thắc mắc: Giáo Hội có nhầm không? Ngày lễ Chúa làm Vua mà lại đọc bài tường thuật cái chết tủi nhục của Chúa. Thật khó hiểu.

Ta không hiểu, vì trí ta luôn vẽ ra hình ảnh một ông Vua theo kiểu trần gian. Trong khi Chúa Giêsu đã cho biết: “Nước tôi không thuộc trần gian này” (Ga 18,36). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ba tính cách của Vương quốc Đức Kitô.
Đó là Vương quốc của lòng hiếu thảo. Thiên Chúa muốn thiết lập Vương quốc này ngay từ buổi sơ khai. Nhưng ma quỷ phá hoại bằng cách xúi giục con người chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu xuống thế để tái lập mối liên hệ Cha-Con giữa Thiên Chúa với loài người. Người đã sống như một người Con Hiếu Thảo của Đức Chúa Cha. Sống kết hiệp với Đức Chúa Cha. Trong Phúc Âm, lời đầu tiên Người nói là nói về Đức Chúa Cha: “Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con ư?” (Lc 2,49). Lời cuối cùng của Người cũng hướng về Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Trọn cuộc đời Người luôn thi hành thánh ý Cha, cho dù có những lúc phải đổ mồ hôi máu mới bỏ được ý riêng mình. Người đã sống đến cùng tâm tình của người con hiếu thảo. Trên thập giá, Người đã hoàn tất việc thiết lập Vương quốc ban đầu theo ý định của Thiên Chúa; quy tụ những người con hiếu thảo trong nhà Cha trên trời.
Đó là Vương quốc của sự tự do. Con người rời xa Thiên Chúa rơi vào vòng tay ma quỷ. Ma quỷ trói buộc con người bằng những sợi dây nô lệ: nô lệ cho danh vọng, nô lệ cho tiền bạc, nô lệ cho thú tính. Đức Giêsu xuống trần gian để giải thoát con người khỏi ách nô lệ ma quỷ. Người cứu con người khỏi mọi thứ sợ hãi. Người giải phóng ta khỏi mọi áp lực, mọi mặc cảm. Trọn đời Người nêu gương một đời sống tự do. Thoát khỏi sự ràng buộc của của cải vật chất, Người sống như một người nghèo: “Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng Con Người không có hòn đá gối đầu” (Mt 8,20). Người đã chống lại những cơn cám dỗ về quyền lực từ ngày đầu tiên trong sa mạc cho đến phút cuối đời trên thập giá: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy biến đá thành bánh mà ăn” (Mt 4,3). “Nếu Ông là Đức Kitô, hãy xuống khỏi thập giá, chúng tôi sẽ tin”. Rất tự do, Người đã đi vào cái chết. Chính khi bị treo trên thập giá, thân trần trụi, mất hết mọi uy tín, danh dự, Người đã phá tung hết mọi thứ xiềng xích nô lệ, khai mạc một triều đại tự do cho con người.
Đó là Vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.
Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.
Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Vua của tâm hồn con, xin nhận con vào Vương quốc của Người. Amen.

ĐTGM. Jos Ngô Quang Kit