BỔN MẠNG THÁNG 11



THÁNG 11

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
03/11
Lễ thánh Martin Porres
  *Bổn mạng cộng đoàn Martin (Cung Kiệm)
*Chị Thu Thảo (Martine)
17/11
Lễ thánh Élisabeth
Chị Thu Hiền
21/11
Lễ Đức Mẹ dâng mình
Bổn mạng các em Thỉnh Sinh
22/11
Lễ thánh Cêxilia
Chị Nhung
27/11
Lễ thánh Cathérine Labourée
Chị Sáng
Ghi chú:
*Từ ngày 21/11 đến ngày 23/11, chị em làm tuần tam nhật kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Bảo trợ Dự-Tỉnh

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
08/11
Giỗ Anh Chị Em của Dòng Đaminh
20/11
Bà cố Mônica -Thân mẫu Chị Nhi
26/11
Bà cố Têrêsa -Thân mẫu Chị Lệ
28/11
Ông cố Tôma - Thân phụ Chị Diễm Lan


NGƯỜI TRẺ HƯỚNG MỞ VỀ THIÊN CHÚA

Thực sự Thiên Chúa không vắng bóng, nhưng Người hiện diện một cách vô hình. Ngoài ra, người trẻ có thể chiêm ngắm đời sống các thánh, cả những vị thánh trẻ, để thấy được các ngài hướng về Thiên Chúa mạnh mẽ ra sao!

Các bạn trẻ thân mến,
Có bao giờ bạn đọc câu này của Thánh Augustinô chưa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Đó là lời đúc kết của thánh nhân sau những năm tháng thánh nhân đi tìm chân lý. Mỗi người chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, và trong tâm hồn mỗi người đều có ước mong tìm kiếm Người và hy vọng sẽ gặp được Người.
Câu trên đây thoạt đầu chúng ta thấy ngạc nhiên và dường như không tin lắm, vì thực tế còn có những người vô thần, họ chẳng màn gì đến Thiên Chúa. Là một triết gia hiện sinh nổi tiếng của Pháp, Gabriel Marcel chia sẻ với chúng ta rằng: “Con người là hữu thể tôn giáo.” Biểu hiện dễ nhất mà ta từng cảm nghiệm với những thắc mắc, ưu tư (kể cả người vô thần) trước những câu hỏi: Nguồn gốc con người là gì? Sau khi chết con người sẽ ra sao? Hoặc, Thiên Chúa là ai? Chính khi trải nghiệm như thế, trong mỗi con người đều có  “tính tôn giáo”, nghĩa là có khả năng nghĩ đến, đặt vấn đề và có tương quan với thần linh, Thượng Đế.
Từ những trải nghiệm khởi điểm trên đây, con người bắt đầu lên đường đi tìm. Và nhờ con người là con vật có lý trí, như Aristotle định nghĩa, nên họ có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn. Nhất là khi người trẻ đang trong giai đoạn bước vào giai đoạn lý trí ấy bùng sáng, người trẻ từ ngạc nhiên đến hoang mang trước nhiều vấn đề, trong đó có lãnh vực Đức Tin. Họ thực sự bị thôi thúc truy tìm chân lý. Chính trong hành trình đó, người trẻ có cơ hội học hỏi, trải nghiệm và đối thoại với Thiên Chúa. Nếu theo tiến trình này, như lời thánh Albertô Cả dòng Đaminh, thì người trẻ đang đi đúng hướng, vì “mục đích tối cao của lý trí là nhận biết Thiên Chúa.
Trong khi tìm câu trả lời cho chính mình về Thiên Chúa, nhiều người trẻ thường gặp khủng hoảng, bối rối và rơi vào đêm tối của đức tin. Tiếc là trong hoàn cảnh ấy không ít bạn trẻ từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Tại sao? Vì nhận biết Thiên Chúa vô hình là một thách đố lớn đối với tâm trí con người. Hơn nữa khi hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, họ phải từ bỏ nhiều thứ và khuôn mình trong những luật lệ Thiên Chúa đòi hỏi họ. Cũng như hình ảnh anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng xin theo Chúa Giêsu, Chúa bảo anh hãy bán hết tài sản cho người nghèo rồi sau đó theo Chúa. Anh sa xầm nét mặt và bỏ đi. Hôm nay không ít bạn trẻ cũng theo vết xe đổ của anh thanh niên năm xưa.
Như thế người trẻ hướng về Thiên Chúa có khả thể không? Tùy bạn trả lời! Một trong những lý do khiến người trẻ khó hướng về Thiên Chúa đó là dường như ta không thể thực sự hiểu biết và nói rốt ráo về Thiên Chúa. Trong khi đó bản chất của người trẻ cần một đáp án dứt khoát, chung cuộc về Thiên Chúa. Tiếc là lý trí con người lại không thể hiểu hết Đấng Vô Biên. Mặt khác, nhiều bạn trẻ không chịu thanh tẩy và cải tiến không ngừng ngôn ngữ của họ về Thiên Chúa. Thiên Chúa nói một đường, họ hiểu một nẻo. Nhưng không sao, đã đến lúc người trẻ chúng ta bình tâm lại, và đón nhận những giới hạn hiểu biết của mình về Thiên Chúa. Chân thành mà nói, “Tất cả những gì người ta không hiểu hết, với mục đích nhằm để người ta hiểu nhiều hơn.” (nhà toán học lỗi lạc người Pháp Blaise Pascal).
Lời trên của Pascal mời gọi người trẻ hãy kiên nhẫn, khiêm tốn và thành tâm trong khi hướng về Thiên Chúa. Chúng ta ít nhiều kinh nghiệm được một Thiên Chúa luôn đợi chờ, thương xót và tha thứ. Chính Thiên Chúa lôi kéo con người về phía Người. Đây là ân huệ lớn lao dành cho người trẻ “dám để cho đức tin của mình bị thách đố.” Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Nguồn vui của Kitô hữu là biết chắc rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, yêu thương thân mật bởi Đấng Tạo hóa… yêu thương bằng một tình yêu đam mê và trung tín, một tình yêu lớn hơn là những bất trung và tội lỗi của ta, một tình yêu luôn tha thứ.
Dĩ nhiên là người trẻ, chúng ta cũng khát khao cảm nhận được Thiên Chúa thực sự yêu thương mình. Nhất là trong những lúc đau khổ hay vô vọng, ước mong các bạn trẻ để lòng mình hướng đến Thiên Chúa vốn là chỗ nương thân, nơi có câu trả lời xác đáng. Thực sự Thiên Chúa không vắng bóng, nhưng Người hiện diện một cách vô hình. Ngoài ra, người trẻ có thể chiêm ngắm đời sống các thánh, cả những vị thánh trẻ, để thấy được các ngài hướng về Thiên Chúa mạnh mẽ ra sao! Chẳng hạn một trong những chia sẻ của thánh Đaminh Saviô (15 tuổi) là: “Chúa Giêsu và Mẹ Maria là những người bạn thân nhất của tôi.” Hay, khi vào nhà tập Dòng Tên, Thánh Lu-Y Gonzaga tâm niệm rằng: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Hoặc, khi hấp hối, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chia sẻ với chúng ta rằng: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Người sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu. Sau khi tôi chết, tôi sẽ làm mưa hoa hồng. Từ thiên đàng, tôi sẽ tiếp tục làm phúc xuống cho trần gian!
Còn nhớ ngày 22 tháng 10 năm 1978 trong thánh lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng cử hành trước thềm Đền thờ thánh Phêrô, Đức Gioan Phaolô II đã gióng lên lời kêu gọi tín hữu công giáo toàn thế giới như sau: “Anh chị em đừng sợ hãi. Hãy  mở cửa, còn hơn thế nữa hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô! Thánh Giáo Hoàng còn nhắc lại lời ấy nhiều lần trong các kỳ Đại Hội Giới Trẻ thế giới. Hôm nay, thánh nhân cũng luôn ủng hộ, nhắn nhủ và đồng hành cùng với mỗi người trẻ: “Đừng sợ! Hãy hướng lòng về Thiên Chúa.” Cũng trong chiều hướng đó, ĐGH Phanxicô trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018, mời gọi các bạn trẻ:
  1. Hãy đem Tin Mừng cho hết mọi người.
  2. Hãy loan báo Chúa Giêsu Kitô.
  3. Thông truyền niềm tin đến tận cùng trái đất.
  4. Người trẻ hãy làm chứng cho tình yêu.
Ước gì các bạn trẻ dám hướng mở về Thiên Chúa, đừng sợ Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài! 
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ NÊN TIN VÀO THIÊN CHÚA?

Cuộc sống của chúng ta luôn cần có niềm tin vào ai đó, hoặc điều gì đó. Nếu thiếu điều ấy, chúng ta không thể nào tương giao hoặc sinh sống được. 

Khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi thường xuyên bị chất vấn từ những người bạn về niềm tin Công giáo của mình. Các bạn ấy có lý khi chất vấn tôi về sự hiện diện của thần linh, của Thiên Chúa. Đó không chỉ là câu hỏi để thảo luận, giải thích với những người đồng trang lứa với tôi. Trên hết, đó còn là nỗi hoài nghi của chính tôi. Với một đức tin được hấp thụ từ truyền thống gia đình, đôi khi tôi cũng hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa, nghi ngờ về sự hiện hữu của một Đấng mà miệng tôi thường tuyên xưng: có một Thiên Chúa toàn năng.

Mới đây tôi có dịp đọc một quấn sách khá hay của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Trong đó ngài trình bày những thách đố, tính hợp lý và sự cần thiết để chúng ta tin vào Thiên Chúa. Dĩ nhiên là người trẻ, tôi thường thấy tin là một lựa chọn khó khăn trong thế giới hôm nay. Khó khăn không phải vì sự vắng bóng Thiên Chúa. Thách đố không hẳn vì thông điệp “Thiên Chúa đã chết” của Nietzsche. Một trong những khó khăn người trẻ phải đối diện đó là chúng ta đang sống trong một thời đại của khoa học. Với những thành quả huy hoàng của nó, nhiều người chỉ tin vào những gì chứng minh được, những gì đụng chạm được. Một đức tin được kiểm chứng bằng tai nghe, mắt thấy có trọng lượng hơn những thứ vô hình. Trong khi đó, đức tin lại nằm ngoài bình diện các quan năng.
Đức tin thực sự là một nhịp cầu để con người có thể đụng chạm với Đấng Vô Hình. Điều ấy không dễ chút nào đối với người trẻ trong thời đại kỹ thuật khoa học hôm nay. Tôi biết không ít bạn trẻ công giáo khẳng định rằng chúng ta không cần đến tôn giáo hay Thiên Chúa nữa, vì khoa học ngày này có thể làm được mọi thứ. Sau đó họ trích dẫn những câu phủ nhận Thiên Chúa từ môi miệng những nhà khoa học vô thần. Vậy người trẻ nên tin vào những nhà khoa học vô thần hay tin vào một Thiên Chúa mà họ đang theo đuổi?  
Trong văn chương Do Thái kể rằng có một nhà tri thức trò chuyện với vị tôn sư. Sau khi vị tôn sự trình bày những gì liên quan đến Thiên Chúa và sự hiện diện của Người mà Kinh Thánh nói đến, vị tôn sư kết luận: “Biết đâu đó là thật”. Người trẻ chúng ta cũng có thể nói rằng: “Biết đâu đó không phải là thật”. Thực ra đây là hai khía cạnh lưỡng nan của thân phận con người. Một mặt người tin cũng thường bị chất vấn về sự vắng bóng của Thiên Chúa, mặt khác người không tin cũng đặt vào hoàn cảnh biết đâu Thiên Chúa hiện hữu. Hóa ra đức tin là điều thách thức cho cả người tin lẫn người không tin.  
Dầu sao tôi thấy người trẻ thắc mắc, hoài nghi về chính đức tin của mình là một dấu hiệu đáng mừng. Mừng vì từ đó người trẻ lên đường tìm cho một câu trả lời. Câu trả lời có thể đến từ những lời hướng dẫn của Giáo Hội. Từ đó, hy vọng người trẻ có thể đi vào được mối tương quan với Đấng họ đang kiếm tìm. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng trước những thắc mắc về đức tin, họ tìm đọc những tài liệu của Giáo Hội Công giáo, họ đọc Kinh Thánh để hy vọng nơi đó cho họ câu trả lời thỏa đáng. Trong thế giới thông tin ngày nay, người trẻ dễ dàng tìm cho mình những tài liệu như thế. Tuy nhiên, một điểm lưu ý là Giáo Hội Công giáo nhắn nhủ với con cái mình rằng: “Để được một đức tin mạnh mẽ đòi hỏi họ phải “trở về”, “hoán cải” tâm hồn. Nghĩa là để cho Thiên Chúa ngỏ lời và mình đón nhận với một tâm hồn không cố chấp.”  
Một khi tin vào Thiên Chúa, người trẻ có được ơn sủng của Chúa Thánh Thần và hiểu biết hơn để tiến sâu vào niềm tin ấy. Các bạn trẻ có thể hỏi tại sao tôi phải tin vào Thiên Chúa? Thực ra câu hỏi ấy đã có từ thời Cựu Ước, nghĩa là dân tộc Do Thái đã thắc mắc về niềm tin của họ trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm người. Tiên tri Isaia loan báo rằng: “Nếu các ngươi không tin, các người không thể tồn tại được.” (Is7,9). Nếu dịch sát nghĩa, câu này có nghĩa là: “Nếu các người không bám chắc vào Đức Chúa, các người không đứng vững được.” Một dịch giả khác dịch câu trên sang tiếng Hy Lạp: “Nếu các ngươi không tin, các ngươi cũng không hiểu.” (bản Bảy Mươi). Do đó, nói như ĐGH Bênêđictô XVI: “Tin có thể mô tả như thái độ tựa nương, cậy dựa vào Lời Chúa như nền tảng của cuộc sống.
Ở đây có hai vấn đề. Trước hết cuộc sống của chúng ta luôn cần có niềm tin vào ai đó, hoặc điều gì đó. Nếu thiếu điều ấy, chúng ta không thể nào tương giao hoặc sinh sống được. Ví dụ tôi tin mình sẽ thành công trong cuộc sống, từ đó tôi mới có động lực học tập và vươn lên. Về phương diện tôn giáo, tôi tin vào Thiên Chúa, từ đó tôi có thể đứng vững trước mọi sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ khẳng định rằng, tôi không tin vào Thiên Chúa, tôi cũng có thể hạnh phúc thành công. Thực ra điều ấy cần được kiểm chứng, theo nghĩa thế nào là hạnh phúc đích thực. Dĩ nhiên chúng ta tôn trọng niềm tin của mỗi người. Là những người trẻ Công giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa nhờ đó chúng ta cũng có thể hiểu được một phần nào về Thiên Chúa. Nhờ đó cuộc đời chúng ta có “ý nghĩa”
Như thế, tin vào Thiên Chúa vừa là một ân huệ Chúa trao, vừa là một thách đố cho người trẻ. Đó là thực tế mà ngay cả thần học gia người Đức Karl Rahner phải thốt lên rằng: “Tin nghĩa là chịu đựng sự khó hiểu của Thiên Chúa suốt đời.” Thiên Chúa hằng mời gọi mỗi người, cả những bạn trẻ, để cho đức tin chất vấn mình và hãy lên đường khám phá về một con người mang tên Giêsu, Người “là Con Đường, là Sự Thật, là Sự Sống.” (Ga 14,6).  
Tóm lại, trước câu hỏi “Tại sao người trẻ nên tin vào Thiên Chúa?” chắc hẳn mỗi bạn trẻ có câu trả lời cho riêng mình. May mắn vì chúng ta có Thầy Giêsu hằng hướng dẫn, mời gọi và ban ơn giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi và nhận biết sự thật. (1Tm 2, 4). Cầu chúc các bạn trẻ mạnh dạn chất vấn đức Tin của mình, hỏi Thiên Chúa về sự hiện hữu của Người và hãy để Người mạc khải, tỏ lội chính Người cho chúng ta trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội và mọi biến cố cuộc đời.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

LÀM SAO ĐỂ THA THỨ?

Cái khó làm nhất trên đời chính là tha thứ; cái làm cho con người trở nên cao quý chính là thái độ tha thứ; người nào biết lấy tha thứ làm lối sống của mình, ấy đích thực là một vị chân nhân.

Xuất phát từ mong muốn được sống trong một bầu không khí công bình và yêu thương, ai trong chúng ta cũng cố gắng không gây xích mích hay thiệt hại cho người khác với hy vọng mình cũng được đối xử tốt và nhận lại điều tốt. Thế nhưng, cuộc đời đâu dễ dàng như ta mong ước. Cái xấu, cái ác vẫn cứ hoành hành khắp nơi như muốn đè bẹp khao khát hướng thiện của ta. Cứ mỗi khi quyền lợi của ta bị xâm phạm, khi người khác vô lý vô cớ làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của ta, một cách tự nhiên, ta thường cảm thấy nổi giận, bất bình, muốn người đó phải chịu cùng một hậu quả cho những gì đã gây ra. Thậm chí, ngay cả khi người khác không đụng chạm gì đến ta, nhưng chỉ đơn giản là làm điều gì đó xấu xa thôi, môi miệng ta cũng ngay lập tức thốt lên những lời nguyền rủa. Những phản ứng này xảy đến rất bình thường đối với bất cứ ai. Một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng những điều tệ hại trong cuộc sống, thế giới của chúng ta cũng trở nên tràn ngập một nền văn hoá mang tên “trả thù”.

Vì yêu chuộng sự công bình, nên khi thấy bất công, ta cảm thấy rất khó chịu. Biết bao điều trớ trêu diễn ra ngay trước mắt đôi khi cũng không làm ta thích thú là bao. Tại sao lại có “kẻ ăn không hết người lần không ra”? Tại sao người ta tham nhũng, gian dối, lật lọng vẫn cứ sống trong an nhàn sung sướng, còn người thật thà, lương thiện thì cứ hết lần này đến lần khác phải đối diện với những khó khăn, thậm chí còn bị đầy đến đường cùng? Hẳn là cũng có nhiều lần, ta mong ước sao những người gian ác trên đời này chết hết, trả lại cho trái đất này một màu xanh của thái bình và an vui. Có một người vừa nói xấu ta, ta ngay lập tức tìm cách nói xấu lại. Có một người vừa làm ta thất thoát một món lợi, ta chẳng chịu ngồi yên cho đến khi chính người đó phải lâm vào cảnh sa cơ thất thế. Phải rồi, đáng thế mà! Đó chẳng phải là công bình sao? Công bình là điều đáng quý mà xã hội nào, quốc gia nào cũng phấn đấu để có được, nhưng có vẻ như, nhiều lúc, người ta mệnh danh “công bình” chỉ để thoả mãn cho một cảm xúc bốc đồng và cổ võ cho một nền văn hoá bạo lực. Hệt như ngọn lửa đang cháy làm tan hoang nhà cửa, thay vì cố gắng dập tắt ngọn lửa ấy, ta lại châm dầu vào thêm, với một danh nghĩa “vì hoà bình và công lý”.
Đã đành, cần phải có những luật pháp và kỷ cương, cùng những hình phạt thích đáng dành cho những người đã phá vỡ đi trật tự và công ích của xã hội, làm ảnh hưởng đến mưu cầu hạnh phúc của người khác, nhưng nuôi dưỡng một mối hận thù và bực bội trong lòng không bao giờ là điều giúp ích cho bất kỳ ai. Nhưng mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm này, là mình thường dễ cáu giận hơn là bao dung, dễ trách tội hơn là bỏ qua, dễ kết án hơn là tha thứ. Bao dung, bỏ qua, tha thứ, trong mắt một số người, là thái độ của những kẻ khờ dại, cam chịu, không có chí tiến thân. Thế nhưng, bình tâm mà ngẫm nghĩ lại, chỉ có những con người phi thường và quả cảm mới có thể làm được điều đó. Bởi lẽ, để có thể tha thứ, người ta phải chiến thắng được con người ích kỷ của mình, phải vượt lên trên xu hướng tự nhiên bốc đồng của mình, phải có một niềm tin rất lớn vào chữ “thiện” nơi bản chất của người khác, bất chấp người đó đã có những hành vi tồi tệ thế nào đối với mình. Hận thù sẽ luôn nối tiếp hận thù; chỉ có tha thứ mới chấm dứt mối ân oán truyền kiếp con người với nhau mà thôi.
Trong tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, tôi rất ấn tượng phân đoạn bốn thầy trò Đường Tăng gặp nạn khi giao chiến với Hồng Hài Nhi, con trai của Ngưu Ma Vương. Một số nhà chú giải cho rằng ngọn lửa mà Hồng Hài Nhi phun ra tượng trưng cho “cái nóng giận” của mỗi người. Trước khi phun lửa, Hồng Hài Nhi thường đấm vào mũi mình, mặt đỏ bừng lên. Đó là những biểu hiện của sự nóng giận. Ngọn lửa nóng giận có thể thiêu đốt mọi thứ, với sức tàn phá không có gì tả nỗi. Bảy mươi hai phép thần thông biến hoá của Tôn Ngộ Không hay nước của Long Vương cũng không thể làm gì được nó. Cứ mỗi khi cơn bực bội trồi lên trong người, ta thường dễ có những phán đoán và hành vi bất chấp, bạo tàn, mất bình tĩnh. Biết bao tai ương cũng từ đó mà ra. Chỉ có một phương thuốc duy nhất có thể chữa được “cơn lửa nóng giận” của Hồng Hài Nhi là dòng nước Cam Lộ của Quan Thế Âm Bồ Tát. Nước Cam Lộ là biểu tượng của sự thanh tịnh, từ bi, độ lượng, tha thứ. Ý tưởng của Ngô Thừa Ân quả thật thâm sâu khi dùng một câu chuyện để diễn tả một chân lý vô cùng đúng đắn: hãy lấy tha thứ, từ bi để chiến thắng sự bốc đồng, nóng giận của bản thân mình.
Không đâu xa, chính Đức Giêsu cũng dạy chúng ta nhiều lần về bài học tha thứ và chính Ngài cũng đã nêu gương cho chúng ta về điều đó. Thay vì hùa theo đám đông kết án người phụ nữ ngoại tình, Ngài đã tha thứ cho chị và mở ra cho chị một con đường mới để làm lại cuộc đời. Thay vì quyền rủa tên trộm cùng chịu đóng đinh với mình, Ngài đã trao ban cho anh ta một tia hy vọng mới. Khi người ta mang đến cho Ngài biết bao đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, còn chút hơi còn lại, Ngài cũng cố gắng thốt lên lời cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ. Tha thứ là dấu chấm hết cho mọi hận thù. Tha thứ là không cất giữ trong lòng những điều xấu mà mình đã nhận từ người khác. Tha thứ là không nhìn người khác qua những gì họ làm, nhưng nhìn thấy cái tâm lương thiện đang bị che mờ bên trong con người họ. Bởi thế, cái khó làm nhất trên đời chính là tha thứ; cái làm cho con người trở nên cao quý chính là thái độ tha thứ; người nào biết lấy tha thứ làm lối sống của mình, ấy đích thực là một vị chân nhân.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ( dongten.net)

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - B

Rất nhiều người may mắn không bị mù loà, nhưng hầu như ai cũng có lúc bị mù quáng. Người mù quáng dễ dàng thấy rõ những sai lầm của người khác nhưng mù tối về những sai lỗi của mình. “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”.
Vua Đa-vít được xem là một vị vua khôn ngoan, dũng cảm và đức độ; thế nhưng nhà vua cũng có lúc bị mù quáng nặng nề. Dù đã có nhiều thê thiếp, nhưng vua lại chiếm đoạt bà Bát-sa-bê là vợ của Uria và sau đó lại mượn tay quân thù giết chết chồng bà để chính thức cưới lấy bà nầy làm vợ. Thế là cùng một lúc vua đã phạm hai tội ác tầy đình: tội ngoại tình và tội giết người. Ấy thế mà vua vẫn ung dung như không có gì xảy ta. Sau đó, Thiên Chúa sai tiên tri Na-tan đến cảnh tỉnh nhà vua. Tiên tri nói với vua:
Trong thành kia, có một người giàu có đến cả ngàn dê cừu. Trong khi đó, bên cạnh nhà ông ta có một ông lão nghèo khó và cô độc, chỉ có một con chiên nhỏ làm bạn cho vui tuổi già. Ông lão thương con chiên đó như con gái của ông. Ông cho chiên ăn trên tay và cho ở trong nhà. Thế rồi khi người giàu có khách, ông ta không chịu bắt chiên mình làm tiệc, trái lại, cho tôi tớ qua nhà ông lão nghèo khổ bắt con chiên độc nhất của ông nầy làm thịt đãi khách.
Nghe đến đây, vua Đa-vít bừng bừng nổi giận. Vua muốn trừng trị tức khắc tên bất lương đó. Nhà vua phán: “Nó đáng chết vì tội ác nó đã phạm. Nó phải bồi thường gấp bốn thiệt hại nó đã gây ra.” Bấy giờ tiên tri Na-tan mới tỏ cho vua biết tên bất lương đó chính là nhà vua và Chúa sẽ trừng phạt vua vì tội ác đã gây ra.
Vua Đavít bừng sáng mắt ra, thấy rõ tội ác của mình nên đã ăn năn thống thiết. (II Samuel 11, 1-12,12)
* * *
Tuy bị mù loà là một thua thiệt lớn, nhưng không đáng sợ bằng mù quáng, vì người mù loà chẳng gây hại cho ai, còn người mù quáng có thể gây ra vô vàn điều tai hại cho mình và cho xã hội. Mặt khác, người mù quáng không hề tự biết là mình mù quáng, vì thế sự chữa trị lại càng khó khăn hơn.
* * *
Đã mang lấy phận người, mấy ai không bị mù quáng? Nhưng nhận ra mình mù quáng và cần được cứu chữa cũng là điều rất khó khăn.
Điều kiện cần thiết nhất để được Chúa Giêsu cứu chữa là phải khao khát được sáng.
Anh mù Bartimê có lòng khao khát được sáng rất mãnh liệt. Khi anh ta nghe biết là có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh ta liền cất tiếng kêu to: “Lạy ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi”. Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được khao khát được sáng bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng la to hơn: “Lạy ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!
Thế rồi, khi được biết là Chúa Giêsu cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị gậy để đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh mau mắn thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”
Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh thấy được Đức Giêsu, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu.
Muốn được chữa lành bệnh mù quáng, chúng ta phải có lòng khao khát mãnh liệt được sáng như anh mù Bartimê. Lòng khao khát đó sẽ thúc đẩy chúng ta đến với Đức Giêsu là Ánh Sáng đích thật và Ánh Sáng của Ngài sẽ xoá tan sự mù quáng đang vây phủ lòng trí chúng ta. Khi đó, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều điều đáng tiếc và đáng hổ thẹn trong đời mình.

Lm. Ignatiô Trần Ngà

7 CĂN BỆNH XÃ HỘI MỖI KITÔ HỮU ĐƯỢC MỜI GỌI ĐỂ CHỮA LÀNH

Nếu suy xét về 7 căn bệnh của xã hội hiện nay, ta có thể rắc gieo hạt mầm yêu thương nơi thế giới quanh ta. Dưới đây, chúng tôi gọi tên từng căn bệnh ấy, đồng thời, chỉ ra những trích đoạn Kinh Thánh như phương dược chữa trị.

Nhiều người cho rằng xã hội ngày nay đã hoàn toàn thay đổi. Từ những cuộc hôn nhân truyền thống, nay con người chuyển sang những hình thức hợp đồng dân sự (trường hợp của hôn nhân đồng tính chẳng hạn), từ vấn đề bảo vệ sự sống sang quyền được phá thai, và từ tự do ngôn luận đến sự chỉ trích công khai, và thậm chí là bỏ tù. Đành rằng con người không ngừng biến chuyển, nhưng liệu người ta có thể biến xã hội này ra dửng dưng như vậy chỉ trong vài năm chăng ?
Tuy thế, với mỗi Kitô hữu – hãy hy vọng – chúng ta vẫn còn thì giờ ! Nếu suy xét về 7 căn bệnh của xã hội hiện nay, ta có thể rắc gieo hạt mầm yêu thương nơi thế giới quanh ta. Dưới đây, chúng tôi gọi tên từng căn bệnh ấy, đồng thời, chỉ ra những trích đoạn Kinh Thánh như phương dược chữa trị.

1.    “Rộng Lượng Cách Bủn Xỉn”

1

Khi ta đang đi trên phố, hễ có ai đó đến xin vài xu, ta dễ dàng trao tặng; nếu có người cần trợ giúp hay một phụ nữ lớn tuổi nhờ dẫn qua đường, ta sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu cũng chuyện như thế diễn ra nhưng trong thinh lặng, không ở nơi công cộng, không ai nói đến, liệu ta có sẵn sàng hành động theo cùng một cách thức trên đây? Ta trao tặng một cách thiên tư như thể để giải khuây, song chẳng hề lưu tâm đến chính người đang thực sự cần giúp đỡ. C
ho vay mượn, nhưng ta chẳng thấy được điều gì xa hơn việc mình vừa làm. Hành động của ta chỉ dừng lại nơi chính khoảnh khắc đó mà thôi. Có thể nói rằng xã hội ngày nay tằn tiện trong việc sẻ chia, hoặc có thể nói xã hội này “rộng lượng một cách bủn xỉn”, bởi vì khi trao tặng, ta lại không làm theo cách lẽ ra ta phải làm. Phải chăng ta đã lắng nghe Lời Chúa nói: “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tùy theo quyết định của mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện!” (2Cr 9, 6-8)

2. “Chủ Nghĩa Cá Nhân Hòa Đồng”

2Chúng ta là những hữu thể mang tính xã hội. Ngay cả khi ước mong điều đó chẳng là sự thật thì ta vẫn cần đến những cá thể khác hầu được sinh tồn. Chỉ cần nghĩ đến sự phổ biến của “mạng xã hội” – tự nhiên, ta bị lôi cuốn vào những cách kết nối như thế. Sự “hiện hữu mang tính xã hội” này đòi hỏi những hành động cụ thể từ mỗi người vốn là những thành viên đơn lẻ trong một tập thể con người (xã hội). Nhưng thực tế, chúng ta dành bao nhiêu sự quan tâm cho những thành viên khác trong xã hội này ? Chỉ cần nhìn vào các mối tương quan hiện tại giữa những người hàng xóm hoặc giữa các bạn học sinh, sinh viên với nhau, ta có thể thấy rằng con người dần trở nên xa lạ với nhau hơn. Thực vậy, chúng ta đang sống trong tình trạng của chủ nghĩa cá nhân nhưng được che phủ bằng một lớp mặt nạ. Thử quan sát và ta sẽ thấy : trên một chiếc xe buýt của 20 năm về trước, mọi người nói chuyện với nhau ngay cả khi không biết nhau từ trước, rốt cuộc họ làm cho chuyến đi trở nên thú vị hơn nhiều. Còn ngày nay, ta thấy một khung cảnh hoàn toàn khác biệt : từ trẻ em, thanh thiếu niên cho đến người lớn, tất cả đều dán mắt vào màn hình điện thoại ; tai họ gắn liền với head-phone ; và tâm trí họ chỉ dành cho chính họ mà thôi. Nhưng Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta (những gì chúng ta cần biết qua trực giác) : “Ai không chăm sóc cho người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin.” (1Tm 5,8)

3. “Sâu Sắc Một Cách Hời Hợt ”

3Việc bảo vệ nhân quyền và đấu tranh cho các mục đích chính trị, xã hội đã trở nên mạnh mẽ nhất trong thời gian gần đây. Rõ ràng lá cờ tự do được nâng cao. Nhưng khi nghĩ về nó, liệu bạn có thực sự liều mình bảo vệ cho một mục đích chung, hay chỉ là đi tìm hạnh phúc cho riêng mình ? Có lẽ ta nghĩ rằng sự thúc đẩy hầu khẳng định “quyền lợi” của mình khiến ta yêu mến con người hơn và trở nên người nhân ái hơn. Lại một lần nữa, ta đã chẳng nhận ra rằng phần lớn người ta chỉ muốn thỏa mãn quyền lợi của riêng họ mà thôi. Con người muốn bám víu vào thứ gì đó sâu xa hơn như quyền được tự do quyết định chẳng hạn. Tuy thế, điều này chỉ tổn làm cho khoảng cách giữa họ thêm phần nới rộng và nó đẩy họ rơi vào sự nông cạn dù cho có diện mạo siêu việt bên ngoài. Sự chiều sâu đích thực của con người chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Ngài là Đấng duy nhất có thể lấp đầy con tim chúng ta. Ta cứ đi tìm điều được gọi là sâu sắc ở những nơi khác như Nhân Điện, Yoga, hay Thái Cực Quyền, nhưng trong Chúa, ta có thể tìm thấy tất cả. Thánh Âu-tinh đã phải thốt lên :“Lạy Chúa ! Chúa tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.” (Tự Thú, 1.1) Hãy đặt để niềm tín thác sâu xa của người con trong Thiên Chúa. Tâm hồn ta kiếm tìm Ngài, và chỉ nơi Ngài, ta mới đạt đến sự tròn hảo nơi chính mình. “Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.” (Tv 34,5)

4. “Hạnh Phúc Thất Vọng”

4 (1)Mỗi khi một thành tựu mới của “sự tiến bộ” được luật pháp thông qua, chẳng hạn như quyền được ly hôn hay phá thai, xã hội (may mắn thay không phải tất cả) như cảm thấy vui mừng phấn khởi. Chẳng mấy chốc, đám đông đã tuôn ra khắp các nẻo đường để ăn mừng chiến thắng của họ. Nhưng chỉ vài ngày sau, niềm khao khát vốn chưa được khỏa lấp lại trở về với tâm hồn họ. Vấn đề là, khi một điều luật được thông qua, một ý thích chợt nảy ra được phê chuẩn, hoặc một khao khát được thỏa mãn, tất cả đều không đem lại cho con người niềm hạnh phúc lâu bền. Người Kitô hữu chúng ta biết rõ hạnh phúc chỉ tồn tại khi cuộc sống con người đặt nền trên điều gì đó vô hạn. Liệu có thể có thứ gì lớn hơn Thiên Chúa chăng ? Không ! Đó là lý do tại sao nếu cuộc sống của chúng ta đặt nền tảng trên những thứ vật chất, ngay cả trên những mục đích và “sự tiến bộ” xã hội, thì chúng ta vẫn là người vô vọng. “Thật thế, cây vả không còn đơm bông nữa, cả vườn nho không được trái nào. Quả ô-liu, đợi hoài không thấy, ruộng đất chẳng đem lại gì ăn. Bầy chiên dê biến mất khỏi ràn, ngó vào chuồng, bò bê hết sạch. Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa, hoan hỷ vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Đức Chúa là Chúa Thượng làm, làm cho tôi mạnh sức, cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời.” (Kb 3, 17-19)

5. “Lạc Quan Vô Định”

5Nhiều người vẫn hô hào: “Tiến lên, chúng ta có thể làm được!” Cụm từ này chất chứa một sức mạnh truyền cảm hứng và thúc đẩy tinh thần. Nhưng với tất cả những gì đã được kể đến như sự thờ ơ, chủ nghĩa cá nhân, việc tìm kiếm sự hài lòng cá nhân, …, tôi không chắc rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy lạc quan. Tôi cho rằng nhiều người vẫn đang trải qua một đời sống vật vờ, không có phương hướng. Họ che đậy sự lạc quan giả tạo bằng những khẩu hiệu và những biểu ngữ xinh đẹp, quyến rũ để lẩn trốn thực tại. Loại lạc quan như thế thì thực là chóng qua. Như băng tuyết tan chảy dưới ánh nắng mặt trời, những thúc đẩy mang tính biểu ngữ ấy cũng sẽ biến tan mau. Ta thường sống theo những mục tiêu ngắn hạn. “Tôi sẽ được thăng chức”, “tôi sẽ lên ‘level’ trong ‘game’ này”, “bây giờ, tôi sẽ hoàn thành chương trình Tiến sĩ.” Và điều gì tiếp theo đó? Ta lại tìm kiếm một mục tiêu mới để nó thôi thúc ta tiếp tục sống. Ta sẽ tránh được những lo toan như thế một khi tin tưởng vào Thiên Chúa và chân nhận rằng Ngài chân thực, và Giáo hội của Ngài cũng chân thực. Đó là khi Đức Cậy Trông, như sách Giáo Lý nói rõ, tỏ lộ cho ta : “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không dựa vào sức mạnh của chúng ta. ‘Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.’ (Dt 10, 23)” (Trích Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 1817).

6. “Tự Do Nô Dịch”

6Tội lỗi không biến con người thành nô lệ được chăng ? Thật rõ ràng trong Kinh Thánh : Ghen ghét sản sinh ghét ghen, chiến tranh lại tạo ra nhiều chiến tranh hơn, sự nô dịch làm ra nhiều sự nô dịch hơn, v.v. Không phải mọi sự ta muốn đều có thể giải phóng ta. Chỉ cần nhìn vào dòng người trên những con phố, ta thấy ngay hầu hết họ bước đi với chiếc điện thoại trên tay. Đó là một sự nghiện ngập, một sự nô dịch. Khi mà cái tôi đang sử dụng quay đầu chống lại tôi và khi nó xuất hiện, tôi bị nó sở hữu, đó là sự nô dịch mà ta đang nói đến. Ta không nói đến nạn buôn bán người theo nghĩa đen, bởi vì ngày nay ta có những hình thức nô dịch khác. Nếu mạng Internet, công nghệ, tiền bạc, hoặc chủ nghĩa tiêu dùng biến ta thành kẻ lệ thuộc thì ta đã là nô lệ của chúng rồi. Đây là thứ nô lệ mà thậm chí ngày nay nó được bảo vệ công khai : “Tôi có quyền…”, “Tôi muốn muốn điều này, điều kia”… Tôi có quyền lạm dụng mọi thứ và mọi người trong mức độ tôi sử dụng hay biến những thứ, những con người đó thành công cụ của tôi sao ? Tôi có quyền đánh mất tự do của mình trước những lạc thú, trước những điều “tôi muốn”, hay bất cứ thứ gì tôi ưa thích sao ? Hãy nghĩ về điều đó … Có lẽ đã đến lúc ta phải để Chúa Giêsu chữa lành và ban cho ta sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Muôn loài “có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8, 21)

7. “Dửng Dưng Bận Tâm”

7 (1)Ta chú ý đến mọi thứ, và do đó chúng ta bị mọi thứ làm cho phân tâm. Ta quan tâm đến chuyện một trang trại ở Úc bị cháy, một tên sát nhân ở Nhật đã tẩu thoát, một chiếc xe mới được trình làng ở Áo. Cùng với công nghệ, việc giao tiếp trở nên phổ biến hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, liệu chúng ta có thực sự lo lắng về những chuyện ấy hay đó đơn giản chỉ là một thứ nghiện ngập điều “mới lạ” ? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên gì nếu câu trả lời là đáp án số 2, đơn giản chỉ là một thứ nghiện ngập. Việc hàng ngàn Kitô hữu đang chết dần ở Trung Đông ; sự thiếu hụt lương thực trầm trọng ở Châu Phi ; rồi chuyện Giáo hội đang bị đem ra tòa đời xét xử chỉ vì bảo vệ lập trường của mình…, những tin tức đó thì sao… liệu chúng có thu hút sự quan tâm lo lắng của ta không ? Chúng ta theo dõi những tin thuận với sự tò mò của mình hơn hay điều thực sự đáng chúng ta chú ý đến ? Trong khi các phương tiện truyền thông cho ta thấy “mặt tối” của cuộc sống, thì các vấn đề thực tế vốn đòi hỏi sự đáp trả của ta lại không có cách nào được vén mở. Ta sẽ mãi mãi dửng dưng, mãi mãi ơ hờ nếu chỉ biết quan tâm đến chính mình và đến những sở thích của riêng mình mà thôi. Khi quay cái nhìn qua anh chị em mình với tình yêu mến, đó là khi một cuộc sống mới sẽ bắt đầu. Thánh Gioan nói : “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3, 18) Và trong một đoạn thánh thư của thánh Phaolô, chúng ta đọc thấy : “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô (…) Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đai gia đình Đức tin.” (Gl 6, 2-10
Tác giả: Thầy Edgar Henríquez Carrasco, LC, Tây Ban Nha, viết cho website Catholic-Link.com
Chuyển ngữ: Đminh Phan Quỳnh, SJ
Theo bản Anh ngữ do Maria Isabel Giraldo chuyển dịch từ bản Tây Ban Nha của tác giả.