Suy niệm Chúa nhật IV Thường niên B

 

DIỆT TRỪ SỰ DỮ

 


Độc giả hôm nay cũng như những người chứng kiến sự kiện mà thánh Mác-cô thuật lại đều ngỡ ngàng và thú vị ở chi tiết: chính thần ô uế công khai tuyên xưng thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu.  Theo khái niệm của Kinh Thánh, thần ô uế vừa tượng trưng cho ma quỷ Satan, vừa là lực lượng đối lập với những gì là thiện hảo, ngay lành và thậm chí còn đối lập với chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.  Thần ô uế đã tuyên xưng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”  Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám.  Thánh Mác-cô hay diễn tả uy quyền của Chúa bằng cách ra lệnh cho các thế lực thiên nhiên hay ma quỷ, như trong Mc 4,39 Chúa đe gió và biển: “Im đi, câm đi”; Chúa ra lệnh cho người bại tay (x. Mc 3,5).  Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã giúp nhiều người tin vào Chúa Giêsu, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, diệt trừ sự dữ và xây dựng một vương quốc thánh thiện, nhằm thánh hóa con người.

 

Thánh Mác-cô cho chúng ta một chi tiết đặc biệt nữa: Hội đường là nơi thánh thiêng của người Do Thái cũng giống như nhà thờ của các Kitô hữu ngày nay.  Vào mỗi ngày Sa-bát, mọi người đều tập trung ở đó để đọc và nghe Lời Chúa.  Chính Chúa Giêsu, khi trở về thăm quê hương Nagiarét, đã vào hội đường và đọc Kinh Thánh trước mặt cộng đoàn (x Lc 4,16-28).  Vậy mà, dưới ngòi bút tường thuật của thánh Mác-cô, nơi ấy cũng có thần ô uế ám ảnh.  Chính nơi thờ phượng thiêng liêng của người Do Thái cũng có sự hiện diện của Satan.  Với những chi tiết này, Thánh Mác-cô có ngầm ý khẳng định với chúng ta rằng, Chúa Giêsu đến để canh tân phụng vụ Do Thái đã trở nên lỗi thời và còn nhiều khiếm khuyết.  Sau này, chính Chúa Giêsu tuyên bố Người là Đền thờ đích thực.  Nền phụng vụ mới mà Chúa Giêsu đề nghị, đó chính là thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý.  Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường, tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Đức Chúa Trời.  Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, lời ca tụng tôn vinh Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.

 

Sứ mạng của Đấng Thiên sai là đẩy lui quyền lực của bóng tối đang bao phủ nhân loại.  Chúa Giêsu đã đến trần gian để giải phóng con người khỏi ách kìm kẹp của ma quỷ, là quyền lực của tối tăm.  Người là ánh sáng trần gian đã bừng lên trong tăm tối để dẫn đưa con người về chính lộ.  Những người Do Thái chuyên tâm đọc Sách Thánh sẽ dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ mà Cựu ước đã loan báo.  Sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời giáo huấn của ông Môisen, vị thủ lãnh đã dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Aicập.  Trong những lời trăng trối cuối đời, ông Môisen đã nói đến một vị ngôn sứ Chúa sẽ gửi đến.  Vị này cũng đầy quyền uy để lãnh đạo dân như ông Môisen, và còn hơn cả Môisen nữa.  Sứ mạng của vị Ngôn sứ này là đem Lời Chúa làm lương thực nuôi dân chúng (Bài đọc I).  Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ muôn dân mong đợi.  Ngài đến để thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi, để thiết lập một nền phụng vụ đích thực, không còn những uế tạp trần tục, nhưng có khả năng thánh hóa con người.  Những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.  Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.”

 

Hơn hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội không ngừng loan báo Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Đấng cứu độ và giải phóng con người.  Giáo Hội cũng đang tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, nhằm đem ơn cứu độ đến cho mọi dân tộc.  Loan báo Đức Giêsu cũng là sứ mạng của mỗi Kitô hữu.  Đó chính là nhiệm vụ chúng ta đã lãnh nhận khi được chịu phép Thanh tẩy.  Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải sống Tin Mừng trong cuộc sống cụ thể hằng ngày.  Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Satan.  Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày.  Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống.  Thánh Phaolô đã cụ thể hóa đời sống Kitô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân.  Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình.  Người tu hành thì chăm lo việc Chúa.  Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II).

 

Là Kitô hữu, chúng ta được tham dự vào chức ngôn sứ của Chúa Giêsu.  Mục đích của chức năng này là rao giảng Lời Chúa.  Được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu nhờ bí tích Thanh Tẩy, người Kitô hữu cũng đang cùng với Chúa Giêsu để diệt trừ sự dữ, đẩy lui quyền lực của tối tăm và làm cho ánh sáng cứu độ bừng lên nơi mọi nẻo đường của cuộc sống.  Những người dân thành Caphanaum chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu làm đã đồn ra khắp vùng.  Mỗi chúng ta khi cảm nghiệm những điều lạ lùng Chúa làm cho mình, hãy nỗ lực cố gắng để nói về Chúa cho mọi người xung quanh, để kể lại những kỳ công của Người.

 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Suy niệm Chúa nhật III Thường Niên B

 


Đoạn Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan: “Các anh hãy đi theo tôi”. Nghe tiếng Chúa kêu gọi, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thiết thân nhất trong đời sống như nghề nghiệp và phương tiện sinh sống cùng với những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên. Các ông đi theo Ngài một cách tin tưởng mà không hỏi xem Ngài sẽ dẫn các ông đi đâu và tương lai sẽ thế nào.

Bốn tông đồ đầu tiên nói riêng và tất cả các tông đồ nói chung, đã thực thi mệnh lệnh “Hãy đi theo tôi” của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn. Các ông đã đi theo Chúa, sống bên Chúa, chứng kiến mọi việc Chúa làm, ghi nhớ những lời Chúa giảng dạy. Và khi Chúa về trời, các ông hăng say rao giảng về Chúa và giáo huấn của Chúa cho đến chết.

Nếu Chúa Giêsu đã quan tâm kêu gọi những người cộng sự trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, thì điều đó có nghĩa là Ngài không muốn làm việc một mình mà muốn nước trời là công trình có sự đóng góp của mọi người. Lời kêu gọi “Hãy đi theo tôi” hôm qua vang lên bên tai các tông đồ thì hôm nay vẫn còn vang lên trong nhịp sống Giáo hội và gửi đến chúng ta. Vấn đề là chúng ta có quan tâm lắng nghe và đáp ứng không?

Như các tông đồ xưa kia được kêu gọi là để cộng tác với Chúa Giêsu việc cứu độ nhân thế: “Tôi sẽ cho các anh trở thành kẻ đi chài lưới người”, thì người Kitô hữu cũng thế, được kêu gọi theo Chúa, không phải chỉ lo cứu linh hồn mình, nghĩa là không phải chỉ là người giữ đạo, đọc kinh, đi lễ, nhưng còn để làm  tông đồ cho Chúa nữa. Dù ở bậc sống nào, dù ở bất cứ chỗ nào, dù vào hay không vào đoàn thể nào, chúng ta cũng phải là những tông đồ của Chúa. Làm tông đồ trước tiên là bằng chính đời sống tốt đẹp, và đó là cái lưới Chúa dùng chúng ta để đi chài lưới con người.

Câu truyện sau đây là một thí dụ điển hình: Một hôm, thánh Clêmentê lững thững đi vào một quán ăn. Ngài giơ tay ra chào mọi người và nói: “Xin quí ông rộng lượng bố thí cho các em cô nhi một miếng ăn”. Tức thì các thực khách cười rộ lên. Một người tên là Wilszek ngổ ngáo nói: “Một miếng ăn cho các em hả, được lắm”. Nói xong, anh ta nâng cốc bia lên uống, rồi phùng miệng phun thật mạnh vào mặt cha Clêmentê. Ngài điềm tĩnh lấy khăn mùi xoa ra lau mặt, rồi lại giơ hai tay ra và nói: “Thưa các ông, đó là phần của tôi. Còn phần của các em cô nhi đâu chưa thấy”. Wilszek khựng lại, anh ấp úng nói. “Tôi… tôi sẽ gởi tặng các em một món quà”. Quả thực, sau đó anh tự động đi lạc quyên các bạn bè xa gần và đến trao cho thánh Clêmentê một món tiền lớn; và anh còn làm nhiều lần như thế.

Gương sáng đời sống tốt đẹp có sức mạnh như thế đó. Ước gì, từ đời sống hòa thuận yêu thương trong gia đình, đến mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong xóm ngõ, cuộc sống tốt trong nghề nghiệp và bổn phận sẽ là lời chứng: Chúng ta là môn đệ Chúa Kitô.

 

Thấy - Gọi - Bỏ - Theo

 

THẤY - GỌI - BỎ - THEO

 


Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan, Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét, phải chia tay với người mẹ thân yêu, phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.  Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống, Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.

 

Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).  Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng (c.15).  Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.  Ngài cần người cộng tác, dù nước Israel chỉ là một nước bé nhỏ.

 

Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.  Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.  Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.  “Hãy theo tôi.  Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).

 

Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.  Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài, chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.  Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.  Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.

 

Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.  Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.  Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.  Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly. 

 

Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để đáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.  Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề đánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.  Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.  Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn, bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.

 

Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.  Nhưng bỏ chính là để THEO (c. 18.20).  Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.  Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác, dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương, dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.  Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.

 

****************************

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.  Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

 

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.  Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.  Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

 


 

Suy niệm Chúa Nhật II Thường Niên B

 


Là người đạo gốc, chúng ta vốn thường xuyên đọc kinh xem lễ, nhưng rồi một ngày nào đó chúng ta băn khoăn tự hỏi: Liệu chúng ta đã thực sự gặp gỡ Chúa hay chưa? Vậy thế nào là gặp gỡ Chúa? Kinh Thánh đã kể lại biết bao nhiêu sự gặp gỡ.

Trong Cựu ước, chúng ta thấy Samuel đã gặp gỡ Chúa ngay từ buổi thiếu thời khi cậu ngủ trong đền thờ, từ đó cậu bước theo tiếng gọi của Chúa trong suốt cuộc đời.

Trong Tân ước, phải kể đến trước tiên là các môn đệ. Các ông đã gặp Chúa Giêsu, được Ngài gọi và đi theo Ngài. Nhất là khi đã cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, các ông mạnh dạn rao giảng Tin Mừng, mặc bao gian truân nguy hiểm trên con đường thực hiện sứ vụ.

Tiếp đến là những người phụ nữ. Chẳng hạn như người đàn bà ngoại tình đã được Chúa che chở bình an trước những kẻ cực đoan định ném đá chị. Hay như Madalena, ngay từ buổi gặp gỡ Chúa đã đoạn tuyệt với cuộc đời tội lỗi để sống xứng đáng với ơn tha thứ chị đã nhận lãnh.

Đặc biệt nhất là thánh Phaolô. Kể từ khi bị ngã ngựa trên đường đi Đamas, ông đã bừng tỉnh. Từ một kẻ say sưa bắt bớ các tín hữu, ông đã trở thành một tông đồ nhiệt thành và xác tín: “Đức Kitô sống trong tôi… và không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa”. Ông đã cảm nhận mình là chi thể của Đức Kitô, là đền thờ của Thiên Chúa, và trong suốt cuộc đời còn lại ông đã trung thành với ơn gọi của mình, là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại.

Trong lịch sử Giáo Hội, sự gặp gỡ làm thay đổi cuộc đời đã được thể hiện qua hình ảnh của thánh Augustinô, thánh Ignatiô và nhiều vị thánh khác. Từ một cuộc sống sa ngã trác táng, họ đã trở nên những con người thánh thiện, nhiệt thành với sự nghiệp Nước Chúa.

Trong cuốn sách mang tựa đề: “Những người trở lại trong thế kỷ 20” ghi lại hơn ba mươi khuôn mặt từ giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân và cả những người ngoài Kitô giáo đã có những cuộc đổi đời kỳ diệu. Tác giả trình bày kinh nghiệm gặp gỡ Chúa một cách độc đáo, riêng biệt của từng người. Và từ đó cuộc đời của họ đã biến đổi một cách sâu sắc.

Dù trở lại cách nào đi chăng nữa, thì qua những lần gặp gỡ, họ đều cảm nhận được Chúa Giêsu một cách rất cụ thể. Họ cũng cảm nhận được tình thương cao cả của Chúa đối với con người. Và mỗi người đều đáp lại lời mời gọi của Chúa chính đời sống của mình.

Chúng ta gọi tên những cuộc gặp gỡ này là: những cuộc gặp biến đổi. Xin cho chúng ta được như Gia kêu ngày xưa, gặp Chúa và được đổi mới cuộc đời. Cũng như các tông đồ, gặp Chúa là bỏ mọi sự để đi theo, và đem cả cuộc đời để làm chứng. Chúng ta hãy thử nhìn vào đời sống của mình, xem chúng ta đã thực sự gặp Chúa hay chưa? Ước gì qua các giờ phụng vụ của cộng đoàn giáo xứ, qua các giờ kinh nguyện chung, hay qua các việc làm bác ái, những lần thăm viếng yêu thương người khác là chúng ta gặp Chúa. Và mỗi cuộc gặp gỡ đều đem đến cho chúng ta những biến đổi.

 

Những lý do để hy vọng trong năm mới

 

Cha Timothy Radcliffe, OP: Những lý do để hy vọng trong năm mới

Linh mục Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh (1992-2001), là nhà giảng thuyết và tác giả có sách bán chạy nhất. Vào tháng 10.2023, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chọn ngài hướng dẫn cuộc tĩnh tâm cho 363 tham dự viên khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng về hiệp hành để thảo luận tương lai của Giáo hội Công giáo.

Bước vào năm mới 2024, Cha Timothy Radcliffe đã dành cho phóng viên Christophe Henning của báo La Croix cuộc phỏng vấn độc quyền trong đó cha giải thích lý do tại sao - ngay cả trong thời điểm khó khăn hiện tại – chúng ta vẫn có lý do để hy vọng và khuyến khích đừng từ bỏ niềm khao khát hạnh phúc vô biên của mình.

 

La CroixTheo cha, thế nào là hy vọng?

Cha Timothy Radcliffe: Trong các Tổng hội của Dòng Đa Minh mà tôi là thành viên, chúng tôi luôn nhận thấy sự khác biệt hấp dẫn giữa văn hóa “Latin” và văn hóa “Anglo-Saxon”. Văn hóa Latin thường bắt đầu cuộc thảo luận bằng việc xác định các thuật ngữ. Còn những người Anglo-Saxon chúng tôi thì thấy rằng sẽ hiệu quả hơn nếu để cho ý nghĩa trọn vẹn của các từ dần dần lộ ra.

 

Vì vậy, tôi rất vui vì bạn trung thành với di sản văn hóa Pháp của mình! Và, để giữ phép lịch sự, tôi phải đề xuất một điều: đối với Kitô hữu, hy vọng hệ tại ở việc tin rằng chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn mà chúng ta khao khát, đó chính là Thiên Chúa.

 

La CroixTrong cuộc tĩnh tâm vào tháng 10 năm ngoái với các tham dự viên Thượng Hội đồng, cha đã suy niệm câu “Niềm Hy vọng chống lại hy vọng”. Đó chẳng phải là hơi điên rồ, liều lĩnh, và táo bạo khi hy vọng chống lại mọi hy vọng sao?

Cha Timothy Radcliffe: Trái lại, tôi sẽ nói rằng thật kỳ lạ - thậm chí là điên rồ - nếu KHÔNG hy vọng vào hạnh phúc vô biên này. Con người đôi khi được đánh động bởi sự khao khát tình yêu vô bờ bến, vô điều kiện. Nếu chúng ta chối bỏ điều này và xem hy vọng như một ảo tưởng, thì chúng ta đang nói rằng cốt lõi của nhân loại chúng ta là sự giả dối.

 

Tôi tin rằng khao khát sâu xa của con người về hạnh phúc bất tận này, mà đôi khi tất cả chúng ta đều cảm thấy, là điều chân thực nhất. Hy vọng vào điều đó tức là đang sống trong thế giới thực. Trẻ em biết điều này. Tôi hy vọng rằng sự giáo dục không phá hủy niềm hy vọng này, vốn là cốt lõi thâm sâu của nhân loại chúng ta.

 

La CroixThế giới hiện đang bị rung chuyển bởi các cuộc xung đột ở Palestine và Ukraine. Làm sao người ta lại không lo lắng và không bị ảnh hưởng bởi bầu khí chiến tranh này? Chẳng ai có thể thờ ơ được...

Cha Timothy Radcliffe: Tất nhiên là không thể! Sẽ là một cớ vấp phạm nếu vẫn cứ dửng dưng. Điều khó khăn là chúng ta thường thấy bạo lực trên các phương tiện truyền thông đến mức thật dễ để thoát khỏi thực tế của nó và nghĩ rằng tất cả những bạo lực chỉ là một trò chơi, như thể các cuộc chiến tranh trên thế giới chỉ là những trận bóng chày vô hại. Giá như chúng ta có thể thoáng thấy được sự khủng khiếp thực sự của chiến tranh, chúng ta sẽ khóc thảm thiết và nỗ lực hết sức vì hòa bình.

 

Tôi đã xem đoạn video về một người lính trẻ Nga bị máy bay không người lái truy đuổi. Anh ấy nhận ra đã đến tận số và tự bắn vào miệng mình. Tôi đã khóc suốt một tiếng đồng hồ.

 

La CroixNhững lý do để lo lắng cũng liên quan đến khủng hoảng khí hậu. Liệu nhân loại vẫn có thể cứu được hành tinh của chúng ta chăng?

Cha Timothy Radcliffe: Điều này xứng đáng nhận được một câu trả lời rất dài! Tôi chỉ muốn nói một cách đơn giản rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động phá hoại của chúng ta đó là lầm tưởng rằng chúng ta phải theo đuổi sự phát triển vô tận. Đây là một ảo tưởng. Chúng ta cần một mô hình mới về một nền kinh tế lành mạnh.

 

Vấn đề thứ hai đó là chính trị và kinh doanh tập trung vào sự ngắn hạn - cuộc bầu cử sắp tới, báo cáo tài chính cuối năm, chẳng hạn-. Để đắc cử, các chính trị gia buộc phải hứa những điều họ không thể thực hiện được. Do đó, mỗi chính trị gia đều là một đấng thiên sai giả.

 

Ít nhất ở Anh, các đảng phái chính trị lớn luôn khẳng định rằng đảng kia không đáng tin cậy. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của các chế độ độc tài. Chắc chắn chúng ta cần đổi mới nền dân chủ có trách nhiệm ở địa phương, trong đó chúng ta được đào tạo về tinh thần trách nhiệm chung.

 

La CroixLàm sao để chúng ta tránh được nỗi sợ hãi trong một thế giới bị bạo lực bao trùm?

Cha Timothy Radcliffe: Cảm thấy sợ hãi trong một thế giới nguy hiểm là điều hết sức tự nhiên. Can đảm không có nghĩa là không sợ hãi mà là không trở thành tù nhân của sự sợ hãi. Một số người dũng cảm nhất mà tôi biết là những người dù sợ hãi nhưng vẫn làm những việc cần phải làm.

 

Tôi nghĩ đến Yvon Pomerleau, một tu sĩ Đa Minh người Canada, đã dám liều mạng trở về Rwanda trong thời kỳ xảy ra nạn diệt chủng. Quân đội đến cộng đoàn của chúng tôi để tìm Pomerleau: tất cả các anh em phải nằm xuống đất, bị thẩm vấn để tiết lộ tung tích của anh ấy. Pomerleau kể với tôi rằng anh ở đó, run rẩy vì sợ hãi, nhưng anh đã không bỏ chạy. Đó là sự dũng cảm đích thực.

 

Thần học gia Herbert McCabe dòng Đa Minh đã nói: “Nếu bạn yêu, bạn sẽ bị tổn thương, thậm chí bị giết. Nếu bạn không yêu, bạn đã chết rồi”.

Đúng vậy, chúng ta sẽ bị tổn thương, nhưng Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ và cho họ thấy những vết thương của Người. Chúng ta là anh chị em của Chúa bị thương tích, và những vết thương của chúng ta là dấu chỉ cho thấy chúng ta đã dám sống và chia sẻ niềm hy vọng của Người.

 

La CroixLàm sao chúng ta có thể tin tưởng khi đối diện với một tương lai bấp bênh?

Cha Timothy Radcliffe: “Tin tưởng” là một từ đẹp. Nó có nghĩa đen là “cùng nhau tin tưởng” - con-fidens trong tiếng Latin. Chúng ta không hy vọng một mình nhưng trong cộng đoàn đức tin.

Khi tôi hoài nghi, người khác có thể có đủ tự tin để hỗ trợ tôi. Khi họ mất hy vọng, tôi có thể giúp họ. Vì vậy, tương lai càng nguy hiểm thì chúng ta càng phải cấp bách cùng nhau tìm kiếm công ích chứ không phải tự nhốt mình vào sự sống còn của bản thân.

 

La CroixVậy thì việc đặt niềm tin cậy nơi Chúa là nơi nương náu hay là lối thoát?

Cha Timothy Radcliffe: Tôi có vinh dự lớn lao được sống với những người như Chân phước Pierre Claverie, vị tử đạo ở Algeria năm 1996. Ngài đã cống hiến cả cuộc đời để đối thoại với những người bạn Hồi giáo của mình. Ngài biết mình sẽ bị giết, nhưng ngài đối diện với tương lai với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, và ngài đã mang đến cho chúng tôi, anh em, chị em, và bạn bè của mình niềm tin tưởng.

Tôi cũng nghĩ đến Albert Nolan, một tu sĩ Đa Minh đã can đảm đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.

Thật là khích lệ khi được sống với những người phải đối diện với những căn bệnh khủng khiếp và cuối cùng là cái chết với lòng can đảm và niềm vui.

 

La CroixChúng ta có thể tìm thấy niềm hy vọng ở đâu? Từ cầu nguyện? Từ sự gặp gỡ người khác? Hay từ việc đọc Tin Mừng?

Cha Timothy Radcliffe: Mọi thứ đều có thể góp phần để có được niềm hy vọng! Thánh Oscar Romero sợ chết, nhưng ngài không bị nỗi sợ hãi đó đánh bại vì ngài là người cầu nguyện sâu xa và thầm lặng với Chúa. Cầu nguyện là nền tảng của cuộc đời ngài. Mọi điều ngài nói đều bắt nguồn từ đó.

 

Với những người bạn thân nhất của mình, chúng ta có thể im lặng, và do đó, nói sâu sắc hơn và được dẫn đến sự thinh lặng thậm chí còn sâu xa hơn nữa. Một trong những ký ức quý giá nhất của tôi có lẽ là những khoảnh khắc ở bên bạn bè trong thinh lặng, trước sự hiện diện của vẻ đẹp, và với ly rượu trên tay!

 

La CroixNhững quyết tâm trong năm mới của cha là gì?

Cha Timothy Radcliffe: Tôi muốn nghe nhạc nhiều hơn. Tôi tin rằng âm nhạc là điều cần thiết trong việc tìm kiếm hòa bình và hòa hợp của chúng ta. Âm nhạc mở ra cánh cửa dẫn tới sự siêu việt. Cuộc sống của tôi thường là một cuộc đua điên cuồng khi tôi cố gắng làm trăm công nghìn việc. Tôi cần dành nhiều thời gian hơn cho âm nhạc.

Đây cũng là sự chuẩn bị tốt cho vĩnh cửu, có lẽ không xa lắm đâu!

 

Chuyển ngữ từ: international.la-croix.com (02.01.2024)