CHIA TAY - MỘT NỖI ĐAU CHƯA HỀ NHẸ

Cứ sau một cuộc chia xa, ta thấy lòng quặng đau, nhưng vẫn phải chấp nhận. Rốt cuộc, ta chẳng hiểu được, dòng đời đang lôi kéo ta về đâu, ta còn phải gặp bao nhiêu con người nữa, đối diện với bao nhiêu cuộc chia xa nữa.
Câu chuyện “hợp rồi tan” nơi nhân tình thế thái, ai trong chúng ta cũng biết, nhưng ít bao giờ chúng ta muốn đón nhận. Ta được Tạo Hóa đặt để trong thời gian, rồi bị dòng đời thay phiên nhau xô đẩy, đến với người này, đụng chạm với người kia, gắn kết với người nọ. Cơ duyên nào cho ta những giây phút ấm áp bên nhau! Số phận nào nỡ cướp mất đi những mật ngọt êm ái. Tiếng còi sân ga, nghĩa trang lạnh ngắt… chẳng bao giờ là điều khiến ta thích thú khi nghĩ về. Chia ly nào cũng để lại trong chúng ta giọt nước mắt. Cắt đứt nào cũng mang đến cho ta những nỗi buồn man mác chẳng có tên. Kiếp sống dương gian này là nơi gặp gỡ, nhưng lại là những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và mau qua. Nó cho ta hòa quyện với nhiều người, nhưng dường như cũng chỉ có mình ta độc hành với nỗi cô đơn thầm kín. Chẳng ai bước đi cùng ta mãi mãi, chẳng ai có thể thực hiện chuyến lộ trình của riêng ta.

Có lẽ mỗi người trong chúng ta đều đã từng phải trải qua nhiều sự chia tay, một sự cắt đứt nào đó, dù chúng ta có ý thức về nó hay không. Để rồi ta chợt nhận ra rằng, cả một cuộc đời với biết bao biến cố trôi qua, ta lớn lên được, vươn tới tương lai cũng là nhờ phải cắt đứt với quá khứ. Đứa bé ra đời cũng là một sự cắt đứt với thời gian ấm áp khi còn trong bụng mẹ. Ngày đến trường là một sự chấm dứt cho tuổi bé bỏng tự tại tự do. Ngày tốt nghiệp ra trường chính là một sự giã từ một thời học sinh đầy màu sắc. Khi lập gia đình, cũng là lúc ta nói lời từ biệt với cuộc sống độc thân… Trong các mối tương quan, cũng chẳng phải ta quen biết ai là sẽ cùng người ấy chung chia cuộc sống mãi mãi. Cứ sau một cuộc chia xa, ta thấy lòng quặng đau, nhưng vẫn phải chấp nhận. Rốt cuộc, ta chẳng hiểu được, dòng đời đang lôi kéo ta về đâu, ta còn phải gặp bao nhiêu con người nữa, đối diện với bao nhiêu cuộc chia xa nữa.
Những cuộc chia xa cho chúng ta biết rằng mình là một cá thể độc lập với tất cả những loài khác. Ta có một thế giới của riêng mình mà chẳng ai có thể vào được. Bất cứ ai, dù có thân thiết với ta đến mấy, thậm chí là người cùng máu thịt với ta, cùng chung chia chăn gối với ta bao nhiêu năm, cũng không trở thành ta được. Có một nỗi cô đơn trống trãi nào đó rất hiện sinh ngự trị trong cõi thâm sâu tâm hồn mình. Sống giữa thế giới rộng lớn là thế, nhưng mỗi người đều có một cái riêng của bản thân, chẳng ai thay thế ai được, chẳng ai có thể hoàn thành phận vụ của người khác. Khi tôi sinh ra, là tôi được sinh ra; khi tôi chết đi, ấy là tôi chết đi. Liệu có ai đó có thể “được sinh ra” và “chết đi” dùm tôi được không? Liệu có ai đó có thể “trở thành tôi”, mang lấy thân xác tôi, sống cuộc sống của tôi, làm những việc của tôi… để tôi được nghỉ ngơi một chút không? Không, chẳng ai cả! Khi được cho hiện hữu trên trời, tôi mặc lấy chính tôi, thực hiện một cuộc hành trình với chính tôi. Trên hành trình ấy, có thể có một vài người cùng chung chia với tôi một đoạn ngắn; nhưng rồi hai ngã hai hướng xa xôi.
Tôi hiện hữu như đang thực hiện một lộ trình, vì cuộc đời không bao giờ là một chốn dừng chân. Chẳng ai có thể giữ nguyên một tình trạng mãi. Chẳng ai cứ luôn mãi là em bé, hay một cậu học sinh, hay một người trẻ trung. Thời gian qua đi, người ta cũng trở nên đổi khác ở một phương diện nào đó. Phong sương cuộc đời làm cho người ta lớn lên, rồi từ từ lấy đi tất cả nguồn sống của họ. Dù có muốn hay không, người ta vẫn phải trải qua một hành trình từ bé đến lớn, từ trẻ đến già, từ cõi sinh đến cõi chết. Cuộc đời mấy mươi năm dù chẳng là gì so với dòng chảy của lịch sử, nhưng cũng đủ để người ta thấm thía thế nào là hiện diện, là tồn tại, là sống, là có mặt trên đời. Người ta chẳng phải tự nhiên mà sống được mấy mươi năm đó. Phải vất vả học hành, làm lụng, kiếm cơm. Phải trải qua không biết bao nhiêu đớn đau, gập ghềnh, thành công, thất bại, niềm vui, bao nỗi vinh nhục mà cuộc đời tặng ban. Cũng bấy nhiêu sự ấy, nhưng mỗi người lại có những trải nghiệm khác nhau, cách thức lãnh hội và tiêu hoá khác nhau. Cứ thế, con người đi và đi mãi; dừng chân lại cũng là lúc họ từ giã cõi đời.
Con người được ban cho một gói hành trang, giúp họ cất bước ra đi, nhưng là đi đâu? Trên lộ trình tự độc hành ấy, con người đang tìm kiếm điều gì vậy? Người ta phải nỗ lực nhiều lắm, để khoả lấp cho những chỗ trống trong chính mình, để đáp ứng những nhu cầu của bản thân, nhưng đến bao giờ thì con người mới hoàn toàn được thoả mãn? Có những lúc, ta thấy đơn côi quá đỗi, thấy những gì ta đang tìm kiếm bấy lâu nay dường như chẳng thể đong đầy con tim ra. Cuộc sống của ta đầy đủ là thế, nhưng canh cánh trong lòng vẫn luôn có những bận tâm, những nỗi niềm gì đó thật khó diễn tả thành lời, hệt như một nỗi khắc khoải chưa bao giờ nguôi. Sở dĩ có “tan” là vì cái “hợp” kia không đủ cho ta. Ta cứ ngỡ cái “hợp” đó là tất cả, là trọn vẹn, nhưng hoàn cảnh và dòng đời lại tiếp tục đẩy ta cất bước ra đi. Cái “tan” xuất hiện như báo hiệu cho cái chưa đủ nơi cái “hợp” trước. Ta buồn khi phải chia xa một cái gì đó, nhưng cũng cảm thấy lưu luyến và bồi hồi trước viễn cảnh tương lai: ta đi đâu để tìm một cái hợp chẳng bao giờ tan nữa? Mỗi cái “tan” là mỗi đoạn ruột đứt ra, liệu có một cái “hợp” nào đó đủ sức chữa lành tất cả không, đủ sức cho ta thấy rằng sự hiện hữu của mình là đáng giá và mọi cái “tan” kia là điều kiện tất yếu, là cái giá phải trả cho sự viên mãn này không?
Hợp rồi tan, tan để rồi HỢP. Ta từ đâu đến thì sẽ tự tìm đường về đó thôi. Lộ trình của ta là lộ trình tìm về chính mình, tại nơi ta đã bắt đầu. Ta chỉ có thể tìm thấy mình một cách trọn vẹn nơi Cội Nguồn và cũng là Cùng Đích của chúng ta. Chỉ nơi Ngài, ta mới được hạnh phúc thật sự, mới được đi vào trong cái hợp miên viễn muôn đời.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CÁM DỖ

Chúng ta gọi “cám dỗ” là tất cả những gì có sức quyến rũ mạnh mẽ, lôi kéo ta đến việc làm những chuyện không tốt, nghịch với những giá trị chân lý mà lương tâm ta mách bảo. Nghe cái tên “cám dỗ”, ta nghĩ ngay đến cái gì xấu xa. Nhưng vây quanh cái bản chất xấu xa của nó là một sự lộng lẫy có sức thu hút đến mê hồn. Thật khó để nói là chúng ta “sợ” hay “thích” cám dỗ. Sợ là bởi vì cám dỗ sẽ dẫn ta đến chỗ buông trôi đời sống mình. Còn thích là bởi vì cám dỗ nào cũng đẹp, cũng lôi cuốn, cũng khiến lòng ta chao đảo. Chính cái bên ngoài có sức hấp dẫn vô cùng của nó khiến ta cảm thấy mê mẩn và rất khó chối từ. Rồi ta tự giao nộp mình cho chúng, ta bán đi cả tương lai và cuộc sống, để mua lấy một chút cảm giác hưng phấn do cám dỗ mang lại. Lúc được thăng hoa, ta bằng lòng đánh đổi tất cả, rồi khi đã lừa được ta, cảm giác vui sướng không còn nữa, ta bị bỏ mặc trong nỗi mặc cảm và buồn phiền khôn nguôi.
Đôi khi, cám dỗ đến với ta qua những tư tưởng rất hợp tình hợp lý, có vẻ là một điều gì đó rất tốt nữa, khiến ta bị xao xuyến, bị lệch lạc và không đủ tỉnh táo để nhận ra. Nếu cám dỗ hiện hình rõ ràng là một tên quỷ xấu xa, hẳn là ta đã không bị nó lừa. Thế nhưng, bên cạnh vẻ bề ngoài lôi cuốn, nó cũng biết cách thổi vào trong tâm tưởng ta những lý lẽ biện minh hết sức hùng hồn. Ừ thì ta bỏ lễ Chúa Nhật một bữa, cũng vì ta phải lo làm ăn nuôi sống gia đình, chứ có phải đi chơi là cà đâu! Ừ thì từ từ ta đi xưng tội, Chúa là Đấng giàu lòng từ bi, không cần xưng thì Ngài cũng tha tội rồi! Ta theo những người bạn xấu đi phá làng phá xóm, rồi tự nhủ đây là cách để thể hiện bản lĩnh của mình, hay đó là những kỷ niệm đẹp của thời trẻ trung… Sẽ thật dễ dàng cho chúng ta để vượt qua khi cám dỗ cho ta những lý lẽ chẳng logic gì hết. Thế nhưng, cám dỗ sẽ đánh bại ta, khi nó giả dạng thành những thiên sứ, và đến với ta với những lôi kéo thuyết phục lối nghĩ của ta.
Cám dỗ lại xuất hiện dưới rất nhiều dạng. Ở bất cứ nơi đâu, ta vẫn có thể gặp thấy những tình huống, hoàn cảnh, tư tưởng, ý nghĩ làm lệch lạc đi ước muốn hướng về chân thiện mỹ của ta. Thấy ai giỏi hơn mình, ta dễ sinh lòng ganh tị. Thấy người không vừa tầm mắt mình, mình cũng thấy họ khó ưa. Họ sống tốt, mình bảo là giả hình. Họ sống không tốt, mình có cớ để dành cho họ những thành kiến hay những lời chỉ trích thậm tệ. Với người giàu có và trịnh thượng, mình bảo họ sao xa cách. Còn với người nghèo, mình chê họ là bẩn thỉu, cuộc sống chẳng có giá trị gì. Làm được tí việc tốt, ta tưởng mình đã lập được công to. Nếu có điều kiện đi lễ thường xuyên, ta cho rằng mình là người đạo đức và tự cho mình quyền phán xét người ta… Ta có trốn lên tận cung trăng, nằm sâu dưới đại dương vạn trượng, cám dỗ vẫn cứ chờ chực ta. Ta không thể tránh được nó, là vì nó đã nằm sẵn trong con người ta rồi.
Thế nhưng, có một lời ích đến từ cám dỗ mà ít khi chúng ta nhận ra là chúng ta có được niềm tin kiên vững vào Thiên Chúa không phải nhờ không gặp cơn cám dỗ nào, nhưng là nhờ khảng khái đối diện với nó trong niềm tín thác vào Chúa. Chính những khi vượt qua được những cơn cám dỗ đầy sức quyến rũ ấy, mà ta được trở nên vững mạnh hơn, kiên cường hơn, trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng. Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta biết là chính Thần Khí đã đưa Đức Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Không có cám dỗ, ta sẽ chẳng biết tình yêu mình dành cho Chúa như thế nào. Mặt khác, nếu cám dỗ đến với ta, ấy là vì ta đang thuộc về Thiên Chúa. Bởi vì nếu ta đang có một đời sống sa lầy nơi những tệ nạn và tội lỗi thì chẳng cần gì cám dỗ nữa. Ta đã sống trong sự kiềm kẹp của thế lực sự xấu rồi. Có lẽ chúng ta cũng phần nào nghiệm thấy điều này trong cuộc sống của chúng ta, là mỗi khi chúng ta muốn làm điều tốt, thì có một lực cản nào đó ngăn mình lại. Hay khi chúng ta muốn rộng lòng giúp đỡ người túng thiếu, có một sự kháng cự nào đó muốn ta phải thay đổi quyết định này. Ta sẽ cảm thấy việc cho đi của ta là một điều vô cùng thừa thãi và vô ích. Hai luồng tư tưởng này tranh đua xảy đến trong đầu ta.
Chiến đấu với cám dỗ chính là chiến đấu với những đòi hỏi và ham muốn thấp hèn trong chính con người ta. Đó là cuộc chiến giữa ta với chính bản thân ta, giữa hai xu hướng chính và tà đang hoành hành trong ta. Khi đối diện với cám dỗ, điều quan trọng là chúng ta không nên lưỡng lự, hay có sự thoả hiệp với nó, bởi lẽ, bất cứ khi nào ta còn chần chừ và không đủ mạnh để phản kháng, sức lôi cuốn của cám dỗ sẽ trở nên ngày càng mạnh và ta sẽ càng dễ dàng bị nó đánh bại. Thánh Inhaxio đã từng dí dỏm ví kẻ thù của đời sống thiêng liêng hệt như đàn bà khi gây gỗ với đàn ông. Ngài nói trong Linh Thao số 325 rằng: …đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với đàn ông là mất can đảm mà chạy trốn khi người đàn ông tỏ ra vững mạnh. Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật kinh khủng và không sao lường được. Cũng tương tự như thế, gặp đứng trước một cám dỗ, ta càng nhanh chóng gạt bỏ nó thì càng dễ dàng vượt thắng nó; còn nếu ta cứ để nó lưu lại trong đầu mình, chần chừ, bận tâm đến những suy tưởng nó thổi vào trong đầu mình, hay nói cách khác, nếu ta tỏ ra yếu mềm trước nó thì sớm muộn gì, ta cũng sẽ rơi vào bẫy của nó.
Hơn hết, chúng ta cần ơn Chúa để nhận ra đâu là cám dỗ của kẻ thù. Khi đã nhận ra rồi, cũng chỉ nhờ ơn Chúa, chúng ta mới có thể vượt qua nó được, như chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
dongten.net

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN A

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.
Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.
Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.
Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vươn quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.
Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.
Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.
Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

TỪ XUỐNG TINH THẦN ĐẾN YÊU ĐỜI

Không khí chúng ta thở ra trong vũ trụ là không khí chúng ta hít vào. Đó là luật luân hồi. Khi hành động giống Chúa, chúng ta sẽ có cảm nhận giống Chúa. Và Chúa thì không bao giờ xuống tinh thần.
Lớn lên, sống mà không bị xuống tinh thần một lúc nào đó thì không phải dễ. Xuống tinh thần là bệnh của một người bình thường.
Nhưng những gì tác hại đến đa số chúng ta không phải là một bệnh lý thật, bệnh cần bác sĩ chữa trị, nhưng là một loại không vui kinh niên. Chúng ta không còn ham thích gì trong cuộc sống.

Khi chúng ta không ở trong tình trạng tốt nhất, những lần như thế, tinh thần chúng ta gần như lúc nào cũng bức rức, hụt hẫng, ghen tương, giận dữ, nhỏ nhen, chua cay và một cảm nhận cuộc đời không công bình. Có nhiều ngày chúng ta còn không muốn sống.
Tuy nhiên, dù trong những ngày tốt nhất, chúng ta vẫn thường hay thấy cuộc sống như có cảm giác nặng nề, bị áp lực, buồn bã, làm vì nghĩa vụ, không còn ham thích. Có bao nhiêu lần trong ngày, chúng ta bỗng cảm thấy lòng tràn niềm vui trong cơ thể, trong cuộc sống chung quanh, trong tình bằng hữu, trong đức tin, trong niềm vui sống và bộc phát kêu lên: “Lạy Chúa, sống thật là vui!” Giây phút đó, chúng ta không bị suy thoái tinh thần.

Và chúng ta tiếp tục sống nhiều năm như vậy, làm việc cực khổ, chân thành, đi nhà thờ, làm tròn bổn phận mà không bao giờ bừng lên niềm vui. Chỉ cần nhìn trẻ con là hiểu niềm vui này, nhất là các em bé còn nhỏ, chỉ cần nhìn đứa bé vui thích sau khi ăn no hay khi chúng chơi ở vườn trẻ là nghe được niềm ham thích tự nhiên và nghe lời ai đó nói khi thấy cảnh này: “Đúng là thích sống!”

Làm sao chúng ta tìm lại được lòng ham thích này?
Là người lớn, thường thường chúng ta khổ công để tạo niềm vui, tạo thích thú, tạo ham thích trong cuộc sống. Chúng ta cố gắng kích lên để vui, để ham thích, đi vào  buổi họp với thái độ: “Dù phải trả giá gì đi nữa, tôi phải vui ở đây!” Nhưng những gì chúng ta làm thì rất hiếm khi vui. Vì vậy, sau buổi họp mặt, chúng ta thường về nhà với cảm giác trống rỗng hơn trước khi đi. Rất nhiều toan tính để yêu đời, để tạo niềm vui chỉ là những toan tính để giữ tình trạng suy thoái ở đường cùng. Đối với đa số người lớn, quá độ là một phẩm vật thay thế cho ham thích.

Nhưng ở đây có một bí mật: dù cố gắng đến mấy đi nữa để có được niềm vui và ham thích, chúng ta cũng sẽ không thể nào tìm thấy được. Chúng phải tìm thấy chúng ta, chộp lấy chúng ta bằng ngạc nhiên, bằng cái gì đó tiềm ẩn. Bất cứ nền tâm lý hay thiêng liêng đúng danh hiệu nào cũng đều nói cho chúng ta biết niềm vui và ham thích luôn luôn là sản phẩm phụ của một cái gì đó. Đó là cái gì?

Nó là sản phẩm phụ của hành động giống hành động của Chúa, nghe có vẻ kỳ lạ. Nói một cách khác, khi chúng ta hành động giống như Chúa, chúng ta có được cảm giác giống như Chúa; và khi chúng ta hành động nhỏ nhen, chúng ta cảm thấy mình nhỏ nhen! Khi chúng ta làm với quả tim rộng mở; chúng ta cảm thấy mình rộng tâm; khi chúng ta hành động với tấm lòng chật hẹp, chúng ta cảm thấy mình chật hẹp.

Mỗi lần, trong phương tiện nhỏ nhoi của mình, chúng ta bắt chước tính vị tha và nhân từ của Chúa thì chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy như Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể làm được?
Chúng ta làm giống như Chúa khi chúng ta quên mình mà không cảm thấy chua xót, khi cho mà không đếm, khi cho cái mình cần để sinh sống chứ không cho của cải dư thừa và khi cho cuộc sống chúng ta cho người khác, đặc biệt là cho người trẻ để họ sống.

Có một hình ảnh tuyệt vời trong vở nhạc kịch nổi tiếng Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, khi nhân vật Jean Val Jean lúc đã lớn tuổi, ông đến chúc lành cho Marius ở phòng tuyến. Chàng thanh niên này thật ra là một đe dọa cho ông vì anh sẽ lấy con gái nuôi của ông và đem cô đi. Nhưng ông, một gương mẫu của người gia trưởng, ông đến chúc lành cho Marius. Khi đến phòng tuyến, ông thấy Marius đang ngủ, ông thấy anh là con người lý tưởng và ngây thơ, có thể đưa anh đến chỗ chết. Vì thế, ông vừa chúc phúc cho Marius vừa cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa ở trên cao, xin Chúa nghe lời con… Xin Chúa nhìn chàng thanh niên này, anh còn trẻ, anh sợ… Xin Chúa lấy mạng sống của con, xin Chúa để anh sống! Để con chết, để anh sống!”
Đó là hành động giống như hành động của Chúa. Hy sinh mạng sống mình cho người khác, đặc biệt với một giá quá đắt, đặc biệt hơn nữa khi người khác không biết việc mình làm và cũng không biết để trả ơn.
Và dĩ nhiên không dễ để làm. Thật đau đớn, như thi sĩ T.S. Eliot có lần nói, không có cái gì mà không phải trả giá đắt. Nhưng tôi chắc chắn, sau khi Jean Val Jean chúc lành cho Marius, ông không xuống tinh thần. Bạn có thể tin chắc, sau khi làm như vậy, Jean Val Jean sẽ có cảm giác đã làm một điều đẹp, quý giá, tuyệt vời trong cuộc sống và ông sẽ bộc lên nói: “Đúng là thích sống!”

Không khí chúng ta thở ra trong vũ trụ là không khí chúng ta hít vào. Đó là luật luân hồi. Khi hành động giống Chúa, chúng ta sẽ có cảm nhận giống Chúa. Và Chúa thì không bao giờ xuống tinh thần.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

VƯỢT QUA NHỮNG CÁM DỖ TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY

Đây là số ít những cám dỗ hàng ngày mà chúng ta đối diện và những gợi ý giúp chúng ta làm thế nào để trở thành người nam hay người nữ đích thực.
Khi còn nhỏ, những câu hỏi đạo đức mà chúng ta đã đối diện dường như khá đơn giản. Tôi có nên dối bố mẹ tôi không? Tôi có nên gian lận trong kỳ kiểm tra? Khi trưởng thành, chúng ta nhận ra rằng những vấn đề đạo đức quan trọng nhất mà chúng ta đối mặt thật tinh vi. Đây là số ít những cám dỗ hàng ngày mà chúng ta đối diện và những gợi ý giúp chúng ta làm thế nào để trở thành người nam hay người nữ đích thực.
1/ Những việc bạn từ chối không làm
Chúng ta khởi đầu Thánh Lễ bằng việc xin sự tha thứ về những gì chúng ta đã làm và những việc chúng ta đã không làm. Thường thì những gì chúng ta đã không làm lại cho thấy sự thiếu sót về mặt đạo đức đáng nói hơn. Tôi đã từng từ chối khuyến khích ai đó hay thiếu đi sự ân cần chu đáo? Tôi có từ chối tha thứ hay không thực hiện lòng tốt? Hãy dừng lại để suy nghĩ về những cách mà bạn đã từ chối trao ban những món quà của bạn khi ở với gia đình, trong công việc hay trong cộng đoàn của bạn, và sau đó hãy mang quà tặng là chính mình trao cho thế giới.
2/ Không giải quyết một vấn đề cốt lõi thâm niên
Những vấn đề cốt lõi thường thì ai cũng thấy nhưng chẳng ai bàn tới. Chúng có thể là những thói quen xấu, những phản ứng sai lầm đối với trạng thái căng thẳng, hay những phản ứng thái quá. Trong bất cứ vấn đề nào, sự thách đố đạo đức là phải đối diện và phải giải quyết nó. Sự trợ giúp có thể đến trong hình thức cầu nguyện, chia sẻ cởi mở với một người bạn về vấn đề này, hay tìm đến một chuyên viên tham vấn. Giá trị đạo đức không phải lúc nào cũng duy trì trong sự mạnh mẽ; thường nó được củng cố nơi vấn đề có thể được tìm thấy.
3/ Bị tê bại trước nhiều nhu cầu trên thế giới
Bất kỳ ai dành sự quan tâm tới những tin tức dầu không thể giúp được gì nhưng được ý thức về một số lượng khổng lồ nhu cầu trên thế giới này. Có những ngày dường như bạn cảm thấy quá nhiều. Đây là một phương cách để đạt được sự thấu cảm với sự lao nhọc: chọn ra một hay hai lý do, tìm hiểu về chúng và làm những gì bạn có thể để đóng góp. Không ai có thể giải quyết mọi thứ, nhưng khoảng cách đạo đức giữa việc làm một số điều nào đó và việc không làm gì cả thì thật đáng nói.
4/ Để nỗi sợ hướng dẫn cuộc sống của bạn
Bạn có thể bị ngỡ ngàng bởi có biết bao nhiêu điều bạn làm lại bị dẫn dắt bởi sự sợ hãi. Sợ bị thất bại, sợ bị mất những gì bạn đang sở hữu, sợ không được tôn trọng – bất kỳ nỗi sợ nào có thể thống trị cuộc sống của bạn. Nỗi sợ có thể phục vụ cách nào đó một mục đích có giá trị, nhưng nó phải được kiềm chế bởi một đức tin có nền tảng. Tín thác vào Thiên Chúa là phương dược tốt nhất đối với nỗi sợ, bởi vì nó cho phép chúng ta kiểm soát tốt nỗi sợ của chúng ta. Một khi bạn đã quyết định về một cách thức để hành động mà bạn sợ, hãy thừa nhận nỗi sợ của bạn và tiến lên phía trước. Một hành động như vậy là một hành động của đức tin.
5/ Chọn những giải đáp dễ dãi đối với những vấn đề hóc búa
Khi phải thực hiện những quyết định khó khăn, chúng ta thường bị cám dỗ chọn những giải pháp quá đơn giản. Sống một cuộc sống đạo đức nghĩa là sẵn sàng kiên nhẫn khi cân nhắc những vấn đề khó khăn, dầu chúng liên quan đến các mối tương gia đình, công việc, cộng đoàn hay những vấn đề quốc tế. Chiến lược cho một đạo đức trưởng thành là phải sẵn sàng để sống trong sự băn khoăn lo lắng về những nan đề ấy mà không bị dao động bởi những người khác vốn có thể tạo nên trạng thái cảm xúc và nỗi sợ của chúng ta.


Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.(dongten.net)

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN-A

Dụ ngôn được trình bày dưới hình thức một chuyện kể. Về văn mạch của đoạn 25,14-30 xem bài chú giải phúc âm Chúa nhật XXXII Thường Niên A. Dụ ngôn có thể phân chia thành ba màn: 1/ Ông chủ trao tài sản cho các tôi tớ (25,14-15); 2/ Các tôi tớ hành động với những nén bạc được giao (25,16-18); 3/ Ông chủ tính sổ sách (25,19-30).
1/ Dẫn nhập. Ông chủ trao tài sản cho các tôi tớ (25,14-15)
Dụ ngôn nói đến một người giàu có trước khi đi xa, giao cho các tôi tớ những nén bạc để sinh lợi. Với liên từ đầu câu 1 “cũng thế”, hôsper, và gar liên kết dụ ngôn nầy với dụ ngôn trước, và có chung chủ đề là một trách nhiệm được giao phó và phải hoàn thành. Dụ ngôn nói đến sự vắng mặt của người chủ. Một người sắp sửa ra đi, apodçmôv, (c. 14) và ông đã ra đi, apedçmçsen (c. 15). Trước khi ra đi ông giao cho các tôi tớ ông các nén bạc để sinh lợi trong thời gian ông vắng mặt. Talanton, theo nguyên ngữ là một đơn vị đo lường. Ở đây là một số lượng tiền bạc đo bằng một talent (x. 18,24). Một talent có thể bằng 6.000 đồng bạc, và một đồng bạc là lương một ngày công. Chủ đề người chủ giao cho người quản lý trông coi tài sản của mình tìm thấy trong một số dụ ngôn. Tuy nhiên trong dụ ngôn nầy, nhấn mạnh đến việc sinh lời tài sản ấy. Tài sản giao cho các tôi tớ nầy không phải là nhỏ. Khi trao, paradidômi (c. 14), cho họ, không thấy nêu lên lý do của việc nầy. Sang phần hai, mới biết mục đích của việc trao tài sản là để sinh lợi. Động từ “sinh lợi”, kerdainô, được dùng đến 4 lần khi nói đến hành động của hai người tôi tớ đầu tiên (cc. 16.17.20.22). Kerdainô, ”kiếm được” do đầu từ công sức (x. 16,26; 18,15). Số tiền đã được giao tùy theo khả năng riêng của từng người. Người chủ biết rõ khả năng của các tôi tớ mình.
2/ Các tôi tớ hành động với những nén bạc được giao (25,16-18)
Nén bạc được giao cho 3 người tôi tớ: người năm nén, người hai nén và người một nén. Trong đoạn nầy các động từ đều ở thì bất định (aorist), diễn tả sự nhanh chóng của các hành động. Dụ ngôn không nói họ làm gì với các nén mạc, mà chỉ nói cả hai người tôi tớ đầu tiên çpagasato en autois, “làm việc với những nén bạc ấy”, và kiếm được những nén bạc gấp đôi. Người nhận 5 nén sinh lợi thêm 5 nén. Người nhận 2 nén sinh lợi thêm hai nén.
Người thứ ba có hành động nghịch lại (c.18). Liên từ “nhưng”, de, chỉ hành vi tiếp sau sẽ trái ngược. Việc đào đất và chôn dấu nén bạc trong đó chỉ sự cất giấu an toàn (x. 21,33; 13,44). Người nầy không muốn nén bạc của ông chủ không sinh lợi, mà chỉ lo giữ khỏi mất đi.
3/ Ông chủ tính sổ sách (25,19-30)
Sau một thời gian dài chủ trở lại. “Một người” ở câu dẫn nhập, bây giờ được xác định là “kurios”, ông chủ/Chúa (c. 19). Tương tự như trong dụ ngôn 10 trinh nữ (25,11[2x]), từ kurios thường được dùng trong phần hai của dụ ngôn, lúc có tính cách quyết định. Synairô logos, “tính sổ” cụm từ lấy từ ngôn ngữ thương mại, rất giống với việc vua tính sổ (x. 18,23.24), và chỉ sự phán xét cánh chung.
Lời lẽ của hai người đầu tiên rất giống nhau (cc. 20-23), chỉ khác chữ số nén bạc. Cả hai người tôi tớ đều được gọi là “ngay thẳng” và “trung tín” (cc. 21.23) vì họ đã hoàn thành bổn phận được đòi hỏi. Lời khen ngợi nầy tương tự với câu 24,46. “Phúc cho tôi tớ nầy đang làm như vậy khi chủ trở về”. “Hãy vào hưởng vui mừng của chủ ngươi” (25,21.23). Nhiều lần Tin Mừng nói đến việc “vào Nước Trời” (5,20; 7,21; 18,3) vào sự sống (18,8-9; 19,16). Và ở đây nói đến niềm vui. “Niềm vui” liên quan rất mật thiết với những điều thuộc về Thiên Chúa: thấy ánh sao dẫn đường (2,10), tìm được kho tàng Nước Trời (13,44), thấy Chúa sống lại (28,8). Nói tóm, “vào trong hoan lạc với chủ ngươi” là vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Khác với hai người tôi tớ trước, người tôi tớ thứ ba bắt đầu bằng lời phê phán ông chủ để biện minh cho việc mình đã làm (25,24-30). Sklçros, “cứng”, “cứng lòng (19,8), nghĩa bóng là “khắt khe”, “ác nghiệt”, “không thương xót” (x. 1 Sam 25,3). Gặt nơi không gieo. Thu nơi không vãi. Hai câu song song và đồng nghĩa (gặt = thu; gieo = vãi). Như thế theo lời người tôi tớ nầy, ông chủ là người kiếm lợi nhuận cách bất chính. Và người tôi tớ nầy sợ không thể sinh lợi được như đòi hỏi của ông chủ, nên đã chôn giấu nén bạc nơi an toàn. Người nầy đã đưa lại nguyên vẹn cho chủ một nén bạc, không thêm không bớt. Hành động như thế, người nầy đã làm như người đã thắp đèn và để dưới đáy thùng (5,15).
Lời của ông chủ tiếp theo rất dài (25,26-30). Đáp lại ông chủ lập lại lời không phản đối lời người tôi tớ nói về ông, và ông không phải đối điều nầy. Ông còn chỉ cho người tôi tớ cách làm lợi nén bạc mà không phải nhọc công (c. 27). Ông gọi người tôi tớ nầy là ”bất hảo” và “lười biếng” (c. 26). Từ “bất hảo” áp dụng cho con người (7,11; 12,34). Người tôi tớ nầy bị gọi là “bất hảo”, ponçros, theo nghĩa là người nầy đã không suy nghĩ như người chủ (x. 20,15) và không hành động như chủ muốn (x. 18,32). Oknçros, thông thường được dịch là “lười biếng”, nhưng ở đây có thể có nghĩa là “ngần ngại”, “sợ hãi”. Do sợ sinh lợi không thành, mà người nầy đã không dám kinh doanh với nén bạc của mình.
Vì người tôi tớ tỏ ra “vô dụng” với nén bạc được trao, chủ đã lấy lại nén bạc ấy, và trao cho người thứ nhất (c. 28). Các động từ trong câu 29 ở thể thụ động có Thiên Chúa là tác nhân. Người đã có lại được thêm và người không sinh lợi được nén bạc được trao, mất luôn cả điều họ đang có. Và người nầy chịu hình phạt nặng nề, vì đã không làm theo ý chủ (ném vào nơi tối tăm 8,12; 22,13; khóc lóc và nghiến răng 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; x. Lc 12,47).
Người tôi tớ không độc lập với chủ của mình, nhưng ở trong tương quan phục vụ với chủ. Người tôi tớ không làm theo ý riêng, mà ý muốn của chủ. Con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa vì do Người tạo dựng. Mỗi người tùy theo khả năng được ban cho mà phụng sự Thiên Chúa hết tâm hồn.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

MỘT CÕI ĐI VỀ

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi 
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt 
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt 
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Bài hát “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất quen thuộc đối với nhiều người trong chúng ta. Dù tác giả không cùng quan điểm tín ngưỡng với Kitô giáo, nhưng lời bài hát gợi nhớ chúng ta về sự mỏng giòn chóng qua của kiếp con người. Chính tác giả đã giải thích ý nghĩa của bài hát này: “Chúng ta từ hư vô mà đến, khi kết thúc cuộc đời lại trở về với hư vô”. Những câu đầu của bài hát vừa như một trải nghiệm về tính hữu hạn của cuộc đời, vừa như một khám phá và kết luận rằng những năm tháng sống trên trần gian, dù có miệt mài biết mấy, có thể chỉ là những “loanh quanh” vô định.
Truyền thống Do Thái giáo rồi Kitô giáo cũng khẳng định: con người từ bụi đất mà ra, rồi trở về bụi đất. Vậy, có điều gì khác biệt giữa “hư vô” của tác giả (cũng như quan niệm của những người vô thần) và “đất” của Kitô giáo? Nếu “hư vô” là không có gì, thì “đất” lại là một chất liệu, tuy thấp hèn mà hiện hữu. Tác giả sách Sáng thế kể lại với chúng ta, từ một chút đất sét, Chúa làm nên con người. Đất chẳng có là gì, nhưng sau khi Chúa nặn thành hình hài con người, thở sinh khí vào lỗ mũi thì trở thành con người có sự sống. Cách diễn tả bình dân của tác giả sách Sáng thế cho thấy Thiên Chúa tạo dựng con người giống như người thợ gốm nắn thành hình chiếc bình. Giáo huấn Kitô giáo khẳng định, sau khi nhắm mắt xuôi tay, thân xác con người sẽ trở về với bụi đất vì họ từ bụi đất mà ra. Tuy vậy, sau những năm tháng sống trên trần gian, trải qua vui buồn sướng khổ của kiếp người nhân thế, con người không mãi mãi mang thân cát bụi, cũng không ngủ yên vĩnh viễn nơi vực sâu. Sẽ có ngày Thiên Chúa can thiệp và cho họ sống lại từ bụi đất thấp hèn ấy (x. G 19,25-27). Người công chính sẽ sống lại để ca tụng Thiên Chúa mãi mãi; người bất lương cũng sẽ sống lại, nhưng để đau khổ trầm luân muôn đời.
Tác giả của bài hát “Một cõi đi về” đã ngộ ra rằng, những loanh quanh vất vả của cuộc sống này, kết cục trở nên vô nghĩa. Con người sống trong đời mải bon chen tính toán, thậm chí còn mưu mô lường gạt, rồi một lúc nào đó giật mình nhận ra những tính toán ngược xuôi ấy chỉ giống như một cuộc chơi, có thắng đi nữa cũng chỉ là mua vui trong chốc lát. Vì vậy mà “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Ông nghĩ tới “một cõi đi về” như đích điểm cuối cùng của kiếp người, dù đích điểm ấy là hư vô. Một cõi đi về, đó là chuyến đi cuộc đời. Đức tin Kitô giáo cũng coi cuộc sống trần gian như một cuộc lữ hành. Dù hành trình cuộc đời ngắn hay dài, ai cũng đang về tới cội nguồn. Điểm khác biệt ở đây, cội nguồn không còn là một khái niệm mơ hồ, mà là nhà Cha trên trời. “Nhà Cha” là một cõi đi về đối với người Kitô hữu.
Nói tới “đi về” là nói đến quê hương. Nói đến “đi về” cũng muốn khẳng định mình đang ở xa nhà. Con người sống trên trần gian giống như người tha hương, luôn đau đáu một niềm muốn trở về nhà với cha mẹ và những người thân. Quê hương dù xa biết mấy cũng là nơi ta nhung nhớ; cha mẹ dù nghèo đến đâu cũng là chốn ta hướng về. Quê hương vĩnh cửu đối với người tín hữu là nhà Cha trên trời, hay hạnh phúc Thiên đàng. Vì thế, họ sống ở đời này, nhưng luôn hướng về đời sau, và cố gắng làm tất cả để đạt tới quê hương hạnh phúc ấy. Có những người đã chấp nhận hy sinh tất cả: cha mẹ, anh em, nhà cửa, ruộng nương và gia tài của cải để đạt được Nước Trời, vì họ thấm nhuần lời Chúa dạy: “Nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?” (Lc 9, 25).
Người tín hữu sống trong cuộc đời này mà không coi đó là quê hương vĩnh cửu. Quê hương đích thực của họ ở trên trời, nơi có Đức Giêsu ngự trị, có Thiên Chúa là Cha, có các thánh nam nữ là anh chị em với nhau. Nước Trời là “cõi đi về” đối với người tín hữu. “Cõi đi về” không phải là một thứ thuốc phiện mê dân để họ quên đi nỗi đau của cuộc đời nhân thế. Đó cũng không phải là một thứ bánh vẽ để nhử mồi những kẻ khờ dại. Chúa Giêsu đã quả quyết với chúng ta: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi để dọn chỗ cho anh em” (Ga 14, 2). Ai cũng có chỗ trong nhà Cha, miễn là họ sống công chính và thực thi lời dạy của Người. Trong ngôn ngữ của Kitô giáo, ít khi dùng chữ chết để diễn tả lúc kết thúc đời người. Những khái niệm đuợc dùng thường là: qua đời, tạ thế, an nghỉ, về nhà Cha... Những khái niệm này diễn tả quan niệm Kitô giáo về thân phận con người: chết không phải là hết, nhưng chỉ là sự đổi thay.
Trong cõi đời tạm này, khi ý thức mình có một cõi đi về, chúng ta sẽ được đỡ nâng giữa những khó khăn thử thách. “Cõi đi về” chính là niềm hy vọng cậy trông của chúng ta. Đó cũng là niềm xác tín vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và Đấng quyền năng mạnh mẽ. Ngài luôn tha thứ lỗi lầm cho chúng ta mỗi khi chúng ta thành tâm sám hối ăn năn. Ngài cũng luôn che chở chúng ta trước phong ba bão táp của cuộc đời, và soi sáng hướng dẫn để chúng ta khỏi mắc cạm bẫy nguy hiểm của thế gian.
Trong tháng Mười Một dương lịch, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã đi hết hành trình dương thế. Họ đang được thanh tẩy để xứng đáng ra trình diện trước nhan Thiên Chúa, là Đấng phán xét công bằng và cũng là Cha rất mực bao dung. Khi tưởng niệm những người đã khuất, chúng ta đừng quên thân phận lữ hành của mình. Đây cũng là một thời điểm hồi tâm, một “điểm dừng” giúp chúng ta xác định lại phương hướng đang đi để tránh lạc đường. Lộ trình dù có mấy gian truân, cũng đừng ngã lòng thối chí, vì có Chúa đang đồng hành với chúng ta.
Tháng 11 năm 2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

CÁI CHẾT – SỰ AN NGHỈ ÊM ĐỀM!

Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… Ai trong chúng ta khi nhắc đến cái chết cũng cảm thấy có chút gì đó trầm buồn và lo sợ. Có một nỗi sợ rất hiện sinh trồi lên trong tâm trí khi ta nghĩ đến chuyện một ngày nào đó ta sẽ chết. Thế giới và vũ trụ bao la này đã trải qua không biết bao nhiêu chặng đường. Có nhiều cái mới hồi sinh, cũng là nhờ có nhiều cái phải chết. Ta ý thức rất rõ rằng cái chết thật ra cũng chỉ là sự chấm hết của một hành trình sống và hiện hữu trên dương gian, chứ tự bản thân nó không phải là một cái gì đó cụ thể. Và vì bản chất của mọi sinh linh là muốn sống, nên khi nghĩ đến chuyện phải kết thúc sự sống đó, ta thấy sợ, một nỗi sợ như để cưỡng lại và níu kéo. Nhưng dù ta có nỗ lực đến đâu, có quyền phép đến cỡ nào, ta cũng chẳng thể nào tự mình vượt lên khỏi thân phận phải chết mà ta đang mang trong người đây. Dù muốn hay không, dù khi sống trên đời con người ta có khác nhau đến thế nào, họ cũng sẽ gặp nhau ở một điểm chung của cuộc hành trình dương gian: cái chết.
Hẳn là có rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu chúng ta liên quan đến sự chết. Khi chết, mình sẽ thế nào nhỉ? Cái cảm giác lúc chết nó thế nào? Cái khoảnh khắc khi mình trút ra hơi thở cuối cùng trong người có hương vị ra sao? Đặc biệt, khi chết rồi, ta có còn là ta nữa không? Cái xác ta nằm đó, không động không đậy. Bao nhiêu người khóc than. Bao nhiêu người cầu khấn. Mọi hận thù cũng coi như hoá giải. Khi ta còn sống, có thể có nhiều người chẳng ưa gì ta. Như khi ta chết rồi, ta nằm chơ vơ đó, chẳng thể làm gì được họ, nhưng họ lại tỏ ra rất cung kính với ta. Chẳng ai dám xúc phạm đến ta, chẳng ai dám buông lời nhục mạ ta… Cái chết của ta làm cho ta trở nên linh thiêng, nên thần thánh. Hương khói nghi ngút, những bản nhạc u buồn vang lên. Người thân đưa tiễn ta trên những con người quen thuộc tiến đến nghĩa trang, nơi ta được đưa về với lòng đất, với sự mục nát, sự tối tăm, sự thối rữa, sự lãng quên.
Ta sợ bị lãng quên, sợ bị mất hút, sợ trở thành cái không-là-gì. Đó là lý do vì sao khi còn sống, ta luôn cố gắng hết sức để làm cho mình được nhiều người biết đến. Càng được biết đến, ta càng thấy mình hạnh phúc, càng thấy sự hiện hữu của mình có giá trị, thấy mọi sự như đón chào ta. Chết đi rồi, sẽ chẳng còn ai cho ta vào thế giới của họ nữa. Ta bị cho ra rìa. Cái còn lại của ta trên mặt đất này có chăng cũng chỉ là tấm hình đặt trong chiếc khung vuông vứt và một chút tro tàn vốn ngày xưa là thân xác của ta, cái ta đã rất nâng niu, chiều chuộng. Bị lãng quên, ta cũng chẳng là gì hết. Thế giới hữu hình đã không còn là chỗ của ta. Ta bỗng chốc hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói “trần gian là quán trọ”. Ta đến trong thế giới, rồi lại bỏ nó mà đi, về một cõi nào đấy. Cõi vô hình chào đón ta, khi cái hữu hình không còn cho ta cư ngụ.
Người ta cố gắng dùng những hình ảnh mang nét thi vị để nói về cái chết nhằm làm giảm bớt đi tính thê lương của nó. Cái chết thường được ví như một giấc ngủ ngàn thu, có ý muốn nói đến một sự yên nghỉ sau một cuộc hành trình dài với bao nhọc mệt lo nghĩ. Cả một đời bương chải, đối diện với không biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, khi đã hoàn thành nó, người ta nằm xuống, nhắm mặt lại, nghỉ ngơi, không còn bận tâm nữa. Nhưng sự yên nghỉ ở đây mang tính “ngàn thu”, vĩnh viễn. Người ta nhắm mắt, buông tay như một hành vi không thiết tha gì với cuộc đời này, để mặc nó trôi đi đâu thì trôi. Sự yên nghỉ khơi gợi lên trong ta một trạng thái an bình, tiêu diêu, thoát gánh hồng trần. Âu cũng là một phần thưởng! Cũng có người vì cái chết như chiếc lá vàng rụng xuống đất, nhường chỗ cho những chiếc lá non mơn mởn đâm chồi. Chiếc lá vàng trở về với nơi nó bắt đầu, hoà quyện chính mình vào đất, làm nên chất dinh dưỡng cho cây. Chiếc lá non kia có lớn được, cũng là nhờ chiếc lá vàng này chịu tan rữa… Dù có dùng hình ảnh nào đi chăng nữa, ta vẫn không thể nào không thừa nhận tính chất u buồn của cái chết. Dù là yên nghỉ, dù là về cội, cái chết vẫn thể hiện sự chiến thắng của nó trên tất cả mọi loài.
Con người sẽ mãi mãi ở trong sự kiềm kẹp của cái chết nếu như không có Đấng, từ trời cao xuống thế, trải qua tất cả kinh nghiệm nhân sinh, đón nhận cả cái chết như một phần của kiếp người và chiến thắng nó bằng sự phục sinh. Nhìn vào Đấng ấy – người đầu tiên đã đi từ sự sống tiến vào cái chết, rồi lại trong cái chết bước vào sự sống mới – ta mới thấy rằng chết chẳng phải là hết như người ta vẫn tưởng. Thậm chí, ta cũng nhận ra rằng sự sống mà ta đang thụ hưởng thật ra chỉ là khúc dạo đầu cho một sự sống khác, trường cửu, trọn vẹn và viên mãn hơn gấp trăm triệu lần. Cái chết đóng vai trò như cánh cửa chuyển giao, nơi người ta bước qua rồi chợt bừng dậy niềm hạnh phúc khôn tả vì đã được trở về nhà mình, trở về trong tình yêu ấm áp, trở về để được ôm lấy như một bảo vật. Được như thế, mới thật sự là yên nghỉ!
Niềm tin vào Đấng Phục Sinh mang đến cho chúng ta một hy vọng lớn lao, rằng chỉ cần ta bám theo gót của Ngài, ta cũng sẽ được chung hưởng niềm vui vinh quang của Ngài. Quả vậy, người ta chỉ sợ chết và không muốn chết khi người ta còn quá bám víu vào những cái ở thế giới hữu hình này. Còn những ai đã thanh thoát với mọi sự thì coi cái chết cũng nhẹ tựa lông hồng. Họ không tìm đến cái chết như một kẻ mất trí, nhưng đón nhận nó như một tất yếu của cuộc sống, một phần của thân phận người. Họ cũng không quá đau buồn khi mất đi một người mà họ vô cùng yêu mến. Con tim có thể cảm thấy đau vì phải chia lìa người mình thương, nhưng niềm tin mang đến cho họ hơi ấm và niềm hy vọng rằng một ngày nào đó, họ sẽ được đoàn tụ trong một cuộc hội ngộ chẳng bao giờ phai. Ta có ngày sinh ra, thì cũng có ngày chết đi. Nhưng ta được mời gọi để hướng về cái chết như để thực hiện một bước nhảy định mệnh cho số phận mình. Ta chết đi không phải để bị quên lãng (vì chẳng ai bị quên lãng trong ký ức của Tạo Hoá cả!), nhưng là để được chung hưởng vinh quang, một vinh quang dành cho những ai đã can đảm chiến đấu bằng sức mạnh của thập giá, và đã chiến thắng cùng với Đấng Phục Sinh.  
 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
 dongten.net

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN-A

Dụ ngôn vẫn được quen gọi là ‘mười trinh nữ’ nằm trong số các dụ ngôn được tác giả Mát-thêu dồn vào hai chương 24 và 25 của sách Tin Mừng khi ngài đề cập tới thời đại cánh chung, đồng thời kêu gọi giữ thái độ luôn sẵn sàng. Sẵn sàng không chỉ như một tư thế chung chung, như khi chuẩn bị làm một công việc nào đó; ở đây nó được so sánh với chờ mong để nhận diện và đón tiếp một nhân vật. Nhân vật này, trong nhiều dụ ngôn khác, được sánh với ông chủ, ông vua, hay một bậc vị vọng quyền quí đi xa về, thì trong dụ ngôn này lại mang bộ mặt một chú rể. Mười trinh nữ cầm đèn sẵn sàng nhận diện chú rể trong ngày cưới (đúng hơn đêm cưới) hẳn phải hàm chứa một nội dung nào đó hết sức quan trọng: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn đi đón chú rể”.
Như vậy chú rể chính là Con Người quang lâm trong ngày sau hết của Mt 24:37, có nghĩa là trong ngày quang lâm Con Người sẽ có khuôn mặt rạng rỡ của một chú rể ngày cưới. Khuôn mặt chú rể ngày cưới không thể mang bộ tịch của một ông hoàng thịnh nộ, không thể có điệu bộ nghiêm khắc của một quan tòa xét xử… Chú rể ngày cưới sẽ là khuôn mặt rạng rỡ yêu thương, thâm chí say đắm trong yêu đương, và Kitô hữu chúng ta phải là những người đầu tiên nhận diện được khuôn mặt đó. Ngọn đèn các trinh nữ cầm trong tay và thắp sáng lên chính là để làm công việc nhận diện này: giữa đêm tối, họ phải là những người đầu tiên nhận ra khuôn mặt say đắm yêu đương của Chú Rể, và soi cho mọi người được biết để cùng nhận ra, và tiến vào bữa tiệc cưới Nước Trời.
Trong ngày rửa tội ngọn đèn đức tin của mỗi tín hữu đã được thắp lên. Ngọn đèn này trước nhất phải soi sáng để chúng ta nhận ra dung mạo của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương. Bí tích rửa tội Tân Ước không mang nội dung chính là dục lòng thống hối ăn năn để được xóa sạch mọi tội lỗi, nhưng là để nhận biết Thiên Chúa cứu độ và từ nhân. Rửa tội không chỉ biến tôi thành một trinh nữ, nhưng quan trọng hơn, trao cho tôi ngọn đèn thắp sáng để tôi tham gia vào cuộc đón rước Chú Rể. Bao lâu ngọn đèn còn cháy sáng, bấy lâu tôi còn có thể nhận diện được Người trong đêm tối. Chú Rể có thể đột ngột xuất hiện, Người có thể tới từ bất cứ đâu, vào bất cứ giờ giấc nào… “Chú rể kia rồi, ra đón đi”, thì tôi vẫn luôn luôn nhận ra Người với nét yêu thương không thể nhầm lẫn.
Thế nhưng ngọn đèn này vẫn có thể bị tắt ngúm bất cứ lúc nào vì cạn dầu. Cho dầu có là một Kitô hữu đạo đức tốt lành (như hình ảnh các trinh nữ đi đón chàng rể) tôi vẫn luôn có nguy cơ không nhận diện được Thiên Chúa tình yêu, Người Cha yêu thương khi Ngài đến. Tự nó, việc nhận ra một Thiên Chúa quyền phép, thánh thiện, cao sang sẽ không là quá khó. Cựu Ước và rất nhiều tôn giáo khác (như Hồi Giáo chẳng hạn, với sự tôn trọng tuyệt đối dành cho Đấng Allah), thậm chí một nền triết học thuần túy, cũng có thể đạt tới trình độ này. Cho dầu việc suy tôn đó có hoàn toàn đúng, thì diện mạo Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô cất công xuống thế để loan truyền lại giống với dung mạo một chú rể hơn: Chú Rể rạng rỡ yêu đương. Kitô hữu phải là các trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể này. Thế nhưng éo le thay, ngọn đèn nào thì cũng có thể bị tắt, nhất là khi cạn dầu giữa đêm hôm; vậy thì dầu đó là gì, chúng ta tự hỏi? Tông đồ Phao-lô khảng định không có Thần Khí thì chẳng có nghĩa tử, thì chẳng ai có thể kêu lên với Thiên Chúa ‘Ab-ba, Cha ơi!’ (Rm 8:15-16). Như vậy có nghĩa là ngay cả các Kitô hữu có thể tay vẫn cầm ngọn đèn nhưng lửa thì đã tắt vì cạn dầu nên chính họ giữa đêm khuya không thể nhận ra dung mạo đúng của Chú Rể… Và rồi thì cánh cửa tiệc cưới yêu thương sẽ đóng lại, tiếng Chú Rể vọng ra “Tôi không biết các cô là ai cả!”, vì điều quan trọng hơn cả đối với các trinh nữ Kitô hữu này sẽ không là gì khác hơn nhận dạng ra, và đón tiếp Chú Rể của tiệc cưới yêu thương.
Câu chuyện dụ ngôn này đưa một Kitô hữu như tôi đi đến kết luận: sống như một trinh nữ (luân lý tốt lành, đạo hạnh) là điều tốt đẹp và cần thiết, nhưng chưa hẳn là chính yếu. Điều hệ trọng hơn cả vẫn luôn là “vừa mang đèn, vừa mang chai dầu theo” để duy trì nơi tôi khả năng nhận dạng Chú Rể và đón tiếp Người bất cứ lúc nào và nơi đâu Người đến. Hội Thánh qua các bí tích (nhất là bí tích Rửa tội, Giải Tội, Thánh Thể và Sức Dầu bệnh nhân…), không chỉ nhằn giúp tôi giữ cho mình được sống như một trinh nữ, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm tuôn đổ dầu Thánh Thần trên tôi hầu có thể nhận ra diện mạo Chú Rể tiệc cưới. Và nếu Chú Rể có bất chợt tới giữa đêm khuya tăm tối đi nữa (và đêm khuya đó rất có thể là hình ảnh tình trạng tâm hồn tội lỗi của tôi và của nhân loại), đèn tôi vẫn chưa tắt vì còn đầy dầu Thánh Thần, điều làm tôi nhận ra ngay được dung mạo nhân từ của Người, và cùng “đi theo người vào dự tiệc cưới”.
Lạy Chúa là Chú Rể tiệc cưới Nước Trời, trong mọi biến cố cuộc sống, khi Chúa bất chợt đến dưới bất cứ hình thức nào và cả giữa đêm đen tối tăm nhất, xin cho con ơn luôn cầm trong tay ngọn đèn cháy sáng với dầu Thánh Thần để con nhận ra dung mạo Đấng Cứu Độ thân thương của con. Và nếu giờ chết bất chợt đến với con dưới bất cứ hình thức nào và trong trạng thái tâm hồn nào đi nữa, con chỉ xin Chúa cho con vẫn duy trì được khả năng nhận ra khuôn mặt đầy yêu thương của Chú Rể, và được theo vào gia nhập bàn tiệc cưới Nước Trời. Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty