BA CẤP ĐỘ CỦA SỨ VỤ TÔNG ĐỒ KITÔ

Nikos Kazantzakis từng nói rằng có ba loại linh hồn và ba kiểu người cầu nguyện: 
Con là chiếc cung trong tay Người, Chúa ơi, xin hãy kéo con, nếu không con sẽ mục nát.
Xin đừng kéo con quá mức, Chúa ơi, con sẽ gãy mất.
Hãy kéo con hơn mức bình thường, Chúa ơi, ai thèm quan tâm nếu con có gãy đi chăng nữa!
Khi tôi nhìn vào cuộc đời, tôi cũng thấy có ba cuộc tranh đấu lớn lao, cũng không khác so với những cuộc tranh đấu mà Kazantzakis đã gọi tên. Và mỗi cuộc đấu tranh đó tương ứng với một cấp độ trong sứ vụ tông đồ Kitô. Những cuộc tranh đấu lớn lao đó là gì, và những cấp độ tông đồ đó là gì? Có ba giai đoạn chính trong hành trình con người và hành trình tâm linh của chúng ta:
Sứ vụ Tông đồ Căn cốt – Cuộc tranh đấu để thu vén đời mình.
Sứ vụ Tông đồ Tạo sinh – Cuộc tranh đấu để trao hiến cuộc đời mình.
Sứ vụ Tông đồ Triệt để – Cuộc tranh đấu để trao hiến cái chết của mình.
Sứ vụ Tông đồ Căn cốt và cuộc tranh đấu để thu vén đời mình là nhiệm vụ đầu tiên trong đời. Bắt đầu với hơi thở đầu tiên, chúng ta nỗ lực chật vật để tìm cho được một bản sắc và từ đó tìm thấy sự viên mãn và bình an. Chúng ta sinh ra trong bệnh viện và sớm được đưa về nhà là nơi có cha mẹ, có gia đình và một nơi của chính mình. Giai đoạn này, thời thơ ấu, theo ý Chúa và ý của tự nhiên là thời gian an toàn. Khi là đứa trẻ, những cuộc tranh đấu quan trọng của chúng ta vẫn chưa bắt đầu. Nhưng điều đó sẽ thay đổi hẳn vào tuổi dậy thì.
Nói nôm na, Chúa và tự nhiên thiết kế tuổi dậy thì để thúc đẩy chúng ta ra khỏi nhà mình để đi tìm một ngôi nhà mà chúng ta tự xây lên. Và thường tuổi đó đã hoàn thành tốt công việc đó. Nó giáng vào ta những xáo trộn và những thôi thúc mãnh liệt, thổi bay tuổi thơ của ta đi và thúc chúng ta đi ra, bất an, thúc đẩy bởi tính dục, tràn đầy những ước mơ to tát, nhưng tinh thần thì rối rắm và bất an, tìm kiếm một quê nhà mới, một quê nhà mà ta tự xây cho chính mình. Cuộc tranh đấu này, từ chỗ bị thúc đẩy một cách bất an ra khỏi quê nhà đầu tiên của mình đến chỗ tìm thấy một nơi để lại gọi là quê nhà, là cuộc hành trình của sứ vụ Tông đồ Căn cốt.
Thông thường chúng ta thật sự lại tìm thấy quê nhà của mình. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta cập bến. Chúng ta thấy mình “ở nhà” lần nữa, nghĩa là, với một nơi để sống của chính ta, một công việc, một sự nghiệp, một nghề nghiệp, người chồng hay vợ, con cái, tài sản, một loạt các trách nhiệm, và một địa vị và bản sắc nhất định. Vào lúc đó, cuộc tranh đấu căn bản trong đời ta thay đổi, mặc dù có thể mất nhiều năm ta mới ý thức được và chấp nhận điều đó. Câu hỏi của chúng ta lúc đó không còn là: “Làm thế nào ta thu vén đời mình?” mà đúng hơn đã thành: “Làm thế nào ta có thể trao hiến đời mình một cách sâu sắc hơn, hào phóng hơn và ý nghĩa hơn?” Vào lúc đó, chúng ta bước vào giai đoạn hai của sứ vụ tông đồ.
Sứ vụ Tông đồ Tạo sinh và cuộc tranh đấu để trao hiến cuộc đời mình là một giai đoạn mà phần lớn mọi người bắt đầu vào một lúc nào đó trong độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi, mặc dù một số người mất nhiều thời gian hơn để vượt qua ngưỡng đó. Hơn nữa, chuyện vượt qua đó không bao giờ thuần túy và trọn vẹn, cuộc tranh đấu để tìm bản sắc của mình và sự viên mãn cá nhân chưa bao giờ kết thúc một cách hoàn toàn; nhưng vào một thời điểm nhất định, chúng ta bắt đầu sống vì người khác nhiều hơn là vì chính mình. Sứ vụ Tông đồ Tạo sinh bắt đầu vào lúc đó, và đối với phần lớn chúng ta, nó sẽ là giai đoạn dài nhất trong đời. Trong suốt những năm đó, đời ta có nhiệm vụ rõ ràng: làm sao ta trao hiến đời mình một cách thuần khiết hơn, hào phóng hơn, tạo sinh hơn?
Nhưng làm những người lớn trách nhiệm, điều hành gia đình, nhà thờ và công việc của thế giới không phải là giai đoạn cuối cùng trong đời ta. Chúng ta vẫn phải chết; nhiệm vụ gây ám ảnh lớn hơn hết thảy. Và vậy là cơ sở mặc định của chúng ta lại phải dịch chuyển một lần nữa: Đến một thời điểm trong đời, câu hỏi thật sự của ta không còn là: “Tôi vẫn có thể làm gì để đời mình đóng góp được?” mà câu hỏi trở thành “Giờ đây tôi có thể sống như thế nào để cái chết của tôi sẽ là một sự chúc phúc tốt lành nhất cho gia đình tôi, giáo hội của tôi và thế giới này?”
Sứ vụ tông đồ triệt để và cuộc tranh đấu để trao hiến cái chết của mình là giai đoạn cuối cùng của cuộc đời: là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã sống và đã chết vì chúng ta, rằng Người đã trao cho chúng ta cả sự sống và cái chết của Người. Nhưng chúng ta thường không phân biệt được rằng có hai hướng rõ ràng và tách biệt ở đây: Chúa Giêsu trao cho chúng ta sự sống của Người theo một hướng, và trao cho ta cái chết của Người theo một hướng khác. Người trao sự sống của Người cho ta thông qua sự chủ động, thông qua các hành động tạo sinh của Người cho chúng ta; và Người trao cái chết thông qua sự thụ động, thông qua việc tiếp nhận một cách đầy tình thương những sự bất lực, sự nhỏ bé, những nỗi sỉ nhục, và nỗi cô đơn của cái chết.
Giống Chúa Giêsu, chúng ta cũng sinh ra là để trao hiến đời mình một cách hào phóng và không vị kỷ, nhưng chúng ta sinh ra cũng là để rời bỏ hành tinh này theo một cách mà sự tiêu biến và cái chết của chúng ta là món quà cuối cùng, và có lẽ lớn lao nhất, cho thế giới. Không cần phải nói, điều đó chẳng dễ dàng gì. Đi với sứ mệnh tông đồ đằng sau vị thầy sẽ đòi hỏi chúng ta cuối cùng cũng phải đổ mồ hôi máu và cảm thấy “cách xa mọi người một quãng đá quăng”. Cuộc tranh đấu này, để trao hiến cái chết của mình, như khi ta đã từng trao hiến đời sống của mình, làm nên sứ vụ Tông đồ Triệt để.
Khi chúng ta nhìn vào những yêu cầu của sứ vụ tông đồ, chúng ta thấy rằng không có kích thước mẫu cho tất cả mọi người.
Ronald Rolheiser, 
J.B. Thái Hòa dịch

SÁM HỐI – HOÁN CẢI

Không thể có sám hối mà không có hoán cải. Thật ra, ý  nghĩa sự “hoán cải” cũng đã nằm trong từ ngữ “sám hối”. Kinh Pháp Bảo Đàn định nghĩa về Sám Hối như sau: “Sám giả sám kỳ tiền khiên. Hối giả hối kỳ hậu quá”[1] (Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa bỏ lỗi sau). Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn nguyên. Không có sự ăn năn hối cải thì không bao giờ có quyết tâm thay đổi. Không quyết tâm thay đổi thì dù có ăn năn thống hối cũng chỉ là cảm xúc nhất thời để xoa dịu vết thương trong ta mà thôi, rồi đâu lại vào đó.

Sám hối và hoán cải nội tâm là điều tối cần, vì đời sống tâm linh của người Kitô hữu là một hành trình tiến tới việc kết hiệp với Thiên Chúa. Do đó, chướng ngại đầu tiên phải dẹp bỏ là tội lỗi, vì tội lỗi là chống đối lại với chính Thiên Chúa và phủ nhận tình yêu thương của Ngài. Tội lỗi khiến ta cắt đứt tương quan với Thiên Chúa là nguồn sống của mình, và cắt đứt tương giao với tha nhân là những anh em cùng chung nguồn sống đó. Dù trong tình trạng nào đi nữa thì Thiên Chúa vẫn giàu lòng từ ái, không muốn ta phải chết trong tội lỗi, nhưng muốn ta ăn năn trở lại và được sống (x. Ed 18, 23; Ep 2, 4-5). Tuy nhiên, hoán cải không phải cố gắng đơn thuần của cá nhân, nhưng là ơn Chúa ban cho những tâm hồn khao khát được giải phóng khỏi tội lỗi để đón nhận ơn cứu độ. Chỉ khi đặt mình trong Chúa, ta mới thấy rõ hơn điều mình phải hoán cải, và hoán cải như thế nào.

Để hiểu và cảm nhận sâu xa hơn về con đường sám hối – hoán cải, trước tiên ta cần khám phá ngữ gốc trong tiếng Hán-Việt, và từ đó đi vào ý nghĩa của nó trong Thánh Kinh.
Sám (懺): ăn nănHối (悔): hối lỗi, chừa cải.
Sám Hốiăn năn chừa cải về tội lỗi của mình.
Hoán  (換): đổiCải (改): thay.
Hoán Cải: sửa chữa lỗi lầm, thay đổi cách sống để trở nên tốt hơn.

Hoán Cải (conversion) được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trong tu đức có nghĩa là một sự thay đổi đời sống: bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; quên mình để biết phục vụ tha nhân và cộng đồng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, dù quyết định thay đổi cách nào đi nữa, thì điều quan trọng là đưa ta tới gần nguồn mạch sự thiện hảo. Ý nghĩa cuối cùng này hoàn toàn mang tính tôn giáo.

Trong Cựu Ước[2], có hai động từ Hipri được dùng để diễn đạt ý nghĩa của sám hối: Shuv(to return): quay trở lại và thay đổi (Is 6,10; Tv 51,13); Nicham (to feel sorrow): cảm thấy hối hận. Sám hối là ăn năn hối hận, từ bỏ ngẫu tượng, thay đổi cách sống, trở về với Thiên Chúa (x. Kn 11,23; Is 1,27; Tb 14,6).

Trong Tân Ước, có ba từ Hy Lạp diễn tả về ý nghĩa sám hối như sau:
  • Metamelomai (μεταμέλομαι): động từ này được dùng 6 lần chỉ sự thay đổi tư tưởng, biết hối hận vì tội, nhưng chưa có sự thay đổi nội tâm. Đây là trường hợp của Giuđa Iscariot (Mt 27,3).
  • Metanoeo (μετανοέω): động từ này được dùng 34 lần, chỉ sự thay đổi não trạng nhờ việc nhận thức.
  • Metanoia (μετάνοια): danh từ này được dùng 24 lần, chỉ sự thay đổi (meta) tư tưởng và tâm hồn (nous). Đây là ý nghĩa sám hối thực sự: từ việc ăn năn hối lỗi đến sự cải đổi tinh thần để trở về với Thiên Chúa.

Sám hối theo ý nghĩa của Kinh Thánh, không chỉ ở chiều kích luân lý (bỏ điều dữ làm điều lành), nhưng cơ bản là chiều kích thần học: Thiên Chúa mới chính là nền tảng và mục đích của việc sám hối. Ta không chỉ đơn thuần sửa chữa những lầm lỗi thiếu sót, mà cơ bản là sự hiệp thông với Thiên Chúa, nhận ra thân phận thụ tạo của mình và qui hướng tuyệt đối về Ngài.

Sám hối hay hoán cải là một trong những điểm then chốt của đời sống Kitô hữu, vì là sứ điệp căn bản của Tin Mừng. Nó bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Thánh Kinh: từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông đồ: “Hãy sám hối”“Hãy hoán cải”, là những lời đầu tiên mà Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi là Hiến Chương Nước Trời. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời Đức Giêsu cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là “phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).

Sám hối là điều quan trọng trước tiên của đời người: không có sám hối thì không có đổi mới bản thân, không thể trở về với Chúa, cũng không thể đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ (x. Lc 13,3-5). Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”.

Lm. Thái Nguyên.

[1] Thích Thanh Từ, Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải, nxb. TP.HCM, 1999, tr. 96.
[2] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/52SamHoi.htm

ĐAM MÊ VÀ TRONG TRẮNG

Giáo hội thì không hiểu đam mê còn thế gian thì không hiểu trong trắng. Đó là câu châm ngôn mà một người bạn của tôi thích dùng để lý giải tại sao bối cảnh luân lý xung quanh vấn đề tình dục lại như hiện nay, phân cực, không khoan nhượng, đặc biệt không trang bị đủ để mời gọi chúng ta đánh giá đời sống tình dục một cách trung thực.

Tính dục lành mạnh dựa một cách cân bằng trên cả đam mê và trong trắng, nhưng đây là một sự thật mà cả Giáo hội lẫn thế gian còn đang chật vật tranh đấu để chấp nhận. Mỗi bên có xu hướng nhấn mạnh chỉ một trong hai vế.

Ít nhà phân tích nào lập ngôn được rõ ràng và sâu sắc (với hiểu biết thật sự về cả hai vế) như Charles Taylor trong tác phẩm đồ sộ của mình về Văn hoá Tây phương, cuốn Thời đại Thế tục (A Secular Age). Trong chương Thời đại của sự Chân thực (The Age of Authenticity) của cuốn sách, Taylor phân tích rằng cuộc cách mạng tình dục chính xác là một cuộc kiếm tìm chân thực, cho dù cuộc tìm kiếm đó đôi lúc đã bị lạc lối. Ông cho rằng không phải chỉ chủ nghĩa hưởng lạc và tính nổi loạn đã và đang thúc đẩy cuộc cách mạng tình dục và đang thay đổi triệt để cách nghĩ của thế hệ hiện nay về tình dục. Ông nói rằng chúng ta không nên coi cuộc cách mạng tình dục đơn thuần là sự bùng phát của thứ chủ nghĩa hưởng lạc đã trở nên thái quá, như thể thực tại của cuộc cách mạng đó sẽ khớp với ngôn ngữ của Hugh Hefner, ông chủ tạp chí Playboy. Cuộc cách mạng tình dục khởi phát từ những gắng gổ của nền văn hóa chúng ta nhằm làm một số điều. Đó là những điều gì?

Đó là gắng gổ khôi phục sự tốt đẹp của bản thân nhục dục, để khẳng định sự bình đẳng của hai giới, để giải phóng phụ nữ khỏi những vai trò rập khuôn định kiến về giới, để khẳng định tình dục là tự do (lý tưởng phóng đãng), và nhấn mạnh quan niệm rằng tính dục là một phần cốt yếu trong bản sắc của một người (như có thể thấy trong ngôn ngữ nói về sự giải phóng cho người đồng tính). Nội dung cuộc cách mạng tình dục phong phú hơn là các hình ảnh trong tạp chí Playboy hay trong ý niệm đơn giản (mà hiện đang lan tràn trong xã hội chúng ta) rằng tình dục có thể được cắt phăng khỏi mối liên hệ với hôn nhân. Mặc dù chủ nghĩa khoái lạc và nổi loạn thật sự có đóng vai trò, nhưng chuyển biến lớn lao trong tập tục, quan niệm và hiểu biết tình dục của chúng ta bắt nguồn từ nhiều điều hơn là hình ảnh của Hugh Hefner và kích thích tố.

Nhưng, với việc thừa nhận như vậy, sự việc cũng cho thấy rõ ràng rằng giấc mơ về giải phóng tình dục như thể hiện trong đa số văn hóa thời nay đôi khi là ngây ngô. Những gì ban đầu tưởng như giải phóng thì nhanh chóng thành thất bại. Đã quá đủ cay đắng trong các mối quan hệ, quá đủ những cuộc đời tan nát, những vụ cố sát-tự sát, chúng cảnh cáo chúng ta trước sự kiện mà chúng ta thà không chấp nhận, đó là tình dục cắt đứt khỏi mối liên kết được thừa nhận từ lâu với những gì thiêng liêng, với cộng đoàn và cuộc sống cam kết đầu bạc răng long đôi khi hóa ra rất tệ. Tại sao? Liệu có có những khiếm khuyết cố hữu trong luân lý mới về tính dục hay không?

Đối với Taylor, luân lý mới này về tình dục không quá bị khiếm khuyết (ít nhất là ở lý tưởng cao đẹp hơn của nó) so với mức độ ngây ngô của nó. Jacques Maritain từng cho rằng chỉ có hai loại người nghĩ tình yêu là dễ dàng: một là những người trong suốt nhiều năm trời hy sinh đã trở thành thánh, và hai là những người không hề biết mình đang nói về cái gì. Tôi e rằng phần nhiều những gì ta bàn luận ngày nay về tình dục là rơi vào loại thứ hai. Taylor chỉ đơn giản trình bày rằng giấc mơ này thường hóa ra tồi tệ. Tại sao vậy? Vấn đề nằm ở đâu?

Những đứt đoạn gay go và thế tiến thoái lưỡng nan vây bủa cuộc sống tình dục con người và phần lớn bị luân thường đạo lý bỏ mặc hay coi thường, phải tự khẳng định quyền lợi của mình: việc không thể có cách sống thường xuyên phóng đãng, khó duy trì nhục cảm trong một mối quan hệ thật sự thân thiết liên tục, không thể bác bỏ hoàn toàn các vai trò của giới, và những chướng ngại to lớn trong việc nhận diện lại các vấn đề trên, ít nhất trong ngắn hạn. Đó là chưa kể tới việc tán dương sự buông thả tình dục có thể dẫn tới những cung cách mới theo đó người nam có thể coi phụ nữ như đồ vật và lợi dụng họ. Nhiều người đã nhận ra sau bao khó khăn đau khổ rằng có cả mối nguy lẫn giải thoát khi vứt bỏ đi những quy tắc ứng xử của cha mẹ họ.

Tuy nhiên, kể cả xét về thất bại mà người ta đã thừa nhận này, cũng không mấy người tìm tới nhà thờ mong được hướng dẫn cho đời sống tình dục của họ. Tại sao như vậy?

Bởi vì trước đây và hiện nay giáo hội vẫn quá e dè trong việc thể hiện thái độ đánh giá đúng đối với những yếu tố làm nền tảng cho cuộc cách mạng tình dục, vượt lên trên chủ nghĩa khoái lạc và sự nổi loạn tuổi mới lớn,

Trong đa số trường hợp, giáo hội đã bảo vệ sự trong trắng và trinh bạch, và như vậy là đúng, đồng thời, khi đưa ra lời khuyên giải ở mức cố gắng nhất, giáo hội cũng chỉ rõ đam mê thực sự phụ thuộc vào sự trong trắng như thế nào. Nhưng, trong quá nhiều trường hợp, việc bảo vệ đó là hết sức một chiều.

Đây là quan điểm của Taylor:

Người ta đang tìm kiếm những quy tắc luân lý để giúp hướng dẫn về vấn đề tính dục cho bản thân họ và con cái họ. Giáo hội cần đưa ra lời khuyên dạy của mình. Nhưng những lời khuyên dạy này không thể nào đơn giản giống y những quy tắc trước đây, ở mức nội dung liên quan của những nguyên tắc này, ví dụ sự phỉ báng tình dục, kinh hoàng trước người phóng đãng, những vai trò định sẵn cho giới, hay từ chối thảo luận các vấn đề bản sắc. Taylor, mà bản thân là người mộ đạo thường xuyên đi nhà thờ, nói thêm rằng: Thật là bi kịch khi những quy tắc mà giáo hội muốn thuyết phục mọi người theo vẫn còn (ít nhất là có vẻ vậy) bị một vài khiếm khuyết đó, thậm chí đôi khi là tất cả những khiếm khuyết đó.

Tình dục lành mạnh là vừa đam mê vừa trong trắng. Giáo hội và thế gian có thể học hỏi lẫn nhau.

Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY-B

Trong đời, có những giây phút mà ta mong muốn kéo dài mãi, nhưng nó lại trôi qua nhanh như làn gió thoảng. Đó là những giây phút hạnh phúc. Giây phút ấy thánh Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình. Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín theo trong cuộc biến hình để huấn luyện họ. Cuộc biến hình của Người diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: lên núi.
Theo quan niệm của người Do thái núi cao là nơi Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi nhiều cố gắng. Phải dứt bỏ khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày với những lo toan bận bịu cho bản thân, cho gia đình. Phải dành thời giờ rộng rãi cho việc leo núi. Phải phấn đấu với bản thân khi leo lên độ cao dốc dác khó đi. Nhưng lên đỉnh rồi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái. Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Chúa muốn cùng ta thực hiện một tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi chốn thuận tiện cho ta đón nhận tình yêu của Chúa và bày tỏ với Người tình yêu của ta.
Giai đoạn thứ hai: biến hình.
Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết. Khuôn mặt Người sáng láng. Thực ra, ai gặp được Chúa cũng đều biến hình. Ta hãy nhớ lại ông Môsê. Sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta bớt đi tính độc ác khắc nghiệt. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta biết đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.
Giai đoạn ba: xuống núi.
Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời, đã xin Chúa cho dựng ba lều để ở lại vĩnh viễn trên núi. Nhưng giây phút hạnh phúc thật ngắn ngủi. Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Nhiệm vụ ấy rất nặng nề. Đức Giêsu phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới phục sinh. Thánh Phêrô cùng các tông đồ còn phải phấn đấu với những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách trong việc rao giảng Tin Mừng, còn phải chịu đau khổ vì Thày chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước.
Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự thánh lễ, đọc kinh và nhất là những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi tĩnh tâm lâu giờ trong thinh lặng. Để đến với Chúa và nhất là để kết hiệp với Chúa trong những giờ cầu nguyện, ta phải phấn đấu rất nhiều.
Trong thân mật, Chúa sẽ dạy bảo ta về đường lối của Chúa, sẽ uốn nắn ta theo chương trình của Người và sẽ biến đổi ta nên giống hình ảnh Người. Ta có thể cộng tác vào cuộc biến hình khi khao khát kết hiệp với Chúa, khi cố gắng thanh luyện bản thân, khi quên mình, ngoan ngoãn để mặc Chúa hướng dẫn bước đường.
Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những khó khăn gian khổ của đời sống. Núi thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước và sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

7 LÝ DO ĐỂ XƯNG TỘI

ĐGH Gioan-Phaolô II xưng tội hằng ngày, ngài nói: “Theo ơn gọi mà con người nhận từ Thiên Chúa, tìm sự thánh thiện sẽ là ảo tưởng nếu không thường xuyên tham dự Bí tích Hòa giải. Những người thường xuyên xưng tội với ước muốn tiến bộ sẽ thấy những bước dài trong đời sống tâm linh”.

Đây là 7 lý do để thường xuyên xưng tội trong Mùa Chay Thánh (hằng tuần hoặc hai tuần một lần):
1ƠN THA TỘI LÀ TẶNG PHẨM
Đức Kitô đã trao ban cho chúng ta Bí tích Hòa giải và muốn chúng ta tận hưởng hồng ân qua Bí tích này. Ngài nói với các linh mục tiên khởi, các Tông đồ: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20:22). Chúa Kitô trao cho chúng ta Bí tích của Ân Sủng và Lòng Tha Thứ vì Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Đó là Tặng phẩm của Lòng Thương Xót chứ không chỉ là nhiệm vụ.
2/ CHÚNG TA ĐỀU LÀ TỘI NHÂN
Chúng ta đều là tội nhân, cần phải xét mình và sám hối để lãnh nhận ơn tha thứ. “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8). Chúng ta thường không chân thật với lòng mình và không dùng “thầy thuốc tâm hồn” để giúp chẩn đoán chúng ta về phương diện tâm linh. Nếu bạn đau ở tay hoặc ở lưng, bạn phải đi bác sĩ. Nếu bạn bị đau ở linh hồn qua việc phạm tội, sao bạn không đi chữa bệnh tâm linh – đi xưng tội?
3/ XƯNG TỘI LÀ NHẬN HỒNG ÂN
Không nên sợ xưng tội. Xưng tội là bình an. Chúng ta vui mừng lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Bí tích Hôn phối, và Bí tích Truyền chức. Tại sao chúng ta không dùng phương kế xưng tội là cuộc chiến đấu vĩ đại nhất của người tin vào Đức Kitô? Tại sao chúng ta không vui mừng khi được Chúa Kitô tha thứ qua vị linh mục đại diện cho Thiên Chúa và giáo hội?
4/ TỘI LỖI DẪN TỚI SỰ CHẾT
Có những tội dẫn đến cái chết: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy” (1 Ga 5:16). Tội dẫn đến cái chết và tách linh hồn chúng ta khỏi sự sống vĩnh hằng thuần khiết ở nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự ăn năn và sự tha thứ bảo toàn tâm hồn chúng ta ở trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sự tha tội truyền ân sủng vào tâm hồn chúng ta và “phê chuẩn” sự sám hối của chúng ta.
5/ TỘI LỖI GÂY KHÓ CHỊU
Ma quỷ thường đè nặng chúng ta bằng tội lỗi. Tội lỗi có thể là điều tốt nếu chung ta chuyển tội lỗi thành lòng sám hối. Dĩ nhiên ma quỷ ghét điều này, nhưng Thiên Chúa và các thiên thần lại yêu thích điều đó. Do đó, hãy thoát ra khỏi tội lỗi và nghe linh mục nói: “Tôi tha tội cho bạn nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”.
6/ XƯNG TỘI KẾT HỢP BẠN TRỌN VẸN VỚI GIÁO HỘI
Khi bạn xưng tội, bạn nhận biết mình đã phạm tội chống lại Thiên Chúa, đồng thời chống lại những người khác, bạn đã làm suy yếu sự làm chứng của mỗi Kitô hữu. Vô tình bạn nói với những người không có niềm tin Kitô rằng: “Tất cả Kitô hữu đều giả nhân giả nghĩa” (All Christians are hypocrites). Khi bạn đi xưng tội, bạn nhận biết mình đã làm đau lòng các Kitô hữu bằng chính tội lỗi của mình. “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12:26). Linh mục đại diện Thiên Chúa và giáo hội nhờ Bí tích Truyền chức, linh mục nhận lời thú tội của bạn và bảo đảm ơn tha tội của Thiên Chúa và toàn thể giáo hội.
7/ RƯỚC LỄ LÀM BẠN MẠNH MẼ HƠN
Khi bạn rước lễ, bạn lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô thật, Ngài là Đấng Cứu Độ. Khi bạn xưng tội và rước lễ, bạn được kết hợp với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể. Cũng vậy, nếu bạn sống trong tội, bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ được lãnh nhận Thánh Thể vì bạn sẽ phỉ báng Chúa Kitô và và đáng nguyền rủa đời đời! Do đó, xưng tội là chữa lành linh hồn và làm sâu lòng yêu mến Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Canterburry Tales)

CON NỢ MẸ MỘT LỜI XIN LỖI

Trong một lần chúc thọ tôi nghe một người con nói với mẹ như thế này:
Mẹ à, chỉ có mẹ là người duy nhất trên cuộc sống này:
-  Cho con hơi ấm
-  Cho con ăn mặc
-  Cho con học hành
-  Cho con biết được tình yêu là gì?
-  Cho con biết về cuộc sống này
-  Cho con tất cả
-  Công lao to lớn ấy, mẹ cũng không lấy đi của con thứ gì, con biết ơn và thương mẹ nhiều lắm.
Thế nhưng trong dòng đời chúng ta cũng gặp không ít người đã quên điều đó, đã cố tình quên tình mẹ. Đã sống như thể chưa có mẹ. Để rồi đến khi yêu ta không còn thì hối hận cũng muộn.
Có một cô gái đã nấc nghẹn khi nói trước quan tài của mẹ rằng: "Mẹ ơi...Tha lỗi cho đứa con bất hiếu này... Đời này con nợ mẹ một lời xin lỗi!"
Cô kể rằng: Ba mất khi còn rất nhỏ, chỉ còn hai mẹ con sống đùm bọc với nhau. Nhưng tôi lại luôn mặc cảm về sự nghèo khó của mẹ, tôi luôn giữ khoảng cách với mẹ. Tôi thấy mặc cảm và càng căm ghét bà không giầu có như cha mẹ mấy đứa bạn. Thật sự tôi rất ghét bà, một người mẹ nghèo nàn!
Có một lần khi đang cùng đám bạn đi dạo sau buổi tan học thì tôi gặp bà đang nhặt vỏ chai bên lề đường, tôi giả vờ cúi gầm mặt xuống và như không nhìn thấy bà. Bất chợt, mấy đứa bạn bỗng lên tiếng hỏi tôi đó có phải mẹ tôi không, tôi đứng trước mặt mẹ và nói một cách lạnh lùng rằng đó không phải mẹ tôi. Lúc đó, tôi thấy nước mắt bà lăn dài trên má, bà lấy vội bàn tay còn nhiều đất cát lau lau nơi khóe mắt, bà nói với đám bạn tôi rằng họ đã nhìn nhầm rồi vội vã quay đi. Còn đám bạn tôi thì mỉm cười mãn nguyện.
Lên Sài Gòn tôi sung sướng vì chả ai thèm để ý tôi đến từ đâu, gia thế như sao mà chỉ biết là tôi giỏi như thế nào. Tôi bỏ mặc mẹ mặc dù mỗi tháng mẹ vẫn đều đặn gửi tiền lên, vậy mà tôi vẫn nỡ tiêu xài đến số tiền mồ hôi nước mắt đó của mẹ. Tôi chẳng thèm gọi điện hay về thăm mẹ. Hai năm sau tôi lập gia đình với người giầu có, nhưng không dám cho bà biết.
Vì thương hại bà, lâu lâu tôi cũng gửi cho bà ít tiền xài cho xong bổn phận. Và tôi cứ vui với gia thế giầu có của mình. Rồi một hôm tôi nhận được cuộc điện thoại của hàng xóm báo tin mẹ tôi qua đời trong một vụ tai nạn. Tôi thu xếp về làm đám ma cho bà một cách bình thản. Cho tới khi người ta đưa cho tôi một hộp đựng tiền , tôi mở ra trong đó có một lá thư bà viết:
“Cám ơn con đã gửi tiền cho mẹ. Tiền nhiều quá Mẹ không xài tới. Mẹ vẫn để dành lại cho con để sau ốm đau có tiền mua thuốc. Mẹ chỉ mong con về với mẹ mà thôi. Mỗi lần trong xóm có tiếng honda là mẹ lại chạy vội ra xem có phải là con về không? Nhưng tuyệt nhiên là không? Mẹ rất nhớ con.
Người phụ nữ đã có mọi sự ấy đã nấc lên từng tiếng nghẹn ngào:
 "Mẹ ơi...Tha lỗi cho đứa con bất hiếu này mẹ nhé...Đời này con nợ mẹ một lời xin lỗi!"
Có lẽ giọt nước mắt này không còn ý nghĩa với mẹ nữa. Một người mẹ hy sinh tất cả vì con nhưng rồi lại chết trong cô đơn, nhớ nhung, thì hối hận cũng muộn màng. Quý vị có biết mỗi ngày có hơn 300 người ra đi vì tai nạn. Người thân ta có thể ra đi bất cứ lúc nào, tại sao chúng ta không dám nói lời xin lỗi với bố mẹ. Thưa bởi vì tính tự cao tự đại, coi mình tài giỏi hơn bố mẹ nên xem thường bố mẹ. Rồi cho tới khi đứng trước quan tài khóc lóc thì đã muộn rồi. Nhìn lại những ngày tháng qua, chúng ta đã làm được gì cho những người cha, người mẹ sẵn lòng hy sinh cho chúng ta, hay chỉ là những thói ngông cuồng, coi trời bằng vung, xem thường cha mẹ để rồi mai này khi cha mẹ đã chết mới ân hận thì đã quá muộn màng.
Hôm nay ngày Mồng Hai Tết là ngày báo hiếu ông bà cha mẹ. Những người con ở đây có nghĩ rằng mình còn nợ cha mẹ một  lần xin lỗi không? Nhưng dường như khi còn sống bên cha mẹ ta ít có nghĩ cho cha mẹ, chỉ nghĩ về mình và đòi hỏi cha mẹ đủ điều. Cho tới khi phải đứng trước mộ phần của cha mẹ chúng ta mới thấy mình còn thiếu họ một lời xin lỗi ?
Cũng có một câu chuyện khác kể rằng:
Khi James còn là một sinh viên, trong một lần đến cửa hàng trưng bày ô tô, anh trông thấy một mẫu ô tô thể thao mới ra mắt. Anh năn nỉ bố mình: “Bố có thể tặng con chiếc xe đó khi con tốt nghiệp được không? Đó là mong ước duy nhất của con bây giờ đấy”. Ông mỉm cười không nói gì.
Ngày lễ tốt nghiệp đến, và bố của James gọi anh vào phòng làm việc của ông, vui vẻ nói: “Bố rất tự hào về con, con trai, con đã làm rất tốt! Đây là món quà bố mẹ tặng con nhân dịp này, bố mẹ yêu con rất nhiều”. Nói rồi, ông đưa James một hộp quà được gói rất cẩn thận và đẹp đẽ. James có chút thất vọng vì đó không phải là chiếc ô tô như anh mong đợi mà chỉ là một cuốn Kinh Thánh được bọc bằng da.
Anh giận giữ hét lên: “Bố giàu có như thế nhưng tất cả những gì bố có thể tặng con chỉ là cuốn Kinh Thánh này thôi sao. Trong cơn giận dữ không thể kiểm soát, anh bỏ đi khỏi nhà.
Thời gian trôi qua, nay James đã trở thành một thương nhân thành đạt. Anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng người vợ xinh đẹp và hai đứa con kháu khỉnh. Anh và gia đình sống cuộc sống êm đềm trong căn nhà khang trang, lộng lẫy. Cho đến một ngày, James nhận được tin báo cha mình đã qua đời. Luật sự gọi và nói với anh rằng cha anh đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của ông cho anh. Anh vội chạy về trong tâm trạng tiếc nuối, cái mà anh đau lòng là chưa hòa giải được với bố anh. Anh chưa dám nói một lời xin lỗi với bố, hay có thể nói anh vẫn còn giận vì bố quá hà khắc với mình.
Khi về tới làng anh cố gắng chạy thật nhanh để vào nhà, con tim của anh nó đập loạn nhịp hơn nữa, nhưng anh vẫn cố gắng thật nhanh để bước vào nhà. Khi bước vào nhà thấy bố nằm bất động anh mới thấy sao mình có lỗi với bố quá, đâu chỉ vì một món quà bố không cho mà quên đi cả một đời chăm sóc anh. Tay run run anh thắp nén nhang với lời xin lỗi người cha già đáng yêu. Rồi anh bước vào phòng của anh năm xưa vẫn mới, vì mẹ anh vẫn lau dọn, trên bàn viết anh thấy cuốn Kinh Thánh – món quà của bố tặng anh vào ngày tốt nghiệp vẫn còn rất mới. Cầm quyển sách lên. Đột nhiên, một vật nhỏ rơi ra từ cuốn sách… Anh cúi xuống nhặt thì phát hiện đó chính là chìa khóa của chiếc ô tô mà anh từng ao ước, cùng với một tờ giấy, trên đó có ghi đúng ngày tốt nghiệp của anh và dòng chữ: “Đã thanh toán 200 ngàn USD”.
Anh bật khóc nức nở, sau bao nhiêu năm tháng, anh mới hiểu ra mọi chuyện… nhưng mọi thứ đã quá muộn màng, người cha yêu quý của anh giờ đã ra đi mãi mãi… Chỉ vì cái tôi và sự ích kỷ của mình, anh đã đánh mất điều quý giá, chân thành nhất trong cuộc sống…
Cuộc sống hối hả cuốn chúng ta đi mất, làm chúng ta mờ mắt trước những giá trị vật chất mà quên không dành thời gian cho gia đình và bạn bè xung quanh. Đôi khi, ta có thể dành cả ngày cho công việc, cho những mối quan hệ xã hội bên ngoài mà lại tiếc chút thời gian bên cạnh những con người xứng đáng được quan tâm ấy. Khi nghe xong hai câu chuyện này, mong rằng mọi người có thể nhận ra những giá trị đích thực trong cuộc sống. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, bạn không thể biết được mình còn có bao nhiêu thời gian bên cạnh những người mà mình yêu thương. Vì vậy, hãy ở bên chăm sóc họ khi có thể, trân trọng từng giây từng phút khi sống cùng họ, và trao đi những lời yêu thương để họ biết họ quan trọng đối với bạn thế nào…
Hôm nay nhân ngày báo hiếu chúng ta hay quây quần bên người thân của mình. Hãy nói lời xin lỗi vì cả năm đã thiếu quan tâm nhau, vì một năm qua cũng có những lời nói, suy nghĩ làm đau lòng người thân.
Trong đạo Công Giáo thì liền sau bổn phận với Chúa là giới răn thứ Tư Thảo kính cha mẹ. Mặc nhiên Thiên Chúa muốn con cái phải vâng lời cha mẹ, phải chăm sóc khi cha mẹ già, phải cầu nguyện khi các ngài qua đời.
Chính Chúa Giê-su khi vào trần gian Ngài cũng sinh ra trong một gia đình có cha có mẹ. Ngài hằng luôn sống vâng lời cha mẹ để càng lớn càng vâng lời cha mẹ. Ngài phụng dưỡng cha mẹ khi cùng cha làm nghề thợ mộc. Ngài chăm sóc mẹ già và luôn để mẹ đồng hành trong bước đường rao giảng. Và khi kết thúc cuộc sống dương gian Ngài đã ủy thác cho môn đồ Gioan chăm sóc mẹ mình.
Đạo hiếu là đạo Trời. Đạo làm con phải hiếu với cha mẹ để chúng ta không có lỗi với Trời và với mẹ cha. Thế nên:
Đạo làm con chớ hững-hờ:
Phải đem chữ hiếu mà thờ từ-nghiêm.
Cầu chúc cho các gia đình ngày tết sum họp tràn đầy niềm vui hạnh phúc bên gia đình.

Lm.Jos Tạ duy Tuyền