Ý NGHĨA 4 CÂY NẾN MÙA VỌNG


4 cây nến trong mùa Vọng có ý nghĩa gì?



 Giáo hội Công giáo đang bắt đầu vào mùa Phụng vụ mới với tên gọi mùa Vọng. Đây là dịp lễ diễn ra khoảng thời gian 4 tuần trước lễ Giáng sinh, thường kéo dài từ 22 đến 28 ngày và có 4 ngày Chủ nhật tính từ trước ngày Lễ Giáng Sinh và kết thúc vào Đêm vọng Lễ Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12).

Trong thời gian này, Hội thánh Công Giáo kêu mời mọi người dành thời giờ dọn tâm hồn đón mừng lễ Chúa xuống làm người, lễ ánh sáng mặt trời công chính.
Ngoài những nét đặc trưng riêng có thì điểm nổi bật trên bàn thờ người Công giáo trong mùa Vọng là việc trang trí 4 cây nến tượng trưng cho 4 tuần trước lễ Chúa Giáng sinh. Ánh sáng 4 cây nến tỏa ra 4 phương trời đất trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. 
4 cây nến chung quanh “vòng hoa mùa Vọng” với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu.
Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô. 4 cây nến mang bốn sứ điệp đến cho con người, cụ thể: Cây nến thứ nhất chiếu ánh sáng Hòa bình cho những tâm hồn có lòng khoan dung nhân ái. Cây nến thứ hai mang ánh sáng Niềm Tin cho những tâm hồn khao khát tìm về với Chúa là cội nguồn của đời sống. Cây nến thứ ba chiếu tỏa hơi ấm Tình Yêu cho những tâm hồn tìm sống tình liên đới với người khác. Cây nến thứ tư mang niềm Hy vọng cho những tâm hồn cần niềm vui phấn khởi. 
Với đặc trưng đó nên các bài giảng dành cho các ngày trong tuần của mùa Vọng được khuyến khích đặc biệt theo từng mặt ý nghĩa. Các ngày trong tuần từ 17 - 24/12 hướng tới việc phục vụ chuẩn bị trực tiếp hơn dành cho sinh nhật của Đức Kitô. Kinh Vinh danh không được đọc hay hát trong dịp này.
4 cây nến mùa Vọng loan báo sứ mạng của Chúa Giêsu xuống trần gian làm người với con người.
Với ý nghĩa nhân bản và sâu sắc đó, mặc dù theo giáo luật Công giáo, những ngày và những lần sám hối trong Giáo hội hoàn vũ là mọi thứ 6 trong cả năm và cả mùa Chay. Song, các đấng bản quyền địa phương (Giám mục Giáo phận) có thể thiết lập thêm những ngày sám hối với mục đích giúp cho tín hữu Công giáo nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng tội của chính mình, thấy rõ lòng thương xót của Chúa và cố gắng sống thánh thiện với nhiều phương cách khác nhau./.
                                                                                               Hồng Ân Tổng hợp


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A



Canh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa 



Hôm nay chúng ta bước vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, khởi đầu cho Năm Phụng Vụ mới. Chắc hẳn ta cảm nhận thời gian trôi qua thật nhanh. Khi khí trời se lạnh một chút, chúng ta đã thấy ngoài thị trường trưng bày bán đầy dẫy những đồ trang trí lễ Noel. Người ta rộn ràng mua sắm, chuẩn bị cho ngày lễ và mở nhạc Giáng Sinh khắp nơi. Thế nhưng, với mỗi người Kitô hữu, Hội Thánh mong muốn chúng ta sống Mùa Vọng với tâm tình chuẩn bị kính nhớ biến cố Con Thiên Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất, đồng thời chúng ta hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày cánh chung. Vì thế, Lời Chúa mời gọi ta “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” Vậy, chúng ta cần làm gì và sống như thế nào để có thể canh thức và sẵn sàng đón Chúa?
Khi mừng Lễ Giáng Sinh, chúng ta nhớ về một biến cố trong quá khứ đã diễn ra trước đây hơn hai ngàn năm. Chúng ta cử hành sinh nhật của Chúa Giêsu, Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa trở nên một người ở giữa chúng ta. Còn Mùa Vọng lại thúc đẩy chúng ta hướng về tương lai. Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ rằng một ngày nào đó Chúa Giêsu sẽ đến trong vinh quang, là ngày cùng tận của thế giới, để thay đổi, làm cho tất cả nên mới. Vì thế, “Hãy canh thức, hãy sẵn sàng” là điều Chúa Giêsu chỉ dạy và mong ước chúng ta thực thi.
Hãy Canh Thức. Chúa tha thiết kêu mời chúng ta hãy canh thức để có thể nhận biết sự hiện diện của Chúa trong trần gian và trong cuộc sống của chính chúng ta. Chúa Giêsu đưa ra quang cảnh ngày Chúa đến sẽ như nạn hồng thủy ập xuống bất ngờ “Thời ông Nôê thế nào thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy.” Vì thế, cần phải canh thức mới nhận ra ngày giờ Chúa đến và mới được cứu. Người canh thức là người tỉnh, không ngủ mê trong những tội lỗi; là người tỉnh thức trước những cám dỗ của trần gian, của những ham mê danh lợi thú, của những lo lắng sự đời và tất cả những gì ngăn cản Chúa đến với ta.
Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tỉnh thức hướng lòng về Chúa và không còn bám víu vào thế trần. Chính Chúa đã dạy các môn đệ “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Cầu nguyện là vũ khí của người Kitô hữu và là chìa khóa mở trái tim Thiên Chúa. Vì vậy, thánh Phaolô đã khuyên chúng ta hãy “Cầm lấy cũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm13,12). Nhờ vũ khí cầu nguyện, chúng ta mới thức dậy và mạnh mẽ loại trừ những việc làm đen tối, ăn ở đứng đắn, không chiều theo tính xác thịt hay dục vọng nhưng luôn mặc lấy Chúa Kitô (x. Rm 13,12-14). Vậy đừng bao giờ chúng ta ngừng cầu nguyện, vì “Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục” (Thánh Têrêsa Avila). Ước mong sao mỗi chúng ta biết dùng thời giờ trong ngày sống để dâng lên Chúa những tâm tình tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ, hối lỗi và xin ơn lành… Như thế, cầu nguyện sẽ là chiếc thang nối trời với đất và giúp ta luôn tỉnh thức sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
Hãy Sẵn Sàng. Lời Chúa tha thiết nhắc nhở ta hãy biết chuẩn bị chu đáo từ xa để có một tâm hồn sẵn sàng chờ đón Chúa. Bởi “Đời đâu học được chữ ngờ”, thế nên thái độ sẵn sàng không bao giờ là thừa, nhất là sẵn sàng chờ đón giờ Chúa đến. Vì “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Giờ và ngày ấy sẽ không bất ngờ nếu ta biết chuyên chăm cầu nguyện, cử hành các Bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày. Chỉ trong cầu nguyện và cử hành Bí tích, ta mới có cơ hội tập quen dần đón Chúa, gặp gỡ Chúa và trò chuyện thân mật với Chúa. Nhờ cầu nguyện, Chúa ban cho ta sức mạnh và lòng can đảm để vượt qua những thử thách, những sự dữ và có thể đứng vững trong ngày Chúa đến.
Chúng ta cần lắng nghe Chúa nhắn nhủ và ý thức để sống Canh Thức và Sẵn Sàng, vì “Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” Hãy để Lời Chúa ngân vang trong lòng chúng ta, và cố gắng thực thi Lời Chúa dạy. Hãy dành thời gian cầu nguyện, tập nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đởi mình, trong những biến cố, trong anh chị em. Và ta cũng hãy biết đón Chúa qua việc tiếp đón, yêu thương chia sẻ với những anh chị em bé nhỏ, nghèo hèn đang sống quanh ta ngay nơi trần gian này. Có như thế, tâm hồn ta mới luôn ở trong tư thế canh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa. Đừng để ta bị bất ngờ về “Ngày ấy” Ngày Chúa đến với ta qua giờ chết của mỗi người và trong ngày Chúa quang lâm.
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến. Xin hãy ban thêm lòng tin, cậy, mến, để chúng con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Amen.
                                                                                                                               Dã Quỳ




THÁNG 12

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
03/12
Lễ thánh Phanxicô Xaviê

Chị Tho

06/12
Lễ thánh Nicolas
Chị Kim Ngân
08/12
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
* Bổn mạng Học Viện             
* Chị Diễm Lan
13/12
Lễ thánh Lucie, Tn, Tđ
Lễ thánh Odile
* Chị Quý Phương
* Chị Mỹ
26/12
Lễ Thánh Etienne
Chị Sen
27/12
Lễ thánh Gioan Tông đồ
Dì Nga.

 

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
03/12
Ông cố Micae - Thân phụ Dì Trưởng
11/12
Ông cố Phanxico Xavie - Thân phụ chị Mỹ Tiên
Ông cố Giuse - Thân phụ chị M.Odile Mỹ
22/12
Bà cố Maria - Thân mẫu chị Lan (Cathérine)

NÉT ĐẸP NƠI NGHĨA TRANG


Bạn thân mến,
Đã từ lâu, nghĩa trang thường được xem là nơi của chết chóc u buồn. Ngày đưa tiễn bạn bè hay người thân về nơi an nghỉ vĩnh hằng, nghĩa trang luôn đượm buồn tang tóc. Mảnh đất ấy ôm lấy thi hài người đã khuất; bao giọt nước mắt thấm sâu trong lòng bụi đất nơi nghĩa trang, và hàng tỉ tỉ câu chuyện buồn quanh mảnh đất đầy u uẩn này. Tuy nhiên, trong niềm tin tưởng vào Đấng Phục Sinh, nghĩa trang Công Giáo luôn chất chứa nhiều hy vọng, nhiều nét đẹp luôn trổ sinh nơi mảnh đất thánh thiêng này.  

Cứ vào tháng 11 hàng năm, rất nhiều người đi ra nghĩa trang để trang hoàng lại phần mộ của người đã khuất. Ai cũng chăm lo làm sao để mộ phần được sạch đẹp và ấm cúng. Ngoài những đóa hoa rung rinh trên những nấm mồ, người ta có thể thấy những khói hương nghi ngút hoặc ánh nến lunh linh. Nghĩa trang lúc này thực sự là một mảnh đất xinh đẹp không quá đáng sợ khiến người ta xa tránh. Nét đẹp bên ngoài ấy thể hiện tấm lòng người còn sống muốn nhớ về những linh hồn đã khuất.

Đối với người Kitô hữu, tháng 11 là thời gian rất đặc biệt để cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất. Họ có thể là ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của ta. Bầu không khí nguyện cầu này rất dễ thấy và thật sống động nơi mỗi nghĩa trang. Đêm cũng như ngày, ai cũng thu xếp cộng việc để ra mảnh đất yên nghỉ của biết bao người quá cố, để thắp nén hương nguyện cầu. Ta hy vọng lời nguyện cầu ấy luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Nhờ đó, ta ước nguyện Thiên Chúa sẽ dủ lòng thương đón những linh hồn nơi luyện ngục về hưởng hạnh phúc thiên đàng. Hóa ra từng lời kinh tiếng hát luôn là nét đẹp có giá trị trước nhan thánh Chúa. Trong tín điều các thánh thông công, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho những linh hồn ấy.

Nét đẹp nơi nghĩa trang còn là tình người với nhau. Nơi nghĩa trang, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho người đã khuất, mà còn là nơi diễn tả tình liên đới của những người còn sống. Thành viên trong gia đình, đoàn thể trong xứ cùng nhau hiện diện nơi nghĩa trang để dâng về Chúa biết bao nguyện cầu. Lúc này nghĩa trang không còn là mảnh đất lạnh lùng âm u, nhưng là nơi ấm áp tình người. Rồi mỗi người nhận thấy phận mình mong manh; trước cái chết, chỉ có Thiên Chúa mới cứu được chúng ta. Nhờ thế, tự nhủ với lòng, tôi sẽ sống tốt hơn với Chúa, với tha nhân. Hy vọng nơi nghĩa trang luôn trổ sinh những nét đẹp thánh thiêng như thế!

Mỗi người có thể cảm nhận thêm nhiều nét đẹp nơi nghĩa trang. Xin đừng sợ mảnh đất đang cưu mang những người đã khuất. Cũng xin đừng tranh giành đất của những người đang yên nghỉ. Xin dành cho nhau những mảnh đất nghĩa trang để người chết được mồ yên mả đẹp. Rồi trong suốt tháng này, xin đừng quên những linh hồn nơi luyện ngục! Họ cần chúng ta thăm viếng, nguyện cầu. Hãy nhìn di ảnh trên phần mộ của họ để nhớ về một con người từng hiện diện với chúng ta. Họ cũng muốn liên lạc với chúng ta. Cầu chúc cho nhau trong tháng 11 này, chúng ta hạnh phúc bước vào nghĩa trang để nài xin Chúa cứu lấy các linh hồn nơi luyện ngục. Trong niềm tin vào lòng Chúa xót thương, ta phó thác linh hồn họ cho Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chiến thắng tử thần.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng sống, xin đoái thương đón những linh hồn nơi luyện ngục về chốn bình an. Xin nhận lời chúng con nguyện cầu cho họ được hưởng nhan thánh Chúa. Xin Chúa đừng lãng quên thân bằng quyến thuộc của chúng con. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ




THÁNG 11

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
03/11
Lễ thánh Martin Porres
  * Bảo trợ Tỉnh Dòng
  *Bổn mạng cộng đoàn Martin (Cung Kiệm)
*Chị Thu Thảo (Martine)
17/11
Lễ thánh Élisabeth
Chị Thu Hiền
21/11
Lễ Đức Mẹ dâng mình    
Bổn mạng các em Thỉnh Sinh
22/11
Lễ thánh Cêxilia
Chị Nhung
27/11
Lễ thánh Cathérine Labourée
Chị Sáng


LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
08/11
Giỗ Anh Chị Em của Dòng Đaminh
20/11
Bà cố Mônica -Thân mẫu Chị Nhi
26/11
Bà cố Têrêsa -Thân mẫu Chị Lệ
28/11
Ông cố Tôma - Thân phụ Chị Diễm Lan
26/11
Bà cố Têrêsa – Thân mẫu Chị Lệ