THÁNG 7

 

BỔN MẠNG THÁNG 07



NGÀY

LỄ

QUAN THẦY

06/07

Lễ thánh Marie Goretti.

Chị Thanh Hải

11/07

Lễ thánh Benoit

Chị Phạm T. Hường

12/07

Lễ thánh Véronique

Chị Thu

18/07

Lễ thánh Consolata Betrone.

Chị Nhàn

22/07

Lễ thánh Marie Madeleine

(Marie Magda)

*Dì Nhơn

*Chị Ngọc Mai

23/07

Lễ thánh Brigitte

Chị Nguyễn T. Trâm

24/07

Lễ thánh Christina.

Chị Lộc

26/07

Lễ thánh Joachim và Anne.

Chị Bích Nga

29/07

Lễ thánh Marthe

Bổn mạng Tu Xá Marthe (Tam Thái)

31/07

Lễ thánh Ignace de Loyola

Chị Loan

Ghi chú:

Từ ngày 30/07 đến ngày 07/08: làm Tuần Cửu Nhật kính Thánh Đaminh - Tổ phụ Dòng Đaminh.

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

 

NGÀY

LỄ GIỖ

03/07/2003

Chị Marie Bernadette Nguyễn Thị Việt

27/07

Ông cố Phêrô - Thân phụ chị Khiêm

TÌNH THƯƠNG TRONG CỘNG ĐOÀN

 

TÌNH THƯƠNG TRONG CỘNG ĐOÀN                                                  


 

“Cộng đoàn tu trì là nơi mọi người trở thành anh chị em một nhà”.

Tôi sống trong nhà dòng cũng khá lâu, một khoảng thời gian không phải là dài nhưng cũng không phải là ngắn, nên tôi cũng hiểu được phần nào những khó khăn hay những ích lợi của đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn giúp cho tôi trưởng thành hơn những cũng không kém phần thú vị trong cách sống và cách ứng xử với nhau của từng thành viên trong cộng đoàn. Nhưng đối với tôi điều quan trọng là phải có sự thương yêu nhau, nếu như không thương nhau thì cũng rất khó sống, rồi sẽ dẫn đến nhiều điều, nào là ghanh ghét nhau, để ý nhau rồi gây chia rẽ lẫn nhau. Cuộc sống này vốn chẳng dễ dàng gì, vậy mà sao cứ làm khổ lẫn nhau. Tôi luôn đặt câu hỏi đó cho chính mình, nhưng để trả lời câu hỏi này thì lại không dễ chút nào, đòi hỏi phải có sự tập luyện ở chính bản thân của mỗi người. Tôi đã được nghe rằng để trở thành người tốt, thiết yếu phải có ba yếu tố sau đây đó là.

1.   Chân thật

2.   Chuyên cần

3.   Đồng cảm

Nghe và nói thì rất hay nhưng để sống được điều đó thì cũng không dễ. Vì chúng ta cũng chỉ là thân phận con người, nếu như không có sự tập luyện nhân đức mỗi ngày và một đời sống đạo đức chuyên cần thì cũng chỉ là sống theo bản năng, và cách hành xử với nhau theo như quy luật tự nhiên mà thôi. Dễ nổi nóng, dễ đòi hỏi, dễ ghanh ghét, dễ hơn thua, dễ giận hờn và cái đáng sợ hơn nữa là ganh ghét nhau, chà đạp lẫn nhau bằng những lời nói, bằng những ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Thật kinh khủng nếu chúng ta phải sống trong một môi trường như thế, nó chẳng khác nào như một địa ngục ở trần gian này. Cũng dễ thông cảm hơn vì mỗi người là một bản tính khác nhau, không ai giống ai, nhưng điều quan trọng là cách nhìn nhận vấn đề, cách sống của mỗi người, cũng tùy vào mức độ trưởng thành của mỗi người, với người có trái tim nhân hậu, yêu thương, dịu dàng trong từng cử chỉ và lời nói thì đó là lợi thế để họ dễ dàng tập được nhân đức tốt. Vì vậy mà ông bà ta mới nói rằng “ Tính tốt có được là do cọ sát mà thành, tính xấu là do bị chiều mà ra”.

Cho nên đời sống chung trong cộng đoàn là môi trường để tôi tập luyện nhân đức. Cũng có lúc tôi tưởng chừng như mình không vượt qua được nhất là khi gặp khó khăn, chỉ khi nào mình va chạm thì mình mới lớn hơn, mới trưởng thành hơn trong cách suy nghĩ, cách ứng sử, cách sống và ngay cả việc phải thay đổi cách sống của mình cho phù hợp hơn. Vì càng trưởng thành càng phải học được cách bao dung, học được cách khống chế cảm xúc của mình.

Vì vậy mà mỗi ngày tôi đều tự nhủ với bản thân mình rằng, chỉ khi nào tôi học được chữ “ THƯƠNG” thì đời sống cộng đoàn của tôi mới thật sự nhẹ nhàng, hạnh phúc, không thì chỉ là những tháng ngày chịu đựng nhau mà sống, còn tệ hơn nữa là một bầu khí nặng nề, một sự thinh lặng đáng sợ vì không ai còn muốn nói chuyện với ai, không quan tâm tới nhau; chỉ vì cái tôi của mỗi người quá lớn hay sự tham vọng về quyền lực, địa vị, cấp bậc trong cộng đoàn, hay sống theo kiểu nịnh hót, a dua để làm đẹp lòng Bề Trên mà làm cho đời sống trở nên nặng nề hơn. Chính vì chưa biết chấp nhận nhau, đón nhận nhau, yêu thương nhau, tha cho nhau và chưa nhận ra được hình ảnh của Thiên Chúa nơi mỗi người.

 Vậy làm sao để hòa hợp và dung hòa trong đời sống cộng đoàn. Kinh nghiệm thực tế cho tôi hiểu được rằng, chỉ hòa hợp khi mỗi người biết dịu dàng với nhau trong từng lời nói, từng cử chỉ và có một thái độ tử tế với nhau, tôn trọng lẫn nhau. Chỉ dung hòa khi biết nhường nhịn nhau, biết quảng đại với nhau và biết sống hiền lành với nhau. Xem ra thì dễ đó, nhưng việc thực hành thì còn tùy thuộc vào sự trưởng thành, sự bao dung, với một tấm lòng nhân hậu của mỗi người mà thôi. Và điều quan trọng hơn hết là luôn nhận ra được hình ảnh của Thiên Chúa trong mỗi người. Điều đó đòi hỏi tôi phải luôn ý thức và cố gắng mỗi ngày, vì ai cũng có lúc yếu đuối, vấp ngã, chính những lúc như thế mới giúp tôi biết mình và hiểu rõ cái bản ngã của mình hơn.

Cũng chính lúc khó khăn hay đau khổ trong cuộc sống, cộng đoàn là nơi tôi muốn tìm về để được nâng đỡ, để được đón nhận và để được yêu thương, điều đó chỉ xẩy ra với những cộng đoàn hòa hợp, với những trái tim đầy yêu thương và hiền hòa của từng thành viên sống chung với nhau, với thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người và   không ai là hoàn hảo. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết sống với nhau bằng những trái tim biết yêu thương, biết dịu dàng trong từng suy nghĩ, lời nói, và hành động của mình, biết suy nghĩ tích cực và nói với nhau bằng những lời nói tích cực hơn. Để cuộc sống này trở nên nhẹ nhàng hơn, như thế chúng ta mới dễ dàng trở nên những chứng tá đích thực của Chúa và mang Chúa đến cho mọi người, không thì chỉ là những hình ảnh mang cái mác Tu Sĩ gắn liền với vỏ bọc bề ngoài nhưng bên trong lại không có gì. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, những ơn lành cần thiết để chúng ta biết tôi luyện bản thân của mình mỗi ngày, biết sống theo đường lối của Thiên Chúa và trở thành những Tu Sĩ đẹp lòng Thiên Chúa. 



                                                                    Bằng Lăng Tím.

 

SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI HÔM NAY




Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cho ta biết sứ mạng của Hội Thánh là truyền giáo, sứ mạng này bắt nguồn từ đặc tính Công giáo của Giáo Hội. Một mặt vẫn trung thành với sứ mạng đã được Chúa Giêsu trao phó nhưng đàng khác thì Giáo Hội vẫn luôn canh tân và đổi mới dựa vào Chúa Thánh Thần. Trong bài viết này, ở phần đầu tôi muốn chia sẻ một số những gương mẫu của Chúa Giêsu đã sống trong suốt cuộc đời dương thế, Ngài đã sống và nêu gương cho Giáo Hội của Ngài và Giáo hội có nhiệm vụ đón nhận như những chất liệu cần thiết cho sứ mạng của mình. Ở phần tiếp theo tôi muốn chia sẻ cách thức mà Giáo Hội đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để thi hành sứ vụ của mình, Giáo Hội đã đón nhận từ Đức Giêsu thì Giáo Hội cũng có nhiệm vụ phải loan báo những sứ điệp đã đón nhận được từ nơi Đức Giêsu. Tôi cũng sẽ dành một phần để nói về những gương mẫu trong Giáo Hội đã thi hành sứ vụ này theo bậc sống và ơn gọi của mình. Giáo Hội tham dự vào sứ vụ của Đức Giêsu với tư cách là người đón nhận và loan báo, đó không khác gì hơn là sứ mạng của Giáo Hội, nhất là trong bối cảnh của xã hội hôm nay.

1.    Đón nhận từ Đức Giêsu

Trước hết và trên hết, Đức Giêsu đã để lại cho ta một mẫu gương về sự nghèo khó đến tận cùng, khi Ngài chấp nhận mang lấy thân phận con người và sống như những con người khác ở trần gian. Các sách Tin mừng được Quy điển Giáo Hội công nhận thì không có một sách Tin mừng nào kể lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu ngoại trừ một câu trong Tin mừng của Thánh Luca: “Còn Hài nhi ngày càng thêm tuổi, thêm khôn ngoan và đầy ân nghĩa trước mặt Chúa”     (Lc 2,52). Điều đó cho ta thấy cuộc sống của Chúa Giêsu đã diễn ra âm thầm ở làng quê Nazareth, được người khác biết đến chỉ với một nghề nghiệp như Thánh Giuse – nghề thợ mộc. Ngài vẫn âm thầm sống và sống tốt, chỉ đến khi Ngài biết là đã đến lúc thi hành sứ vụ thì Ngài mới bắt đầu công trình của mình.

Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6), ta dễ dàng đọc thấy trong các sách Tin Mừng những lời nói của Chúa Giêsu luôn luôn là nói thật, như lời Thánh Phêrô đã viết trong thư của Ngài: “không ai thấy miệng Người nói một lời gian dối” (1Pr 2,22).

Chúa Giêsu không chỉ nói thật mà Ngài còn sống thật, từ mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài đã mang lấy thân phận con người như chúng ta, Ngài cũng biết buồn khi thấy những người Pharisêu cứng lòng không tin, Ngài cũng cảm thấy đau nỗi đau của người mẹ mất con, Ngài cũng biết ăn uống và chia sẻ những bữa ăn thân tình với người khác,.....

Hơn ai hết, Chúa Giêsu là một mẫu gương về lòng trắc ẩn, Ngài thương xót người phụ nữ ngoại tình bị tố cáo và chờ bị ném đá, Ngài thương cảm với hoàn cảnh của Matthêu, Ngài hiểu thấu nỗi chờ đợi của Dakêu, Ngài thương khóc người bạn là anh Lazarô mới mất...Còn nhiều, nhiều lắm những lần Chúa Giêsu đã tỏ rõ lòng trắc ẩn của mình đối với những hoàn cảnh khác nhau của con người.

Chúa Giêsu còn là một người luôn có tinh thần xây dựng công lý và hòa bình. Ta thấy rõ trong các Tin Mừng là Chúa Giêsu không hề gây cớ cho ai phải đau khổ, không làm phiền lòng ai vì cung cách ăn nói thiếu tế nhị....Trái lại, ta thấy Ngài luôn nói những lời xây dựng, những lời nhằm mưu cầu lợi ích cho người khác, ngay cả khi tranh luận với những người muốn thử thách Ngài hay khi sửa lỗi cho các môn đệ, khi làm cho dân chúng nhận ra những sai lầm của họ.

Chúa Giêsu đến thế gian để cứu độ mọi người, Ngài không phân biệt họ là Do Thái hay Samaria, người nghèo hay người giàu, người công chính hay kẻ tội lỗi.....Chúa đã qui tụ quanh mình một nhóm các môn đệ đủ mọi hạng người, đủ mọi tính tình, trình độ học vấn. Trong cuộc sống thì Ngài cũng tỏ ra tôn trọng người khác như khi đón nhận các trẻ em đến với Ngài, nhận lời dự bữa tiệc tại nhà ông Simon, đến thăm chị em cô Matta, ngồi tiếp chuyện ban đêm với ông Nicodemo...

Chúa Giêsu còn có nhiều mẫu gương khác đáng để Giáo Hội học hỏi và đón nhận mà ở đây ta chỉ nêu lên một vài điều tiêu biểu như trên. Cuộc đời của Chúa Giêsu đã minh chứng cho Hiến chương Nước Trời mà Ngài loan báo. Chúa Giêsu không chỉ nói mà suốt cuộc đời của Ngài đã là một lời chứng sống động về những mối phúc mà Ngài đã công bố. Giáo Hội cũng phải nhìn vào đó để khi đón nhận sứ mạng là loan báo Tin Mừng cho muôn dân thì Giáo Hội biết mình đã được đón nhận cái gì và bây giờ mình phải loan báo và trao ban cho người khác thế nào.

2.    Trao ban như Đức Giêsu

Những mẫu gương sống của Chúa Giêsu đã được nêu trên đây phải trở thành lý tưởng và cuộc sống của Giáo Hội. Thật thế, Giáo Hội đã được chính Chúa Giêsu thiết lập và ra lệnh phải loan báo Tin Mừng cho muôn dân, Tin Mừng của Ngài cần được loan báo không chỉ qua những lời rao giảng nhưng còn phải qua cả những cách sống tốt đẹp mà Giáo Hội đã được Thầy Giêsu nêu gương cho trong cuộc sống trần thế.

Đọc Lịch sử Giáo Hội thì ta sẽ thấy rằng có một thời Giáo Hội đã hiểu sai về lời căn dặn của Chúa Giêsu và đã để xảy ra một số những điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng đã tích cực sửa sai bằng cách canh tân phương pháp loan báo Tin Mừng để sao cho phù hợp với thời đại và con người. Như Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã viết trong Evangelii Nuntiandi 41 là: “Phương tiện đầu tiên của Phúc âm hóa là chứng tá của một đời sống Kitô giáo đích thực”. Quả thật, Đức Giêsu đến thế gian này để thi hành sứ vụ Chúa Cha trao phó, Ngài không chỉ nói mà còn minh chứng bằng hành động, vì thế, Ngài đã trao ban thế nào thì Giáo Hội cũng phải trao ban lại cho con người như thế.

Những gì mà Chúa Giêsu dạy là một cung cách sống chứ không phải chỉ là một mớ lý thuyết. Ngài đã trao ban sự tha thứ, thương xót những người cùng khổ, đối thoại với những người muốn tìm kiếm chân lý....thì Giáo Hội cũng thế, cũng trao ban cho con người hôm nay một sự tha thứ chân thành, một lòng thương xót bao la, một sự kiên nhẫn trong khi đối thoại với anh em các tôn giáo khác....

Có lẽ vấn đề của Giáo Hội hôm nay là Giáo Hội vẫn chưa luôn sống những gì Giáo Hội dạy. Lời của Đức Phaolo VI vẫn còn đáng để suy nghĩ: “Con người hôm nay cần chứng tá hơn là thầy dạy, nếu họ tin vào thầy dạy thì chứng tỏ vị thầy dạy đó đã sống những gì mình dạy” (EN 41). Đây là một vấn nạn lớn mà Giáo Hội cần phải chân thành nhìn nhận và nỗ lực canh tân.

Giáo Hội phải là Giáo Hội của người nghèo, theo gương Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian và sống nghèo thật sự. Ngài chơi với những người nghèo, nghèo trong mọi phương diện, Ngài tuyên dương bà góa nghèo chỉ bỏ hai đồng tiền kẽm vào thùng dâng cúng cho Đền thờ, mối phúc đầu tiên trong tám mối phúc mà Chúa nói đến là “phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Như vậy ta có thể thấy là nếu Giáo Hội nỗ lực sống sống nghèo thì Giáo Hội không chỉ đi đúng đường do Chúa Giêsu đã chỉ dẫn mà còn chính qua cách sống nghèo, Giáo Hội có thể đến được với người nghèo.

Giáo Hội cũng đã đón nhận từ Đức Giêsu một giới luật bao gồm mọi giới luật là luật mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu cũng đã xác định đó là giới luật trên hết mọi luật. Và quả thật, qua các thời đại, Giáo Hội đã luôn luôn cố gắng để thi hành giới luật này, không chỉ trên bình diện tập thể nhưng quan trọng hơn cả là trên bình diện cá nhân, những phần tử ưu tú của Giáo Hội.

3.    Những gương mẫu thi hành sứ mạng trong Giáo Hội

Có thể kể ngay đến gương mẫu của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài không chỉ dùng lời nói để thi hành sứ mạng của mình ngay trong cương vị là một người lãnh đạo Giáo Hội Chúa Kitô, nhưng hơn thế nữa, Ngài đã hành động: rửa chân cho những tù nhân vào dịp lễ Thứ Năm Tuần Thánh, đi thăm những nhân viên đang làm việc tại nhà in Vatican, xếp hàng nhận phần cơm trưa và ngồi ăn với những người nghèo....Đức Phanxicô thật sự là một mẫu gương thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu trao phó.

Chứng tá thứ hai có thể kể đến là Chân phước Gianna, một bác sĩ và là một người mẹ, bà đáng được nêu gương sống chứng tá Phúc âm vì khi khám phá ra mình bị một căn bệnh nan y, các bác sĩ cùng khoa đã khuyên bà phá bỏ bào thai để giữ lại mạng sống nhưng Gianna đã dám chấp nhận hi sinh sự sống của mình để đứa con được ra đời chứ không chấp nhận phá bỏ nó để mình được sống.

Chứng nhân là một cá nhân thì cũng chưa đủ mà cần lời chứng của cả một tập thể. Các cộng đoàn Dòng tu xứng đáng để được kể ra đây vì các Tu sĩ nam nữ trong các nhà dòng đã can đảm chấp nhận hi sinh tuổi thanh xuân và những ước mơ của riêng mình để từng ngày, từng giờ sống và xả thân mưu cầu lợi ích cho tha nhân và chính mình qua đời sống thánh hiến.

Ngoài ra, cũng có thể kể đến các giáo dân đủ mọi thành phần, lứa tuổi đang nhiệt thành trong những công việc hằng ngày ở các xứ đạo như đọc kinh, tham dự Thánh lễ, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ sự sống....Chính họ sẽ trở thành một thắc mắc cho những người đang sống cùng trong giáo xứ.

Tạm kết

Từ ngữ đẹp nhất để mô tả sứ vụ là một thuật ngữ thuộc Kinh Thánh – MARTYRIA. Tuy từ ngữ này không hàm chứa tất cả mọi khái niệm nhưng ý nghĩa của từ ngữ này có thể được xem là đầy đủ để nói về việc truyền giáo của Giáo Hội. Quả vậy, Giáo Hội đã và đang từng ngày sống và loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu, một Tin Mừng sống động ngay trong đời sống chứ không phải là một Tin Mừng chết trên những trang giấy. Trải qua bao thời đại, có những bước thăng trầm, có những khi Giáo Hội đi lệch đường, có những khi sai lầm....nhưng Chúa Thánh Thần là Chân Lý vẫn có cách để đưa Giáo Hội trở về đúng con đường mà Giáo Hội phải đi. Những gì Giáo Hội đón nhận được từ Đức Giêsu và được lưu truyền cho đến hôm nay đã trở nên nguồn mạch nuôi dưỡng Giáo Hội. Nếu Thầy Giêsu không từng sống và từng dạy dỗ thì Giáo Hội sẽ mất phương hướng và rơi vào sai lạc.

Là một phần tử trong Giáo Hội, mỗi người chúng ta phải vui mừng vì chúng ta đã có sẵn chất liệu cần thiết để sống và để trao ban, đó chính là Giáo lý tinh tuyền mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ nơi Thầy Giêsu và Giáo Hội trao lại cho từng người chúng ta. Hãy đi và làm cho muôn người nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Cha của mọi người. Chúng ta không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng chính hành động, vì lời nói là hành động vô hình và việc làm chính là lời nói hữu hình.

 



Hoa Đất