KHIẾT TỊNH - MỘT CÂU CHUYỆN NỘI TÂM

Nói về sự khiết tịnh, ta cũng cần nói đến một kiểu “vết thương lòng.” Dù đã hiến thân cho Chúa, người tu sĩ vẫn cảm thấy có chút gì đó thiếu thốn và cô đơn trong lòng. 

Hy sinh bản năng làm cha làm mẹ, hy sinh một tình yêu đẹp, hy sinh một thời tuổi trẻ với nhiều mộng mơ… để chọn một cuộc đời chỉ dành riêng cho Chúa quả là một điều tuyệt vời mà có khi cả người ngoài lẫn người trong cuộc chẳng hiểu được vì sao. Đó là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm Nước Trời, mầu nhiệm của sự lôi cuốn. Sống khiết tịnh đẹp như thế, nhưng hoa hồng nào cũng có gai, khó khăn và thách đố chẳng bao giờ rời xa những người chọn lối sống này. Làm thế nào mà một người có thể không lập gia đình mà vẫn hạnh phúc miên man nhỉ? Nguyên nhân nào thúc đẩy họ đến quyết định này? Động cơ nào để họ chọn lối sống ấy? Bí quyết nào để họ có thể vượt qua được tất cả những gian nan trắc trở để trung thành với lời khấn hứa của mình? Chắc có lẽ nhiều người đã từng đặt ra những câu hỏi như thế.

Các tu sĩ là những người đã “kết hôn trong đức tin”. “Kết hôn” ở đây không nên được hiểu như kiểu người ta cưới nhau. Tu sĩ không “kết hôn” với Chúa như người ta vẫn cử hành hôn phối nơi nhà thờ. Chúa không thay thế cho vị trí của người vợ người chồng. Nhưng vẫn phải thừa nhận một sự gắn kết thân thiết gắn bó sâu đậm trong tương quan giữa tu sĩ với Đức Giêsu. Có thể gọi đây là một kiểu “kết hôn” theo nghĩa loại suy, và nó được thực hiện trong đức tin, bằng đức tin, chứ không phải bằng khả năng nắm bắt của lý trí, bằng chứng minh của toán học, hay bằng xác nhận của giác quan. Dù Thiên Chúa có cho ta hưởng nếm những hương vị ngọt ngào khi trải nghiệm tương quan đặc biệt này với Ngài hay không, người tu sĩ vẫn cần đức tin để nắm bắt. Có những người hiến thân không xuất phát từ tình yêu nhưng do những suy nghĩ dấn thân hay chỉ đơn giản là lý tưởng phục vụ, nhưng dù sao, muốn bền đỗ đến cùng, người đó phải có kinh nghiệm yêu, cảm được tình yêu từ Chúa, một tình yêu nảy sinh từ đức tin vốn có khi xuất hiện trong đêm tối. Đức tin là điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu nói chung, và lại càng không thể thiếu đối với đời dâng hiến nói riêng bởi nó sẽ đưa người tu sĩ lại gần Chúa hơn, để có thể từng giây từng phút hiểu và yêu Chúa hơn.
Đời dâng hiến là một cuộc đời “biết yêu”. Hơn ai hết, họ là người trải nghiệm tình yêu trong cuộc đời này, có thể từ trong gia đình, bạn bè, anh chị em và một người đặc biệt nào đó. Từ kinh nghiệm tình yêu căn bản này, họ được mời gọi để đi sâu hơn vào một tình yêu khác, sâu đậm hơn, và cũng khó hiểu hơn. Họ là những người đã được chọn để cho cảm nếm tình yêu riêng tư với Chúa ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Thiên Chúa đã gieo vào trong họ sự thân thiết với Ngài, dù có khi nó được tiềm ẩn trong một thời gian. Từ từ, sự thân thiết ấy lớn lên một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng có sức cuốn hút hơn tất cả mọi tình yêu khác. Và để cho tình yêu riêng tư này được lớn lên, người tu sĩ phải có những áp chế cần thiết, đôi khi phải cắt đứt những tương quan không giúp ích, để mối tình giữa họ với Chúa không bị san sẻ hay tổn thương. Rồi từ tình yêu này, họ bắt đầu hướng về toàn thể thụ tạo bằng một loại tình không độc chiếm độc hữu. Họ trở thành con người yêu nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, quảng đại hơn, lan toả hơn, chứ không yêu riêng một ai đó rồi giữ người ấy ở bên mình.
Nói về sự khiết tịnh, ta cũng cần nói đến một kiểu “vết thương lòng.” Dù đã hiến thân cho Chúa, người tu sĩ vẫn cảm thấy có chút gì đó thiếu thốn và cô đơn trong lòng. Chẳng bao giờ người ta có thể xoá hết được khát vọng yêu thương và những thèm khát đụng chạm thân ái. Người tu sĩ có thể sẽ thấy xao động khi thấy những cặp vợ chồng, những đôi tình nhân, những gia đình hạnh phúc với con cái. Nhưng thay vì ganh tị, tiếc nuối và trốn tránh cảm xúc, họ vui lòng chúc lành cho những người đang ngập chìm trong hạnh phúc ấy. Họ chọn sống đời trinh khiết không có nghĩa là họ giết chết thân xác hay đã thoát khỏi mọi ham muốn xác thịt, chỉ là họ không chiều theo nó, không tìm và thoả mãn nó vì đã tìm được một nguồn vui khác vĩ đại hơn.
Vết thương lòng cũng đi kèm với một nỗi cô đơn và trống rỗng. Đây là một nỗi ám ảnh lớn của người độc thân. Nhưng người tu sĩ phải biết yêu quý sự cô đơn vì nó là điều kiện cần thiết để tình yêu Thiên Chúa được phát triển. Khi cô đơn, các tu sĩ được mời gọi quy hướng về Chúa, bày tỏ niềm tin yêu và hy vọng vào Ngài. Cảm thấy cô đơn là để mở lòng mình ra, trút bỏ hết những vướng bận để Chúa có thể đến và chiếm trọn con tim mình. Quả vậy, con tim trống rỗng là con tim được tháo gỡ khỏi những quyến luyến. Chúa để ta cảm thấy cô đơn không có ai bên mình chính là vì muốn nhắc nhở ta rằng vị trí bên cạnh ta chỉ có thể là Chúa. Nếu hiểu được ý nghĩa của cô đơn, đón nhận nó, sống với nó, trái tim người tu sĩ sẽ không còn khô cằn, đóng kín. Chính lúc cô đơn là khi ta tìm gặp được Chúa.
Sống độc thân dâng hiến thì chỉ yêu mình Chúa mà thôi là điều đúng đắn. Nhưng sẽ là một sai lầm nếu người tu sĩ cũng khép kín con tim, không dám đón nhận một tình cảm trong sáng. Tình cảm trong sáng ấy chính là tình bạn với những anh chị em cùng chia sẻ lý tưởng hiến dâng với mình. Đây là một kiểu tình cảm hoàn toàn nhân loại nhưng được giải thoát khỏi những gì hạ đẳng, nó vượt lên mọi kiểu tương quan mang cảm xúc hời hợt. Người dâng hiến luôn cần một người nâng đỡ mình. Đó là những người bạn, người có thể chia sẻ, nâng đỡ, lắng nghe và dành cho nhau những góp ý chân thành. Tình bạn giúp hữu hình hoá tình yêu vô hình, cụ thể hoá tình yêu trừu tượng. Tình bạn chân chính thì không khép kín, riêng lẻ, chỉ biết nhau, mờ ám; không độc quyền, không giữ người kia cho riêng mình; không có sự ràng buộc quá đáng; không lợi dụng nhưng sẵn sàng hy sinh cho nhau; không dừng lại ở những lời nói ngọt ngào trên môi miệng nhưng qua những thử thách ngặt nghèo, vẫn quý mến nhau; không vì vị nể nhau mà bỏ qua những sai sót nhưng sẵn sàng lên tiếng để xây dựng; họ giúp nhau quy hướng về Chúa, chứ không có ý hướng lệch lạc nào. Người bạn là khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa vô hình trong đời tu. Người tu sĩ nào không có bạn, đời tu của họ thật buồn tẻ, và sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Chúa là cả một hành trình dài. Có đôi khi người ta cảm tưởng rằng mình như bị lạc lõng giữa dòng đời. Có nhiều rào cản níu kéo người tu sĩ lại hơn là thúc bách họ cố gắng nỗ lực thêm. Rồi khi chán nản, họ bị người khác mời gọi trở về với cuộc sống bình thường, họ nghĩ rằng mình là nạn nhân của trò ảo tưởng chứ thật sự Chúa chẳng gọi mình gì cả. Lúc ấy, xác thịt gào thét tấn công, khát vọng yêu thương trỗi dậy. Có người tìm sự bù trừ cách này cách khác, nhưng nó chỉ làm mình khổ thêm. Có người bỏ cuộc, để giải thoát mình. Có người kiên trì ở lại, nhưng họ phải luôn đặt mình trong tư thế của người chiến sĩ, phải chiến đấu để không có gì chen vào giữa họ vào Chúa, làm tổn thương tình cảm này, phải luôn kiên trì mà bám vào Chúa, phải kiên nhẫn với chính mình và tin vào sức biến đổi của hồng ân Chúa. Trên hành trình theo Chúa, có thể người tu sĩ sẽ sa ngã nhiều lần nhưng phải luôn xác tín mà đứng dậy.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)

MỘT LỜI VÀ MỘT ĐỜI ĐÁNG SUY NGẪM VÀ HỌC HỎI...

Ta có sống, “có đi chung với nhau lâu đâu!  nặng lòng bởi những chuyện bất ưng trong đời. Trịnh Công Sơn thì xem đời này như “quán trọ”, theo cái nhìn của Phật giáo, đời là vô thường. 
Khi chia sẻ với các nữ tu đã hết trẻ nhưng chưa già của một dòng ngày Chúa nhật 11/3 vừa qua, tôi có đề cập đến những yếu tố giúp chúng ta tiếp tục “lớn lên” trong trường đời. Bao lâu còn sống là bấy lâu chúng ta còn phải đổi thay, cải tiến bản thân cho gần hơn với CHÂN THIỆN MỸ. Học hỏi là chuyện cả đời và đem lại cho chúng ta sức sống, niềm vui khám phá… Phải, “Người ta già không phải vì tuổi tác, mà vì người ta ngưng học hỏi”, đây là lời của bà Rose, một sinh viên ở tuổi 87 khi bà được yêu cầu chia sẻ đôi lời nhân kết thúc năm học ở một trường đại học nọ bên xứ Hoa Kỳ. Có lẽ không mấy ai có nghị lực và can đảm theo đuổi ước mơ được vào giảng đường như “cụ” sinh viên nói trên. Tuy nhiều người trong chúng ta không còn có dịp đến trường, nhưng việc học hỏi trên trường đời thì không bao giờ ta hết cơ hội.

Một trong những yếu tố giúp chúng ta duy trì khả năng học hỏi trong trường đời đó là “SUY NGẪM”. Suy ngẫm về những gì mình đã nghe, đã thấy trong cuộc sống hằng ngày với những gì đang diễn ra quanh chúng ta. Khi chia sẻ điều này tôi nhớ tới một lời của Đức cố Tổng giám mục Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc, lời tích cực đã soi sáng và định hướng cho tôi, và cho cả chúng ta trong cách ứng xử… Điểm nhấn sáng giá của ngài là luôn nhấn mạnh đến lòng khoan dung: cố gắng “sống khoan dung và không nói, không nghe chuyện xấu của ai”. Nói thế không có nghĩa là chính mình không còn vấp váp về lãnh vục này. Có chăng là ý thức hơn mỗi khi mình hay những người chung quanh vấp phạm về điều này thôi. Ngoài ra, những lời ngài dặn dò, dạy bảo chẳng khác gì những giọt nắng giọt sương cho cây đời tôi dần lớn lên.

Trước một sự việc chúng ta có thể có nhiều cách nhìn cũng như nhiều hướng giải quyết. Thật khó xác định đúng sai trước một lời bình luận, vì điều này còn tùy theo chúng ta chọn đứng trên phương diện nào. Cá nhân hay tập thể, lợi ích vật chất hay tinh thần, dựa trên tình hay trên lý… hầu như cách chọn lựa nào cũng có phần sáng và phần tối của nó. Nhưng chúng ta ai cũng biết rằng: có những cái nhìn, những nhận định làm cho người khác tan nát, “chìm xuồng”, buông xuôi hay bị hủy diệt... Cũng có cái nhìn kích thích nỗ lực trỗi dậy, nâng cao phần sáng nơi người khác, làm cho họ dồn sức bước tiếp, vươn lên…

Đức cố Tổng giám mục không chú tâm vào lời đồn hay bàn tán, mà nhìn thẳng vào những gì tích cực, sự đóng góp và lợi ích cho Giáo hội, cho những con người cụ thể. Chắc chắn chúng ta còn có những lý lẽ thật là chính đáng” để biện minh cho những lập luận của mình, chúng ta có lý để làm điều này điều kia, nhưng mong là những điều ấy giúp nâng người khác dậy.
Càng suy ngẫm ta càng thấy ngài có lý, cái lý của chữ tình, chữ tình của Tin Mừng. “Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững được chăng?”. Chính qua cảm nghiệm thân phận mỏng dòn, mong manh của bản thân, chúng ta càng hiểu thấm thía hơn lòng khoan dung, chạnh thương và TÌNH YÊU của Thiên Chúa là CHA.

Tình yêu phải vô điều kiện. Nhưng tình yêu không dừng lại ở cảm xúc. Nếu chỉ cảm thương mà không ra tay hành động thì người Samaria trong Kinh Thánh có khác gì các thày tư tế Lêvi, nhìn rồi tránh, rồi bỏ đi? Số đông chúng ta và ngay cả những bậc cao cả, thần quyền hay thế quyền quá trọng luật lệ đến quên cả bổn phận mình là nhà lãnh đạo, là mục tử, là thầy, là cha, là mẹ các tâm hồn ... , nhất là con của một vị Thiên Chúa Tình yêu. Mối bận tâm sâu xa của Chúa chúng ta không phải là yếu đuối của con người cho bằng lòng nhân: “Ta muốn lòng nhân chứ không phải lễ tế” (Mt 12,7)

Phải, Chúa chúng ta với lòng trắc ẩn, chạnh thương…
–  Ngài đã quên Mađalêna là một cô gái làng chơi khét tiếng trong vùng, khi những giọt nước mắt thống hối của cô lăn trên đôi chân đã bao phen bước trên những quãng đường gập ghềnh sỏi đá của xứ Galilê.
–  Ngài đã quên người phụ nữ Samaria là một thiếu phụ đã trải qua sáu người đàn ông trong đời, vì có lẽ chưa người nào trong số đó đã thỏa mãn được lòng khát khao một cái gì cao hơn, sâu hơn cho đời mình. Ngài chỉ còn nhớ chị vui mừng, quên cả tủi hờn mà mau mắn chạy loan báo cho bà con láng giềng vì chị đã gặp được mạch nước làm cho chị không bao giờ phải khát nữa.
–  Ngài đã quên, đã quên hết một cuộc đời trộm cướp bất hảo của tên trộm bên cạnh Ngài khi ông nhận ra Ngài là ai, và hứa hạnh phúc thiên đàng cho lòng thành đó “ngay hôm nay”.
–  Ngài đã quên sự thờ ơ lạnh lùng, đang tâm chối Thầy không phải trước kẻ quyền lực mà là trước một “đứa đầy tớ gái”; lời chối của người bạn thân Phêrô, người đã từng theo mình trên mọi nẻo đường, đã từng chia ngọt sẻ bùi qua những biến cố thăng trầm của đời Ngài.
–  Ngài đã quên trong phút cô đơn tuyệt vọng nhất trong đêm ở vườn Cây Dầu, các bạn thân đều ngủ cả đến nỗi Ngài phải thốt lên trong đau xót: “Anh không thức được với Thầy một giờ sao?" và rồi dưới chân thánh giá, người bạn, người môn đệ đã từng thề nguyền “không bao giờ bỏ Thầy” nay chẳng thấy bóng dáng đâu cả.
–  Ngài đã quên thái độ đằng đằng sát khí của Phaolô khi tự nguyện đi bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên của Ngài và nay đã dùng lòng nhiệt thành đó của ông để đi loan báo về Ngài.
–  Ngài đã quên sự cứng lòng, tính đa nghi của Tôma, khi không ngại chỉ cho ông những vết tích của cuộc thương khó.
–  Ngài đã quên tính nhẹ dạ hời hợt của các tông đồ sớm quay về làng trước sự kiện Ngài đã chết, hay tính nhát đảm trốn tránh trong nhà vì sợ liên lụy của các môn đồ mình đã tuyển chọn.
–  Ngài đã quên, đã quên hết, quên hết sự phản bội của người bạn thân nhất vì những giọt nước mắt thống hối và đã trao trả lại niềm tin của Ngài cho Phêrô khi trao cho ông trách nhiệm chăm sóc Giáo hội và cả đàn chiên của Ngài.
Tình yêu là thế đó, Đức Kitô là thế đó! Và Đức cố Tổng giám mục Phaolô, người của Chúa là thế đó!
–  Chỉ có tình yêu mới dám tin tưởng lại, mới bỏ qua và tha thứ.
–  Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh để quên, để bắt đầu lại, và để “chơi đẹp” và sống đẹp như thế!
Đức cố Tổng giám mục Phaolô của chúng ta đã sống đẹp theo gương Thầy chí Thánh mà Ngài đã một đời gắn bó. Chính khi sống với tấm lòng nhân ái ngài mới dám “chơi đẹp” như Thầy mình. Làm sao để có được một con tim chạnh thương như người CHA giàu lòng thương xót, để khi đi đến cuối đường đời, chúng ta đều có thể mỉm cười mãn nguyện vì: Chuyến đi chung của chúng ta trong cõi đời này rất ngắn… chỉ có tình thương để lại đời thôi!

Thật vậy, đâu cần buồn đau, cãi cọ hay lên án xét nét nhau vì những chuyện nhỏ nhặt: mọi thứ cứ để nó nhẹ nhàng tự nhiên…
Chuyện kể rằng, một thiếu nữ đang ngồi trên xe buýt. Một người phụ nữ mang đủ thứ lỉnh kỉnh, miệng lẩm bẩm, đến ngồi bên cạnh cô, xô mạnh cô. Bất bình, anh thanh niên bên cạnh hỏi tại sao cô không phản đối và bảo vệ quyền lợi của mình. Cô mỉm cười và trả lời: “Đâu cần phải cãi cọ vì những chuyện nhỏ như thế, có đi chung với nhau lâu đâu!Trạm tới, tôi xuống rồi!”
Ta có sống, “có đi chung với nhau lâu đâu!” mà nặng lòng bởi những chuyện bất ưng trong đời. Trịnh Công Sơn thì xem đời này như “quán trọ”, theo cái nhìn của Phật giáo, đời là vô thường. Mọi sự đều tạm bợ, chóng phai, chóng tàn… Tinh thần Kitô giáo xem cõi này là đời tạm, quê thật của chúng ta không phải nơi đây.
        Hoa đẹp... hoa thơm... hoa vẫn tàn
        Tình nặng... tình sâu... tình vẫn tan
        Rượu đắng... rượu cay... rượu vẫn hết
        Người hứa... người thề... người vẫn quên
        Trăng lên...trăng tròn... trăng lại khuyết
        Tuyết rơi... tuyết phủ... tuyết lại tan
        … Người đẹp... người xấu... rồi cũng chết
        Người giàu... người nghèo... rồi cũng hết...
                            (không biết tác giả)
Phải, bụi thời gian làm mờ đi tất cả... Chỉ có TÌNH NGƯỜI còn mãi trong ta...!!!
Không ai biết được chuyến đi của đời mình dài bao lâu! Người dù thương dù ghét, biết mai này có còn gặp lại hay không? Còn gặp nhau bao lâu nữa? Biết đâu trạm tới mình hay người kia đã phải xuống rồi. Đường đi chung với nhau có lâu đâu?

Đức cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã thể hiện tấm lòng bao dung trong cách sống và ứng xử của ngài. Đời ngài giúp chúng ta SUY NGẪM học hỏi và càng xác tín hơn vào lòng CHA chúng ta trên trời. Một vị “Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giầu tình thương và lòng thành tín” (Xh 34,6) Đấng mà ngài đã một đời yêu mến, hiến thân và noi gương.

Còn chúng ta? có lẽ chúng ta cần nhận ra đâu là những điều thật sự trân quý và đâu là những điều chúng ta không cần phải bận tâm.


M. Thécla Trần Thị Giồng – Dòng Đức Bà

NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH!

Thánh Luca thuật lại cho chúng ta, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, mấy người phụ nữ trước đây đã theo Chúa đến viếng mộ Người, và thực hành nghi thức tẩm liệm, vì trước đó, việc an táng Chúa Giêsu được làm vội vàng do những quy định của ngày lễ Vượt Qua. Tuy vậy, khi đến mộ, các bà hoảng sợ trước một sự kiện khác thường, đó là hai người đàn ông y phục sáng chói. Những người này nói với các bà: Người đã trỗi dậy rồi! Người đã phục sinh! Những lời này làm cho nỗi kinh hoàng của các bà trở thành niềm vui. Sau những ngày bi thương của Tuần Thánh, Phụng vụ khẳng định với chúng ta: Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ những kẻ chết. Hãy vui lên, vì Người đã phục sinh!
Khi Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng, một số phụ nữ đi theo Người, vừa để đón nhận giáo huấn của Chúa, vừa để phục vụ Người và các môn đệ trong những nhu cầu cuộc sống. Tuy vậy, mặc dù gần Chúa hằng ngày, họ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận ý nghĩa của thập giá cũng như cuộc khổ nạn đau thương của Người. Đối với họ, việc Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên cây thập giá là chấm hết mọi chuyện. Vì vậy, họ ra mồ từ sáng sớm để tẩm liệm xác Chúa. Lời nói của hai vị sứ thần áo trắng đã giúp họ tỉnh ngộ. Hai vị này cũng nhắc các bà hãy nhớ lại những gì Chúa đã nói trước đó, để xác tín vào sự phục sinh của Chúa. Chúa phục sinh đã đổi mới quan niệm của những người phụ nữ này, giúp họ có một quan niệm mới mẻ về sứ vụ thiên sai cũng như cuộc khổ nạn thập giá. Ngay lập tức, họ chạy đi báo tin cho các tông đồ. Niềm xác tín nơi Chúa Phục sinh đã thúc đầy các bà loan báo tin vui này cho mọi người.
Về phần các môn đệ, sự kiện phục sinh của Chúa được các ông coi như “chuyện vớ vẩn” cũng theo cách diễn tả của Thánh Luca (x. Lc 24,11). Thế mới rõ, sau ba năm theo Thày Giêsu, họ vẫn chưa hiểu rõ sứ mạng của Người. Dưới cái nhìn của họ, Chúa Giêsu chỉ giống như một vĩ nhân của thời đại, hoặc như một nhà cách mạng đứng lên lãnh đạo đám dân nghèo để đấu tranh đòi quyền sống và những nhu cầu cần thiết xứng với phẩm giá con người. Việc hai môn đệ chán nản bỏ Giêrusalem, “chốn phồn hoa đô thị và đầy ảo tưởng”, để trở về với chốn cũ quê xưa, cho thấy quan niệm mang tính trần thế của họ về Thày mình. Bỏ Giêrusalem cũng là chấm hết việc theo Thày Giêsu. Chúa phục sinh đã mở mắt cho họ (x. Lc 24,31), không chỉ để nhận ra Người là vị Thày đã chết và đã sống lại, nhưng còn nhận ra sứ vụ thiên sai của Người, để rồi từ đó, các ông xác tín một niềm đi theo Chúa, sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau. Niềm xác tín nơi Chúa Phục sinh giúp các môn đệ thấu hiểu sứ điệp Tin Mừng.
Ý thức bổn phận được sai đi để tiếp nối sứ mạng của Chúa, Đấng đã về trời và sẽ ngự đến, các môn đệ chuyên cần loan báo Lời Chúa cho cộng đoàn tín hữu. Sự kiện Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết giúp các ông nhớ lại những gì Chúa đã rao giảng, và nhìn với một lăng kính mới, chúng ta gọi là “hậu phục sinh”. Niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã liên kết mọi tín hữu với nhau, đến nỗi mọi người không còn kể của gì là của riêng, nhưng đều là của chung, dưới sự hướng dẫn của các tông đồ (x. Cv 2,42-47). Niềm tin này cũng giúp mọi tín hữu san bằng những khoảng cách, xóa đi mọi khác biệt, để nhất tâm phụng thờ Chúa và xây dựng vương quốc của Người. Tin vào Đấng phục sinh cũng giúp cho nhiều người gốc Do Thái, sẵn sàng từ bỏ Do Thái giáo, từ bỏ phụng vụ hội đường để gia nhập cộng đoàn Kitô hữu. Đây là sự can đảm đáng khâm phục. Vì dưới cái nhìn của các kỳ mục và phần đông dân chúng Do Thái, cộng đoàn Kitô hữu lúc bấy giờ là nhóm “lạc giáo”, “rối đạo”. Vị thủ lãnh của cộng đoàn này đã bị đại diện chính quyền La Mã cũng như Công nghị Do Thái ra quyết định tử hình, và án tử hình đã được thi hành cách công khai, người đương thời ai cũng biết. Vậy mà cộng đoàn ấy lại đang phát triển mạnh mẽ, nhờ sức sống của Đấng phục sinh. Các tông đồ tin vào lời Chúa đã hứa: “Này đây Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa ấy đã giúp các ông kiên định vững vàng, dù phải trải qua nhiều đau khổ do đòn vọt và sự chống đối tư bề. Niềm xác tin nơi Chúa Phục sinh đã giúp cộng đoàn tín hữu tăng trưởng mạnh mẽ và liên kết mật thiết với nhau trong tình bác ái.
Trước sự lan rộng và tăng trưởng của một nhóm người nhỏ bé, chính quyền dân sự cũng lo ngại, nhất là một số kỳ mục Do Thái. Một số người đã từng tham gia vào việc giết Chúa Giêsu, nay lại tìm cách vu khống cho các tín hữu. Họ căm giận và tìm cách tiêu diệt những ai tin vào Danh Giêsu. Trong số họ, có một thanh niên thuộc dòng dõi biệt phái và rất nhiệt thành với danh Đức Giavê, đã xin giấy giới thiệu của thày Thượng tế để truy bắt và tàn sát các Kitô hữu. Chàng thanh niên ấy là Saolô. Saolô lên đường trong tâm trạng đằng đằng sát khí, bắt trói giải về Giêrusalem tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu, bất luận đàn ông hay đàn bà (x. Cv 9,1-2). Chúa Giêsu phục sinh đã đến gặp Saolô trên đường đi Đamát. Những lời chất vấn của Chúa đã biến đổi cuộc đời ông. Nếu Saolô chưa có mặt cùng với các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, thì cuộc gặp gỡ này chính là một lễ Ngũ Tuần Chúa dành riêng cho ông. Chúa đã giúp ông ngộ ra rằng, không thể “đưa chân đạp mũi nhọn” được, vì sẽ chuốc lấy nguy hiểm thất bại. Chúa đã đổi hướng cuộc đời ông. Ông vẫn nhiệt thành hăng hái như thế, nhưng thay vì giết các Kitô hữu, thì ông lại rao giảng về Đấng họ tin theo. Ông là một tông đồ đặc biệt, được chính Chúa giáo huấn, để truyền lại những giáo huấn đó cho các tín hữu (x 1 Cr 11,23). Dọc theo lịch sử hai ngàn năm, Đấng Phục sinh đã quy phục biết bao Saolô, biến đổi họ từ những người thù ghét Giáo Hội trở nên những tông đồ nhiệt thành. Chúa Phục sinh đã biến đổi lòng người, giúp họ nhận ra Chân lý và trở nên người loan báo Chân lý.
Người đã phục sinh! Giáo Hội hôm nay tiếp tục loan báo với toàn thế giới tin vui này, mặc dù theo quan niệm của nhiều người, việc Chúa sống lại là điều không tưởng. Chẳng phải thời nay người ta mới nghĩ thế, mà ngay từ thời ban đầu, đã có nhiều người không tin vào sự kiện phục sinh của Chúa, thậm chí còn hối lộ để thuê người phao tin rằng: xác Chúa Giêsu đã bị các môn đệ đánh cắp! (x. Mt 28,11-15). Đối với chúng ta là Kitô hữu, mầu nhiệm Phục sinh soi sáng cuộc đời, đem lại niềm vui và thắp lên hy vọng giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống. Chúa Giêsu đã sống lại. Chúng ta được mời gọi hãy sống lại với Người. Trong bài giáo lý ngày thứ Tư, 28-3-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Nếu anh chị em đã được sống lại với Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những sự trên trời, chứ không phải những sự dưới đất” (Col 3,1-3). Anh chị em hãy nhìn lên, nhìn lên chân trời, mở rộng chân trời của mình: đây là đức tin của chúng ta, đây là sự công chính hoá của chúng ta, đây là tình trạng ân sủng! Thực ra, qua Bí tích Rửa tội chúng ta đã sống lại với Chúa Giêsu và đã chết với những sự việc và luận lý của thế gian; chúng ta đã được tái sinh như những thụ tạo mới: một thực tại đòi buộc phải trở nên một sự hiện hữu cụ thể từng ngày”. Niềm xác tín nơi Chúa Phục sinh giúp chúng ta canh tân đổi mới mỗi ngày.
Mừng lễ Phục Sinh, Bạn và tôi, chúng ta phải trở nên con người mới. “Những cái cũ đã qua, và đây, mọi sự đang trở nên mới.” (2 Cr 5,17). Nhờ những điều mới mẻ ấy, với ơn Chúa, chúng ta đang góp phần thắp sáng cuộc đời, với ánh sáng của Đấng Phục sinh.
Hải Phòng, Lễ Phục sinh 2018
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA NHẬT PHỤC SINH - B

Sau ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng.
Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu. Còn đâu an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Còn đâu niềm hy vọng tràn trề khi chứng kiến ma quỷ bị xua đuổi.
Tất cả đã chìm vào quá khứ. Giờ đây sự ác đã chiến thắng, sự dữ đã thống trị. Cả một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn các ngài như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ngài như cùng bị chôn táng trong mộ với người Thầy yêu quý.
Giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ngài thay đổi tận gốc rễ.
Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn các ngài thoát khỏi màn đêm vây phủ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn các ngài bừng lên sức sống mới. Máu chảy rần rần. Tim đập rộn ràng. Mắt sáng. Miệng tươi.
Các ngài như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã Phục Sinh tâm hồn các ngài. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào các ngài. Ơn Phục Sinh đã được ban cho các ngài. Sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ. Sự thất vọng đã biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ đã biến thành niềm vui.
Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các môn đệ không còn có thể ngồi yên trong căn phòng đóng kín cửa nữa. Các ngài mở tung cửa, hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ngài muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn. Các ngài muốn phục hồi những tâm hồn đang héo úa. Các ngài muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui, hạnh phúc, dồi dào hơn.
Hôm nay Chúa muốn cho tất cả mọi người chúng ta, noi gương các Thánh Tông đồ, tiếp nối công việc của Chúa, đem ơn Phục Sinh đến với mọi người.
Có những người đang chết dần mòn vì không đủ cơm ăn áo mặc. Có những cuộc đời tàn lụi đi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Tất cả đang đợi chờ được Phục Sinh.
Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.
Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc, quyền lợi, danh vọng. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.
Đem Tin Mừng Phục Sinh đó là giúp cuộc đời anh em thoát khỏi những bế tắc, giúp cho linh hồn anh em được sống cao thượng và khôi phục niềm tin yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.
Tuy nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, bản thân ta cần được Phục Sinh trước. Trong chính bản thân ta cũng đang chất chứa những mầm mống chết chóc đó là những tội lỗi, đam mê, dục vọng. Trong chính bản thân ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá đó là thói kiêu căng, ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Trong chính bản thân ta đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn.
Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

NHẬN DIỆN CHÍNH MÌNH TRƯỚC THẬP GIÁ CHÚA

Nơi chính mình, có thể có những lối sống xa lạc hoặc đối nghịch với Thập giá Đức Kitô, và như vậy, cuộc sống tâm hồn và nhân cách tôn giáo không thể triển nở được, khiến ơn cứu độ có thể trở nên xa vời. Cần nhận diện và xóa bỏ những kiểu cách nào đó, để có thể đón nhận chính Chúa cách sâu xa hơn. Đối diện với Thập giá Đức Kitô, mở cho ta một tầm nhìn mới, chiếu vào hiện trạng tâm hồn, làm lộ ra những lệch lạc, những bất ổn trong suy nghĩ, hành động và mọi sinh hoạt đời thường. Tất cả cần phải được phơi bày lên vùng ý thức, để giúp ta làm nên một cuộc chuyển biến nội tâm.
Nhìn vào bối cảnh thập giá Chúa Giêsu, ta có thể phát hiện ra con người mình qua những dạng sau:
Kinh nghiệm đời sống thiêng liêng cho ta biết, người tội lỗi có nhiều khả năng sám hối để trở lại hơn là những người cho rằng mình sống công chính, nhưng lại luôn tự mãn về chính mình. Kẻ tự mãn là kẻ đã no thỏa, không còn đói khát và mong muốn điều gì khác. Đó là một cách thức đánh lừa mình để rồi dần dần hình thành một lối sống ngụy tạo. Đây là lối sống của người Biệt phái mà Chúa Giêsu từng cảnh giác các môn đệ Ngài (x. Mt 16, 6).
Trái lại, người tội lỗi thực sự cảm thấy mình bất lực, buồn tủi, đau khổ, và nhiều khi rất chán chường bản thân mình. Nhưng những điều họ thực sự cảm thấy như vậy lại là một cơ may để tiếp nhận lòng thương xót của Chúa. Bởi vậy, mỗi tội nhân đều có một tương lai, và mỗi thánh nhân đều có một quá khứCó thể nói sự hối cải của người trộm lành (x. Lc 23, 39-43) là chìa khóa mở ra sự hoán cải cho tâm hồn ta. Ta trở về với Chúa không phải vì ta đạo đức, mà vì nhận biết mình tội lỗi. Ta trở về với Chúa qua ngã tội lỗi hơn là qua ngã nhân đức. Thánh Kinh cho thấy nhiều trường hợp như thế, và thực tế cuộc sống cũng vậy: Chúa đến thế gian không phải cho người công chính tự hào, nhưng cho người tội lỗi ăn năn trở lại (x. Lc 5, 23); Chúa chết không phải để tôn vinh người lành thánh, nhưng để cứu chuộc những tội nhân (x. Cl 1, 14).
Chỉ khi nào ta không còn tự hào về bản thân mình nữa, để biết hạ mình xuống và ngước lên, thì lúc đó ta mới khởi đầu trên con đường tự hối. Đừng đặt ra những lý do bên ngoài mình, nhưng là tự vấn lương tâm mình; đừng cứ xét xem mình tốt lành đến đâu, nhưng là nghiệm lại mình tồi tệ tới mức độ nào; đừng căn cứ theo lý lẽ, nhưng hãy lắng nghe tiếng lòng mình.
Tính cách ích kỷ bộc lộ ra nơi người trộm dữ bị đóng đinh bên trái Đức Giêsu. Tính ích kỷ đó khiến kẻ trộm dữ không những chỉ quay quắt với bản thân mình, mà còn ngang nhiên thách thức Chúa Giêsu: “Nếu ông là Đức Kitô, ông hãy giải thoát mình và giải thoát chúng tôi.” (Lc 23, 39). Mục đích giải thoát của Đức Giêsu là đưa con người vào đường lối của Thiên Chúa, là biến đổi hiện trạng tăm tối của bản thân thành vùng ánh sáng, là mở rộng một tình yêu xả kỷ trong trái tim con người, chứ không để con người chạy theo vọng tưởng của mình. Ước muốn giải thoát của anh ta thật hàm hồ và bất khả, vì nó không nằm trong đường lối giải thoát của Thiên Chúa. Đang khi đó, người bạn của anh ta bên phải Chúa Giêsu lại hoàn toàn được giải thoát ngay trong chính cực hình phải chịu.
Quả thực, nơi con người có quá nhiều tính xấu, nhưng suy cho cùng, tất cả đều phát xuất từ một cái gốc mà ra: tính ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết nhắm đến lợi ích riêng mình, bất chấp thiệt hại hay cảm tưởng của người xung quanh. Tham lam cũng bắt nguồn từ ích kỷ, vì muốn vơ hết về mình. Lật lọng, tráo trở cũng bắt nguồn từ ích kỷ, vì miễn sao phần thắng về mình. Tự phụ, độc đoán, háo danh, hiếu thắng, coi thường và khinh rẻ người khác, chẳng qua cũng do ích kỷ, vì chỉ biết có mình thôi.
Nhìn từ chiều kích xã hội, tính ích kỷ không chỉ dừng lại ở đó, nó còn biến thái thành những tệ nạn xã hội: tham nhũng, bất công, tàn ác, độc đoán, trấn áp, bóc lột, v.v… Nó biến xã hội thành một bãi chiến trường đầy những mảnh đời bất hạnh. Chính ích kỷ dẫn đến nạn phân biệt giai cấp, kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo, thảm họa chiến tranh, tai ương khủng bố... Ích kỷ như bức tường ngăn cách, phân rẽ và hủy diệt mọi tương quan cuộc sống với nhau, với Chúa, với chính bản thân.
Máu Đức Giêsu đổ ra trên Thập giá để giao hòa, tha thứ, nối kết, hợp nhất lại tất cả. Nhưng mầm mống và sự băng hoại của ích kỷ chỉ thực sự bị triệt tiêu, khi con người biết mở lòng ra, khiêm tốn ngước nhìn thập giá Chúa, để dòng máu cứu rỗi từ trái tim Chúa nhuộm thắm tâm hồn, và khơi nguồn sự sống mới. Chỉ khi thực sự đối diện với thập giá Đức Kitô thì mọi mặt nạ, mọi phù phiếm, mọi ảo tưởng về bản thân ta mới rơi xuống, như máu Chúa đã rơi xuống vì chúng ta.
Những kẻ lãnh đạm là những kẻ bàng quan đứng nhìn Thập giá Chúa mà không hề động lòng trắc ẩn. Khi chọn tư thế bàng quan, con người trở nên vô tâm, hờ hững và khô cứng. Thật ra những kẻ lãnh đạm không phản bác hay lên án Chúa, cũng chẳng tìm hiểu để lên tiếng bênh vực. Họ hiện diện dưới chân Thập giá chỉ vì tò mò, muốn xem có gì lạ, mà không hề có chút tình thương. Khi đó thì Đức Giêsu đang trong cơn khát khủng khiếp sau một đêm bị hành hạ dưới đòn roi dã man, sau khi bị căng xác để đóng đinh chân tay vào thập giá, bị đội vòng gai đâm thâu vào đầubị phơi trần toàn thân nóng rát dưới mặt trời thiêu đốt giữa trưa hè, và máu không ngừng chảy ra. Trong tình trạng đó, cơn khát đã lên đến tận cùng, và Ngài thốt lên: “Tôi khát”: khát tình yêu, khát nhân nghĩa, cũng là cơn khát phần rỗi các linh hồn.
Cơn khát tình yêu đến cùng cực của Đức Giêsu cũng không lay động nổi những tâm trạng vô hồn, những lối sống vô tâm, những trái tim vô cảm. Có thể ta là kẻ lãnh đạm, không nhúng tay vào sự ác, nhưng rồi cũng không ngăn cản sự ác. Quả thật, “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt (Napoléon).  Phải chăng đó là thái độ thỏa hiệp với sự dữ? Dù sao đó cũng là thái độ khoan hòa giả tạo, lập lờ đánh lận con đen: tưởng mình quảng đại, mà thực chất là nhu nhược; thấy mình đang quan sát mọi sự, nhưng chẳng chú tâm đến điều gì; nhìn mình có vẻ nhu mì đạo đức, nhưng thực tế là sống trong tâm trạng phàm tục của kẻ vô tín.
Mỗi người chúng ta đều nằm trong cơn khát của Chúa Giêsu. Tình yêu Ngài đã trút cạn cho ta, nên Ngài khao khát chính ta. Ngài đang chờ trái tim ta mở rộng cho nỗi khao khát của tình yêu Ngài. Đó là điều không thể tưởng, nhưng có thật, vì đó chính là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Tình Yêu là cơn khát khôn nguôi, là dòng chảy khôn xiết, là sức mạnh khôn lường, là sự da diết khôn tả. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là như thế trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Điều đáng buồn là nhiều khi ta không dám tin như vậy, nên định hướng sống của ta vẫn mập mờ, cách sống của chúng ta vẫn lơ đãng. Hãy tin! hãy cảm thụ cơn khát của Chúa Giêsu trên Thập giá, để ta không còn sống lãnh đạm trước ngọn lửa tình yêu đang bốc cao trong trái tim Ngài.
Philatô ganh tị quyền lực của Chúa; Anna ganh tị sự vô tội của Chúa; Caipha ganh tị sự đắc nhân tâm của Chúa; Hêrôđê ganh tị đức hạnh cao cả của Chúa; các luật sĩ và phái Pharisêu ganh tị sự khôn ngoan của Chúa. Kẻ ganh tị lúc nào cũng mong sớm hạ bệ những ai có sự ưu việt hơn mình. Và rồi để cho thấy Chúa không còn đáng ganh tị nữa, họ đồng hóa Ngài với hạng người tội lỗi.
Chính người trộm dữ cũng ganh tị với quyền lực của Chúa Giêsu. Anh ta tức tối vì Ngài không sử dụng quyền lực ấy để cứu lấy cả anh ta nữa. Sự sai lầm này khiến anh ta mù tối, không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai. Đúng ra, không ai gần ơn cứu chuộc bằng anh, nhưng rồi chẳng ai xa ơn cứu chuộc hơn anh. Tính ganh tị khiến anh sai lầm ngay điều anh yêu cầu: được xuống thay vì được lên.
Trước mắt quần chúng, cả ba người đang bị treo trên thập giá đều là những tên gian phi, đều đáng mang một bản án gia hình, nhưng ở đoạn kết, cái hậu của sự thật đều khác biệt. Ba bản án treo trên ba thập giá được thể hiện khác nhau:
- Ganh tị (Salvandus - một người đáng lý được cứu độ)
Trắc ẩn (Salvantus- một tên trộm được cứu độ)
Ái tuất (Salvatore - một Đấng Cứu Độ).
Ganh tị là nguồn gốc của mọi phán đoán sai lầm, lạc lối, và đi tới vực thẳm của tăm tối. Nói hành, vu cáo, võ đoán, hãm hại, đều do ganh tị mà ra. Ganh tị phủ nhận mọi công lý và yêu thương. Nơi cá nhân, tính ghen tỵ biến thành vô liêm sỉ, phá hoại những giá trị luân lý, làm hư hại đời sống tha nhân và bản thân. Trong đời sống cộng đoàn, tính ganh tị biến thành giả hình: giống như sói đội lốt chiên, vẫn tay bắt mặt mừng cho đến khi đủ sức tiêu diệt đối phương. Người ganh tị thì lòng đầy tham lam, muốn cướp giật nơi người khác điều mà mình không có. Ganh tị hay đố kị đều làm mờ ám lương tri và xơ cứng con tim. 
Trên thập giá, Chúa đã chịu lột trần thân xác, chịu cảnh tượng ô nhục vì những khoái lạc ô nhơ của con người. Thân xác Chúa bị hành hạ tan nát vì đòn roi, gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng, đến độ không còn hình tượng người ta nữa, chỉ vì yêu thương muốn gánh chịu những hậu quả bi thảm do những tội phạm dâm dật của loài người chúng ta.
Cuộc đời chỉ đẹp khi đi vào trật tự, nề nếp, bậc sống và trong sự tiết độ của nó. Nếu đời sống ta thiếu hoặc mất đi sự tiết độ (temperantia), thì khả năng làm chủ bản thân sẽ dần dần bị vô hiệu hóa. Sự ham muốn thú vui và chiều chuộng thân xác quá đáng đẩy con người rơi dần vào si mê chính mình hay người khác, từ đó phát sinh những tật xấu về dâm ô.     
Ai cũng biết rằng, kẻ nào bị lửa ái tình chiếm đoạt thì trở thành nô lệ cho nó. Ngọn lửa đó không chỉ lấn át lý trí mà còn thiêu đốt các nguồn năng lượng khác trong con người. Cái đáng sợ của tật dâm dục lôi kéo theo nhiều hậu quả tai hại cho hành trình tâm linh: nó dẫn đến sự buông thả, phóng túng, khiến con tim lạnh lùng đối với những thực tại thần linh, không còn tha thiết gì với việc cầu nguyện và luyện tập các nhân đức, dần dần đứa đến sự bại liệt tâm hồn.
Dù không nhuốm vào những tật dâm dục đi nữa, nhưng ngày nào còn dễ hướng chiều về những thú vui vật chất, ham muốn sung sướng và hưởng thụ, ngày đó ta không thể vươn cao trong đời sống tinh thần. Những gì chỉ hướng đến thỏa mãn thân xác đều gây cản trở và bế tắc cho sự triển nở tâm hồn. Ơn gọi nên thánh mời gọi ta không chỉ ở mức độ chế ngự tư tưởng và hành động dâm ô, nhưng chủ yếu nhắm đến biến đổi con tim thanh tịnh. Ơn gọi nên thánh của mọi bậc sống đều hướng đến lan tỏa tình yêu chan hòa bằng sự hy sinh, trung thành, trong sáng, và vươn cao  trong nhân cách. Đó là điểm chung cũng là đỉnh cao của đức khiết tịnh trong hôn nhân cũng như trong bậc tu trì.
Trên Thập giá, Đức Giêsu tuyên bố “hoàn tất” vì Ngài đã một đời làm việc cật lực theo thánh ý Cha, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Công việc của Ngài luôn nhằm vào sự cứu chuộc con người theo hoạch định của Thiên Chúa, chứ không theo sự ước tính khôn ngoan của loài người. “Mọi sự đã hoàn tất” nghĩa là đã ứng nghiệm tất cả những lời mà các ngôn sứ tiên báo trong Thánh Kinh, đặc biệt là hình ảnh người tôi tớ đau khổ (Is 53, 1-12). Như vậy, “Mọi sự đã hoàn tất” chỉ có trên Thập giá, nghĩa là trong đau khổ, trong hy sinh chính mình. Sẽ không tìm được “sự hoàn tất” ở bất cứ nơi nào khác.
Đức Giêsu là mẫu mực định hình cho phương cách làm việc và hoàn tất chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Công việc nào cũng là công việc của Chúa chứ không của riêng ta. Chính Chúa đã khởi sự và tiến hành mọi công việc nơi ta. Điều còn lại, Ngài mong ta cũng hành động nương theo ân sủng để ăn khớp với tâm tình và hành động của Ngài trong mọi lúc.      
“Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Không thể có một đức tin “ngồi chơi xơi nước”. Sinh viên, học sinh chỉ tin vào kiến thức của thầy thôi, mà không dùi mài kinh sử, thì dốt vẫn dốt. Bệnh nhân chỉ tin vào thầy thuốc thôi mà không uống thuốc theo toa thì chẳng bao giờ được chữa lành. Cũng vậy, kết quả cuối cùng không do người giảng hay người nghe chân lý, mà chỉ người nào thực thi chân lý mới đáng lãnh triều thiên vinh phúc. Tin vào Đức Kitô là phải nhiệt tình sống cuộc sống của Đức Kitô, và cũng phải chết cái chết của Đức Kitô (x. Rm 6, 4).
Những ai lười biếng là tự hủy hoại mọi khả năng và ân ban của mình. Phúc Âm đưa ra ba loại người lười biếng: Năm trinh nữ khờ dại (Mt 25, 1-12); Cây vả không sinh trái (Lc 13, 6-9); Nén bạc đem chôn (Lc 19, 16-25). Tất cả đều dẫn đến kết cục thảm hại. Vì thế, sự cảnh báo được lập lại 9 lần trong phúc âm Nhất lãm: “Hãy coi chừng!”. Con người có thể rất siêng năng ở một vài lãnh vực nào đó, nhưng lại rất lười biếng trong đời sống tâm hồn. “Coi chừng” sự lười biếng tâm hồn vẫn chưa đủ, còn phải kiện toàn đời sống toàn diện. Trong cuộc chiến chống lại tính lười biếng, từ ngữ quan trọng phải nằm lòng chính là “hoàn tất”.
Hoàn tất không xét theo hiệu quả của thế gian, nhưng xét theo cách thức ta chu toàn các bổn phận được trao phó và hoa trái thánh thiện được trổ sinh dồi dào. Hiệu quả cũng không phải dựa vào những công trình bên ngoài mình làm nên, nhưng phù hợp với ước muốn của Chúa. Một cuộc đời được xem là thành công không nhất thiết phải có thành tích; người gieo giống không nhất thiết phải là người gặt. Cũng vậy, không phải do địa vị, chức vụ hay tài năng mà kết quả công việc được mỹ mãn, nhưng là do ý hướng và tính cách thi hành nhiệm vụ. Thi hành nhiệm vụ cách lỏng lẻo, vô tổ chức, thiếu đạo đức, không chiều sâu, không tình yêu, thì chức vụ cũng bằng thừa.
Cuộc đời cũng giống như sân khấu, mỗi người đều có một vai diễn trong kịch bản. Tầm quan trọng không phải là sắm vai vua hay vai tớ, mà là khả năng diễn xuất độc đáo của nghệ sĩ. Tính cách diễn xuất chỉ hoàn tất thật hay khi lòng yêu mến thật sâu. Yêu mến phải là động lực cao nhất, mạnh nhất, thúc đẩy ta đón nhận và hoàn tất công việc mình. Không phải việc làm nào đó mới là quan trọng, nhưng lý do làm việc đó mới xác định tầm mức giá trị của nó. Không một công việc nào được kể là hoàn tất nếu không được thực hiện vì lòng mến Chúa, cho vinh quang Chúa (x. 1Cr 10, 31).
Người hà tiện ham mê tích trữ và chiếm hữu mọi của cải. Nhưng càng chiếm hữu lại càng trơ trọi, càng ham mê lại càng bệ rạc, nhất là ham mê tiền bạc. Thánh Phaolô cho biết: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6, 10). Mọi cái trong đời chỉ là phương tiện, không phải mục đích. Ham muốn chiếm đoạt bất cứ cái gì, cũng sẽ bị xói mòn trong chán chường và thất vọng về điều đó. Chỉ có những ai ham muốn tìm kiếm Chúa và quảng đại trao ban mới đạt tới niềm vui đích thực.
Người ta hà tiện tưởng rằng những điều mình thu tích sẽ làm cho cuộc sống trở nên sung túc mọi bề, và nhờ đó vui hưởng hạnh phúc thỏa thuê. Thiên Chúa gọi người hà tiện là “Đồ ngốc!” (Lc 12, 20). Ngốc vì tưởng rằng tiền của làm nên tất cả, hóa ra lại mất tất cả: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 20).
Thường thì hạng người giàu hay giữ độc quyền về tội hà tiện, tuy nhiên thực tế, nhiều kẻ nghèo cũng thèm khát của cải chẳng kém người giàu. Của cải ở đây không chỉ là tài sản vật chất, nhưng còn là tài sản tri thức, tình cảm, danh giá... Ham muốn gom góp và chiếm hữu mọi cái cho riêng mình luôn là hành vi của kẻ hà tiện. Vì hà tiện, nên cách sống cũng bần tiện, không ngần ngại làm những điều ti tiện, đánh mất phẩm giá cao đẹp của con người mà Chúa đã trao ban.
Chẳng có gì mà ta không đón nhận từ lòng thương xót của Chúa. Toàn bộ đời sống ta đều là ân ban cách nhưng không. Do đó, nhân cách đích thực và chân chính của ta chỉ triển nở trong sự trao ban và chia sẻ mà thôi. Bất cứ  thái độ hà tiện nào cũng ít nhiều phá hủy chương trình quan phòng của Chúa và tạo ra bất công trong đời sống xã hội. Chẳng ai cũng chẳng có cộng đoàn nào có được bình an, tốt lành, thánh thiện, khi lòng người còn dính bén với tính tham lam, hà tiện, bủn xỉn.
Chỉ lòng tin thẳm sâu vào Chúa, ta mới có thái độ siêu thoát với mọi của cải, để đem lại an vui cho mình và tha nhân. Bớt đi những khao khát của cải phù vân, ta mới có thêm lòng khao khát Chúa. Chỉ có Ngài mới lấp đầy sự khao khát khôn cùng của tâm hồn ta. Mơ ước có được mọi của cải rồi cũng giống như giấc mộng Nam Kha: “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.
Điều ta cần gom góp không phải là vật chất của cải, nhưng là một tình yêu sung túc, tràn đầy; một tình yêu dâng hiến cho mọi người như Chúa đã dâng hiến cho chúng ta. Đó mới là của cải bất diệt và biến thành sự sống muôn đời mà chính Chúa Giêsu đã làm nên cho chúng ta nhờ hy tế thập giá của Ngài.
Lm. Thái Nguyên