Ý NGHĨA VÀ THÚ VỊ

Có lẽ “ý nghĩa” và “thú vị” là hai điều rất quan trọng trong cuộc sống. Thật đáng tiếc nếu tôi sống vô nghĩa và vô vị! “Cuộc sống” khác với “sinh tồn”.
Nếu đời tôi ý nghĩa mà thiếu thú vị, thì tôi bận bịu trăm công nghìn việc, nhưng lại buồn chán. Nếu đời tôi thú vị mà thiếu ý nghĩa, thì tôi đang sống kiểu “giải trí”, trống rỗng!
Sống thú vị là sống ý nghĩa, là sống biết thưởng thức. Biết sống không phải chỉ là kiến thức.
Hiểu biết là hòa hợp. Kiến thức của tôi có thể rộng lớn về đủ loại phạm vi, nhưng tôi lại chưa biết thưởng thức chúng. Có thể tôi ngày càng am tường một lĩnh vực chuyên sâu, để rồi tự biến mình trở thành một “tên ngốc tài năng”.
Nhịp sống ngày nay cũng có thể làm cho cuộc sống tôi trở nên vô vị. Có thể do tôi quá ham thích đồ vật và quá ham thích quen biết nhiều người. Ham thích đồ vật, bị cuốn vào vòng xoáy tiêu thụ, mà thực ra tôi đang sống kiểu văn hóa “vứt đồ”, vì tôi không còn thì giờ để yêu thích bất cứ cái gì nữa. Đồ của tôi cần luôn là mới nhất, hợp thời nhất, đắt tiền nhất…
Tôi như người lính chuyên đi chiếm đóng các lãnh thổ, mà quên đi vai trò chăm sóc vun trồng ruộng đồng của người nông dân. Thay vì làm chủ thế giới, tôi tự trở thành kẻ làm thuê chỉ biết làm theo những mệnh lệnh vô hình vô hồn. Nhà của tôi có thể nhiều đồ đạc quá đến nỗi tôi không còn đủ chỗ để ở. Tôi quen biết bao nhiêu là người, mà không biết thực sự bạn thân có nổi một người hay không. Khi ấy, tôi dễ bị cuốn vào vòng xoáy của “văn hóa thời thượng” là “vứt đồ” và “vứt người”.
Thách đố rất lớn là làm thế nào để hòa hợp, hòa hợp giữa hiểu biết và tình cảm, giữa cái đầu và con tim. Trong đầu tôi có danh mục dài về giá tiền của các loại hàng hóa, nhưng lại thiếu danh mục về giá trị thật mà từng loại hàng hóa ấy mang lại cho tôi. Trong tâm tôi có danh mục hàng loạt bạn bè được phân chia phức tạp đủ loại lãnh vực, nhưng lại thiếu đi danh mục thực sự tình bạn tôi có với từng người bạn là gì.
Những suy nghĩ giản đơn này có thể giúp đời bớt vô nghĩa, bớt vô vị. Bởi lẽ, nếu không nghĩ một chút, tôi rất dễ bị khủng hoảng bị sụp đổ, khi một ngày chợt nhận ra: tôi bị mất hết tài sản, tôi bị bạn bè quên lãng; chứ thực ra, từ lâu tôi đã không có gì, từ lâu tôi đã không có bạn.
Ước gì, tôi sớm “phủi bụi” những giấc mộng chơi vơi, để đầu có thể đội ánh bình minh, để chân thật sự đi trên đất, để tay nắm chặt những bàn tay bằng xương bằng thịt của bạn bè, để từng nhịp tôi thở bầu không khí chung của mọi người, để tôi xác định được chỗ đứng của tôi tuy tí hon nhưng rất vững chắc trong vũ trụ bao la này.
Thú vị thay khi cười vui với bạn. Ý nghĩa thay khi nhìn nhau vui cười!
Tứ Quyết, SJ

(sưu tầm và biên soạn)

PHÚT RIÊNG TƯ VỚI THẦY

Các bạn trẻ thân mến,
 Có lẽ đã không ít lần, các bạn cảm thấy mình như rơi vào một trạng thái mông lung, mệt mỏi, rã rời. Những bon chen trong cuộc sống, của mưu sinh, của danh vọng và đồng tiền như đang bóp nghẹt hơi thở các bạn. Rồi biết bao câu chuyện bi thương xảy ra trên thế giới và trong chính gia đình mình đã khiến các bạn phải hoang mang, lo lắng. Dù đã cố gắng thật nhiều, nhưng dường như trước mắt các bạn vẫn là một màu đen u sầu quá đỗi. Bước chân thêm nặng nề, tấm thân thêm uể oải, cả một khoảng trời đen đang chực chờ ập xuống.

Trong những lúc ấy, các bạn thường làm gì? Một cuốn phim, một bản nhạc, một ly cafe… liệu có đủ giúp xua tan những trống vắng này không?

Đã có lúc, trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Đức Giêsu đã cất lên lời mời gọi: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt11,28). Nơi khác, khi tường thuật lại những lời trối trăn của Đức Giêsu trong vườn cây Dầu, thánh Gioan đã ghi nhớ rất cặn kẽ mong ước của Thầy, là: “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4), “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5), “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15,7) Lời mời gọi của Chúa Giê-su thật thống thiết biết bao!

Như chúng ta, chính Đức Giêsu cũng đã phải trải qua những kinh nghiệm đau thương của kiếp con người. Nhưng Ngài đã vượt qua nó cách dễ dàng, nhờ luôn biết “ở lại” trong Chúa Cha. Giờ đây, Ngài chỉ vẽ cho chúng ta một bí quyết tuyệt hảo để vượt thắng tất cả những gian nan trong cuộc sống, là “hãy đến và ở lại với Ngài”. Ở lại với Giêsu, sức sống mãnh liệt của Thiên Chúa toàn năng sẽ được thông truyền đến cho chúng ta. Mẹ Maria và các bậc đại thánh trong Giáo Hội đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Nhờ luôn ở lại và gắn bó với Giêsu, họ luôn bình an trước bao biến cố vui buồn của cuộc sống. Họ vui vẻ đón nhận tất cả những khốn khổ của kiếp nhân sinh. Họ lạc quan khi đối diện với biết bao nghịch cảnh và luôn vững niềm tin dù tương lai vô cùng u tối.

Chương 3 của Tin Mừng Maccô đã phác họa cho chúng ta thấy hình ảnh và căn tính của một người môn đệ Chúa Giêsu. Trước khi được sai đi với quyền trừ quỷ, người môn đệ được Thầy Giêsu mời gọi đến, để ở lại với Ngài. (x.Mc 3,4) Hai môn đệ Anre và Gioan, nghe theo lời giới thiệu của Gioan Tẩy giả, đã đi theo Giêsu và được Giêsu mời đến nhà mình. Họ đã ở với Giêsu suốt ngày hôm ấy (x. Ga 1,39). “Ở với Ngài” không phải là kiểu kề cận về mặt thể lý, nhưng là sự gần gũi của con tim, của tâm hồn. Lời mời gọi của Giêsu 2000 năm trước vẫn còn vang vọng đến hôm nay và đến tận sau này. Hóa ra, ở lại với Giêsu, trước khi trở thành nhu cầu cấp thiết của từng người chúng ta, đã là một lời gọi mời đi bước trước của Con Thiên Chúa làm người. Chính Thiên Chúa đã muốn ở với con người trước, và Ngài vẫn hằng mong chờ lời đáp trả của chúng ta.

Các bạn trẻ thân mến,

Các bạn cũng được Chúa Giêsu mời gọi như thế. Hãy đến và ở lại bên Ngài. Hãy dành cho Ngài một khoảng riêng trong con tim và khối óc, vốn đầy dẫy những toan tính và lo âu. Hãy để cho Giêsu có một chỗ đứng trong cuộc đời các bạn. Ở với Giêsu, các bạn mặc sức chia sẻ cùng Ngài những ước mong, những mệt mỏi, những chán chường mà không sợ Ngài làm ngơ hay bỏ mặc. Giêsu sẽ an ủi, động viên và ban cho các bạn thêm sức sống. Ở cùng Giêsu, các bạn sẽ có cơ hội lắng nghe những tâm sự của Ngài. Ngài sẽ kể cho các bạn nghe về Chúa Cha, là cội nguồn tình yêu và hạnh phúc, Đấng đã luôn tín trung và kiên nhẫn với con người biết bao qua dòng lịch sử. Các bạn sẽ cùng với Giê-su chiêm ngắm những công trình tuyệt diệu tay Chúa đã làm mà ca ngợi Thiên Chúa. Và điều quan trọng hơn cả, ở bên Giê-su, Giêsu sẽ tỏ bày cho các bạn biết nhiều hơn về chính Ngài và về những thao thức sứ mạng mà Chúa Cha giao phó cho Ngài. Một khoảnh khắc nhỏ bên Giêsu, chắc chắn sẽ hâm nóng lại tâm hồn các bạn, sẽ làm tươi mới hơn bầu huyết trong các bạn, giúp các bạn thêm vững bước trên những hành trình gian nan của cuộc sống, với một niềm tin và tình yêu rực lửa. Đó là những gì mà những người làm chương trình của chuyên mục Ở LẠI VỚI NGƯỜI mong muốn mang đến cho các bạn.

Giờ đây, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn Thánh Thần cho chúng ta, giúp chúng ta có thể thả lỏng tâm hồn mình, ngõ hầu Chúa có thể đến và ngự trong lòng chúng ta...

Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ

VCN

CHÚA NHẬT LỄ KÍNH MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ

Không gì quý bằng sự sống. Dù bị thiên tai càn quét hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng người nhà chưa phải chết thì vẫn còn may.
Được sống trên cõi đời là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Sách Giảng Viên viết: "Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết." (Giảng Viên 9,4). Thà làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: "Mạng sống quý hơn đống vàng."
Vì yêu thương con người vô hạn nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý nhất, đó là sự sống; và Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật (sự sống tự nhiên) mà còn thông ban cả Sự Sống thần linh của chính Thiên Chúa cho con người nữa.
Thông ban Sự Sống thần linh
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu xác nhận sự sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha.” (Ga 6, 57)
Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.
Bằng cách nào?
Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.
Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”
Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì kẻ ấy nên một với Chúa Giêsu và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51)
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54)
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giêsu khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời.
Biến đổi con người thành Chúa Giêsu
Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:
“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy.” (Trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)
Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)
Lạy Chúa Giêsu,
Hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.
Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.
Lm. Ignatiô Trần Ngà


CẦU NGUYỆN CHO CÁC GIA ĐÌNH TRẺ

Một ngày đẹp trời nọ, định mệnh đưa ta đến với một con người. Tình yêu lẻn vào tim ta hệt như một tên trộm, lấy cắp đi cái gì đó mà ta chẳng hề hay biết. Ta bỗng nhận ra mình không thể sống mà thiếu người này. Hai con tim như hòa quyện nên một. Và rồi khi tình yêu đã dâng cao ngập cõi lòng, hai ta cùng nắm tay nhau đến trước mặt Chúa, xin Chúa chứng giám và chúc lành cho tình yêu này. Ngày cưới có lẽ là ngày hạnh phúc nhất trong đời ta, vì ngày đó, ta hãnh diện công bố cho người khác biết rằng kể từ giờ đây, cuộc đời ta đã bắt đầu mở sang một trang khác, giờ đây, ta và người bạn đời không còn là hai thế giới riêng biệt nữa nhưng chỉ còn là một, một tâm hồn, một thân xác. Ta và người ấy kết ước với nhau, thề rằng sẽ ở bên nhau trọn đời trọn kiếp, không điều gì trên đời này có thể ngăn chia, dù sông cạn đá mòn, dù ngăn sông cách biển, ta và người ấy vẫn mãi nắm tay nhau, trao cho nhau một tình yêu trọn vẹn và tinh tuyền, không bao giờ bội phản, chẳng bao giờ dối gian.
Khi đã bước vào hôn ước, ta vui với niềm vui mới, với một khung trời mới. Nhưng ta cũng không thể không nhớ đến một điều là thời trẻ thơ vụng dại của ta không còn nữa. Qua rồi những lúc hai đứa còn tay trong tay vô tư nô đùa nơi công viên hay nơi hàng nước. Không còn những khoảng khắc hồi hộp chờ đợi nhau, nói những chuyện vu vơ trời đất, hay viết những lá thư, những vần thơ lãng mạn êm tai. Giờ đây, ta phải đảm nhận một trách nhiệm mới, sẽ là chồng, là vợ của người khác. Ta phải lo làm việc, phải nghiêm túc trong cách hành xử, không còn được bông đùa trêu ghẹo người này người kia. Cuộc sống ta cũng từ đó mà có nề nếp hơn. Ta phải thức dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình chứ không được thả hồn vào những giấc mơ hồng trên chiếc giường ấm áp như trước kia. Tan giờ làm, ta phải về nhà để vui vầy với gia đình, chứ không được là cà với đám bạn ở quán bia quán rượu. Một khoảng thời gian sau, ta cùng người bạn đời hân hoan vui sướng đón chào một mầm sống mới, là kết quả của tình yêu chúng ta, là trái ngon của nhành cây ân ái vợ chồng. Trên vai ta là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn, nhưng cũng là những gánh trách nhiệm nặng nề. Làm sao để vun đắp gia đình, làm sao để giáo dục con cái, làm sao để sống một đời sống mới trong an bình và niềm vui. Đây là những bận tâm không nhỏ chút nào đối với những người vừa bước vào đời như chúng ta.
Ngày nắm tay thề ước, ta ngỡ như mình sống trên Thiên Cung. Quanh ta là những lời chúc mừng, những tiếng ca du dương thánh thót, đưa hồn ta lên cao. Dưới chân ta là những thảm hoa rực rỡ ngát hương thơm. Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng mang đến cho ta những điều tuyệt vời như thế. Sống với nhau, ta mới phát hiện ra những tật xấu của nhau. Thời gian qua đi, ta thấy người bạn đời không còn giữ được nét hương sắc như thuở còn xuân thì. Những áp lực của công ăn việc làm khiến ta dễ nổi nóng và gắt gỏng hơn. Rồi ta không còn nhớ nỗi ngày sinh nhật của người bạn đời, quên người ấy thích ăn món ăn gì, quên đi cả ngày kỷ niệm hôn ước năm xưa. Những cám dỗ giữa dòng đời cứ luôn có sẵn đó: những quyến rũ, những mời mọc cứ luôn thôi thúc ta đi tìm một cảm giác lạ. Con cái lớn lên, chuyện học hành, chuyện sức khỏe… Làm sao để chúng được lớn khôn nên người, biết vâng lời, sống yêu thương và có ích… Đây đích thực là những khó khăn cho mọi gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ vừa chập chững sống đời hôn nhân.
Khi cùng nhau nắm tay thề ước trước mặt Chúa, ta và người bạn đời đã quỳ gối xin Chúa chúc lành cho tình yêu của mình. Nhưng lời chúc lành ấy chắc chắn chẳng thể nào có kết quả nếu chúng ta không cùng cộng tác với Chúa. Sẽ tuyệt vời biết mấy khi mỗi ngày vợ chồng con cái cùng quy tụ trước bàn thờ để hướng lòng về Chúa. Mỗi ngày hay mỗi tuần, cả gia đình cùng nhau đi lễ, hát những bài thánh ca tán dương Chúa. Rồi lâu lâu, cả gia đình về thăm ông bà nội ngoại để thể hiện sự quan tâm dành cho các bậc trưởng bối và dạy cho con cái bài học về lòng hiếu thảo. Trong gia đình, vợ chồng nêu gương yêu thương và rèn luyện con cái mình bằng những bài học chân thành và hữu ích. Người chồng luôn giữ được vai trò trụ cột của gia đình, người vợ luôn dịu dàng nâng đỡ, con cái biết vâng lời mẹ cha và cố gắng học hành thật tốt.
Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các gia đình trẻ. Xin cho họ biết luôn đặt Chúa vào trong tình yêu của mình, xin cho tình yêu họ dành cho nhau luôn nồng thắm, để họ có đủ sức vượt qua tất cả những gian nan vất vả nơi đoạn đường đầu của đời sống hôn nhân và gia đình mà họ đang nỗ lực hàng ngày vun đắp luôn được thánh ân Chúa tưới gội từng phút giây trong suốt cuộc đời.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Mầu nhiệm Ba Ngôi tuy cao siêu nhưng không viển vông xa rời thực tế. Trái lại đây là một mầu nhiệm rất thiết thân, rất gắn bó với đời sống người tín hữu. Mầu Nhiệm nầy mời gọi các ki-tô hữu luôn sống yêu thương hiệp nhất theo khuôn mẫu ba Ngôi.
Gia đình Thiên Chúa" hiệp nhất trong yêu thương: ba Ngôi nên một.
Trước hết, chúng ta hãy chiêm ngắm "Gia đình" ba Ngôi (xin tạm dùng cụm từ ‘Gia đình’ để diễn tả sự hiệp thông rất mật thiết giữa ba Ngôi Thiên Chúa). "Gia đình" nầy có ba Vị hay ba Ngôi riêng biệt (Vị / Ngôi đồng nghĩa với nhau): Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con, Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần, tuy vậy ba Vị chỉ là một Thiên Chúa. (sách bổn cũ ghi: Thiên Chúa nhất Thể tam Vị).
Chính Chúa Giêsu khẳng định chân lý nầy khi Ngài phán: "Thầy với Chúa Cha là một" (Ga 10,30). Vì thế, "ai thấy Thầy là đã xem thấy Chúa Cha" và Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra (kinh tin kính).
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn nói rõ hơn cho chúng ta biết tình hiệp thông khắng khít giữa Người với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy" (Ga 16,15).
Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta biết: "Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3,35). Rồi "Con yêu Cha nên Con làm mọi sự đúng như Chúa Cha đã truyền dạy" (Ga 14, 31) cho dù phải "vâng lời Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và chết trên thập giá" (Phi 2,8).
Như thế, trong "Gia đình" nầy, tình yêu thương đậm đà thắm thiết giữa ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, thế nên Hội Thánh dạy rằng dù có ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa.
Thiên Chúa kiến tạo các gia đình nhân loại theo khuôn mẫu ba Ngôi.
Thế rồi, Thiên Chúa đã chọn "Gia đình ba Ngôi" như một khuôn mẫu lý tưởng để dựng nên gia đình Ađam- Evà. Kinh thánh cho biết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (St 1,27) và đôi vợ chồng đầu tiên nầy tuy gồm hai ngôi vị khác nhau nhưng cũng chỉ là một.
Để trình bày tính cách 'hai mà một' nầy, kinh thánh mô tả cách thi vị như sau: Sau khi tạo dựng Ađam, Thiên Chúa khiến cho ông ngủ say rồi rút xương sườn của ông mà dựng nên E-và rồi dẫn bà đến với ông. Bấy giờ A-đam nói: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Bởi đó, “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2, 24).
Qua Tin Mừng Mat-thêu, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định với mọi người rằng trong hôn nhân, hai vợ chồng “không còn là hai nhưng chỉ là một xương một thịt” nên không bao giờ được chia lìa. (Mt 19,6).
Thiên Chúa kiến tạo Hội Thánh theo khuôn mẫu ba Ngôi.
Tiếp theo, Thiên Chúa cũng chọn "Gia đình" Ba Ngôi làm khuôn mẫu lý tưởng để dựng nên gia đình thứ ba, rộng lớn hơn nhiều là đại Gia đình Hội Thánh.
Để thực hiện dự án nầy, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích thánh tẩy để tháp nhập mọi tín hữu vào thân mình Người (như những cành nho được tháp vào thân nho, như bàn tay được tháp vào cơ thể.) Thánh Phao-lô dạy:"Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. (Ga 3, 27-28). Thế là cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giêsu Ki-tô không còn là nhiều nhưng đã hiệp thông nên một: một nhiệm thể Chúa Ki-tô.
Chúa Giêsu lại còn dùng bí tích Thánh Thể để tăng cường sự hiệp thông nầy nên mật thiết hơn. Nhờ hiệp thông với Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong thánh lễ, các tín hữu được trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giêsu và nên một với nhau.
Chúa Giêsu muốn rằng sự hiệp thông giữa những người con cái Chúa phải bền chặt như sự hiệp thông giữa ba Ngôi. Thế nên, trước khi lìa xa các môn đệ, Ngài thành khẩn cầu xin cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, xin cho họ nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha".(Ga 17, 21)
* * *
Trong ngày lễ Chúa ba Ngôi hôm nay, chúng ta hãy quyết tâm chọn “Gia đình ba Ngôi Thiên Chúa” làm mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình chúng ta, xây dựng giáo xứ chúng ta thành gia đình yêu thương và hiệp nhất bền chặt như “Gia đình Thiên Chúa ba Ngôi”, nhờ đó mỗi gia đình sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa năm 2002 (số 6):
“Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa ba Ngôi Thiên Chúa.”

Lm. Ignatiô Trần Ngà

GHÉT MỘT NGƯỜI ...


Ghét một người,

Là không thích nhìn mặt,

Là không muốn tiếp xúc,

Là không thèm quan tâm,

Ghét một người là đưa người đó ra khỏi thế giới của mình, là đối với mình, người đó không tồn tại, người đó có sống chết thế nào, ta cũng chẳng bận tâm. Ghét là không dành cho người ta sự đồng điệu, là cho rằng người ta khác với mình và không thể có nét gì giống mình được. Ghét là đẩy người ta ra xa mình, là quay mặt đi – quay lưng lại với người ta, là bĩu môi khi người ta nói, là gạt đi ý kiến của người ta, là có khi chỉ cần nghe nhắc đến cái tên thôi, là ta đã thấy lòng trào tràn những cảm xúc tiêu cực rồi. Có thể vì không ưa, vì không hợp tính cách, vì không chung quan điểm. Cũng có thể vì người đó xấu tính, người đó đã làm chuyện gì sai, hoặc người đó đã gây ra tai hại gì đó cho mình. Hoặc, có đôi khi, ghét chỉ vì không thích, thế thôi!

Nhưng cảm xúc của con người lại rất phức tạp. Ghét một người chưa hẳn là không để ý tới người đó. Phải có sự để ý đến người đó, ta mới thấy người đó có cái gì đó không hợp, không “cùng tông” với mình chứ! Phải có sự để ý đến những gì người ta nói, mình mới “bĩu môi”, mới “gạt đi” được chứ! Tuy không đúng hoàn toàn, nhưng ghét một người có đôi khi lại là vì quá quan tâm, quá yêu mến… rồi vì sự quan tâm và yêu mến của mình không được đền đáp, nên mình đâm ra ghét. Hận một người, đó chẳng phải vì quá yêu người đó mà không được đón nhận đó sao? Thù một người, đó phải chăng là do đã đặt quá nhiều tin tưởng vào người đó, nhưng niềm tin ấy bị phản bội?

Thật chẳng dễ chút nào để hiểu được từng dòng cảm xúc trong con người. Cuộc chiến nội tâm trong con người chưa bao giờ dừng lại. Thế giới cảm xúc lại rất nhạy cảm với hoàn cảnh bên ngoài, mà hoàn cảnh thì có bao giờ đứng yên đâu.Giữa yêu và ghét, giữa thương rồi hận, mến rồi thù… dường như chỉ có một đường ranh rất mỏng. Con người hạnh phúc rồi khổ đau, cười rồi khóc, sung sướng rồi đau khổ, cảm xúc cứ đong đưa như con lắc đồng hồ, hay như con lật đật chao đảo ngã nghiêng. Thậm chí, ta có thể nói rằng chẳng có một sự phân biệt rõ ràng nào giữa yêu và ghét, bởi cái ghét nằm trong cái yêu và cái yêu đã hàm chứa cái ghét. Bởi thế, ghét một người chưa hẳn là loại trừ người ta ra khỏi cuộc sống của mình. Trái lại, càng ghét ai, hình bóng người đó càng xuất hiện nhiều trong ta, chẳng qua chỉ là với một cung bậc khác.

Khi ghét ai, người chịu thiệt thòi đầu tiên và nặng nề nhất là chính ta, bởi vì lòng ta lúc nào cũng ngập tràn những cảm xúc tiêu cực về người ấy. Cảm xúc tiêu cực làm ta khó chịu, bức bối không yên. Rồi nó làm ta mất giờ bởi cứ phải suy nghĩ về người ấy với những tư tưởng không hay, ta còn cầu mong những điều không may xảy ra cho người ấy mà chẳng biết người ấy có gánh chịu những điều tai hại từ sự chúc dữ của ta hay không. Khi cái ghét lên đến đỉnh cao, ta còn bày mưu tính kế để hãm hại họ. Và giả như kế hoạch của ta thành công, cái mà ta có được cũng chỉ là một chút hả hê đắc thắng, chứ không phải là một sự bình an thẳm sâu. Ta vẫn chẳng có thêm được gì nhưng lại chỉ mất thời gian và công sức cho những chuyện không đâu. Ta nghĩ rằng mình đã gỡ bỏ đi được một “kẻ thù” và cuộc sống của ta sẽ thoải mái hơn. Nhưng khi nhìn lại, ta thấy mình vốn dĩ đã bị mất mát nhiều, nay lòng hận thù càng đục khoét, nới rộng thêm những chỗ trống thương đau. Ghét một người, loại trừ một người, chưa bao giờ là phương thế giúp ta có được bình an.

Con người chúng ta được dựng nên là để chia sẻ tình thương. Càng mở ra, càng đón nhận người khác, càng phá bỏ đi những rào cản, ta càng cảm thấy cuộc sống này thật ý nghĩa. Khi ta được một ai đó đón nhận, ta cũng thấy có một niềm hạnh phúc dâng cao trong lòng. Đó chính là huyền nhiệm của tình yêu thương mà Tạo Hoá đã đặt để nơi vũ trụ và nơi từng thụ tạo của Người. Đã đành con người bị đẩy đưa bởi những cảm xúc vui buồn, yêu ghét. Nhưng con người cũng được ban cho sức mạnh giúp hướng về điều gì là tốt đẹp để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Đừng vì những lý do không đâu mà ghét người ta: ghét vì ganh tỵ, ghét vì người đó giỏi hơn mình, ghét vì người đó ngăn cản thành công của mình… Những điều này chẳng giúp ta được điều gì ngoại trừ chỉ cho ta thấy mình là một con người kém cỏi, nhỏ mọn và hèn nhát ra sao.

Còn nếu cái ghét xuất phát từ một tình yêu quá lớn bị phản bội hay không được đền đáp thoả đáng hoặc không được đón nhận như mong chờ, một sự bình tĩnh là rất cần thiết. Biết rằng khi yêu thì ai cũng mong được yêu lại, và nếu không được như thế thì sẽ rất đau, nhưng một lòng hận thù nảy sinh lúc đó thì giải quyết được gì. Người ta phản bội mình, rồi thế nào người ta cũng gánh chịu hậu quả đã gây ra thôi. Còn nếu ta yêu người đó thật lòng thì hạnh phúc của người đó mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải một sự chiếm hữu độc quyền của ta. Đừng vì việc người ta không đón nhận mình mà biến tình yêu cao đẹp thành sự thù oán chua cay. Luật đời có vay có trả. Ai cho đi tình thương thì sẽ nhận lại tình thương, còn ai sống trong thù hận thì chính sự thù hận đó đã là một hình phạt dày xéo tâm can người đó rồi. Nỗi đau khi mất đi một tình yêu đã đủ lớn rồi, đừng làm cho nỗi đau ấy lớn lên thêm chỉ vì sự thù ghét của ta. Thay vào đó, hãy xoa dịu nó bằng sự tha thứ và chân thành. Cuộc sống của ta mới có thể nở hoa được. Bởi thế,

Hãy dám nhìn nhau

Hãy tiếp xúc với nhau

Hãy quan tâm đến nhau để trao nhau và chia sẻ cho nhau tình thương mến!

 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
http://dongten.net/


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

           
Sau khi tạo dựng vũ trụ càn khôn cùng muôn vật diệu kỳ trong hoàn vũ, Thiên Chúa vẫn chưa hài lòng với tác phẩm của mình. Người muốn sáng tạo thêm một kiệt tác trổi vượt tất cả những gì Người đã dựng nên.
Thế là Ba Ngôi Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người: "Chúng ta hãy sáng tạo con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để chúng làm chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (St 1, 26).
Thiên Chúa lấy bùn đất, nắn thành hình một con người, nhưng hình tượng nầy vẫn còn trơ trơ bất động, vô cảm, vô tri...
Thế rồi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của hình tượng nầy và điều kỳ diệu đã xảy ra: khối đất vô hồn mang hình dạng con người đang nằm im lìm bất động bỗng cựa mình đứng lên trở thành người sống: có tư duy, có tình cảm, có tự do, có óc sáng tạo... mang đậm dấu ấn và bản sắc của Thiên Chúa. Thế là Thiên Chúa đã hoàn thành kiệt tác Ađam là nguyên tổ của loài người.
* * *
Con người cũ bị băng hoại vì tội lỗi.
Nhưng tiếc thay, tội lỗi đã thấm nhập vào thế gian làm băng hoại con người. Kiệt tác của Thiên Chúa đã bị biến chất thảm hại nên Thiên Chúa phải theo đuổi một kế hoạch tạo dựng mới.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người khởi đầu công cuộc nầy. Người quy tụ những môn đệ đầu tiên, và dùng những vị nầy làm nhân tố phát sinh một dân mới.
Nhưng sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, các môn đệ cảm thấy lạc lõng bơ vơ như đoàn chiên không chủ, như rắn mất đầu. Các ngài sống âm thầm, im hơi lặng tiếng, co cụm trong phòng đóng kín vì sợ người Do-Thái, tựa như Ađam lúc chưa được hơi thở của Thiên Chúa thổi vào.
Con người mới được tác sinh
Thế rồi "vào chiều ngày hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"
Và như thuở ban đầu Thiên Chúa thổi hơi vào mũi A-đam để ban cho ông sự sống, thì nay Chúa Giêsu "thổi hơi vào các môn đệ và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần"(Ga 20,19. 22)
Theo ngôn ngữ Kinh Thánh (bằng tiếng Hebrew), Chúa Thánh Thần được gọi là Ruah, nghĩa là Hơi Thở hay Thần Khí.
Thổi hơi vào các môn đệ có nghĩa là Chúa Giêsu truyền ban Thần Khí (= Chúa Thánh Thần) cho các ông.
Như hôm xưa Ađam vươn vai chỗi dậy sau khi đón nhận hơi thở của Thiên Chúa, các môn đệ một khi đã lãnh nhận Hơi Thở ban Thần Khí của Chúa Giêsu cũng được tái sinh, cựa mình chỗi dậy, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như mộ địa giam nhốt mình để đi đến với muôn dân, loan truyền Tin Mừng cứu độ cho toàn thế giới, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì Nước Trời...
Thế là nhân loại mới đã được tác sinh từ biến cố trọng đại nầy, khởi từ ngày hôm ấy.
* * *
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu không có làn hơi của Thiên Chúa thổi vào, A-đam chỉ là một khối đất vô tri bất động và không hề có sự sống.
Nếu không được Chúa Giêsu thổi hơi ban Thần Khí, các tông đồ xưa cũng chỉ là một nhóm người bạc nhược, ươn hèn.
Và hôm nay, nếu không được đón nhận Thần Khí Chúa ban, chúng con cũng chỉ là những kitô hữu nguội lạnh, thiếu nhiệt thành và luôn đứng bên lề Hội Thánh.
Nguyện xin Chúa thổi hơi ban Thần Khí cho chúng con như đã ban cho các môn đệ năm xưa, để chúng con được đón nhận Sự Sống Mới và kiên quyết lên đường thi hành sứ mạng loan Tin Mừng cho muôn dân.

Lm. Ignatiô Trần Ngà

NẾU KHÔNG CÓ TÌNH YÊU, ...

Nếu thế giới này không có tình yêu, thì sao nhỉ?

Thì chắc là sẽ chẳng có những cơn buồn bã, không có sầu hận, không có nỗi đau đớn như dao cứa vào trái tim…

Chắc sẽ không có những lần ta thấy mình sao chơ vơ lạc lõng, lòng như vướng bận cái gì đó khó chịu, cứ nhói nhói bực bội một nỗi niềm không tên. Chắc sẽ chẳng có chuyện người ta trở nên như kẻ mất hồn, thân xác rệu rã, bước đi lầm lũi trong cơn mưa buồn, hay dưới tàn cây mùa thu hiu hắt…

Chắc sẽ chẳng có những giọt nước mắt vừa nồng vừa cay những đêm dài thức trắng, chiếc gối ướt nhòe mà chẳng biết do đâu, căn phòng rộng rãi cũng trở nên vắng lạnh và thê lương, ngập tràn bóng tối… Chắc sẽ chẳng có chuyện người ta thấy mình như mất đi mọi nguồn sống, không có chuyện nhớ nhung, mong mỏi, đời chờ vốn là những cái khiến cho người ta cảm thấy mệt mỏi, làm cho con tim người ta trở nên khô héo nhưng sa mạc lâu năm…

Nếu không có tình yêu hiện diện trên đời, thì chắc là người ta bớt khổ rất nhiều. Người ta sẽ không cần phải lo sợ bị phản bội, không cần phải nghĩ cách để gìn giữ tình yêu, không phải bận tâm lo nghĩ, không cần phải hy sinh… Người ta cứ sống là sống vậy thôi! Đầu không nặng, lòng không vương, đôi vai không nặng trĩu, đôi tay không nắm giữ, đôi chân không bị cầm buộc… Sống như thế, thật thoải mái quá chừng!

Nhưng nếu không có tình yêu, người ta sẽ như những chiếc bóng vô hồn trong thế giới.

Nước mắt có thể làm người ta đau, nhưng nếu không đau thì làm sao là con người trọn vẹn. Chỉ có gỗ đá mới không biết đau và không cần phải học đau. Mà nước mắt có khi cũng mang đến cho con người nhiều điều quý giá đấy chứ! Nó giúp người ta nhận ra một chân lý mà bấy lâu nay, người ta vì mải mê và cố chấp mà không chịu nhận ra. Nó khoét sâu vào con tim người ta chính là để làm lành vết thương đang âm ỉ trong đó. Nó rửa sạch những vết nhơ ẩn khuất, xoa dịu cái bức bối bực bội chưa hé ra…

Nhớ nhung có thể làm người ta mệt mỏi và chán chường, nhưng nếu không nhớ nhung, làm sao có được cái hạnh phúc khi gặp mặt. Hy sinh có thể làm người ta chịu nhiều thiệt thòi nhưng nếu không có hy sinh, cái gọi là tình người làm gì còn nét đẹp cao quý. Chẳng phải con người thấy sự hiện diện của mình được ý nghĩa qua những lần hy sinh đó sao? Gia đình sẽ như thế nào, nếu vợ chồng không biết hy sinh cho nhau, các thành viên không biết vì nhau mà chịu thiệt một tí? … Trong sự hy sinh, điều quan trong không phải là mất mát, mà chính là tình yêu.

Nếu không có tình yêu, sẽ chẳng còn cảnh người ta băng rừng vượt suối để được gặp mặt nhau, chẳng còn bức tượng đá “Hòn vọng phu” đánh động bao tâm tư người của mọi thời, chẳng còn cảnh người vợ ngồi chờ chồng đi làm về đêm khuya khoắc bên mâm cơm đã nguội, sẽ chẳng có việc người nỗ lực hết mình để làm vui lòng người mình yêu…

Chẳng ai có thể dám chắc là tình yêu của mình có được một đoạn kết tuyệt đẹp hay không, nhưng nếu không có tình yêu, làm sao người ta thấy được sự lãng mạn của đêm trăng dạo biển, của chiếc xe cọc cạch lướt qua con đường phủ điệp vàng, của những lần dại dột đứng dưới mưa mà nghe từng giọt nước gõ phím đàn trên chiếc lá. Không có tình yêu, sao có thể cảm được cái hồi hộp trước một cuộc hẹn, cái lưu luyến lúc buông tay, rồi cả cái phũ phàng của thời gian khi nó trôi nhanh thật nhanh khi hai người còn đang muốn ngồi bên nhau, dù chẳng biết nói gì với nhau cho thỏa đáng… Những cảm giác này, làm sao cái cây hay cục đá có thể có được?

Tạo Hóa cho con người có trái tim, chính là để con người được ngập tràn trong tình yêu. Bởi thế, dù rằng nỗi đau là cái không thể tránh, ta vẫn cần có tình yêu để có thể là một con người trọn vẹn. Chỉ có tình yêu mới ban cho người ta động lực để sống, mới làm cho con người trở thành loài sinh vật trỗi vượt hơn mọi loài. Chỉ có tình yêu mới có thể biến thế giới này trở nên phong phú và khơi dậy những dòng cảm xúc của cõi nhân gian. Nếu có tồn tại một nơi nào đó trong vũ trụ này, nơi mà chỉ có những bóng người qua lại, không biết cười, không biết khóc, không biết buồn, không biết vui, không biết hạnh phúc, không biết đau khổ… đó chỉ thể là nơi không có tình yêu. Người ta đặt tên cho nơi ấy là: Hỏa ngục. Quả vậy, chính cái lạnh lùng ấy khiến người ta đóng băng, chính cái khô cằn ấy khiến người ta rơi vào chết chóc. Thực ra, người ta không có hạnh phúc không phải vì gặp nhiều đau khổ, nhưng là vì người ta không để cho tình yêu ngự trị trái tim mình.

Khi không có tình yêu, người ta không cần trái tim nữa; mà không có trái tim, cũng đồng nghĩa với việc người ta đã chết.

  
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta.
Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu.
Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”.
Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy.
Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên.
Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người.
Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người.
Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.
Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt