ABEL EM NGƯƠI ĐÂU?

Cain đã đánh mất tương quan với em mình. Khi không còn biết đến em mình nữa, thì anh cũng chẳng thể biết mình là ai; và vì thế, anh phải lang thang phiêu bạt một cách vô phương hướng.

– Có người bán trái cây ngoài ngõ kìa, ra mua ký ổi về ăn tráng miệng đi chị!
 – Đừng em, ổi toàn thuốc độc không đó, kiếm gì khác ăn cho lành.
Đó là mẩu đối thoại giữa tôi và người chị họ. Rốt cuộc, chúng tôi cũng ăn một vài thứ khác, nhưng chúng có ‘lành’ hay không thì chỉ còn cách ‘lấy đức tin bù lại’!
Thật ra, dạng câu chuyện như thế chẳng còn là một điều mới mẻ gì đối với người Việt hiện nay, đến mức tâm lý chung của chúng ta dường như đã chấp nhận chuyện ‘sống chung với lũ’ rồi. Tuy nhiên, thực trạng này hẳn vẫn luôn làm nhức nhối tâm can tất cả những ai còn bận lòng với đất nước, với dân tộc. Không đau lòng sao được khi hằng ngày chúng ta phải nghe những tin về ung thư của hàng xóm láng giềng, của bè bạn, hay thậm chí của những người thân thuộc của chúng ta! Hơn nữa, tình trạng ‘rau trồng hai luống, gà nuôi hai chuồng’ chỉ là phần điển hình của một bức tranh khủng hoảng đạo đức sâu rộng hơn của toàn xã hội Việt Nam: sự bạo lực, gian dối, lừa lọc, tâm thức làm ăn ‘bất chấp thủ đoạn’, vv. Có thể nói, phía sau tất cả những biểu hiện này là một mẫu số chung: vị trí của tha nhân không có chỗ xứng đáng ở trong tâm can nhiều người Việt hiện nay.
Điều này nhắc chúng ta về câu chuyện của Cain trong Sách Sáng Thế: vì ghen tị mà Cain đã ra tay tàn nhẫn sát hại chính em mình. Sau đó, Chúa hỏi anh: “Abel em ngươi đâu?”, Cain trả lời: “Con không biết! Con có phải là người giữ em con đâu!” Cain bị chúc dữ, khiến tất cả những gì anh làm đều không sinh hoa trái, và anh phải lang thang trên khắp mặt đất (St 4, 9-15). Có lẽ lời Chúc dữ này không phải là một án phạt từ Thiên Chúa, mà là từ chính việc Cain đã đánh mất tương quan với em mình. Khi không còn biết đến em mình nữa, thì anh cũng chẳng thể biết mình là ai; và vì thế, anh phải lang thang phiêu bạt một cách vô phương hướng. Như Cain, nhiều người Việt hiện cũng đang ‘lang thang’, không biết mình thực sự là ai và đang đi về đâu.
Ở bình diện quốc gia, dường như chúng ta đành bất lực trước hiện trạng này, đơn giản vì, như nhiều người đã nói, nó thuộc ‘lỗi hệ thống’. Khi bị lỗi hệ thống, dù người ta có cố gắng vá víu, sửa chữa chỗ này thì chỗ khác cũng bị xì ra. Vì thế, bao lâu chưa ‘format’, chưa sửa chữa lại toàn hệ thống, thì cũng chưa có cơ hội giải quyết vấn đề cách rốt ráo.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà Ki-tô hữu lại ‘khoanh tay’ trước vấn nạn đó. Lý do là vì chúng ta còn có một định hướng cho ơn gọi làm người cao hơn cả hệ thống do xã hội vận hành nữa, đó là những thang giá trị trong ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài. Vì thế, con người có ơn gọi khám phá chính mình, và chỉ biết mình khi đặt trong tương quan với Thiên Chúa. Nhưng tương quan giữa con người với Thiên Chúa lại được phản ánh nơi trong tương quan của ta với xã hội và với tha nhân. Nói cách khác, chỉ khi có sự hiện diện của tha nhân nơi mình, ta mới có khả năng sống ơn gọi làm người cách đích thực.[1]
Vì thế, vấn đề bây giờ là làm sao tái xây dựng một lối sống trong đó tha nhân luôn có vị trí quan trọng thiết yếu trong ý thức của mỗi người. Tất nhiên, đây là một bài toán nan giải. Tuy nhiên, nếu chúng ta thành tâm nỗ lực hết mình, và với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể làm được. Chúng ta sẽ có nhiều cách và nhiều sáng kiến cho bài toán này nếu chúng ta biết đặt ưu tiên cho nó. Ở đây, tôi đề nghị giải pháp của mình với hai hình thức thực hành cho cả trẻ em lẫn người lớn như sau:
Đối với trẻ nhỏ, điều cần thiết là làm sao giúp các em có tâm thức quý trọng và yêu mến sự sống, nhất là sự sống của con người. Một trong những điều cần thiết nhất để đạt điều này chính là giúp các em tiếp xúc và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Điều này cần thực hiện theo một cách căn cơ, chứ không chỉ theo những dạng phong trào, như kiểu thỉnh thoảng tổ chức chương trình ‘Giờ Trái Đất’! Theo quan sát của tôi, nhiều nước trên thế giới đã làm rất tốt điều này. Nền giáo dục của họ hướng trẻ con hoà mình vào thiên nhiên, để không chỉ vui chơi, mà còn biết tiếp xúc, trân quý, và chăm sóc sự sống của từng sinh mệnh bé nhỏ. Ví dụ, trẻ em mẫu giáo được cho gieo một hạt giống nào đó, rồi sau đó từng em sẽ quan sát và chăm sóc cây đó cho đến trưởng thành. Các em cũng được tạo điều kiện để tiếp chúc, chơi đùa với các con vật (trong công viên, nơi nông trại, vv.), và chăm sóc chúng. Đó không chỉ là những bài học mang tính khoa học để mở mang trí tuệ, mà còn là bài học giúp các em mở rộng tâm hồn, và biết kinh ngạc trước sự kỳ diệu của sự sống. Đó có lẽ cũng là cách hiệu quả nhất để các em thật sự có lòng quý trọng từng sinh mệnh, lẫn lòng tôn kính Đấng Tạo Hoá. Tôi vẫn luôn tin rằng, thiên nhiên là món quà vô giá mà Thiên Chúa ban cho ta, để không chỉ cung cấp môi trường và các sản vật nuôi sống cơ thể, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng.
Một đứa trẻ biết yêu mến thiên nhiên, yêu mến sự sống của muôn loài, thì chắc hẳn cũng sẽ yêu mến gia đình và tất cả những người mà em gặp, nhất là sẽ tôn trọng sự sống của họ. Năng lượng thiện tâm từ trong căn cốt của em cũng sẽ toả ra khi tiếp xúc với người khác; hay nói đúng hơn, trái tim em sẽ để cho người khác được bước vào và hiện diện ở đó.
Đối với người lớn, bài học trên của trẻ em cũng dành cho mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, vì cuộc sống ‘cơm áo gạo tiền’, và vì sự ‘cứng cỏi’ do đã hình thành một tính cách nhất định, không dễ gì để chúng ta thực tập những điều như trẻ con làm. Nhưng chúng ta cũng có thể tập thực hành một số điều: biết chú ý, chiêm ngắm, và tiếp xúc với thiên nhiên trong những dịp có thể, để có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự tốt lành của chúng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhận xét rằng, “nếu người nào không biết cách dừng lại để ngưỡng mộ vẻ đẹp của điều gì đó, thì ta không ngạc nhiên nếu người đó không ngần ngại đối xử với mọi thứ như vật thể chỉ để sử dụng và lạm dụng.”[2]
Hơn nữa, người Ki-tô hữu trưởng thành nên tập xét mình và phản tỉnh để nhìn lại tương quan của mình với tha nhân. Mỗi cuối này, chúng ta có thể dành dăm bảy phút nhìn lại những hoạt động trong ngày của mình, xem trong từng việc làm đó, chúng ta đặt sự chú ý đến ích lợi của những người liên quan đến nó chưa. Ví dụ, nếu hôm nay tôi trồng rau, tôi đã từng mong muốn những luống rau này sẽ phát triển tốt và sạch để cung cấp năng lượng tốt cho người dùng sau này hay chưa, hay tôi chỉ mới nghĩ đến phần lợi nhuận mà mình ước ao thu được (dù cho mình vẫn có ý định làm rau sạch). Nếu tôi may quần áo, tôi có mong đợi rằng người mặc nó sẽ được vui thích vì những bộ đồ vựa vặn, khéo léo, và nhờ thế cuộc sống họ thêm hạnh phúc, hay tôi chỉ mới đến phần công việc mình phải hoàn thành để lấy được tiền mà thôi. Hay hôm nay tôi nói câu này với người nọ, tôi có tự vấn xem lời nói như thế có ảnh hưởng gì họ không, hay tôi chỉ mới đơn thuần muốn thể hiện ý của mình.
Chúng ta cũng luôn cần nhìn lại mọi sự bằng con mắt và thái độ biết ơn. Quả vậy, nếu chúng ta chịu khó để ý, thì phần mà ta cho là ‘tự chủ’ trong đời sống mình chẳng được bao nhiêu đâu! Ngược lại, hầu như mọi sự ta có đều được ban tặng. Ta đâu tự mình có mặt trên đời! Vợ/chồng và con cái cũng đâu phải cứ theo ý muốn là ta có được. Ngay cả trên mâm cơm hằng ngày: hầu hết mọi thứ đều đến từ công sức lao động của bao người. Đồng ý là ta làm ra tiền bạc, nên ta mua chúng; nhưng nếu không có sự lao động trên nhiều lãnh vực khác nhau của tha nhân, ta đâu thể tự mình làm hết được. Khi nhìn mọi sự và tha nhân như những quà tặng được gửi đến để xây đắp và làm phong phú cuộc đời mình, ta sẽ có thái độ trân trọng và biết ơn chính đáng đối với họ.
Cuối cùng, một đời sống cầu nguyện sẽ giúp chúng ta biết đặt tha nhân vào trái tim mình. Sự thân tình với Thiên Chúa tự nó luôn kéo theo sự thân tình với tha nhân. Hơn nữa, chính trong liên hệ với Thiên Chúa mà ta có thể tái khám phá, và nghiệm thấy, mối liện hệ sâu xa với anh chị em mình ngay trong những việc, những biến cố hằng ngày. Nếu cố gắng tập luyện, chúng ta có thể từng bước cải thiện, nâng cao được cảm thức quý trọng đó; và đó chính là cách ta sống ơn gọi của mình cách đẹp lòng Thiên Chúa.
Sống ơn gọi Ki-tô hữu như thế là một cách đóng góp để hy vọng phần nào cải hoá xã hội trong thực trạng hiện nay. Nhưng ngay cả khi chúng ta chẳng hy vọng nhiều rằng cách sống của mình sẽ tạo nên sự thay đổi lớn ở tầm toàn quốc gia, vì người Công giáo Việt Nam vẫn còn là thiểu số bé nhỏ, thì ít ra chúng ta không bị lối sống sai lạc của xã hội – do ‘lỗi hệ thống’ gây nên – cuốn mình vào dòng xoáy của nó: nghĩa là chúng ta không trở nên tha hoá với bản chất ơn gọi của mình.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn mở lòng để mỗi ngày được Chúa nhắc nhở bằng câu hỏi: ‘Abel em ngươi đâu?’
Khắc Bá, SJ. (dongten.net)
[1] Gio-an Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống, số 35.

[2] Giáo hoàng Phan-xi-cô, Laudato sì, số 215.

ĐỪNG HÀ TIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Nếu tôi được làm lại đời linh mục của mình, tôi sẽ nhẹ nhàng hơn với giáo dân. Tôi sẽ không hà tiện lòng thương xót của Thiên Chúa, hay các bí tích, hay phép tha tội. 


Ngày nay, vì nhiều lý do, chúng ta đấu tranh mới mong có được tấm lòng quảng đại và hào phóng để tâm hồn mở ra với lòng thương xót của Thiên Chúa.
Khi số người tham dự phụng vụ nhà thờ tiếp tục suy giảm, thì nhiều lãnh đạo và mục tử trong Giáo hội có khuynh hướng xem điều này như một sự cắt tỉa hơn là một bi kịch và họ hành động để giải quyết tình trạng này bằng cách làm cho hình ảnh Thiên Chúa trở nên ít thương xót hơn, thay vì một hình ảnh dễ gần. Chẳng hạn một giáo sư chủng viện tôi quen đã chia sẻ, với 40 năm kinh nghiệm dạy khóa học chuẩn bị cho chủng sinh ban bí tích hòa giải, ngày nay, ông nhận thấy câu hỏi chủng sinh hay hỏi là: “Khi nào con có thể từ chối tha tội?” Thật sự, câu hỏi phải là, con phải thận trọng đến mức như thế nào khi ban lòng thương xót của Thiên Chúa chứ?
Động cơ và lòng tin của họ gần như hoàn toàn chân thành nhưng họ lầm đường. Họ thật lòng e sợ việc chơi trò đánh bạc với ơn Chúa, họ sợ rằng đến cuối cùng những gì họ ban cho người khác chỉ là ơn sủng rẻ tiền.
Phần nào, đây cũng là một động cơ có căn cứ. Nỗi sợ là mình đùa giỡn với ơn Chúa, cùng với những lo âu về chân lý, về tính chính thống, về các kiểu mẫu chung đúng luật, cộng thêm nỗi sợ bị tai tiếng đã làm cho họ làm việc theo khuôn phép dè dặt như vậy. Lòng thương xót luôn luôn được thúc đẩy bởi sự thật. Nhưng đôi khi, các động cơ làm cho chúng ta dè dặt lại không được cao cả đến thế, và nỗi lo lắng về việc trao ban một ân sủng rẻ tiền xuất phát nhiều từ tính nhỏ nhen, sợ sệt, chủ nghĩa lề luật, và cả khao khát (dù vô thức) ham muốn quyền lực.
Nhưng dù cho kiềm giữ lòng thương xót vì những lý do cao cả nào hơn đi chăng nữa, chúng ta vẫn là những mục tử xấu và lầm đường, không chung lòng với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Chúa Giêsu đã mặc khải rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa ôm lấy hết, không phân biệt người xấu kẻ tốt, người bất xứng hay người xứng đáng, người có đạo hay không có đạo. Một trong những thấu suốt thực sự đáng giật mình mà Chúa Giêsu đã cho chúng ta, chính là việc lòng thương xót của Thiên Chúa, như ánh sáng và hơi ấm mặt trời, không thể không đổ tràn cho tất cả mọi người. Như thế, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn tuôn đổ nhưng không, không đòi hỏi, không điều kiện và chung cho hết thảy, lòng thương xót đó vươn ra khỏi mọi tôn giáo, phong tục, trường phái, luận điệu chính trị, chương trình luật định, mọi hệ tư tưởng, và thậm chí là cả tội lỗi.
Và như vậy, về phần chúng ta, đặc biệt là bậc làm cha mẹ, mục tử, giáo viên, giáo lý viên, người cao niên, chúng ta phải liều mình loan báo đặc tính quảng đại của lòng thương xót này. Chúng ta không được dùng lòng thương xót của Chúa như thể nó là của chúng ta, không được cấp phát ơn tha thứ của Chúa như  một mặt hàng có giới hạn, không được đặt điều kiện cho tình thương Thiên Chúa như thể Ngài là một bạo chúa bủn xỉn hay một hệ tư tưởng chính trị, và cũng không được chặn bớt con đường đến với Chúa như thể chúng ta là người giữ cổng Thiên Đàng. Chúng ta không phải là người có quyền đó. Nếu chúng ta kềm giữ lòng thương xót của Chúa trong sự thu mình và e ngại của chúng ta, thì chúng ta đang hạn chế lòng thương xót vô bờ của Ngài trong giới hạn tâm trí của chúng ta.
Một điều đáng lưu ý trong các Tin mừng là, các tông đồ, dù có thiện ý nhưng họ thường hay cố gắng loại một số người ra khỏi Chúa Giêsu như thể những người này không xứng đáng vậy, như thể họ xúc phạm đến sự thánh thiện của Chúa hay họ có thể làm vấy bẩn sự nguyên tuyền của Ngài. Vậy nên, họ cứ luôn gắng ngăn trẻ con, gái điếm, người thu thuế, những người bị xem là tội lỗi, và đủ loại người khác chưa học biết đạo, đến gần với Chúa Giêsu. Nhưng, Chúa Giêsu thì luôn luôn gạt ra các cố gắng sai lầm của họ bằng những lời mạnh mẽ: “Hãy để họ đến! Ta muốn họ đến.”
Lúc mới bắt đầu đời mục vụ, tôi sống trong nhà xứ với một linh mục già thánh thiện. Cha đã trên 80 tuổi, mắt gần như đã mù, nổi danh và được kính trọng, nhất là trong vai trò linh mục giải tội  Một tối nọ, khi ngồi riêng với cha, tôi hỏi cha: “Nếu được sống lại đời linh mục một lần nữa, cha có muốn làm điều gì khác đi hay không?” Với một người đầy chính trực như cha, tôi hoàn toàn cho rằng không có gì để cha phải hối tiếc. Nhưng câu trả lời của cha đã làm cho tôi bất ngờ. Cha có một nỗi hối tiếc, một hối hận lớn, là: “Nếu tôi được làm lại đời linh mục của mình, tôi sẽ nhẹ nhàng hơn với giáo dân. Tôi sẽ không hà tiện lòng thương xót của Thiên Chúa, hay các bí tích, hay phép tha tội. Tôi sợ là tôi đã quá cứng rắn với giáo dân. Họ đã có quá đủ đau đớn rồi, chứ chẳng cần tôi hay Giáo hội đặt thêm gánh nặng trên vai họ nữa đâu. Đáng ra tôi nên liều lĩnh hơn nữa với lòng thương xót của Chúa!”
Tôi được đánh động bởi lời này, vì chưa đầy một năm trước đây, khi làm các bài thi cuối ở chủng viện, một trong các linh mục kiểm tra tôi đã cảnh báo tôi: “Cẩn thận, đừng có mềm yếu. Chỉ có sự thật mới giải phóng con người. Hãy liều với sự thật hơn là với lòng thương.”
Khi đã cao tuổi như lúc này, tôi ngày càng đổi hướng theo lời khuyên của vị linh mục già. Chúng ta cần liều lĩnh hơn nữa với lòng thương xót của Chúa. Không bao giờ được loại trừ vai trò của công bằng và sự thật, nhưng chúng ta phải liều mình để cho lòng thương xót vô bờ, không điều kiện, không đòi hỏi của Thiên Chúa tuôn đổ một cách tự do.
Nhưng, như các tông đồ xưa, chúng ta, với thiện hướng tốt, cứ luôn mãi cố gắng giữ một số người và một số nhóm người xa khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa được ban qua lời, qua bí tích và qua cộng đoàn. Nhưng Chúa không muốn sự bảo vệ của chúng ta. Điều Chúa muốn là, tất cả mọi người, bất kể phẩm hạnh, chính thống, thiếu chuẩn bị, tuổi tác, hay văn hóa, tất cả đều đến với dòng nước vô tận của lòng thương xót Thiên Chúa.
George Eliot đã viết: “Khi thần chết đến, chúng ta không bao giờ hối hận vì đã dịu dàng ân cần nhưng vì đã gay gắt khắc nghiệt.”
Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN - B

“Tâm bình thế giới bình”. Tập luyện để có được tâm hồn bình an, đó là điều kiện quan trọng để góp phần xây đắp an bình trong cuộc sống và trong xã hội.

 Một người khi được hỏi: Trên đời sợ gì nhất? đã trả lời: sợ nhất là con người. Con người vừa cao cả vừa thấp hèn, vừa đáng kính vừa đáng sợ. Con người là tác nhân làm nên những kỳ vĩ, nhưng cũng là lý do gây nên bao đau khổ. Trí thông minh của con người có thể đem lại những kỳ tích giúp thăng tiến và phát triển, đồng thời cũng có thể gây tai họa hủy diệt chết chóc hàng loạt. Con người vừa là điểm kết nối yêu thương, vừa là nguyên nhân gây chia rẽ bất hòa. Chính vì vậy mà con người trở nên “đáng sợ” nhất. Nhiều khi người ta đem hình ảnh ma quỷ ra để đe dọa người khác. Tuy vậy trong thực tế, chưa bao giờ thấy ma quỷ hiện hình giết người, mà chỉ có những người đang sống giết nhau một cách dã man. Lòng đố kỵ, tham lam đã khiến con người đoạt mạng sống của đồng loại một cách không thương tiếc, để lại những hậu quả khôn lường. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra đâu là nguồn gốc của tội lỗi. Tội lỗi không phải là điều gì từ bên ngoài, nhưng xuất phát từ trong chúng ta. Chính con người là nguyên nhân gây ra tội lỗi và đau khổ cho bản thân và cho đồng loại. Trong kinh “Cải tội bảy mối” chúng ta thấy những “mối tội đầu” đều đến từ tà ý và ích kỷ của con người: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, lười biếng việc đạo đức. “Tâm bình thế giới bình”. Tập luyện để có được tâm hồn bình an, đó là điều kiện quan trọng để góp phần xây đắp an bình trong cuộc sống và trong xã hội.
 
Vào thời Chúa Giêsu, một số lớn những kinh sư và người biệt phái thường chú trọng tới những thủ tục bề ngoài mà coi thường tinh thần của lề luật và lãng quên đức bác ái.  Chúa đã nhắc lại giáo huấn của ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.Rồi Chúa kết luận: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Kinh sư và biệt phái là những người học hành uyên thâm, họ có uy tín trong các cộng đoàn Do Thái, và có vị trí quan trọng trong các buổi hội họp. Chính những “bậc vị vọng” ấy đang bị Chúa kết án nặng nề và coi họ như những kẻ đạo đức giả. Họ lạm dụng khái niệm thánh thiêng và trần tục, và đã tự đặt ra rất nhiều quy định rườm rà và tỉ mỉ. Những quy định này, thay vì giúp cho con người nên thánh, lại đặt trên vai họ những gánh nặng không kham nổi. Những công việc bình thường hằng ngày như rửa tay, rửa chén, rửa bát, họ đã biến thành những nghi thức tôn giáo để kết tội người dân. Chúa Giêsu đã phê phán quan niệm ấy, và mời gọi họ chú trọng đến nhân vị, tức là chính con người. Bởi lẽ, những quy định, luật lệ được thiết lập là phục vụ con người và giúp họ hướng thượng và nên trọn lành.
 
Cũng giống như những kinh sư và người biệt phái ngày xưa, nhiều khi chúng ta chỉ chú trọng tới những gì là “xã giao”, “lễ nghi”, “thủ tục” mà quên đi mục đích quan trọng của lề luật, đó là giúp ta nên thánh trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em. Vì quá chú trọng đến những thủ tục và truyền thống, nhiều khi những tương giao của chúng ta trở nên giả hình, gượng ép, thậm chí là giả dối.
 
Niềm tự hào của dân tộc Do Thái ngày xưa, cũng là niềm vinh dự của người Kitô hữu hôm nay, đó là được Chúa luôn hiện diện giữa cộng đoàn những người tin vào Người. Ông Môisen nhắc người Do Thái đừng quên điều ấy. Giáo Hội hôm nay cũng nhắc chúng ta như vậy. Trải qua những sóng gió trong cuộc lữ hành sa mạc, trên đường về Đất Hứa, người Do Thái càng nhận ra quyền năng của Chúa cũng như tình yêu thương Ngài dành cho họ. Trước tình thương ấy, Ông Môisen đã dặn dò: “Anh em phải giữ và đem ra thực hành những mệnh lệnh của Đức Chúa, vì nhờ đó mà anh em em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh”. Nhờ tin vào Chúa mà dân tộc Do Thái trở nên vĩ đại. Hôm nay, Giáo Hội của Chúa như cây nho vươn cành ra khắp thế giới, bao phủ địa cầu và đang sinh hoa kết trái, trở thành một vương quốc vĩ đại của Thiên Chúa.
 
Biết bao lần chúng ta tham dự các nghi thức phụng vụ mà tâm hồn chúng ta xa Chúa. Có nhiều khi chúng ta giống như những người kinh sư và người biệt phái, chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài mà coi nhẹ tâm tình cầu nguyện, là điều cốt lõi để làm thành việc tôn thờ đích thực. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời được gieo vào lòng chúng ta… Hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, lòng đạo đức thật phải sinh ra hoa trái là lòng bác ái và dấn thân phục vụ người nghèo, giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống.
 
Vì tội lỗi đến từ con người. Nếu mỗi chúng ta chú tâm đến việc canh tân đổi mới cuộc đời, cuộc đời này sẽ bớt đi những mâu thuẫn hận thù và bạo lực. Với tư cách là Kitô hữu, hãy thắp sắng cuộc đời bằng những nhân đức và bằng tình yêu thương, để rồi cuộc sống chan hòa và thấm đượm tinh thần Tin Mừng yêu thương. Trái tim an bình và thánh thiện là điều kiện không thể thiếu để kiến tạo hòa bình xung quanh chúng ta.
 
Sống không giậnkhông hờnkhông oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống chan hòa với những người chung sống
Sống là động mà không xao động
Sống là thương mà chẳng vấn vương
Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến (Sưu tầm).
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

BỔN MẠNG THÁNG 9



THÁNG 9


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
05/09
Lễ Thánh Teresa de Calcutta
Chị Lệ
21/09
Lễ thánh Matthêu, Tđ
Chị Hồng Thịnh
27/09
Lễ Thánh Vincent de Paul
Chị Lương (NT)
29/09
Lễ kính Tổng lãnh thiên thần Gabriel
Lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micael
Dì Trưởng
Chị Hường (NT)
Ghi Chú:          
* Từ ngày 20/9 đến 28/9: Làm tuần cửu nhật, Mừng Kính Tổng Lãnh Thiên Thần  Gabriel. Bổn mạng Dì Trưởng.
* Từ ngày 28 / 9 đến ngày 06/10: Làm Tuần cửu Nhật, Mừng Lễ Mẹ Mân Côi. Bổn Mạng Hội Dòng

 

LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
05/09
Giỗ ân nhân và thân nhân của Dòng Đaminh
08/09
Bà cố Catarina - Thân mẫu Dì Trưởng
09/09
Ông cố Giacôbê - Thân phụ em Thìn

  

NGHI THỨC VÀO NHÀ THỬ


Hòa chung niềm vui với Giáo Hội ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, tại tu viện Fatima-Bình Triệu, đã diễn ra nghi thức đón nhận các em vào Nhà thử trong bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện của giờ Chầu Thánh Thể

Năm nay, Hội dòng Đaminh ĐMRTMC Monteils, Dự-tỉnh Đức Mẹ La vang, nhận 3 em vào Nhà thử, đó là các em: Matta Trần Thị Thùy Dung, Maria Trần Thị Hoạt, Matta Nguyễn Thị Thu. Soeur M. Lucie Nguyễn Thị Quý Phương, Bề Trên Dự-Tỉnh đã chủ sự nghi thức vào Nhà thử. Ngoài ra còn có sự tham dự của các chị Vĩnh khấn, Học viện và các em Tuyển sinh thuộc Tu viện Fatima-Bình Triệu.


Nghi thức thẩm vấn 

Nghi thức trao tràng hạt Mân côi
Trong nghi thức, khi được hỏi về nguyện ước của mình, các em đã nói lên lòng khao khát muốn tìm hiểu và muốn sống thử nếp sống của các chị em dòng Đaminh ĐMRTMC Monteils trong Dự-tỉnh Đức Mẹ La vang.

Kết thúc nghi thức, cộng đoàn Tu viện Đức Mẹ Fatima đã hòa lên bài hát “Tận hiến cho Mẹ”. Xin trao các em vào bàn tay nhân từ của Thiên Chúa và của Mẹ Maria, xin các Ngài dìu dắt và đưa dẫn các em đi theo đúng đường lối và Thánh Ý Thiên Chúa.















Tu viện Đức Mẹ Fatima – Bình Triệu

BƯỚC ĐI VÀ DỪNG LẠI

Bước đi vội vàng trong những bộn bề lo toan của cuộc sống, đôi lúc con người muốn dừng lại lắm chứ! Dừng lại để đơn giản chỉ là nghỉ mệt, giãn xả sau một ngày làm việc mệt nhọc. Dừng lại để nạp năng lượng cho một lần bước đi vào hành trình mới.

Bước đi và dừng lại là một hiện tượng thường gặp trong cuộc sống. Bước đi trước hết đơn giản là một sự dịch chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Hơn thế bước đi còn là khởi đầu một công việc, dấn thân vào một cuộc hành trình. Có bước đi thì ắt có dừng lại. Dừng lại có thể là mục tiêu cũng có thể là kết quả của bước đi. Dừng lại vì đã đến đích của cuộc hành trình. Dừng lại vì đã tìm thấy mục tiêu hướng đến của bước đi. Nhưng đôi lúc, dừng lại cũng có thể vì không thể bước đi được nữa, vì một trở ngại khách quan hoặc chủ quan nào đó trong cuộc hành trình.

            Trong cuộc sống, mỗi người luôn phải bước đi, luôn phải dấn thân vào những cuộc hành trình đầy rẫy những cam go thử thách của cuộc đời. Học sinh phải bước đi trong hành trình tích lũy kiến thức, trau dồi năng lực để chuẩn bị cho vị trí của cuộc sống tương lai. Giáo viên phải tiến bước trong sự nghiệp trồng người, mang lại tri thức cho thế hệ tương lại của đất nước. Kỹ sư phải dấn thân thiết kế những công trình, sáng tạo những công cụ phục vụ mọi lĩnh vực đời sống… Mỗi ngành nghề đòi hỏi mỗi sự bước đi khác nhau nhưng chắc chắn rằng, mỗi bước đi trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều không ít những chông gai, trắc trở. Vì thế, muốn bước đi vững vàng và đi đến đích đòi hỏi mỗi người không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn phải có đầy đủ nghị lực để đương đầu với mọi thử thách. Có như vậy, chúng ta mới không phải dừng lại khi hành trình bước đi còn dang dở và chưa đạt được mục tiêu của công việc.

            Cuộc sống hiện đại ngày càng đòi hỏi con người phải luôn bước đi, bước đi ngày một nhanh hơn để đáp ứng guồng quay của xã hội phát triển. Buổi sáng, cứ bước ra đường vào giờ cao điểm, chúng ta sẽ thấy cuộc sống hối hả biết bao với xe cộ xuôi ngược tấp nập. Nào học sinh đến trường, nào người người tẻ đi khắp các ngả đến với cơ quan, công xưởng, nhà máy… hay đơn giản là đến với một góc phố để bày một chiếc xe kéo nho nhỏ bán hàng ăn sáng cho lũ học trò. Bước đi vội vàng trong những bộn bề lo toan của cuộc sống, đôi lúc con người muốn dừng lại lắm chứ! Dừng lại để đơn giản chỉ là nghỉ mệt, giãn xả sau một ngày làm việc mệt nhọc. Dừng lại để nạp năng lượng cho một lần bước đi vào hành trình mới. Đôi lúc, dừng lại để lòng người lắng đọng, thư thái, chiêm ngẫm về cuộc đời. Vì vậy, dừng lại là những khoảng sống chậm cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Nó tạo nên những khoảng chuyển tiếp cần thiết để con người bắt đầu một hành trình mới tốt hơn.

            Bước đi và dừng lại là hai mặt tồn tại tất yếu của hành trình và đích đến. Mỗi người khi bắt đầu bước đi trong một hành trình nào đó cũng đều đặt ra cho mình một đích đến, một điểm dừng cụ thể. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những hành trình không có đích đến hoặc người ta không bao giờ muốn tìm thấy điểm dừng của nó đó là hành trình của địa vị, quyền lực và hành trình của tình yêu.

Khi bước đi trong hành trình của danh lợi, người ta luôn bị cuốn vào ma lực của tham vọng, của đồng tiền làm che mờ đi lý trí. Lúc đó, người ta chỉ muốn bước tới, muốn vươn cao hơn nữa trên đỉnh vinh quang chứ không bao giờ muốn dừng lại. Có rất nhiều người làm ngày làm đêm để kiếm tiền. Họ luôn miệng bảo kiếm được bao nhiêu đó, làm đến đó thôi rồi nghỉ hưởng thụ. Thế nhưng, khi họ đạt đến ngưỡng đó rồi, họ lại không thể nghỉ vì thấy vẫn chưa đủ, vì thấy còn có thể kiếm được nhiều tiền thì sao phải dừng lại. Và thế là họ lại làm ngày làm đêm. Đến một ngày, thần bệnh đến thăm, thần chết đến kiếm bất đắc kì tử thì ngã ra chẳng hưởng được gì nữa. Lúc đó, tiền bạc nhiều cũng không mua được sức khỏe, thời gian, tính mạng của mình. Vì thế. dừng lại không là đích đến của bước đi tham vọng.

            Hành trình tình yêu cũng không hướng đến điểm dừng cụ thể. Bởi khi yêu, ai cũng muốn tiến bước cùng người mình yêu trong bao dự định của cuộc sống. Khi tình yêu chiếm lĩnh con tim, nó cũng chế ngự cả lý trí. Tham vọng trong tình yêu cũng ghê gớm không thua tham vọng danh lợi. Khi yêu, người ta luôn muốn được yêu nhiều hơn, luôn muốn chiếm lĩnh trọn vẹn người mình yêu. Vì thế, khi yêu người ta luôn đau khổ vì cảm thấy mình được yêu chưa đủ hay vì thái độ nào đó của người yêu như Xuân Diệu đã từng viết: “Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”. Dừng lại trong tình yêu là một đau khổ tột cùng đối với người đang yêu bởi “trái tim có lí lẽ riêng mà lí trí không hề biết đến”, có ai điều khiển được trái tim mình. Một khi trái tim vẫn còn yêu thì không thể bảo dừng là dừng được. Thế nhưng, tình yêu cũng là một hành trình, có bước đi ắt có dừng lại. Dừng lại là điều không mong muốn trong tình yêu nhưng đôi khi người ta phải dừng lại vì một trở ngại, một đổi thay nào đó. Không có gì bạc bẽo bằng tình yêu và không có gì thay đổi nhanh bằng lòng người. Mới ngày nào đang yêu đắm say, người ta có thể sống chết vì nhau, cho nhau tất cả nhưng khi phai nhạt, lòng dạ đổi thay, người ta có thể lạnh lùng đến không cần nhìn mặt nhau nữa. Tuy không ai muốn dừng lại trong tình yêu nhưng một khi những bước chân đã bắt đầu mệt mỏi thì cũng đừng cố bước. Có thể dừng lại để nghỉ ngơi, kết thúc một chặng đường mệt mỏi sẽ giúp mình bước vào hành trình mới hăng say và hứng khởi hơn.

            Bước đi và dừng lại là hai mặt gắn kết một cách tất yếu trong cuộc sống. Có bước đi ắt hẳn có dừng lại. Con người cần biết bước đi đúng lúc, biết dấn thân vào những hành trình mở ra trong cuộc sống mỗi người nhưng cũng phải biết dừng đúng thời điểm, chấp nhận buông bỏ khi đã đến điểm dừng mong đợi hoặc khi đã mệt mỏi không thể bước tiếp. Vì thế, mỗi người trong cuộc sống không chỉ biết bước đi đúng thời điểm, đúng cách mà còn phải biết dừng đúng lúc để có được một hành trình sống đầy niềm tin yêu và hy vọng.

BXM- LONG XUYÊN

CÁI CHẾT CỦA NGÔN SỨ

Khoảng 600 năm trước CGS sinh ra, Ngôn sứ Isaia đã tiên báo về sứ vụ của Gioan "Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" (Is 40, 3- 5; Mc 1, 3; Lc 3, 4-6; Mt 3, 3). Như thế, Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.  
Lời tiên báo đó được cụ thể trong lời sứ thần Gabriel nói với ông Giacaria:  "Này con trẻ sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa"( Lc1, 17).
Và khi lời của các ngôn sứ, lời của sứ thần đã ứng nghiệm, ông Giacaria đã thốt lên lời ngợi khen Thiên Chúa: "Hài Nhi hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1, 76- 77).
Cuộc đời Gioan B đã được các ngôn sứ tiên báo. Gioan được chọn làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.
Gioan B được gọi Làm ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương, bị đế quốc Roma cai trị hà khắc, nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn, dân chúng lầm than, Gioan cũng mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.
Vào thời đó, vua Hêrôđê đang trị vị dân tộc. Ông là một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, đã cướp vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi nhà vua hãy trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu, bị chết vì công lý.
Nhìn vào cuộc đời Gioan, dường như ông là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành, bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng phải chết thảm không toàn thây. Thế nhưng Đức Giêsu khi nói về Gioan, Ngài đã đề cao Gioan vượt lên trên tất cả, đến nỗi: "Trong các con cái do người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả" (Lc 7, 28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa không phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống. Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật, bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.
Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế. Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi, cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ "Nếu thế gian đã ghét Thầy, thì thế gian sẽ ghét bỏ các con" (Ga 15, 18 - 19).
Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện phi thường, hiển hách như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu. Với tư cách là Tẩy Giả, chúng ta có thể thanh tẩy môi trường sống trong sạch hơn, đẹp đẽ hơn. Hãy can đảm tẩy rửa những bụi bặm, những thói hư tật xấu từ trong tâm hồn của mình đến tâm hồn anh chị em chúng ta. Hãy canh tân đời sống theo tin mừng của Chúa hầu xứng đáng là nhân chứng cho Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền