5 ĐIỀU CẦN GHI NHỚ KHI CUỘC SỐNG TRỞ NÊN TỒI TỆ

Đừng xấu hổ bởi những vết sẹo mà cuộc đời mang lại cho bạn. Mỗi vết sẹo bạn có, chứng tỏ rằng đau đớn không còn nữa và vết thương đã liền thịt...

Có những lúc mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta dường như đều rơi xuống tận đáy của hố đen. Bạn sẽ làm gì? Bất lực buông xuôi hay mỉm cười và tìm cách để thoát ra? Bạn biết không, sức mạnh tinh thần có một ảnh hưởng vô cùng to lớn. Chỉ cần nghĩ thoáng đi một chút thì trong bất cứ tình huống dù tồi tệ đến mấy, bạn cũng sẽ tìm ra được ánh sáng và sự giải thoát.
 
1. Thất bại là một phần của sự trưởng thành
Đôi khi cuộc sống đóng lại một cánh cửa để báo hiệu rằng đó là lúc bạn phải tiến thêm một bước nữa. Có thể xem là một điều may mắn bởi hầu như ai trong chúng ta cũng đều có tâm lý ù lì, không thích thay đổi khi mọi thứ đã trở nên quá quen thuộc và an toàn, chỉ đến khi tình thế bắt buộc thì ta mới chịu vận động hay động não.
Khi mọi thứ không như ý bạn muốn, đừng bao giờ quên nhắc nhở bản thân rằng không có thất bại nào là vô nghĩa. Vực dậy từ chỗ mình đã ngã xuống và rút ra bài học nhớ đời. Bạn vật lộn đối đầu với vấn đề không có nghĩa là bạn thua cuộc. Hãy nhớ rằng mỗi chiến thắng vinh quang đều cần đến cả quá trình đấu tranh gian khổ. Do vậy, cứ kiên nhẫn và tích cực lên rồi bạn sẽ thấy mọi thứ cuối cùng sẽ đâu lại vào đấy cả thôi.
Cuộc sống luôn có hai dạng của thất bại: thất bại khiến ta đau khổ tột cùng và thất bại làm ta thay đổi. Khi đối diện với cuộc sống, thay vì cứ trốn tránh chúng, thì việc đương đầu, chấp nhận những thất bại đều khiến cho ta trưởng thành hơn.

2. Mọi thứ trong cuộc sống này đều là tạm thời
Mưa rồi lại tạnh. Vết thương hở cũng có ngày lại lành. Sau bóng tối sẽ luôn có chút ánh sáng – Đó là những suy nghĩ chúng ta luôn dặn dò bản thân mỗi ngày nhưng lại mau chóng quên đi để rồi lại chọn cách tin rằng những thứ không may hay những điều xấu xa sẽ mãi theo ta cho đến tận cuối đời.
Chẳng có gì có thể tồn tại mãi mãi được bạn ơi. Cho nên nếu bạn đang vui vẻ, hãy cố gắng mà tận hưởng cho hết mình. Còn nếu bạn đang gặp chuyện không vui cũng đừng quá lo lắng vì nó cũng sẽ qua mau thôi. Mỗi giây mỗi phút trong đời ta đều là một sự bắt đầu mới hay một kết thúc mới. Đời cho ta rất nhiều cơ hội, chỉ là ta có biết nắm lấy chúng và tận dụng được chúng hay không mà thôi.

3. Lo lắng và than vãn chẳng giải quyết được vấn đề
Những người càng hay than vãn thì càng chẳng làm nên được chuyện gì cả. Thà cứ cố gắng nhưng thất bại để học được một bài học hay còn hơn chỉ ngồi đó than và chẳng làm gì để thay đổi tình hình. Làm sao bạn biết được kết quả sẽ ra sao nếu như bạn không dám thử? Và dù sao đi nữa thì hãy luôn nhớ rằng, hạnh phúc thật sự chỉ đến khi nào bạn ngừng than thở và bắt đầu biết trân trọng, biết ơn những điều mình đang có hiện tại.

4. Những vết sẹo là minh chứng của sức mạnh
Đừng xấu hổ bởi những vết sẹo mà cuộc đời mang lại cho bạn. Mỗi vết sẹo bạn có chứng tỏ rằng đau đớn không còn nữa và vết thương đã liền thịt, cũng có nghĩa là bạn đã vượt qua được những nỗi đau, rút ra những bài học, trở nên mạnh mẽ hơn để tiếp tục bước về phía trước. Đừng để thất bại trong quá khứ khiến cho bạn trở nên lo sợ với tất thảy những thử thách trong cuộc đời. Hãy nghĩ rằng vết sẹo – những thất bại, tổn thương bạn từng trải qua – là dấu hiệu của sức mạnh. Vâng, tôi đã làm được, tôi đã vượt qua, và những vết sẹo sẽ luôn nhắc nhở tôi cố gắng trở thành một con người tốt hơn.

5. Mỗi sự cố gắng dù nhỏ đều đẩy giúp ta vượt lên phía trước
Trong cuộc sống, sự kiên nhẫn không hẳn là chờ đợi, nó là khả năng để giữ một tinh thần vững chãi, một thái độ tích cực trong suốt quá trình cố gắng để thực hiện một việc gì đó. Vì thế, nếu như bạn đã quyết định cố gắng, hãy dành thời gian và cố gắng cho đến cùng. Bởi sau cùng những thứ bạn muốn, bạn sẽ làm cho bằng được dù có đối mặt với thất bại hay những chỉ trích, phản đối của người khác. Bạn biết rằng mỗi sự cố gắng đều không hề lãng phí. Khi bạn cố gắng hết mình, một là nó cho ta một bài học sâu sắc từ thất bại, hai là nó mang cho ta kết quả thành công ngoài mong đợi. Dù thế nào đi nữa, sự cố gắng cũng rất xứng đáng mà, phải không?

Sưu tầm: http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170707074520


BỔN MẠNG THÁNG 8


THÁNG 8

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

04.08
Lễ Thánh Gioan M. Vianney
*Chị Thùy.
08.08
Lễ Thánh Đaminh.
* Chị Thảo

12 .08
Lễ Thánh Jean de Chantal

* Chị Hữu.

14.08
Lễ Thánh Maximilien Kolbê
* Chị Mỹ Tiên

15.08

Lễ Đức Mẹ Lên Trời
*Bổn mạng Dự-Tỉnh
*Các Chị Vĩnh Khấn.
*Rửa tội một số chị em
Lễ Thánh Myriam
*Chị Luyến 
18.08
Lễ Thánh Hèlène.
*Chị Sinh.
20.08
Lễ Thánh Bênađô
*Chị Hồng Diễm.
22.08
Lễ Mẹ Maria Trinh Nữ Vương.
*Chị Hồng Diễm (RT)
23.08
Lễ Thánh Rosa Lima, trinh nữ
*Chị Xuân Châu.
24.08
Lễ Thánh Emilie de Vialar
*Chị Xuyên.
28.08
Lễ Thánh Augustino
*Chị B. Phương

Ghi Chú:     *Từ ngày 01/08 đến ngày 09/08: xin chị em làm tuần cửu nhật cầu nguyện cho các Chị có nghi thức khấn dòng.
*Từ ngày 06/08 đến ngày14/08: xin Chị Em làm tuần cửu nhật mừng lễ Mẹ Lên Trời, Bổn Mạng Dự-Tỉnh Đức Mẹ LaVang.

LỄ GIỖ CHA MẸ CHỊ EM
TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY
LỄ GIỖ
07.08
Ông cố Anrê- Thân phụ Chị Kim Tiên
08.08
Bà cố Anna- Thân mẫu Chị Ngân
16.08
Bà Lucia – Thân mẫu Chị Phượng (TS)


CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN-A

Cuộc sống con người như đi vào cơn lốc của tiền tài và danh vọng. Con người thật vất vả cạnh tranh để dành giựt từng hạt gạo, từng miếng cơm. Xem ra điều mà con người quan tâm, chính là những nhu cầu của đời sống như: cơm, áo, gạo tiền, và những phương tiện phục vụ cho nhu cầu đời sống. Vì tất cả những điều đó mà con người dám làm mọi sự để có được những thứ ấy. Đây là điều không phải là tội hay có thể nói là rất chính đáng.
Là người chúng ta cũng rất cần những thứ ấy. Chúng ta cũng rất cần tìm cho mình những phương tiện thiết thực ấy. Thế nhưng, là người ky-tô hữu, chúng ta còn có một giá trị cao hơn những danh lợi thú ấy, chính là Nước Trời. Danh lợi thú rồi sẽ qua đi, nhưng Nước Trời thì tồn tại mãi mãi.
Hôm nay, Chúa Giê-su ví Nước Trời như một kho tàng, như viên ngọc quý, đến nỗi để đạt được, thì mọi hy sinh, mọi của cải, kể cả mạng sống, cũng phải đổi lấy cho bằng được viên ngọc Nước Trời.
Trên mạng Internet, người ta đang truyền nhau lời tâm sự của một bác sĩ trẻ bị ung thư. Anh đã viết trên dòng thời gian mình, những lời trần tình để lại cho bạn bè và đặc biệt, là cho giới trẻ. Đó là Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi. Một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore. Anh đã phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng.
Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia sẻ của anh khi đưa lên mạng, đã gây một xúc động rất lớn.
- “Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe. Tôi xin tự giới thiêu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ, tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ. Nhưng thật trái ngược, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.
Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, những thứ mà tôi nghĩ đã đem hạnh phúc đến cho tôi, khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Mà nếu được chọn lựa, tôi sẽ sống, là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là tôn chỉ cao nhất.”
Đây không chỉ là lối sống thực dụng của Richard Teo, mà dường như của hầu hết chúng ta. Con người đã quá vất vả lao vào cuộc cạnh tranh tiền tài, mà quên đi một giá trị cao cả hơn tiền tài, chính là sự sống đời đời. Con người đã đầu tư quá nhiều vào những thứ mau qua, mà bỏ qua cơ hội tích lũy gia tài trên trời.
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm thực hiện một cuộc chọn lựa. Chọn lựa cái vĩnh cửu hơn là những cái mau qua trần gian. Tựa như người nông dân khi ông tìm thấy kho tàng đã can đảm đánh đổi mọi gia sản của mình để chiếm lấy kho tàng dưới lòng đất. Hay như người buôn đá quý, ông đã nhìn thấy giá trị thực sự của viên ngọc đến nỗi ông đã bán đi tất cả để mua được viên ngọc ấy.
Người nông dân hay nhà buôn kia đã nhìn thấy mối lợi rất lớn nơi kho tàng và viên ngọc nên đã không ngần ngại đánh đổi tất cả để có được nó.
Chúa Giê-su cũng cũng ví Nước Trời là những kho tàng, hay viên ngọc rất quý. Chúa cũng bảo chúng ta bằng mọi giá phải chiếm cho được Nước Trời. Vì mọi sự rồi cũng qua đi. Công danh sự nghiệp cũng không kéo dài sự sống của chúng ta. Chúa bảo với chúng ta rằng Nước trời quý hơn và giá trị hơn bất cứ thứ gì chúng ta đang có hay có thể có trong cuộc sống, và Nước Trời sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn bất cứ cái gì cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. Nước trời là phần rỗi, là sự sống đời đời của chúng ta, quý giá vô cùng, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm trước hết, tuyệt đối ưu tiên, sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm đoạt cho bằng được, dù phải hy sinh bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa xong. Chỉ với một mảnh ruộng, một viên ngọc vật chất, mà người nông dân và nhà thương gia trong Tin Mừng đã bán tất cả gia tài để mua nó. Chúng ta có dám làm như thế đối với viên ngọc Nước Trời không?
Xin cho chúng ta nhận ra giá trị thực sự của Nước Trời là hạnh phúc vô biên để chúng ta can đảm chọn lựa Nước Trời, cho dù có phải hy sinh tiền tài, gia sản, nhưng chúng ta chiếm hữu được một kho tàng vô tận trên quê Trời. Amen.


TÔN TRỌNG SỰ THẬT

Tuần qua, việc tung tin thất thiệt qua hai clip “Hai thiếu nữ hiếp dâm một chàng trai cho tới chết” (ở Bình Thuận) và “Chủ quán trà đá lấy nước rửa chân pha trà” (ở Hà Nội) đã làm xôn xao dư luận. Cơ quan điều tra đã vào cuộc và đã kết luận đó là những thông tin bịa đặt và những hình ảnh cắt ghép. Theo thông tin từ những bài viết trên mạng, những thủ phạm cũng đã bị phát giác và đã trình diện trước pháp luật. Giải trình về hành động này, họ chỉ đưa lý do hết sức đơn giản: “làm vậy cho vui”. Những sự việc này gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận. Một vấn đề không mới lại được đặt ra: làm sao để tôn trọng sự thật và sống theo sự thật?

Nếu những người chủ ý đăng tải những thông tin thất thiệt chỉ để “câu like” và “cho vui”, thì hậu quả hành vi của họ lại nghiêm trọng khôn lường. Một trong hai cô gái là nạn nhân của clip được đăng tải với thông tin “hiếp dâm” trên đây đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần, tới mức đã có ý định tự tử. Quán trà đá với hình ảnh lấy nước rửa chân pha trà đã bị chính quyền dẹp bỏ. Tương lai của cô nữ sinh vốn hồn nhiên yêu đời, sau khi bị đăng hình ảnh bỗng trở thành tối tăm mù mịt. Kế sinh nhai của chị bán nước, từ sau khi lên mạng, bỗng đến hồi chấm dứt. Có thể nỗi đau của thiếu nữ sẽ nguôi ngoai khi được thanh minh giải tỏa, có thể sự thiệt thòi của người phụ nữ chủ quán trà sẽ được bồi đắp (nghe đâu đã được bồi thường 15 triệu), nhưng vết thương do sự ác ý của con người gây ra thì còn lâu mới được chữa lành. Có người đặt câu hỏi: tại sao người ta nỡ tâm lấy sinh mạng và danh dự người khác ra làm trò đùa?

Đã có nhiều nghiên cứu chuyên môn nói về sự ác ý của những người bình luận trên mạng internet đối với một nhân vật hay một sự kiện. Họ là những người giấu mặt, những “anh hùng bàn phím”. Họ thả sức bình luận vô trách nhiệm, có khi chỉ thỏa chí tò mò, hoặc chỉ vui đùa, nhưng cũng có lúc để trút giận không thương tiếc trên những người mà họ không quen biết, cũng không thù oán. Những lời lẽ vô trách nhiệm ấy đã đấy nhiều số phận đến cùng cực và tạo sức ép ghê gớm, thậm chí làm cho một người hết đường sống.

Thiếu tôn trọng sự thật là nguyên nhân của biết bao đổ vỡ và xung đột. Khi không sống theo sự thật, người ta dối trá lẫn nhau. Mối tương quan gia đình, xã hội chỉ dừng lại ở những vỏ bọc bên ngoài, tuy hào nhoáng, nhưng vô nghĩa và giả tạo. Quả vậy, khi không tôn trọng sự thật, thì hậu quả sẽ là sự phản bội trong hôn nhân, lừa đảo trong thương trường, mánh mung trong tình bạn và thủ đoạn trong lối xóm. Khi người ta lấy lợi nhuận làm tiêu chí tối ưu cho cuộc đời, thì bạo lực và lừa đảo sẽ lên ngôi. Cuộc sống xung quanh chúng ta đã chứng minh điều đó.

Nguyên nhân nào dẫn con người đến tình trạng thiếu tôn trọng sự thật? Có nhiều lý do, nhưng trước hết là vì người ta chối bỏ tiếng nói của lương tâm. Ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta có những cách diễn tả “táng tận lương tâm”, hay “lương tâm chai đá” để chỉ một người làm điều thất đức. Vâng, một khi chối bỏ tiếng nói của lương tâm, con người sẽ bị lạc đường, trở nên như một con thú hoang, hung hăng phá phách và hủy diệt. Trong mỗi con người, ai cũng có lương tâm. Quan niệm Kitô giáo cho rằng, dù con người thuộc nền văn hóa hay tôn giáo tín ngưỡng nào đi nữa, thì Chúa cũng đặt để nơi họ những tiêu chí xét đoán và lượng giá tốt xấu cho mọi hành vi của bản thân cũng như của người khác. “Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thẳm sâu lòng họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 16). Lương tâm cũng là một tòa án công minh, xét xử những hành vi, lời nói và suy tư của mỗi người. Lương tâm khen ngợi khi chúng ta làm điều tốt. Lương tâm trách móc khi chúng ta làm điều xấu. Kẻ “táng tận lương tâm” là người chai lỳ, khước từ mọi lời khuyên của lương tâm.

Một nguyên nhân quan trọng hơn dẫn tới việc con người không tôn trọng sự thật, đó là họ phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế trong cuộc sống này. Nhiều khuynh hướng chủ quan cho rằng, lý trí con người có thể phân định tốt xấu và có thể làm chủ được vận mệnh của mình. Nhiều người khác lại quá lệ thuộc vào những phát minh khoa học và tin tưởng tuyệt đối vào một nền “kỹ trị”, đến nỗi họ coi đó như một thứ tôn giáo mới. Những người lập luận như trên muốn khước từ Thượng Đế và những giá trị tâm linh. Họ coi Thượng Đế như sẳn phẩm của trí tưởng tượng và như nhân vật của một câu chuyện cổ tích lỗi thời. Họ chỉ tin vào những gì họ kiểm nghiệm được bằng lý trí và khoa học. Vì không tin vào thần linh, họ nghĩ rằng những hành động khuất tất mà người khác không biết, là họ mặc sức thi hành, dù đó là những hành động trái với lương tâm và làm tổn hại đến người khác. Hằng ngày, chúng ta đọc những thông tin về những cán bộ biến chất tham nhũng, lấy công quỹ làm của riêng. Số tiền thất thoát toàn tính bằng ngàn tỷ. Những người này làm nghèo đất nước mà họ vẫn ngang nhiên tại chức sau khi “rút kinh nghiệm”, hoặc bị “cảnh cáo phê bình”. Không tin vào Thượng Đế và khước bỏ những giá trị tâm linh, con người càng trượt sâu trên làn dốc sa đọa và tham lam ích kỷ. Ông Bà ta đã dạy: “Của thiên trả địa”. Tài sản không do mồ hôi sức lực mà có, nhưng do chiếm đoạt bất công, sẽ có lúc không cánh mà bay, một đi không trở lại. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh điều đó.

Một nửa cái bánh là cái bánh, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhiều người thông tin hoặc bình luận một cách cố ý, chỉ nói một nửa sự thật về một nhân vật hay một sự kiện. Đôi khi một nửa sự thật lại là điều dối trá. Vì mục đích nào đó, một số nhà báo cũng uốn ngòi bút để viết lách sai sự thật, hoặc bằng phương pháp đánh lận con đen, lập lờ vàng thau lẫn lộn. Một khi nói dối, người ta càng chìm sâu trong sự dối trá, tiếp tục bao biện và dối trá lại chồng chất dối trá. “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, chẳng có sự dối trá nào mà không bị lôi ra sánh sáng.

“Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài ngự toà xét xử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi con… Người xét xử thế giới theo lẽ công minh, cai trị muôn dân theo đường chính trực.” (Tv 9,5.9). Người tín hữu tin rằng, mọi hành vi và cử chỉ của mình đều được Chúa quan sát và lượng giá. Hơn nữa, những tư tưởng thầm kín con người cũng được Thiên Chúa thấu hiểu trước khi chúng được thể hiện qua hành động và lời nói. Tin có Chúa hiện diện trong đời sống, sẽ giúp chúng ta cẩn trọng hơn trong lời nói và việc làm. “Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không.” Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống theo sự thật để tâm hồn được bình an. Người cũng quả quyết: nếu chúng ta tôn trọng sự thật, dù có phải phiền lụy gian nan, thì tâm hồn chúng ta sẽ được tự do thanh thản và Thiên Chúa sẽ can thiệp minh xử cho chúng ta.

Để góp phần xây dựng một xã hội công bằng đạo đức, điều kiện cần thiết là mỗi người chúng ta phải tôn trọng sự thật trong đời sống hằng ngày. Hãy tin vào Thiên Chúa là vị thẩm phán chí công, Ngài sẽ giải thoát chúng ta vì chúng ta thành tâm tin vào Ngài. Hãy tin vào cuộc đời vì còn có nhiều người yêu mến sự thật và đang thiện chí đi tìm Chân lý. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32).

Tháng 7-2017
Gm Giuse Vũ Văn Thiên


CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN-A

Một số người cứ thắc mắc: tại sao Chúa không quét sạch những phường tội lỗi và hung ác khỏi mặt đất nầy? Tại sao Thiên Chúa cứ để họ ung dung sống trong tội ác và tiếp tục gây ra chiến tranh, khủng bố, áp bức, bất công? Ai làm ác, ai gây rối, Chúa cứ việc quét sạch chúng đi là thế giới sẽ được hoà bình và mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc. Đó chẳng phải là một giải pháp đơn giản để tái lập hoà bình ổn định cho thế giới đó sao?
Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau:
"Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Đầy tớ nói: "Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?" Ông đáp: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
Qua dụ ngôn trên, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết rằng kẻ nghịch của Thiên Chúa là ma quỷ tìm cách gieo mầm giống xấu vào lòng dạ con người và từ mầm giống xấu xa ấy, sự dữ lan tràn khắp thế gian. "Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nhưng khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa."
Cỏ lùng trong ruộng mọc lên lấn lướt lúa non thế nào thì mầm giống xấu do ma quỷ gieo vào lòng người cũng bùng lên cách đáng sợ như thế.
Như những người tôi tớ, sau khi thấy cỏ lùng mọc lên lấn át lúa non, đã nài xin chủ ruộng cho đi nhổ cỏ để bảo vệ lúa, nhiều người trong chúng ta cũng ước mong Thiên Chúa dùng quyền lực của mình để quét sạch phường gian ác khỏi thế giới này, để nhân loại được sống trong hòa bình an lạc.
Nhưng làm như thế là 'khủng bố' kẻ gian ác, là tước đoạt tự do con người. Thiên Chúa nhân lành và cao cả nên Người không hề 'khủng bố' ai và Người cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Người đã thông ban cho loài người, vì nếu Thiên Chúa tước đoạt tự do con người, thì Người sẽ biến họ thành robot hoặc thành thú vật là loài không có tự do.
Con vật không có tự do để lựa chọn điều tốt hay tránh điều xấu, chúng chỉ thực hiện mệnh lệnh của bản năng và hoàn toàn bị bản năng khống chế.
Nơi con người, dù bản năng cũng mãnh liệt không khác chi nơi con vật, nhưng con người có thể dùng tự do của mình để khước từ những mệnh lệnh của bản năng, sống vượt lên bản năng cũng như những lôi cuốn đê hèn. Con người có thể tuyệt thực bên cạnh mâm cỗ thịnh soạn được dọn ra cho mình, nhưng thú vật không thể làm được điều đó vì bản năng sinh tồn đòi buộc chúng phải ăn khi đói.
Con người có thể tuyệt dục dù có thừa cơ hội để thực hiện bản năng truyền sinh; nhưng nơi con vật, bản năng truyền sinh hoàn toàn chế ngự chúng.
Khi con người biết dùng tự do của mình để chế ngự bản năng, làm chủ bản thân và thực hành điều thiện, thì con người trở nên cao cả và đáng kính. Nhưng khi con người để cho bản năng lấn lướt tự do, cam thân làm nô lệ cho bản năng hư hèn hoặc dùng tự do để chọn làm điều xấu, con người đánh mất phẩm giá cao cả của mình.
Nếu con người bị tước đoạt tự do, con người chẳng hơn gì người máy; người máy chỉ biết làm theo những gì mà nhà chế tạo đã cài đặt vào bộ nhớ của nó. Nếu con người không có tự do, con người chẳng hơn gì thú vật; thú vật chỉ biết hành động theo bản năng, theo thú tính mà chẳng có tự do để chọn làm điều tốt. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ tước đoạt tự do con người cho dù con người dùng tự do của mình để gây ra điều ác đối với đồng loại cũng như để phỉ báng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và thông ban tự do cho mình.
Nhưng nói thế không có nghĩa là Thiên Chúa làm ngơ để mặc loài người đi vào con đường lầm lạc. Thực ra, Người luôn dùng Tin Mừng và giáo huấn để soi sáng, để cảm hóa, để cảnh tỉnh con người và Người luôn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn chờ đợi họ hồi tâm quay lại đường lành: "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con tự do vì chỉ khi có tự do, chúng con mới thật sự là người, mới xứng đáng là hình ảnh của Chúa.
Chúa cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Chúa đã thông ban cho chúng con vì không muốn chúng con sống như người máy hay như thú vật.
Xin cho chúng con biết sử dụng tự do của mình mà tránh dữ làm lành để nhờ đó, chúng con làm cho mình trở thành người thật sự tự do, có phẩm chất cao đẹp và thánh thiện.
Lm. Ignatiô Trần Ngà


NHU CẦU PHẢI CHIA SẺ SỰ GIÀU CÓ

Chúng ta cần phải cho đi của cải của mình để có thể sống lành mạnh. Của cải tích trữ luôn luôn làm hủ bại những người khư khư giữ nó. Bất kỳ tặng vật nào không được chia sẻ đều sẽ lên men chua thối. Nếu chúng ta không quảng đại với những ơn ích của mình thì rồi chúng ta sẽ trở nên ghen tỵ trong cay đắng và cuối cùng là trở nên chua chát và đố kỵ.

Những châm ngôn trên đều nói lên cùng một lời cảnh báo là chúng ta chỉ có thể lành mạnh nếu biết chia sẻ của cải giàu có của mình với người khác. Điều này nhắc cho chúng ta biết mình phải biết trao tặng cho người nghèo, không phải vì lý do đơn giản là họ cần chúng, dù họ cần thật, nhưng là nếu không làm thế, chúng ta sẽ không thể sống lành mạnh được. Khi trao tặng cho người nghèo, thì đó là lúc chúng ta thực thi cả lòng nhân lẫn công lý, nhưng đó cũng mang lại lợi ích riêng lành mạnh cho mình, cụ thể chúng ta sẽ không sống lành mạnh hay hạnh phúc nếu không chia sẻ sự giàu có, dưới mọi hình thức, của chúng ta với người nghèo. Sự thật này ghi đậm bên trong cảm nghiệm của mỗi người và trong tất cả mọi truyền thống đức tin và đạo đức đích thực. Ví dụ: Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng khi trao tặng những gì mình có cho người khác, chúng ta cảm nghiệm được một niềm vui trong cuộc sống, còn khi ích kỷ thu tích hay canh giữ các sở hữu của mình thì chúng ta sẽ ngày càng lo lắng và bồn chồn đến hoang tưởng. Văn hóa của người da đỏ ở Mỹ luôn luôn đề cao nhận thức này, thể hiện trong lễ Potlatch của họ, nghĩa là dù họ tin rằng tất cả mọi người đều có quyền tư hữu, nhưng có một giới hạn thực tế cho mức độ tư hữu đó. Một khi tài sản của mình đạt đến một mức độ nhất định, chúng ta cần phải bắt đầu trao tặng nó đi, không phải vì người khác cần nó, nhưng vì sự lành mạnh và hạnh phúc của chúng ta sẽ bắt đầu lụi tàn nếu chúng ta cứ khư khư tích trữ tất cả của cải đó cho riêng mình.

Linh đạo Do Thái giáo cũng có quan niệm tương tự: Nhiều lần lặp đi lặp lại trong Thánh Kinh Do Thái, nói rằng khi một lãnh đạo tôn giáo hay một ngôn sứ nói cho dân Do Thái biết rằng họ là dân được chọn, là một quốc gia được chúc phúc đặc biệt, thì đều luôn luôn đi kèm lời nhắc nhở rằng, phúc lành này không chỉ cho riêng dân Do Thái mà thôi, nhưng là, qua họ, mà cho tất cả mọi dân trên mặt đất nữa. Trong linh đạo Do Thái, phúc lành luôn luôn là để tuôn đổ qua người nhận mà làm phong phú cho những người khác nữa. Đạo Hindu, Phật giáo, và Hồi giáo, theo cách riêng của mình, cũng xác nhận quan niệm này, cụ thể là chỉ khi trao tặng một số ơn ban của mình, chúng ta mới có thể giữ cho mình được lành mạnh. Chúa Giêsu và Tin Mừng, tất nhiên cũng dạy chân lý này, hết lần này đến lần khác và không nhân nhượng. Ví dụ như trong Tin mừng theo thánh Luca, với lời dạy của Chúa Giêsu là con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời, Ngài cũng khen ngợi những người giàu biết sống quảng đại và chỉ lên án những người giàu bủn xỉn. Với thánh Luca, lòng quảng đại là mấu chốt để sống lành mạnh và là chìa khóa vào thiên đàng. Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, khi đưa ra các câu hỏi trong cuộc phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một tiêu chuẩn trọn vẹn về những gì chúng ta phải trao ban cho người nghèo: Con có cho kẻ đói ăn? Con có cho kẻ khát uống? Con có cho kẻ trần truồng áo mặc? Cuối cùng, và thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa, trong chuyện bà góa bỏ hai đồng cuối cùng của mình vào hòm tiền, Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không chỉ đem cho người nghèo những của dư thừa, nhưng là cho những gì là thiết yếu sinh nhai của chúng ta. Các Tin Mừng và trọn cả Thánh Kinh đều mạnh mẽ lên tiếng đòi hỏi chúng phải trao tặng cho người nghèo, không phải vì họ cần của từ thiện của chúng ta, dù họ cần thật, nhưng là vì trao tặng là cách duy nhất để chúng ta giữ mình được lành mạnh.
Chúng ta cũng thấy cùng một thông điệp này, kiên quyết và lặp đi lặp lại, trong huấn giáo xã hội của Giáo hội Công giáo.
Từ Tông thư Tân Sự (Rerum Novarum) của giáo hoàng Lêô XIII năm 1891, cho đến tông thư Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium) mới đây của giáo hoàng Phanxicô, chúng ta đều nghe cùng một điệp khúc. Trong khi chúng ta có quyền về mặt luân lý để tư hữu, thì quyền đó không phải là tuyệt đối và nó chịu ảnh hưởng bởi một số điều khác, cụ thể là, chúng ta chỉ có quyền dư dả khi tất cả mọi người khác đều có được những gì thiết yếu cho cuộc sống. Vì thế, khi nhìn đến người nghèo luôn luôn phải đi kèm với nhìn lại của dư dả của chúng ta. Hơn nữa, Huấn giáo Xã hội Công giáo cũng cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo thành địa cầu cho tất cả mọi người và sự thật này cũng giới hạn cách chúng ta xác định những gì thực sự là của sở hữu riêng của mình. Nói cho đúng, chúng ta là những người quản lý của cải của mình, hơn là chủ nhân của chúng. Và tất nhiên, ẩn bên trong tất cả những điều này là một nhận thức rằng chúng ta có thể sống đạo đức và lành mạnh chỉ khi biết đặt quyền tư hữu của mình liên đới với bức tranh lớn hơn bao gồm cả những người nghèo nữa.
Chúng ta, luôn luôn, cần phải cho đi của cải của mình để có thể sống lành mạnh. Người nghèo cần chúng ta, nhưng chúng ta cũng cần họ nữa. Và như Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng rằng chúng ta sẽ được phán xét dựa theo những gì đã làm với người nghèo, thì như thế họ chính là giấy thông hành cho chúng ta vào thiên đàng. Và họ cũng là giấy thông hành cho chúng ta có được sự lành mạnh. Sự lành mạnh của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta chia sẻ của sung túc của mình như thế nào.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
**************************************
Lạy Chúa Giêsu, Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ, xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho con đừng thu tích của cải. Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp, xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người. Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống, xin cho con biết xây lại niềm tin. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người, xin cho con nghe được lời mời của Chúa: "Các con hãy cho họ ăn đi." Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho tất cả nhân loại.


MƯỜI ĐIỀU XẢY RA KHI BẠN CAM KẾT SỐNG KHIẾT TỊNH

Sống khiết tịnh là một thách thức và chắc chắn có phần thưởng của nó. Khi bạn cam kết sống khiết tịnh, sự phong phú của ân sủng sẽ tuôn chảy vào đời sống của bạn. Mười điều tích cực được liệt kê dưới đây sẽ xảy ra nếu bạn quyết định bắt đầu hành trình này:

Trong một vở nhạc kịch kinh điển của Broadway “Les Miserable,” nhân vật Fantine ca ngợi tiểu thuyết hùng ca của Victor Hugo với một lời quý báu: “Yêu người khác là để nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa.” Những lời của Hugo vang vọng trong loạt diễn giảng rất phổ biến của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, được gọi là “Thần học Thân xác,” một tựa đề được dịch sát nghĩa là “việc nghiên cứu về Thiên Chúa nơi thân xác.” Trong loạt 129 bài nói chuyện trong những buổi tiếp kiến chung, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II mô tả làm thế nào mà con người được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; và bằng cách nào mà Thiên Chúa từ bỏ mình khi yêu từng người vì chính sự tốt đẹp nội tại nơi họ chứ không phải vì chính Ngài!
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tán thành với Victor Hugo rằng: tình yêu chân thực dành cho tha nhân đòi hỏi thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi người ấy. Ngài còn nhấn mạnh một bước nữa khi nói rằng, tình yêu đích thực cũng đòi buộc khả năng nhìn thấy Thiên Chúa nơi chính thân xác và tâm hồn của mình. Khiết tịnh được cắm rễ trong quan niệm tình yêu này: với trái tim tinh tuyền, thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi những người khác và trong chính mình. Thực tế, trong giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, định nghĩa đơn giản nhất của “khiết tịnh” là “yêu như Chúa yêu.” Vậy “yêu” là gì? Một lần nữa theo giáo lý, yêu đơn giản là “mong muốn điều tốt cho người khác.” Thế nên, sống khiết tịnh tương đương với “muốn điều tốt” cho chính mình và cho người khác như Chúa muốn. Khiết tịnh không phải là một nhiệm vụ dễ dàng!
Nhưng sống khiết tịnh là một thách thức và chắc chắn có phần thưởng của nó. Khi bạn cam kết sống khiết tịnh, sự phong phú của ân sủng sẽ tuôn chảy vào đời sống của bạn. Mười điều tích cực được liệt kê dưới đây sẽ xảy ra nếu bạn quyết định bắt đầu hành trình này:
1/ Gia tăng sự tự tin của bạn
Đức Kitô ban cho bạn tất cả những ân sủng cần thiết để vượt qua các cơn cám dỗ phạm tội tính dục. Khi bạn biết sử dụng sức mạnh ý chí để đặt cuộc chiến nội tâm của mình chống lại cơn cám dỗ tính dục vào bàn tay của Đức Kitô, sự tự tin của bạn sẽ bay vút lên. Tại sao vậy? Bởi vì Đức Kitô là Đức Vua, và Ngài sẽ luôn luôn chiến thắng. Khi bạn vấp ngã, Ngài luôn luôn đưa bạn trở về, từ bóng tối đi vào ánh sáng, đặc biệt qua Bí Tích Hòa Giải. Qua Đức Kitô, bạn sẽ có sức mạnh chuyển xung lực tính dục vào con đường của ân sủng hơn là vào tội lỗi. Thật là tự do! Bạn sẽ gần như bắt đầu cảm thấy dễ dàng hơn để chiến thắng những cơn cám dỗ khác, thói quen xấu, và những cơn nghiện trong đời sống của bạn –  và còn thiết lập những mục tiêu sống tích cực mới.

2/ Bạn sẽ có thể ăn uống, tập thể dục và nghỉ ngơi tốt hơn. Và chú tâm hơn vào Thánh Lễ.
Một khi bạn cam kết giữ khiết tịnh, bạn thắp lên một sự kính trọng nơi thân thể mình. Bạn sẽ bắt đầu hiểu hơn về việc làm thế nào để thân thể bạn phản ánh Đức Kitô cho thế giới theo cách thế tương tự như một bình bánh thánh biểu lộ Bí tích Thánh Thể cho thế giới. Bạn sẽ được nạp thêm sức mạnh để chăm sóc tốt hơn cho thân thể mình, và có thể ăn uống đầy đủ hơn, tham gia một chế độ tập luyện tốt hơn, và kỷ luật hơn về việc ngủ nghỉ. Cảm thấy tốt hơn về thân thể mình, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn về tâm hồn mình, và bạn sẽ gần như có thể tham dự Thánh Lễ đều đặn hơn và hơn hết, là một con người và môn đệ của Thánh Thể hơn cho thế giới!

3/ Đời sống cầu nguyện tăng trưởng phong phú
Khi bạn để cho Chúa Thánh Thần thanh luyện thân xác của bạn, Ngài cũng sẽ bắt đầu thanh tẩy tâm hồn bạn cách mạnh mẽ ở một mức độ sâu xa hơn. Mức độ chân thành mới với Thiên Chúa, chẳng hạn trong suốt những lần cám dỗ tính dục, sẽ khiến bạn mở ra hơn với Chúa Thánh Thần và với những thúc đẩy của Ngài trong trái tim của bạn để thi hành ý muốn của Ngài, để cầu nguyện nhiều hơn, và để đến gần Ngài hơn. Bạn sẽ năng trò chuyện với Chúa suốt ngày, trong những lần tranh đấu, niềm vui, và mọi điều nằm giữa các điều ấy. Thực sự, bạn sẽ hầu chắc tiến gần hơn tới Đức Mẹ, Nữ Vương Tinh Tuyền, cũng như toàn thể các thánh, là các đấng mà bạn có thể noi theo, cũng đang khích lệ bạn.

4/ Bạn sẽ bắt đầu hiểu biết sâu xa hơn về bản chất mầu nhiệm Ba Ngôi và cách thức mầu nhiệm ấy liên quan đến hôn nhân
Khi chúng ta ngắm nhìn Ba Ngôi, chúng ta sẽ thấy cách thức Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau mãnh liệt đến nỗi Chúa Thánh Thần hiện hữu như là một sự nhập thể của tình yêu đó. Là người Công Giáo, chúng ta tin rằng một người đàn ông và một người phụ nữ trong bí tích hôn nhân cũng mang ý nghĩa cho thấy tính chất của Ba Ngôi nữa: với tình yêu vợ chồng tự do, hoàn toàn, chung thuỷ, và tràn đầy hoa trái của họ, một đứa trẻ được sinh vào cõi thế là sự nhập thể tình yêu của họ. Trong mục đích này, tính dục con người đẹp đẽ biết bao! Với mối liên kết mới của Thiên Chúa và hôn nhân/tính dục, bạn sẽ bắt đầu thấy cách thức thân xác và tính dục được tạo nên cho sự thánh thiêng, và để yêu như Thiên Chúa yêu.

5/ Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy người yêu của bạn với đôi mắt của Thiên Chúa
Có câu nói rằng: “Người ta yêu đồ vật và sử dụng người, trong khi lẽ ra họ phải yêu con người và sử dụng đồ vật.” Dọc theo lằn ranh giữa “yêu thương và sử dụng,” bạn sẽ bắt đầu nhận thấy người bạn yêu là một người con của Thiên Chúa –  một người sở hữu một phẩm giá mà bạn không muốn xâm phạm và xứng đáng với một tình yêu chân thực. Khi bạn cam kết sống khiết tịnh, bạn sẽ bắt đầu tôn trọng người yêu, bạn trai/bạn gái/hôn phu/hôn thê ở một mức độ sâu xa hơn. Khi đó, không phải là người yêu khiến bạn cảm thấy thế nào, nhưng là bạn có thể giúp anh/cô ấy trở nên một con người đạo đức và cuối cùng là một vị thánh như thế nào.

6/ Bạn sẽ bắt đầu nhìn chính mình bằng con mắt của Thiên Chúa
Dọc theo lằn ranh giữa “yêu thương và sử dụng,” bạn cũng sẽ bắt đầu thấy CHÍNH MÌNH là người con của Chúa – một người sở hữu phẩm giá mà bạn không muốn xâm phạm và xứng đáng với một tình yêu chân thực. Bạn sẽ bắt đầu tôn trọng CHÍNH MÌNH ở mức độ sâu xa hơn.  Khi đó, không phải là điều chi phối (sự khiêu dâm, thủ dâm, chìm đắm trong những tư tưởng không lành mạnh, v.v.) khiến bạn cảm thấy thế nào, nhưng là bạn có thể giúp chính mình trở nên một con người đạo đức và cuối cùng là một vị thánh như thế nào.

7/ Bạn sẽ bắt đầu nhìn mọi người  bằng con mắt của Thiên Chúa
Một khi bạn bắt đầu thực hành thói quen sống “khiết tịnh là yêu thương như Thiên Chúa yêu” thì khó mà không nhìn thấy người khác với cặp mắt trong sáng. Không phải chỉ những ai hấp dẫn đối với bạn, nhưng là mọi người! Bạn sẽ có được một cảm giác ngỡ ngàng vì sự sáng tạo của Thiên Chúa mà bạn không bao sở hữu. Bạn sẽ thấy người ta đáng được yêu, không phải với những mục đích tội lỗi trong tâm trí, không phải với sự hữu dụng của họ mang đến cho bạn hay cho thế giới. Thiên Chúa yêu họ vì chính họ, bởi họ đáng được yêu. Bạn sẽ ngưỡng mộ những khía cạnh tích cực hay những điểm hấp dẫn nơi họ cách dễ dàng hơn – và sẽ ít bực bội hay xét đoán những khía cạnh tiêu cực hoặc không hấp dẫn nơi người khác (hãy có lòng thương xót như Chúa chúng ta!)
8/Bạn sẽ ít rơi vào tâm trạng giận dữ và bi quan hơn
Khi bạn cam kết sống khiết tịnh, bạn sẽ từ từ thoát khỏi những ràng buộc của tội lỗi liên quan đến tính dục và kinh nghiệm hương vị của việc sử dụng tự do.  Bạn sẽ trải nghiệm sự tự do đích thực, và một tâm hồn tự do là một tâm hồn bình an. Và khi tâm hồn bình an thì ta khó bị chi phối bởi tính khí ai đó tác động và cám dỗ biến thành tâm trạng giận dữ, bi quan và thâm chí là bạo lực. Nhưng thật dễ dàng rơi vào cạm bẫy thiêng liêng này khi chúng ta không sống khiết tịnh.

9/ Bạn sẽ hiểu rõ hơn cách thức tính dục con người là một món lợi thiêng liêng to lớn, đẹp đẽ, cao quý – không phải là “thú tính”!
Khi bạn cam kết sống khiết tịnh, bạn sẽ từ từ nhận thấy cách thức mỗi người nam và người nữ được mời gọi sống ý nghĩa tính dục nơi thân xác họ, dù là sống ơn gọi độc thân, hôn nhân hay tu sĩ. Bạn sẽ bắt đầu hiểu rõ hơn cách thức tiệc cưới chung cuộc giữa chàng rể là Đức Kitô và nàng dâu là Giáo Hội – và bạn sẽ được gợi hứng và lắng nghe tiếng gọi của Chúa cho cuộc đời của bạn. Chẳng có gì mê hoặc nhiều cho bằng sống một cuộc đời có mục tiêu và với ý nghĩa thánh thiêng.

10/ Niềm vui. Niềm vui tinh tuyền và trọn vẹn.
Khi bạn tìm thấy mục đích trong thân xác và tâm hồn bạn, và gần gũi hơn với Thiên Chúa, và bắt đầu cảm thấy tốt hơn, sống tốt hơn, và yêu nhiều hơn – phần thưởng lớn nhất, sau tự do và bình an, đó là niềm vui. Niềm vui tinh tuyền! Niềm vui trọn vẹn! Niềm vui khi hiểu rằng bạn là con yêu dấu của Chúa, và trong tình yêu, Ngài đã nghĩ đến bạn trước khi bạn hiện hữu. Niềm vui khi hiểu rằng bạn thắp lên ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa cho thế giới trong ơn gọi độc nhất và phương thế duy nhất của bạn. Khi bạn sống ý nghĩa phu thê nơi thân xác mình theo Thánh Ý của Thiên Chúa thì thật không thể nào mà không chiếu tỏa niềm vui cho tất cả thế giới. Nếu bạn được mời gọi sống đời hôn nhân thì niềm vui rạng rỡ ấy sẽ thực sự cuốn hút người bạn đời tương lai của bạn! Cho dù thực tế là sống đời hôn nhân hay đời sống nào khác thì niềm vui vẫn bao gồm cả quà tặng và sự khao khát sống lời mời gọi của mình đến sự trọn hảo nhất.
Khiết tịnh không chỉ là chờ đợi cho đến khi chúng ta kết hôn là lúc chúng ta có quan hệ tình dục. Khiết tịnh là một nhân đức mà chúng ta phải theo đuổi cả cuộc đời và thậm chí làm phong phú cuộc hôn nhân của chúng ta.
Chuyển ngữ, Phêrô Vũ Trung Hưng, SJ
Source: http://catholic-link.org/2017/05/21/10-things-commit-chastity