XIN VÂNG NHƯ MẸ

Cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Gabrien và Trinh nữ Maria làng Nagiarét có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu một khúc rẽ trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Cuộc gặp gỡ này cũng làm thay đổi thân phận và tương lai của nhân loại. Sứ thần đại diện cho trời cao, thôn nữ đại diện cho đất thấp. Qua lời “Xin vâng” huyền diệu, Trời Cao và đất thấp đã gặp gỡ nhau và trở nên một Con Người trong lòng Trinh Nữ. Con Người ấy là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng vừa là Chúa, vừa là Người. Từ nay, Thiên Chúa không còn ở xa tít tắp, nhưng trở nên gần gũi con người. Mầu nhiệm Nhập Thể được khởi đầu với tiếng thưa “Xin Vâng”. Trải dọc suốt mọi thời đại và cho đến ngàn sau, tiếng xin vâng của Đức Trinh nữ Maria đã trở nên mẫu mực cho mọi tín hữu trong hành trình đức tin.
Cận ngày lễ Giáng Sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh của Đức Trinh nữ Maria, để từ đó, giúp chúng ta đón Chúa với tâm tình của Đức Mẹ. Chúa vẫn đang đến với chúng ta trong cuộc đời. Ngài vẫn kiên nhẫn gõ cửa tâm hồn con người. Có những người nhiệt thành mở cửa đón Chúa. Những người khác lại chối từ vì không muốn hệ lụy. Hình ảnh người chồng và người vợ đang mang thai lang thang gõ cửa quán trọ ở thị trấn Belem năm xưa vẫn đang hiện hữu trong xã hội của chúng ta. Tuy vậy, nếu Chúa gõ cửa tâm hồn chúng ta, không phải vì Ngài có nhu cầu, nhưng để mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của Ngài, đồng thời nhận ra mình được Chúa yêu thương.
Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, những ai muốn mở rộng lòng đón Chúa cần có tâm tình khiêm nhường. Các tác phẩm hội họa, khi trình bày cuộc truyền tin, đều diễn tả Đức Maria trong tư thế khiêm nhường. Sự khiêm nhường được thể hiện qua lời thưa: “Này tôi là nữ tì của Chúa…”. Khiêm nhường là để cho lòng mình trống rỗng, không còn những tham vọng, nhờ đó dễ dàng đón Chúa ngự đến. Khiêm nhường cũng là sự sẵn sàng, để Chúa sử dụng mình theo ý Ngài muốn, như người họa sĩ tự do sử dụng cây cọ, vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Trong cuộc sống hiện tại, con người cậy vào sức mạnh của vật chất, vào trí tuệ và những phát minh của công nghệ kỹ thuật. Họ nghĩ những điều đó sẽ là (hoặc đã là) những “thượng đế” họ tôn thờ. Vì vậy, họ không có nhu cầu tìm kiếm Thiên Chúa. Trong thực tế, mặc dù có những thành tựu khoa học và những phát minh vượt bậc về kỹ thuật, đến một ranh giới nào đó, con người vẫn phải nghiêng mình kính phục Đấng làm nên mọi nguyên lý trong vũ trụ. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng đặt để những định luật, giống như những ẩn số trong vũ trụ này. Các nhà khoa học là những người nghiên cứu để giải mã những định luật đó. Những phát minh của con người chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì Thiên Chúa đã “gài đặt”. Một khi khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là tạo vật nhỏ bé trước Thiên Chúa, con người sẽ mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài.
Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, những ai muốn mở rộng đón Chúa cần có sự tín thác nơi Ngài. Trước lời đề nghị của Sứ thần: “Này Bà sẽ thụ thai, và sinh hạ một con trai…”, Trinh nữ bối rối, bởi lẽ Trinh nữ đã khấn với Chúa trọn đời sống trinh khiết. Sự bối rối này không phải do nghi ngờ quyền năng của Chúa, mà xuất phát từ lòng trung tín với những gì đã cam kết với Ngài. Sứ thần đã giúp Trinh nữ an tâm, khi khẳng định rằng, mặc dù mang thai và sinh hạ, Trinh nữ vẫn trung tín trọn vẹn với lời thề hứa với Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Chúa. Mẹ tin rằng Chúa làm được mọi sự. Mẹ cũng không cần phải giải thích với Giuse, người bạn đời đã đính hôn, về thai nhi trong lòng mình, vì Mẹ biết, nếu Chúa đã khởi sự chương trình của Ngài, thì Ngài cũng sẽ tiếp tục làm cho mọi sự được tốt đẹp, vào thời điểm Ngài muốn và với cách thức Ngài muốn. Lòng tín thác của Trinh nữ Maria dẫn tới việc Mẹ chấp nhận mọi hệ lụy đi kèm. Bởi lẽ, đối với Trinh nữ, thực hành Thánh ý của Chúa là ưu tiên và quan trọng nhất trong đời. Trong cuộc sống hôm nay, đôi khi hai chữ “Công giáo” gây phiền lụy và thiệt thòi trong một số nghề nghiệp hay cho những ai muốn tiến thân trong guồng máy lãnh đạo. Không ít tín hữu đã ngại ngùng khi nhận mình là người Công giáo, nhất là trong môi trường kinh doanh và trí thức. Hình ảnh Đức Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin giúp chúng ta can đảm theo Chúa và vững vàng tuyên xưng đức tin, dù có những hệ lụy phức tạp trên đường đời. Trong bài huấn đức thứ Tư, ngày 28-6-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các kitô hữu là những người nam nữ đi “ngược dòng đời”: Đó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu”.
Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, một khi đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta hãy lên đường loan báo cho mọi người, để giúp họ đón nhận Đấng là Vua Hòa Bình. Sau ngày truyền tin, Mẹ đã vội vã lên vùng sơn cước, nóng lòng loan báo cho gia đình người chị họ của mình là bà Êlisabét tin vui: Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Người. Niềm mong đợi ngàn xưa đã đến. Kỷ nguyên mới đã khai mở và hết thảy mọi người đều được mời gọi cộng tác để Tin Mừng được loan truyền cho mọi tạo vật. Như Đức Maria, mỗi chúng ta cũng mang trong mình Chúa Giêsu, và chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa cho mọi người. Sứ mạng loan báo Tin Mừng gắn liền với đời sống Kitô hữu, bất kể trong hoàn cảnh địa vị và bậc sống nào. Trong thánh lễ tại Myanmar, sáng 30-11-2017, Đức Thánh Cha đã nói với các bạn trẻ: “Một vài người trong các bạn tự hỏi làm sao có thể nói về những loan báo vui mừng khi mà quanh chúng ta có bao nhiêu người đang đau khổ. Đâu là những tin vui khi mà bao nhiêu bất công, nghèo đói và lầm than tỏa bóng đen trên chúng ta và thế giới? Nhưng tôi muốn rằng từ nơi này phát sinh một sứ điệp rất rõ ràng. Tôi muốn dân chúng biết rằng các bạn là những người trẻ nam nữ của Myanmar, không sợ tin nơi việc loan báo vui mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót ấy có một tên và một khuôn mặt: đó là Đức Giêsu Kitô. Trong tư cách là những sứ giả Tin Mừng như thế, các bạn sẵn sàng mang lời hy vọng cho Giáo Hội, cho đất nước các bạn và cho thế giới. Các bạn sẵn sàng mang tin vui cho anh chị em đang đau khổ và cần những lời cầu nguyện, tình liên đới của các bạn và cả sự hăng say của các bạn đối với các quyền con người, công lý, sự tăng trưởng những gì mà Chúa Giêsu ban, đó là tình thương và hoà bình”.
Hãy thưa xin vâng như Mẹ. Lời thưa ấy trải dài trong suốt cuộc sống. Nhờ lời thưa xin vâng huyền diệu ấy, chúng ta có thể đón nhận Chúa Giêsu cùng với thập giá của Người. Thiên Chúa không để cho ai ngã gục hoặc thử thách quá sức mình. Sự khiêm nhường và lòng tín thác cậy trông sẽ giúp chúng ta có sức mạnh và ơn siêu nhiên, để luôn vững bước trên đường đời. Chúa đang ở cùng chúng ta, để chung chia phận người và đỡ nâng chúng ta trong cuộc sống.
Hải Phòng, Giáng Sinh 2017
  Gm Giuse Vũ Văn Thiên

BỔN MẠNG THÁNG 1


THÁNG 1

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
01/01
Lễ Mẹ Thiên Chúa
* Bổn mạng Tu viện Mẹ Thiên Chúa - Long Khánh
03/01
Lễ Thánh Genevièvè
* Chị Chúc
17/01
Lễ thánh Roseline
*Chị Kim Liên
25/01 

Lễ thánh Phaolô TĐ Trở lại

* Chị Cẩm

27/01
Lễ thánh Angèle Merici, trinh nữ
* Chị Lành
31/01 
Thánh Gioan Boscô, Lm
* Chị Vy

                              




LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY

LỄ GIỖ

 

 

Ngày 27/01

Bà cố Anna- Thân mẫu Dì Nhơn

Ông cố Antôn – Thân phụ Dì Hữu

Ngày 29/01

(13/12 Â L)

Ông cố Giuse- Thân phụ Chị Phương (L)



SUY NIỆM:THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊ-SU

Lễ Giáng sinh ngày nay không chỉ dành riêng cho người kitô hữu nữa, mà đã trở nên ngày Lễ hội dành cho cả thế giới. Đi đến đâu cũng thấy không khí Giáng sinh tưng bừng náo nhiệt. Những kiểu trang trí đẹp mắt, những khúc nhạc Giáng sinh du dương êm ái lòng người. Niềm vui tràn ngập nơi nơi.
Nhưng niềm vui ấy kéo dài được bao lâu, khi con người lại quay trở lại cuộc sống đời thường, rồi kỷ niệm Giáng sinh lai lui vào quá khứ.
Năm nay cũng mùa Giáng sinh nữa lại sắp qua đi, trong tôi lại ùa về một suy nghĩ. Sau khi Giáng sinh Chúa Giêsu đã phải trải qua một giai đoạn thầm lặng và khó khăn nhất. Đó là gia đình của Chúa phải tha hương, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải vất vả thế nào để vượt qua chặn đường gian nan như thế. Hoàn cảnh của gia đình Thánh gia lúc đó, cũng phù hợp với nhiều hoàn cảnh gia đình trong xã hội ngày hôm nay đang gặp phải trước vấn đề di dân, để mưu cầu một cuộc sống bình an.  
Vì thế, tôi suy niệm về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu qua năm chặng đường, để có còn đọng lại chút gì hơi ấm của hang đá bò lừa mà Chúa đã Giáng sinh hay không?
1. Thiên thần báo tin cho các mục đồng Đấng Cứu Thế đã sinh ra
Ta hãy xin cho được tấm lòng đơn sơ để nhận biết Chúa.
Chúa Giêsu đến trần gian để cứu chuộc nhân loại. Một vì Thiên Chúa hạ mình xuống để trở nên thân phận con người, hầu đưa con người giao hòa trong tình thương với Thiên Chúa. Thế mà Ngài phải chịu sinh ra trong nghèo hèn nơi hang bò lừa.
Vì nghèo nên không được đón tiếp vào quán trọ. Vì nghèo nên phải chịu cảnh lầm than lạnh lẽo không có nôi ấm chăn êm. Vì nghèo nên phải nằm trong máng cỏ với tấm vải mong manh. Và vì nghèo nên không ai đến viếng thăm, chỉ có các mục đồng là những người nghèo đến chia sẽ nỗi vui với Ngài.
Trong xã hội ngày hôm nay có biết bao người còn đang phải chịu cảnh nghèo đói, họ mong có được một chút hơi ấm của ngày Giáng sinh mà có được đâu. Vì mưu sinh mà họ phải vất vả kiếm sống để có được miếng cơm manh áo. Các mục đồng ngày xưa, họ đã nếm trải cái nghèo dưới sự lạnh lẽo của mùa đông giá rét, nhưng họ đã ấm áp bởi tình thương Chúa đến với họ. Còn người nghèo ngày hôm nay, họ đã phải chịu cảnh lạnh lẽo của mùa đông mà còn thêm sự giá băng của lòng người.
Chúa đến ban hơi ấm bình an cho con người, nhưng con người lại mang sự lạnh lẽo cho nhau. Trước những vấn nạn đau thương như thế, xin Chúa Hài Đồng biến đổi tâm hồn mỗi người trên thế giới này biết mở lòng ra đón nhận Chúa và biết san sẻ tình thương đó đến với những người còn trong cảnh lầm than. 
2. Đức Giêsu tỏ mình cho ba nhà đạo sĩ
Ta hãy xin cho những người chưa biết Chúa đón nhận được Ơn Cứu Độ.
          Giáng sinh đến tôi thấy ai ai cũng vui tươi hớn hở, chuẩn bị cho mình nhiều thứ để vui Giáng sinh. Nào là quần áo, giày dép… diện sao cho đẹp để đến bên hang đá chụp hình. Nhưng có ai hiện thực như ba nhà đạo sĩ hay không? Các ngài là những người ở phương xa đi tìm vị vua mới sinh để triều bái. Các ngài cũng đã chuẩn bị lễ vật thật xứng đáng nhưng không cho mình mà dành cho Chúa Giê-su.
          Còn chúng ta cứ hằng năm “ đến hẹn lại lên”, chúng ta đã chuẩn bị gì cho Chúa? Hay chỉ là bề ngoài đẹp đẽ lộng lẫy, mà quên chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bằng hy sinh, hãm mình, bác ái để giúp đỡ những người xung quanh còn đang thiếu thốn.
           Sứ mạng mỗi người kitô hữu là ra đi rao giảng Tin mừng. Vì thế chúng ta hãy mang Tin mừng Giáng sinh đến với những người chưa biết Chúa, những người cần tình thương của Chúa qua chúng ta. Để Chúa có thể Giáng sinh nơi lòng họ, như xưa Chúa đã tỏ ra cho ba nhà đạo sĩ.
3. Đức Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse trốn sang Ai cập
Ta hãy xin cho mọi người vượt qua mọi khó khăn và chiến tranh.
          Giáng sinh trong cảnh nghèo hèn, không tìm được quán trọ, Thánh gia đành phải tìm nơi hang bò lừa. Hoàn cảnh éo le khi sắp sinh nở mà con người không đón tiếp. Và khi sinh ra chưa được bao lâu thì con người lại xua đuổi. Éo le lại càng éo le hơn, khi Con Chúa mới sinh ra mà phải chịu cảnh tha hương, khi Vua Herode tìm cách giết hại. Cũng vì quyền lợi, chức quyền, địa vị mà Chúa phải khổ đau từ lúc mới sinh. Sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su đã gánh lấy từ khi mới sinh. Khi còn non nớt như thế, mà cả gia đình Thánh gia phải phêu bạt sương gió náo thân nơi đất khách quê người, hầu chu toàn sứ mạng cứu độ nhân loại.  
          Xã hội ngày hôm nay cũng đầy dẫy những con người như thế. Vì quyền lợi, chức quyền địa vị mà nhiều người phải lầm than đói khổ về vật chất lẫn tinh thần, phải tha hương cầu thực để mong có một cuộc sống bình yên. Cũng vì quyền lợi mà trên thế giới xảy ra xung đột, chiến tranh khắp nơi làm cho biết bao con người lìa xa gia đình, rời bỏ quê hương. Cũng vì quyền lợi mà con người ngày hôm nay không ngại dùng những thủ đoạn để đạt được lợi ích mà mình mong muốn. Ở mọi lãnh vực nghề nghiệp, mua bán, y tế, thực phẩm… hầu như tất cả cũng vì quyền lợi mà con người giết hại lẫn nhau.
4. Đức Giêsu và Cha mẹ trở về Nadaret
Ta hãy xin cho mọi gia đình luôn sống bình an.
          Gia đình Thánh gia đã phải lang thang nơi đất khách quê người, để thoát cảnh lùng bắt của Vua Herode. Thời gian dành cho sứ mạng cứu chuộc chưa tới, nên ý định của Chúa Cha đã dùng cách thế lánh nạn để chờ đợi đến thời đến buổi mới thực hiện chương trình cứu độ của Ngài.
          Thời gian ở trần thế này cũng là thời gian để chúng ta chấp nhận thử thách. Dù cuộc sống có đau khổ, có bị bách hại thể xác hay tinh thần. Thì đó cũng là bước qua con đường thập giá mà Chúa đã trải qua.
          Ở nhiều đất nước thời đại hôm nay, chạy theo vật chất hưởng thụ, con người loại Thiên Chúa ra bên ngoài. Vì thế, mà nhiều nơi người kitô hữu bị bách hại cách này hay cách khác. Viễn tượng nào đó họ chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa ở thế gian này, giống như Vua Herode và dân Do thái xưa đã khước từ sự hiện diện của Ngôi Hai.
5. Đức Giêsu lên Giêrusalem và ở lại đền thờ
Ta hãy xin cho được tấm lòng trong sạch để là đền thờ cho Chúa ngự.
          Chúa Giêsu sống tuổi thơ êm đềm như bao trẻ Do thái cùng trang lứa. Nhưng chắc chắn rằng Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse và Mẹ Maria chăm sóc rất đặc biệt. Thánh Luca thuật lại “ còn Hài Nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
          Dẫu rằng là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã thực hành những lề luật giống như bao người Do thái khác. Vì thế, Chúa Giêsu được Cha mẹ đưa lên Giêrusalem để mừng đại lễ Vượt qua theo đúng lề luật Do thái.
          Ngày hôm nay, nhiều bậc cha mẹ công giáo có vẻ như không quan tâm về những bổn phận của người kitô hữu. Ít quan tâm đến việc học giáo lý, hướng dẫn con cái đi lễ ngày thường và tham gia các sinh hoạt trong họ đạo. trái lại thì những hoạt động ngoài xã hội như học ở trường, học thêm những khả năng khác hay vui chơi giải trí thì ưu tiên hơn. Do đó chúng ta hãy nhìn lại thời thơ ấu của Chúa Giêsu nơi gia đình Thánh gia, để noi gương bắt chước đời sống đạo nơi mỗi gia đình kitô hữu chúng ta.
Kết luận
Qua vài dòng suy tư về Mầu nhiệm Giáng sinh như thế, chúng ta có còn chút gì đó để dâng cho Chúa Hài Đồng. Và cũng nhìn vào hiện tại, đâu đó trên thế giới này thấp thoáng những hoàn cảnh giống gia đình Thánh gia khi xưa. Đồng thời, hướng tới tương lai để mỗi người chúng ta noi gương Thánh gia sống theo thánh ý Chúa. Luôn vâng theo ý Chúa dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào cũng hãy phó thác vào Chúa, đi theo sự hướng dẫn của Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng xin cho mọi người kitô hữu chúng con biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống này, để chúng con vững tin vào Chúa. Xin cho những gia đình Công giáo ngày hôm nay cũng biết noi gương gia đình Thánh gia sống hoàn toàn theo thánh ý Chúa và biết dạy dỗ con cái mình chu toàn những bổn phận của người con Chúa.
Huyền Thoại

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

Bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta nhìn ngắm một gia đình rất đặc biệt với ba nhân vật độc đáo: Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chúa Giê-su.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn ngắm hài nhi Giê-su.
Đây là nhân vật bé nhỏ nhất trong gia đình nầy và cũng là nhân vật quan trọng nhất. Ngài là một huyền nhiệm vượt quá trí tưởng tượng của loài người.
Có ai ngờ một Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ vô biên nầy lại chấp nhận hóa thành một bào thai nhỏ bé nằm trong lòng mẹ suốt chín tháng mười ngày và được sinh ra bởi một người mẹ trần gian là một thiếu nữ miền quê không được mấy người biết đến.
Có ai ngờ một Đấng vô cùng giàu sang, là chủ nhân của tất cả mọi kho báu trên toàn thế giới và trong cả vũ trụ càn khôn, giờ đây lại trở thành một trẻ thơ nghèo hèn, không có một mái nhà, không giường chiếu và không cả một chiếc nôi cỏn con… đến nỗi phải nằm run rẩy trong máng súc vật lót rơm, giữa một chuồng bò tứ bề trống trải chơ vơ giữa không gian vắng lặng.
Có ai ngờ Đấng nuôi dưỡng chim trời cá nước, ban phát lương thực cho tất cả người thế hưởng dùng lại cậy nhờ đến từng giọt sữa của người mẹ trần gian để được tăng trọng và lớn lên thành người.
Có ai ngờ một Đấng vốn là Thiên Chúa Ngôi Hai đồng quyền năng phép tắc như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, có sức mạnh lay chuyển cả vũ trụ càn khôn, có quyền năng dập tắt bão tố… lại trở thành một trẻ thơ nhỏ nhoi, yếu đuối, thân mình bầm tím vì giá lạnh đêm đông, phải cậy nhờ đến sự ấp ủ của người mẹ trần gian để sống, phải cậy trông vào sự che chở của người cha nuôi vốn là một anh thợ nghèo miền quê, mới có thể lánh thoát lưỡi gươm oan nghiệt của bạo chúa Hê-rô-đê.
Ngoài ra, khi có một vị vua, một tổng thống hay thủ tướng một đất nước nào đó trong vai khách mời đến thăm chính thức quốc gia sở tại, thì những vị vua hay những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Chính Phủ sẽ trải thảm đỏ và ra tận sân bay để tiếp đón cách trọng thị, thì tại Bê-lem năm xưa, khi Chúa Tể trời đất đặt chân đến viếng thăm địa cầu và thăm viếng nhân loại, thì chỉ có những người chăn chiên nghèo khổ đến tiếp đón Ngài mà thôi.
Tiếp theo, chúng ta hãy nhìn ngắm nhân vật thứ hai trong gia đình nầy là Mẹ Maria.
Khi một người mẹ chuyển dạ sinh con, tối thiểu phải liệu cho bà một căn phòng kín đáo, thế mà khi chuyển dạ, Mẹ Maria chẳng tìm đâu được một căn buồng, mà phải nương thân nơi chuồng súc vật trống trải giữa cánh đồng hoang vu.
Nếu cùng cực lắm, không kiếm cho sản phụ một căn phòng kín đáo, ít nhất phải kiếm cho bà một chiếc giường, một tấm nệm hay tấm chiếu cho bà sinh con; đằng nầy, khi sinh con, Mẹ Maria không có giường êm, không nệm ấm, không được cả một manh chiếu đơn sơ, mà phải hạ sinh con ngay trên lớp rơm mỏng giữa chuồng bò!
Bao giờ sản phụ sinh con cũng có cô đỡ bên cạnh, để giúp sản phụ vượt cạn đầy khó khăn và cứu giúp bà thoát khỏi những nguy hiểm khó lường; đằng nầy, khi Mẹ Maria sinh con, chỉ có người bạn đời là thánh Giuse bên cạnh, mà người đàn ông thì chẳng biết phải xoay xở thế nào trong những trường hợp khó khăn như thế.
Còn nhân vật thứ ba là thánh Giuse.
Chắc chắn vào lúc bấy giờ, tâm hồn ngài đầy lo âu, buồn phiền và bối rối.
Lo âu vì thấy người bạn đời đang lúc chuyển dạ sinh con lại phải miệt mài gõ hết cửa nầy đến cửa khác ở các quán trọ ở Bê-lêm, mà không được một ai thương xót đoái hoài, nhường cho một chỗ trọ qua đêm.
Lo âu buồn phiền vì cuối cùng, đành phải đưa Mẹ Maria ra ngoài đồng vắng, dắt người bạn đời sắp vượt cạn vào một chuồng súc vật bẩn thỉu tanh hôi! Ngài cố tìm một tấm ván hay một vật gì đó tạm thay giường nằm cho Mẹ Maria cũng không có, thôi thì quơ đại ít rơm rạ vương vãi chung quanh để lót thành một ổ rơm nho nhỏ cho sản phụ có chỗ nằm.
Càng bối rối hơn khi đến giờ phút Mẹ Maria sinh con. Tìm đâu ra một cô đỡ trong nơi hoang vắng nầy! Biết làm thế nào trợ giúp một sản phụ đang sinh con! Mền không, chiếu cũng không. Thôi thì lót tạm ít rơm vào trong máng súc vật cho Hài Nhi mới sinh có một chỗ nằm thay nôi.
Ôi thôi! Càng ngắm, càng suy, càng thấy gia đình nầy thật là bi đát, cùng cực. Không ai trong chúng ta bị lâm vào hoàn cảnh đáng thương như thế.
***
Vì yêu thương nhân loại lỗi lầm, Ngôi Hai Thiên Chúa đã từ bỏ ngai trời xuống thế, chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo hèn cùng cực, hạ mình xuống tận đáy cuộc đời để chia sẻ cảnh lầm than khốn khổ của kiếp người. Qua sự việc nầy, Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Hỡi những ai nghèo thiếu cùng cực trên thế gian, hãy vững lòng, hãy đứng vững và đừng tuyệt vọng vì có Ta đến chia sẻ sự túng cực của các con, cùng đồng hành với các con qua mọi gian lao của cuộc sống.
Và hỡi những gia đình đang lâm cơn quẫn bách nghèo túng, đừng lo âu sợ hãi, đừng xấu hổ vì gia cảnh nghèo túng của mình, vì gia đình của Ta hôm xưa còn lâm cảnh nghèo hèn khốn khổ hơn gia đình các con. Ta luôn ở cùng các con để che chở bảo vệ các con cho đến mãn đời.
Lm. Ignatiô Trần Ngà

KHÔNG CÓ CHỖ TRONG QUÁN TRỌ

Mẹ Maria sinh hạ một người con trai, lần đầu tiên bà sinh con. Bà quấn lót cho con và đặt con ngủ trong máng lừa vì không có chỗ trong quán trọ.

Trong câu chuyện Giáng sinh, xưa nay chúng ta luôn dèm và lên án người chủ quán trọ đã đuổi mẹ Maria và thánh Giu-se, làm cho họ không còn nơi trú ngụ nào khác ngoài chuồng bò. Và bài học chúng ta rút ra từ câu chuyện này là chúng ta cần hào hiệp hơn trong cuộc sống, đừng bận rộn và ham công tiếc việc tới mức “không có chỗ trong quán trọ”, có nghĩa là không còn chỗ nào trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để vị thiên sai có thể ra đời, để có được Giáng sinh.
Có đôi phần đúng như vậy, nhưng các học giả cho rằng còn có một bài học sâu sắc hơn về sự việc Giê-su sinh ra trong máng cỏ vì không có chỗ trong quán trọ. Điều được nhấn mạnh ở đây không hẳn là chuyện người chủ quán trọ thiếu lòng hào hiệp, mà đúng hơn là việc Giê-su được sinh ra bên ngoài thành phố, bên ngoài những gì là tiện nghi, bên ngoài những lời hoan hô chúc tụng và danh vọng, bên ngoài việc được thừa nhận bởi những người giàu và mạnh, và ngoài sự chú ý của thế giới hàng ngày này. Giê-su được sinh ra trong tình trạng vô danh, nghèo khổ, hoàn toàn không ai chú ý, chỉ trừ gia đình và Chúa.
Việc người bị thành phố khước từ cũng báo trước cái chết của người. Quãng đời trên thế gian này của Giê-su cũng kết thúc như cách nó bắt đầu. Người sẽ là một người xa lạ, một kẻ ngoài rìa, bị đóng đinh trên thập giá bên ngoài thành phố y như khi sinh ra bên ngoài thành phố.
Thomas Merton từng viết một bài tuyệt vời về vấn đề này: Trong cái thế giới này, cái quán trọ ồn ào này, hoàn toàn không có chỗ nào cho Người, Chúa đã tới mà không hề được mời gọi. Nhưng bởi vì Người không thể cư xử như ở nhà mình trong đó, bởi vì Người lạc lõng trong đó, ấy vậy mà vẫn phải ở trong đó, nên chốn của Người là ở bên những ai không được dành cho chỗ nào. Chốn của người là ở bên cạnh những ai không được thuộc về, những người bị quyền lực khước từ bởi vì họ bị coi là kẻ yếu, những người không đưọc ai tin, những người không có nhân vị, những người bị tra tấn, bị đánh bom, bị xử tử. Đối với những ai không được dành cho một nơi chốn, thì Chúa hiện diện trên thế giới này. Người có mặt một cách bí ẩn trong những ai mà dường như không có gì dành cho họ ngoại trừ những gì tệ hại nhất của thế gian này.
Giê-su sinh ra trên thế giới này mà không ai hay biết, ở bên ngoài thành phố, bên ngoài tất cả những nhân vật và sự kiện dường như quan trọng vào thời điểm đó. Hai ngàn năm sau, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sự ra đời này, nhưng vào lúc đó, hầu như không ai nhận ra. Hiểu ý nghĩa đằng sau điều đó có thể giúp chúng ta có một nhãn quan sâu, những người mà trong cuộc sống, mãi mãi cảm thấy là những người bên rìa, không ai hay biết, vô danh, sống trong một thời đại bé nhỏ, thành phố bé nhỏ, những con người mang tính chất ngẫu nhiên tình cờ đối với hành động lớn và đại cuộc. Ảnh chân dung và câu chuyện của chúng ta sẽ không bao giờ xuất hiện ở tạp chí TIME hay báo PEOPLE. Tên của chúng ta chẳng bao giờ trưng lên được đèn đuốc chiếu sáng, và số của chúng ta là sống và rồi chết đi cơ bản là trong tình trạng vô danh, không ai biết, ngoài cái vòng nhỏ hẹp bạn bè người thân của chúng ta.
Phần lớn chúng ta sẽ sống một cuộc đời ẩn mật bình lặng, nơi thôn quê, nơi thành phố nhỏ bé, trong những vùng thành phố không ai biết, ngắm nhìn các sự kiện lớn của thế giới từ bên ngoài và luôn luôn nhìn thấy một người nào khác chứ không phải chúng ta ở trung tâm mọi việc. Dường như bản thân chúng ta sẽ mãi mãi không được biết tới, và các tài năng đóng góp của chúng ta thì sẽ không ai công nhận, có lẽ ngay cả những người trong gia đình mình. Sẽ không bao giờ có chỗ trong quán trọ cho chúng ta. Chúng ta sẽ sống, làm việc, tạo sự sống, sinh con đẻ cái trong những nơi chốn khiêm nhường hạ tiện hơn nhiều.
Và, có lẽ đau đớn nhất là chúng ta sẽ phải chịu đựng nỗi chán chường vì không thể biểu lộ năng lực và tài năng thiên bẩm của mình ra với thế giới, mà thay vào đó là phải nhìn thấy bản giao hưởng, giai điệu thâm trầm sâu sắc trong lòng mình, chẳng bao giờ chúng tìm thấy cách biểu hiện thỏa đáng ở thế giới bên ngoài. Những giấc mơ và những kho tàng sâu sắc nhất của chúng ta sẽ không bao giờ tìm được cho chúng một sân khấu ở trần gian này. Dường như sẽ không bao giờ có chỗ trong quán trọ cho những gì ưu tú nhất trong chúng ta. Những kho tàng sâu xa nhất của chúng ta, giống như sự ra đời của chúa Giê-su trên thế giới này, sẽ luôn luôn ở ngoài bìa, bị chết đi mà không có cách nào thổ lộ – như Iris Murdoch từng gọi. Nghệ thuật cũng có những liệt sĩ, và không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của sự biểu lộ bản thể không trọn vẹn.
Mẹ Maria sinh hạ chúa Giê-su trong máng cỏ vì không có chỗ cho họ trong quán trọ. Đây là lời chú giải không phải chỉ về sự bận rộn và thiếu hào hiệp của một chủ quán trọ nào đó xa xưa. Đây là câu chuyện về những gì sâu thẳm nhất trong cuộc đời con người. Cốt tủy, điều câu chuyện muốn nói là không phải những người ở tâm điểm mọi sự, kẻ có quyền lực, người giàu, người nổi tiếng, lãnh đạo chính phủ, những ngôi sao của thế giới giải trí, những vị lãnh đạo tập đoàn công ty, học giả hay viện sĩ, là người rốt cùng ở tâm điểm của cuộc sống. Những gì sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc sống nằm ở chốn vô danh, những người có quyền lực không chú ý tới, được dịu dàng quấn trong đức tin, bên ngoài thành phố.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch

BE LEM TRONG NHỮNG NGÀY GIÁNG SINH

Từ khi Giuse đón Maria về nhà, hai người mong chờ ngày Con Thiên Chúa mở mắt chào đời. Chắc hẳn hai ông bà cũng chuẩn bị chu đáo những thứ cần thiết cho em bé sắp hạ sinh. Ở quê Nazarét tuy nghèo khổ, nhưng nơi ấy cũng có chỗ ấm cúng và người thân thuộc phụ giúp hai vợ chồng trẻ sắp đón con so.
Biến cố kiểm tra dân số lần đầu tiên được hoàng đế Au-gút-tô thực hiện khiến cả nước xôn xao. (Ông làm hoàng đế Rôma từ năm 29 TCN đến 14 SCN). Người dân phải về quê quán mình mà khai tên tuổi. Đó là nghĩa vụ bắt buộc trên toàn quốc. Bởi đó, Giuse khăn gói lên đường từ Nadarét phía bắc lên thành vua Đavít phía nam để khai khai tên cùng với người đã thành hôn với mình là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Tin Mừng không cho biết hai người đi theo con đường ven biển hay con đường dọc theo sông Gio-đan để lên miền Giu-đê. Nhưng dù con đường nào đi nữa, thời ấy luôn là chặng đường vất vả đối với hai vợ chồng, nhất là Maria đang bụng mang dạ chửa.
Trong đoàn người ngược xuôi chẳng ai hay biết đứa con trong bụng Maria là Con của Lời Hứa vốn họ đang mong chờ. Trên hành trình ấy, có chăng họ chỉ hỏi thăm hoặc giúp đỡ Maria chút đỉnh khi cần. Sau những ngày vất vả trên đường, họ cũng đến được Bêlem. Ở đó khỏi phải nói, lúc này các phòng trọ đều quá tải bởi lượng người đổ về khai tên tuổi. Thật khó cho Maria và Giuse tìm phòng trọ để tá túc. Hai ông bà đi gõ cửa nhiều phòng trọ nhưng đều bị từ chối. Lý do có thể vì phòng trọ đã hết hoặc họ thấy Maria sắp sinh con có thể gây phiền toái trong quán trọ. Hai vợ chồng được người ta chỉ cho một hang chiên lừa ngoài cánh đồng. Giuse cùng với vợ mình đành tá túc tại đó. Trong đêm giá lạnh của mùa đông, Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Mẹ sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ.
Đó là thời khắc lịch sử dành cho cả nhân loại vì từ đây Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Ngôi Lời đã trở nên người phàm để cứu độ chúng ta. Ý nghĩa là vậy, huy hoàng là thế nhưng dường như dân làng Bêlem cũng chẳng ai hay biết tin mừng trọng đại ấy. Những đêm ấy chỉ có những chú mục đồng chăn chiên canh giữ đàn vật được báo cho biết chỗ Đấng Cứu Độ đã ra đời. Thời ấy họ là lớp người bị ngạt ra bên lề xã hội, những người nghèo nàn, bé nhỏ. Tuy vậy, đêm nay, họ lại là những người đầu tiên tìm đến nơi và chiêm ngắm Hài Nhi. Họ thờ lạy và cất tiếng ngợi khen cùng với muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Trong những ngày này nơi những khu dân cư của làng Bêlem, đâu đâu người ta cũng bàn tán chuyện kiểm tra dân số. Người Do Thái đang chịu những bóc lột của ngoại bang. Do đó, nhiều câu chuyện chính trị được người dân bàn tới trong sự kiện lần này. Họ chẳng hề biết chuyện Con Thiên Chúa mới sinh gần nơi họ trú ngụ. Sau đó ít hôm, ba vị chiêm tinh từ phương Đông đến hỏi vua Hêrôđê xem vị vua mới hạ sinh hiện đang ở đâu. Lúc ấy cả vùng mới xôn xao hướng về làng Bêlem vì: „Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.” (Mk5,1-3).
Theo ánh sao, ba vị chiêm tinh tìm đến chỗ Hài Nhi, sấp mình thờ lạy, mở bảo tráp lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Đó là những lễ vật tượng trưng cho Hài Nhi vừa là Vua, là Thiên Chúa vừa là Con Người. Khi các ngài được báo mộng đi đường khác mà về, vua Hêrôđê biết mình bị lừa nên nổi giật ra lệnh truy sát những trẻ ở làng Bêlem và vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống. Hài Nhi của chúng ta trốn sang Ai Cập. Những ngày truy lùng Hài Nhi Giêsu, làng Bêlem ngập tràn tang tóc của những đứa trẻ vô tội bị bạo chúa ngoại đạo giết lầm còn hơn bỏ sót.
Trong thời đại hôm nay, hẳn là mỗi người chúng ta cũng hướng về Bêlem để thờ lạy Hài Nhi Giêsu mỗi dịp Giáng Sinh về. Hiện nay làng Bêlem có nhà thờ Giáng Sinh (Church of the Nativity) là nơi còn lưu dấu nguyên vẹn chỗ năm xưa Chúa Giêsu ra đời. Có thể nói nơi nào có hang đá, nơi ấy cũng là một Bêlem, một nhà thờ Giáng Sinh. Tiếc là rất nhiều nơi Bêlem như thế còn nhiều người chưa biết đến câu chuyện Giáng Sinh. Họ quan tâm đến vấn đề khác hơn là tìm đến hang Bêlem để chúc mừng sinh nhật Con Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Ước gì mỗi người là những mục đồng, những vị chiêm tinh, những người nhận ra hôm nay là ngày trọng đại cho mình và cho toàn dân. Một ngày Giáng Sinh an lành! Chúng ta chúc cho nhau có được ơn bình an của Chúa Giáng Sinh và mỗi „làng Bêlem” tìm được niềm vui, thấy được ý nghĩa đích thực trong những ngày Giáng Sinh này.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH CŨNG LÀ CÂU CHUYỆN CỦA BẠN

Bạn sẽ nói lời xin vâng chứ? Bạn sẽ cho phép trẻ thơ này ngự trị trong cung lòng của bạn chứ? Bạn sẽ cho phép Chúa Ki-tô đi vào trong thế giới này qua cuộc đời của bạn chứ?
Nét đẹp của mỗi trình thuật được tìm thấy trong Kinh Thánh nằm ở chỗ, luôn có hai câu chuyện được tỏ lộ trong một thực tại. Vì thế, khi chúng ta bỏ giờ ra đọc và chiêm niệm đoạn trình thuật về Giáng Sinh, thì cùng lúc đó chúng ta được mời gọi khám phá cả về cuộc hạ sinh của Chúa Ki-tô ở Bê-lem lẫn cuộc hạ sinh của Ngài trong cuộc đời của chúng ta.

Cả hai câu chuyện ăn khớp với nhau trên hai điểm thiết yếu: sự diệu kỳ nơi tình yêu trào tràn của Thiên Chúa, được tỏ lộ trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và tấn kịch nơi sự cộng tác của nhân loại. Dù cho dân Chúa có đáp lời hay từ chối thì tấn kịch này vẫn tồn tại từ khi tạo thiên lập địa. Tuy nhiên, nó đạt đến tột đỉnh ngay tại biến cố Truyền Tin, mà Thiên Chúa đã tỏ bày sứ điệp về kế hoạch cứu độ của Người cho Mẹ Ma-ri-a. Thánh Bê-na-đô đã nói về cái khoảnh khắc tuyệt diệu này trong một bài giảng về Mùa Vọng của ngài.

“Sau đó, trả lời với thiên thần cách mau mắn – vâng, ngang qua thiên thần, lời ưng thuận của bạn được trao đến Thiên Chúa … Tại sao bạn trì hoãn? Tại sao bạn sợ hãi? Hãy tin tưởng – tuyên xưng – đón nhận. Hãy đặt để sự khiêm nhường trong sự can đảm, và sự rụt rè nhút nhát trong sự tin tưởng … Ôi Đấng Trinh Nữ đầy ơn phúc, hãy mở rộng tâm hồn của các bạn cho đức tin, hãy mở môi miệng của bạn cho sự bằng lòng, hãy mở cung lòng của bạn cho Đấng Tạo Hoá. Này đây, Đấng hằng được mong ngóng của tất cả các dân nước, đang đứng ở cửa và gõ … Hãy đứng dậy bằng đức tin, chạy bằng lòng sốt mến và rộng mở đón nhận. Mẹ Ma-ri-a đã đáp: ‘Này đây là nữ tỳ của Chúa, xin hãy cứ làm cho tôi theo lời sứ thần nói.’”

Chúng ta phải luôn tách tâm trí mình khỏi sự lãnh đạm, nhưng cho phép con tim rung động, và bước chân nhảy lên. Đây là giây phút mà toàn bộ công trình tạo dựng đang nín thở để hỏi: “cô ấy sẽ nói vâng chứ?” Hãy cố gắng tưởng tưởng thấy sự bùng nổ của niềm vui mà niềm vui ấy làm rung chuyển cả trên trời khi nghe câu trả lời của Mẹ …

Giờ đây, chúng ta hãy học cách để nhận thấy giây phút kịch tính như thế trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Đấng cứu độ của chúng ta đã sinh ra và đã sống ở giữa chúng ta. Đây là mầu nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta cử hành. Thiên Chúa đã đi vào thế giới của chúng ta và giờ đây đến với từng người trong chúng ta, mời gọi chúng ta theo Người. Thật không thể nào lưng chừng hay dửng dưng trước sự kiện này! Trên trời và dưới đất đang nín thở để chờ đợi! Bạn sẽ nói lời xin vâng chứ? Bạn sẽ cho phép trẻ thơ này ngự trị trong cung lòng của bạn chứ? Bạn sẽ cho phép Chúa Ki-tô đi vào trong thế giới này qua cuộc đời của bạn chứ? Bạn sẽ làm việc mà không tìm ngơi nghỉ đến nỗi mà tình yêu của Người có thể chạm đến, chiến thắng và biến đổi nền văn hoá xung quanh bạn chứ? Bạn hứa sẽ ở lại bên cạnh Người lúc tốt đẹp cũng như lúc tệ hại, dù đó là vị vua được người ta suy phục hay là vị vua mà người ta đóng đinh chứ?

Tiếng nói “xin vâng” của một người với Chúa nghĩa là chấp nhận kế hoạch của Ngài và đặt để chính mình trong bàn tay của Ngài cách tin tưởng. Chúng ta sẽ vượt qua những giây phút của ánh sáng và bóng tối; vẫn còn đó, chúng ta hãy luôn luôn nhớ lại Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng tên và bằng tình yêu thương lớn lao mà Ngài đã tỏ lộ cho chúng ta. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã làm sáng tỏ hành trình này qua việc suy tư về chính kinh nghiệm riêng của Mẹ Ma-ri-a sau Truyền Tin.

Câu Kinh Thánh cuối cùng của thánh Lu-ca trong trình thuật Truyền Tin: “Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1,38). Giờ phút vĩ đại nơi cuộc gặp gỡ của Mẹ với sứ thần của Thiên Chúa – mà toàn thể cuộc đời của Mẹ bị thay đổi – tiến đến một kết thúc, Mẹ còn lại đó một mình với một trách vụ mà thực sự vượt quá khả năng nhân loại. Chẳng có thiên thần nào đứng xung quanh Mẹ. Mẹ phải tiếp tục một con đường dài dẫn qua rất nhiều giây phút tăm tối – từ sự mất tinh thần của Giu-se với cái thai của Mẹ cho đến giây phút Đức Giê-su bị người ta cho là mất trí (Mc 3,21; Ga 10,20), và trong tình trạng tăm tối của thập giá.

Trong những tình huống như thế, Mẹ Ma-ri-a đã phải thường xuyên trở về trong thâm tâm với giây phút mà thiên thần của Thiên Chúa đã nói với Mẹ, cân nhắc lại một lần nữa lời chào: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng!” và lời đầy an ủi: “Xin đừng sợ!” Thiên thần rời đi; sứ mạng của Mẹ còn lại, và điều đó làm cho Mẹ trưởng thành trong sự gắn kết nội tâm hơn với Thiên Chúa, một sự gần gũi mà Mẹ có thể nhìn thấy và chạm được nơi trái tim của Mẹ.

Link bài viết: https://catholic-link.org/the-christmas-story-is-your-story-too/
Tác giả: Garrett Johnson

Chuyển ngữ: Trương Minh Cao, S.J.