KỲ TĨNH TÂM NĂM VÀ THƯỜNG HUẤN NĂM 2015


Từ ngày 31/05-05/06, các chị em vĩnh khấn của Dự-Tỉnh sẽ bước vào kỳ tĩnh tâm năm, được tổ chức tại Đan viện Biển Đức Thiên Bình. Và tiếp sau đó, các chị em sẽ tiếp tục 3 ngày thường huấn theo chủ đề của Tổng Hội: học hỏi về đề tài GIAO ƯỚC. Xin cùng hiệp ý cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm năm và kỳ thường huấn của các chị được diễn ra tốt đẹp và tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần.

LỜI CHÚA LỄ CHÚA BA NGÔI- NĂM B

 
Hiệp nhất trong yêu thương – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Từ ngày cắp sách vào lớp một, mỗi học sinh đều được học bài toán: 1+1+1 = 3 và nếu làm đúng như vậy thì lúc nào cũng được điểm tối đa. Trái lại, nếu có em nào làm phép tính: 1 + 1 + 1 = 1 thì sẽ bị cô giáo cho điểm O và bị phê là ngu xuẩn.
Thế nhưng trong một gia đình đầm ấm yêu thương thì 1 + 1 + 1 không còn là 3, mà chỉ là 1.
Hiệp thông trong gia đình
Trước đây, anh Bắc ở Hà-nội, chị Nam ở Sai-gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt. Anh và chị là hai “ngôi vị” hoàn toàn xa lạ.
Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu. Tình yêu của anh chị lớn lên từng ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.
Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân. Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng… Họ không còn là hai mà là một đúng như nhà thơ Tản Đà nhận định: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.
Chính Chúa Giêsu cũng nhìn nhận rằng họ chỉ còn là một mà thôi: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mt 19, 5-6)
Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!
Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi” (=ba vị), nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một. Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau. Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.
Mặt khác, tình yêu và mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với nhau: khi càng yêu thương nhau hơn thì mức độ hiệp thông càng bền chặt hơn và ngược lại, khi ghét bỏ nhau, người ta cảm thấy hoàn toàn xa cách dù sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, vợ, chồng và con cái trong nhà không còn là một mà là ba.
Như thế tình yêu là phép mầu nối kết nhiều người nên một. Những người yêu thương nhau được liên kết nên một với nhau nhưng vẫn không đánh mất bản ngã của mình.
Hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa
Hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất thường được Giáo Hội sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6)
Khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tuy nhiên, vì tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần mênh mông như đại dương, trong khi tình yêu của các ngôi vị trong gia đình chỉ bằng giọt nước; và vì mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với mức độ yêu thương, nên sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là vô cùng mật thiết so với sự hiệp thông còn quá mong manh giữa các thành viên trong gia đình.
Chúa Giêsu mời gọi sống hiệp thông theo mô hình Ba Ngôi
Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người chung chia hạnh phúc ấy. Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Người thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha…. để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một”. (Ga 17, 20-23)
Và hôm nay, Chúa Giêsu hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”
Rồi Người cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội Thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.
Xin cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tìm Hiểu về 7 Ơn của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần (The Holy Spirit) 
 
Sống trên cõi đời này, chỉ có một điều duy nhất quan trọng mà thôi đó là ơn cứu rỗi đời đời, và cũng chỉ có duy nhất một điều là đáng sợ nhất mà thôi, đó chính là tội lỗi. Tội lỗi chính là kết quả của sự ngu dốt, sự yếu kém và sự thờ ơ. Chúa Thánh Thần chính là Thần Khí của Ánh Sáng, của Sức Mạnh, và của Tình Yêu. Với 7 ơn huệ của Chúa Thánh Thần, Ngài khai mở cho tâm trí của chúng ta, cũng cố ý chí của chúng ta và đốt cháy trong trái tim của chúng ta lửa yêu mến Thiên Chúa. 
 
Để đảm bảo ơn cứu rỗi của chúng ta, chúng ta phải khẩn cầu Ơn của Chúa Thánh Thần xuống cho chúng ta mỗi ngày, vì "Thần Khí của Ngài giúp chữa lành tất cả mọi tật bệnh của chúng ta, và để giúp nguyện cầu thay cho chúng ta." 

 
Ơn Kính Sợ (The Gift of Fear) 
 
Ơn Kính Sợ lấp đầy chúng ta với sự tôn kính tuyệt đối dành cho Thiên Chúa và khiến cho chúng ta đủ sợ hãi để tránh xúc phạm đến Người bằng chính tội lỗi của chúng ta. Khi nổ sợ hãi dâng lên, không phải đến từ ý nghĩ của hỏa ngục, nhưng là đến từ những tình cảm tôn kính và lòng hiếu thảo vâng phục của chúng ta dành cho Thiên Chúa - Đấng là Cha toàn năng của chúng ta ở trên trời. 
 
Ơn Kính Sợ chính là khởi điểm của sự khôn ngoan, nhằm tách rời chúng ta ra khỏi những thích thú hay khoái lạc của trần gian, vì đó chính là những hấp lực lôi kéo chúng ta rời xa Thiên Chúa vì "Những ai kính sợ Thiên Chúa sẽ chuẩn bị con tìm mình, và trong ánh sáng của Ngài, Ngài sẽ thánh hóa những linh hồn đó." 
 

Ơn Đạo Đức (The Gift of Piety) 
 
Ơn Đạo Đức nhằm làm phát sinh trong trái tim của chúng ta một tâm tình thảo hiếu dành cho Thiên Chúa, Đấng là Người Cha yêu mến nhất của tất cả mọi người chúng ta. Nó khơi dậy lên trong chúng ta tình yêu thương và sự trọng kính dành cho những gì thuộc về Người, và những gì được thánh hóa cho Người, cũng như cho tất cả những ai uy quyền hành động thay danh Người, Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ Người và tất cả các Thánh, Giáo Hội và vị lãnh đạo Giáo Hội của Người ở trần gian, cha-mẹ và các vị Bề Trên của chúng ta, và những người cai trị hay cầm quyền trong mọi quốc gia của chúng ta. 
 
Những ai có được Ơn Đạo Đức tìm thấy việc sống đúng đức tin và việc giữ đạo của riêng mình, không phải là một nhiệm vụ nặng nề, mà chính là một việc phục vụ vui sướng. Bất cứ nơi đâu có tình yêu, thì sẽ không có sự lao nhọc. 
 

 
Ơn Chịu Đựng (The Gift of Fortitude) 
 
Bằng chính Ơn Chịu Đựng, tâm hồn được Thiên Chúa cũng cố thêm bằng chính sức mạnh của Người để chống lại những nổi sợ hãi tự nhiên, và được hổ trợ đến cùng để hoàn tất nhiệm vụ một cách vẽ vang. 
 
Ơn Chịu Đựng truyền phát vào trong ý chí một sự thúc đẩy và sinh lực để khiến cho người đó không mấy ngần ngại khi đảm lấy những sứ vụ khó khăn và cam go nhất, để diện đối với tất cả mọi loại hiểm nguy, để dành được sự kính trọng của con người, và để chịu đựng mà không hề than vãn sự tử đạo chầm chậm cho dẫu có phải trải qua nổi khổ đau, sầu não suốt cả cuộc đời vì "Những ai kiên gan, bền chí đến cùng, sẽ được Thiên Chúa cứu rỗi." 
 

 
Ơn Hiểu Biết (The Gift of Knowledge) 
 
Ơn Hiểu Biết giúp cho tâm hồn biết đánh giá mọi việc được Thiên Chúa tạo dựng ra theo đúng với ý nghĩa đích thực của chúng - trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Ơn Hiểu Biết giúp tháo gỡ tính cách giả tạo của các sinh và loài vật, tiết lộ ra sự trống rỗng của chúng, và nhằm để chỉ ra mục đích thật sự duy nhất của chúng chính là những khí cụ trong việc phục vụ Thiên Chúa. 
 
Ơn Hiểu Biết tỏ bày ra cho chúng ta thấy được sự yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa ngay cả trong những nghịch cảnh, và để hướng chúng ta đến việc ngợi ca và tán tụng Người trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào của chúng ta. Được hướng dẫn bởi chính ánh sáng của nó, chúng ta biết nhận ra đâu chính là những điều đầu tiêm, quan trọng và thiết yếu nhất, để biết trân quý tình bạn cao đẹp mà Thiên Chúa dành cho chúng ta trên hẳn tất cả mọi sự. 
 
"Ơn Hiểu Biết chính là dòng suối sống mà con người được sở hữu lấy!" 
 

Ơn Thông Hiểu (The Gift of Understanding) 
 
Ơn Thông Hiểu chính là một ơn huệ của Chúa Thánh Thần, nhằm giúp chúng ta nắm trọn được tòn bộ những ý nghĩa của sự thật về tôn giáo của chúng ta. Dẫu rằng, chúng ta biết được những sự thật đó qua Đức Tin, thế nhưng bằng chính Ơn Thông Hiểu, chúng ta mới có thể học biết cách để trân trọng và ưa thích về những sự thật đó, và ơn đó cũng nhằm cho phép chúng ta thấm nhuần vào ý nghĩa nội tại của những sự thật được tỏ bày ra, để qua chính những sự thật đó, cuộc sống của chúng ta có thể được hoán chuyển và làm tươi mới hơn mỗi ngày. 
 
Đức Tin của chúng ta thường có khuynh hướng trở nên cằn cỗi và thụ động, do đó, bằng chính Ơn Thông Hiểu này mà đời sống của chúng ta được khởi hứng lên để luôn trở thành những chứng tá sống động cho đức tin có trong chính chúng ta; để chúng ta xứng đáng "cùng bước đi với Thiên Chúa, để luôn làm hài lòng Ngài qua tất cả những gì chúng ta làm, cũng như để làm gia tăng thêm hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa nhiều hơn nữa." 
 

Ơn Chỉ Bảo (The Gift of Counsel) 
 
Ơn Chỉ Bảo được Thiên Chúa phú cho mỗi tâm hồn cùng với sự khôn ngoan siêu nhiên, để tâm hồn có thể nhanh chóng và chính xác nghiệm xét hay xử phân những gì cần phải làm, đặc biệt là trong những trường hợp hay những tình huống hết sức phức tạp hoặc khó khăn. Ơn Chỉ Bảo dùng những nguyên tắc được ban cho bởi Ơn Hiểu Biết và Ơn Thông Hiểu vào vô số các trường hợp cụ thể diện đối với chúng ta torng cuộc sống và trách nhiệm hằng ngày của chúng ta trong vai trò là các bậc cha-mẹ, thầy/cô giáo, các công chức, và những người công dân Kitô Giáo. 
 
Ơn Chỉ Bảo chính là một gia sản vô giá cho mỗi người trong chúng ta trong việc kiếm tìm ơn cứu rỗi vì trong "tất cả mọi điều này, hãy nguyện cầu Thiên Chúa Tối Cao, để Ngài trực tiếp hướng dẫn chúng ta đến với sự thật." 
 

 
Ơn Khôn Ngoan (The Gift of Wisdom) 
 
Bao trùm tất cả mọi ơn khác, cũng giống như lòng khoan dung bao trùm lấy tất cả mọi đức tín khác, thì Ơn Khôn Ngoan chính là ơn hoàn hảo nhất trong số các ơn huệ. Ơn Khôn Ngoan là nhằm để cũng cố đức tin của chúng ta, để làm cho niềm hy vọng của chúng ta được kiên vững hơn, để hoàn thiện đức bác ái nơi chúng ta, và để cổ võ việc đem ra thực thi tất cả mọi đức tín - mà Thiên Chúa trao ban và mõi mong nơi chúng ta - ở mức độ cao nhất. 
 
Ơn Khôn Ngoan khai sáng tâm trí để chúng ta biết nhận thức và vui vẽ đón nhận những gì là thiêng liêng và cao vời nhất, cũng như biết cách trân trọng và đón nhận những niềm vui tục trần theo đúng với những ý hướng của Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu Kitô đã từng nói: "Hãy vác Thập Giá mà theo Ta, vì gánh của Ta thì êm ái, và ách của Ta thì nhẹ nhàng!" 
 

Anthony Lê 

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG- NĂM B

Xin hiệp nhất chúng con -

 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Trong mỗi dịp sinh nhật, người ta thường đặt những ngọn nến tượng trưng cho mỗi năm tháng cuộc đời.
Bên ánh nến lung linh huyền bí, người ta trao gửi những ước nguyện, những ưu tư trăn trở sâu thẳm nhất của cõi lòng mình. Có lần tôi hỏi một em bé mừng sinh nhật rằng: “Em ước điều gì trong ngày sinh nhật của em?”. Em trả lời: “Em ước mơ cha mẹ tha thứ cho nhau và về chung sống trong một mái ấm gia đình”.
Một điều ước thật bình dị và cũng thật thiết thực. Cha mẹ em đã ly dị. Họ không còn yêu thương nhau. Họ chia tay nhau cũng đồng nghĩa chiếc nôi êm ấm của gia đình đã tan nát. Thế nên, em mong ước cho cha mẹ đoàn tụ để xây dựng lại mái ấm gia đình đã đổ vỡ. Một mái ấm đã từng rộn rã tiếng cười và đầy ắp yêu thương mà nay không còn nữa. Một mái ấm mà “ai đi xa” cũng nhớ về mà nay chỉ còn sự tiếc nuối xót xa, vì chồng một nơi, vợ một nơi!
Hôm nay là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng là ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội mừng sinh nhật thứ 2015 của mình. Chúng ta ước mơ điều gì? Giáo Hội còn những ưu tư, trăn trở nào mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa hoàn thành ước nguyện? Phải chăng đó là sự hiệp nhất nên một trong Chúa? Phải chăng đó là bầu khí yêu thương mà sách Tông đồ Công vụ đã từng diễn tả: “Họ đồng tâm nhất trí với nhau. Họ coi mọi sự là của chung. Họ cử hành Thánh Thể với việc chia sẻ cơm bánh với nhau để không ai phải thiếu thốn” (Cv 2,42-46).
Thực vậy, hơn 2000 năm đã qua rồi, nỗi niềm khao khát quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất của Thầy Chí Thánh Giêsu vẫn còn đó! Ngài khao khát cho ngọn lửa của yêu thương được bùng cháy mọi nơi, được lan toả đến mọi nhà và sưởi ấm mọi con tim đang giá băng! Thế mà lửa yêu thương vẫn còn nguội lạnh nơi nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn và xứ đạo! Hơn 2000 năm đã qua, thế mà ngọn lửa hiệp nhất và yêu thương của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần vẫn còn loe loét giữa thế giới mênh mông này. Đức Kitô đã bị “chia năm xẻ bảy” bởi Công giáo - Chính Thống - Tin Lành - Anh giáo. Niềm tin con một Cha trên trời cũng bị phân tán bởi Do Thái giáo - Hồi giáo và Công giáo... Đây cũng là nỗi niềm khát khao của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi mà Ngài đặt chân đến những vùng đất được coi là cấm địa của Hồi giáo, của Do Thái giáo. Ngài đang cùng với Thánh Thần đến để tìm lại tiếng nói chung, để xây dựng lại tình hiệp nhất của những người con Một Cha trên trời. Ngài đang thực hiện lại những bước chân hào hùng của các Tông đồ khi đầy tràn Chúa Thánh Thần năm xưa. Khi được đón nhận Chúa Thánh Thần, các ngài đã tháo cởi những ràng buộc trong căn phòng đóng kín. Các ngài đi đến với muôn dân. Các ngài dùng ngôn ngữ của Thánh Thần nên ai cũng hiểu. Ai cũng cảm thấy sự gần gũi của Giáo Hội. Một ngôn ngữ của tình yêu. Một ngôn ngữ tạo nên sự hiệp nhất thay cho sự chia ly thời Babel năm xưa.
Vâng, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến. Ngài đã mở ra cho các môn đệ chân trời mới của cuộc sống, khiến các ông phải mở tung cánh cửa đang khép kín mà đến với muôn dân, mà thổi vào lòng nhân thế tình yêu và sức sống của Chúa. Ngọn gió Thánh Thần đó vẫn tiếp tục mang lại sự đổi mới cho con người hôm nay nếu chúng ta biết mở lòng ra cho ơn Chúa tác động, nếu chúng ta dám quên đi cái tôi của mình để Chúa Thánh Thần hoạt động trong chính cuộc đời chúng ta và biến chúng ta thành sứ giả của yêu thương, của hiệp nhất và bình an.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến trong tâm hồn chúng con và nhóm lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con, để chúng ra đi xây dựng tình hiệp nhất và yêu thương cho con người hôm nay. Amen.

THÁNG HOA DÂNG KÍNH MẸ



Tháng Hoa: Suy Niệm Về Mẹ Maria
Fx. Hồng Ân
Từ thời rất xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được Giáo Hội và mọi con cái yên mến và sùng kính cách đặc biệt. Lòng yêu mến và sùng kính đó được biểu lộ qua muôn vàn hình thức và dưới nhiều tước hiệu trong Giáo Hội. Các tín hữu mọi thời đã khẩn cầu và ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Tại Công đồng Êphêsô (431) Giáo Hội đã tuyên xưng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”, và từ đó các tín hữu càng gia tăng thêm lòng sùng kính Đức mẹ cách lạ lùng.
Giáo Hội đã đặt ra nhiều kinh để ca tụng, ngợi khen và cầu xin Đức Mẹ. Biết bao thi sĩ, nhạc sĩ đã dâng lên Mẹ muôn lời thơ, vạn ý nhạc. Nhưng nói về Mẹ, viết về Mẹ sẽ không bút nào tả xiết, không lời nào diễn tả cho xứng. Đã có nhiều đền thánh được Giáo Hội đặc biệt dâng kính Đức Mẹ; Giáo Hội cũng đã đặt nhiều ngày lễ biệt kính các đặc ân và biến cố của Mẹ để tỏ lòng tạ ơn và suy tôn Mẹ. Và đặc biệt, Giáo Hội đã dành trọn tháng Năm này để biệt kính Mẹ, và tháng này như là thời khắc ưu việt để mọi con cái kết hợp với Mẹ cách riêng từng giây phút trong tình yêu tuyệt vời với Con Mẹ là Chúa Giêsu – Người Con mà Mẹ đã ban tặng cho nhân thế.
Kính chào Đức Maria đầy ơn phúc !
Mẹ là con người tuyệt diệu của trần thế và trời cao. Mẹ đẹp nhất trong muôn vàn thọ tạo, sáng giá nhất trong mọi loài chúng sinh. Ai nói hết được những kì công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ! Để làm Mẹ Chúa Cứu thế, Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho những hồng ân tương xứng với một phận sự lớn lao như thế. Lúc truyền tin, thiên sứ Gabriel đã chào Mẹ “đầy ân sủng!” Lời chào đó như một sự xác nhận vị thế và uy danh của Mẹ. Đừng kể tên Chúa Giêsu, thì cả trên trời dưới đất chẳng có tên nào trọng, đáng kính và linh ứng cho bằng tên của Mẹ. Vì Mẹ là Trinh Nữ Vương của Thiên đàng và trần thế, bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của loài người.
Mẹ là thánh điện vinh quan của Thiên Chúa, là cung khuyết linh thánh Vua Trời. Mẹ đã thay toàn thể nhân loại đón nhận quà tặng tuyệt vời nhất của Thiên Chúa trao ban qua tiếng “xin vâng!” Lời “xin vâng” của Mẹ có sức mạnh làm thay đổi tất cả. Và nhân loại sẽ không là gì nếu Mẹ đã không thưa “xin vâng” để Ngôi Hai nhập thể làm người. Mẹ trở thành “Mẹ Thiên Chúa” nhờ tiếng “xin vâng”. Qua tiếng “xin vâng”, Mẹ đã phó thác trọn vẹn bản thân cho Chúa bằng ý chí mãnh liệt nhưng với bản ngã thần linh, để xóa bỏ thân phận ngục tù thế gian cho loài người. Loài người đang run lên vì hạnh phúc được gọi Maria là mẹ của mình.
Mẹ xuất hiện trên thế gian như bình minh huy hoàng đem ánh sáng thánh đức tiên báo ngày Mặt Trời công chính mọc lên. Ngày mà Mẹ cất tiếng “xin vâng” đáng được gọi là ngày cứu chuộcngày ân sủng! Mẹ là Mặt Trăng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời để soi sáng đêm đen trần thế. Và với ánh sáng huy hoàng thánh đức của Mẹ, Mẹ cũng sáng soi những đêm tối trong linh hồn nhân loại. Chúa Giêsu hiển hách trước mọi nam nhân thì Mẹ cũng huy hoàng lộng lẫy trước mọi người nữ.
Mẹ là gương các nhân đức
Tuy Thiên Chúa đã để các cực hình dồn dập xâm chiếm và đè nén lên tâm hồn Mẹ, nhưng nhờ đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến bỏng cháy, Mẹ đã bình tĩnh trước những đau khổ mà Mẹ biết sắp xảy đến với Mẹ. Ý Chúa là nơi trú ngụ bình an của Mẹ, vì thế, chúng ta kinh ngạc trước sự tín thác vào Chúa nơi Mẹ. Nhờ đức tin, Mẹ đã chế ngự được đau khổ; nhờ đức cậy, Mẹ đã thắng được nghi nan; nhờ đức mến, Mẹ đã đi trọn con đường thập giá với Chúa Giêsu. Khi ông già Simêon tiên báo về cái chết khổ nhục của Chúa Giêsu: “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2, 34), thì Mẹ sầu khổ biết chừng nào. Nhưng Mẹ vẫn hằng trông cậy và hoàn toàn tín thác nơi Chúa.
Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, Mẹ đã cưu mang và chia sẻ hoàn toàn với Chúa Giêsu bằng sự hiệp thông trọn vẹn. Mẹ đã qui hướng tất cả mọi tư tưởng, tâm tình và ý chí của một tạo vật ngất ngây yêu mến về Đấng Duy Nhất ấy. Đức tin đã đưa Mẹ đến với thái độ khiêm nhường, phó thác thâm sâu vào “Đấng Hằng Hữu Vô Biên”, và Mẹ đã hiến cả thân mình bằng cách chuyển sang Chúa Giêsu tất cả. Nhờ đức tin, Mẹ đã “sở hữu” được Chúa Giêsu để ban lại Chúa Giêsu cho nhân loại. Đức tin, đức cậy và đức mến nơi Mẹ chính là đời cầu nguyện liên lỉ, bởi không lúc nào mà Mẹ không hướng về Chúa: Mẹ đã cầu nguyện sốt sắng trong hang lừa Bêlem, trong Đền thờ, trong nhà Nazareth và đặc biệt lúc dưới chân Thập giá.
Mẹ bầu chữa cho kẻ có tội
Thiên Chúa đã đặt Đức Mẹ làm mẹ các giáo hữu, đồng thời đã ban quyền thế và lòng từ ái cho Mẹ. Mẹ rất có quyền thế trước mặt Chúa vì Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa” và hằng thực thi ý Chúa. Mẹ hằng bầu cử cho mọi người, chẳng trừ ai, dù là người tội lỗi. Mẹ hằng sẵn lòng xin cho ta mọi ơn phần hồn, phần xác miễn là ta biết chạy đến xin Mẹ bầu cử, như lời Mẹ nói cùng thánh nữ Birgitta rằng: “Chẳng ai ở thế gian, dù vô phúc thế nào mà Mẹ chẳng thương yêu nâng đỡ.” Mẹ cũng nói cùng bà thánh Gertruđê: “Mẹ nâng đỡ người ta trong lúc sống, Mẹ cũng nâng đỡ họ trong giờ Chúa xét xử.”
Giáo Hội đã ví “Trái tim Mẹ như thánh điện chứa đựng cả Ba Ngôi Thiên Chúa, như thánh đường nguy nga thanh sạch, không chút bợn nhơ; là vườn rào kín, trong đó có đủ mọi thứ hoa xinh tươi không bao giờ tàn úa.” Trái tim Mẹ trọn hảo và đầy lòng từ ái, luôn bốc cháy ngọn lửa yêu thương. Để chứa đựng Chúa vô biên, tâm hồn Mẹ phải rộng lớn biết chừng nào. Nhờ lòng từ ái và lời bầu cử của Mẹ mà nhân loại tội lỗi sớm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Thế gian này thật có phúc khi Mẹ được Thiên Chúa ban quyền bầu cử cho loài người trước mặt Chúa. Mẹ đã cưu mang những đứa con của trần thế sinh vào Thiên Quốc nhờ sự cưu mang Con Thiên Chúa sinh cho trần thế!
Mẹ là mẫu gương truyền giáo
Đến với cung lòng Đức Maria, chúng ta gặp lại cuộc hành hương của Ngôi Lời đến với nhân loại. Và nơi cung lòng Mẹ, chúng ta gặp được cuộc hành hương của niềm tin chúng ta. Chúng ta hãy cùng lên đường với Mẹ trên những nẻo đường đức tin, vì Mẹ là ngôi sao dẫn đường trên hành trình Tin Mừng hóa của Giáo Hội. Trong tâm hồn Mẹ, hết mọi lời của Tin Mừng vang vọng cách lạ thường. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy đào sâu ý nghĩa của ơn gọi làm Kitô hữu. Nhờ thái độ chiêm ngắm mà kinh Mân Côi gợi lên, chúng ta hãy cùng Đức Maria, Đấng hằng ghi nhớ lời Chúa và suy nghĩ trong lòng (x.Lc 2,19), để đi sâu vào các mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Noi gương Mẹ và cùng với Mẹ, chúng ta mới có thể làm nổi bật chiều kích chiêm niệm và truyền giáo, là đến với Chúa và mang Chúa đến cho mọi người chung quanh chúng ta.
Lạy Mẹ Maria Trinh Nữ Vương! Mẹ đã được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt hơn mọi người trên thế gian, để thực hiện ý Chúa. Chúng con cảm nghiệm tình thương vô biên của Mẹ đã dành cho chúng con. Xin Mẹ gìn giữ Hội Thánh và thế giới luôn bình an. Và xin Mẹ dạy chúng con biết biến mọi biến cố trong mọi giây phút cuộc đời thành những nghĩa cử yêu thương, để cùng Mẹ, chúng con biết đem Chúa đến với cuộc đời hôm nay. Amen.

LỜI CHÚA LỄ THĂNG THIÊN - NĂM B

 Cùng lên trời với Chúa – Lm Nguyễn Nguyên

Nếu cuộc đời này sinh ra lớn lên rồi chết đi thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì. Con người sinh ra để được sống mãi chứ không phải để nhào lộn trong bể khổ và chết là hết kiếp người. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra lẽ sống, và cùng đích đời người là gì? Sống để làm gì? Và chết rồi đi đâu? Đó là những vấn đề làm nên nhân cách con người. Chúng ta chọn cách sống nào cũng tuỳ thuộc vào việc chúng ta hiểu ý nghĩa và cùng đích đời người ra sao?
Hôm nay, chúng ta cùng với giáo hội mừng lễ Chúa lên trời. Điều đó dạy cho chúng ta biết rằng ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Chúa lên trời để cho chúng ta thấy rằng: Định mệnh của loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Số phận của con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Đó mới là cùng đích của đời người, đó mới là quê hương vĩnh viễn của chúng ta.
Thế nhưng, muốn tới được trời, muốn lên thiên đàng thì trước hết chúng ta phải đi hết con đường dương thế này bằng cách chu toàn những nhiệm vụ của mình ở đời này. Một trong những nhiệm vụ chính yếu chúng ta vừa nghe trong tin mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đây là một nhiệm vụ cao cả mà Chúa đã trao cho chúng ta khi Ngài về trời. Chúa về trời, Ngài không còn xác thịt trên thế gian này nữa. Ngài không còn đôi tay nữa, chỉ có đôi tay của chúng ta, để làm công việc ngày hôm nay của Ngài. Ngài không còn đôi chân, chỉ có đôi chân của chúng ta để dẫn người ta theo đường lối của Ngài. Ngài không còn tiếng nói, chỉ có tiếng nói của chúng ta để nói với loài người rằng Ngài đã yêu thương, đã chịu chết như thế nào. Ngài không còn cách giúp đỡ nào khác ngoài sự giúp đỡ của chúng ta để đưa tha nhân đến bên cạnh Ngài.
Vì thế, một cuộc đời loan báo tin mừng cho Chúa trên cõi trần này không nhất thiết phải đổ máu nhưng thiết yếu là phải thể hiện bằng những nghĩa cử cụ thể trong lời nói, trong việc làm, là biết thực hành những lời Chúa dạy, không gian dối, lừa đảo, không tham lam bất chính, luôn chung thuỷ trong đời sống gia đình. Một cuộc đời loan báo tin mừng không nhất thiết phải có một bản án để người ta thoá mạ, tẩy chay, nhưng chỉ cần biết hy sinh từ bỏ ý riêng của mình trong từng giây, từng phút để thánh ý Chúa luôn được thi hành trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Một cuộc đời loan báo tin mừng không nhất thiết phải đi đây đi đó rao giảng những lời hay ý đẹp mà là sống trong cùng một khu xóm, nhưng quý ông không nhậu nhẹt say sưa, không cờ bạc, không la vợ, đánh con, nhưng biết chăm sóc gia đình chu đáo, đồng thời còn dành thời giờ để đến an ủi, giúp đỡ, chia sẻ với những người già yếu bệnh tật, cô đơn ; còn quý bà thì không ngồi lê đôi mách, nói hành nói xấu, nhưng biết lo lắng tần tảo, yêu thương chồng con, vui vẻ với làng xóm; và các bạn trẻ trong giáo xứ thì sống lành mạnh, biết kính trên nhường dưới, không đua đòi, không ăn nói tục tằn, nhưng chăm chỉ nhiệt thành với công việc chung… Sống được như vậy là chúng ta đang làm chứng cho Chúa một cách tuyệt vời nhất, sống được như vậy là chúng ta đang xây nên con đường dẫn về Trời cho mình, đang làm cho gia đình chúng ta, giáo xứ chúng ta thành nơi Chúa hiện diện và biến đổi thế giới này thành thiên đàng.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống cho thật tốt, thật tròn đầy những bổn phận hằng ngày để rồi một khi chu toàn bổn phận của mình nơi trần gian, chúng ta cũng sẽ trở về Trời với Chúa mà hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH-B


Yêu như Chúa yêu – ĐTGM Ngô Quang Kiệt.

Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái tim Chúa Cha.
Tình yêu của Chúa Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu Chúa Cha.
Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một ai dù lành dù dữ. Thế nên “Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ áo đẹp hơn cả áo vua Salomon” (Lc 12,24-27).
Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người, nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.
Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền, bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng (cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người. Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.
Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Lạy Cha, xin cho con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương bằng tình yêu của Cha. Amen.