ĐÀN ÔNG, ĐÀN BÀ VÀ TÌNH BẠN

Không biết bao nhiêu lần tôi nghe cả hai phía than phiền là họ khó tìm bạn khác phái. Lúc nào họ cũng nói: “Tìm người tình dễ hơn tìm bạn.” Thường thường câu nói vang lên với một giọng buồn bã.

Nhà thơ Rainer Maria Rilke từng viết: “Có lẽ hai giới giống nhau nhiều hơn chúng ta tưởng… và đây là cuộc làm mới lại lớn nhất của thế giới chúng ta: đàn ông và đàn bà, giải phóng khỏi các ác cảm và tình cảm giả tạo để có thể xem nhau như bạn, như người láng giềng, còn hơn cả tình nhân – xem nhau như anh chị em.”
Một trong những thương tổn sâu đậm của xã hội tây phương là đàn ông, đàn bà khó xem nhau là bạn. Là người tình của nhau thì dễ, nhưng bạn thì khó.
Không biết bao nhiêu lần tôi nghe cả hai phía than phiền là họ khó tìm bạn khác phái. Lúc nào họ cũng nói: “Tìm người tình dễ hơn tìm bạn.” Thường thường câu nói vang lên với một giọng buồn bã.
Tình bằng hữu giữa hai người khác giới, lành mạnh, cởi mở, trong sáng, sâu đậm quả là hiếm hoi. Không phải chúng ta không muốn hay chúng ta không mến chuộng; đơn giản là khó tìm.
Tại sao?
Ở một mức độ nào đó, câu trả lời rất đơn giản. Vì căng thẳng tình dục làm rắc rối mọi chuyện. Ý thức hay vô thức, mọi tình bằng hữu sâu đậm giữa đàn ông đàn bà phần nào bị sự căng thẳng tình dục chi phối. Vô ích để biện hộ cho chuyện này.
Trong các tình bằng hữu giữa hai người khác giới, luôn luôn có căng thẳng, ngần ngại, vụng về, cấm kỵ và chủ tâm được che giấu. Bản năng giới tính quá mạnh để đàn ông đàn bà có thể dễ dàng thẳng thắn và trong suốt với nhau trong tình bạn.
Mọi chuyện đều quy về tình dục; một cử chỉ nhỏ cũng có thể hiểu khác đi và, đương nhiên là phải cẩn thận khi có quan hệ với người kia.
Sự thận trọng này thường có cơ sở. Đừng ngây thơ trước sức mạnh của dục tính. Trong dục tính có một năng động tự nhiên thúc đẩy con người truyền giống. Một cách tự nhiên, các tương giao sâu đậm giữa đàn ông đàn bà mời gọi chăn gối. Đó là bản năng sâu xa, được ghi trong bản chất mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Kết quả: Rất khó tạo một quan hệ bằng hữu.
Ngoài ra còn có những lý do khác giải thích cho khó khăn này, ngoài sự căng thẳng tự nhiên, chẳng đặng đừng hướng về dục tính. Kèm theo cái vướng víu tự nhiên với dục tính, nền văn hoá chúng ta còn thêm vào loại dục tính không phân biệt giới tính và ám ảnh truyền giống. Ngày nay, trên thực tế mọi chuyện đều có tính cách dục tính, và làm tình chỉ là chuyện bình thường của việc kéo dài một cuộc hẹn.
Trong bối cảnh này, cách chúng ta nhìn tình yêu, dục tính, tình bằng hữu sẽ thu nhỏ lại. Người Hy lạp ngày xưa phân biệt sáu khía cạnh tình yêu: ái tình-éros, quyến rũ tình dục, sa vào lưới tình; trò chơi-ludus, trò chơi ái tình; tình bằng hữu-philia, quan tâm đến người khác; mê mẫn-mania, tình yêu chiếm đoạt, tình yêu điên khùng, đen tối; thực tiển-pragma, tình yêu có lý, cam kết; và tình yêu tha nhân-agapè, không vụ lợi.
Nền văn hóa của chúng ta có khuynh hướng định nghĩa tình yêu theo kiểu éros và mania. Yêu ai là chiếm giữ một cách lãng mạn, muốn làm tình với họ.
Và khi điều này là đúng thì tính dục biến nhanh chóng thành sinh dục. Nó không còn được xem như có chiều kích của việc nhận biết mình, khao khát của một tâm hồn hướng về chính trực, gia đình, cộng đoàn, sáng tạo, bằng hữu, tình cảm và cả vui chơi.
Theo quan điểm của nền văn hóa chúng ta, một quan điểm mà chúng ta thường thường cho là của mình, yêu là làm tình, là tình nhân. Tình bằng hữu giữa hai người khác giới, ái tình trong trắng bị xem là không trọn hảo, trống rỗng, không thực tế. Vì thế chẳng lạ gì khi chúng ta không tìm được tình bạn!
Nếu yêu ai có nghĩa là làm tình với người đó thì khó mà nghĩ rằng một tình bạn đơn sơ lại có thể sâu đậm như quan hệ tình dục.
Tôi thấy, trong nền văn hóa chúng ta, đa số từ bỏ lý tưởng của một tình bạn sâu đậm giữa đàn ông đàn bà. Nỗi thất vọng này không diễn tả ra bằng cách cưa gân máu hay uống thuốc quá liều, nhưng đúng hơn là như lời nói của chàng thanh niên nói với Cher trong phim Moonstruck: “Anh biết chuyện này hoàn toàn sai. Có lẽ chúng ta không yêu nhau, chúng ta không hợp nhau, chúng ta làm hỏng đời nhau, làm hỏng gia đình chúng ta, nhưn lên nhà anh ngay, ngay lập tức, mình làm tình với nhau!”
Ít có kinh nghiệm nào sâu đậm và phong phú như kinh nghiệm của một tình bằng hữu giữa đàn ông đàn bà, đàn bà đàn ông. Như Thiên Chúa đã nói “con người ở một mình thì không tốt!”
Như nhà thơ Rainer Maria Rilke, tôi nghĩ cuối cùng thì tình bạn tồn tại lâu hơn tình dục và tạo nên một tình mật thiết sâu rộng hơn, phong phú hơn.
Nhưng đúng là hiếm hoi. Tình bằng hữu giữa hai người khác giới, trong trắng, mật thiết, sâu đậm thì không phải là một khám phá nhỏ. Chúng ta đi tìm gương mẫu và chúng ta như những con chốt chơi trên sân chơi xa lạ.
Tình bạn giữa hai người khác giới đòi hỏi một sự quân bình tế nhị những thận trọng và liều lĩnh, giữa cấm kỵ và mong manh dám liều. Nhưng nó đáng giá để cố gắng và dám liều.
Hy vọng đến khi viết tiểu sử đời mình, chúng ta có thể viết như nữ văn sĩ Anne Dillard: “Tôi đã giao phó tâm hồn tôi cho những người kỳ cục, hết người này đến người khác… và như thế cũng rất nhiều năm, và tôi đã bỏ mọi chuyện khác trong cuộc đời, và vậy là, tôi bắt đầu học lại với họ tình mật thiết chưa được khai phá, đó chính là niềm vui lớn nhất của cuộc sống.” (Tuổi thơ của một người Mỹ – An Americain Chilhood) 
Ronald Rolheiser

Nguyễn Kim An dịch

KHI ĐI TU VẮNG BÓNG ĐỨC GIÊSU

Đời sống tu trì không sinh hoa trái; họ cảm thấy sầu buồn khi sống trong nhà Dòng. “Chúa ở đâu, tại sao ngài vắng bóng trong cuộc đời con?” – Họ gào lên mà không chịu nhìn lại chính mình!

Một cha lớn tuổi trong dòng thường nói với quý thầy trẻ: “Nhà dòng là con đường để dẫn chúng con đến với Thiên Chúa.” Sau đó, cha không quên nhắn nhủ với những tu sĩ trẻ rằng: tương quan với Giêsu thật quan trọng biết bao! Quan trọng vì nói cho cùng, đi tu là bước theo Đức Giêsu (sequela Christi), bắt chước cuộc sống của Giêsu và muốn trở nên giống Giêsu trong mọi tương quan của đời sống.
Dĩ nhiên, nhà dòng luôn tạo nhiều không gian tốt để người tu sĩ có được tương quan với Thiên Chúa. Người tu sĩ được thực hành cầu nguyện, học hỏi Kinh Thánh, được đồng hành với những vị linh hướng có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Bất cứ khi nào gặp khó khăn về đời sống thiêng liêng, người tu sĩ thường được nhà dòng giúp đỡ, động viên. Ai cũng biết, liên kết với Thiên Chúa luôn là mối bận tâm của những người trọn đời dâng hiến cho Thiên Chúa. Do đó, trong đời tu, quý thầy, quý sơ luôn đặt mối bận tâm ấy lên hàng đầu. Họ càng tiến sâu vào mối tình với Thiên Chúa, đời tu của họ càng sinh nhiều hoa trái: bình an và hạnh phúc.
Tiếc là thực tế cho thấy, không phải người tu sĩ nào cũng có mối tình sâu đậm với Giêsu. Thiên Chúa dường như vắng bóng trong đời sống của họ. Cảm giác ấy bức bối vô cùng, bởi họ luôn cảm thấy khô khan trong đời sống cầu nguyện. Tình trạng ấy người ta gọi là sầu khổ thiêng liêng. Nghĩa là “sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mên; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa.” (sách Linh Thao số 317).
Đâu là lý do khiến người tu sĩ lâm vào tình cảnh vắng bóng Giêsu trong đời tu của họ? (Khai triển dưới đây từ sách Linh Thao của thánh I-nhã, số 322).
1/ Lỗi tại tôi mọi đàng
Mới đây trên mạng lan truyền lời chia sẻ của một linh mục hồi tục. Nguyên do chính là vị linh mục ấy không cầu nguyện với Thiên Chúa. Tuy nổi tiếng giúp người khác cầu nguyện, nhưng linh mục ấy lại không để tâm đến đời sống cầu nguyện cá nhân của mình. Đó là lỗi của chính đương sự. Hay nói cách khác, “vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta”.
Đời tu thú vị chỉ khi người tu sĩ kiên trì rèn luyện mình trong đời sống cầu nguyện hằng ngày. Có nhiều phương thế cầu nguyện mà chúng ta không tiện bàn ở đây. Tuy nhiên, thử hỏi một tu sĩ mà không cầu nguyện thì đâu là ý nghĩa của đời tu? Có cha nói vui rằng: “Đi tu là để sống và cầu nguyện với Thiên Chúa”. Nghĩa là, người tu sĩ thấy Giêsu hiện diện liên lỉ với họ trong mọi biến cố vui buồn. Họ có giờ riêng tư với Chúa trong kinh nguyện. Họ có nguồn động lực thiêng liêng để chu toàn những sứ mạng. Nếu lười biếng đến với Thiên Chúa, thì theo những nhà tu đức, trước hết là do lỗi của chính đương sự. Thiên Chúa cũng “bó tay” nếu người ấy không muốn đến trò chuyện với Thiên Chúa!
Đành rằng giữ “lửa” để cầu nguyện thật khó khăn, nhất là người tu sĩ dường như quá nhiều việc, nhưng đó là nhiệm vụ chính. Chắc chẳng có người tu sĩ nào nhiều việc bằng Đức Giêsu; nhưng chính Ngài cũng cầu nguyện với Chúa Cha hằng ngày. Thực tế, cầu nguyện luôn thách đố người ta trung thành và hoán cải. Do đó, không ít tu sĩ thích làm việc hơn là thinh lặng trong nguyện cầu. Có lần thánh Gioan Phaolô II trò chuyện với các tu sĩ rằng: “Các con phải tiếp tục lấy Chúa Kitô làm gương mẫu ở bất cứ thời nào, bằng cách cầu nguyện để duy trì sự hiệp thông tâm tình sâu xa với Người (x. Pl 2,5-11), hầu toàn thể đời sống họ được thấm nhuần tinh thần tông đồ và toàn thể hoạt động tông đồ của họ thấm nhuần tinh thần chiêm niệm.” (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 9).
Nhiều vị thánh sáng lập dòng khuyên người đang gặp sầu khổ trong cầu nguyện hãy nhìn lại chính mình. Thiên Chúa vẫn chờ họ tại một chỗ rất riêng tư để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Thế nhưng họ không chịu đến, chẳng chịu dấn thân kín múc nguồn sức sống ấy từ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, nhiều niềm vui thế sự luôn chào đón họ. Vậy là người tu sĩ cứ tránh né Giêsu. Kết quả là đời sống tu trì không sinh hoa trái; họ cảm thấy sầu buồn khi sống trong nhà Dòng. “Chúa ở đâu, tại sao ngài vắng bóng trong cuộc đời con?” – Họ gào lên mà không chịu nhìn lại chính mình!
2/ Thiên Chúa thử thách người tu sĩ
Những nhà tu đức chỉ ra rằng: “Ngay khi người tu sĩ cầu nguyện miệt mài, nhưng họ vẫn cảm thấy khô khan, Thiên Chúa vắng bóng.” Đây không do lỗi của người tu sĩ. Trong trường hợp này, Thiên Chúa muốn thử thách tình yêu của họ. Người tu sĩ xác tín họ yêu Chúa thật nhiều, tin Chúa luôn mãi và theo Chúa liên lỉ. Hoan hô! Nhưng tình yêu đích thực đòi hỏi thời gian để kiểm chứng với nhiều thách đố. Lửa thử vàng, gian nan thử sức là vậy! Qua đó, “Để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la.”
Thực tế, Thiên Chúa gửi những thử thách đến với những ai Ngài yêu thương. Người tu sĩ càng cầu nguyện, họ cảm thấy Thiên Chúa càng cách xa. Nhưng họ cầu nguyện không ngừng trong thử thách! Chúng ta có thể thấy tình trạng này nơi nhiều vị thánh: thánh I-nhã, thánh Phanxicô Assisi, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Têrêsa Avila, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa Calcuta, v.v. Càng chịu nhiều thử thách, các vị thánh ấy càng cố gắng bám víu vào Thiên Chúa. Giêsu vắng bóng, nhưng họ luôn “năn nỉ, tin tưởng” vào Thiên Chúa. Kết quả là sau những năm tháng sầu buồn ấy, họ có một mối tình sâu đậm với Giêsu. Khi nhìn lại, họ hằng cảm tạ Thiên Chúa về những thách đố này!   
Luôn còn đó những thách đố trong đời tu. Tuy nhiên, đó lại là những món quà Thiên Chúa muốn người tu sĩ theo Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dù Thiên Chúa có vắng bóng, nhưng nếu yêu Chúa thật, người tu sĩ sẽ luôn tin tưởng và hạnh phúc sống với Giêsu. Tâm hồn họ có khi khô khan, nhưng họ vẫn nguyện cầu và dấn thân. Những người như thế chắc chắn sẽ nhận được món quà lớn lao. Bởi, Thiên Chúa không bao giờ trao cho người ta thánh giá quá nặng, hoặc bắt họ phải chịu cực khổ quá lâu. Tin yêu sẽ giúp cho người tu sĩ hiểu rằng Thiên Chúa luôn hẹn hò, muốn gặp họ.
3/ Khô khan để biết mình, biết Chúa
Người tu sĩ luôn có nguy cơ xem hoa trái của cầu nguyện là do sức của mình. Họ quảng đại cầu nguyện thì sẽ gặp được Thiên Chúa và được bình an. Điều này đúng; tuy nhiên, những nhà tu đức cho thấy đó là con dao hai lưỡi. Một mặt, người tu sĩ cần ra sức trung thành với giờ cầu nguyện trong khiêm nhường; mặt khác, nếu hoa trái của cầu nguyện đến, thì đó hoàn toàn là món quà của Thiên Chúa. Chắc hẳn người tu sĩ cần “biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân sủng của Thiên Chúa.”  
Nếu người tu sĩ xem hoa trái ấy là do họ, thì đó là hình thức của tự đắc và kiêu ngạo, khoe khoang. Họ vui thích tự gán cho mình lòng sốt sắng thiêng liêng. Trong lúc đó, Thiên Chúa gửi sầu khổ thiêng liêng đến để báo cho họ khiêm nhường hơn. Hồng ân không bao giờ đến từ con người! Ngược lại, Thiên Chúa luôn thích trao ban sức sống, bình an cho những ai chạy đến với người. Để qua đó, ước gì người cầu nguyện biết được mình, biết được Thiên Chúa trong tin yêu.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho những tu sĩ, nhất là những tu sĩ trẻ đang dấn bước trong đời tu. Xin cho họ yêu quý đời sống nguyện cầu như phần phúc của họ. Để trong mọi cảnh huống cuộc đời, cầu nguyện luôn là chỗ dựa quan trọng nhất, bởi nơi đó có Thiên Chúa, có Giêsu. Nếu những ai đang ngại ngùng, lười biếng cầu nguyện, xin Chúa đến thôi thúc họ, để người tu sĩ dám làm mới lại tương quan với Giêsu. Chỉ trong cầu nguyện, họ mới thấy Giêsu không vắng bóng; họ mới tìm được căn tính của người tu sĩ và họ mới hạnh phúc trong đời tu.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - C

Phụng vụ hôm nay hướng tâm hồn chúng ta mừng lễ Chúa lên trời vào tuần tới, bởi vì việc Chúa về trời là tột đỉnh của mầu nhiệm Sống lại và đi vào vinh quang với Chúa Cha. Các bài đọc trong phụng vụ phản ánh thực trạng xảy ra nơi các tông đồ cách đây 2000 năm. Trong giây phút ly biệt đầy xốn xang, Chúa đã trấn an các học trò mình không phải bằng liệu pháp tâm lý, nhưng Ngài hứa ban Thánh Thần, là nguyên lý của bình an đích thực. Ngài khuyến mời các ông hãy tuân theo những chỉ dạy của Thần khí để có được bình an thực sự trong tâm hồn.
Thầy để lại bình an cho anh em.
Chắc chắn đây không phải là một lời chúc mang tính khách sáo, nhưng là một động thái Đức Giêsu đã thể hiện giữa các môn sinh của mình. Trong mỗi Thánh lễ, Giáo hội vẫn cầu nguyện xin Chúa Giêsu ban bình an xuống trên toàn thể Hội thánh giống như ngày xưa Ngài đã phú trao bình an cho các tông đồ trước khi đi thụ nạn. Nhưng sự bình an Chúa nói ở đây là bình an như thế nào?
Người ta vẫn thường nói: “Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Cũng vậy, bình an mà Chúa Giêsu ban tặng đòi hỏi các học trò phải quyết liệt đi vào cuộc chiến đầy gian nan, đó chính là cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong cuộc chiến gian khổ ấy, chúng ta phải chấp nhận chết để được sống, phải đi vào mầu nhiệm tự hủy để được tái sinh trong đời sống mới. Vì thế, Chúa đã nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy không theo kiểu thế gian (c.27). Hòa bình theo cách thế gian chỉ dựa vào sức mạnh của vũ khí và tiềm lực quân sự, còn bình an mà Chúa Giêsu đem đến phát nguồn từ chính Thánh Thần. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô cũng viết: “Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Trong lần tiếp ông Gorbachop và bà Raissa vào năm 1989, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã trao tặng ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ một cuốn Kinh thánh, bên ngoài đề hàng chữ ‘Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’. Đồng thời, Đức Thánh Cha cũng trao tặng bà Raissa một cỗ tràng hạt với câu cắt nghĩa ‘Nữ Vương ban sự bình an’. Ngài muốn ngụ ý nói rằng, chỉ qua Đức Giêsu chúng ta mới tìm ra con đường của sự thật dẫn đến sự sống, đồng thời bình an thật sự đến với loài người không phải dựa trên vũ khí, tiền bạc hay sức mạnh quân sự. Chúa Giêsu ban bình an cho các học trò của Ngài không theo kiểu cách thế gian. Ngài mời gọi họ hãy rộng mở tâm hồn để Thần khí tác động và luôn sẵn sàng đi vào cuộc chiến nội tâm, đặc biệt khi đứng trước viễn ảnh đen tối của Thập giá.
Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
“Đừng sợ”. Đây là điệp khúc được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác nhưng không làm gì được linh hồn anh em”. “Đừng sợ, ta đã thắng thế gian”... Đây không phải là một lời trấn an mang dạng thức tâm lý, vì Chúa Giêsu không bao giờ đóng vai một nhà tâm lý học đối với các môn sinh của mình. Ngài mời gọi các môn đệ can đảm đối diện trước viễn ảnh Thập giá và cái chết. Những lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh bữa tiệc ly trước khi đi thụ nạn. Trong bài diễn từ rất dài ấy, Chúa nhắc đi nhắc lại về nguyên lý của tình yêu, là yếu tố giúp ta thắng vượt mọi sợ hãi. Thánh Phaolô cũng đã viết: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Tình yêu sẽ giúp chúng ta thực sự lưu lại trong Chúa, Đấng hằng sống, và chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Ga 15,9) bằng cách tuân giữ những điều Thầy truyền dạy”(c.10). Cũng thế, ngày hôm nay, Chúa cũng khẳng định rằng yêu mến Chúa chính là tuân giữ lời của Ngài (Ga 14,23).
Sợ hãi là kinh nghiệm mà chúng ta vẫn thường hay có. Người trẻ sợ tuổi già mau đến. Thanh niên khỏe mạnh sợ lúc bệnh tật hay ốm đau. Đôi trai gái yêu nhau say đắm sợ những giây phút ân ái mặn nồng vụt tan biến. Người giàu sợ sẽ đến ngày khách kiệt... Nói chung, có muôn vàn lý do để phải sợ hãi. Khi đối diện trước cái chết, chính Chúa Giêsu cũng sợ. Sự sợ hãi dâng lên tột độ đến mức mồ hôi và máu toát ra. Ngài đã lớn tiếng và rơi lệ cầu xin với Đấng có thể cứu mình khỏi chết (Dt 5,7), vì Ngài lo sợ, nỗi sợ theo bản tính tự nhiên của con người. Ngài sợ, vì tội lỗi của cả trần gian đang đè nặng trên đôi vai Ngài và cuối cùng dẫn đến cái chết nghiệt ngã. Nhưng khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giêsu đã trở thành nguyên lý cho chúng ta về sự bình an để thoát vượt sợ hãi. Khi hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đến giữa lúc các ông đang ngồi co rúm lại vì sợ sệt. Chúa thổi hơi vào các ông, ban Thánh Thần và trao chúc bình an. Thánh Gioan nêu ra tất cả những chi tiết này để liên kết sự bình an với ân điển của Thần khí, hầu giúp chúng ta thoát vượt sợ hãi. Ngài còn cho các môn đệ thấy những dấu chứng về cuộc khổ nạn nơi thân xác Ngài, và đó cũng là vết tích gây nên sự sợ hãi nơi các tông đồ trước đây.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị đã khởi đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài với thông điệp ‘Đừng sợ’. Bước vào năm thánh 2000, Ngài nhắc lại lời hiệu triệu ấy và mời gọi chúng ta, đặc biệt các bạn trẻ: “Đừng sợ. Các con hãy mở tâm hồn để cho Chúa Giêsu chiếm ngự” (Open door to Christ).
Vì thế, thoát khỏi sợ hãi không phải là một liệu pháp mang tính tâm lý, nhưng là một thái độ của đức tin, cắm sâu niềm tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu đấng đã chết và đã sống lại.
Thành thánh Giêrusalem, quê hương của bình an đích thực.
Không phải vô tình mà Giáo hội chọn bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay trích trong sách khải huyền, đan kết với sứ điệp Chúa nói trong Tin mừng Gioan. Chúng ta được mời gọi hướng về quê hương vĩnh cửu, là thành thánh Giêrusalem trên trời, nơi chốn của bình an viên mãn. ‘Thành thánh chói lọi vinh quang Thiên Chúa và Con Chiên chính là ngọn đuốc chiếu soi thành’. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng quê hương mai sau của chúng ta là một thực tại rất xa vời so với cuộc sống hiện sinh của ngày hôm nay. Không phải thế. Có một bài hát với ca từ rất ý nghĩa: ‘ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay’. Thành Thánh Giêrusalem mai sau đã được bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, nếu chúng ta biết sống sung mãn trong tình yêu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.
Đây không phải là nguyên tắc của lý thuyết xa vời vợi, nhưng đời sống đức tin của chúng ta phải được thể hiện cụ thể, bằng cách đi sâu vào sự kết hợp thân tình với Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện mỗi ngày. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, người sẽ được tôn phong Hiển thánh vào ngày 4 tháng 9 năm nay, là một chuyên gia trong việc thực hành bác ái, đặc biệt đối với những người cùng khổ và bị bỏ rơi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Mẹ luôn nhấn mạnh và khuyên mời các con cái mình chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày. Trong cầu nguyện kết hiệp với Chúa, Mẹ đã nghe được tiếng Chúa Giêsu thét gào trên Thập giá: “Ta khát”. Khởi từ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã hăng say lao vào những công việc bề bộn để phục vụ. Điều chính yếu không phải là chúng ta đã làm được những gì, nhưng quan trọng nhất, chúng ta đang là ai, chúng ta có thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu và có thường xuyên cầu nguyện để lưu lại trong tình yêu với Chúa hay không.
Kết luận
Chúa nói hôm nay: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy”. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch để có được bình an. Chân lý này cũng được Thánh Phanxicô Salê quảng diễn khi Ngài nói với chúng ta: “Ama et fac quod vis”, bạn hãy yêu mến đi, rồi bạn muốn làm gì thì làm.
Lm. GB. Trần Văn Hào

LÃNG MẠN LÀ HƯƠNG VỊ CỦA THIÊN ĐÀNG NẾM TRƯỚC

Giấc mơ thanh khiết nảy sinh ra từ những khao khát mãnh liệt nhất, là cơn nhức nhối về một tình yêu lớn. Vì thế, dù nó đưa đẩy đến những chuyện bất thường, nó là miếng mồi Chúa quăng ra để để kéo chúng ta về cùng đích, về vinh quang.

Thi sĩ Canada, J.S. Porter, đã xuất bản một tuyển tập thơ Các bài thơ của Thomas Merton (The Thomas Merton Poems). Ông cho rằng nếu sống lâu hơn Merton sẽ viết những bài thơ này. Đúng vậy, tôi cũng nghĩ Merton sẽ thấy mình trong đó.
Tôi đặc biệt chú ý đến một bài thơ không đề:
Có quá nhiều thứ,
sách vở, ngôi sao, bông hoa.
Tại sao mình chỉ quý một bông hoa,
khi có cả ngàn bông hoa?
Tại sao thư viện có cả triệu quyển sách
mà chỉ có một quyển sách đáng giá?
Vũ trụ:
với thiên thạch tắt ngúm, ngôi sao vừa sinh
hành tinh, thiên hà bỗng biến bỗng hiện
sinh ra và biến mất trong chớp nhoáng,
lặp đi lặp lại mãi mãi.
Nhưng vẫn còn một cái gì
giấc mơ thanh khiết
đàn ông, đàn bà.
Có một thời gian bài thơ này đã làm tôi điêu đứng; nó ám ảnh tôi, làm tôi dao động, day dứt. Giấc mơ thanh khiết, một đàn bà, một đàn ông…
Mấy hàng này vẫn còn làm xoáy động tâm can tôi và vẫn còn dấy lên một nỗi đau đớn nào đó trong lòng tôi; nhưng, có những yếu tố khác trong con người của tôi giờ đây khơi lên nhiều câu hỏi khác, những câu hỏi không phải gần đây mới có.
Có phải đây là giấc mơ của tuổi thanh xuân? Có phải chúng ta khao khát tình yêu nhất thời của tuổi mới lớn? Có phải nó nói về một cái gì đó còn hơn là chứng ám ảnh tinh thần? Có phải nó đưa chúng ta về một trạng thái mà chúng ta đã đi qua: những hăng say đầu tiên, tình yêu ở tình trạng nguyên sơ? Có phải đây là giấc mơ ngây thơ ban ngày, không thực tế kiểu Hollywood? Có phải đây là nỗi khao khát ái kỷ tìm kiếm người cô đơn cùng cảnh ngộ để cùng chống lại tập thể? Có phải kiểu tình yêu không lành mạnh, tư hữu và ích kỷ mà chủ nghĩa Mác-xít từng lên án từ lâu vì nó làm chận đứng xã hội tiến về công bình và cộng đoàn rộng lớn rộng hơn? Ngắn gọn, giấc mơ này gợi lên mối diễm tình ngây ngất hay nó là cái gì quý nhất trong vương quốc Nước Trời?
Những câu hỏi này tự thân chúng cần được xem xét. Chúng từ đâu đến? Có phải chúng là kết quả của sự trưởng thành hay của tính hoài nghi, chán nản, tinh thần suy nhược, và quả tim đã đánh mất các lý tưởng và một tâm hồn cam chịu?
Chắc chắn là một ít của cả hai. Giấc mơ thanh khiết có thể là giấc mơ của tuổi mới lớn và gây nhiều bứt rứt, nhức nhối vô ích. Theo đuổi nó có thể là hành động gây ảnh hưởng không tốt cho cộng đoàn và làm cản trở công bình. Tuy nhiên đánh mất giấc mơ này có thể là triệu chứng của một quả tim mất lửa sống, một đam mê bị dập tắt.
Giấc mơ thanh khiết nảy sinh ra từ những khao khát mãnh liệt nhất, là cơn nhức nhối về một tình yêu lớn. Vì thế, dù nó đưa đẩy đến những chuyện bất thường, nó là miếng mồi Chúa quăng ra để để kéo chúng ta về cùng đích, về vinh quang.
Ai còn tin vào giấc mơ thanh khiết thì chẳng cần nhắc “con người sống không chỉ bằng cơm bánh,” cuộc sống còn cho rất nhiều điều hơn là mấy chuyện êm dịu của đời sống. Giấc mơ này gợi lên trong chúng ta một nỗi day dứt sâu kín và khôn nguôi mà, có lẽ hơn bất cứ điều gì, nó làm chúng ta vượt lên nhu cầu bản năng để có một đời sống tích góp, gối chăn, an toàn, hài lòng với các giải trí, tiêu khiển êm ả.
Mơ giấc mơ thanh khiết là nhận biết, trong lo lắng khuấy động của tâm hồn mình, mình được đẩy vào cuộc đời, như Thánh Kinh và triết học khẳng định, được thần linh giúp đỡ và thúc bách tìm một tình yêu lớn.
Chỉ khi nào chúng ta thất vọng không đạt được tình yêu lớn đó thì chúng ta mới khó chịu với lãng mạn, với “sa vào lưới tình,” với giấc mơ thanh khiết và chúng ta mới cố gắng chế ngự các khát khao của mình bằng cách khoác lên chúng những chữ như “ngây thơ”, “mới lớn”, “đi ngược với tập thể”, “chứng loạn tinh thần ám ảnh”.
Cách đây một thế hệ, C.S. Lewis đã viết về đề tài này:
Khi nói về ước muốn này… tôi cảm thấy e dè. Giống như tôi làm một cái gì khiếm nhã. Tôi cố gắng mở cái màn bí mật không dò tìm được nơi mỗi chúng ta – cái bí mật đã làm mình đau khổ và mình trả thù bằng cách gọi nó bằng những chữ khó thương như luyến tiếc, lãng mạn, mới lớn, cái bí mật đánh dấu với một sự ngọt ngào, mà trong các buổi chuyện trò thân mật nhất, khi gợi nó lên là chúng ta trở nên vụng về và làm như tự nhạo chính mình: cái bí mật chúng ta không thể giấu và cũng không thể nói ra.
Một cô bạn của tôi sắp kết hôn, cô muốn thuyết phục tôi là cô biết rõ con thuyền cô sắp bước lên: “Tôi rất thực tế, thưa Cha, đây không phải là đam mê ngây thơ. Tôi không chạy theo lãng mạn kiểu Hollywood.”
Tôi đã gởi cho cô bài thơ về giấc mơ thanh khiết kèm theo mấy chữ: “Tận hưởng những hoa trái tình yêu đầu tiên, tuần trăng mật, giấc mơ thanh khiết của bạn nhé. Đó là một trong những hương vị đẹp nhất của thiên đàng mà chúng ta có được ở thế gian này. Những bất ngờ của cuộc sống sẽ sớm lấy nó đi khỏi cuộc đời chúng ta. Nếm chúng và nhớ chúng nhé!”
Giấc mơ thanh khiết. Nếm và ghi nhớ lại. Bạn nghĩ xem thế giới sẽ hạnh phúc biết bao, ít chua cay, ít nghĩ đến chuyện tức thì, nếu mọi người chúng ta biết thưởng thức nó và có thể nhớ lại hương vị của nó. 
Ronald Rolheiser

Nguyễn Kim An dịch

THẾ NÀO LÀ MẤT TRINH?

Trinh tiết chống mọi hình thức chung chạ. Người đồng trinh biết rằng quả tim con người có giá trị như đền thờ của Thần Khí. Họ chỉ có thể cho món quả quý giá này cho người họ tin tưởng.


Cách đây mấy năm, trong một khóa tĩnh tâm, có một cô đến xưng tội với tôi. Cô xưng rất lâu và chân thành.
Nhưng lòng trung thực và ăn năn đã bị tính hoài nghi, lời mỉa mai và một kinh nghiệm sống làm cô cứ tự vấn hoài về lòng trung thực và ăn năn của mình.
Cô là người rất xuất sắc và từng trải. Có thể nói cô biết hết mọi ngóc ngách của cuộc đời. Và cô rất khổ.
Xưng tội xong, cô hỏi tôi cô phải làm gì. Tôi đề nghị cô xúc tiến một chương trình tích cực và lâu dài của việc “vá trinh tiết” để phục hồi lại trinh tiết của cô. Lời đề nghị làm cô sốc, nhưng đó là điều cần thiết cô phải làm.
Dù tuổi đời còn trẻ, cô đã đi rất nhiều, gần như đã làm hết mọi sự và đã làm xong, có thể nói, cũng vì vậy mà làm cô vô cùng khổ sở. Không còn nét trẻ con nào trong tâm thân cô. Cô đã đánh mất gần hết sự trong trắng.
Lời khuyên tôi cho cô, “vá trinh”, là liều thuốc mà tôi nghĩ càng ngày càng cần thiết cho mỗi con người chúng ta, vào thời buổi toàn cầu hóa này. Chúng ta quá cần trong trắng.
Nó muốn nói gì?
Ở nghĩa sâu nhất của chữ này, trinh tiết là một thái độ trong hiện tại đúng hơn là một kỷ niệm về quá khứ tình dục của chúng ta. Trinh tiết của một người không phải là kinh nghiệm tình dục của họ trong quá khứ cho bằng thái độ của họ khi đứng trước thực tế.
Thế nào là thái độ này? Nó gồm ba yếu tố ăn khớp với nhau:
Trước hết, trong trắng là thái độ của đứa trẻ khi đứng trước thực tế. Trẻ con có một tinh thần rất trong trắng, nguyên khai. Trong tâm trí nó, giống như người đồng trinh, luôn có một ý thức về cái mới lạ: kinh nghiệm của lần đầu tiên. Và khả năng biết ngạc nhiên.
Không có bất cứ ảo tưởng nào về cái “đã thấy”, nhưng có một “lòng kính sợ Thiên Chúa,” sợ tình yêu, nỗi sợ khởi đầu của đức khôn ngoan. Vì thế mà nơi trẻ con, nơi người đồng trinh, luôn có một nét huyền nhiệm, ý niệm của một cái gì thiêng liêng, không chạm tới được, không lèo lái được.
Thứ hai, trong trắng là sống không chăn gối, sống với nỗi khao khát trải nghiệm cái không bao giờ được thỏa nguyện cách trọn vẹn. Đồng trinh là sống trong căng thẳng, chưa được thỏa nguyện, khao khát, chờ đợi giây phút được nên trọn trong tương lai. Người đồng trinh không đi đến giường cưới một cách hấp tấp, vội vã. Điều này không chỉ đúng trong phạm vi bản năng giới tính mà còn đúng với tất cả các lãnh lực khác của đời sống.
Cuối cùng, trong trắng là sống tôn trọng và xem là thiêng liêng một số khía cạnh của nhân cách và cuộc sống: chỉ chia sẻ các lãnh vực trong bối cảnh tôn trọng hoàn toàn đặc tính thiêng liêng. Đối với một người đồng trinh luôn có một khiết tịnh nào đó trong kinh nghiệm, trong mọi lãnh vực của đời sống bao gồm cả cuộc sống tình dục.
Trinh tiết chống mọi hình thức chung chạ. Người đồng trinh biết rằng quả tim con người có giá trị như đền thờ của Thần Khí. Họ chỉ có thể cho món quả quý giá này cho người họ tin tưởng.
Trẻ con có thái độ trong trắng tự nhiên này. Nhưng ở đây, thái độ này tùy thuộc vào các yếu tố tự nhiên nơi các người trẻ, chưa biết gì, thiếu kinh nghiệm, mê tín, thiếu cơ hội, ngây thơ tự nhiên, thiếu óc phê phán và thực tiễn.
Khi lớn lên, óc phê phán phát triển, cùng lúc chúng ta có kinh nghiệm, chúng ta mất rất nhiều tính trinh bạch. Một phần, đây là chuyện cần thiết, tự nhiên và lành mạnh – làm người lớn mà vẫn ngây thơ thì không lý tưởng cho lắm.
Tuy nhiên, sự mất tính trinh tiết này một phần không lành mạnh và có thể tránh được.  Như trường hợp người đàn bà tôi kể ở trên, sự mất trinh tiết một phần do háo hức muốn biết mà thiếu suy xét, bóc trần đặc nét thiêng liêng của thực tế, phá bỏ các cấm kỵ (nhất là về mặt tình dục) đi ngược với đạo đức hay để cho sự sốt ruột và thất vọng cuốn chúng ta đi xa khỏi tính khiết tịnh.
Khi điều này xảy ra, tùy phạm vi lớn hay nhỏ trong mỗi cuộc sống mà, chúng ta phát triển một sai lầm về các hiểu biết của cuộc sống và chúng ta bắt đầu sống trong aỏ tưởng này. Và đó là sự mất trinh thật: sống không lành mạnh với cuộc sống, với người khác và với tình dục. Trong tình trạng này, tình yêu đích thực, lãng mạn đích thực, và tất cả vẻ đẹp của tình yêu, khi đó sẽ chết héo theo. Sau cùng sự mất mát tính trong trắng đưa đến một tình trạng thiếu hạnh phúc sâu xa, một trạng thái không còn thơ ngây, một tình trạng trong khi sự thật là đáng thương đó, nhưng lại từ chối thừa nhận chính sự đau đớn và căn nguyên của nó. Đó là một trong những đặc tính của hỏa ngục, đáng thương nhưng từ chối thừa nhận sự thật.
Đi cùng với điều này là một khuynh hướng của tính cố chấp. Tại sao? Bởi vì như Chesterton đã diễn tả chính xác: “Đến một lúc nào đó, đứa trẻ thơ ngây trong mình sẽ chán sống giả tạo; chán chuyện giành giật cướp bóc và tô son trát phấn như thổ dân Da Đỏ. Đó là lúc nó làm khổ chúng ta.”
Nền văn hóa hiện thời đã làm khổ chúng ta! Làm cách nào để chúng ta thức tỉnh khỏi cơn ác mộng này?
Ronald Rolheiser

Nguyễn Kim An dịch

NHỮNG BÀI HỌC QUA THẤT BẠI

Sự nhục nhã tạo nên chiều sâu, nó đẩy chúng ta đi vào những phần sâu sắc hơn trong tâm hồn mình. Tuy nhiên, không may là, không phải lúc nào nó cũng đem lại kết quả tích cực.

Chúng ta học được gì qua các thất bại, qua những lúc bị hạ thấp vì lỗi lầm của mình? Thường thì đó là cách duy nhất để chúng ta phát triển. Khi bị hạ thấp vì những bất đạt của chính mình, chúng ta học được những bài học cuộc đời mà chúng ta không hề cảm nhận được khi đầy tự tin và kiêu hãnh. John Updike đã nói, có những bí mật mà người khỏe mạnh không biết được. Bài học này có đầy trong Kinh thánh và thấm sâu trong mọi linh đạo của mọi tôn giáo đáng trọng.
Linh mục Raymond E. Brown, đã cho chúng ta một mô tả về sự khôn ngoan Kinh thánh này. Suy ngẫm về việc dân Chúa chọn, dân Israel, đã có lúc họ phản bội lại đức tin của mình và hậu quả là bị hạ bệ, bị Chúa ngoảnh mặt làm ngơ, cha Brown cho thấy, về lâu dài, cái tưởng như là thảm họa này cuối cùng lại là một trải nghiệm tích cực. “Dân Israel hiểu thêm về Chúa trong đống tro tàn của Đền thờ bị dân Babylon hủy diệt, hơn là trong thời kỳ huy hoàng của Đền thờ dưới thời Vua Salomon.”
Cha Brown nói thế nghĩa là sao? Ngay trước khi bị Nebuchadnezzar, vua của Babylon chinh phạt, dân Israel đã trải qua một thời kỳ mà nhìn bên ngoài tưởng như là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử của họ (về mặt chính trị, xã hội, và tôn giáo). Israel có được đất hứa, đã chinh phục mọi kẻ thù của mình, đã có một đức vua vĩ đại trị vì, và có một đền thờ nguy nga ở Giêrusalem làm nơi thờ phượng và trung tâm quy tụ toàn dân. Tuy nhiên, trong cái có vẻ là hùng mạnh đó, và có lẽ chính vì nó, mà Israel đã trở nên tự mãn về đức tin và lòng trung tín ngày càng lung lay. Sự tự mãn và lung lay đó dẫn đến sự sụp đổ của nó. Năm 587 trước Công Nguyên, nó đã bị một nước ngoại bang chinh phạt, bị cướp hết đất đai, hầu hết dân chúng bị đày đến Babylon, vua bị giết và đền thờ bị phá hủy đến tận viên đá cuối cùng. Israel đã phải trải qua gần nửa thế kỷ lưu đày, không có đền thờ, đấu tranh để tin tưởng rằng Thiên Chúa yêu thương mình.
Tuy nhiên, xét toàn cảnh, chuyện này hóa ra lại tích cực. Nỗi đau khi bị lưu đày và những nghi hoặc trong đức tin do đền thờ bị phá hủy, cuối cùng lại được bù đắp bằng những gì dân Israel học được qua việc bị hạ nhục và khủng hoảng, cụ thể là họ biết được Thiên Chúa vẫn trung tín dù chúng ta thì không, biết được những thất bại mở mắt chúng ta nhìn ra sự tự mãn và mù quáng của mình, biết rằng những thứ bề ngoài là thành công thường là ngược lại, cũng như những thứ bề ngoài là thất bại thường cũng là ngược lại. Như cha Richard Rohr nói, trong thất bại, chúng ta có cơ hội để “ngã lên”
Tôi tin rằng không có hình ảnh nào dễ hiểu hơn để hiểu được những gì Giáo hội đang phải chịu đựng nhục nhã vì cuộc khủng hoảng xâm hại tình dục của các giáo sĩ trong giáo quyền và trong các Giáo hội khác nữa. Hãy nói lại thấu suốt của cha Raymond Brown như thế này: “Giáo hội có thể học biết thêm về Thiên Chúa trong đống tro tàn của khủng hoảng xâm hại tình dục của các giáo sĩ hơn là trong các thời kỳ huy hoàng với các đại thánh đường, với sự mở mang cực đại của Giáo hội, với thẩm quyền tuyệt đối của Giáo hội.” Giáo hội cũng có thể biết thêm về chính mình, về kiểu bịt mắt làm ngơ những lầm lỗi của mình, và về nhu cầu phải thay đổi cơ cấu và biến đổi con người trong Giáo hội. Mong là như cuộc lưu đày Babylon với dân Israel, chuyện này đến tận cùng cũng là một điều tích cực đối với Giáo hội.
Hơn nữa, một chuyện đúng với Giáo hội (và chắc chắn với các tổ chức khác nữa) thì cũng đúng cho mỗi người chúng ta trong đời sống riêng. Sự nhục nhã chặn đường chúng ta vì những bất đạt, tự mãn, thất bại, phản bội, không chịu nhìn ra lỗi lầm, những thứ đó đôi khi có thể là cơ hội để chúng ta “ngã lên”, để khi ở trong đống tro tàn chúng ta học biết được những điều chúng ta đã không học được khi đang trên đà thành công.
Hầu như không có ngoại lệ, những thành công lớn trong đời, những thành tựu lớn, và những vinh quang danh giá thường không đào sâu con người chúng ta. Xin trích lại lời của James Hillman, thành công thường không đem lại chiều sâu gì cho cuộc đời chúng ta. Ngược lại, nếu can đảm và thành thật suy ngẫm mọi điều từng đem lại chiều sâu và tạo nên tâm tính chúng ta, chúng ta phải thừa nhận, trong mọi trường hợp, nó đều là một thứ gì đó đáng hổ thẹn, một cảm giác bất đạt về thân thể, một nét không mấy tự hào thưở nhỏ, những lỗi lầm đáng xấu hổ trong đời, hay một tính cách mà chúng ta thấy phần nào hổ thẹn. Đây là những điều cho chúng ta chiều sâu.
Sự nhục nhã tạo nên chiều sâu, nó đẩy chúng ta đi vào những phần sâu sắc hơn trong tâm hồn mình. Tuy nhiên, không may là, không phải lúc nào nó cũng đem lại kết quả tích cực. Nỗi đau của nhục nhã khiến chúng ta sâu sắc, nhưng có thể là sâu sắc theo hai hướng, hướng thấu hiểu và thông cảm nhưng còn là hướng chua cay thù hận cả thế giới.
Nhưng điều tích cực là: Như dân Israel trên bờ biển Babylon, khi đền thờ của chúng ta bị phá hoại hay bị hủy diệt, trong đống tro tàn của thời kỳ lưu đày, chúng ta có cơ hội để nhìn ra những điều thâm sâu hơn mà thường chúng ta nhắm mắt làm ngơ.
Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch