THÁNH THỂ LÀM NÊN GIÁO HỘI- GIÁO HỘI LÀM NÊN THÁNH THỂ.


         THÁNH THỂ LÀM NÊN GIÁO HỘI- GIÁO HỘI LÀM NÊN THÁNH THỂ.
                                                                        Dẫn nhập
   Giáo Hội và Bí Tích Thánh Thể có mối tương quan mật thiết với nhau. Theo GLHTCG 1324 “Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô Giáo”. Vì thế Thánh Thể không thể tách rời Giáo Hội, Giáo Hội cũng không thể tồn tại nếu không có Thánh Thể. Ngay từ thời các Giáo Phụ đã khẳng định: “Thánh Thể là sự cứu rỗi của Giáo Hội và là sự hiệp nhất của Giáo Hội”. Cha Henri De Lubac tóm tắt thần học về Thánh Thể của các Giáo Phụ bằng tư tưởng: “Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội Làm Nên Thánh Thể”. Nên bài viết này con muốn đi tìm mối liên hệ mật thiết và tương quan giữa Thánh Thể với Giáo Hội.
A. Mối liên hệ mật thiết giữa Thánh Thể và Giáo Hội
1. Thánh Thể là gì?
Trong bữa tiệc vào đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập hy lễ tạ ơn bằng Mình và Máu Người cùng với các môn đệ. Trong nghi thức này, Chúa Giêsu cũng ủy thác cho hiền thê của Ngài là Giáo Hội tưởng nhớ cái chết và sự  Phục Sinh của Người. Thánh Thể thể hiện tình yêu và sự hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua. Trong bữa tiệc này, chúng ta được đón nhận Chúa Kitô làm lương thực – làm của ăn. Đó chính là ân sủng và sức mạnh giúp ta sống chiến đấu để được hưởng hạnh phúc mai sau.
 Giáo Hội cũng dùng nhiều hình ảnh để diễn tả Bí Tích Thánh Thể như: lễ tạ ơn, bữa ăn của Chúa, lễ bẻ bánh…Đồng thời, Bí Tích Thánh Thể còn được gọi bằng nhiều từ ngữ khác như: Hy tế Thánh lễ, Hy tế thiêng liêng, Bí tích hiệp thông, bánh thiên thần, bánh bởi trời, của ăn đàng [1].
 Qua những tên gọi khác nhau cũng như cách diễn tả khác nhau của Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta có nhận địnhThánh Thể làm nên Giáo Hội, Giáo Hội làm nên Thánh Thể” cho ta hiểu Thánh thể là sự tụ họp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, để lắng nghe Lời Chúa, áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Áp dụng Lời Chúa là ngọn đuốc soi chiếu cho mọi sinh hoạt, sinh hoạt trong cuộc sống mình; múc lấy sức mạnh của Lời Chúa để sống và thi hành bổn phận của người Kitô hữu. Trong Thánh lễ mỗi người Kitô hữu được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, được nhận lãnh và được sai đi vào giữa lòng thế giới để gieo rắc tình yêu thương, mang Tin Mừng bình an của Chúa đến cho nhân loại, hầu xây dựng một xã hội tràn đầy niềm vui, tình thương, công bình, bác ái…Theo cách hiểu này, Thánh Thể chỉ làm nên Giáo Hội trong điều kiện Thánh Thể được cử hành trong bầu khí tràn đầy tình bác ái của Giáo Hội. Như thế, Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất và Thánh thể trở thành động cơ của Giáo Hội.

2. Giáo Hội là gì?
Thánh kinh đưa ra nhiều hình ảnh khác nhau về Giáo Hội như: “dân Thiên Chúa, chuồng chiên, là tòa nhà của Thiên Chúa” (1Cr 3,9,11), “lều tạm của Thiên Chúa giữa loài người” (Kh 21,3), là Jêrusalem trên trời, là Mẹ chúng ta
( Ga 4,26. Kh 12,7), là hiền thê tinh tuyền không tỳ ố ( Kh 19,7,21,2.9;22,17).
Nếu Thánh thể được diễn tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau thì Giáo Hội cũng được diễn tả bằng nhiều biểu tượng không kém phong phú.
 Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của của hạn từ Giáo Hội. Giáo hội được dịch từ Ekklèsia” của Hy Lạp. Hạn từ này dùng để chỉ những cuộc tập họp dân chúng thường có tính tôn giáo. Trong Cựu ước dùng để chỉ cuộc tập họp của dân Itraen được tuyển chọn trước mặt Đức Chúa nhất là cuộc tập họp ở trên núi Sinai, khi dân lãnh nhận lề luật và được Đức Chúa thiết lập làm dân thánh của Người. Giáo Hội thời Tân Ước được các tín hữu tiên khởi nhìn nhận như là một việc kế thừa cộng đoàn dân Chúa trong Cựu Ước. Trong cộng đoàn mới này, Thiên Chúa tập hợp dân của Người từ khắp mặt đất. ( GLHTCG 751).
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, thuật ngữ Giáo Hội chỉ cộng đoàn phụng vụ. Từ này có ý chỉ các cộng đoàn địa phương, đặc biệt trong sách công Vụ Tông Đồ dùng để chỉ cộng đoàn Giêrusalem. Giáo Hội là Mẹ vừa có ý nghĩa cộng đoàn vừa phổ quát, bao gồm tất cả các Giáo Hội trên khắp hoàn cầu tin vào Đức Giêsu Kitô. Thực ra các ý nghĩa này không thể tách rời nhau. Giáo Hội là dân tộc của Thiên Chúa quy tụ khắp cả hoàn cầu. Giáo Hội hiện diện trong những cộng đoàn địa phương và thể hiện như cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn Thánh Thể. Giáo hội sống nhờ Lời, Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Giáo Hội trở thành thân thể Chúa Kitô (GLHTCG 752)[2]. Giáo Hội vừa là thiêng liêng vừa hiện diện cách hữu hình. Có thể nói, trong các cuộc hội họp của Giáo Hội đều có nghi thức cử hành Thánh Thể, không có cử hành Thánh Thể thì không có Giáo Hội đích thực.

3. Giáo Hội sơ khai với việc cử hành Thánh Thể
   Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi chuyên cần họp nhau và bẻ bánh (Cv 2,42-47.4,32-35,5,12-16). Chính việc bẻ bánh và chuyên cần cầu nguyện đã góp phần xây dựng Giáo Hội tiên khởi ngày một phát triển vững mạnh. Như vậy ngay từ thời đầu, việc cử hành Thánh Thể đã đi vào trọng tâm việc phụng vụ của Giáo Hội. Khi cử hành Bí tích này - biến cố Đức Giêsu chịu chết và Phục Sinh lại được hiện tại hóa mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu cũng là nền tảng của sự hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội trước hết là Giáo Hội Phục Sinh, là cộng đoàn quy tụ, là cử hành Thánh Thể, là bữa ăn Agapê, là đức ái… Qua những ý nghĩa trên, cho ta thấy mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và Giáo Hội.
Vào thời Giáo Phụ thế kỷ thứ II, thánh Justino tường thuật khá chi tiết diễn tiến của buổi cử hành Thánh Thể “Vào ngày gọi là ngày mặt trời, tất cả mọi người dù là thành thị hay thôn quê, cũng đều tụ họp về một nơi. Tại đây người ta đọc các bút ký của các Tông đồ và các sách Ngôn sứ. Đọc sách xong, vị chủ tọa lên tiếng và khuyên mọi người hãy bắt chước các lời Giáo huấn tốt lành đó. Sau đó tất cả chúng tôi đứng lên, và cùng nhau cầu nguyện lớn tiếng. Rồi như chúng tôi đã nói, khi đã cầu nguyện xong, người ta mang tới bánh mì, rượu nho và nước. Vị chủ tọa dâng lên trời những lời cầu nguyện và cảm tạ tùy sức của người, và tất cả dân chúng đáp lại bằng lời hô lớn: Amen. Sau đó là việc phân phối và chia phần các thức ăn đã được thánh hiến cho mỗi người, và giữ phần cho các người vắng mặt, nhờ thừa tác vụ của các phó tế”[3] (1 Apologie 67).

4. Thánh Thể làm nên Giáo Hội
   “Thánh Thể” phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất. Thánh Thể là sự tập hợp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, để lắng nghe Lời Chúa, lấy Lời Chúa soi sáng cuộc sống của mình, múc lấy trong Lời Chúa những nghị lực để cảm tạ Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, vì những gì Chúa Kitô làm cho họ: họ đi vào tâm tình Chúa Kitô khi hiệp lễ, rồi họ được sai đi vào môi trường của thế giới để xây dựng tình thương, công lý và hoà bình; để đến với những người nghèo và phục vụ, để chia sẻ với họ bánh của “trái đất” và bánh tình thương; để loan báo Tin Mừng cho một thế giới được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.
Thánh Thể chỉ làm nên Giáo Hội thực sự khi Thánh Thể được cử hành trong bầu khí bác ái của Giáo Hội. Lý do bởi vì Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất và do đó bác ái phải trở nên động cơ của đời sống Giáo Hội. Thánh Thể quy tụ lại những ai tham dự vào Thân Mình của Đức Kitô như những chi thể của một thân thể. Thánh Thể xây dựng Giáo Hội và làm tăng trưởng dân Kitô giáo. Sống Thánh Thể là sống sự hiệp thông trong Giáo Hội và của Giáo Hội như là hồng ân của Thiên Chúa. Truyền thống Thánh truyền luôn luôn phủ nhận một sự cắt đứt căn bản giữa việc thuộc về Đức Kitô, nguồn mạch ơn cứu độ và thuộc về Giáo Hội. Bởi vì làm sao ta có thể thuộc về Đức Kitô mà lại không tháp nhập vào Người một cách nào đó? Làm sao ta có thể thuộc về Đức Kitô mà lại không thuộc về Giáo Hội của Người? Chúa Giêsu không thể nào phân ly khỏi Giáo Hội. Như vậy, Thánh Thể làm nên Giáo Hội.
Chúng ta cũng cần chắc lại rằng từ những thế kỷ đầu, người ta đã hiểu từ “ex-communion” theo hướng Thánh Thể tiếp đó theo hướng Giáo Hội. Qua đó chúng ta sẽ thấy Giáo Hội không thể tách ra khỏi thần học về Thánh Thể. Giáo Hội của Vatican II là Giáo Hội hiệp thông hay nói khác đi là Giáo Hội Thánh Thể (Eglise Eucharistique) theo nghĩa rộng của từ ngữ này.
Hiểu như thế, với sức năng động của Thánh Thần, thì rõ ràng Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Thánh Thể biến đổi những người tham dự  thân thể Đức Kitô. Kinh tạ ơn III đã diễn tả như sau: Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”[4].
Thánh Augustinô đã trình bày cách tuyệt hảo về mối tương quan giữa thân thể Chúa Kitô mà chúng ta nhận lấy một cách Bí tích và thân thể Giáo Hội của Chúa Kitô mà chúng ta trở thành khi hiệp lễ trong bài giảng 272: “Bạn muốn hiểu thân thể Chúa Kitô là gì không? Thì bạn hãy nghe thánh Tông đồ nói với các tín hữu : “Anh chị em là thân thể Chúa Kitô và là các chi thể của Người” (1Cr 12,27). Vậy nếu anh chị em là thân thể Chúa Kitô và là chi thể của Người, thì chính mầu nhiệm của anh chị em đang ngự trị trên bàn tiệc của Chúa. Anh chị em nhận lấy mầu nhiệm của mình. Anh chị em thưa Amen để đáp lại lời nói về bản thân anh chị em, và lời đáp này nói lên sự chấp thuận của anh chị em. Bạn nghe nói “Mình Thánh Chúa Kitô” và bạn hãy là chi thể của Chúa Kitô, để lời thưa Amen của bạn là chân thật” (sermon 272).
Giáo Hội là một biến cố. Giáo Hội được tạo thành khi các Kitô hữu họp nhau nghe Lời Chúa Kitô, đón nhận Thân mình Người và hiệp thông với mầu nhiệm chết đi và sống lại của Người. Không những Thánh Thể quy tụ và xây dựng Giáo Hội, nhưng Thánh Thể còn là lương thực của Giáo Hội.
5. Giáo Hội Làm Nên Thánh Thể
Thánh Thể làm nên Giáo Hội và chính Giáo Hội làm nên Thánh Thể. Giáo Hội là người cử hành Thánh Thể, cử hành tạ ơn là Giáo Hội, có nghĩa là cộng đoàn cụ thể của những người đã được rửa tội nhân danh Chúa Kitô. Ở đây linh mục có một vai trò đặc biệt, đó là “chủ sự” nhân danh Đức Kitô và dùng năng quyền để cử hành Thánh Thể. Nhưng chức vụ này không đặt ngài ở trên Giáo Hội, nhưng về phương diện thần học, ngài ở trong lòng Giáo Hội. Chỉ có một chủ sự, nhưng tất cả đều cử hành (un seul préside, mais tous célèbrent). Hay nói theo Công đồng Vatican II thì chủ thể của phụng vụ là Giáo Hội cử hành. Sách Lễ Rôma, trong quy chế tổng quát, đã nhấn mạnh về điểm này khi nói: “Thánh lễ là sự cử hành của dân Chúa được tổ chức có phẩm trật” (Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, ch. I, 1).
Không có Thánh Thể nếu không có Giáo Hội. Giáo Hội làm nên Thánh Thể trước hết bằng cách mời gọi các tín hữu tụ họp quanh Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh Thập Giá và đã sống lại, Đấng mà họ tuyên xưng là “Chúa” (Kyrios) và là Thiên Chúa (Théos) của họ. Lời mời gọi này gắn chặt với ngày của Chúa”. Lẽ dĩ nhiên, sự tập họp của cộng đoàn Thánh Thể trước hết là do lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi vì Giáo Hội là Dân đuợc Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi nhờ việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại trong quyền năng Chúa Thánh Thần.
Giáo Hội làm nên Thánh Thể khi Thánh Thể được cử hành trong bối cảnh của đức bác ái, vì bản chất của Giáo Hội là hiệp thông sự sống như hiến chế về phụng vụ đã viết: “Tại bữa ăn sau cùng, trong đêm Người bị nộp, Chúa Cứu Thế của chúng ta đã lập hy lễ Thánh Thể Mình và Máu Người, để tồn tại muôn đời lễ hy sinh thập giá của Người cho tới khi Người lại đến, và cũng là để ủy thác cho Giáo Hội, hiền thê chí ái của Người, việc tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Người: đó là Bí tích tình yêu, dấu chỉ của hiệp nhất, dây ràng buộc của đức ái, bữa tiệc Phục sinh, trong đó Chúa Kitô được người ta ăn, linh hồn ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng của phúc vinh quang sau này đã được ban cho chúng ta” (PV 47).
Chúng ta sẽ dễ hiểu vế này: Giáo Hội làm nên Thánh Thể khi chúng ta hiểu Giáo Hội như là “Bí Tích của ơn cứu rỗi” hay “Bí tích của Nước Thiên Chúa”. Đây không phải là Bí tích thứ tám, nhưng là “Bí Tích căn bản” (sacrement fondamental), Bí tích bao gồm các Bí tích khác. Lẽ dĩ nhiên, Giáo Hội chỉ là “Bí tích căn bản” do sự lệ thuộc hoàn toàn và mãi mãi vào “Bí tích uyên nguyên” (sacrement-source) của Thiên Chúa và sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa là Đức Kitô.
Giáo Hội mạc khải và thể hiện ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại trong Con của Người là Đức Giêsu nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Chính trong cử hành Thánh Thể và các Bí tích khác mà Thánh Thể là trung tâm mà Giáo Hội tưởng nhớ đến Chúa của mình, nhớ đến mầu nhiệm Đức Kitô, mầu nhiệm đã làm nên sự hiện hữu của Giáo Hội như là Giáo Hội của Chúa Kitô và hiện tại hóa mầu nhiệm này để sống tốt mỗi ngày. Như vậy, Thánh Thể cũng như các bí tích khác đều được cử hành trong Giáo Hội, với Giáo Hội và bởi Giáo Hội (dans l’Eglise, avec l’Eglise et par l’Eglise).

6. Thánh Thể trong đời tu
 Bí Tích Thánh thể là trung tâm điểm của Giáo Hội và là trọng tâm trong đời sống tu trì, đặc biệt là đối với những người sống trong đời thánh hiến. Chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn trong Bí tích Thánh Thể - Bí tích tình yêu. Bởi vậy, mỗi người chúng ta cũng có bổn phận loan truyền tình yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể qua từng công việc làm chứng nhân cho Chúa trong đời sống thường ngày. Thánh Thể là nguồn sức sống của người Kitô hữu nói chung và đặc biệt là nguồn sống đích thực, cần thiết cho những ai sống đời thánh hiến. Mỗi người chúng ta cần đến Ngài như cá cần phải có nước mới có thể sống, đèn cần có dầu để thắp sáng…Đời tu mà vắng bóng Chúa Giêsu Thánh Thể chắc hẳn đời tu sẽ khô héo, suy yếu dần và có ngày sẽ không còn tồn tại. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Ai không ăn thịt và uống máu Con Người sẽ không có sự sống đời đời” (Ga 6,53).
Qua những kinh nghiệm thiêng liêng của bản thân trong hành trình ơn gọi, con xác tín một cách mạnh mẽ và chắc chắn rằng: “Thánh Thể là sức mạnh biến đổi và làm dung hòa đời sống tu với đời sống phục vụ, là liều thuốc chữa lành và xoa dịu tâm hồn con trong mọi hoàn cảnh khó khăn thử thách của hành trình ơn gọi”. Việc kết hợp mật thiết với Ngài qua những giờ Chầu Thánh Thể, nhất là qua việc đón rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày khi tham dự Thánh Lễ làm cho con được biến đổi và có thêm sức mạnh. Đây là khoảng thời gian cần thiết mà chính tâm hồn con được đụng chạm đến Chúa Giêsu Thánh Thể một cách trực tiếp. Và cũng chính trong những lần gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, con khao khát được Chúa biến đổi và giải thoát con biết vượt ra khỏi con người ích kỷ, tự ái, chủ nghĩa cá nhân... Từ đó nhờ sức mạnh của Chúa Giêsu Thánh Thể, con biết mở lòng ra đón nhận Chúa và đón nhận tha nhân. Sẵn sàng ra khỏi con người bất toàn đầy tính mê tật xấu của mình, dám xả thân hy sinh vì tha nhân vì cộng đoàn, cùng giúp nhau xây dựng một cộng đoàn ngày một phát triển trong tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, làm tái hiện mô hình Giáo Hội tràn đầy tình yêu thương như chính Chúa đã yêu thương và hy sinh cho con. Đồng thời, con là chi thể bé nhỏ làm góp phần xây dựng Giáo Hội phát triển như lòng Chúa mong ước.

B. Truyền thống La - tinh về tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội
Truyền thống thần học Tây phương về Thánh Thể đã nhìn nhận Thánh Thể như phần trung tâm, thánh thiện nhất của toàn bộ đời sống Giáo Hội: Giáo Hội phổ quát cũng như Giáo Hội địa phương và đối với từng tín hữu[5]. Chỉ có Bí tích Thánh thể mới thực hiện trong con người sự hiệp thông viên mãn với Đấng mà con người tuyệt đối cần để được sống và sống dồi dào sung mãn. Truyền thống còn nhìn bảy Bí tích của Giáo Hội lữ hành bắt nguồn trong sự Phục sinh của Đức Kitô và Thánh Thể là Bí tích tuyệt vời, là chóp đỉnh của mọi Bí tích. Các Giáo phụ luôn nhìn nhận trong Máu và Nước từ cạnh sườn Đức Kitô trên thập giá như nguồn mạch phát sinh các Bí tích và Máu Đức Kitô tượng trưng cho Thánh Thể, còn Nước tượng trưng cho Bí tích Rửa tội.
Bí tích Rửa tội đưa ta vào cuộc tạo dụng mới trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Thánh Thể kết hiệp ta với Đức Kitô và là “mầm mống ơn trường sinh bất tử” và là lương thực cho ta được Phục sinh (x. Ga 6, 54 - 48 diễn từ về bánh hằng sống). Như thế, các Bí tích đều chất chứa ân sủng đến từ Phục sinh của Đức Kitô. Vì vậy, tất cả mọi Bí tích đều hoàn tất và viên mãn trong Thánh Thể.
C. Truyền thống Đông phương về tương quan giữa Thánh Thể và Giáo Hội
Truyền thống Đông phương cũng đồng ý với thần học Tây phương. Jean Zizioulas một nhà thần học nổi tiếng của Đông phương trong tác phẩm: “l’être ecclésial” thêm rằng: Thánh Thể như là biến cố của hiện xuống (événement de Pentecôte) và ông nhấn mạnh đến chiều kích vũ hoàn của Thánh Thể.
Chính vì Thánh Thể liên kết Giáo Hội một cách mật thiết với sức sống Phục sinh của Đức Kitô. Giáo Hội nhận lấy sức mạnh biến đổi của Chúa Thánh Thần, được củng cố và canh tân sứ mạng thừa sai của mình. Cũng như Giáo Hội đã chọn ngày lễ Ngũ tuần để cho Thánh Thần đổi mới. Như vậy để thực sự trở thành Giáo Hội của Chúa Phục sinh thì Giáo Hội ngày nay cũng chấp nhận để cho Thánh Thể canh tân chính mình. Giáo Hội cũng tìm lại được căn tính và ơn gọi nguyên thủy của mình. Đồng thời khi cử hành Thánh lễ tạ ơn, Giáo Hội được mời gọi để hy vọng: cùng với Đức Kitô, Giáo Hội tham dự vào sự hình thành một nhân loại được cứu độ và được tập họp trong niềm mong đợi ngày mà Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (1Cr 15, 28).
Giáo Hội tìm thấy trong mầu nhiệm tạ ơn lương thực nuôi dưỡng niềm tin tưởng và hy vọng của mình. Khi tham dự vào biến cố cứu độ được hiện tại hóa trong bữa ăn của Chúa, các chi thể của thân thể Giáo Hội đã được kết hiệp với Đấng giải thoát họ và họ hướng về ngày mà mọi con cái của Thiên Chúa sẽ cởi mở hoàn toàn để đón nhận tình thương của Chúa Cha. Tuy vẫn là Giáo Hội lữ thứ, nhưng trong sự mong đợi, Giáo Hội đã có chân trong cuộc biến đổi vĩ đại sẽ làm cho vũ trụ này thay hình đổi dạng. Cuối cùng, theo ông Jean Zizioulas, cộng đoàn Thánh Thể chính là thân thể của Đức Kitô tuyệt hảo nhất và Giáo - hội - học của Đông phương luôn hướng về Thánh Thể.
Jean Zizioulas, nhà thần học gia chính thống, giáo sư thần học tín lý tại Đại học Glasgow. Ông sinh tại Hy lạp năm 1931. Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Athena, ông chuyên về lịch sử Giáo Hội trong ba thế kỷ đầu tại Đại học Harward, Hoa Kỳ. Tác phẩm đầu tay của ông: “Sự duy nhất của Giáo Hội trong Thánh Thể và trong chức Giám mục trong ba thế kỷ đầu” đã đóng một vai trò quyết định trong việc soi sáng thần học và lịch sử về khoa Giáo hội học Thánh Thể (ecclésiologie eucharistique).
Tạm kết
Qua những gì đã tìm hiểu, chúng ta thấy được Thánh Thể và Giáo Hội có mối tương quan, gắn kết mật thiết với nhau. Thánh Thể là lương thực là suối nguồn nuôi dưỡng Giáo hội phát triển bền vững mỗi ngày. Và Giáo Hội cũng quy tụ, liên kết muôn dân của Chúa bằng tình yêu thương để tham dự Thánh Thể cách sốt sắng. Như vậy Thánh thể làm nên Giáo hội và Giáo Hội cũng làm nên Thánh Thể.

Cỏ Non.



TÀI LIỆU SÁCH THAM KHẢO


1. Lm Giuse NGUYỄN CAO LUẬT Op, Phụng vụ thánh lễ.
2. Sách lễ Rôma.
3. Lm Antôn NGUYỄN ĐỨC KHIẾT, Bí Tích Thánh Thể, Nxb 2005.
4. Sách GLHTCG, Xb 2011.
5. Gm Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Lm Giuse VÕ ĐỨC MINH, Thiên Chúa Ba Ngôi Bí Tích Thánh Thể, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 1999.
6. Lm PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, Nxb: Chân Lý, Nxb 2000, tập 3 - 4.
7. Thánh Công Đồng Chung Vaticăn II.
8. Đức Thánh Cha Gioan Paul II, Tông thư “Mane Nobiscum Domine”,  ban hành ngày 7/4/2004.










              


[1] GLHTCG 1330 -1331
[2] ĐGM Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
[3] Lm, PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn.
[4] Sách lễ rôma.
[5] Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, ch. I, 1 ; PV 41 ; GH 11

ĂN CHAY HAY SỐNG CHAY


ĂN CHAY HAY SỐNG CHAY

Người Kitô hữu ăn chay còn để thanh tẩy và chuẩn bị con người mình đón ngày Chúa Quang Lâm. Như thế ăn chay nhắm đến chính mình, tha nhân và Thiên Chúa.


 
ĂN CHAY

Người Công giáo ăn chay kiêng thịt mỗi năm hai ngày, thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Trước đây, luật Hội Thánh còn buộc kiêng thịt mỗi thứ sáu. Bây giờ ta được phép thay việc kiêng thịt bằng một việc hy sinh hay một việc bác ái. Do-thái giáo có một ngày ăn chay lớn, đó là Ngày lễ Kippour, Ngày lễ Xá tội (Lv 16,29-31). Nhưng người Pharisêu đạo đức có thể ăn chay vào ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần (x. Lc 18,12). Hồi giáo dành cả một tháng Ramadan để ăn chay. Họ nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Sau khoảng thời gian ấy, họ mới dùng bữa. Có những Phật tử ăn chay trường, hoàn toàn không ăn thịt cá trong một thời gian dài.

Các môn đệ cùng sống với Đức Giêsu không ăn chay, khác với những môn đệ của ông Gioan hay của những người Pharisêu (Mc 2, 18-20). Nhưng chính Đức Giêsu đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu sứ mạng. Hai vị ngôn sứ Mô-sê (Xh 34,28) và Elia (1 V 19,8) cũng đã ăn chay lâu như thế. Sau khi Đức Giêsu về trời, Hội Thánh sơ khai đã giữ tập tục ăn chay đi liền với cầu nguyện (Cv 13,2-3; 14,23). Thánh Phaolô cũng ăn chay khi đi rao giảng (2 Cr 6,5; 11,27). Theo sách Điđakhê 8,1, các Kitô hữu ăn chay vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần. Ăn chay không phải để cho người ta thấy mình đạo đức (Mt 6,16). Ăn chay cũng không chỉ để tập làm chủ chính mình bằng đời sống khổ hạnh, hay để có tiền lo việc bác ái. Người Kitô hữu ăn chay còn để thanh tẩy và chuẩn bị con người mình đón ngày Chúa Quang Lâm. Như thế ăn chay nhắm đến chính mình, tha nhân và Thiên Chúa.


SỐNG CHAY

Ngôn sứ Isaia nói đến một cách ăn chay mới.
“Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
Trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
Rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
Thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
Không ngoảnh mặt làm ngơ trước trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).

Rõ ràng cách ăn chay này thấm đượm tinh thần công bằng: giải phóng những người chịu áp bức, và tinh thần bác ái: chia cơm, chia nhà, chia áo. Như thế ăn chay không phải chỉ là chuyện bớt ăn bớt uống cho thân xác, mà còn là chuyện có một thái độ tích cực đối với những người nghèo đói, bị đàn áp bạo hành trong xã hội. Ăn chay thật sự đòi dấn thân cho tha nhân.

Khi viết thư cho tín hữu ở Côrintô, thánh Phaolô đã ví cuộc sống Kitô hữu với một cuộc chạy đua trên sân vận động. Mỗi Kitô hữu là một vận động viên trên đường chạy để đoạt giải. Như thế, chuyện kiêng cữ của vận động viên là chuyện bình thường, thời nào cũng thế.

“Anh em chẳng biết sao: trong cuộc đua trên sân vận động, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người nhận giải. Anh em hãy chạy thế nào để đoạt giải. Phàm là vận động viên, thì phải kiêng cữ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt vòng hoa mau hư nát; trái lại chúng ta nhằm điều không bao giờ hư nát (1 Cr 9, 24-25).

Kiêng cữ ở đây không chỉ là kiêng cữ trong chế độ ăn uống, mà còn trong mọi sự khác của cuộc sống riêng tư. Thánh Phaolô cho thấy ngài đã sống nghiêm túc như thế nào để mong chiếm được phần thưởng là sự sống đời sau:

“Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9,27).

Như thế, có thể nói người Công giáo không chỉ ăn chay mỗi năm hai lần, và sống Mùa Chay 40 ngày. Giữa một thế gian đầy cám dỗ, chúng ta còn phải sống chay nữa. Sống chay là sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,14.16), không bị chi phối bởi lối suy nghĩ, lối đánh giá thông thường của người đời (x. Mt 16,23), không bị lôi kéo bởi những thứ hào nhoáng mau qua của nó như sắc đẹp, tiền bạc, quyền lực… Sống chay là làm chủ được đôi mắt của mình trước vô số hình ảnh mà thế gian luôn cung cấp cho chúng ta:

“Kẻ nào yêu thế gian thì tình yêu của Chúa Cha không ở trong kẻ ấy,
vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói huênh hoang vì tiền của,
những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2,15-16).

Lời khuyên khôn ngoan sau đây có thể giúp ta sống chay:

“Hãy canh chừng ý nghĩ của bạn, vì nó sẽ thành lời.
Hãy canh chừng lời của bạn, vì nó sẽ thành hành động.
Hãy canh chừng hành động của bạn, vì nó sẽ thành thói quen.
Hãy canh chừng thói quen của bạn, vì nó sẽ thành cá tính của bạn.
Hãy canh chừng cá tính của bạn, vì nó sẽ thành định mệnh của bạn.”



MỘT VÀI GỢI Ý SỐNG CHAY TRONG HOÀN CẢNH HIỆN TẠI

+ Không phung phí những gì Chúa ban như đồ ăn, đồ mặc, sức khỏe, thời giờ, tiện nghi…
+ Yêu thích những gì đơn sơ, không cần một điện thoại đắt tiền hay một bộ đồ hàng hiệu…
+ Thấy vẻ đẹp nơi những gì bình thường, thậm chí tầm thường. Xa tránh những vẻ đẹp giả tạo.
+ Say mê vẻ đẹp cao quý của tâm hồn hơn vẻ đẹp chóng qua của thân xác.
+ Không để mình bị cuốn hút bởi lối đánh giá của xã hội về thế nào là tốt, là đẹp, là sang.
+ Điều độ trong việc sử dụng những gì Chúa ban. Điều độ khi làm những điều được phép làm.
+ Hưởng dùng những gì Chúa ban một cách vừa phải, với lòng biết ơn. Khi đi mua sắm, luôn nhớ đến những người nghèo hơn mình.
+ Dành thời gian nghỉ ngơi cho đôi mắt, để mắt được nghỉ ngơi khỏi mọi thứ màn hình.
+ Dành thời gian nghỉ ngơi cho tai, để tai khỏi bị nghe liên tục đủ thứ âm thanh, nhờ đó tạo được sự thinh lặng cho tâm hồn.
+ Tạo cho mình những khoảng không gian và thời gian thích hợp để có thể hồi tâm, đọc sách và sống sâu lắng một mình.
+ Chỉ ăn khi đói, và ngừng ăn khi đã no.
+ Nói ít hơn, nghe nhiều hơn. Chê ít hơn, khen nhiều hơn.
+ Luôn suy nghĩ tốt về người khác. Không để những tình cảm tiêu cực như ghen ghét, tức giận, oán thù, nghi ngờ, có chỗ trong tim mình.
+ Không để nỗi buồn rầu, buông xuôi, thất vọng hay tuyệt vọng chi phối quyết định của mình.
+ Không để mình bị ám bởi những hình ảnh xấu trên mạng. Không để khoái lạc xác thịt khiến mình bị nô lệ cho tội.
+ Sẵn sàng làm một điều mình không thích, chỉ vì điều đó có lợi cho tha nhân và đem lại vinh quang Chúa.
Chắc mỗi người chúng ta đều được Chúa gợi ý về cách sống chay trong thời buổi hiện tại.

Nguyễn Cao Siêu, S.J


XIN ƠN BÌNH AN TRONG CƠN ĐẠI DỊCH

XIN ƠN BÌNH AN 
TRONG CƠN ĐẠI DỊCH

Hơn lúc nào hết, mọi Ki-tô hữu chúng ta đang khao khát được sống trong bình an của Chúa khi mà dịch cúm Covid-19 càng ngày càng trở nên nguy hiểm và lan tỏa rất nhanh tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới. 

Được biết, dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) chủng mới gây ra bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Dịch đã nhanh chóng lan ra tất cả các tỉnh, thành của Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 người, khiến hơn 75.000 người nhiễm bệnh. Tính trên toàn thế giới, thì vào thời điểm sáng ngày 19-2-2020 đã có 75.184 ca nhiễm nCoV và 2.009 người đã chết vì dịch bệnh này, trong khi có 14.555 người bình phục. Đặc biệt có 5 ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục, đó là ở Nhật Bản, Hong Kong, Pháp, Philippines và Đài Loan.

Trước tình hình này, Ki-tô hữu chúng ta cầu xin Chúa ban sự bình an vì chỉ có Chúa mới có sự bình an đích thực. Sự bình an của Chúa là sự bình an xuất phát từ Thánh Thần có sức mạnh giúp chúng ta bình tâm chống đỡ mọi nguy cơ thử thách bất cứ như thế nào và từ đâu tới. Ngày 17-2 vừa qua, lời nguyện chính thức của HĐGMVN đã được phổ biến để cộng đoàn Dân Chúa cầu nguyện trong cơn dịch bệnh Covid-19.

          Dựa theo nội dung kinh này, ta có thể tóm lược mấy điểm chính: Trước hết, chúng ta cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, đồng thời xin Chúa Cha giàu lòng thương xót nhìn đến nỗi thống khổ của đoàn con trên khắp thế giới, nhất là những nơi dịch bệnh đang hoành hành. Chúng ta cầu xin Cha củng cố đức tin mọi người, cho mọi người hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Cha. 

Chúng ta cầu xin Chúa Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất, là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, xin Ngài thương cho các bệnh nhân được chữa lành và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. 

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, xin Người soi sáng các vị hữu trách và những ai có khả năng để họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, xin Người ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại hầu luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. [1]

Như vậy, qua bản kinh vừa tóm lược, chúng ta có thể xác tín là việc cầu nguyện để vững niềm tin trong lúc này là hết sức cần thiết, đồng thời chúng ta cũng khẩn khoản nài xin Ba Ngôi Thiên Chúa ra tay cứu vớt chúng ta bằng cách soi sáng, nâng đỡ để tất cả những ai có trách nhiệm sẽ tìm ra các phương cách chống chọi với dịch bệnh đang lan tràn và gây chết chóc, đau khổ cho nhiều người. Lời cầu nguyện và sự cộng tác của con người luôn luôn phù hợp với đường lối giải quyết của Thiên Chúa.

Vừa qua, HĐGMVN cũng như một số giáo phận trong cả nước đã ra thông báo kêu gọi mọi tín hữu cầu nguyện đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh do chủng virút Corona-2019 gây ra. Việc này cho thấy Hội thánh các nơi không tỏ ra “vô cảm” trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm này. Đức tin của chúng ta luôn là một đức tin sống động, nhạy bén, rất thích hợp với từng hoàn cảnh, vì đức tin luôn phải có việc làm để được tỏa sáng. [2] 

Được biết, từ cuối tháng 1-2020, ĐTC Phan-xi-cô đã kêu gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho bệnh dịch sớm chấm dứt và cho các nạn nhân do dịch gây ra, đồng thời Tòa Thánh cũng đã gửi 700 ngàn khẩu trang trợ giúp vùng dịch bên Trung Quốc. Các Hội thánh Châu Á như Trung Quốc, Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc cũng nhanh chóng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện và giúp đỡ các địa phương và các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đặc biệt hơn là tại Hồng Công và Singapore, Hội thánh địa phương đã áp dụng biện pháp “cứng” chưa từng có, đó là tạm dừng tất cả thánh lễ Chúa nhật, kể cả phụng vụ lễ Tro (ngày 26-2-2020) nhằm tránh lây lan trong cộng đoàn. Tất cả cũng là để bảo vệ mạng sống con người và giúp con người sống bình an trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng và phức tạp. [3] 
Từ những thông tin và cảm nhận trên, chúng ta có thể rút ra 2 điều sau:

1- Bình an nhờ sự tín thác vào sự quan phòng của Chúa

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được bình an là nhờ biết tín thác vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Tín thác có nghĩa là chúng ta xác tín rằng Chúa biết hết mọi sự đã, đang và sẽ xảy ra, đồng thời Người có những đường lối riêng mà chúng ta không thể biết tường tận, nhưng chỉ cảm nhận bằng đức tin.

GLHTCG viết: “Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa soi sáng nhờ Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không rút được sự lành từ chính sự dữ, bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu” (số 324). 

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác của đức tin, chúng ta lại thấy rằng sự quan phòng của Thiên Chúa không tước đi tự do và quyền quyết định của chúng ta. Thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”.

Khi bị bệnh thì ta phải uống thuốc, khi đói thì phải làm việc để có cái ăn, khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm để phòng chấn thương do tai nạn, khi bão lụt thì phải tránh, khi chiến tranh xảy ra thì phải di tản vv. 

ĐGM GB Bùi Tuần trong bài “Đừng đổ thừa cho Chúa” đã viết như sau: 
“Tôi có thói quen hay cắt nghĩa tất cả mọi sự đều do Chúa định. Thói quen đó được tôi dùng như một giải pháp đạo đức dễ dàng trấn an lương tâm.

“Chẳng hạn tôi nghèo. Tôi cũng bảo là do Chúa muốn. Nhưng thực ra cũng có thể là do tôi không biết làm ăn. Tôi thấy chiến tranh tàn phá làng tôi, cướp mất gia đình tôi. Tôi cho là do Chúa định. Nhưng thực ra cũng có thể là do tội những người lãnh đạo chiến tranh. Tôi thấy xứ đạo tôi, địa phận tôi, Giáo Hội tôi có những khuyết điểm lớn nhỏ. Tôi cho là Chúa an bài như vậy. Nhưng thực ra cũng có thể là tại lỗi lầm của tôi, của các bề trên tôi, của anh chị em đồng đạo và của cả cộng đoàn Ki-tô hữu …” [4] 
Cầu nguyện trong phó thác và hành động trong khôn ngoan, đó là điều kiện giúp ta sống bình an.

2- Bình an là do ta biết hành động theo ý Chúa 

Ý Chúa luôn là tốt lành và thiện hảo. Trong cuộc sống, có rất nhiều biến cố mà ta phải “đọc” ra ý Chúa là gì ẩn chứa trong đó. Khi nhận ra được ý Chúa như thế nào, ta sẽ hành động đúng và sẽ được sống trong bình an.

Khi ta ốm đau bệnh tật, ta phải đi khám bệnh. Thầy thuốc chỉ định ta phải làm cái này, phải uống thuốc kia, phải theo dõi như thế nào, nếu ta làm theo như vậy là ta đã theo ý Chúa rồi. Tất nhiên ta không loại trừ một số trường hợp xấu, chẳng hạn gặp thầy thuốc dỏm, dùng thuốc giả, bị lừa gạt, tống tiền vv. Lúc đó, nếu chúng ta tin tưởng và cầu nguyện, Chúa sẽ soi sáng ta nhận ra thực hư. 

Thiên Chúa luôn nói với chúng ta ngang qua Lời Chúa trong Thánh Kinh, qua các giáo huấn của Hội thánh, qua lề luật Chúa và Hội thánh, qua các lời dạy và hướng dẫn của người có trách nhiệm, qua các biến cố thường nhật vv...  

Để biết được ý Chúa, điều quan trọng nhất là chúng ta phải cầu nguyện và biết lắng nghe tiếng Chúa. Cầu nguyện để Chúa thông đạt ý của Người cho chúng ta, một cách thâm sâu. Lắng nghe để chúng ta chìm sâu vào mầu nhiệm Lời Chúa. “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 9-10). Khi Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, Ngài muốn đưa chúng ta vào tương quan mầu nhiệm giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta là con cái Người, để chúng ta hiểu rằng “dưới đất” và “trên trời” cùng một mối liên hệ “phụ tử” thân mật. Không còn khoảng cách nào để chúng ta phải ở ngoài quỹ đạo của tình yêu chăm sóc của một người Cha luôn quan tâm đến con cái mình. 

Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta lo lắng, bối rối, lo sợ. Chúa biết. Có nhiều nơi không có thánh lễ như bình thường, kể cả Chúa nhật, lễ trọng. Chúa biết. Có nhiều nơi linh mục chủ tế, lễ sinh, ca đoàn và giáo dân phải đeo khẩu trang khi đến dự thánh lễ. Chúa biết. Có nhiều nơi giáo dân không dám đến nhà thờ dự thánh lễ, tham gia sinh hoạt, học/ dạy giáo lý vì sợ nhiễm bệnh. Chúa biết. Có nơi giáo dân được cho phép tham dự thánh lễ online và rước lễ thiêng liêng. Chúa biết hết.

Vì chúng ta biết Chúa biết hết, nên chúng ta an tâm. Dịch bệnh có thể sẽ còn xảy ra và gia tăng mức độ thiệt hại, nhưng Cha chúng ta ở trên trời sẽ có cách “mạc khải” cho chúng ta biết kế hoạch của Người. Kế hoạch của tình thương chứ không phải kế hoạch của trừng phạt. Kế hoạch của cứu độ chứ không phải kế hoạch của hư vong. 

Thiên Chúa khôn ngoan lại đầy quyền năng cho nên trong việc quan phòng của Người, Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”(Is 55,8). Vì thế đối với những việc xảy ra cho mình, dù tốt hay xấu, người tín hữu cũng vẫn một lòng tín thác vào tình thương của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28) ./.
  
Aug. Trần Cao Khải
______________ 
[4]ĐGM GB Bùi Tuần – Nói với chính mình - NXB VH-VN – Năm 2015 trang 111-112