ĐÓN NHẬN VÀ CHẤP NHẬN TRONG ĐỜI TU

Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Thật vậy, cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Bên cạnh những hạnh phúc, vẫn có những bất hạnh. Trong dòng đời vẫn có những nét mặt vui tươi nhưng không thiếu những giọt nước mắt của kẻ đau khổ và hối hận muộn màng. Trong cuộc sống, ngoài những đoạn đường đầy ắp tiếng cười của sự thành công, vẫn còn những tiếng gào thét ai oán, hận thù trong thất vọng tràn trề. Con người hình như có xu hướng dễ đón nhận những niềm vui hơn là đau khổ, dễ đón nhận hạnh phúc hơn là bất hạnh, dễ đón nhận những điều thuận ý hơn là trái ý. Như vậy, nhìn chung đón nhận thì dễ; còn chấp nhận thì khó hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình cũng như tu trì, luôn cần phải có cả hai: đón nhận và chấp nhận.
Đón nhận
Khi nói tới đón nhận là bao hàm việc đón nhận một điều gì đó từ bên ngoài vào trong. Nó mang nghĩa chủ động. Chẳng hạn, đón nhận một con người mới, một lối sống mới trong một địa điểm mới. Hôm nay, hội dòng hân hoan đón mừng anh chị là thành viên chính thức của nhà dòng. Tôi cảm thấy vui mừng và hãnh diện vì được đón nhận để cùng chia sẻ đời sống tu trì trong một nhà dòng nào đó. Đây là mức độ đón nhận căn bản nhất trong đời sống tu trì. Đón nhận có thể theo từng cấp độ, từng thời gian và từng trách nhiệm. Khi tôi được đón nhận như là một thành viên của gia đình hội dòng, tôi cũng phải sống làm sao cho xứng với vai trò và trách nhiệm của mình được đón nhận. Khi tôi được đón nhận với tư cách là một bề trên của một hội dòng hay cộng đoàn, thì tôi phải chu toàn trách vụ cao hơn là một thành viên trong cộng đoàn. Cho nên, việc đón nhận không chỉ bao hàm việc sống trong mái nhà đó nhưng còn phải chấp nhận những anh em mình sống chung trong một cộng đoàn và dám trao ban cả số phận mình nữa. Căn bản của đời sống cộng đoàn tu trì là đón nhận lẫn nhau.
Mới nhìn qua, đón nhận xem ra dễ thực hiện nhưng trong thực tế thì không mấy dễ dàng. Thật vậy, trong thực tế bề dưới có khi không muốn chấp nhận quyền bính của bề trên và bề trên cũng đôi khi không đón nhận hay tôn trọng ý kiến của bề dưới với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí ngay cả trong những bề trên với nhau cũng không muốn chấp nhận nhau, muốn cắt đứt liên hệ với nhau để tự do hành động ý riêng của mình chứ không phải phục vụ cho công ích. Đây là một điều rất phương hại cho cộng đoàn và nhà dòng. Còn hơn thế nữa, khi mà những bề trên khó đón nhận nhau trong quan điểm, cách làm việc, có thể nói rằng bề dưới chịu thiệt thòi khá nhiều. Thật vậy, chính điều bất đồng này sẽ làm cho bề dưới mất đi nhiệt huyết trong việc đáp trả ơn gọi. Nếu thời gian này kéo dài, bề dưới có nguy cơ mất ơn gọi của mình. Ngoài ra, nếu chúng ta để ý một chút thì sẽ thấy trong cộng đoàn tu trì có những người này thân thiện với người kia hơn. Đây là điều thường tình của con người vì có nhiều lý do như: hợp tính tình, hợp sở thích, cùng đồng hương,… Nhưng một thực tế mà không ai muốn là trong cộng đoàn tu trì vẫn có một vài người không bao giờ nói chuyện với nhau, thậm chí “không đội trời chung”. Họ như mặt trời và mặt trăng với nhau không bao giờ gặp nhau trong đối thoại, quan điểm. Họ vẫn sống chung trong một mái nhà linh đạo, trong cùng một cộng đoàn nhưng hình như lại không ý thức sự hiện diện của nhau. Điều tệ hại hơn là nếu gặp những anh chị em khác, họ thích bàn luận và dư luận về những người mà mình thực sự không sẵn sàng hoặc không thể đón nhận. Và như chúng ta biết, cũng chỉ vì “dư luận”, nên đôi khi cao hứng quá mà những người trong cuộc “luận dư” (luận quá dư) so với những gì đang xảy ra hoặc đang có. Hậu quả của điều này, như chúng ta biết, là gây mất tinh thần hiệp thông trong cộng đoàn và gây gương mù gương xấu cho những đàn em trong hội dòng.
Thật vậy, cuộc sống con người là một hành trình mà trong đó niềm vui và nỗi khổ luôn đan xen lẫn nhau. Cũng vậy, đời sống tu trì là một hành trình trên trần gian để đi tìm hạnh phúc cho đời này và đời sau. Trên đoạn đường này sẽ có những lúc thật khó khăn để đón nhận: đón nhận ý Chúa, đón nhận ý của bề trên, và đón nhận anh chị em mình trong một hội dòng, cộng đoàn. Trong những lúc này, chúng ta cần phải chấp nhận, chấp nhận sự thực, chấp nhận với những gì đã và đang đón nhận từ Chúa và hội dòng.
Chấp nhận
Chấp nhận xem ra mang nghĩa bị động. Điều này có nghĩa là: một khi trong đời tu tôi tạm không còn khả năng để đón nhận anh chị em mình trong cùng một cộng đoàn, hoặc những điều xảy ra không có lợi cho hội dòng, tôi tạm chấp nhận mọi chuyện như vậy. Tuy nhiên, chấp nhận ở đây không có nghĩa tiêu cực là chấp nhận mọi thứ như vậy rồi bỏ mặc phó thác mọi sự muốn làm sao thì làm. Nhưng chấp nhận là dám nhìn nhận thực tế vào chính mình, vào hoàn cảnh thực tế của hội dòng mà mình đã và đang đón nhận. Chấp nhận có thể khởi đi từ bên trong ra ngoài.
Chấp nhận trước tiên là khởi đi từ chính mình. Chấp nhận chính mình. Có chuyện kể thế này: có người khi được bầu làm bề trên, khóc như mưa và quyết không chịu nhận. Nhưng khi mọi người trong hội dòng năn nỉ và phân tích thì chấp nhận. Tuy nhiên, sau mấy nhiệm kỳ tới lúc không còn được anh chị em mình tín nhiệm nữa, thì vị bề trên ấy lại không chịu chấp nhận nghi thức ‘tiễn cựu nghinh tân”! Hoặc có người không còn làm bề trên nữa nhưng sống trong tư tưởng mình vẫn còn là bề trên. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là vị này không có đức vâng lời nhưng hình như họ chưa sẵn sàng chấp nhận sự thực mình đã không còn là bề trên nữa. Hầu như trong một số lời nói, chia sẻ, bài viết vẫn còn mang tính giáo huấn của một người bề trên. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho vị bề trên đương nhiệm trong việc điều hành và quản trị hội dòng nhưng đôi khi gây phản chứng cho các anh chị em trẻ về tinh thần lời khấn vâng lời. Dĩ nhiên, đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt trong số nhiều những tấm gương hy sinh và khiêm nhường của những bậc bề trên tiền nhân trong việc phục vụ anh em và công ích cho nhà dòng.
Kế tiếp, chấp nhận là biện biệt về mối tương quan giữa vai trò và trách nhiệm của mình với những anh em khác trong hội dòng cũng như nhìn nhận thực tế và thực trạng hội dòng mình đã và đang đón nhận. Vào những tháng năm mùa xuân của đời sống tu trì, chúng ta rất dễ dàng đón nhận và chấp nhận: dễ đón nhận thuận ý và chấp nhận trái ý. Tuy nhiên, khi thời gian qua đi với những “cuộc chạm chán nảy lửa” vì bất đồng quan điểm trong cách làm việc, trong cuộc sống, chúng ta bắt đầu cảm thấy khó chấp nhận nhau. Khi mà đi tới đoạn đường gồ ghề với những đố kỵ, ghen tương, toan tính của con người mà thiếu đi sự tác động của Thần Khí, chúng ta dễ loại bỏ nhau và thật khó chấp nhận nhau. Khi mà thời điểm mùa xuân của đời tu nhường chỗ cho mùa thu của tuổi đời xế bóng, chúng ta không đủ nghị lực để nhìn nhận và chấp nhận. Trong giai đoạn này, người tu sĩ thực sự cần đến sự từ bỏ tận căn để dám chấp nhận những thực tế mà mình đang có. Có như vậy, người tu sĩ, đặc biệt những tu sĩ lớn tuổi mới thanh thản và vui vẻ chấp nhận về hưu an dưỡng tuổi già. Có như vậy, những người đã từng làm bề trên nhưng nay không còn nữa sẽ vui vẻ chấp nhận và nhường “sân khấu” cho những đàn em của mình có cơ hội chia sẻ và gánh vác những cộng việc chung của hội dòng.
Trong cuộc sống ngoài đời hay tu trì không phải lúc nào cũng bằng phẳng lặng im nhưng không ít đôi lần chúng ta phải chạm chán với những đoạn đường lên đồi Gôn-gô-tha. Tuy nhiên, “Ví phỏng đời bằng phẳng cả…anh hùng hào kiệt có hơn ai”, phải có sóng gió mới biết ai là anh hùng đích thực. Nếu chỉ là những điều thuận ý ai mà chẳng đón nhận được nhưng cũng cần phải có những điều trái ý để giúp chúng ta có cơ hội xác quyết hơn với những gì mình đã chọn và từ bỏ. Đời tu cần cả hai: đón nhận và chấp nhận. Dám buông rơi để đón nhận và dám chấp nhận để đón nhận những gì mà chúng ta chưa thể buông rơi được.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì chúng con đã được kêu gọi và được đón nhận vào đời sống tu trì để đi theo Chúa cách mật thiết hơn. Chúng con được mời gọi đón nhận nhau, đón nhận ý Chúa qua những người có trách nhiệm. Xin Chúa ban cho chúng con sống sao cho xứng đáng với những gì mà chúng con đã được đón nhận. Ngoài ra, cũng xin Chúa ban cho chúng con đủ mọi nghị lực để dám chấp nhận nhau, chấp nhận chính mình, và chấp nhận thực tế của hội dòng nơi chúng con đang đón nhận để chúng con sẵn sàng từ bỏ và vui vẻ trong đời tận hiến.
Kỷ niệm 5 năm khấn trọn (15.8.2011 – 15.8. 2016)
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài
http://dongthanhgiavn.net

CHẠM VÀO CUỘC ĐỜI

Chạm một cái vào màn hình cảm ứng, là mở ra cả một thế giới. Thế giới ấy là gì thì tùy mỗi người. Va chạm diễn ra hằng ngày và quen thuộc đến nỗi dường như mất luôn cảm giác và ý nghĩa của những cái chạm ấy. Nếu quay chậm lại những cái chạm trong từng ngày sống, có lẽ chúng ta vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc ấy.
Cùng là đôi bàn tay mà những cái chạm đa dạng đủ loại. Bàn tay ấy chăm sóc bản thân từ đánh răng rửa mặt cho tới việc ăn uống. Cái chạm ấy biết sự nóng lạnh, biết sự rắn chắc trong lao động, biết sự nhẹ nhàng trong bắt tay chào hỏi, biết nắm lại tự vệ, biết tấn công khi cần thiết. Cái chạm ấy chậm lại trong tình thân hoặc thoáng qua trong lạnh nhạt.
Cùng là đôi bàn tay, mà lúc này là để nâng niu chăm sóc người thân, lúc khi lại mạnh mẽ trả đũa kẻ thù. Cũng đôi bàn tay ấy, lúc này chắp lại trong tư thế khẩn cầu, lúc khác lại giơ lên cao và hạ mạnh xuống trong tư thế sát phạt. Có lúc là cái vẫy tay chào thân ái, lúc khác là cái tát cắt đứt tương quan.
Đôi bàn tay ấy có lúc xây dựng tất cả, khi thì gạt bỏ mọi sự. Những cái chạm ấy không chỉ được khắc ghi trong trí nhớ mà còn đầy cảm xúc nơi con tim, nơi da thịt và cơ bắp. Con người như một tổng thế kết nối và đôi bàn tay có một vai trò thật đặc biệt.
Vì lý do gì đó, mà một người không còn đôi tay, khi ấy người ta cảm nhận được sự cần thiết vô cùng của đôi tay. Tay được đặt tầm quan trọng ngang hàng với mắt: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Khi làm không được việc gì, người ta quen nói là “bó tay”. Bàn tay còn trở thành biểu tượng cho những gì con người có thể làm nên. Câu chuyện về đôi bàn tay là câu chuyện rời rạc và tản mạn từ những gì tốt đẹp nhất tới những gì xấu xa nhất.
Con nhìn vào Kinh Thánh và thấy cung cách đụng chạm của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, mà Kinh Thánh nói về Ngài theo ngôn ngữ loài người là “Tay Chúa đã tác tạo hình hài con”, hoặc có lúc nói: cánh tay hùng mạnh của Ngài, có khi lại ví Ngài như gà mẹ ủ con dưới cánh. Bên cạnh bàn tay vô hình tốt lành của Chúa, có bàn tay vô hình luôn lén lút. Đó là kẻ ném đá giấu tay. Thiên Chúa thì khiêm tốn, tay trái không biết việc lành tay phải làm. Còn kẻ giấu mặt kia, thì tay mình làm điều xấu, rồi giấu đi, đổ tội cho tay người khác. Cảm nhận của của hai cái chạm cũng khác nhau. Cái chạm của Thiên Chúa thì trong sáng và đầy niềm vui sức sống. Cái chạm của kẻ dữ thì vui một niềm vui ma mãnh và tinh ranh, vừa tự đắc về sự xảo quyệt vừa lo lắng về sự bại lộ.
Trở lại đời sống thường ngày, con người không đủ lời để ca ngợi những gì là tốt đẹp mà đôi bàn tay của người cha người mẹ vun đắp cho cuộc đời con cái; đôi bàn tay của người lao động, của nhà nghiên cứu, của mỗi con người theo nhiều cách thức vun đắp cho gia đình nhân loại. Ngay cả những người không còn tay, nhưng vẫn có những cách thức riêng để xây đắp cho đời.
Đôi bàn tay của Thầy Giêsu là có một không hai trên cõi đời này. Nói như thế không hề là kiểu nói thậm xưng của của báo chí, cũng không hề là một cách nói để nhấn mạnh, nhưng là một cách nói chân chất của những ai đã được bàn tay Giêsu chạm vào đời mình. Hai câu chuyện kể về những người bị mù được sáng mắt, cho thấy thật rõ điều ấy.
Một hôm, khi Thầy Giêsu rời khỏi nơi kia, thì có hai người mù đi theo mà van xin: Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi! Họ chẳng xin gì ngoài xin lòng thương xót. Họ tin Thầy Giêsu có thể chữa lành họ. Thế mà Thầy Giêsu chẳng nói chẳng rằng. Họ thực sự gặp thử thách. Họ cứ lẽo đẽo đi theo, vừa đi vừa nài xin. Khi Thầy Giêsu về tới nhà, họ vẫn đi theo Thầy. Đến lúc ấy, Thầy hỏi họ một câu có vẻ như là thừa: Các anh có tin là tôi làm được không? Họ ngon lành đáp lại với đầy kiên nhẫn đợi chờ mà không chút bực dọc: Dạ chúng tôi tin. Quãng đường từ con tim đến đôi tay quá là dài. Đến bây giờ, Thầy mới đưa tay để chạm vào mắt họ và trao ban cho họ ánh sáng. Tình thương của Chúa vô bờ trong con tim, với hành động cụ thể và hiệu quả nơi bàn tay.
Lần khác, khi Thầy Giêsu rời khỏi thành Giêrikhô thì dân chúng lũ lượt đi theo. Chẳng ai đoái hoài đến hai người mù ngồi vệ đường, nhưng hai người mù này kêu xin lớn tiếng về lòng thương xót từ nơi Thầy Giêsu. Đám đông đã chẳng thương họ thì thôi, lại còn quát mắng im đi. Thử thách đối với họ là vậy. Nhưng sức mạnh từ nơi Thầy Giêsu giúp họ vững tin mà nói lớn hơn. Thầy không phụ lòng họ. Thầy dừng lại và gọi họ. Thầy chạnh lòng thương, đưa tay chạm vào mắt họ, họ nhìn thấy được và đi theo Thầy.
Những người mù này đã van xin nhiều và chẳng có ai giúp được họ. Người ta đã không giúp được, lại còn thêm cản trở. Tia hy vọng trong họ vẫn còn đâu đó, nhưng bị người ngoài thêm phần vùi dập. Tình thương mến của Giêsu thắp lên trong họ hy vọng, và bàn tay Giêsu chữa lành để làm cho hy vọng ấy tỏa sáng. Bàn tay Giêsu nâng đỡ tất cả, mang lấy tất cả, đến nỗi bàn tay ấy một ngày kia bị ghim chặt vào thập giá. Nhưng đó không phải là cái kết. Bàn tay mang lỗ đinh của Đấng Phục Sinh ban bình an và sức sống cho các môn đệ. Đó là cái chạm của tình yêu, yêu đến tận cùng.   
Tứ Quyết SJ
http://dongten.net


CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - C

Mỗi khi đọc câu chuyện ông Giakêu, tôi ngỡ ngàng trước ánh mắt của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn lên ông Giakêu trên cây sung. Ánh mắt ấy có sức mạnh kỳ lạ. Ánh mắt ấy chất chứa bao tâm tình. Chỉ trong một ánh mắt cuộc đời Giakêu hoàn toàn biến đổi.
Đó là ánh mắt quan tâm. Chúa Giêsu vào thành Giêricô. Giêricô là một thành phố rộng lớn, người đông đúc, buôn bán sầm uất. Một đám đông lớn đi theo Chúa Giêsu. Trong khi đó ông Giakêu thật bé nhỏ. Nên ông phải leo lên cây sung để nhìn Chúa. Thật lạ lùng. Giữa đám đông mênh mông ấy, Chúa vẫn nhìn thấy ông Giakêu, dù ông thấp lùn. Giữa muôn người, Chúa chỉ tìm Giakêu. Lại còn biết rõ tên ông. Điều đó chứng tỏ Chúa quan tâm tới Giakêu, dù ông bé nhỏ trong một đám đông hỗn độn. Giakêu chắc chắn cảm thấy ấm lòng vì ánh mắt quan tâm của Chúa.
Đó là ánh mắt khiêm nhường. Hãy tưởng tượng cảnh Chúa ngước lên nhìn Giakêu. Chúa nhìn lên. Giakêu nhìn xuống. Thật là một cảnh tượng phi thường. Người có tầm vóc cao lớn phải ngước nhìn lên mới gặp ánh mắt người thấp bé. Thiên Chúa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được phàm nhân. Đấng vô cùng thánh thiện phải ngước mắt nhìn lên mới gặp kẻ tội lỗi tầy trời. Tạo hóa phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được thụ tạo. Đấng Cứu Độ phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được cứu. Đấng tha tội phải ngước mắt nhìn lên mới gặp được kẻ cần được thứ tha. Thật là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Giakêu chắc chắn phải choáng váng vì ánh mắt khiêm nhường của Chúa.
Đó là ánh mắt tha thứ. Nguyên một việc quan tâm tìm kiếm cũng đã chứng tỏ Chúa tha thứ cho ông rồi. Huống hồ Chúa còn khiêm tốn ngước nhìn lên. Hơn thế nữa Chúa còn ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Giakêu chưa tìm Chúa thì Chúa đã tìm Giakêu. Giakêu chưa gọi Chúa thì Chúa đã gọi Giakêu. Giakêu chưa mời thì Chúa đã ngỏ ý đến nhà. Giakêu chưa xin lỗi thì Chúa đã tha thứ. Ánh mắt tha thứ mới khoan dung độ lượng và ấm áp làm sao. Giakêu chắc chắn tràn đầy niềm hối cải khi nhìn vào ánh mắt tha thứ của Chúa.
Đó là ánh mắt tin tưởng. Chúa Giêsu nhìn Giakêu bằng ánh mắt tin tưởng. Tin tưởng nên không nhìn về quá khứ mà chỉ hướng về tương lai. Chúa quên hết tội lỗi của ông. Hơn thế nữa Chúa tin rằng ông sẽ nên người tốt. Chúa tin rằng ông sẽ làm lại cuộc đời. Chúa tin vào tương lai của ông. Nên Chúa đã nhìn ông. Nên Chúa tha thứ cho ông. Nên Chúa kết thân với ông. Trước ánh mắt tin tưởng của Chúa, chắc chắn Giakêu sẽ cương quyết làm lại cuộc đời.
Đó là ánh mắt yêu thương. Tất cả sẽ không thể giải thích được nếu không có tình yêu. Chúa quan tâm tới Giakêu vì Chúa yêu thương ông, như người mục tử tốt lành đi tìm con chiên lạc. Chúa khiêm nhường vì Chúa yêu thương ông, như người cha cõng con trên vai. Chúa tha thứ vì Chúa yêu thương ông, như người cha sẵn sàng chờ đón đứa con hoang đàng. Chúa tin tưởng vì Chúa yêu thương ông, như người mẹ không khi nào nói rằng con mình xấu, dù nó phạm tội trăm lần. Chúa nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương. Ngập tràn trong yêu thương, trái tim Giakêu bừng lên ngọn lửa yêu thương. Đời ông được đốt cháy trong yêu thương. Nên ông đã đáp lại tình yêu thương của Chúa. Vì yêu mến Chúa mà ông yêu thương đồng loại. Yêu thương nên đền bù thiệt hại. Yêu thương nên chia sẻ chân thành.
Lạy Chúa, Chúa luôn nhìn con bằng ánh mắt yêu thương. Xin cho con biết nhìn vào mắt Chúa, nhận ra tình yêu thương của Chúa và biến đổi cuộc đời như ông Giakêu.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

MỘT NỖI KHẮC KHOẢI

Ai sinh ra cũng mong muốn biết được nguồn cội và cùng đích của mình, vì họ tin rằng mình không tự sinh ra và sự chết đi của mình dường như là một cuộc trở về nơi nào đấy. Nỗi băn khoăn về ý nghĩa của cuộc đời cứ bám riết lấy ta. Tại sao ta lại hiện hữu ở đây? Tại sao ta làm những điều này? Rồi tại sao là lại chết đi? Sinh ra rồi chết, vậy sinh ra để làm gì? Tại sao không chỉ có ta mà còn có rất nhiều người khác tồn tại nữa? Tại sao cứ phải tranh đua, giành giật, cố gắng, nỗ lực? Tại sao người ta dựng vợ gả chồng sinh con đẻ cái? Tại sao không phải là không-hiện-hữu, mà lại là hiện-hữu?… Đây là những câu hỏi mà mãi mãi ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được cho mình câu trả lời thoả đáng. Khi tự chất vấn mình những thắc mắc này, ta bỗng dưng thấy mình như tách ra khỏi thực tại và đang bước đi trên một lộ trình tìm kiếm Chân Lý. Đó là lúc ta thấy mọi sự trên đời này vừa thực vừa không, cả bản thân ta cũng không chắc là liệu mình có đang hiện hữu, hay chỉ là một cái gì đó hư hư ảo ảo mà thôi. Ta thấy lòng bừng lên một nỗi khắc khoải, như thể có cái gì đó cứ canh cánh trong lòng, chẳng để ta yên. Ta đang cần một cái gì đó mà ta cũng chẳng biết đó là cái gì. Mọi cái chung quanh ta trở nên vô nghĩa và đó là lúc mà nỗi bồn chồn sâu thẳm nhất bất chợt hiện lên.

Rốt cuộc, ta đang kiếm tìm cái gì vậy? Ta làm mọi thứ là vì mục đích gì vậy? Đâu mới là điểm dừng trong hành trình tìm kiếm gian lao ấy của ta? Cố tích trữ cho lắm thì cũng chẳng bao giờ thấy đủ. Cố học hành cho nhiều, nhưng chẳng bao giờ thấy xong. Biết đến khi nào thì ta mới dừng lại được, mới cảm thấy mình đầy đủ và không cần nhọc công để làm điều chi nữa! Càng lớn lên, ta càng được bồi đắp nhiều, nhưng chưa bao giờ ta thấy mình thoả mãn. Con người càng khám phá ra nhiều điều thì càng thấy mình nhỏ bé và lạc lõng biết bao. Ta đặt chân đến bao nhiêu miền đất, tự vấn mình biết bao câu hỏi, dường như cũng là đang cố gắng tìm một cái gì đó vĩnh viễn trường tồn. Ở thế gian này, vui thì cũng vui đấy, hạnh phúc thì cũng có đấy, nhưng nó ngắn và mau qua quá, nó không thoả mãn được khắc khoải trong lòng ta. Hiện hữu trên đời, cũng hệt như bị thả vào một khu rừng rậm rộng lớn, nơi đó ta bị vây bọc bởi trăm ngàn cỏ cây. Ta loay hoay mãi để cố tìm lối ra, với ước mong sẽ được nghỉ yên ở một chốn thần tiên nào đấy khi thoát ra được cánh rừng này. Nhưng càng nỗ lực tìm kiếm, ta càng thấy mình bị lạc lõng thêm, càng bị rơi vào sâu hơn cái mê cung chằng chịt ấy.

Có nhiều người đã thành công trong cuộc tìm kiếm này. Họ phát hiện ra rằng chỉ duy nhất một Cái có thể giúp họ khoả lấp được khoảng trống trong tâm hồn. Họ nghiệm thấy rằng hành trình tìm lối ra cho cuộc hiện hữu giữa đời hoá ra lại là một nhấc bổng lên cao. Con đường duy nhất để giải thoát không phải là chăm chăm vào những điều dưới đất mà là ngước vọng lên trời. Sự hiện hữu của ta sẽ luôn là thiếu thốn, nếu không được một sự Hiện Hữu khác đong đầy và làm cho nó nên trọn vẹn. Và họ gọi Cái ấy, sự Hiện Hữu cao vượt ấy bằng hai chữ: Tình Yêu. Đây không phải là một kiểu cảm xúc, cũng không phải chỉ đơn thuần là hành vi bác ái mà con người dành cho nhau. Nếu không được Tình Yêu này thấm vào người, ta có làm những việc cao cả đến mấy thì thực ra cũng chỉ để thoả mãn một điều gì đó của riêng ta thôi. Như ly nước làm ta no thoả cơn khát, như miếng bánh giúp ta no bụng, như ngọn gió mát xua đi cái nóng rát trên người, Tình Yêu này làm cho cõi lòng ta cảm nếm được sự viên mãn.

Người nào sống mà không cảm nghiệm được Tình Yêu, không sống bằng Tình Yêu, không là tấm gương phản chiếu của Tình Yêu, người đó sẽ thấy mình như rơi vào địa ngục. Cái khao khát lớn nhất của con người là khao khát được yêu, và cái làm nên sự cao quý của tất cả vạn vật chính là tình yêu mà Tạo Hoá đã đặt để nơi họ. Tình yêu này không chỉ là cảm xúc quyến luyến muốn ở gần nhau của đôi trai gái, nhưng là một sự thúc đẩy tự sâu trong cõi tối đen nhất của mình, muốn hướng về một cái gì đó siêu vượt trên cao, hệt như ta thấy mình được cả vụ trụ này ôm ấy. Phải, ta sẽ không còn cảm thấy thiếu nữa khi được bao bọc bởi Tình Yêu, khi ta thấy Tình Yêu phủ quanh mình, thấm vào mình. Chính lúc ấy, ta sẽ tức khắc hiểu ra ngay rằng tại sao mình hiện hữu và tại sao mình ở đây. Mọi khắc khoải trong ta sẽ biến mất và ta sẽ được giải đáp tất cả mọi điều ta vẫn hoài nghi về chính bản thân mình. Tình Yêu ấy là chân lý mà ta đang tìm, và nó làm thoả mãn lòng ta bằng nét đẹp huyền dịu của nó. Tình Yêu sẽ liên kết những mảnh vỡ trong tim ta lại và thăng hoa sự hiện hữu của ta lên một cảnh giới cao hơn. Thiên Đường chính là vậy, hạnh phúc có nghĩa là như thế.

“Lạy Chúa, Ngài dựng nên con cho Chúa, và lòng con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa” (Augustine)

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ


CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - C

“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống" là một giáo huấn rất quan trọng nên thường được Chúa Giêsu đề cập nhiều lần trong Tin Mừng bằng nhiều hình thức (Lc 18,14. Lc 14, 7-11. Mt 23,12)
Lần nầy, để minh hoạ cho bài học của mình, Chúa Giêsu nêu lên hai nhân vật. 
Người biệt phái rất tự phụ, vênh vang phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: "Xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, không như tên thu thuế kia!" 
Rồi ông phô trương thành tích đạo đức của mình: "Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con". 
Quả là ông nầy có nhiều thành tích tốt lành ít ai bì kịp. Thế nhưng Thiên Chúa chê bỏ ông vì thái độ tự kiêu của ông. Ông ta như chiếc bình đầy tràn, đầy kiêu căng tự phụ, nên chẳng còn chỗ nào cho Chúa rót thêm.
Trong khi đó, người thu thuế vốn biết thân biết phận tội lỗi của mình nên chỉ đứng ở đằng xa, thậm chí không dám ngước mặt lên, chỉ biết đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". 
Anh nầy đến với Chúa như một chiếc bình trống rỗng, nghĩa là với lòng thống hối khiêm cung và khao khát được Chúa tuôn đổ ơn tha thứ nên anh đã được Thiên Chúa thứ tha.

Với dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu ghi sâu bài học đáng nhớ nầy vào tâm khảm chúng ta: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." 
* * * 
Một hôm khi cùng với học trò vào thăm miếu của vua Hoàn Công, nước Lỗ, Đức Khổng Tử thấy có cái lọ đứng nghiêng. Ngài nói với môn sinh: Ta nghe nói vua Hoàn Công có một vật quý để răn dạy người đời. Đó là một chiếc lọ đặc biệt, khi để trống không thì nghiêng, khi đổ nước vào vừa phải thì đứng; nếu đổ đầy nước vào thì lọ đổ nhào. Không rõ vật ấy có phải là cái lọ nầy không? 
Rồi ngài sai học trò đổ nước vào thử xem. Quả thật, mới đầu lọ đứng nghiêng, khi nước được rót vào được một nửa, thì chiếc lọ chuyển sang vị thế đứng thẳng; rồi cứ đổ tiếp cho đầy tới miệng thì lọ đổ nhào. 
Người đông phương ngày xưa khôn khéo tạo nên chiếc lọ đặc biệt như thế để ghi khắc vào tâm khảm người đời bài học khiêm tốn, bài học trung dung, một cách rất ấn tượng. 
Còn người phương tây cũng diễn tả nội dung đó qua một ngạn ngữ khá phổ thông: "virtus in medio - nhân đức nằm ở mực trung". Người nhân đức là người biết sống trung dung, không bất cập mà cũng không thái quá. 
Bởi vì bất cứ điều gì quá dư đầy phải sụp đổ.
"Mặt trời đứng bóng rồi phải xế,
Mặt trăng tròn đầy rồi sẽ khuyết,
Vật gì thịnh lắm rồi cũng phải suy". (Thái Trạch)
"Cái gì dư đầy sẽ phải đổ "... (Khổng Tử)
Thế nên, Lão tử khuyên chúng ta:
 "Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu,
Dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp".
Bậc thông minh duệ trí thì nên giữ mình bằng khiêm nhường, nhận rằng mình còn nhiều điều chưa biết; bậc anh hào có sức mạnh chấn động thế giới hãy biết bảo trọng thân mình bằng cách sống hạ mình như người nhát sợ thì mới được vững bền.
Còn Chúa Giêsu vẫn hằng nhắc nhở chúng ta: chớ dại mà nâng mình lên vì "hễ ai nâng mình lên sẽ phải bị hạ xuống" như trường hợp người biệt phái trong câu chuyện trên đây hay chớ dại dột chọn ngồi chỗ cao trong bữa tiệc, kẻo có ngày chủ nhà sẽ mời xuống chỗ cuối (như ở Tin Mừng Luca chương 14, 7-11).

Lm. Ignatio Trần Ngà

PHẬN NGƯỜI

Người ta vẫn thường nhủ bảo nhau về cái vắn gọn của kiếp nhân sinh, rằng đời người mau qua lắm, chỉ như bông hoa dại ngoài đồng hay như vờn mây trôi tan nhanh trong gió. Ừ thì đúng thế, so với cái lịch sử dài đằng đẳng của vũ trụ rộng lớn có tuổi thọ đã mấy chục tỷ năm kia, thì một cuộc đời trên dưới một trăm có thấm thía gì. Vèo một cái, con người từ đâu hiện hữu giữa dòng đời đã nhanh chóng trở về lòng đất. Hãy cứ hỏi những người cao niên, họ sẽ cho ta biết rằng họ chẳng thể nào tưởng tượng nỗi cái vô thường của thời gian. Thời thanh niên của họ, dẫu đã là quá khứ của mấy chục năm trước, nhưng cứ hệt như mới hôm qua. Nhanh lắm, lẹ lắm! Quay qua quay lại là đã thấy chẳng còn gì! Người thân lần lượt bỏ ta ra đi. Mái tóc đen giờ đây cũng lấm tấm bạc. Lưng thẳng bỗng hoá còng, bước chân bất chợt trở nên yếu ớt. Chỗ ta nằm xuống cũng xanh cỏ lúc nào chẳng hay.

Vâng, đúng thế, đời người ngắn lắm. Nhưng cũng có khi ta thấy nó chẳng ngắn chút nào. Trong vài chục năm tồn tại đấy, đã có biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Chẳng ai có thể liệt kê hết được mình đã gặp bao nhiêu người, thấy bao nhiêu sự, đối diện bao nhiêu vấn đề kể từ khi mình cất tiếng khóc đầu tiên đến khi trút hơi thở sau cùng. Người già nhìn lại, thấy thời gian trôi đi thật nhanh. Còn người trẻ nhìn tới, lại thấy thời gian trôi chậm rãi lạ thường. Từ lúc ta một tuổi, cho đến khi bảy mươi tuổi, khoảng thời gian đó đâu phải là ngắn! Mặt trời lên rồi lại lặn, hết ngày này rồi tới ngày kia, năm này qua năm nọ, xuân về rồi đến đông sang. Nhịp sống đều đặn trôi, và ta không hiện diện chỉ để ngồi đó. Ta cũng không thể chỉ nằm im mà tồn tại. Sinh vào đời, ta bị chi phối bởi rất nhiều thứ, có tự do mà cũng không có nó hoàn toàn, là loài sinh vật nằm ở đỉnh cao của tạo hoá nhưng cũng không phải là chúa tể toàn năng. Vào đời, ta mang một chữ “phận”. Phần người của ta, tuy chỉ kéo dài vài chục năm thôi, nhưng cũng không phải dễ dàng gánh vác nó.

Tất cả cũng vì cái mưu sinh. Chào đời chỉ là khoảnh khắc bắt đầu, mà dường tiếng khóc oa oa như đã báo trước cho điều gì đó không ưng ý. Chẳng biết từ đâu mà ra cái quy luật này, nhưng khi đã hiện hữu rồi thì chẳng ai muốn mình chết cả. Bản năng phải gượng dậy và giành giật nhau sự sống đã nằm sẵn trong người. Là con người, ta không tự nhiên lớn lên, không tự nhiên khoẻ mạnh, không tự nhiên giỏi giang. Ta phải ăn phải uống, phải hít thở. Ai cũng phải như thế, không có ngoại lệ. Cái bụng ta, khi không có thức ăn cho vào để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, thì nó sẽ kêu đói, bất kể nắng hay mưa, đêm hay ngày, đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, kẻ khốn khổ hay người giàu có. Cái đói không miễn trừ cho kẻ mồ côi hay người tàn tật. Chính cái bản năng sinh tồn này đã khiến cho bao người phải vất vả lao lực để kiếm miếng cơm. Ta có điều kiện làm việc thì chẳng nói làm gì. Già rồi, chẳng còn chút sức nào cả, cũng phải ra sông mò cua bắt cá, vì nếu không làm thì lấy gì để ăn. Mới nhỏ xíu thôi, chưa biết gì là cuộc sống, vẫn phải đội mưa đội gió lượm ve chai, năn nỉ người ta mua tờ vé số, vì nếu không cố gắng thì ai cho hạt cơm mà bỏ bụng. Một cuộc sống cứ lây lất như cọng cỏ trước bão tố như thế, mà kéo dài mấy chục mấy mươi năm thì thử hỏi kiếp người này có thật sự ngắn?

Trong cái kiếp nhân sinh này, có biết bao nhiêu lần ta khóc, có biết bao lúc ta cười. Có đôi khi, ta ngỡ mình như trái bóng lăn tròn trên sân cỏ. Ta tới đâu, gặp ai, làm gì, chịu đựng những gì… dường như không nằm trong tầm kiểm soát của ta, mà cứ do có cái gì đó đưa đẩy. Trên người ta hẳn là có nhiều vết sẹo lắm. Do những va vấp của cuộc đời để lại, do những đụng chạm trong cuộc sống khắc lên. Ban đầu ta có phần hoảng sợ, nhưng rồi ta cũng trở nên chai sạn và cứng cáp đến lạ thường. Hãy cứ nghiệm lại mà xem, từ bé đến giờ, ta thật sự đã đi qua rất nhiều đoạn đường, đã nếm trải không ít những chua cay, đã đương đầu với không ít những phong sương lạnh giá. Cũng nhiều lắm chứ, đâu có ít ỏi gì! Và cứ mỗi lần như thế, ta thấy mình như trở nên khác đi một chút, bản lĩnh hơn một chút. Ta cho đi nhiều thứ mà cũng nhận lại được bao điều. Mặt trời hôm nay mọc lên, dường như với ta có khác hôm qua một chút. Ấy là bởi vì ta không luôn là ta ở mỗi thời điểm khác nhau. Từng biến cố của cuộc đời dội vào ta những nắm đấm, như người thợ làm bánh mạnh tay giã cục bột của mình. Ta phải oằn người, móp mép, đớn đau… nhưng rốt cuộc lại trở nên miếng bánh ngon cho người ta thưởng dùng.

Nhìn trong cái tổng thể, đời người quả thực là ngắn, rất ngắn là đằng khác. Nhưng nhìn lại bản thân mình, ta thấy nó cũng không hẳn là ngắn đâu. Vài chục năm thôi, nhưng ta phải trải qua rất nhiều thứ. Một em bé lúc sinh ra thì khác hẳn với người đó khi đã ở tuổi xa trời gần đất, mặc dù cả hai chỉ là một. Có cái gì đó lớn lên, có cái gì đó lụi tàn. Hành trình từ thuở bình minh của sự sống đến lúc xế chiều là đoạn đường mà người ta được thể hiện mình nhiều nhất. Tạo Hoá ban cho mỗi người một khoảng thời gian để bồi bổ mình, để làm cho những tiềm năng trong mình được bộc phát ra và đi đến chỗ thành tựu. Và cái thành tựu lớn nhất làm cho con người trở nên “là mình” cách hoàn hảo là một lối sống biết mở ra với vạn vật và lan toả tình yêu thương. Mấy mươi năm sống trên đời, đủ dài để bạn làm được cái gì đó đóng dấu cho sự hiện hữu của mình, đủ lớn để ta không chỉ sinh ra rồi chờ chết như bông hoa nhỏ hay ánh mây buồn.

Phải, ta đủ thời gian để chịu những đắng cay và để sống một cuộc đời thật ý nghĩa, bất cứ ai!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
http://dongten.net/


CỘNG ĐOÀN - NƠI CHỮA LÀNH VÀ KHƠI NGUỒN LÒNG THƯƠNG XÓT

Cộng đoàn là hồng ân vì được xây dựng trên lòng mến phản ánh mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong cộng đoàn, chúng ta không thể chọn người chị em chúng ta ưa thích, nhưng chính Chúa đã  gửi đến bên cạnh ta những món quà qua những người cùng chung lý tưởng sống, để chia sẻ và nâng đỡ nhau đi hết hành trình ơn gọi. Cộng đoàn là nơi phát sinh sự sống bởi tất cả cùng chung trái tim, chung linh hồn trong mạch sống dạt dào không ngừng vươn lên. Cộng đoàn là môi trường để người tu sĩ lớn lên và trưởng thành trong đời sống dâng hiến. Câu Thánh Vịnh: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, chị em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133, 1) cũng đã diễn tả phần nào niềm hạnh phúc của đời sống cộng đoàn. Mỗi người trong cộng đoàn là một tác phẩm của Thiên Chúa với những nét độc đáo khác nhau để tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống thánh hiến và thực thi sứ mạng chung của Hội Dòng.  Mỗi người là kiệt tác tuyệt vời của Thiên Chúa trong vườn hoa muôn sắc để điểm tô khu vườn thêm rực rỡ, xinh tươi. Thế nhưng, bên cạnh đó, trong đời sống cộng đoàn cũng không tránh khỏi những khổ đau, thách đố, khó khăn mà người tu sĩ cần phải vượt qua để đi trót hành trình ơn gọi.
1.Nảy sinh thách đố:
Thật vậy, cộng đoàn là nơi đã đón nhận mọi chị em với những hoàn cảnh gia đình, tính cách, trình độ, văn hóa, cá tính khác nhau….. Mỗi chị em có những kinh nghiệm sống riêng với những kỷ niệm ngọt ngào và cả những cay đắng không ai giống ai. Do vậy, chúng ta cần đón nhận những giới hạn của nhau và tôn trọng nhau vì mỗi người là hiện thân của Thiên Chúa. Chính vì thế, nếu không được cảm thông, tôn trọng và lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương thì sẽ xảy ra những điều không hay trong đời sống cộng đoàn.
Đúng thế, đời sống theo Chúa không phải luôn trải những nệm hoa hồng chờ ta phía trước, nhưng có những gai góc làm rướm máu khi ta giẫm lên chúng. Có những hiểu lầm, những nghi kỵ mà chúng ta không thể tỏ bày, cũng không thiếu những giọt nước mắt của ai đó hằng đêm vẫn âm thầm tuôn rơi...... Những vết thương tinh thần đó có khi làm suy giảm, hủy hoại và đánh mất ơn gọi của nhau mà nhiều khi vô tâm không hề hay biết.
Nước trong hồ dù có phẳng lặng nhưng nó cũng nhấp nhô gợn sóng li ti để giúp mặt hồ thêm sinh động. Cũng thế, nếu đời sống cộng đoàn cứ bình an và mọi việc diễn ra cách tốt đẹp thì có lẽ mỗi người đã thành “ thánh  không cần phải tu luyện. Ngược lại, nếu tương quan với nhau trong cộng đoàn cứ “chấn động” không biết bao nhiêu là thử thách, khổ đau thì cũng làm chao đảo tinh thần và có thể buông xuôi, thất vọng. Tuy vậy, những “chấn động” cũng có thể tăng thêm sự mạnh mẽ, can đảm và nhiều kinh nghiệm đức tin hơn. Cuộc sống cần phải có những nét trầm bổng mới có sắc thái riêng và càng quý hơn những chấn động là cơ hội biến đổi tâm hồn và thanh luyện mỗi người sống hoàn hiện hơn.
2. Hàn gắn vết thương:
Ai ai trong chúng ta đã từng nghe câu chuyện viên ngọc: con trai cũng đã quằn quại, đau đớn như thế nào khi một hạt cát rơi vào miệng nó. Rồi tháng ngày trôi qua, nó đã để lại cho đời một viên ngọc quý giá biết bao. Đời sống cộng đoàn cũng vậy, giá trị luôn ẩn mình đằng sau những “màu tím thương đau để chữa lành và băng bó bao vết thương rớm máu. Trong thực tế, đã hơn một lần chúng ta lấy mình làm thước đo để hướng dẫn, áp đặt lên quan niệm của người chị em và buộc họ  phải sống theo ý mình, nên đã dễ dàng lên án, chống đối họ. Đây chính là hố sâu ngăn cách mối quan hệ trong cộng đoàn làm nên những căng thẳng và khơi dậy những vết thương. Khi vết thương đã hình thành thì sẽ kèm theo những đau nhức, và những vết máu đang rò rĩ mỗi ngày. Chính vì thế, những vết thương, những rạn nứt trong đời sống cộng đoàn cần phải được chữa lành; nhưng nơi nào là môi trường để chữa lành nếu không phải chính là cộng đoàn? Đúng thế, đời sống cộng đoàn chính là nơi để hàn gắn và chữa lành những vết thương. Thật vậy, nếu không có chiều thứ sáu Tuần Thánh đầy ảm đạm, thương đau thì làm sao có được niềm vui rạng ngời của ngày Phục Sinh? Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cần vượt qua mầu nhiệm Thập Giá để đón nhận ánh sáng và niềm vui Phục Sinh, để khi đối diện với những khó khăn ta không chùn bước. Chúng ta cần có một cuộc vượt qua thật sự khi biết khám phá bản thân; nhìn ra những giới hạn, ích kỷ nhỏ nhen. Can đảm đối diện với những thương đau của đời sống, để mạnh dạn vượt qua mọi trở ngại đón nhận chính mình và vươn tới đón nhận chị em, và cùng giúp nhau thăng tiến trong ơn gọi.
3.    Khơi nguồn lòng thương xót:
Ta sẽ nhìn thấy được những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban trên cuộc đời ta qua lòng thương xót của Ngài. Chúng ta sẽ thấy được bao kinh nghiệm thâm sâu với Chúa, qua không biết bao nhiêu biến cố vui, buồn của kiếp người. Trong tất cả mọi biến cố trong đời sống, chắc chắn Chúa đã can thiệp bằng Lòng Thương Xót của Chúa thì ta mới có thể tồn tại đến hôm nay. Đúng thế, không ai có thể khẳng định được rằng:  tôi hoàn toàn may mắn đến độ chưa một lần ngữa tay ra đón nhận sự xót thương của Chúa hay của tha nhân. Chắc chắn đã hơn một lần chúng ta có kinh nghiệm được một bàn tay uy quyền kịp thời nâng đỡ khi ta gặp gian nan. Khi đó chúng ta đã như thế nào? Buồn hay vui? Mỗi người đều có một kinh nghiệm riêng, nhưng có lẽ trong hoàn cảnh đó sẽ rất hạnh phúc và niềm vui được diễn tả bằng  những giọt nước mắt vì vui sướng. Vậy, hôm nay khi đối diện với những hoàn cảnh cần được xót thương chúng ta sẽ làm gì? Thể hiện lòng xót thương của Chúa đối với cuộc đời mình, qua tha nhân là một lời gọi mời khẩn cấp và tha thiết của Chúa. Mỗi người chúng ta không nên giữ những ân huệ đó mà “lạnh lùngđóng băng cửa lòng thương xót”  đối với tha nhân. Khi có được kinh nghiệm xót thương, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và sống cho nhau nhiều hơn. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ hòa mình vào hoàn cảnh, địa vị của chị em để đón nhận mọi sự với tất cả lòng yêu thương. Đồng thời, chúng ta có thể “vui với người vui, khóc với người khóc”(Rm 12, 15) để lắng nghe bằng con tim mình trước những nhu cầu cũng như tiếng rên siết, quằn quại của người thân cận. Và tất nhiên mỗi người mỗi cách, chúng ta sẽ nhận ra được bao nhu cầu nữa nơi chị em và có trăm phương ngàn cách để thực thi lòng thương xót. Không phải chỉ người thụ huấn mới cần được cảm thông. Không phải người có tội mới cần đón nhận ơn tha thứ; cũng không phải người làm lớn mới đủ “tư cách” cúi xuống để ban phát lòng xót thương. Nhưng tất cả mọi người luôn thực thi lòng thương xót với nhau như Chúa đã thương xót chúng ta. Vì vậy, đời sống cộng đoàn là nơi khơi nguồn lòng thương xót, vì chính nơi đây mỗi chị em từng giờ, từng phút thực thi Lòng Chúa Xót qua từng lời nói, cử chỉ, việc làm…. Nhờ việc sống lòng xót thương với mọi người chị em, chúng ta chứng tỏ lòng thương xót Chúa thể hiện rõ nét trên cuộc đời mình.
Tóm Lại:
Đời sống cộng đoàn như bức tranh tuyệt đẹp của người họa sĩ với những nét bút điêu luyện, những màu sắc tươi đẹp, điểm tối, điểm sáng, chen lẫn vào nhau để tạo sự hài hòa phong phú, tạo nên một bức tranh sống động. Cộng đoàn thực sự là nơi cần được xót thương, và cũng là nơi cần được băng bó và chữa lành. Không ai trong chúng ta có thể tránh né những khó khăn thử thách, nhưng hãy can đảm và sẵn sàng dấn thân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn mở rộng lòng để đón nhận mọi người chị em, không loại trừ thiên kiến... Mỗi người chúng ta sống và thực thi lòng thương xót của Chúa để nâng đỡ nhau và giúp nhau thăng tiến, vững bước trên hành trình đời sống dâng hiến như những gì Chúa mời gọi chúng ta.

Sr.M. Jean Vianey Thùy.

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN - C

Đây là một dụ ngôn dễ hiểu. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội. Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Bà goá nêu gương cầu nguyện cho ta ở 4 thái độ sau:
1. Thái độ khiêm nhường. Người đàn bà này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khoẻ để chống lại người ác. Không người bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất tất cả. Chẳng còn gì. Chẳng có gì. Nói gương bà, khi cầu nguyện ta phải rất khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực không thể thoát khỏi hoàn cảnh bi đát này.
2. Thái độ phó thác. Bà goá này không còn nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà đặt niềm tin vào ông quan toà. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám víu lấy ông quan toà. Bà phó thác vận mạng trong tay ông quan toà. Sự sống của bà ở nơi ông quan toà. Cũng thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta. Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng Chúa sẽ sắp xếp cho ta những gì tốt đẹp nhất.
3. Thái độ kiên trì. Chỉ còn một con đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao. Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương ta.
4. Thái độ khao khát. Bà khao khát vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán nản an nghỉ. Nhưng bà làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động. Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.
Chiêm ngắm tấm gương của bà goá, ta nhận thấy rất nhiều khi ta chưa cầu nguyện cho đủ. Chưa thực hiện sự khiêm nhường nhận biết sự thực về mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Chưa biết kiên trì đủ. Và nhất là chưa tha thiết tới mức ta tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước đó. Hôm nay với bài học của Chúa, ta sẽ biết cầu nguyện hơn. Khi biết cầu nguyện hơn, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều lợi ích cho linh hồn ta hơn.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.


KHI KHÔNG CÒN TÌNH NGƯỜI

Con người không được tạo dựng để sống chơ vơ một mình trong nội bộ thế giới con người, nhưng được mời gọi để mở ra với các loài khác. Sách Sáng Thế đã mặc khải cho chúng ta biết rằng, trước khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dựng nên các loài khác, tô điểm và trang hoàng thế giới và vũ trụ bao la này, hệt như để chuẩn bị cho con người có chỗ cư ngụ thoải mái, và yên vui. Ngay sau khi dựng nên con người có nam có nữ theo hình ảnh của mình, Thiên Chúa đã trao cho con người một sứ mạng cao cả là “lao tác và làm chủ” muôn loài. Thiên Chúa cũng đã khôn khéo sắp đặt cho các loài khác phải phục tùng con người, giúp cho sự sống của con người được no ấm và thăng hoa trong hạnh phúc.

Những vờn mây trên trời đổ mưa xuống tưới gội mặt đất. Đất bắt đầu trổ sinh những cây xanh thuộc mọi giống. Những hàng cây nô đùa trong gió, làm vui mắt con người, nhưng còn cung cấp cho con người lượng thực phẩm vô vàn từ sản phẩm của nó. Lá cây có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Thân cây có thể được dùng để dựng nhà. Những con sông uốn lượn mang đến nguồn nước con cho người sinh hoạt. Từng đàn cá tung tăng cũng là một loại lương thực bổ dưỡng để hưởng dùng. Quy luật của tự nhiên đã được Tạo Hóa sắp xếp thật khôn khéo với cơ chế tự điều hòa. Những đợt luân chuyển của khí tạo ra những cơn gió mát. Quá trình quang hợp của cây xanh giúp có bầu không khí trong lành. Những chất cặn bã biến thành dinh dưỡng sống cho cây… Rồi cây lại tiếp tục cho ta nguồn thực phẩm. Khắp nơi nơi, một màu xanh của bình an và hạnh phúc trải rộng. Hòa hợp với thiên nhiên, cuộc sống của con người cũng được đảm bảo và ngày một yên ấm hơn.

Thế nhưng, một thảm trạng đáng buồn đang diễn ra ngay trên trái đất này. Những báo động của tổ chức sức khỏe thế giới về việc những khí thải ảnh hưởng đến sự sống con người dường như chưa đủ để đánh thức lương tri. Tầng Ozon bảo vệ trái đất đang bị những khí độc chọc thủng. Những cánh rừng xanh bạt ngàn đang từ từ mất đi vẻ nguyên sơ. Những cây non chưa kịp lớn lên đã bị hạ xuống. Những loài thảo dược quý giá đang dần mất đi bởi sức tàn phá vô nhân đạo của con người. Những loại động vật quý hiếm giúp cân bằng hệ sinh thái đã bị con người săn bắt cách vô tội vạ, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà máy xí nghiệp mọc lên khắp nơi, thải vào không khí và vào nguồn nước những làn khói độc và biết bao hóa chất có hại, gây ra những căn bệnh quái ác cho những ai mắc phải. Những con sông mới vài năm trước thôi còn xanh nguyên với cỏ cây mọc hai bên bờ và từng đàn cá tung tăng bơi trong nước, nay đã trở nên đen ngòm, không còn loài nào có thể sinh sống. Bờ biển đẹp, đại dương mênh mông với biết bao loài sinh vật sinh sống đang thoi thóp kêu cứu con người… Không biết, chỉ vài chục năm sau, thế hệ con cháu chúng ta có còn được hưởng nếm bầu không khí trong lành, có còn được được vui đùa bên các con thú, có còn nơi để tung tăng chạy nhảy nữa không…

Thiên nhiên cũng có giới hạn chịu đựng của nó. Huỷ hoại tự nhiên không bao giờ mang đến cho con người một lợi ích nào cả. Chỉ khi nào con người biết tôn trọng nó, nó mới có thể phục vụ cho đời sống của con người. Có những người tự cho mình quyền muốn làm gì thì làm. Họ chỉ quan tâm đến việc mình sẽ kiếm lợi được bao nhiêu. Còn người khác chịu thiệt thòi đau khổ thế nào, họ chẳng màng chi tới. Con người là một giống loài thật kỳ lạ. Càng có nhiều tiền của, người ta càng trở nên nghèo nàn: nghèo nhân đức, nghèo tình thương. Càng phát triển, con người càng trở nên nhỏ bé: nhỏ bé trong phán đoán, trong lối suy nghĩ. Càng có học, con người càng hành xử như những kẻ không có chút chất xám trong đầu. Công nghệ hiện đại là để giúp con người có thể nối kết với nhau, nhưng con người lại tự biến mình thành những hòn đảo cô độc. Đến một ngày nào đó, khi ta không thể thở được, khi ta không còn gì để ăn, khi ai nhìn ta cũng bĩu môi khinh rẽ, ta sẽ thấy một núi tiền mà ta đang nắm giữ trong tay chẳng khác nào một đống rác.

Việc con người khinh thường và xâm hại đến tự nhiên không chỉ nói đến việc thiếu ý thức và trách nhiệm của mình đối với công trình tạo dựng của Tạo Hoá, nhưng đâu có còn phản ánh tình trạng lạnh nhạt vô nhân tính mà con người dành cho nhau. Quả vậy, nếu người ta yêu thương nhau, hẳn là người ta đã không làm gì để gây tổn thất cho nhau, người ta sẽ ngay lập tức sửa lại những lỗi sai mình đã phạm chứ không cố tình lấp liếm, che giấu nó. Thay vì tôn trọng nhau, con người lại sử dụng nhau như bàn đạp để giúp mình đạt được lợi ích bản thân. Người ta vô tình đến độ không còn rung cảm gì nữa trước tiếng khóc than của thiên nhiên, của bao nhiêu con người nghèo khốn khổ. Đã từ bao lâu rồi, khi con người lại mất đi tính người đến thế? Chẳng phải con người được dựng nên trỗi vượt hơn mọi giống loài khác sao, cớ gì lại tự xếp mình vào hàng thấp bé đến vậy? … Rồi sẽ được chi? Trên cao còn có Trời, bên dưới còn có Đất, trong lòng còn có tiếng lương tâm, đời có Luật Vay – Trả. Ai hả hê trước nỗi đau của nhân loại, người đó sẽ sớm thấy được hậu quả của những gì mình gây ra.

Mẹ Thiên Nhiên đang khóc, chưa hẳn vì con người làm hại Mẹ, nhưng có lẽ là vì con người không còn biết nghĩ đến nhau.

Khi không còn tình người, thì con người sẽ huỷ diệt tất cả, chứ đừng nói gì đến thiên nhiên! Thật đáng buồn!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
http://dongten.net/