TẾT XA

Không hoa đào hoa cúc, không bánh mứt hạt dưa, không bánh chưng bánh tét, không người thân bên cạnh, không phong bao lì xì … không gì cả, dù cái Tết đang đến gần, lòng người viễn xứ liệu có thể không có những chạnh lòng?

Chiều cuối năm. Bước chân thong dong dưới hàng cây còn đọng chút hơi lạnh. Giọt nắng vàng thưa thớt rải nhẹ lối đi. Có một chút gì đó bâng khuâng trong lòng. Có một cái gì đó sắp qua đi. Có một cái gì đó chuẩn bị đến. Mặc cho người ta tiếc nuối, mặc cho người ta háo hức hay ngậm ngùi, thời gian vẫn cứ vô tình lướt trôi theo nhịp điệu của nó, không nhanh, không chậm, không cảm xúc. Ai muốn sao thì tùy. Cái lạnh dần thưa, cái ấm đến gần. Từng chớm nụ cố vươn mình thức dậy, tỏa chút sắc màu vào không gian. Một ngọn gió vô danh bất chợt thấm vào hồn một nỗi nhớ thương.
Người ta gọi Tết là ngày đoàn viên, ngày người ta tạm thời quên đi những tất bật của cuộc sống, để trở về với tình thương mến. Ngày Tết, người ta dừng lại để vui hưởng cuộc sống, chứ không cuốn mình vào vòng xoáy đẩy đưa đầy khắc nghiệt của kiếp nhân sinh. Người ta cố gắng quên đi những rạn nứt của năm qua và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Hơn hết, Tết là khoảnh khắc người ta biết mình còn có một gia đình, một nơi để về, để vui hưởng và lan tỏa hơi ấm cho nhau. Về với gia đình, người ta biết mình có một căn cội, biết mình bước vào cuộc đời từ đâu. Thiêng liêng lắm, đến nỗi chẳng một ngôn từ nào có thể diễn tả được.

Không hoa đào hoa cúc, không bánh mứt hạt dưa, không bánh chưng bánh tét, không người thân bên cạnh, không phong bao lì xì … không gì cả, dù cái Tết đang đến gần, lòng người viễn xứ liệu có thể không có những chạnh lòng? Thèm được nhìn thấy con én, thèm một chút bầu khí của hội hoa, thèm cái cảm giác được háo hức đi chợ, mua những bộ đồ đẹp, thèm cái lúc hì hục dọn nhà, lau chùi bàn ghế. Là ngày đáng lẽ phải được gần người mình thương, nhưng lại phải sống cách xa giữa hai miền của thế giới. Có xa rồi, mới thấy một cái đụng tay nhẹ, một giọng nói thân quen trở nên vô cùng quý giá biết dường nào.
                “Xuân ơi, xuân đã về chưa?
         Sao nghe gió bảo đã đưa xuân về?
                Chắc tại ta thiếu hương quê,
         Nên xuân đã đến gần kề chẳng hay!”

Thế giới này vốn chẳng bao giờ hoàn hảo. Những biến cố xảy đến trong đời chẳng bao giờ thuận theo ý ta hoàn toàn. Đẹp lắm những khoảnh khắc đoàn tụ bên người thân. Nhưng cũng đẹp lắm những hy sinh âm thầm của biết bao con người, vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của bản thân và gia đình, đành phải ngậm ngùi đón một cái Tết ở xa. Họ biết rằng những hy sinh của mình là đáng, những thiệt thòi mình đang chịu là “vì một ngày mai”, họ bằng lòng mất chút niềm vui ít ỏi để có thể vui hưởng một hạnh phúc lâu dài. Là con người, buồn cũng phải thôi, nhưng bên trong nỗi buồn da diết ấy là cả một bầu trời tươi sáng cho tương lai, cho một cuộc hội tụ bền chặt hơn, đầm ấm hơn. Sống trong thế giới không hoàn hảo này, chữ “hy sinh” bỗng trở nên đẹp như nắng xuân, nồng nàn như khúc ca báo hiệu hạnh phúc Thiên Đàng.

Tết đâu chỉ là những cuộc gặp gỡ bên ngoài, đâu chỉ là những câu chúc xã giao đầu môi chót lưỡi, hay những cuộc hội họp ồn ào rượu bia. Tết là dấu chỉ của niềm vui sum vầy, một cái gì đó rất sâu thẳm, khi người ta cảm thấy gần gũi với mọi người hơn bao giờ hết, dù có khi cách nhau xa đến vạn dặm. Lòng với lòng vốn dĩ có thể kết thông với nhau. Nó làm cho con người dù ở xa trở nên không khoảng cách, khi nó hòa cùng một điệu với nhau, đập cùng một nhịp với nhau. Chính từ sự hòa hợp ấy mới làm cho người ta thấy vui, thấy bình an, thấy hạnh phúc, thấy Tết.

Xa nhau để thấy gần nhau thật quý, để biết chữ “tình” giữa con người với nhau thật thiêng liêng và tuyệt vời đến cỡ nào. Xa nhau để một ngày nào đó có thể được đoàn viên, một sự đoàn viên không thể diễn tả được bằng câu nói, nhưng chỉ có giọt nước mắt hạnh phúc thay lời. “Tết xa” sẽ trở thành “Tết gần” khi tim gần với tim, lòng gắn với lòng. Đó là một cái Tết đẹp như cổ tích, vì nó đã đưa con người lên cao, hòa quyện mình với muôn loài thụ tạo. Họ không còn bị bó buộc trong không gian và thời gian, nhưng đã sống trong một cảnh giới của sự giải thoát. Lúc ấy, Tết không chỉ là ăn hay uống, không còn lệ thuộc vào hoa và đèn. Tết sẽ bừng dậy trong con tim họ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào khi con tim họ chan chứa một niềm vui của tình thương mến, của sự gần gũi dành cho tất cả.

Tết bao giờ cũng đến sau cơn lạnh giá của mùa đông. Nắng xuân đến thì màn sương lạnh lẽo sẽ xa dần. Chẳng có một sự đoàn viên nào làm người ta hạnh phúc khi người ta chưa nghiệm được giá trị của nó lúc chia xa. Cái Tết chỉ thật sự ý nghĩa, nếu đó là một cái Tết của con tim, của sự hòa điệu. “Tết xa”, tưởng là buồn là nhớ, nhưng hóa ra lại thanh thoát và ngọt dịu đến vô chừng.


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CON GÀ - NĂM ĐINH DẬU

Năm Đinh Dậu, nói về con gà. Biểu lộ của gà trống đối với Đông Phương là điềm tốt lành, báo trước những điều thuận lợi, tên của con gà thường gọi là “Kê” theo nghĩa đó.

Đông Phương có quan niệm về năm đức tính (Ngũ đức) biểu lộ từ con gà:

Trí: Mào con gà chỉ về chiếc mũ quan trường nên nó cũng biểu lộ cần thiết “trí” sắc bén của người lãnh đạo. Trong sách Ông Gióp tường thuật sự thông minh, trí tuệ đến từ Thiên Chúa: “Ai làm cho con hạc khôn ngoan, ban trí tuệ cho gà trống?” (Gióp 38, 36). Con hạc báo về mùa nước dâng ở sông Nil, gà báo trời sắp sáng. Người môn đệ cần rèn luyện trí năng để sáng suốt trong nhận định, tỉnh thức giữa những u mê của tâm trí. Như Thánh Augustino cầu nguyện: “Xin cho con học biết Chúa để con học biết con” và thánh Augustino cũng cầu nguyện thêm “Biết Chúa để yêu mến Chúa, yêu mến Chúa để biết Chúa”.

Tín: Gà luôn báo sáng rất đúng giờ, nói riêng ở những miền quê hẻo lánh. Những con gà công nghiệp hay những con gà nuôi ở thành thị về điểm này thì không chính xác, bởi vì nó cũng chịu nhiều tác động của môi trường đèn điện, sự huyên náo, ồn ào của con người suốt đêm, nên chúng cũng mất khả năng giữ chữ “tín”. Người môn đệ cũng thế, nếu để lòng mình nhiều dính bén với những điều tham muốn, làm lu mờ đi những cam kết của lời hứa: “Khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục”. Chữ “tín” cũng không còn đủ thuyết phục người khác trong thời đại “cần nhiều chứng nhân hơn là thầy dạy”. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16, 10).

Nhân: Con gà cũng biểu tượng cho lòng tốt khi chúng luôn sống chung theo bầy đàn, con gà trống luôn gắp thức ăn cho những gà mái… Lòng nhân, luôn để tâm tới người khác, làm việc chung, chia sẻ, hài hòa và hòa hợp là những điều cần thiết cho người môn đệ. Trong các hoạt động thường ngày, lòng nhân còn là hiệp thông, đồng cảm, gánh bớt gánh nặng của nhau, đồng trách nhiệm. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. (Lc 6, 36)

Dũng: Con gà trống luôn mạnh mẽ trong khi chiến đấu, nhiều con gà bền bỉ chiến đấu cho tới cùng, chấp nhận ngay cả sự chết. Lòng dũng cảm cũng biểu lộ cho người môn đệ, chiến đấu với sự dữ cách ngoan cường, bền bỉ chống lại những cám dỗ, can trường trong đức tin, mạnh mẽ bảo vệ chân lý, công bằng xã hội, sự phát triển toàn diện của con người. Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Lc 11, 12).

Nghiêm: Đôi cựa biểu lộ tính nghiêm túc và cần mẫn. Nghiêm với mình, bao dung với người khác. Đó là nguyên tắc rèn luyện của người môn đệ. Tính nghiêm minh nhắc cho người môn đệ ý thức thi hành trách nhiệm, bổn phận trên hết. Tự rèn luyện tu đức, nhân cách, với một lời khuyên của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). Người môn đệ cũng là người chiến binh của Chúa được sai đi để chinh phục thế giới.

Con gà báo cảnh thức với thánh Phêrô cũng là con gà trống với biểu trưng những đức tính. Chúng ta cũng cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết tỉnh thức giữa mê lầm và rèn luyện tâm linh, tinh thần, thể chất với những đức tính cần thiết của người môn đệ.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan


Nguồn: gpbanmethuot.vn

BỔN MẠNG THÁNG 2


THÁNG 2

  
NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

04/02
Lễ Thánh Catherine de Rici
*Chị Huyến
10/02
Lễ Thánh Scholastica
* Chị Thiên Hằng 
11/02
Lễ Đức Mẹ Lộ Đức
* Chị Phương(L)
18/02
Lễ Thánh Bernadette
* Chị Thư

 

 

 

 

 

lEÃ gioã cha meï chò em

TÖÔÛNG NHÔÙ VAØ CAÀU NGUYEÄN







NGÀY
LỄ GIỖ

01.02
(Mng 5 tết)
Ông cố Luca - Thân phụ Chị Thảo (Martine)
10.02
(14.01 ÂL)
Bà cố Maria - Thân mẫu Chị Hằng- Chị Nhung
11.02
15.01 Â L
Bà cố Anna - Thân mẫu Chị Diễm Lan
Ông cố Benedicto – Thân phụ Dì Nhơn
17.02
Bà Cố Anê – Thân Mẫu Chị Hữu
22.02
Giỗ Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng
27.02
Bà cố Anê - Thân mẫu Chị Thanh Hải

NẺO VỀ HẠNH PHÚC

Thi đàn Trung Quốc từ cổ chí kim nổi lên một tên tuổi lớn, đó là nhà thơ Lý Bạch, thời Thịnh Đường (701 - 762). Ông tự xem mình như tiên ông bị lưu đày xuống thế. Ông ưa sống kiếp lãng du, say mê vẻ đẹp đất trời, vẻ đẹp sông núi, trăng sao...
Theo truyền tụng nhân gian, vào một đêm trăng tỏ, Lý Bạch buông thuyền xuôi theo dòng sông Thái Trạch lấp lánh ánh trăng đêm. Ông đàn hát ngâm vịnh và uống rượu thưởng thức trăng. Càng về khuya, men rượu nồng bốc lên càng làm ngây ngất lòng thi sĩ. Sông nước, cảnh vật lúc ấy càng huyền ảo nên thơ. Thi nhân cảm thấy mình như đang lạc vào bồng lai tiên cảnh. Mảnh trăng diệu huyền in hình dưới làn nước lung linh như đang gọi mời ông tao ngộ. Trong hơi men chếnh choáng, ông nhoài mình qua mạn thuyền, cúi thật sâu xuống nước để ôm lấy vầng trăng mà ông say đắm lâu nay.
Than ôi! Ông đã bỏ hình bắt bóng và dòng sông oan nghiệt đã kết liễu đời ông. Trên cao, vầng trăng thật như đang mỉm cười chế giễu ông.
Câu chuyện của nhà thơ họ Lý cũng là câu chuyện thời sự của thế kỷ chúng ta. Nhân loại hôm nay đang kêu gào hạnh phúc, đang khao khát kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng họ đâu biết rằng Thiên Chúa là Cội Nguồn của hạnh phúc.
Một vầng trăng thật in thành hàng tỷ bóng trăng trên các ao hồ khe suối. Một Cội Nguồn Hạnh Phúc (là Thiên Chúa) tỏa xuống vô vàn mảnh vụn hạnh phúc trong các sự vật phù du ở đời. Thay vì tìm về Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, người ta dại dột đâm đầu vào những chiếc bóng của hạnh phúc nơi những tạo vật chóng tàn. Quả thế, người ta tưởng hạnh phúc nằm nơi bạc tiền, của cải, nơi lạc thú vật chất... rồi người ta đâm đầu vào đó như những những con thiêu thân lao vào lửa, như Lý Bạch nhào xuống nước tìm trăng.
Thiên Chúa là Cội Nguồn hạnh phúc, Thiên Chúa là nguồn mạch của hoan lạc và an bình, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tất cả những ai đang khao khát tình yêu, an bình, hạnh phúc là đang khao khát Chúa. Nhưng tiếc thay, người ta đã bỏ hình bắt bóng. Người ta săn đuổi ảo ảnh của hạnh phúc mà không chịu tìm đến cội nguồn hạnh phúc là Chúa Cả trên trời.
Thời thanh xuân, Augustino là con người khao khát hạnh phúc cách mãnh liệt. Anh bôn ba kiếm tìm hạnh phúc trong văn chương và triết lý, trong dục vọng và lạc thú trần gian... nhưng anh đã thất vọng ê chề và cảm thấy tâm hồn chất đầy sầu đau khắc khoải. Mãi đến năm ba mươi tuổi, Augustino mới cảm thấy tất cả những gì Anh đạt được chỉ là ảo ảnh của hạnh phúc, chẳng khác chi bóng trăng in hình đáy nước và chỉ có Thiên Chúa mới là “Vầng Trăng” thật, là Hạnh Phúc thật mà thôi. Bấy giờ, với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Augustino thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài nên hồn con thổn thức khôn nguôi cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.”
Thiên Chúa mới là nguồn Hạnh Phúc đích thật mà loài người luôn vươn tới, luôn khát khao. Chính Thiên Chúa đã đặt vào cõi lòng mỗi người chúng ta một khát vọng vô biên hướng về hạnh phúc mà không gì trên đời này có thể khỏa lấp được, và để lòng khao khát đó luôn thôi thúc chúng ta kiếm tìm, kiếm tìm không mệt mỏi cho đến khi gặp được Ngài là Hạnh Phúc đích thật.
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta tám nẻo đường đưa nhân loại về cội nguồn hạnh phúc mà ta quen gọi là tám mối phúc thật. Ai bước theo tám nẻo đường nầy chắc chắn sẽ đi đến Cội Nguồn Hạnh Phúc là Thiên Chúa, là Nước Trời, là Đất hứa:
* Tinh thần nghèo khó: biết nhận ra sự nghèo nàn của nội tâm mình, nhận biết rằng mình không là gì cả, tất cả những gì ta có là của Chúa ban...
* Cư xử hiền lành, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với mọi người...
* Chấp nhận sầu khổ hơn là gây khổ đau cho người khác...
* Khao khát trở nên người công chính,
* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người...
* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, điều bất công...
* Chung tay xây dựng hòa bình, sống hòa thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hòa thuận với nhau...
* Sẵn lòng chịu bách hại vì sống công chính thanh liêm...
Nẻo về Hạnh Phúc đã rộng mở. Bí quyết vào Nước Trời đã được giải bày. Vấn đề còn lại là chúng ta hôm nay có đủ khôn ngoan và bản lãnh để chọn cho mình con đường mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không.

LM Ignatiô Trần Ngà (trích từ “Cùng Đọc Tin Mừng”

LẠC QUAN

Có một chàng thanh niên nọ lúc nào cũng than vãn số mình không tốt, không thể giàu có được. Một ngày, một ông lão đi qua, nhìn thấy vẻ mặt ủ ê của anh bèn hỏi :
- Chàng trai, sao trông cậu buồn thế, có việc gì không vui à?
- Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc chăm chỉ, vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
- Nghèo ư, cháu là một người giàu đó chứ ?
- Chưa ai nói với cháu như vậy cả, cháu rất nghèo.
- Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, ta trả cháu 3 đồng tiền vàng cháu có đồng ý không?
- Không ạ.
- Giả như ta chặt một bàn tay của cháu, ta trả 30 đồng tiền vàng, cháu có chịu không?
- Không bao giờ.
- Vậy ta muốn lấy đi đôi mắt của cháu, ta trả cháu 300 đồng tiền vàng, cháu thấy thế nào?
- Cũng không được.
- Vậy ta trả cháu 3000 đồng tiền vàng để cháu trở thành ông lão như ta, già cả, lú lẫn được không?
- Đương nhiên là không.
- Cháu muốn giàu. Vậy ta sẽ đưa cho cháu 30,000 đồng tiền vàng để lấy đi mạng sống của cháu, cháu thấy thế nào?
- Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu cũng là một người giàu có.
Ở đời người ta thường: "đứng núi này trông núi kia". Có nhiều người được sống rất hạnh phúc nhưng họ lại chẳng bao giờ nhận ra điều đó. Họ thường than vãn, thường than thân trách phận. Đó là những con người bi quan yếm thế. Họ sẽ không làm được chuyện lớn, đôi khi vì sự phiền muộn, bi quan của họ làm cản trở công việc người khác và làm cho những người thân càng khổ sở hơn vì sự bi quan của họ.
Là người ky-tô hữu chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa. Chúa luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta. Thiên Chúa, Ngài là Đấng quyền năng và đầy lòng thương xót. Ngài cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài thi ân giáng phúc cho mọi loài. Kể cả hoa cỏ đồng nội, cùng chim trời và muôn thú Ngài đều chăm sóc hết thảy, Thế nên, chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Hãy để cho Chúa bồng ẵm chúng ta đi qua những thăng trầm của dòng đời. Đồng thời hãy theo gương Ngài để chuyên tâm làm việc. Chính Chúa Giê-su đã nói: "Cha Ta hằng làm việc liên lỉ và ta cũng vậy". Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy ra công làm việc. Con người là hoạ ảnh của Chúa, hãy diễn tả đời sống thần linh của mình bằng việc có trách nhiệm với bổn phận của mình. Biết chăm chỉ làm việc, biết phụng sự Chúa qua việc giúp đỡ tha nhân. Vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống. Hãy cố công gieo vãi và để Thiên Chúa cho đơm hoa kết trái. Hãy kiên tâm xây dựng để Chúa hoàn tất trong tình yêu thương của Chúa. Đừng than thân trách phận, đừng kêu khổ than mệt. Hãy chuyên tâm làm việc. Hãy chu toàn bổn phận của mình bằng những khả năng và hoàn cảnh Chúa ban. Hãy làm cho nén bạc đời mình sinh lợi thêm cho Chúa và để cuộc sống của chúng ta thực sự có ích cho tha nhân.
Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành và thánh hoá công việc của chúng ta được mọi sự như ý. Xin Chúa hoàn tất công việc của chúng ta trong tình yêu của Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền

PHÚC - LỘC - THỌ

Ngày tết người ta thường cầu chúc cho nhau được ba điều ước mơ lớn nhất đó là: Phúc – Lộc - Thọ. Cái phúc của con người là công thành danh toại. Cái lộc không chỉ là con thảo cháu ngoan mà còn là lộc trời ban xuống cho gia đình, dòng tộc. Thọ là tuổi già, sống lâu trăm tuổi hay còn gọi là “bách niên giai lão”.
Ước mơ được sống hạnh phúc trường sinh bất tử là nỗi khao khát của con người vượt qua mọi thời đại. Dân tộc nào cũng ước mơ trường thọ, thời đại nào cũng mong được trường sinh bất tử. Nỗi khao khát ấy được bộc lộ qua rất nhiều những câu chuyện thần tiên, nhất là trong những dịp lễ tết đầu năm thường chúc nhau mạnh khỏe sống lâu, và trong đám cưới người ta vẫn thường cầu chúc  cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc.

Thánh Kinh kể rằng: thuở ban đầu Thiên Chúa đã cho con người hưởng đầy đủ Phúc – Lộc – Thọ. Cái phúc của con người thuở tạo dựng là được làm chủ mọi loài vạn vật mà Chúa đã dựng nên. Cái lộc của con người là lời chúc phúc sẽ có con đàn cháu đống như sao trên trời như cát dưới biển. Và cái Thọ miên trường là sinh ra không phải đau khổ và không phải chết.

Thế nhưng, hạnh phúc ấy đã tan vỡ và trở thành một niềm mơ ước triền miên của cả kiếp người. Bi kịch là khi tội đã vào thế gian nên con người sinh ra phải đau khổ và phải chết. Từ đó, ước mơ Phúc - Lộc - Thọ đã là ước mơ muôn thuở của con người. Con người luôn khao khát hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc chính là động lực khiến con người dám vượt mọi gian khổ để có được hạnh phúc trong cuộc đời.

Ngày đầu xuân chúng ta dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa chúc lành và ban cho chúng ta vạn sự như ý. Chúng ta tin rằng: Chúa Giêsu đã đến để mang lại cho con người hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Vì Ngài là hoàng tử bình an, là vua thái bình. Ngài đã đến để mang lại bình an cho những ai thành tâm thiện chí, cho những ai ăn ở ngay lành, và cho những ai sống một cuộc đời cao thượng vượt qua khỏi những tham sân si để sống một đời thanh thoát bình an.

Hôm nay Chúa Giê-su đưa ra phương thế để có được hạnh phúc qua tám mối phúc thật. Sống theo tinh thần tám mối chúng ta sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ trong ngày xuân mà là mỗi ngày trong cuộc sống. Phương thế đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp của sự hy sinh, của quảng đại dấn thân vì lợi ích của tha nhân. Cái phúc nằm ở trong tâm hồn nghèo khó, có lòng hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, giữ lòng trong sạch, và biết xây dựng hoà bình. . .

Như vậy, hạnh phúc của người môn đệ hệ tại ở việc dấn thân vì tha nhân. Vì Chúa mà ta từ bỏ mọi thứ tham lam, ích kỷ và bất chính để sống công bình bác ái với nhau. Vì Chúa mà ta bỏ đi cái tôi ghen tương, nóng giận, để gìn giữ sự hoà thuận với những người bên cạnh chúng ta. Vì Chúa mà chúng ta dấn thân cho công lý được triển nở, cho hoa bác ái được toả hương, cho an bình được ngự trị. Vì Chúa mà chúng ta xả thân giúp đời mà không cần so đo tính toán thiệt hơn. Vì Chúa mà chúng ta từ bỏ những quyền lợi, những nhu cầu của bản thân để cống hiến cho tha nhân.

Phương thế ấy đã được ông bà cha mẹ làm gương cho chúng ta. Các ngài đã hy sinh hết thảy vì ta. Cuộc đời các ngài cho dù có dầm mưa dãi nắng mà tâm hồn vẫn hạnh phúc vì hy sinh cho con cái. Như vậy, trong hạnh phúc của ta có mồ hôi của cha, và nước mắt của mẹ. Trong hạnh phúc của ta có công cha nghĩa mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển khơi để che chở và làm ấm áp đời ta.

Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.

Năm nay, năm Đinh Dậu, một hình ảnh thật quen thuộc với chúng ta đó là hình ành gà mẹ dẫn đàn gà con đi kiếm ăn. Con gà mẹ lăn xả bới đất tìm mồi và khi tìm được nó lại hối hả thúc gọi đàn con đến ăn phần mới kiếm được. Ban đêm, gà mẹ lại ấp ủ con trong đôi cánh của mình để đàn con khỏi bị lạnh cóng, khỏi gió rét của đêm sương.

Hình ảnh này gợi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Hai chữ đoạn trường có nghĩa là đứt ruột, ám chỉ một sự thảm thương đến tột độ, đến đứt cả ruột gan , của một tình yêu dâng hiến đến quên mình.

Người ta kể lại rằng trong nạn đói vào năm Ất Dậu 1945, có một bà mẹ đã cắn đứt ngón tay của mình để con được bú những giọt máu cuối cùng thay cho dòng sữa đã cạn kiệt vì cái đói kéo dài. Bà chỉ hy vọng đứa con sẽ được cứu khỏi chết. Bà không nhẫn tâm nhìn con chết đói mà mình không làm điều gì đó để cứu con. Bà đã chấp nhận cái chết để con được sống.

Vì thế, trong bầu khí Mồng Hai Tết cầu cho Ông Bà Cha Mẹ, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ những người còn sống hay đã qua đời luôn được bình an. Và riêng với những đấng sinh thành còn sống chúng ta hãy thầm nguyện rằng:

“Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
Cầu chúc cho mọi nhà cùng rộn ràng tiếng cười vui hạnh phúc bên những người thân thương. Xin Chúa là mùa Xuân chúc phúc cho gia đình luôn hạnh phúc an vui. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

CẢM ƠN XUÂN, XIN LỖI TẾT

Cảm Ơn và Xin Lỗi là hai từ rất cần thiết trong cuộc sống. Người biết cảm ơn và xin lỗi là người khiêm nhường, là biết mình: “Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan” (Socrate).
Chúng ta cần phải biết tâm niệm như sách Công Vụ đã xác định: “Ở đâu và lúc nào chúng tôi cũng đón nhận những ân huệ ấy với tất cả lòng biết ơn” (Cv 24:3).
CẢM ƠN ĐỜI THƯỜNG
Cuộc đời chúng ta được làm người là một niềm hạnh phúc khôn ví. Cả thiên nhiên này là những món quà vô giá mà Tạo Hóa đã ban tặng cho chúng ta miễn phí. Đơn giản nhất mà lại cần thiết nhất: KHÔNG KHÍ. Chúng ta hít thở không khí từng giây, chúng ta sẽ chết ngay nếu thiếu không khí. Quả thật, không khí kỳ diệu và tuyệt vời biết bao! Vậy sao lại không biết ơn chứ?
Nhân vô thập toàn. Ai cũng có lầm lỗi. Do đó mà rất cần biết xin lỗi. Việc “xin lỗi” liên quan sự “tha thứ”. Người này biết xin lỗi, người kia phải biết tha thứ. Đó là hệ lụy tất yếu để khả dĩ cần bằng cuộc sống.
Mỗi mùa mỗi thứ, mỗi mùa mỗi cảnh, mỗi mùa mỗi vẻ. Nhưng có thể nói rằng mùa Xuân là mùa đặc biệt nhất. Thế thì chúng ta không thể không biết ơn!
Không chỉ vậy, cuộc đời còn có nhiều thứ để chúng ta phải biết ơn, dù đó chỉ là điều nhỏ thôi. Tiền nhân cũng dạy chúng ta lòng biết ơn: “Ăn cây nào, rào cây ấy”. Quả thật, chúng ta không thể là một ốc đảo, có nhiều thứ phải nhờ cậy người khác, không điều này cũng điều khác, không điều lớn thì cũng điều nhỏ. Cuộc đời là thế!

Trong tâm tình biết ơn, NS Trịnh Lâm Ngân (nghệ danh chung của tam nhân: Trần TRỊNH, LÂM Đệ, và Nhật NGÂN) đã viết ca khúc “Cảm Ơn”, đặc biệt vào những ngày Xuân. Ông biết ơn người khác từ những điều nhỏ nhặt. Ca khúc này được viết ở âm thể Thứ, nhịp 2/4, tiết tấu nhịp nhàng và giai điệu da diết tình cảm. Ông viết ca khúc này với tâm trạng của người lính nơi tuyến đầu trong thời chiến.
Là người xa nhà, người lính đang buồn vì nhớ nhà thì bất ngờ nhận được quà Xuân từ quê nhà: “Này là cánh thư nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò, này là bánh chưng, Mẹ già tự tay gói gửi cho con, này là áo len bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan, nay em gởi ra tới chiến trường, mang chút tình hậu phương thương mến”. Một cánh thư của người yêu, chiếc bánh chưng của Mẹ, chiếc áo len được kết bằng những mũi đan tình cảm. Thật quý biết bao!
Lặng ngồi mở thư, mở quà và mặc áo mà thấy lòng xao xuyến: “Ngồi đọc lá thư đơn sơ tha thiết văn chương học trò, nhìn cặp bánh chưng mà lòng chợt thương mẹ già xa xôi, mặc vào áo len, sao như tôi nghe trong lòng chơi vơi”. Vui đó mà cũng buồn đó, ngậm ngùi niềm thương nhớ khôn nguôi khi Mai vàng đã nở: “Xuân đang về trên khắp đất trời”, và rồi lòng tự nhủ: “Nhưng tất cả Xuân là ở đây”. Vậy cũng là may mắn và hạnh phúc lắm rồi, còn hơn những chiến hữu khác không được tận hưởng niềm vui giản dị thế này.
Niềm vui nào cũng là niềm vui, chẳng gì hơn là lòng biết ơn chân thành từ sâu thẳm trong tâm khảm: “Tôi xin cảm ơn người, cảm ơn ai đã đem luyến thương nồng ấm đến với lính, cảm ơn ai khi Xuân về vui thật là vui, không quên người sương gió phương trời, âu yếm gửi tình đi muôn nơi”. Món quà vật chất có thể không mấy giá trị, nhưng khối tình “gói ghém” trong những món quà Xuân đơn sơ đó lại vô giá. Thật ấm lòng chiến sĩ xa nhà vì lý tưởng hòa bình của tổ quốc!
Người lính thấy mình phải biết ơn bằng mối tình cảm chân thật nhất dành cho Mẹ và những người đã gởi quà Xuân: “Thật nhiều mến thương, tâm tư tha thiết tôi xin gửi về, gửi Mẹ kính yêu vài lời của con chúc mừng năm nay, và gửi đến em bao nhiêu yêu thương anh dành cho em”, và đặc biệt là niềm hy vọng hòa bình vào một ngày không xa: “Khi Xuân về, xin hãy yêu đời, ta đón đợi Xuân hồng ngày mai”.
Điều đó chứng tỏ sự cảm thông dành cho người lính xa nhà với bao tâm sự vui buồn. Ai cũng phải hy sinh, cả người trai nơi chiến trường, cả người mẹ già và người yêu hoặc người vợ. Sự hy sinh của người lính thật đáng trân trọng, vì họ quên chính bản thân mình để xông pha giữa làn tên mũi đạn, giữa khói lửa đầy hiểm nguy đến tính mạng.
Nói chung, lòng biết ơn luôn cần thiết trong cuộc sống đời thường, dù chúng ta chỉ hỏi đường, hỏi giờ, mượn tờ báo,… Tiếng cảm ơn thật ý nghĩa và quan trọng, vì điều đó thể hiện văn hóa, đồng thời chứng tỏ người biết nói lời cảm ơn là người được giáo dục đúng đắn.
CẢM ƠN TÂM LINH
Chúa Giêsu luôn đề cao lòng biết ơn, vì chính Ngài cũng biết ơn: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Chỉ một chén nước lã thôi, chẳng đáng gì, thế mà vẫn được Ngài ghi vào “sổ nợ” để rồi Ngài sẽ hoàn trả, và coi như chúng ta có công trạng chỉ nhờ một chén nước lã.
Biết ơn người khác là điều cần thiết, nhưng biết ơn Thiên Chúa còn cần thiết hơn. Nhưng bằng cách nào? Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng” (Cl 3:16). Thánh nhân nói thêm: “Bởi vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người” (Dt 12:28).
 Phúc Âm kể chuyện mười bệnh nhân phong đều được Chúa Giêsu chữa lành. Tuy nhiên chỉ có một người biết trở lại tạ ơn Ngài, mà người đó lại là dân ngoại bang. Nghĩa là chín người kia là dân Chúa, dân “nhà đạo”, thế mà “phủi tay” ngon lành. Chắc hẳn chúng ta cũng đã nhiều lần “quên” như thế, “quên” một cách tinh vi!
Và Chúa Giêsu cũng đang gặng hỏi mỗi người trong chúng ta về động thái “dễ quên” như thế. Mùa Xuân về, ngày tết đến, đó là khoảng thời gian chúng ta cần xét lại đức tin của mình và lòng biết ơn của mình với Thiên Chúa và tha nhân. Hãy cố gắng đừng để Chúa Giêsu nhắc lại: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18).
 Lạy Thiên Chúa, chúng con xấu hổ quá! Xuân đến, Tết về, chúng con thành tâm xin lỗi Ngài, xin thương xót mà tha thứ cho chúng con đã bao lần vô ơn với Ngài và với tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

XIN CHÚA TƯƠI NÉT MẶT NHÌN ĐẾN CHÚNG TA

Trong một năm, giờ phút này có lẽ là giờ phút thiêng liêng nhất! Bởi vì đây là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời mà cha ông ta vẫn gọi với cụm từ rất thân thương: “Tống cựu – nghinh tân”.
Trong giờ phút này, nhiều nơi có những phong tục, truyền thống, lễ hội diễn ra nhằm tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới. 
Họ cũng thường cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong khoẳng khắc này. Nào là: cầu chúc cho ông bà khỏe mạnh; cho anh chị hạnh phúc; cho con cháu ngoan hiền, cho công việc thuận lợi, cho hoa màu tốt tươi…
Sự mong ước đó được nhiều người thể hiện qua mâm ngũ quả như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hay qua những cành lộc tươi tốt, xum xuê hái được trong giờ khắc linh thiêng của đêm giao thừa. 
Tuy nhiên, với người Công Giáo, niềm tin dạy cho chúng ta rằng: trong khi vui mừng đón mùa xuân đát trời, xuân tự nhiên, thì chúng ta còn có một niềm vui khác, đó là niềm vui tinh thần, niềm vui Tin Mừng, bởi vì qua mùa xuân hữu hạn, chúng ta được mời gọi hướng về Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Vì thế, trong giờ phút này, cộng đoàn chúng ta quy tụ quây quần bên nhau trong Thánh Đường, để nguyện xin Chúa chúc phúc, đồng thời cũng để bày tỏ niềm tin yêu và phó thác nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, vì chính người là Niềm Vui và là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
1.      Con người là trọng tâm của lời chúc phúc
Tác giả Thánh Vịnh đã diễn tả sự chúc phúc và niềm phó thác ấy qua lời cầu nguyện: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134, 3). Trong sách Dân Số, tác giả cũng dẫn đưa con người về lời cầu nguyện hướng Thiên như vậy: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 24-26). 
Khi cất lên lời cầu nguyện với Thiên Chúa như thế, tác giả muốn đặt Thiên Chúa vào trọng tâm của đời sống con người, bởi vì chính Người cũng đã coi con người là trọng tâm của công trình tạo dựng. Điều này đã được sách Dân Số chứng minh: “Chúc như thế là đặt con cái Itraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 24-27).
Còn niềm vui, hạnh phúc nào hơn cho bằng khi con người được Thiên Chúa rủ thương chúc phúc. Người chăm sóc chúng ta như gà mẹ ấp ủ đàn con, như người cha yêu thương con cái, như người bạn đỡ nâng đồng hành, như người chồng ấp ủ thương yêu! (x. TSNTLTX, số 6 ).
Đứng trước hồng ân lớn lao đó, tác giả Thánh Vịnh một lần nữa không khỏi ngỡ ngàng thốt lên:  “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121, 1), Nhưng ngay lập tức, tác giả đã xác định không chút do dự: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121, 2).
Gợi lại một vài điểm như thế để thấy được rằng: Thiên Chúa là Đấng một dạ xót thương, Ngài luôn nhẫn nại và tha thứ tội lỗi, chữa lành bệnh tật, bao bọc chúng ta bằng ân sủng và tình thương (x. Tv 103, 3-4; 146, 7-9  ); Vì thế, thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí […] Hãy cân nhắc mọi sự: điều gìtốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5, 19-22).
2.Mùa xuân đích thực là chính Chúa
Năm cũ đã qua, năm mới đang đến, có lẽ mọi người trong nhà thờ này đều mong muốn năm mới được mọi sự tốt đẹp…! Tuy nhiên, với những người có niềm tin nơi Chúa, chúng ta phải hướng lời cầu nguyện nơi mình vào trọng tâm ơn cứu chuộc, đó là: mong sao cho mình được đi trong đường lối của Thiên Chúa, được lòng thương xót của Người ấp ủ, bảo vệ, xin Người thương cứu giúp ta khỏi lỡ chân trật bước, giữ gìn ta khỏi mọi điều bất hạnh, ban cho sinh mệnh được an toàn (x. Tv 121, 3-8). Xin cho mình luôn được sự bình an của Chúa. 
Như thế, hạnh phúc là điều con người luôn mong mỏi đợi trông. Nhưng như những gì đã chia sẻ, thì niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực của chúng ta khác hẳn với những người không có niềm tin. Vì thế, thật ý nghĩa khi trong đêm giao thừa này, chúng ta được nghe bài Tin Mừng nói về Tám Mối Phúc Thật. Tuy nhiên, Tám Mối Phúc này chỉ có những ai tin tưởng và khao khát đi tìm Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì mới cảm thấy thuận tai và vui mừng, còn những ai không có niềm tin thì đây chính là tám mối họa, vì nó ngược đời, nghịch nhĩ!
Thật vậy, muốn được hạnh phúc đích thực, chúng ta phải sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng, hiền lành, nhân hậu như Thiên Chúa, sầu khổ vì những tội lỗi đã phạm, khát khao những điều công chính, thương xót mọi người, sống trong sạch, xây dựng hòa bình và sẵn sàng làm chứng cho Chúa dù có phải đầu rơi máu đổ. 
Tất cả những mối phúc đó, chúng ta cần phải có đức tin để không thấy cái ngược đời mà là thuận đời, không nghịch nhĩ mà thuận tai… 
Mong sao, tết đến, xuân về, mỗi người chúng ta hãy đổi mới tinh thần và thể xác, hãy mặc lấy Mùa Xuân Vĩnh Cửu là chính Đức Kitô, để Ngài là niềm vui đích thực của chúng ta.
“Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em! Và Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng trong suốt Năm Mới này”.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con xin cảm tạ Chúa đã yêu thương gìn giữ chúng con trong suốt năm qua, giờ đây. Chúng con xin dâng năm mới này lên cho Chúa, để xin Người ban bình an, niềm vui và hạnh phúc cho chúng con. 
Xin cho mỗi người chúng con dù ăn, dù nói, làm việc hay nghỉ ngơi, luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Cửu trên Thiên Quốc. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển