BỔN MẠNG THÁNG 7



THÁNG 7

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
06/07
Lễ thánh Maria Goretti.
Chị Hải
11/07
Lễ thánh Bênêđictô
Chị Hường (Bênêđictô)
18/07
Lễ thánh Consolata
Chị Nhàn
22/07
Lễ thánh Maria Madalêna
Dì Nhơn
23/07
Lễ thánh Brigitte
Chị Trâm
24/07
Lễ thánh Christina.
Chị Lộc
26/07
Lễ thánh Gioakim và Anna.
Chị Ngân (Bích Nga)
29/07
Lễ thánh Martha
Bổn mạng cộng đoàn Martha (Tam Thái)
31/07
Lễ Thánh Ignace de Loyola
Chị Loan

*Ghi chú: Từ ngày 30/07 đến ngày 07/08, xin Chị em làm tuần kính Thánh Đaminh- Tổ phụ Dòng

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY
LỄ GIỖ
09/07
Chị Marie Bernadette Nguyễn Thị Việt
27/07
Ông cố Phêrô - Thân phụ chị Khiêm

ĐỜI TU VÀ HẠNH PHÚC

Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây..., đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút.

Thánh Tôma Aquinô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc”[1]. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.

Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?

1. Hạnh phúc là gì và ở đâu?  
  
Thực sự câu trả lời rất khó để khẳng định đâu là hạnh phúc; ai là người được hạnh phúc, và dựa vào tiêu chuẩn nào để cho rằng mình hạnh phúc! Lại càng khó hơn khi mỗi người đều có một quan điểm hay một khái niệm để mặc định cho nó. Đôi khi dẫn đến tình trạng uốn nắn hạnh phúc theo chủ ý khách quan của mình.

Nhưng như đã nói, hạnh phúc được mỗi người hiểu một cách khác nhau, nên rất khó thống nhất. Các trường phái hay tôn giáo cũng có những quan niệm khác nhau khi bàn về hạnh phúc.

Trong từ điển tiếng Việt khi nói về hạnh phúc thì viết: “Có được nhiều sung sướng, toại nguyện”[2]. Còn theo ngôn ngữ triết học thì: “Tình trạng sung sướng của con người khi khuynh hướng được hoàn toàn thỏa mãn, về lượng, về phẩm, về lâu dài theo đúng bậc thang (hay là trật tự) giá trị”[3]. Hoặc theo Bách khoa Toàn thư thì: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí  [4].

Sự sung sướng, hay thỏa mãn có thể là cái gì đó nắm bắt được cách cụ thể như: tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực, thành công, thỏa mãn ước muốn..., bởi vì người ta phỏng chiếu sự hạnh phúc dưới nhiều lăng kính chủ quan và có phần hiện sinh, nên đôi khi “thấy vậy mà không phải vậy”. Tôi theo góc độ và vị thế của tôi; anh theo chủ quan của anh. Mỗi người sẽ tùy thuộc vào quan điểm, hiểu biết và bậc sống của mình dựa trên nhu cầu về thể lý hay tâm linh để hình thành nên một quan niệm về hạnh phúc.

Nhưng nếu chỉ có thế thì quan niệm của con người về hạnh phúc thật lệnh lạc vì nó không bám rễ sâu trong tâm hồn, nơi nội căn của con người. Hạnh phúc như thế, phải chăng không phải là hạnh phúc thật, bởi vì nó mang nặng tính chủ quan, phiến diện, nên con người cứ nhọc công tìm kiếm, và lòng tham vô đáy của con người biết đâu cho vừa, nên cứ phải đi tìm hoài, tìm mãi... Người đời thường có câu: “Con dao và cái nĩa không làm cho người ta ngon miệng” (De Sirvy). Còn trong nhà tu thì có ngạn ngữ: “Áo dòng không phải chân tu, hoa thơm nhân đức đời tu mới thành” hay: “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Từ cái nhìn đó, mỗi người chúng ta hiểu được ngay rằng: những thứ bên ngoài không đem lại cho người ta hạnh phúc thật, còn những cái ở bên trong mới đem lại cho con người hạnh phúc.
Như vậy, hạnh phúc là một cái gì đó cao quý, thiêng liêng, là vô hằng mà ai cũng mong muốn đạt được. Nó là một trạng thái nội tâm sâu xa được khởi đi từ nội căn chứ không phải thứ hạnh phúc bề ngoài do ngoại tại tác động. Còn khi nói đến hạnh phúc trong đời tu, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói khi gặp gỡ các linh mục và tu sĩ tại Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm mục vụ năm 2008: “Giáo Hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chỉ đề có nhiều, nhưng Giáo Hội cần có các linh mục, tu sĩ hạnh phúc vì được là linh mục tu sĩ”. Rồi trong năm Đức Tin vừa qua, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình: “Tái khám phá hành trình Đức Tin để làm sáng lên niềm vui, lòng phấn khởi được gặp gỡ Đức Kitô”. Tiếp theo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn năm 2014 là năm: “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình”, qua đó các ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa sống tinh thần “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình để thông truyền Đức Tin”.

Tất cả những lời giáo huấn của các đấng chủ chăn trong Giáo Hội luôn mời gọi mỗi người hãy cảm nghiệm được: “Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng”. Khi cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc vì có Chúa ở cùng và sống với, mỗi người chúng ta mới có thể loan báo và lưu truyền Đức Tin cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, thành phần quan trọng trong sứ vụ này không ai khác là chính những người sống đời thánh hiến. Nhưng trước khi giúp cho người khác khám phá và tái khám phá niềm vui, hạnh phúc khi đi theo và gắn bó với Đức Kitô, thì chính những người được thánh hiến phải trở nên dấu chỉ về niềm hy vọng, hạnh phúc và niềm vui của mình cho người khác.

2. Đời tu và hạnh phúc
Có một câu chuyện kể rằng: “Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.

Ngày nọ, ông vua giàu có đã cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông được nhiều người giúp đỡ ông và tỏ lòng thương mến. Tối về, ông tự nghĩ: ‘Bây giờ ta mới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào’.

Một thời gian sau đó, ông gom góp tặng hết những gì mình có cho người nghèo trong vùng rồi chảy đi nơi khác. Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: ‘Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này’”.

Đời tu cũng thế, hạnh phúc không phải là ở trong một nhà dòng to lớn có bề dày về truyền thống, hay có những cơ sở hạ tầng vĩ đại, hoặc một giáo xứ lớn, những nơi giáo dân luôn tôn trọng, nâng đỡ và tạo điều kiện thuận lợi là hạnh phúc. Không! Hạnh phúc đời tu không phải như thế! Hạnh phúc trong đời tu chính là gắn bó với Chúa liên lỉ trong đời sống hằng ngày.

Chỉ có sự gắn bó với Chúa, được biểu hiện qua đời sống cầu nguyện, chúng ta mới thấy được hạnh phúc nội tâm và niềm vui chia sẻ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói: “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô” (x. GLHTCG số 2564).

Như vậy, nhờ cầu nguyện, chúng ta được đi vào giao ước thánh của lòng ta với Thiên Chúa. Có cầu nguyện, ta mới khám phá ra hạnh phúc thật và hạnh phúc giả tạo: “Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21).

3. Sống thân tình với Thiên Chúa
Khi chọn đời sống tu trì để hiến dâng cho Thiên Chúa và con người, thì đời tu của mỗi chúng ta là một cuộc giao ước thánh. Thông qua giao ước này, ta chọn Chúa làm Chủ đời ta, ta thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về ta. Cuộc giao ước này là một cuộc giao ước tình yêu. Lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy theo Thầy” và ta đáp trả, ấy là một cuộc tình được thiết lập, mà Đức Giêsu là người chủ động đi bước trước.

Đây là một lời mời gọi mang đầy tình mến mà Đức Giêsu dành cho những ai Ngài chọn. Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi đó, là chính lúc ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Thánh Phaolô đã nói thật thâm sâu: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi…” (Pl 3, 8).

Tông Huấn về đời sống thánh hiến khẳng định:“Khởi điểm của chương trình này là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Đức Kitô” (ĐSTH số 93) và sống gắn bó với Ngài.

Sự gắn bó với Đức Kitô được hiểu như là sự sống còn. Chính Ngài cũng đã diễn tả tâm tình này khi đưa ra hai dụ ngôn người tá điền và anh lái buôn: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44 – 46).

Niềm vui và hạnh phúc của người môn đệ chính là xác tín thật chắc chắn về vị Thầy mà mình quyết định đi theo để được ở cùng và sống với Ngài. Vị Thầy đó chính là kho tàng, là viên ngọc quý. Nói cách khác, Ngài là lẽ sống, là lý tưởng, là thần tượng của chúng ta. Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 38). “Khi được Ngài, tôi đành mất hếtvà tôi coi tất cả như đồ bỏđể được Đức Kitô” (x. Pl 3,7-8). Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy có câu chuyện chàng thanh niên giàu có được Đức Giêsu đem lòng yêu mến, quý trọng và mời gọi anh ta bước đi theo Ngài để được hạnh phúc: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,21-22). Tuy nhiên, anh đã không đáp lại lời mời gọi ấy và đã buồn rầu bỏ đi chỉ vì anh ta có nhiều của cải. Chúa của anh là đồng tiền. Chính đồng tiền đã chiếm địa vị độc tôn nơi anh ta.
Trong thực tế, giới nhà tu của chúng ta cũng vậy. Có rất nhiều người muốn theo Chúa, hiến thân để sống đời phục vụ... Nhưng oái oăm thay, họ lại không chịu những điều kiện đi đôi với ước muốn đó. Họ muốn cả hai và luôn trong tình trạng sẵn sàng “bắt cá hai tay”; hay “tu sĩ hàng hai”.Họ ngại khó, ngại hy sinh, và khó từ bỏ. Hoặc thay vì đi theo và chọn Chúa, thì lại chỉ lo làm việc của Chúa! Đến khi không có việc của Chúa hay không ưng ý với công việc được trao thì sinh ra buồn phiền, chán nản và bỏ đi như chàng thanh niên giàu có kia.

Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy rất nhiều người tỏ vẻ bên ngoài thành công, mũ mão cân đai, họ nói cười oang oang, họ vỗ ngực xưng tên, họ được nhiều người trọng dụng... Nhưng thực chất, khi đối diện với lương tâm, họ là những người bi đát, thất vọng vì không có nguồn hạnh phúc thật là chính Chúa, mà chỉ có những thứ hạnh phúc rẻ tiền mà thôi.

Vậy muốn có một cuộc đời hạnh phúc thật, thì trước tiên, người sống đời thánh hiến phải yêu mến và siêng năng đời sống cầu nguyện.

4. Đời sống cầu nguyện nơi người thánh hiến
Nói đến nghề đi buôn, người ta nghĩ ngay đến chuyện buôn gì, có lời hay lỗ. Cũng vậy, khi nói đến đời tu, người ta nghĩ ngay đến đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện được ví như hơi thở: "Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mt 26,41). Nếu không cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ bị cám dỗ và xa dần Thiên Chúa nữa.

Cầu nguyện đối với người sống đời thánh hiến được khởi đi từ lúc bình minh đến khi chiều tà. Từ khi mặt trời ló rạng đến khi khuất núi ban chiều. Mẹ Têrêsa Calcutta đã cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện trong mọi cảnh huống thường ngày. Tuy nhiên, mẹ không phải lúc nào cũng ở trong nhà thờ để cầu nguyện. Với mẹ, mọi nơi mọi lúc đều có thể cầu nguyện được. Chính vì thế, hễ những ai gặp được mẹ, từ người quyền cao chức trọng đến thường dân. Từ người giàu đến người sống trong khu ổ chuột... ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi gặp mẹ. Mẹ không có tiền bạc, không phải là một phụ nữ hấp dẫn, trẻ trung, không phải là người có địa vị trong xã hội... Nhưng mẹ hấp dẫn là vì mẹ có tình yêu. Tình yêu của mẹ là tình yêu hướng tha, được khởi đi từ sự cầu nguyện. Chính trong đời sống cầu nguyện mà mẹ cảm nghiệm thật hạnh phúc, đồng thời mẹ trao ban niềm vui và hạnh phúc đó cho mọi người.

Trong đời tu, nhiều khi chúng ta không cảm thấy hạnh phúc ngay trong những chiến thắng bề ngoài. Tại sao vậy? Thưa chỉ đơn giản là không có cầu nguyện. Hay lời cầu nguyện của chúng ta bị đóng khung ở bên trong nhà thờ; bị khóa chặt trong cuốn sách kinh mà không hề ăn nhập gì với cuộc sống cả. Những người như thế, họ như là “xác không hồn” và không sớm thì muộn, đời tu của họ sẽ sụp đổ tan tành ngay bởi sự nhàm chán trong công việc phụng vụ, phục vụ và nỗi cô đơn trong đời tu.

Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng có nói: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (ĐHV 119).  

Khi không có đời sống cầu nguyện trong cuộc đời của người tận hiến, chúng ta làm mọi chuyện chỉ là việc cưỡng ép, mà nếu làm như vậy, thì có lẽ máy móc tân tiến ngày nay làm hơn chúng ta nhiều.

Nếu chúng ta không có đời sống cầu nguyện, thì chúng ta mất đi nguồn sự sống, nguồn bình an, và như thế, chính bản thân ta đâu có đủ tư cách nói rằng tôi làm việc này hay việc khác vì Chúa đâu! “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ĐHV 120). Những người không có đời sống cầu nguyện, thì dù họ có làm được phép lạ cũng đừng tin. Cuộc đời của họ sẽ sụp đổ nhanh chóng vì họ xây nhà trên cát (x. Lc 6, 49).

Có rất nhiều anh chị em chúng ta nói: Tôi cầu nguyện rất nhiều, tôi dành cho Chúa rất nhiều thời giờ, nhưng sống với anh chị em trong cộng đoàn thì chẳng ra gì cả. Người đời thường nói: “Khoảng cách xa nhất trong cuộc sống chính là từ miệng đến bàn tay”.

Như vậy, cầu nguyện phải là một trạng thái thanh thoát và bình an. Cầu nguyện không phải là chuyện làm cho xong để rồi giờ cầu nguyện được ví như giờ lên lớp hay trả bài. Không phải thế, cầu nguyện là lòng với lòng, ta với Chúa trong tình Cha - con. Vì thế, đừng lý luận cao siêu, đừng bóp trán nặn óc để thưa lên với Chúa những lời sáo rỗng từ chương, nhưng thực chất chẳng có gì.

Mặt khác, cầu nguyện còn giúp cho mỗi chúng ta trở về với lòng mình cách chân thực để biết mình và biết Chúa. Nhận ra con người yếu đuối của mình, và nhận ra Thiên Chúa là đáng tuyệt mỹ. Khi nhận ra mình như thế thì điều đầu tiên cần có là tâm hồn sám hối và sung sướng vì được Chúa thương yêu. Khi họ cầu nguyện, họ được ví như: “Người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7, 24-25).

Những người sống đời cầu nguyện thâm sâu, thì họ sẽ suy nghĩ, nhìn, nói, hành động theo ý muốn và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khi kết hiệp với Chúa, họ không ngừng sám hối và cũng không ngớt được thúc đẩy mở rộng lòng bao dung, tình thương đến với người khác. Pierre Van Brieman đã nói: “Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa. Tôi còn bám víu vào nhiều thứ trong đời sống của tôi và quyết nắm chặt lấy chúng trong tay: của cải vật chất, tinh thần, công việc, địa vị của tôi, bạn bè, nguyên tắc của tôi… Nếu tôi mở tay ra, những ‘của cải’ trên vẫn còn đó, có lẽ không một vật nào rơi bớt đi, nhưng ít nhất đôi bàn tay tôi đã mở. Thái độ đó là thái độ của người cầu nguyện”.

Người sống đời tận hiến chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội, với Đấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả.

Nói cho cùng, chúng ta hạnh phúc vì đã mở ra: mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.
Như một lời kết luận, xin mượn câu chuyện của mẹ Têrêsa Calcutta với một ký giả, khi ông này có buổi tiếp xúc với mẹ.
Câu chuyện được bắt đầu với lời hỏi của anh ta:
- Sáng nay mẹ làm gì?
- Cầu nguyện.
- Bắt đầu từ mấy giờ?
- 4 giờ rưỡi.
- Và sau khi cầu nguyện?
- Chúng tôi tôi tiếp tục cố gắng cầu nguyện qua công việc bằng cách làm những công việc đó với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu. Điều này giúp chúng tôi đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào công việc đang làm. Những người đang hấp hối, những người đang co quắp, những người bệnh tâm thần, những người bị bỏ rơi, những người không được yêu thương. Họ là Chúa Giêsu cải trang....

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy đời sống cầu nguyện của chúng ta rất quan trọng. Khi cầu nguyện, chúng ta tin nhận Thiên Chúa là chủ đời ta cũng như vận mệnh của đời ta. Chúng ta sẽ làm mọi chuyện vì quy Kitô. Lấy Chúa Kitô làm trung tâm của ơn gọi và sứ vụ. Lúc đó, chúng ta sẽ hạnh phúc vì có Chúa ở cùng chứ không bị lệ thuộc vào những công việc của Chúa hay những thứ bề ngoài.

Jos.Vinc. Ngọc Biển


[1] Tôma A Quynô, Tổng Luận Thần Học, Sum. Theol. I, q 2 ad1. 
[2] Ngôn Ngữ Học Việt Nam, Từ Điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2010, tr. 246.
[3] Trần Văn Hiến Minh, Từ Điển & Danh Từ Triết Học, Tủ sách Ra khơi, Sài Gòn năm 1966, tr. 93.            
[4] Xc. Bách Khoa Toàn Thư, trên: http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1nh_ph%C3%BAc, truy cập ngày 08-02-2014.

 

CUỘC ĐỜI LÀ MỘT CÔNG VIỆC BỀ BỘN

Việc làm, tương giao, tình yêu, dục tính, tình bạn, tuổi già, tất cả đều phức tạp, trần tục, là những công việc bề bộn, lúc nào cũng có một phần đau đớn, nhỏ nhen, giới hạn, tổn thương và chết chóc.

Triết gia vô thần người Pháp MauriceMerleau-Ponty không tin vào Thiên Chúa. Theo ông, lý do là vì sự mơ hồ của sự kiện có tính cách hiện tượng căn bản trong sự hiện hữu của chúng ta và niềm tin vào Thiên Chúa không nhất quán với trải nghiệm đó.
 
 
Câu này, theo lối trừu tượng, diễn đạt một điều gì đó tất cả chúng ta đều trải nghiệm, đó là cuộc đời hoàn toàn bề bộn; bề bộn đến mức thực tế nó có thể mặc kệ cho ai băn khoăn tự hỏi liệu có Thiên Chúa toàn năng, chu đáo hay không. Không ai đi trên cuộc đời mà không có tì vết, nỗi đau, xáo trộn và chết chóc.

Không giống như Merleau-Ponty, nhưng chính vì lý do đó mà tôi tin có Thiên Chúa. Cuộc sống có thể bề bộn nhưng nó xác thật, không giả tạo. Chúng ta không phải là chiếc đồng hồ Thụy sĩ, tuyệt đối đúng giờ, tỉ mỉ kêu từng tiếng tích tắc, chính xác và sạch sẽ. Đúng ra cuộc sống giống như bất cứ gì ngoại trừ tuyệt đối đúng mực và như chiếc đồng hồ. Chúng ta không thể sống mà không bề bộn, rắc rối, có nỗi đau thể lý cũng như tâm lý.

Nó bắt đầu khi chúng ta sinh ra. Sinh hạ là một tiến trình bề bộn gây đau đớn, bức chế và làm phức tạp cuộc sống con người một cách không sai chạy. Đời sống cũng thế!

Việc làm, tương giao, tình yêu, dục tính, tình bạn, tuổi già, tất cả đều phức tạp, trần tục, là những công việc bề bộn, lúc nào cũng có một phần đau đớn, nhỏ nhen, giới hạn, tổn thương và chết chóc. Chúng cũng đầy niềm vui và ý nghĩa, nhưng hiếm khi tinh tuyền. Ngoài ra không ai đi trên cuộc đời mà phẩm cách, tự do và ước mơ của mình không bị thất vọng và bị giẫm đạp. Không có con đường nào bằng phẳng suốt cuộc đời.

Chiếc áo trắng ngày rửa tội, sự trong trắng của quả tim, tâm trí, và thân xác chúng ta, sự tươi mới của tuổi trẻ, bị vấy bẩn, bị dơ và làm cuộc sống phai màu.

Và khi chúng ta lớn tuổi hơn, những lời của Gerard Manley Hopkins trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết:

Và tất cả bị vấy bẩn bởi trao đổi; bị lu mờ, bị vấy bẩn bởi công việc nhọc nhằn;

Và mặc vào vết bẩn của con người và chia sẻ mùi hôi của con người: mùi đất …

Thường nó làm chúng ta chán nản và hoài nghi. Nguy hiểm hơn, nó thường gieo cho chúng ta một thất vọng mơ hồ. Được trình bày đơn giản theo mệnh đề toán học về thất vọng, và rốt cùng tất cả thất vọng là: Nếu tất cả đều bị xáo trộn thì, thì tất cả đều được phép.

Thái độ này là loại siêu vi trùng chết người. Có lẽ nó là cám dỗ xấu xa nhất đối với người lớn. Vì nó mà chúng ta bán rẻ chính mình, từ bỏ, ném phẩm cách và ước mơ của chúng ta theo gió và chấp nhận cái tốt xoàng xoàng. Yếu tố đơn độc này có lẽ là gốc rễ của hầu hết tính không chung thủy, vô trách nhiệm trong đời sống tình dục, hoài nghi vào nền văn hóa chúng ta.

Khi chúng ta bán rẻ phẩm cách và các giấc mơ của mình, khi đó, như Merleau-Ponty, chúng ta sẽ gặp vấn đề trong trải nghiệm Thiên Chúa. Cái cao cả nhất chỉ trải nghiệm được một cách rõ ràng khi chúng ta trao bản thân mình cho những gì cao cả nhất.

Sự bề bộn của cuộc sống cũng làm cho chúng ta bị cám dỗ trên một phương diện khác, đó là cố gắng khử trùng cuộc sống.

Vì không thể sống và yêu thương sâu đậm mà không bị tổn thương, nhỏ nhen, nô lệ hóa, bị nhục vì những vướng mắc, bị vấy bẩn, nên chúng ta không chọn sống và yêu thương một cách sâu đậm. Vì thế chúng ta buông bỏ, khước từ chiều sâu. Chúng ta tránh né tất cả những gì có thể gây tổn thương – hay hàn gắn – chúng ta một cách sâu đậm.

Làm như vậy, chúng ta làm cho cuộc đời trở nên giả tạo – sạch sẽ, khử trùng, không vết bụi, không hôi thúi, nhưng vì vậy mà cuộc sống không có sinh khí và ý nghĩa, nó như đóa hoa nhựa. Chúng ta cần chấp nhận các khúc quanh của cuộc đời.

Chúng ta không phải là thiên thần, tự do, bay bổng, không bị trở ngại bởi giới hạn của thời gian và thân xác. Linh hồn chúng ta được sinh ra trong đất, trong đau đớn, máu và hôi thối. Chúng ta không bao giờ là thiên thần.

Nhưng đi cùng với nó là một phẩm cách đặc biệt, phẩm cách mà một hoa hồng thật sở hữu.

Peter Meinke có viết một bài thơ vinh danh cái chết của người đàn ông phát minh hoa hồng giả:

Người Đàn Ông phát minh hoa hồng giả chết đi,
ông để lại danh tiếng.
Đóa hoa không hư nát của ông không bao giờ tàn.
Nhưng người canh mồ không ẩn mình trong bóng tối.
Anh hiểu cái đẹp cũng như các loài hoa,
Những cái nắm lấy quả tim chúng ta bằng mạng lưới mềm mại như lưới trời
Và kết chặt chúng ta bằng sợi chỉ của những giờ mong manh;
Hoa đẹp vì hoa chết.
Cái đẹp mà không có mạch héo tàn
là cằn cỗi, khô khan, đáng bị bỏ rơi
Với các cánh rừng giả. Nhưng kết quả
Lại ủng hộ phát minh của người đàn ông này: Ông biết thời của mình;
Viễn cảnh của thời không có nước mắt để lộ ra
Những người nhân tạo khịt khịt những bông hồng giả.

Ladies’ Home Journal, 1964

Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch
(phanxico.vn )

TẢN MẠN VỀ ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH

Không chỉ bí tích Thánh Thể, cả các bí tích khác cũng dễ làm cho chúng ta dấy lên cảm giác “nghi ngờ” với những hình thức bên ngoài như dầu, nước, bánh, rượu… vốn đã quá quen thuộc trong cuộc sống!

Một cơ sở quan trọng để khẳng định con người có linh hồn là những nhu cầu tinh thần mà chúng ta khao khát không thua gì những đòi hỏi của thể xác. Cụ thể là nếu chỉ cho chúng ta ăn uống đầy đủ, bắt nằm một chỗ không cho giao tiếp, không cho sách vở nghe nhạc xem phim… giống như chú cún con bị xích ở nhà, hỏi có ai chịu nổi không? Chắc chắn ta sẽ phát điên trong môi trường sống như vậy.

Cũng như thể xác, không phải ăn cái gì cũng tốt, cũng bổ. Có rất nhiều món độc hại mà vì cố ý hoặc do thiếu hiểu biết, chúng ta vẫn sử dụng hằng ngày như bia rượu, nước ngọt, mì gói, hoặc các thực phẩm tẩm hóa chất… Món ăn tinh thần cũng có những bậc thang giá trị của nó. Nếu thực phẩm độc hại tàn phá thể xác thế nào, thì những món tinh thần xấu như phim ảnh đồi trụy, bạo lực, các trào lưu xã hội vô đạo đức… giết con người không chỉ ở nhân cách mà cả sự sống đời đời của linh hồn.

Thiên Chúa quá hiểu nhu cầu của sản phẩm mà Ngài làm ra. Khi tạo dựng muôn vật, Ngài cho chúng ta có quyền sử dụng tất cả để phục vụ nhu cầu tồn tại của mình. Nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ, Ngài cho chúng ta môi trường sống và óc sáng tạo làm nên những giá trị văn hóa để chúng ta không ngừng thăng tiến đời sống. Thế vẫn chưa đủ! Vì chúng ta là loài hướng thần nên cần có những món ăn thuộc tôn giáo đưa chúng ta vào sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta ngay trong ý định sáng tạo của Ngài.

Người Công giáo chúng ta trong đời sống đức tin có những món ăn thật phong phú và bổ ích, mà cao cấp nhất là Lời Chúa và Thánh Thể. Qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể trong thánh lễ chúng ta cử hành hằng ngày cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tốt nhất cho đời sống tinh thần và sự sống linh hồn của mỗi chúng ta.

Có nhiều người đặt câu hỏi: Giáo hội dạy lãnh Bí tích sẽ được tràn đầy ân sủng và sự sống của Thiên Chúa, đặc biệt là nơi Mình và Máu Chúa, mà nói thật là con vẫn rước lễ hằng ngày nhưng có cảm giác gì đâu? Quả thật không chỉ bí tích Thánh Thể, cả các bí tích khác cũng dễ làm cho chúng ta dấy lên cảm giác “nghi ngờ” với những hình thức bên ngoài như dầu, nước, bánh, rượu… vốn đã quá quen thuộc trong cuộc sống!

Chúng ta thử dùng hình ảnh này để cảm nghiệm: Bác sĩ nói trái Táo ăn vô rất bổ dưỡng cơ thể, nó cung cấp hai loại vitamin chính là A và C. Vậy khi ăn Táo, có ai nhìn thấy hay cảm giác được vitamin A và C trong đó không? Chúng ta chỉ thấy hình dáng xanh tròn.., cảm giác được chất bột và vị chua ngọt của nó thôi. Nhưng đảm bảo ai cũng xác tín Táo bổ dưỡng cơ thể với hai chất vitamin nổi bật là A và C, tăng sức đề kháng và tốt cho mắt, da.. Vậy thì trái táo bao gồm chất thể bên ngoài mà ta trông thấy, cảm nếm được… cùng với công dụng bên trong mà ta không thể nhận diện, nhưng nó âm thầm tác dụng trong chính cơ thể ta một cách tiệm tiến.

Bí tích chúng ta lãnh nhận cũng tương tự thế. Các Bí tích bao gồm hai phần chính là Dấu bên ngoài (chất thể) và Ơn bên trong. Thiên Chúa dùng chính những vật rất thân quen và hữu ích đối với con người, cùng với lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội qua vị đại diện Ngài, và lòng thành tâm khao khát của chúng ta để ban Ơn Sủng. Qua dấu chỉ của nước, dầu, bánh, rượu… cùng lời cầu xin của Giáo hội và lòng ước muốn lãnh nhận nơi ta, các Bí tích âm thầm tác dụng trong tâm hồn trở thành những ân sủng và nguồn sống Thiên Chúa dưỡng nuôi linh hồn con người. Xét ra cách thế Thiên Chúa sử dụng nuôi đời sống tinh thần cũng không xa lạ gì với cách Ngài dưỡng nuôi thân xác chúng ta hằng ngày.

Hình ảnh người mẹ chín tháng nuôi con bằng chính thịt máu mình, thêm nhiều năm tháng cho con dòng sữa cùng mồ hôi nước mắt, đó chẳng phải là thịt máu của bà trao cho con mình sao! Tình yêu thôi thúc con người dám hy sinh trao ban cho nhau như vậy, thì Thiên Chúa, với một Tình Yêu vĩ đại tuyệt đối, cùng quyền năng vô biên của Ngài lại không thể trao ban chính Thịt và Máu Ngài dưỡng nuôi linh hồn chúng ta hằng ngày được sao!


Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN - C

Đối với Kitô hữu chúng ta, và có lẽ cả các tín đồ các tôn giáo khác nữa, thì việc dành cho Thiên Chúa sự kính trọng xứng đáng luôn là mối bận tâm hàng đầu, đặc biệt là trong các việc thờ phượng, các nghi lễ phụng tự; điều đó là đương nhiên, là phổ biến, và không có gì để mà bàn cãi. Tuy nhiên hình như có một điều gì còn quan trọng hơn cả sự kính trọng và tôn vinh, một điều rất đặc sắc của riêng Kitô hữu mà rất thường khi chúng ta hầu như quên lãng hoàn toàn, đó là: hiểu thấu lòng từ nhân và hay thương xót của Thiên Chúa; Tân Ước xem ra rất coi trọng điều này, bởi vì đó là nội dung chính mà Đức Giêsu đã đến trần gian để khải mở cho chúng ta được biết (xem Ga 3:16).
Các môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an quả rất nhiệt tình; các ông muốn thấy Thầy Giêsu của mình phải được mọi người đón tiếp xứng đáng; chính lòng nhiệt thành đã thôi thúc các ông xin Thầy cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng Sa-ma-ri đã từ chối đón tiếp Thầy. Các ông những tưởng sẽ được Thầy Giêsu khen thưởng và trọng dụng, nhưng tất cả những gì các ông nhận được là lời quở mắng; kỳ lạ thay!
Chúng ta đã từng bao nhiêu lần được chứng kiến những nhiệt tình tương tự, như cha xứ quở trách giáo dân đã không tiếp đón đức cha cách long trọng cho đủ, bề trên phiền trách hội viên đã không coi trọng mình cho phải lẽ… (chưa nói tới thói đời là tiền hô hậu ủng); và thường thì ta cho điều đó là hoàn toàn đúng, vì tôn ti trật tự xã hội đòi phải vậy. Thế nhưng cái điều quan trọng hơn kia thì lại rất khó nuốt trôi, và không biết tới bao giờ ta mới học cho thuộc. Đã mang danh là Kitô hữu (hơn nữa một tu sĩ theo Đức Giêsu sát hơn, “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”), ta không thể không thuộc bài học căn bản đó dầu cho nó có khó trôi tới mấy đi nữa: “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” – bài học duy nhất Đức Giêsu đã muốn được trực tiếp dạy các môn sinh của Người!
Thiên Chúa của Đức Giêsu cần lòng thương xót, trước cả được tôn vinh: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”; nói cách khác, tôn vinh cao nhất mà Người muốn nhận được phải là lòng nhân ái xót thương. Người chấp nhận không có lấy một chỗ tựa đầu nên chưa bao giờ đòi các môn đệ phải dọn cho mình một chỗ xứng đáng để ngả lưng! Là Kitô hữu, một khi đã khởi sự con đường môn đệ bằng việc đón nhận lòng thương xót tha tội (bí tích Rửa Tội), tôi biết Người không muốn tôi, vì bất cứ lý do gì (kể cả hợp lý nhất), ngoái cổ để tìm lại thứ tôn vinh phải phép dành cho Thiên Chúa. Điều mà Người thật sự mong muốn, là tôi tham dự cách trọn vẹn và quyết liệt vào lòng nhân ái và xót thương mà Người đã dày công minh chứng khi đến trần gian.
Ôi, bài học xem ra dễ đó lại thật khó biết bao! Đức Giêsu đã không tỏ vẻ phấn khởi lắm với nhiều kẻ xin theo Người…, vì họ đinh ninh: theo Người là tôn vinh Thiên Chúa với cả một hệ thống luân lý và tu đức khắt khe; đàng này, Người đòi các môn đệ trung kiên phải thuộc bài học nhân ái tới độ tự hủy hoàn toàn… thì ít ai có thể học cho thuộc. Phê-rô được chọn làm thủ lãnh sẽ phải củng cố niềm tin của các anh em chính ở điểm này, sau khi bản thân ông đã thấm thía bài học xót thương và tha thứ của Thầy sau ba lần chối bỏ.
Tôi thầm ước: việc theo sát Đức Giêsu của mình (đã hơn 50 năm rồi còn gì!) sẽ giúp tôi hiểu và học thuộc được bài này. Tôi cầu mong cho mọi phần tử trong Hội Thánh, đặc biệt các linh mục và tu sĩ, sẽ hết lòng làm vinh danh Thiên Chúa trong chính nội dung này. Mong họ sẽ trở thành dấu chỉ làm cho một nhân loại (kể cả các tôn giáo khác) đang lao đầu kiến tìm các thứ quyền lợi, danh dự và vinh quang cho thần tượng hay thần thánh của họ (đôi khi rất chính đáng) biết rằng: có một ‘vinh quang đích thực’ mà Thiên Chúa của các Kitô hữu mong muốn, đó là ‘lòng xót thương và tha thứ’. Kitô hữu thà đánh mất mọi thứ (kể cả những quyền lợi thiết thân nhất dành cho Thiên Chúa và tôn giáo của mình) chứ không để chứng từ rất độc đáo này bị lu mờ.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ tình thương của Chúa: để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp… Hãy dạy con học thuộc bài học chấp nhận thua thiệt, kể cả trong những điều xem ra rất thiết yếu để thờ phượng kính tôn Thiên Chúa cho phải lẽ, bởi vì nhận thức được rằng vinh quang lớn nhất mà Thiên Chúa của Đức Kitô muốn bảo vệ bằng mọi giá chính là hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

ĐỨA TRẺ NÀY RỒI SẼ THẾ NÀO ĐÂY

Không những thánh Gioan sống đẹp mà chết cũng rất hào hùng...
Một người láng giềng của tôi thuật lại: Trong thời gian người vợ mang thai, anh cầu ngày cầu đêm cho được con trai. Tối 28 tết, anh chồng thấp thỏm chờ đợi thời khắc đứa con chào đời. Hy vọng sẽ là đứa con trai như lòng anh mong ước.
Thế rồi vào khoảng 10 giờ tối, khi nghe cô đỡ báo tin người vợ sinh con trai, anh quá đỗi vui mừng, vội chạy vào nhà lấy hai dây pháo thật dài, treo ngay dưới hai chuồng bồ câu giữa sân, bật quẹt châm ngòi. Hai tràng pháo nổ giòn vang dội cả xóm. Tất cả bồ câu đông đảo trong hai chuồng hoảng hốt vỗ cánh bay tán loạn không sót một con!
Niềm vui có đứa con chào đời quá lớn khiến người cha trót dại treo hai dây pháo ngay dưới chuồng bồ câu khiến chúng bay sạch, gây tổn thất không nhỏ cho kinh tế gia đình.
Một niềm vui còn lớn hơn nhiều đã đến với hai ông bà Da-ca-ri-a khi bé Gioan chào đời. Mọi người lân cận đến chúc mừng hai ông bà được Chúa thương cho sinh con trong tuổi già. Ai cũng chúc mừng mẹ tròn con vuông. Ai cũng trầm trồ khen đứa bé thật dễ thương đang nằm trong lòng mẹ. Ai cũng mỉm cười với bé, đặt nhiều hy vọng vào bé: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em" (Lc 1,66).
Thế rồi cậu bé Gioan lớn dần lên theo năm tháng mà không để cho bất kỳ ai thất vọng. Người đã sống đẹp và đã chết hào hùng.
Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi nơi gia đình lối xóm, rút vào trong hoang địa khô cằn để sống gắn bó với Thiên Chúa, chú tâm lắng nghe và thực hiện ý Người.
Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, thì người cũng không ngần ngại giới thiệu họ đến với Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa (Ga 1, 36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giê-su, một bậc Thầy cao cả hơn.
Gioan sống đẹp khi được dân chúng ngưỡng mộ, xem mình như một ngôn sứ cao cả, thì Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà Gioan không đáng cởi quai dép cho (Ga 1, 27), để cho đám đông thôi ngưỡng mộ Gioan mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giê-su.
Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: "Chúa Giê-su phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).
Đời sống cao đẹp của thánh Gioan đã được Chúa Giê-su nhìn nhận: "Trong các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan" (Mt 11, 11).
Không những thánh Gioan sống đẹp mà chết cũng rất hào hùng. Thời bấy giờ không ai dám đả động đến hành vi loạn luân của vua Hê-rô-đê với người chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê. Chỉ mình Gioan dám đứng lên tố cáo tội lỗi nhà vua cho dù phải lãnh lấy án chết. Gioan anh dũng chấp nhận chết để bảo vệ giềng mối đạo đức cho tôn giáo và xã hội. Đó là cái chết đẹp vô cùng.
Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy nhớ lại ngày sinh nhật của chúng ta. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất đời. Ngày ấy, cha mẹ, ông bà, cô bác đều mừng vui vì ta được sinh ra đời. Ai cũng muốn nhìn ta, ai cũng mỉm cười với ta, ai cũng muốn bồng ẵm ta... và ai cũng đặt nơi ta một niềm hy vọng: "Trẻ nầy rồi sẽ nên như thế nào?" Cha mẹ và bà con hy vọng ta sẽ có tương lai xán lạn, hy vọng ta sẽ đem lại danh giá cho gia đình và họ hàng. Nhưng mãi cho đến hôm nay, chúng ta đã đáp ứng được niềm hy vọng đó chưa?
Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta sống sao cho đẹp như Gioan để không làm cho gia đình họ hàng thất vọng đồng thời để dọn đường cho Chúa đến với mọi người.
Nguyện xin Thiên Chúa giúp ta chết sao cho đẹp, để lại tiếng thơm cho đời như thánh Gioan.
Lm Trần Ngà