ÁNH SÁNG THIÊN ĐÀNG

 

ÁNH SÁNG THIÊN ĐÀNG


Có 2 em bé song sinh trong bụng mẹ. Một em bé hỏi em bé còn lại:

- Cậu có tin vào cuộc sống sau khi rời khỏi đây?

- Sao, đương nhiên. Chắc hẳn phải có gì đó sau khi rời khỏi đây. Có thể chúng ta ở đây để chuẩn bị cho chính chúng ta ở giai đoạn tiếp theo – Em bé thứ 2 trả lời.

- Vô lý – Em bé kia đáp lại – Chẳng có cuộc sống nào sau khi rời khỏi đây cả. Cuộc sống đó sẽ như thế nào chứ?

Em bé thứ 2 trả lời:

-  Tớ không biết, nhưng có thể sẽ có nhiều ánh sáng hơn ở đây. Có thể chúng ta sẽ đi bằng chân và ăn bằng miệng. Có thể chúng ta sẽ có những cảm giác mà bây giờ chúng ta không hiểu được.

 Em bé đầu tiên trả lời:

- Thật là ngớ ngẩn. Đi bằng chân là điều không thể. Và ăn bằng miệng? Thật kỳ quái. Dây rốn là nguồn cung cấp dinh dưỡng và bất cứ thứ gì chúng ta cần. Nhưng dây rốn rất ngắn. Cuộc sống sau khi rời khỏi đây là hoàn toàn phi lý.

- Nhưng tớ vẫn nghĩ có điều gì đó khác biệt hơn ở đây. Có thể chúng ta sẽ sống mà không cần nhờ vào cái dây rốn này nữa.

- Vô lý. Và hơn nữa nếu có cuộc sống sau khi rời khỏi đây, tại sao không ai quay trở lại đây sau khi đã đi ra ngoài? Rời khỏi đây chắc chắn là kết thúc cuộc sống của chúng ta, và sau khi rời khỏi đây sẽ không có gì ngoài bóng tối, sự im lặng và sự lãng quên. Nó không mang chúng ta đến đâu cả – Em bé đầu tiên nói.

- Tớ không biết nữa – Em bé thứ 2 trả lời – Nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ gặp Mẹ và bà ấy sẽ chăm sóc chúng ta.

- Mẹ? Cậu thật sự tin là có Mẹ? Thật nực cười. Nếu Mẹ tồn tại thì bà ấy đang ở đâu bây giờ? – Em bé đầu tiên hỏi. Bà ấy ở quanh chúng ta. Chúng ta được bao phủ bởi Mẹ. Chúng ta là Mẹ. Chúng ta đang sống trong Mẹ. Nếu không có bà ấy, thế giới của chúng ta không thể tồn tại – Em bé thứ 2 trả lời.

- Tớ không nhìn thấy Mẹ, nên về mặt logic, chắc chắn là bà ấy không tồn tại – Em bé đầu tiên đáp.

Em bé thứ 2 trả lời:

-  Đôi khi, khi bạn im lặng, thật sự tập trung và lắng nghe, cậu có thể nhận ra sự có mặt của Mẹ, cậu có thể nghe được giọng nói đầy yêu thương của mẹ, từ trên cao gọi xuống.

Cũng như 2 em bé song sinh, ngày xưa tôi cũng từng hỏi: những người đã lìa trần, sau khi chết họ sẽ đi về đâu?

Những người lớn đã giải thích cho tôi về một thế giới bên kia gọi là Thiên Đàng.  

Bây giờ tôi đã được hiểu rõ hơn về thiên đàng, một thế giới bên kia không ai biết sẽ như thế nào, nhưng có thể sẽ có rất nhiều ánh sáng, được chăm sóc và yêu thương. Hiện tại trần gian này chỉ là một bào thai, nơi ở tạm thời của cung Lòng Thương Xót Chúa và có tự do chờ đợi để được nhìn thấy ánh sáng của Thiên Đàng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: Tôi nay ở trọ trần gian, mai kia về chốn xa xăm cuối trời.”

Đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là cửa ngõ của sự sống mới - sự sống trường sinh bất tử được Thiên Chúa tái tạo. 

Bởi vì, thân phận con người chỉ là một kiếp bụi tro, phù sinh và mong manh.

Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình. (TV 103,14-16)

Nên quy luật sống và chết là hai kỳ công do Thiên Chúa an bài. Thật kỳ diệu khi nghĩ về mầu nhiệm sự sống và sự chết, hai tình trạng này luôn tồn tại trong thế giới để con người được nhận ra đầy đủ giá trị của sự hiện hữu trong Thiên Chúa.

Trong sự hiệp thông này theo Karl Rahner: “cái chết không thể cô lập con người và cũng không thể ngăn cách được sự liên đới giữa người sống và người đã chết”.

Bên cạnh đó, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cho thấy: người chết đi vào mối dây hiệp thông với người khác trong mầu nhiệm Thân Mình của Đức Ki-tô. Sự hiệp thông giữa người chết và người sống là ở chỗ nếu có một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu có bộ phận nào vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12, 26-27).

Thế nên, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, mọi người được gia nhập vào gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong gia đình này không ai sống một mình mà: sống cùng- sống với – sống cho nhau. Không những sống với người còn đang lữ hành, mà còn sống cho những người đã qua đời.

Bầu khí của tháng cầu nguyện cho các linh hồn giúp tôi cảm nghiệm sâu sắc giá trị của sự liên kết với ông bà tổ tiên là huyết nhục đã lưu truyền cho nhau cái hồn của nguồn cội, của văn hóa và những giá trị tinh thần khác. Thật cao cả và thiêng liêng, “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”.

Quên một người đã khuất là làm cho họ hai lần chết”. Khi tôi nhớ đến các ngài, tôi hiểu rằng mình không chỉ thể hiện tâm tình thảo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, mà còn giúp đưa các ngài vào sự sống bất diệt qua ơn nghĩa của tôi với Chúa. Và giá trị hơn hết, tôi đã biểu hiện niềm tin của tôi vào Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu đời sau.

Ngày nay, trước những nghịch cảnh đang xảy ra trong thời đại dịch Covid với biết bao nhiêu con người ra đi lặng lẽ, tôi khao khát sự hiệp thông của tôi và người thân đã khuất được nối kết với nhau trong lời cầu nguyện, trong Thánh lễ, những việc bác ái, hy sinh thầm lặng là món quà để tất cả mọi người được gặp nhau trên Thiên Đàng.

Và rồi, chính niềm tin nối kết mọi người nhận ra cuộc sống này thật là ý nghĩa và ra đi làm chứng nhân về sự phục sinh của Đức Ki-tô – và chính Đức Ki-tô Phục Sinh – là nguyên lý và nguồn mạch cho tất cả mọi người ngày sau được sống lại vì Người đã mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (GLCG: #655).

Đứng trước những nấm mồ của những người thân hôm nay, ngày mai tôi không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Vì thế, từ hôm nay tôi chỉ biết cầu nguyện liên lỉ để xin ơn Chúa giúp tôi luôn nhớ bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng theo tiếng Chúa gọi và vững lòng trông cậy, phó thác cho Chúa cuộc sống và cái chết đời này để được sự sống đời sau bất diệt.

Kinh thánh đã mời gọi tôi một lối sống: "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người." (Lc 21,34-36)

Xin Chúa cho con biết sống từng giây phút hiện tại, luôn ưu tiên đặt Chúa lên trên hết mọi sự trong việc chu toàn bổn phận làm người. Xin tình thương Chúa luôn che chở và giúp con biết nhận ra những dấu hiệu của sự sống vĩnh cửu trong cuộc đời, để con và những người thân đã khuất được gặp nhau trên nơi đầy ánh sáng của Thiên Đàng.


 BỔN MẠNG THÁNG 11


 

NGÀY

LỄ

QUAN THẦY

03/11

Lễ thánh Martin de Porrès

  *Bổn mạng cộng đoàn Martin (Cung Kiệm)

*Chị Thu Thảo

17/11

Lễ thánh Élisabeth

Chị Hiền

21/11

Lễ Đức Mẹ dâng mình          

Bổn mạng các em

Thỉnh Sinh

22/11

Lễ thánh Cécile

Chị Nhung

27/11

Lễ thánh Cathérine Labourée

Chị Sáng

Ghi chú:

 

Từ ngày 21/11 đến ngày 23/11: làm Tuần Tam Nhật kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bảo trợ Tỉnh dòng.


LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY

LỄ GIỖ

08/11

Giỗ Anh Chị Em của Dòng Đaminh

20/11

Bà cố Mônica -Thân mẫu Chị Nhi

26/11

Bà cố Têrêsa -Thân mẫu Chị Lệ

28/11

Ông cố Tôma - Thân phụ Chị Diễm Lan