BỔN MẠNG THÁNG 10


CHÚC MỪNG BỔN MẠNG

THÁNG 10

Ngày 
Lễ
Quan Thầy
01/10
Lễ thánh Têrêxa



* Chị Hằng (TD)
*Rửa tội: Dì Trưởng ,Chị Cẩm ,Chị Thảo, Chị Mỹ Tiên (Thêm sức),  chị Giêng , chị Loan ,chị Trâm, chị Hường, C. Ngọc Thảo ( TS)
* Bổn mạng các em Tuyển Sinh

04/10
Lễ T. Phanxico Assisi

* Chị Khiêm

05/10
Lễ T. Faustina
* Chị Tuyết
07/10 



L M Mân Côi     




* Bn Mng Hi Dòng
* Ch Thy Tiên
* Rửa tội: Ch Lan,  ch M Tiên,
chị Khiêm, ch Hot

15/10
Lễ  T. Têrêsa Avila
* Chị Cần
16/10 
Lễ thánh Maguerite
* Chị Tươi

 

* Ghi Chú:          * Từ ngày31/10 đến 02/11: Làm tuần tam  nhật,    

                           Mừng Kính Thánh Martinô Porres.  Đấng Bảo Trợ Dự-Tỉnh.




CHÚA NHẬT XXVI-TNB

Diệt trừ gương xấu – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Gương xấu lây lan nhanh như đại dịch, bùng phát mạnh như cháy rừng. Nguy cơ lây nhiễm cao đến nỗi người ta thường nói: gần mực ắt phải đen cũng như gần đèn tất phải sáng. Biết bao nhiêu thói xấu của thế hệ trước ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo đang làm cho xã hội chúng ta điêu đứng.
Chúa Giêsu ví tác động của gương xấu ảnh hưởng lên những người chung quanh y như men trong bột. Chỉ cần một nhúm men nhỏ cũng đủ sức làm dậy lên cả một thúng bột lớn. Một ít men rượu làm cho cả nồi cơm nên rượu; chút ít men dấm làm cho cả hũ nước nên dấm chua; men thối thì làm cho lương thực nên thối; men độc thì làm cho đồ ăn nên độc...
Chúa Giêsu xem thái độ giả dối của những người biệt phái cũng như tâm địa độc ác của vua Hêrôđê là những thứ men độc hại có thể khiến cho những người chung quanh bị tiêm nhiễm y như men ảnh hưởng lên bột nên Người cảnh báo các môn đệ phải đề phòng: "Anh em phải coi chừng men biệt phái và men Hêrôđê" (Mc 8, 15).
Chính vì gương xấu của người nầy gây ảnh hưởng tai hại lên nhiều người khác nên Chúa Giêsu kịch liệt bài trừ. Người muốn nhổ bỏ thói xấu tận gốc rễ, muốn tẩy trừ gương xấu bằng mọi giá.
Trước hết, Người răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn." (Mc 9, 42)
Và Người muốn diệt trừ các duyên cớ gây ra tội lỗi cách rất quyết liệt: "Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt." (Mc 9, 43-48)
Khi phán dạy như thế, Chúa Giêsu không có ý nói là chúng ta phải huỷ hoại thân mình để loại trừ thói xấu, nhưng Người có ý nói phải diệt trừ thói xấu cách quyết liệt, bằng bất cứ giá nào.
* * *
Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhổ bỏ tội lỗi và thói xấu là điều thật khó khăn, vì việc xấu ta vừa dứt bỏ hôm nay, ngày mai lại quay về.
Tẩy trừ thói xấu cũng như xua đuổi một con chó ghẻ trung thành. Khi con chó trong nhà bị ghẻ lở trông thật ghê tởm và hôi hám, người nhà quyết xua đuổi nó đi, nhưng lát sau nó cũng quay về. Dù người nhà tiếp tục đánh đập và xua đuổi nó đi xa... nó cũng lại trở về!
Tẩy trừ thói xấu cũng y như nhổ cỏ cú (một thứ cỏ có nhiều rễ củ ăn sâu xuống lòng đất, rất khó diệt) trên mảnh đất tốt. Hôm nay nhổ sạch cỏ rồi, mai gặp một trận mưa to, cỏ lại mọc lên phơi phới.
Như vậy, không lẽ con người đành bó tay trước thói hư tật xấu?
Bệnh nào cũng có thuốc chữa. Sâu nào cũng có thuốc trừ.
Đối với những đám đất nhiều cỏ cú diệt hoài không được, người nông dân kinh nghiệm có thể diệt hết cỏ bằng cách biến nó thành thửa ruộng lúa nước. Người ta bơm nước vào đám đất có nhiều cỏ, ngâm nước một thời gian cho cỏ thối đi, rồi cày và trục chôn cỏ mục xuống bùn. Sau đó, người ta sạ lúa xuống. Chờ lúa mọc lên chừng mươi phân, người nông dân lại cho nước vào phủ hết mặt ruộng, rồi bung phân cho lúa bốc lên nhanh; lá lúa vươn ra um tùm che phủ mặt ruộng khiến cỏ dại không thể nào mọc lên được.
Có người diệt cỏ bằng cách trồng mía. Mía con vừa mới lên liền được bón thúc phân thật sớm khiến bụi mía phát triển sum suê. Thế là cỏ dại dưới đất bị chết ngộp vì thiếu ánh sáng.
Thế là nhà nông thắng lớn vì không cần tốn công làm cỏ mà lại thu hoạch được lúa hoặc mía dồi dào.
Vậy thì một trong những phương pháp kiến hiệu để loại trừ gương xấu, thói hư là áp dụng phương thức lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu: quyết tâm tạo cho mình những việc làm tốt để đẩy lui những việc làm xấu; tập thói quen tốt để đẩy lùi thói quen xấu; lấy sách báo lành mạnh thay thế cho sách báo đồi truỵ; lấy phim giáo dục đẩy lùi phim vô luân; chọn bạn tốt lành thay cho bạn bè xấu tính...
Hy vọng nhờ đó, cuộc đời chúng ta ngày càng được cải thiện; tâm hồn chúng ta ngày thêm trong sáng; bản thân chúng ta ngày càng trở nên người có phẩm chất cao.

LỜI CHÚA CN XXV-TNB

Muốn làm đầu thì phải phục vụ trong khiêm hạ.
(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Trong Thánh kinh Cựu ước, nhiều lời tiên tri về Đấng cứu thế đề cập đến một vương quốc phổ quát có tính cách hoàn cầu. Theo lời các ngôn sứ, thì đến một thời gian nào đó, tất cả các dân tộc đều qui phục dòng dõi Đavít, và các chư dân sẽ hướng về Giêrusalem. Tuy nhiên các ngôn sứ nói về một vương quốc thiêng liêng mà Đấng cứu thế sẽ thiết lập.
Mặc dù một lần nữa trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu báo trước việc Người sẽ phải chịu khổ nạn và tử hình, rồi được phục sinh, các tông đồ vẫn không nhận thức được ý nghĩa của lời Người giảng dạy. Họ vẫn còn nuôi hi vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian. Vì thế dọc đường, họ tranh luận với nhau xem ai sẽ là người quan trọng nhất trong vương quốc của Chúa.
Để loại trừ quan niệm sai lầm về Đấng cứu thế, Chúa Giêsu lập tức triệt hạ tính tự kiêu tự đại của họ, bằng cách dạy họ về đức khiêm tốn: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35). Theo lời Chúa dạy thì tính tự kiêu tự đại là một nết xấu mà người môn đệ Chúa phải xa tránh và loại trừ để luyện tập nhân đức khiêm tốn để làm người rốt hết. Một vài hậu quả của tính tự kiêu mà ta đọc thấy trong thánh kinh là các thần dữ, vì không vâng lời phụng sự Thiên Chúa, nên đã bị đày ải xuống âm phủ. A-đam và E-và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cũng vì nghĩ rằng mình có thể trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm. Cội rễ của sự dữ là ghen tương và kiêu ngạo như trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nêu ra những ý định cuả người kiêu ngạo định làm để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và lên án người công chính. (Kn 2,1-20). Đó cũng là điều mà thánh Giacôbê tông đồ nhận xét trong thư gủi giáo đoàn: Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa (Gc 3,16).
Phúc âm hôm nay đưa ra hình ảnh của trẻ em để dạy ta bài học về đức khiêm tốn. Quan sát người ta thấy những đặc tính của con trẻ là tín nhiệm, đơn sơ và chân thành. Trẻ con thường không có tham vọng và không tự phụ. Đón nhận trẻ em có nghĩa là đón nhận những người giống như trẻ con: người khiêm tốn, người thấp hèn, người nghèo đói, người đau yếu, người yếu thế, người bị bỏ rơi.. Nếu phân tích, ta thấy người khiêm tốn có nhiều đức tính của trẻ con. Người khiêm tốn là ngưòi biết nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự, và hành động theo sự xác tín của mình: không giả tạo, không đóng kịch. Người khiêm tốn là người biết tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa, vào ơn khôn ngoan và chương trình quan phòng của Chúa.
Trinh nữ Maria nêu gương mẫu cho ta về đức khiêm tốn. Trinh nữ không mơ ước địa vị làm mẹ Đấng cứu thế như giới phụ nữ Do thái thời bấy giờ. Thiên Chúa nhìn thấy lòng khiêm tốn của trinh nữ Maria nên đã chọn trinh nữ làm mẹ Đấng cứu thế. Khiêm tốn thực sự là sống trung thực với lòng mình và nhìn nhận sự thực về mình: ưu điểm cũng như khuyết điểm. Vì nhìn nhận sự thực về mình nên trinh nữ Maria đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về những việc trọng đại Người đã thực hiện nơi mình trong kinh Ngợi Khen (Magnificat).
Chính Chúa Giêsu đã đến để dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đổi ngược lại những giá trị của loài người. Theo lời Chúa dạy thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham muốn vinh dự và địa vị.
Nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu ngăn cản người ta làm lớn. Trong xã hội cũng như trong Giáo hội phải có những người làm lớn, những người nắm giữ địa vị nọ kia để điều hành guồng máy tổ chức trong Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên Chúa bảo làm lớn là để phục vụ chứ không phải chỉ vì ham chức tước. Làm lớn còn có nhiều cơ hội và phương tiện để phục vụ như có ngân khoản, có người thừa hành. Chúa bảo ta chỉ tìm được sự bình an và hạnh phúc thực sự khi sống trong gương mẫu khiêm tốn phục vụ. Chúa chỉ cho ta thấy việc làm vĩ đại thật, không phải là việc phô trương cho người khác biết đến, nhưng được tìm thấy trong việc quên mình để phục vụ tha nhân. Và đó là một nghịch lý của Kitô giáo. Để nhắc nhở cho mình và cho hàng giáo sĩ và giáo dân lời Chúa dạy về việc khiêm tốn phục vụ, các Đức giáo hoàng thường thêm châm ngôn La tinh Servus servorum, có nghĩa là đầy tớ của các đầy tớ vào trước chữ kí tên.
Lời cầu nguyện xin cho được noi gương khiêm tốn phục vụ:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa.
Chúa đã đến thế gian làm người để dạy bảo nhân loại
bài học phục vụ trong khiêm hạ.
Xin tha thứ những lần con tỏ ra tự kiêu, tự đại và tự phụ
với những người anh chị em con.
Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa
nơi người anh chị em con,
những người đau khổ, bất hạnh về thể xác và tinh thần
để con biết phục vụ trong khiêm tốn. Amen.

LỜI CHÚA CN XXIV-TNB

Theo quan niệm Do thái thời bấy giờ, thì Đấng cứu thế phải là nhà lãnh đạo trổi vượt, một nhà cải cách xã hội tài ba, một tướng lãnh lừng danh, bách chiến bách thắng để có thể lật đổ ách thống trị của ngoại bang là người La mã đang cai trị họ thời vua Hêrôđê và đưa dân tộc họ lên hàng số một, làm bá chủ hoàn cầu. Ngay cả các tông đồ đã theo Chúa ba năm, nghe lời Người giảng dạy và chứng kiến phép lạ Người làm, cũng còn nuôi quan niệm sai lầm về Đấng Cứu Thế.
Tới lúc mà Đức Giêsu muốn biết xem người ta nói gì về Người khi hỏi các tông đồ: Người ta bảo Thầy là ai (Mc 8,27)? Sau khi họ thuật lại về việc người ta gán cho Thầy các ông là nhân vật nọ nhân vật kia như ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia hay một ngôn sứ nào đó trong Thánh kinh, thì Chúa muốn biết xem các tông đồ nghĩ Người là ai? Đối với Đức Giêsu, người ta bảo Người là ai không quan trọng cho bằng việc các tông đồ bảo Thầy của họ là ai. Phêrô đại diện các tông đồ trả lời: Thầy là Đấng Kitô (Mc 8,29).
Mặc dù nhận ra Thầy mình là Đấng Kitô, thánh Phêrô vẫn chưa hiểu đủ về bản tính của Đấng Kitô cũng như vai trò và sứ mệnh của Người. Nói cách khác tầm hiểu biết của thánh Phêrô về Đức Kitô lúc đó còn giới hạn và mơ hồ. Do đó các tông đồ không thể nào quan niệm được rằng Thầy mình có thể chịu đau khổ. Đối với các tông đồ thì việc Thầy họ chịu đau khổ không thể nào chấp nhận được. Vì thế ông Phêrô lên tiếng can ngăn Thầy mình khỏi phải chịu đau khổ. Ông muốn Đấng Kitô đi theo đường lối của loài người, nghĩa là tránh cảnh khổ nạn. Sở dĩ có sự can ngăn như thế là vì các tông đồ chưa hiểu lời Thánh kinh. Các ông chưa biết rằng người đầy tớ của Giavê chịu đau khổ mà ngôn sứ Isaia nói đến hôm nay ám chỉ về Đấng Cứu thế, là Thầy của họ. Và trong Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu cũng áp dụng lời tiên tri về người đầy tớ của Giavê về cho Người.
Để loại bỏ những quan niệm sai lầm về Đấng Cứu thế, Đức Giêsu lập tức tiên báo về cuộc khổ hình và tử nạn mà Người sẽ phải chịu. Đây là lần thứ nhất Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá của Người. Và sau này Chúa còn tiên báo hai lần nừa về của khổ nạn của Người. Như vậy Đức Giêsu cho ta thấy điều nghịch lí của đạo Kitô giáo. Khi ta chịu đau khổ thiệt thòi vì yêu mến Chúa, ta sẽ tìm được sự sống mới trong Chúa. Do đó mà thánh Augustinô mới đặt bút viết: Đâu có yêu, đó không còn đau khổ. Giả như có khổ đi nữa, người ta lại chấp nhận đau khổ vì yêu.
Chìa khoá để mở cửa cho sự hiểu biết và đương đầu với đau khổ là ý nghĩa và mục đích. Chúa Cứu thế đến để đem lại ý nghĩa và mục đích cho đau khổ và sự chết. Người tín hữu không chuốc lấy đau khổ chỉ vì muốn khổ, như là một đường cùng không lối thoát. Nếu dừng lại ở đau khổ thánh giá là ta chọn đi con đường cụt và ta sẽ bị bế tắc. Nói như vậy có nghĩa là khi gặp những đau khổ về phần xác như bệnh tật hoặc phần tinh thần như những lo âu, sợ hãi, ta cần đi bác sĩ và uống thuốc chữa trị. Bác sĩ và thuốc men là dụng cụ Chúa dùng để chữa trị bệnh tật loài người. Đôi khi Chúa còn chữa trị bệnh tật loài người cách trực tiếp mà không cần đến bác sĩ hay thuốc men. Cách thế chữa trị như vậy, được gọi là phép lạ. Vậy khi phải mang bệnh tật về phần xác hay tinh thần và sau khi đã tìm cách chữa trị, mà vẫn không thuyên giảm, ta cần học chịu đựng vì yêu mến Chúa, để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, thì việc chịu đựng mới mang lại ý nghĩa và ơn ích thiêng liêng. Chịu đau khổ như vậy vì lòng mến Chúa, thì được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa để cầu cho phần rỗi linh hồn. Ta cũng cần tiếp tục cầu nguyện, xin Chúa ban thêm đức tin và sức mạnh để ta có thể chịu đựng vì yêu mến Chúa.
Mang lấy gánh nặng của cuộc sống đòi hỏi người tín hữu một đức tin kiên trì và một tâm hồn tín thác vào Chúa. Chỉ bằng việc suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa, bằng kinh nghiệm đau khổ cá nhân và bằng lời cầu nguyện, ta mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của lời Chúa: Hỡi những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28).
Lời cầu nguyện xin cho được chịu đau khổ vì yêu mến:
Lạy Chúa Giêsu là Thiên Chúa!
Chúa đã chấp nhận đau khổ vì yêu mến loài người.
Con xin dâng lên Chúa những đau khổ của con
về phần xác, phần hồn và tinh thần:
những nỗi lo âu, sợ hãi, cơ đơn và buồn chán
những hiểu lầm và nghi kị,
những thiệt thòi và tủi hổ của đời con.
Xin Chúa đến ở bên con và đồng hành với con
để biến đổi đời sống con. Amen.

LỜI CHÚA CN XXIII- TNB

THÍCH ĐIẾC, MUỐN NGỌNG

Mc 7, 31-37

Các phương tiện truyền thông đang nói nhiều đến sự ô nhiễm: ô nhiễm môi trường sinh thái, ô nhiễm nguồn lương thực, ô nhiễm âm thanh. Bên cạnh đó, các nhà giáo dục còn nói đến ô nhiễm những mặt trái của văn minh phương tây, ô nhiễm tinh thần tục hoá của một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ. Hơn lúc nào hết, chúng ta có quá nhiều cái để nghe và cũng có quá nhiều điều để nói đang khi biết bao điều phải nghe mà chưa nghe được, bao nhiêu điều phải nói mà nói không được. Phải chăng, một cách nào đó, chúng ta cũng không hơn chi anh chàng vừa điếc vừa ngọng trong bài Tin Mừng hôm nay khi anh phải nhờ người khác dẫn mình đến với Chúa Giêsu.

"Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi...". Bài hát của một tác giả như là một lời nhắc nhở chúng ta; hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa còn nói với chúng ta nhiều hơn.

Trình thuật Tin Mừng kể chuyện Đức Giêsu chữa lành một người điếc và ngọng. Phép lạ không chú trọng đến việc chữa lành thể chất nhưng đúng hơn, chú trọng đến việc chữa trị tâm hồn. Đức Giêsu mở tai anh, để anh có thể nghe Lời Chúa; mở miệng anh, để anh có thể tuyên xưng niềm tin vào Ngài, chính Ngài là Đấng Thiên Sai đã được Isaia loan báo trước đó hơn tám thế kỷ, Ngài là Đấng mở mắt người mù, mở tai người điếc và mở miệng người câm như bài đọc thứ nhất và bài đáp ca hôm nay nhắc lại.

Vậy thì Lời Chúa hôm nay nói gì với chúng ta?

Hơn bao giờ hết, chủ đề điếc và ngọng thật hấp dẫn và cũng dễ đụng chạm. Nguyên chuyện khoái điếc, thích ngọng và kể cả muốn mù như căn bệnh mãn tính lâu ngày hoá quen và coi như chuyện nhỏ không thành vấn đề đã là một cái gì đụng chạm ghê gớm.

Anh Chị em, chúng ta sẽ đụng ai khi nói đến những căn bệnh mãn tính nầy? Và một loạt câu hỏi được đặt ra: Đụng ai trước nhất? Vì sao phải đụng? Tại sao chúng ta khoái điếc khi không còn muốn nghe? Tại sao chúng ta thích ngọng khi chẳng còn buồn nói? Ai tập cho chúng ta điếc? Ai dạy cho chúng ta câm?

Có lẽ nhiều người đang nín thở, nhưng dường như tất cả chúng ta đã hiểu lầm hết với câu trả lời của mình. Còn đây mới là câu trả lời đúng nhất, chính xác nhất. Đề cập đến việc khoái điếc, thích ngọng và giả mù của chúng ta sẽ đụng chạm đến chính linh hồn, đụng chạm đến bản thân chúng ta trước nhất.

Chúng ta điếc đặc trước Lời Chúa, ù loà trước tiếng lương tâm, lãng tai trước những nhu cầu của anh chị em chung quanh khi chúng ta thoả hiệp với tội lỗi, nhân nhượng với ích kỷ và sống chung với hèn nhát. Chính lúc đó, chúng ta vô tình chuốc lấy cái bệnh trụt lưỡi và cái khiếm thính mãn tính. Chúng ta sợ đối diện với Lời Chúa nên ngại đặt mình trước mặt Ngài. Vì Lời Chúa là gươm hai lưỡi, thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can. Lời Chúa thẳng băng, luôn mới mẻ, sẵn sàng phanh phui, không nể vì, cũng chẳng thoả hiệp. Chúng ta sợ những phút trầm tư, run rẩy, khi phải lặn sâu xuống lòng mình, bởi lẽ ở đó, tiếng Chúa đang mời gọi, tiếng lương tâm đang kêu réo ới ời.

Không chỉ khoái điếc, chúng ta còn thích ngọng. Trước bao gương mù gương xấu, chúng ta ú ớ không nói được chi, không dám sửa bảo cũng không còn tự tin để chấn chỉnh con cái, bạn bè và đồng nghiệp... vì lẽ chúng ta chưa làm gương tốt đủ, ngôn hành bất nhất, chúng ta không hơn chi các người khác; chúng ta giống hệt các biệt phái ham chuộng bề ngoài mà quên mất nội tâm: miệng thì nam mô, bụng thì mưu mô; lời thì bác ái, lòng thì bái ác; ngoài thì thương yêu nhưng dạ thì ưa thiêu; hết lòng với kẻ ở xa mà đoạn tình với người ở gần, rất gần, ngay trong nhà mình, trong cộng đoàn mình. Vì thế, chúng ta ù ù cạc cạc trước bao điều chướng tai gai mắt. Bên cạnh đó, chúng ta sợ liên luỵ, ngại dấn thân và thích an phận...

Làm sao một người làm cha làm mẹ, làm sao một mục tử, một thầy cô giáo hay một chứng tá của Chúa Kitô trong môi trường mình đang sống lại có thể yên thân? Làm sao chúng ta lại hoá như bao người khác? Mà tại sao lại phải yên thân? Đến đây, có người sẽ nói: Cuộc đời phức tạp lắm, các linh mục không biết đâu! Không, tôi biết. Vì nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ vô tình đánh mất sự hồn nhiên, đánh mất cả sự tự do và đánh mất chính mình. Phải, chúng ta mù loà điếc lác và ngọng miệng, một căn bệnh cần được Đức Giêsu chữa lành.

Đức Hồng Y Gracias nói: "Gương mù cho thế kỷ hôm nay là chúng ta y hệt mọi người khác", dửng dưng như người khác, thờ ơ như người khác và lạnh lùng như người khác.

Không, mỗi ngày, mỗi người chúng ta đều được mời gọi hướng thượng: nhanh hơn, cao hơn và xa hơn. Chúng ta là con cháu Hồng Bàng, là đại bàng sải cánh giữa lồng lộng trời cao; chúng ta không thuộc họ nhà gà lệt đệt. Bùn càng tanh, sen càng phải thơm tho. Bùn càng đặc, sen càng phải toả ngát. Cắm sâu giữa bùn nhưng sen vẫn mãi là sen vì chỉ có sen mới được quyền nói về bùn, cũng như chỉ có bùn mới được quyền nhắm mắt không thừa nhận sen. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn là vậy.

Chuyện ngày xưa kể rằng, Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ. Người bạn cũ trách Mặc Tử: "Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa chi cho nhọc xác?". Mặc Tử trả lời: "Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa cày phải cày chăm hơn sao? Bởi vì đứa cày thì ít đứa ăn thì nhiều. Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn tôi?".

Ngày xưa cũng như ngày nay, cám dỗ mạnh ai nấy sống luôn luôn hiện diện. Khoái điếc, thích ngọng từ đó cũng là căn bệnh của chúng ta. Hôm nay, Đức Giêsu cũng sẵn sàng chữa lành nếu chúng ta biết đó là bệnh và ước được chữa lành. Mỗi chúng ta có thể cầu nguyện:

Lạy Chúa, có nhiều bức tường ngăn chặn làm tai con điếc. Có nhiều sợi dây trói buộc làm lưỡi con ngọng. Xin cũng nói với con:"Ephata, Hãy mở ra", để con nghe được tiếng Chúa, tiếng lương tâm mà hoán cải tâm hồn, đổi mới con tim. Xin hãy phá đi bức tường định kiến, bức tường ích kỷ để con mở rộng cõi lòng đón nhận Lời Chúa, đón nhận anh em. Xin hãy mở miệng lưỡi con, cắt đứt sợi dây ích kỷ, sợi dây sợ sệt, sợi dây ươn hèn để con mạnh dạn nói lời chân lý, lời thứ tha, những lời ca ngợi tình Chúa, những lời chúc khen tình người, Amen.

Lm. Minh Anh