KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

 

HÃY LÊN ĐƯỜNG

 


Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Hội nghị thường niên tổ chức tại Tàpao (Gp Phan Thiết) vào trung tuần tháng chín vừa qua, đã gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa một thư Mục vụ với chủ đề: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.  Các vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo Việt Nam mời gọi các tín hữu hãy ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng, đồng thời tham gia tích cực vào sứ mạng thiêng liêng này.  Một cách cụ thể, các ngài đề nghị mỗi tín hữu trước hết hãy sống tinh thần truyền giáo từ gia đình, bằng việc cầu nguyện chung với nhau.  Các bậc cha mẹ phải hiểu biết giáo lý để có thể hướng dẫn con mình sống theo đức tin.  Một gia đình sống tinh thần truyền giáo sẽ tạo nên những tín hữu có khả năng sống chứng tá Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội.

 

Chúa nhật thứ III tháng Mười dương lịch hằng năm là ngày “Cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, hay đơn giản là “Chúa nhật truyền giáo.  Mục đích của ngày này là giúp người tín hữu ý thức sứ mạng loan báo Tin Mừng, đồng thời cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo sinh hoa kết trái trên toàn thế giới.

 

Trong lối suy nghĩ thông thường của nhiều người tín hữu, truyền giáo là việc của các linh mục và tu sĩ.  Thực ra, đây là sứ mạng của mọi người đã được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy.  Đức Giê-su phục sinh trao sứ mạng này cho các môn đệ và cho tất cả những ai sẽ làm môn đệ của Người trong thời gian.

 

Có người đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Đức Thánh Cha không ngừng nhắc đến một “Giáo hội lên đường.  Nhiều người đã mượn cách diễn tả này và đôi khi xem ra nó trở thành một khẩu hiệu gây nhàm chán.  Đức Thánh Cha đã trả lời: “Giáo hội lên đường không phải là cách nói mang tính thời thượng do tôi phát minh; đó là lệnh truyền của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.  Người kêu gọi những ai theo Người tiến vào giữa lòng thế giới và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.  Giáo hội hoặc là lên đường, hoặc không còn là Giáo hội; Giáo hội hoặc là truyền giáo hoặc không còn là Giáo hội.  Nếu không lên đường, Giáo hội sẽ mục ruỗng và trở thành một thứ gì đó.”  Những lời này của Đức Thánh Cha cho thấy: nếu không truyền giáo, sự hiện hữu của Giáo hội (và mỗi người tín hữu) sẽ trở nên vô nghĩa và vô dụng.

 

Hãy lên đường!  Đó là lệnh truyền của Chúa Phục sinh.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi lên đường, trong khi chúng ta vẫn sống trong giáo xứ, trong gia đình, và vẫn giữ nhịp sống hằng ngày.  Vậy, lên đường ở đây trước hết là sự đi ra khỏi chính bản thân.  Đó là sự khiêm tốn chấp nhận những yếu kém và giới hạn của mình.  Đó cũng là những cố gắng để học hỏi Lời Chúa, học hỏi những người xung quanh để bản thân được gọt dũa, trở nên hoàn thiện.  Thiện chí đi ra khỏi chính mình cũng giúp chúng ta sống hài hòa với mọi người, mặc dù còn những khác biệt về tuổi tác, kinh tế, trình độ văn hoá hay tôn giáo.  Một khi chấp nhận đi ra chính bản thân để sống hài hòa với người khác, chúng ta sẽ diễn tả hình ảnh trung thực của Chúa Giê-su, Đấng đã mang lấy thân phận con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.

 

Người tín hữu chỉ có thể trở thành người truyền giáo, khi chính bản thân mình phải trước hết được truyền giáo.  Quả vậy, nếu chúng ta không thấm nhuần tinh thần thừa sai và không thực sự cảm nhận hạnh phúc và niềm vui của người tin Chúa, thì làm sao chúng ta có nhiệt thành để giới thiệu Người cho người khác?  Để trở nên tác viên của công cuộc truyền giáo, tín hữu phải đón nhận Lời Chúa, được Lời Chúa tôi luyện để trở thành khí cụ sắc bén của việc loan báo Tin Mừng.

 

Mặc dù mọi tín hữu đều được trao sứ mạng truyền giáo, nhưng tác nhân chính của công cuộc truyền giáo là Chúa Thánh Thần.  Lịch sử Giáo hội đã chứng minh: kết quả truyền giáo không đến từ những ảnh hưởng như quyền lực, vật chất và những thế lực trần gian khác.  Chúa Thánh Thần luôn hoạt động nơi nhà truyền giáo và làm cho công việc truyền giáo sinh hoa kết trái.  Kết quả truyền giáo không đến từ con người, mà đến từ Thiên Chúa.  Con người chỉ là dụng cụ để qua đó Thiên Chúa thông truyền tình thương cứu độ của Ngài.  Chúng ta hãy nỗ lực loan báo Tin Mừng với thiện chí và khả năng, chính Chúa Thánh Thần sẽ làm cho những cố gắng ấy sinh hoa kết trái.

 

Chúng ta hãy nghe Đức Thánh Cha Phan-xi-cô định nghĩa về truyền giáo: “Truyền giáo có nghĩa là công bố chứng tá của mình về Chúa Ki-tô bằng những từ ngữ cụ thể và giản dị như các tông đồ đã làm, không cần phải tạo ra những huấn từ mang tính thuyết phục.

 

Xin Đức Mẹ Mân Côi, Đấng chúng ta yêu mến tôn vinh trong tháng Mười này, hướng dẫn và giúp chúng ta lên đường để giới thiệu cho mọi người về Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người.  Amen!

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 

5 Bài Học Quan Trọng Từ Thánh Nữ Têrêsa Avila

 

5 BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA

 


Sự thông thái vượt thời gian của vị nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên.

 

Chúng ta đang tiến nhanh đến dịp kỷ niệm 400 năm ngày tuyên thánh ấn tượng nhất trong lịch sử Giáo Hội, sự kiện đã diễn ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1622.

 

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV đã có được những vinh dự này.  Các cuộc tuyên thánh trong giai đoạn lịch sử này là những sự kiện tương đối hiếm.  Mặc dù Công đồng Trentô dạy rằng mẫu gương và lời chuyển cầu của các thánh là một sự trợ giúp đắc lực cho các tín hữu, nhưng phải mất 25 năm sau khi Công đồng kết thúc mới có một số người được tuyên thánh.  Trên thực tế, từ năm 1492 đến năm 1587, chỉ có ba người được tuyên thánh, mỗi thời mỗi khác.  Đức Giáo Hoàng Grêgôriô đã thay đổi điều đó, ngài đã tuyên thánh cùng một lúc cho bốn vị thánh vĩ đại của thời kỳ Phản Cải cách (hay còn gọi là thời kỳ Chấn hưng Công giáo), những người đã sống cùng thời với chính Đức Giáo Hoàng, những người không chỉ biểu trưng cho những gì Giáo Hội đang hướng tới mà còn đóng những vai trò quan trọng trong việc giúp Giáo Hội quay lưng lại với tội lỗi và trở nên trung thành với Tin Mừng.

 

Bốn người đó là Thánh Inhaxiô thành Loyola, nhà sáng lập Dòng Tên; người bạn cùng phòng thời đại học ngày xưa của Thánh Inhaxiô và nhà truyền giáo vĩ đại nhất mọi thời đại sau Thánh Phaolô, là Thánh Phanxicô Xaviê; người tái Phúc Âm hóa ở Rome vào thế kỷ 16 và người sáng lập Dòng Các Cha Diễn Thuyết (Oratory), là Thánh Philipphê Nêri; và nhà cải cách vĩ đại của đời sống tu trì và người sáng lập Dòng Cát Minh Chân Đất, là Thánh Têrêxa Avila.

 

Ý nghĩa của những gì đã xảy ra vào ngày 12 tháng 3 năm 1622 trở nên quan trọng đối với toàn thể Giáo Hội, vì gương mẫu của Thánh Inhaxiô, Thánh Phanxicô, Thánh Philipphê và Thánh Têrêsa tiếp tục truyền cảm hứng cho các tín hữu trong mọi bước đường cuộc sống, và các hội dòng mà các ngài và những đứa con tinh thần của mình đã thành lập - làm cho Giáo Hội có thể hiện diện khắp các quốc gia, các trường đại học, các tu viện và còn nhiều hơn thế nữa - đã trở thành nền tảng cho Giáo Hội kể từ đó.

 

Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi nơi từng người trong số các ngài.  Trong chừng mực ngày Thứ Sáu tới đây là Ngày Lễ của Thánh Têrêsa Avila, người đã qua đời vào ngày 15 tháng 10 năm 1582 (cũng chính ngày này, lịch Julius đổi thành lịch Gregory), nên việc tập trung vào vị thánh nữ này là điều phù hợp.

 

Mùa hè vừa qua, nhờ có một vài ngày nghỉ phép ở Madrid, tôi đã có cơ hội thực hiện một chuyến đi trong ngày với những người bạn linh mục đến Avila, nơi Thánh Têrêsa sinh ra và bước vào đời sống tu trì, và sau đó đến Alba de Tormes, nơi thánh nữ đã bước vào sự sống vĩnh hằng.  Vì một trong những người bạn đồng hành của tôi có những trách nhiệm đặc biệt trong Giáo Hội ở Tây Ban Nha, nên chúng tôi được đặc ân đi vào trong các khu vực hành lang của ba tu viện Cát Minh, nơi mà chúng tôi có thể đến gần để dõi theo những bước chân của Thánh Têrêsa và cầu nguyện tại chính những nơi mà ngài đã từng chiêm niệm, đã từng xưng tội, đã từng sống và chết.

 

Chúng tôi có thể tôn kính những thánh tích của thánh nữ, bao gồm cả trái tim không hư nát của ngài đã từng bị đâm thâu một cách mầu nhiệm - “được biến đổi” - bởi tình yêu Thiên Chúa.  Chúng tôi cũng có thể chứng kiến lòng nhiệt thành không phai nhạt của thánh nữ qua các cuộc trò chuyện với những người con thiêng liêng của ngài, có thể cảm nghiệm được tình yêu lớn lao và lời chuyển cầu của họ dành cho các nhu cầu của Giáo Hội, và cũng có thể chúc mừng họ vì dịp lễ kỷ niệm sắp tới.

 

Vào ngày 27 tháng 9 năm 1970, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã phong ngài làm vị nữ tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên.  Tôi muốn nêu bật năm bài học mà ngài dạy cho chúng ta.

 

Bài học đầu tiên là lòng khao khát thiên đàng mãnh liệt.  Tôi rất ấn tượng khi đến thăm tu phòng nơi thánh nữ qua đời ở Alba de Tormes, và đã nhìn thấy bức tranh tường được vẽ trên đầu giường của ngài về một khung cảnh xảy ra khi ngài 7 tuổi.  Ngài đã sớm xây dựng một ẩn thất nhỏ ở sân sau nhà mình.

Một ngày nọ ở đó, thánh nữ và em trai 5 tuổi Rodrigo bắt đầu chuyện trò về hạnh phúc của các vị thánh trên thiên đàng.  Họ đã sửng sốt bởi ý nghĩ về việc sống “đời đời.”  Rodrigo đã hỏi rằng làm thế nào họ có thể đến được với Thiên Chúa trên thiên đàng nhanh nhất, và Têrêsa đã trả lời rằng qua việc tử đạo.  Câu hỏi làm thế nào họ có thể trở thành những vị tử đạo và Têrêsa đã kể về những người Hồi giáo đang sát hại các Kitô hữu ở Marốc.

 

Và thế là họ bắt đầu tiến về phía nam để đến Marốc, quên đi sự phức tạp về địa lý của Địa Trung Hải nằm giữa Tây Ban Nha và Bắc Phi!  Họ đã đi ra ngoài các tường thành, đến tận Cầu Adaja theo phong cách Rôma cổ kính, nơi chú Francisco của họ, đang trở về sau một cuộc đi săn, đã nhìn thấy họ và hỏi họ sẽ đi đâu.  Khi họ nói với chú ấy rằng họ đang đến Châu Phi để chịu tử đạo dưới tay người Marốc, chú ấy đã khéo léo tình nguyện cho họ đi nhờ ngựa.  Sau khi nhảy lên ngựa, người chú đã phi nước đại đưa họ trở về nhà để chịu một kiểu tử đạo khác đang chờ đợi họ ở đó.

 

Đây là một câu chuyện đẹp nhất về tiểu sử của một vị thánh, minh chứng cho tình yêu giống như trẻ thơ mà chúng ta phải dành cho Thiên Chúa, cho thiên đàng, cho sự sống đời đời.  Tình yêu đó vẫn lan tỏa từ bên trong thánh nữ để rồi những hy vọng của ngài cuối cùng cũng đã được thực hiện vào năm 1582.

 

Bài học thứ hai là về tầm quan trọng và nghệ thuật của cầu nguyện.  Thánh nữ là một Tiến sĩ Hội Thánh chính vì, cùng với nhà cải cách Dòng Cát Minh là Thánh Gioan Thánh Giá, thánh nữ là một trong những người định hướng về đời sống nội tâm quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội.

 

Thánh nữ sử dụng văn phong sống động và hình ảnh về một Lâu đài Nội tâm với bảy “tầng” (mỗi tầng gồm nhiều phòng) để truyền đạt những chân lý sâu sắc về đời sống cầu nguyện và đời sống thiêng liêng.  Thánh Têrêsa mời gọi tất cả các chị em của mình - và những người khác - đi qua từng chặng đường của tiến trình thiêng liêng này bằng cách mở lòng đón nhận công việc của Chúa Thánh Thần một cách trọn vẹn hơn.

 

Bài học thứ ba là về sự hoán cải liên tục.  Thánh nữ vào tu viện Cát Minh lúc 20 tuổi, nhưng cộng đoàn này lại đang ở trong tình trạng bất ổn về mặt thiêng liêng.  Một số nữ tu có nhiều dãy phòng, với cả người hầu và vật nuôi.  Cuối cùng, chính thánh nữ cũng đã từng đầu phục trước tình trạng thế tục, ngài đã dành rất nhiều thời gian để tiếp đãi những người đến thăm và bạn bè trong phòng khách, ngài còn dành cho mình những thỏa hiệp khác nhau với sự phù phiếm thế tục.  Khi thánh nữ 39 tuổi, Thiên Chúa đã thức tỉnh ngài một lần nữa khỏi đời sống nhạt nhẽo, nơi mà ngài đang phải chống chịu với những tội nhẹ, và làm sống lại nơi ngài khao khát về sự thánh thiện, về hạnh phúc.

 

Kinh nghiệm hoán cải đó dẫn đến bài học thứ tư, đó là sự hoán cải trong Giáo Hội.  Thánh nữ đã chứng kiến ​​và nghiệm thấy những gì có thể xảy đến cho con người ngay cả ở những nơi mà họ thề hứa sẽ dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.  Thánh nữ đã nhận thức được rằng các cơ cấu của Giáo Hội, bắt đầu từ những người thuộc dòng Cát Minh, cần phải được cải tổ sâu sắc đến mức nào, và bất chấp những đau khổ cá nhân to lớn, thánh nữ đã dành phần đời còn lại của mình cho việc cố gắng trở thành một công cụ để đem những chị em cùng dòng Cát Minh trở về với mối tình đầu của mình, thông qua Giáo Hội.

 

Giáo Hội lúc nào cũng cần đến sự cải cách và cần đến những nhà cải cách thánh thiện, những người là công cụ của Thiên Chúa để đưa chúng ta trở lại điều mà Chúa Giêsu ở Bêtania đã gọi là “phần tốt hơn” và “một điều cần thiết” (x. Lc 10,41-42).

 

Cuối cùng, trong Năm của Thánh Giuse này, thánh nữ còn chỉ cho tất cả chúng ta cách để gia tăng lòng sùng kính đối với Người.  Tình yêu của Thánh Têrêsa dành cho Thánh Giuse, Đấng đã được Chúa Cha đã tuyển chọn để dưỡng dục Con của Người theo nhân tính và để bảo vệ và chăm lo cho Thánh Gia, đã bắt đầu khi thánh nữ được chữa khỏi một căn bệnh thể lý sau khi cầu nguyện với Thánh Giuse vào năm 26 tuổi.

 

Thánh nữ đã viết, “Nhận thấy mình thật khốn cùng trong khi các bác sĩ trần thế còn quá non trẻ đã không thể chữa khỏi được cho tôi.  Tôi đã nhờ đến Thánh Giuse vinh hiển làm người bênh vực và bảo vệ, và đã giao phó chính mình cho Người...  Sự cứu giúp của Người đã mang lại cho tôi nhiều điều tốt đẹp hơn những gì tôi có thể hy vọng.  Tôi không nhớ đã từng cầu xin với Người bất cứ điều gì mà lại không được nhậm lời.”

 

Thánh nữ đã cố gắng rao truyền về một tình yêu bao la dành cho bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ.

 

“Tôi ước mình có thể thuyết phục mọi người hết lòng với vị thánh vinh hiển này, vì kinh nghiệm lâu năm đã dạy cho tôi biết về những ơn lành mà Người có thể nhận được từ Thiên Chúa để dành cho chúng ta.  Trong tất cả những người tôi biết với một lòng mộ mến chân thành và một lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Giuse, thì không ai lại không thăng tiến về mặt nhân đức; Người giúp sức cho những ai hướng về Người để đạt đến việc tiến bộ thực sự...  Tất cả những gì tôi mời gọi, vì tình yêu Thiên Chúa, là bất cứ ai không tin tôi thì hãy thử những gì mà tôi đã nói, và sau đó người đó sẽ tự nhận biết những lợi ích khi giao phó chính mình Thánh tổ phụ Giuse vinh hiển, và rồi người đó cũng sẽ có được một lòng mộ mến đặc biệt đối với Người.  Đặc biệt, những ai sống đời cầu nguyện nên yêu mến Người như một người cha.”

 

Khi chúng ta kỷ niệm ngày lễ của thánh nữ và chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 400 năm ngày thánh nữ được tuyên thánh, chúng ta hãy cầu xin ngài cầu thay nguyện giúp để chúng ta có thể chia sẻ lòng khao khát của ngài dành cho thiên đàng, dành cho cầu nguyện, dành cho sự hoán cải liên tục, dành cho việc cải cách các cơ cấu của Giáo Hội và dành cho việc giao phó toàn thể Giáo Hội cho Thánh Giuse.

 

Lm. Roger Landry

Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên chuyển ngữ từ National Catholic Register (13.10.2021)

Nguồn: giaophanvinhlong.net

 

Chui Qua Lỗ Kim

 

CHUI QUA LỖ KIM



“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”

 

“Lỗ kim” ám chỉ một trong những cánh cổng ở các bức tường bao quanh thành thánh Giêrusalem.  Sau khi trời tối, cánh cổng sẽ đóng lại và cách duy nhất để vào thành là đi qua một cánh cửa nhỏ ở giữa cánh cổng đó.  Một người có thể đi qua nó bằng cách cúi xuống, nhưng một con lạc đà thì không thể trừ khi nó quỳ gối và bò qua.  Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực và chỉ dẫn từ người chủ của nó, nhưng đó là điều có thể!

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật một câu chuyện không vui về một thanh niên giàu có; trước lời đề nghị của Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi.  Và Ngài kết luận, “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa!”  Điều này khiến các môn đệ kinh ngạc.  Nhưng kinh ngạc hơn - và cũng thú vị hơn - Lời Chúa mời gọi các môn đệ, mời gọi bạn và tôi ‘chui qua lỗ kim!’

 

Câu chuyện muốn nhấn mạnh rằng, vào Nước Thiên Chúa, chẳng dễ chút nào!  Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đang nói về một người giàu dễ trở nên gắn bó với của cải đến mức người ấy không đạt được sự giàu có thiên đàng như thế nào.  Ngài mời anh từ bỏ sự giàu có dưới đất để đạt được sự trù phú trên trời.  Đầy yêu thương, Ngài nói với anh, “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi!”  Nghe vậy, anh ủ rũ bỏ đi.

 

Lòng tham của và sự gắn bó với vật chất rõ ràng có khả năng huỷ hoại một tâm hồn.  Đó là một sự thật!  Nhưng lời dạy này cũng áp dụng cho mọi hình thức gắn bó khác.  Khi chúng ta dính mắc vào bất kỳ tội lỗi nào ở mức độ nghiêm trọng và từ chối tách mình khỏi tội lỗi đó, chúng ta sẽ không vào được Vương Quốc.

 

Chứng kiến sự gắn bó tiền bạc của người bạn trẻ; và sau đó, nghe Chúa Giêsu nói đến sự khó khăn để vào Nước Trời, các môn đệ kinh ngạc, và điều này sẽ thách thức họ.  Điều đó là tốt!  Tốt vì nó cho thấy họ cũng phải xét mình về những ràng buộc không mấy thánh thiện của mình.  Thấy chàng bỏ đi, họ nghĩ đến những gì họ đang vướng mắc.  Sự kinh ngạc trong trường hợp này là sự nhận thức thánh thiện rằng, họ phải thay đổi!  Tuy nhiên, khi một người thực sự muốn thay đổi và được giải thoát khỏi những ràng buộc thì sẽ không còn bất kỳ trói buộc nào khiến họ tần ngần trước những đòi hỏi của Chúa nữa.  Mục tiêu cuối cùng là ‘chui qua lỗ kim’ để trở nên một môn đệ đích thực và việc trở nên này mời gọi họ ‘quỳ gối, bò qua’ để bắt đầu một lối sống mới.

 

Anh Chị em,

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn.”  Vậy ‘lỗ kim’ của bạn mang dáng dấp và thuộc loại hình nào?  Nếu bạn muốn ‘chui qua lỗ kim,’ bạn phải toàn tâm toàn ý cam kết.  Chúa Giêsu không ngần ngại đòi hỏi bạn phải hoàn toàn đầu phục cuộc sống mình cho Ngài.  Hãy suy gẫm về những ràng buộc bạn đang vướng mắc và biết rằng, Ngài đang nói với bạn về những ràng buộc này.  Hãy vượt qua mọi kinh ngạc và biến sự phục tùng không lay chuyển theo ý muốn của Chúa thành lối sống của bạn.  Đây là cách duy nhất để bạn bước vào cánh cổng Vương Quốc.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con tháo cởi những gì cồng kềnh vướng bận, hầu con có thể quỳ gối và bò qua ‘lỗ kim’ Chúa muốn!”, Amen.

 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 

Chỉ Xin Ơn Khôn Ngoan

 

CHỈ XIN ƠN KHÔN NGOAN

 


“Khôn ngoan”, theo nghĩa khái quát, được hiểu là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày.

 

Theo Ki-tô Giáo, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như sự kết hợp giữa lý trí và đức tin.  Lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật.  Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: Khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần ban cho con người.  Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài.  Các tư tế, các hiền nhân và các ngôn sứ là ba nhóm người được dân Do-thái coi là khôn ngoan đặc biệt.

 

Đức Khôn Ngoan

 

Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan.  Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời.  Mạc khải Thánh Kinh cho biết, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Thiên Chúa ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan.

 

Theo thánh I-rê-nê thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhập thể làm người như sách Khôn Ngoan mô tả: Người tìm thấy niềm vui giữa loài người … “Người đã làm người giữa muôn người…  Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người ” (Kinh Tin Kính của Thánh I-rê-nê).

 

Muốn có Đức Khôn Ngoan, con người phải tuân giữ Luật Chúa.  Vì: “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11).  Ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan sẽ được sống muôn đời (x. Kn 8,17).

 

Sa-lô-môn đã không xin sống lâu, vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9).  Ý vua xin đẹp lòng Chúa, nên Chúa nói: “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12).  Chúa còn nói với vua: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi” (1 V 3,13).  Đó là lý do, Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (x. 1 V 5,9-10).

 

Thiên Chúa chính là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà tác thành vạn vật và cấu tạo con người (x.Cn 8,30; Kn 8,6).  Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (x.Rm 1,19-20).

 

Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa

 

Đức Giê-su là Sự Khôn Ngoan của Chúa và là Lời của Chúa Cha (x.1Cr 1,24.30).  Người thông ban sự Khôn ngoan cho con người (x.Ga 1,1).  Trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giê-su Ki-tô.

 

Theo tiên tri Ba-rúc: “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và sống giữa loài người” (Br 3, 38).  Thánh Gio-an viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).  Như vậy, Đức Giê-su vừa là Lời vừa là Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

 

Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định, Đức Giê-su chính là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe và đã thấy, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘bằng xương bằng thịt’ giữa chúng ta.

 

Để có Ơn Khôn Ngoan, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7).  Trước là kính sợ Chúa, vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Thứ đến phải khiêm nhường.  Vì Thiên Chúa “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6), và tha thiết cầu xin (x. Gc 1,5).

 

Đừng lỡ mất Sự Khôn Ngoan

 

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời.  Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

 

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giê-su là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan.  Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh: “Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó, rồi đến theo Ta” (Mc 10,17).  Gặp được Chúa Giê-su, nhưng để có được Chúa Giê-su, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao?  Một lời mời gọi mới khó làm sao!

 

Đức Giê-su là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).  Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2, 3).  Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan?  Nếu biết Đức Giê-su là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan: “Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không” (Kn 7, 8).

 

Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan để chúng con được sống đời đời.  Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

Bản Giao Hưởng Dang Dở

 

BẢN GIAO HƯỞNG DANG DỞ



Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất ả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học để biết trong đời này, tất cả mọi bản giao hưởng đều phải dang dở.

 

Đây là lời của linh mục thần học gia Đức Karl Rahner, và nếu không hiểu ý nghĩa của câu này thì chúng ta có nguy cơ để tình trạng khắc khoải thành khối u trong đời mình.  Bị dằn vặt bởi sự thiếu hụt mọi thứ mang ý nghĩa gì?  Chúng ta bị hành hạ bởi thứ mình không có được theo kiểu gì?

 

Đây là chuyện chúng ta trải nghiệm hằng ngày.  Thực ra, trong cả cuộc đời, trừ một số ít thời điểm đặc ân và yên bình, sự dằn vặt là cơn sóng ngầm trong tất cả mọi chuyện chúng ta trải nghiệm.  Lý ra vẻ đẹp làm chúng ta bình yên thì nó lại làm chúng ta khắc khoải.  Tình yêu với người bạn đời không đáp ứng đủ khao khát của chúng ta . Những mối quan hệ của chúng ta trong gia đình dường như quá nhỏ hẹp để chúng ta có thể thấy đủ.  Công việc của chúng ta chẳng cân xứng với ước mơ chúng ta có về mình.  Nơi chúng ta sống dường như buồn tẻ so với những nơi khác.  Chúng ta quá bồn chồn nên chẳng thể ngồi yên trên bàn, chẳng thể ngủ yên trên giường, người cứ bồn chồn lo lắng.

 

Khi chúng ta có cảm nhận này, chúng ta sẽ luôn thấy đời mình dường như quá bé nhỏ và chúng ta không sống đời mình theo cách chúng ta mong chờ, mong chờ ai đó hay điều gì đó xuất hiện và thay đổi để cuộc đời chúng ta tưởng tượng sẽ bắt đầu.

 

Tôi nhớ có người kể cho tôi nghe câu chuyện.  Anh 45 tuổi, hôn nhân tốt đẹp, có ba đứa con khỏe mạnh, có công việc ổn định nhưng tẻ nhạt, sống ở khu phố bình yên nhưng cũng tẻ nhạt.  Nhưng anh chưa bao giờ đặt trọn bản thân vào cuộc sống.  Anh thú nhận:

 

“Phần lớn đời tôi, nhất là trong 20 năm qua, tôi quá khắc khoải muốn thực sự sống đời mình.  Tôi chưa thực sự đón nhận con người tôi – một người 45 tuổi, làm việc ở cửa hàng tạp hóa trong một thị trấn nhỏ, lập gia đình với một phụ nữ tốt lành, biết cuộc hôn nhân này sẽ không bao giờ thỏa mãn khao khát tình dục thâm sâu của mình, và biết cho dù có mơ mộng thế nào thì cũng sẽ không đi đến đâu, sẽ không bao giờ có được những ước mơ, sẽ chỉ ở đây, như lúc này, trong một thị trấn nhỏ, trong cuộc hôn nhân này, với những con người này và trong cơ thể này đến hết cuộc đời.  Tôi sẽ chỉ già hơn, hói hơn, cơ thể sẽ bớt khỏe mạnh, bớt hấp dẫn hơn.  Nhưng trong mọi chuyện, xét từ mọi góc độ, điều đáng buồn là cuộc đời tôi vốn tốt.  Tôi thực sự rất may mắn.  Tôi khỏe mạnh, được yêu thương, có đời sống gia đình tốt, sống ở một đất nước yên bình và sung túc.  Nhưng lòng tôi lại quá khắc khoải đến nỗi tôi chẳng bao giờ cảm kích được đời mình, vợ mình, con mình, công việc của mình và nơi mình sống.  Tôi luôn mãi ở một nơi khác bên trong con người tôi, quá khắc khoải để thực sự hiện diện nơi tôi đang hiện diện, quá khắc khoải để sống trong nhà mình, quá khắc khoải để thoải mái với chính mình.

 

Sự dằn vặt do thiếu mọi thứ có thể có trong đời là vậy.  Nhưng nhận thức thấu suốt của Rahner không chỉ là một chẩn đoán mà còn là đơn thuốc cho căn bệnh này.  Nó cho chúng ta biết để vượt lên những dằn vặt này, vượt lên khối u của khắc khoải này.  Làm sao làm được?

 

Chính xác bằng cách hiểu và chấp nhận ở đời, mọi hòa âm đều dang dở.  Khi hiểu và chấp nhận lý do làm chúng ta dằn vặt không phải do chúng ta là những người thèm khát tình dục quá độ, loạn thần và vô ơn, quá tham lam để không thỏa mãn với cuộc đời này.  Không phải vậy.  Lý do sâu xa là vì chúng ta bẩm tại được tạo dựng, được truyền năng lượng vượt quá thế giới này.  Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng như thế.  Chúng ta là những linh hồn vô hạn sống trong một thế giới hữu hạn, những tâm hồn được tạo nên để hợp nhất với mọi vật và mọi người nhưng chỉ được gặp phàm nhân và phàm vật.

 

Chẳng trách chúng ta có vấn đề với sự bất đạt, mộng tưởng, cô đơn và khắc khoải!  Chúng ta là những vực sâu không đáy.  Khi chưa thể hợp nhất với tất cả, thì chẳng có gì lấp đầy hố thẳm đó được.

 

Bị dằn vặt vì khắc khoải mới là con người.  Hơn nữa, khi chấp nhận chúng ta là con người và do đó không thể có hòa âm trọn vẹn ở đời này, chúng ta thanh thản hơn trong khắc khoải của mình.  Tại sao?  Vì bây giờ chúng ta biết mọi thứ đến với chúng ta là cơn sóng ngầm của khắc khoải, của bất đạt, và đó là chuyện bình thường và đúng đắn cho tất cả mọi người.

 

Như linh mục Henri Nouwen đã viết: “Ở đây, trong đời này, không có thứ gì gọi là niềm vui thuần túy và rõ ràng.  Đúng hơn, trong mọi thỏa mãn, đều có ý thức về giới hạn.  Phía sau nụ cười là giọt nước mắt.  Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có cô đơn.  Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn cách.

 

Bình an và nghỉ ngơi chỉ có thể đến với chúng ta khi chúng ta chấp nhận giới hạn đó trong thân phận con người, vì chỉ khi đó chúng ta mới thôi đòi hỏi rằng cuộc đời – hay cụ thể là người bạn đời, gia đình, bạn bè, công việc, thiên hướng và kỳ nghỉ của chúng ta – cho chúng ta một điều mà nó vốn không thể cho được, cụ thể là một niềm vui thuần túy rõ ràng và sự viên mãn tròn đầy.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI