ĐẤU TRANH ĐỂ THOẢI MÁI VỚI BẢN THÂN

Rainer Marie Rilke đã nói rằng, nếu không thể nhìn thấy sự phong phú trong cuộc sống mà chúng ta đang sống, thì chúng ta chẳng phải là nhà thơ. Những vấn đề của chúng ta cũng thế.

Tôi vừa có phúc vừa khốn khổ vì một bồn chồn bẩm tại không phải lúc nào cũng khiến đời tôi dễ dàng. Tôi nhớ mình là một cậu bé cứ bồn chồn lang thang quanh nhà, quanh vườn, rồi mảnh đất nông trại của gia đình trên khu đồng cỏ. Gia đình của chúng tôi gần gũi, cuộc sống của tôi an toàn và bảo đảm, tôi được nuôi dạy trong một đức tin vững vàng. Điều đó đáng ra phải tạo nên thời thơ ấu an bình và ổn định, và xét phần lớn thì đúng như vậy Tôi thấy mình thật may mắn.
Nhưng tất cả những ổn định này, ít nhất với riêng tôi, lại chẳng thể loại bỏ được một sự bồn chồn bất an. Xét sơ qua, tôi thấy đây là sự cô lập khi lớn lên ở một cộng đồng nông thôn khá xa đời sống đô thị lớn. Những cuộc đời tôi xem trên truyền hình và đọc trên báo chí, có vẻ hoành tráng hơn, thú vị hơn và quan trọng hơn cuộc đời của tôi. Khi so sánh với chúng, cuộc đời của tôi thật nhạt nhòa, nhỏ bé, thiếu quan trọng, và là chọn lựa thứ hai. Tôi khao khát được sống ở thành phố lớn, cách xa những gì mà tôi xem là sự bần cùng của đời sống nông thôn. Do đó, cuộc đời tôi cứ luôn mãi xa cách mọi sự có tầm quan trọng.
Hơn thế nữa, tôi còn làm khổ mình khi so sánh đời tôi, cơ thể tôi, và sự vô danh của tôi với vẻ đẹp, sự hấp dẫn và danh tiếng của các vận động viên chuyên nghiệp, các ngôi sao điện ảnh, những người nổi tiếng khác mà tôi và biết bao người ngưỡng mộ. Với tôi, họ có cuộc sống thật sự, cuộc sống mà tôi chỉ biết ghen tị. Hơn nữa, tôi thấy một sự bồn chồn sâu sắc trong tâm hồn. Dù cho tôi có được sự thân thiết thật sự trong gia đình, có một cộng đồng gắn bó với hàng chục bạn bè và người quen, thế nhưng tôi vẫn mong mỏi có được sự thân mật lãng mạn đặc biệt với một người tri kỷ. Cuối cùng, tôi sống với sự lo lắng mơ hồ mà tôi chẳng hiểu nổi và hầu như chuyển dịch nó thành nỗi sợ, sợ mình không đủ tầm và sợ mình chỉ sống với những thứ hời hợt mà thôi.
Đấy là phần khốn khổ, nhưng nó cũng đem lại phúc lành. Trong biết bao bất an bồn chồn đó, tôi nhận thức (lắng nghe) một tiếng gọi tu trì, mà tôi đã cố kháng cự trong một thời gian dài bởi có vẻ như nó đối lập với mọi điều tôi khao khát. Làm sao một trái tim bồn chồn cháy bỏng, tràn đầy tình ái, lại là tiếng gọi của đời sống độc thân chứ? Làm sao một khát khao vị kỉ mong muốn danh vọng, tiền tài và sự công nhận lại là lời mời gia nhập một hội dòng với đặc sủng sống cùng người nghèo? Thật vô lý, và nghịch lý thay, đấy là lý do vì sao đến tận cùng, nó lại hợp lý. Tôi đã đi theo lực đẩy của tiếng gọi và thấy thật hợp với mình.
Nó đưa tôi vào đời sống tu trì và những gì tôi đã sống và đã học nơi đó đã giúp cho tôi xử lý sự bồn chồn của tôi qua năm tháng và giúp tôi bắt đầu sống thoải mái với chính mình. Ngoài việc cầu nguyện và linh hướng, có hai bậc vĩ nhân tri thức đã giúp tôi nhiều. Thời sinh viên, năm 19 tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu về thánh Augustino và Tôma Aquinô. Trí óc của tôi vẫn còn trẻ trung và chưa thành hình, nhưng tôi nắm bắt đủ qua những gì đã đọc, để bắt đầu thoải mái vui vẻ hơn với những phức cảm bồn chồn trong tâm hồn tôi nói riêng, và tâm hồn con người nói chung. Thậm chí là ở tuổi 19, người ta cũng có thể thực sự hiểu được câu nói của thánh Augustino. “Lạy Chúa, Ngài đã tạo thành chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”
Rồi đến câu hỏi của thánh Tôma Aquinô: “Đâu mới là mục đích thỏa đáng cho trí tuệ và ý chí của con người?” Nói đơn giản là, ta phải biết gì và yêu gì để thỏa mãn mọi ngọn lửa bồn chồn trong lòng? Câu trả lời của ngài là: Tất cả mọi sự!Mục đích thỏa đáng cho trí tuệ và ý chí của con người là “Sống như sống”, là Thiên Chúa, tất cả mọi người, mọi vật. Chỉ có như thế mới thỏa mãn được chúng ta.
Ngoại trừ… Hầu như chẳng nghĩ như thế. Sự bồn chồn mà tôi trải qua thời trẻ, đang là một chứng bệnh gần như toàn cầu ngày nay. Hầu như ai trong chúng ta cũng tin rằng cuộc sống tốt đẹp chỉ là cuộc sống của ai đó sống ở nơi khác, xa khỏi cuộc sống ở thị trấn nhỏ, bình thường, giới hạn của chúng ta. Nền văn hóa hiện thời đã khiến chúng ta tin rằng sự giàu có, nổi tiếng, và tiện nghi là mục đích thỏa đáng cho trí tuệ và ý chí của con người. Với chúng ta, chúng chính là “Sống như sống” Trong quan niệm đương thời của nền văn hóa, chúng ta nhìn vào những cơ thể đẹp, vào sự nổi tiếng và giàu có của các vân động viên, ngôi sao điện ảnh, và những doanh nhân thành công, mà tin rằng họ có cuộc sống tốt đẹp còn chúng ta thì không. Chúng ta là kẻ ngoài rìa, chỉ đứng nhìn vào mà thôi. Và do đó, chúng ta chỉ là những đứa trẻ nông thôn ghen tị với đời sống thành thị, thấy họ có cuộc sống chỉ dành cho một số ít người. Chúng ta khốn khổ bởi niềm tin sai lầm rằng cuộc sống đó chỉ tồn tại ở đâu đó khác, ngoài bối cảnh sống của mình.
Một nhà thơ trẻ đầy thiết tha tin rằng môi trường bình thường của anh không cho anh hứng khởi mà anh cần để làm thơ, và Rainer Marie Rilke đã khuyên anh rằng, nếu không thể nhìn thấy sự phong phú trong cuộc sống mà chúng ta đang sống, thì chúng ta chẳng phải là nhà thơ. Những vấn đề của chúng ta cũng thế.
Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

NẾU CUỘC TRẦN NÀY KHÔNG CÓ CHÚA!

Thánh Địa Giêrusalem vào một ngày đẹp trời…
Cư dân nơi đây đang chú tâm về sự xuất hiện của những vị khách lạ. Họ là các nhà khoa học hàng đầu thế giới về khảo cổ và y học, cùng với đông đảo phóng viên của các hãng truyền thông nổi tiếng như BBC, Fox, Times… Tập thể này đang chuẩn bị làm một chuyện động trời: khai quật mộ Chúa Giêsu!

Trong cái nóng thiêu đốt da thịt của vùng trung đông, cùng với tính chất quan trọng của công việc nên ai nấy đều rất căng thẳng. Sau một ngày làm việc, cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp toàn thế giới vào lúc 8h tối với bài phát biểu của vị trưởng đoàn khai quật.  Với gương mặt hết sức căng thẳng, ông tuyên bố đã tìm thấy xương người trong mộ Chúa. Tin sét đánh cho gần 2 tỷ người trên thế giới. Như vậy Đức Giêsu là con người lịch sử có thật đã chết nhưng…không sống lại. Câu kết luận chắc ai cũng đã rõ, ông Giêsu này không hề Phục Sinh như lời Kinh Thánh nói nên hoàn toàn không phải là Thiên Chúa.

Một bầu khí hoang mang, thất vọng nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Ánh đèn trong các nhà thờ vụt tắt. Chuông lặng thinh trong không gian im lìm. Đức Thánh Cha từ chức và giải thể Vatican. Các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ…lần lượt cởi áo lễ áo dòng, thất thểu cất bước ra khỏi các nơi thờ tự, tu viện.

Bình an và hy vọng rời xa con người, và thay vào đó là bản năng của loài vật trỗi dậy. Làm gì còn thiên đàng và hỏa ngục, làm gì còn thưởng phạt đời sau! Con người lao vào hưởng thụ, giành giật, tranh đoạt nhau để thỏa mãn cuộc sống ngắn ngủi này, vì chết rồi là chấm hết. Chiến tranh bạo loạn triền miên, thế giới chìm trong u tối của tất cả những gì trước đây người ta gọi là tội lỗi.

Gần một năm sau sự kiện khai quật mộ, vị trưởng đoàn nay đang hấp hối trên giường bệnh. Ông gọi người phụ tá lại và yêu cầu người này cho ông được gặp truyền thông lần cuối trước khi chết. Trước ống kính được truyền hình trực tiếp toàn cầu, ông thú nhận đã dàn dựng nên sự kiện chấn động này. Những mẩu xương trong mộ Chúa đã được ông cùng cộng tác viên của mình tìm cách đưa vô từ rất lâu trước khi tiến hành khai quật mộ.

Và cũng giống như lần trước, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người ta cảm tưởng như hôm nay mặt trời chiếu sáng gấp nhiều bình thường. Tiếng chuông, tiếng thánh ca vang dội địa cầu. Các phẩm trật Giáo hội, những tu sĩ nam nữ trong gương mặt rạng rỡ, họ chạy để được nhanh chóng trở về nơi mà một năm trước đây họ đã thất thểu cúi đầu rời bỏ. Chiến trường ngưng tiếng súng. Người ta thấy rõ sự thay đổi trên ngương mặt của nhau, nét rạng ngời của tình thương và hy vọng đã dần thay thế cho sự lạnh lùng của loài dã thú.

Câu chuyện tưởng tượng đầy màu sắc của điện ảnh, nhưng nó nói lên một viễn cảnh: Hậu quả nếu cuộc sống này không có Thiên Chúa sẽ như thế nào. Có thể nói, động lực để chúng ta thăng tiến mỗi ngày, để con người khát khao tìm kiếm những giá trị cao cả của cuộc sống chính là nơi Thiên Chúa. Riêng điều này thôi cũng đã đủ khẳng định Đức Giêsu Phục Sinh là điều không thể chối cãi.

Những ngày vừa qua cả thế giới dõi mắt trông về Paris, Pháp. Vụ hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà xét về mặt tự nhiên là một tổn thất vô cùng lớn, đây được xem là tinh hoa trí tuệ con người từ ngàn năm trước. Nhưng thử hỏi những giọt nước mắt, nỗi xót xa mà người dân Pháp cùng biết bao người trên thế giới biểu lộ, có phải chỉ tiếc thương cho điều ấy không? Chắc chắn không phải chỉ có vậy.

Từ sâu thẳm tâm hồn những Kitô hữu đang nguội lạnh, sự kiện này như dấu chỉ Chúa gửi đến nhắc nhở họ, nhất là nó lại diễn ra chỉ ít ngày trước Tuần Thánh. Tiếng chuông của mọi nhà thờ trong nước Pháp đã đồng loạt cất lên. Cảm thức đức tin của dân tộc này đã được khơi dậy. Hình ảnh những khuôn mặt thẫn thờ, trên tay là chuỗi tràng hạt cùng đôi dòng nước mắt chảy dài; hình ảnh những bạn trẻ quỳ gối sốt sắng cầu nguyện…có ai biết rằng rất nhiều trong số đó đã lâu rồi không còn biết đến nhà thờ và các nghi lễ. Người ta xôn xao về bức ảnh Chúa Giêsu xuất hiện trong đám cháy và coi đó như phép lạ. Đó chắc chắn là Chúa Phục Sinh. Đó cũng chắc chắn là một phép lạ của đức tin đã diễn ra nơi chính tâm hồn mỗi người dân Pháp.

Cuộc trần này thực sự luôn có Chúa Phục Sinh hiện diện.
Nếu cuộc trần này không có Chúa
Hoang mang con biết đi về đâu
Bến đỗ mịt mù trong sương ảo
Ai sẽ đưa con chính lộ vào..

Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH - C

Sau khi sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện ra lần thứ nhất với các tông đồ, nhưng vắng mặt ông Tôma. Ngài đã chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì đã được xem thấy Chúa, và họ đã cho ông Tôma biết: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”; nhưng ông này cương quyết: “ Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà; lần này có mặt ông Tôma. Chúa Giêsu lại hiện ra lần thứ hai cùng các ông. Sau khi chúc bình an, Ngài đã cho ông Tôma xem những dấu đanh nơi bàn tay và vết thương nơi cạnh sườn Ngài và đã khiển trách ông: “ Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Và ông Tôma chỉ còn biết kêu lên: “ Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”. Và Ngài nói tiếp với ông: “ Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Đã xem thấy, đã tin
Cũng như các môn đệ khác, ông Tôma cũng đã từng được nghe những giáo huấn của Chúa, đã được xem thấy những việc kỳ lạ Ngài đã làm, và cũng được nghe Ngài tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài…; nhưng ông vẫn còn bán tín bán nghi về việc chết đi sống lại của Thầy mình; vì, Chúa quyền năng có thể làm cho người chết sống lại như trường hợp ông Lagiarô thì còn hiểu được; nhưng đàng này, chính Chúa lại phải chết và lại tự cho mình sống lại thì thật là một việc quá sức tưởng tượng của ông: Làm sao lại có thể có chuyện ấy được! Và đức tin của ông đã bị chao đảo! Ông nghi ngờ đòi cho được tận mắt thấy những dấu đanh nên thân thể Chúa mới tin cũng phải thôi, vì ông đã một lần thất vọng khi thấy Thầy, một Đấng quyền phép mà ông đã tin, lại phải chịu nhục hình cho đến chết trên thập giá. Cũng còn may là ông còn lui tới với cộng đoàn, không như hai môn đệ trên đường Êmau, sau khi Thầy chết, đã thất vọng, sợ hãi tìm đường trốn chạy. Điều đó cho thấy ông vẫn còn tin tưởng vào Thiên Chúa, vẫn còn muốn đạt đến một đức tin viên mãn để được cứu độ.
Tuy bị Thầy khiển trách là cứng lòng tin, nhưng qua đó, ông đã thấy và ông đã tin. Đức tin của ông đã được củng cố cho vững mạnh hơn bao giờ hết đến nỗi ông đã kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.
Cũng không phải chỉ có ông Tôma mới nghi ngờ sự sống lại của Thầy mình, mà ngay chính những người được tận mắt thấy ngôi mộ trống cũng bán tín bán nghi.
Ngày thứ nhất trong tuần, từ sáng tinh mơ, các bà mang theo thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, bước vào trong, không thấy xác Chúa, bà Maria Mađalêna đã hốt hỏang chạy về báo: “ Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” ( Ga 20: 2); và đang khi còn ngơ ngác, vào trong mồ, thì thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà: “ Các bà đừng sợ. Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiareth chịu đóng đinh, nhưng người đã sống lại…”. Các bà chạy ra và trốn khỏi mồ, vì các bà run rẩy bàng hoàng. Các bà không nói gì với ai, vì các bà sợ hãi… (Mc. 16, 6-8)
Trở về nhà, các bà thuật lại cho các tông đồ; “nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin” (Lc. 24,11)
Vì không thấy, nên ông Tôma chỉ đòi hỏi thấy mới tin, nhưng các bà và các tông đồ đã thấy, đã nghe nói về việc ngôi mộ trống, về việc Chúa đã sống lại, thế mà các bà thì sợ hãi cho là ma, còn các ông thì cho đó là truyện vớ vẩn. Ai là người kém lòng tin hơn ai?
Hơn nữa, đứng về phương diện đức tin, thì có thể ông Tôma là người cứng lòng tin, nhưng đứng về phương diện khoa học, thì sự nghi ngờ của ông lại là điều cần thiết để tìm ra sự thật. Nếu khoa học kiểm chứng được những gì chúng ta phải tin, thì những điều chúng ta tin mà khoa học khám phá, chứng minh được, thì cũng chẳng còn gì là siêu việt đối với trí óc của con người.
Ông Tôma cứng lòng tin, vì ông muốn lấy lý trí để củng cố cho lòng tin của ông. Có thể ông đã nghĩ rằng: Nghe người ta nói Chúa đã phục sinh chưa đủ, tôi còn phải tận mắt nhìn thấy Ngài, và phải được tiếp cận thân thể đầy thương tích của Ngài, thì tôi mới tin.Và cuối cùng, Tôma đã thấy và ông đã tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.
Việc ông Tôma đòi hỏi được nhìn, được sờ, được kiểm chứng Đấng Phục sinh không chỉ là một đòi hỏi cho riêng ông, nhưng cũng là một chứng tích cho chúng ta hôm nay.
Đã không thấy mà tin
Và sau khi nhân định về lòng tin của ông Tôma: Vì con đã thấy và con đã tin; Chúa lại đưa ra một mẫu lòng tin khác được chúc phúc; đó là: Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Qua sự việc của ông Tôma, Chúa đã gián tiếp nói với chúng ta là những người sinh ra “hậu Phục sinh”, những người đã không thấy Chúa sống, chết và phục sinh, nhưng chúng ta tin. Chúng ta chỉ được đọc, được nghe về Thiên Chúa, về Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa xuống thế làm người vì yêu thương con người, để rồi chịu chết và đã phục sinh…; nhưng chúng ta không được may mắn như dân Chúa xưa kia hay gần gũi hơn là các môn đệ đã thấy và đã tin.
Cám ơn các tông đồ và đặc biệt cám ơn ông Tôma đã giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ hơn về việc Chúa sống lại, về lòng tin của mình.
Từ ngàn xưa, con người nói chung và con cái Thiên Chúa nói riêng đã thấy, đã tin, nhưng vẫn còn vô số người đã thấy, nhưng vẫn chối từ, vẫn không tin. Đã không thấy mà tin là một đòi hỏi rất khó đối với đức tin, đồng thời cũng là một yếu tố xác định mức độ lòng tin của chúng ta.
Đức tin và bình an
Trong cuộc hành trình đức tin, những người đã không thấy mà tin và ngay cả những người đã thấy và đã tin vẫn luôn gặp những trở ngại, nghi ngờ, lo lắng, bất an.
Các môn đệ, sau cuộc “bức tử” của Thầy Giêsu, họ đã hoang mang, lo lắng, sợ sệt, bất an: số phận của họ rồi sẽ ra sao? Ai sẽ là người hướng dẫn để tiếp tục công việc của Thầy?… Tụ lại với nhau, nhưng cửa đóng then cài.
Và những người đã không thấy mà tin thì sao? Đức tin của chúng ta ở mức độ nào? Chúng ta tin, nhưng đã sống và chết vì đức tin như thế nào?
Đức tin chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt, chưa xác tín..thì luôn gặp những bất an. Thử thách, gian nan, khổ cực là thước đo đức tin, là những bất an trong tâm hồn.
Hiểu được tâm trạng lo lắng, sợ sệt, bất an của các môn đệ, nên qua hai lần hiện ra với các ông sau khi sống lại, lời trấn an đầu tiên mà Chúa gửi đến các ông là: “Bình an cho các con” và Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần xuống để cùng đồng hành với họ. Như thế là họ sẽ được bình an, được an tâm để lên đường tiếp tục công việc của Thầy, không còn phải lo lắng, hoang mang.
Và cũng hiểu được tâm trạng bất an của chúng ta ngày nay, Chúa cũng đã chúc bình an và hứa với chúng ta rằng: “Thầy sẽ xin Cha Thầy, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”. (Ga. 14,15). Cũng như các môn đệ họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện ra và chúc bình an cho họ, ngày Chúa nhật họp nhau tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng đón nhận bình an của Thiên Chúa và chúc cho nhau bình an của Ngài để rồi lại ra đi trong bình an của Ngài đến với anh em. Bình an ấy là kết qủa của đức tin.
Chúng ta là những người “đã không thấy mà tin”, và đã được Chúa chúc phúc; vì, như Thánh Gioan Tồng đồ đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Ai tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng ấy. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người…, và giới răn Người không nặng nề. Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Chiên Chúa? (1Ga. 5,1-6)
Đức tin đem lại cho chúng ta bình an của Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tuyên xưng đức tin mà còn phải sống đức tin: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết; cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc. 2,26)
Lm Trịnh Ngọc Danh

NẾU CUỘC TRẦN NÀY KHÔNG CÓ CHÚA!

Thánh Địa Giêrusalem vào một ngày đẹp trời…
Cư dân nơi đây đang chú tâm về sự xuất hiện của những vị khách lạ. Họ là các nhà khoa học hàng đầu thế giới về khảo cổ và y học, cùng với đông đảo phóng viên của các hãng truyền thông nổi tiếng như BBC, Fox, Times… Tập thể này đang chuẩn bị làm một chuyện động trời: khai quật mộ Chúa Giêsu!

Trong cái nóng thiêu đốt da thịt của vùng trung đông, cùng với tính chất quan trọng của công việc nên ai nấy đều rất căng thẳng. Sau một ngày làm việc, cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp toàn thế giới vào lúc 8h tối với bài phát biểu của vị trưởng đoàn khai quật.  Với gương mặt hết sức căng thẳng, ông tuyên bố đã tìm thấy xương người trong mộ Chúa. Tin sét đánh cho gần 2 tỷ người trên thế giới. Như vậy Đức Giêsu là con người lịch sử có thật đã chết nhưng…không sống lại. Câu kết luận chắc ai cũng đã rõ, ông Giêsu này không hề Phục Sinh như lời Kinh Thánh nói nên hoàn toàn không phải là Thiên Chúa.

Một bầu khí hoang mang, thất vọng nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Ánh đèn trong các nhà thờ vụt tắt. Chuông lặng thinh trong không gian im lìm. Đức Thánh Cha từ chức và giải thể Vatican. Các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ…lần lượt cởi áo lễ áo dòng, thất thểu cất bước ra khỏi các nơi thờ tự, tu viện.

Bình an và hy vọng rời xa con người, và thay vào đó là bản năng của loài vật trỗi dậy. Làm gì còn thiên đàng và hỏa ngục, làm gì còn thưởng phạt đời sau! Con người lao vào hưởng thụ, giành giật, tranh đoạt nhau để thỏa mãn cuộc sống ngắn ngủi này, vì chết rồi là chấm hết. Chiến tranh bạo loạn triền miên, thế giới chìm trong u tối của tất cả những gì trước đây người ta gọi là tội lỗi.

Gần một năm sau sự kiện khai quật mộ, vị trưởng đoàn nay đang hấp hối trên giường bệnh. Ông gọi người phụ tá lại và yêu cầu người này cho ông được gặp truyền thông lần cuối trước khi chết. Trước ống kính được truyền hình trực tiếp toàn cầu, ông thú nhận đã dàn dựng nên sự kiện chấn động này. Những mẩu xương trong mộ Chúa đã được ông cùng cộng tác viên của mình tìm cách đưa vô từ rất lâu trước khi tiến hành khai quật mộ.

Và cũng giống như lần trước, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người ta cảm tưởng như hôm nay mặt trời chiếu sáng gấp nhiều bình thường. Tiếng chuông, tiếng thánh ca vang dội địa cầu. Các phẩm trật Giáo hội, những tu sĩ nam nữ trong gương mặt rạng rỡ, họ chạy để được nhanh chóng trở về nơi mà một năm trước đây họ đã thất thểu cúi đầu rời bỏ. Chiến trường ngưng tiếng súng. Người ta thấy rõ sự thay đổi trên ngương mặt của nhau, nét rạng ngời của tình thương và hy vọng đã dần thay thế cho sự lạnh lùng của loài dã thú.

Câu chuyện tưởng tượng đầy màu sắc của điện ảnh, nhưng nó nói lên một viễn cảnh: Hậu quả nếu cuộc sống này không có Thiên Chúa sẽ như thế nào. Có thể nói, động lực để chúng ta thăng tiến mỗi ngày, để con người khát khao tìm kiếm những giá trị cao cả của cuộc sống chính là nơi Thiên Chúa. Riêng điều này thôi cũng đã đủ khẳng định Đức Giêsu Phục Sinh là điều không thể chối cãi.

Những ngày vừa qua cả thế giới dõi mắt trông về Paris, Pháp. Vụ hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà xét về mặt tự nhiên là một tổn thất vô cùng lớn, đây được xem là tinh hoa trí tuệ con người từ ngàn năm trước. Nhưng thử hỏi những giọt nước mắt, nỗi xót xa mà người dân Pháp cùng biết bao người trên thế giới biểu lộ, có phải chỉ tiếc thương cho điều ấy không? Chắc chắn không phải chỉ có vậy.

Từ sâu thẳm tâm hồn những Kitô hữu đang nguội lạnh, sự kiện này như dấu chỉ Chúa gửi đến nhắc nhở họ, nhất là nó lại diễn ra chỉ ít ngày trước Tuần Thánh. Tiếng chuông của mọi nhà thờ trong nước Pháp đã đồng loạt cất lên. Cảm thức đức tin của dân tộc này đã được khơi dậy. Hình ảnh những khuôn mặt thẫn thờ, trên tay là chuỗi tràng hạt cùng đôi dòng nước mắt chảy dài; hình ảnh những bạn trẻ quỳ gối sốt sắng cầu nguyện…có ai biết rằng rất nhiều trong số đó đã lâu rồi không còn biết đến nhà thờ và các nghi lễ. Người ta xôn xao về bức ảnh Chúa Giêsu xuất hiện trong đám cháy và coi đó như phép lạ. Đó chắc chắn là Chúa Phục Sinh. Đó cũng chắc chắn là một phép lạ của đức tin đã diễn ra nơi chính tâm hồn mỗi người dân Pháp.

Cuộc trần này thực sự luôn có Chúa Phục Sinh hiện diện.
Nếu cuộc trần này không có Chúa
Hoang mang con biết đi về đâu
Bến đỗ mịt mù trong sương ảo
Ai sẽ đưa con chính lộ vào..

Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh

CÚI MÌNH

Chẳng ai trong chúng ta thích là người phải cúi xuống. Cúi xuống là hành vi đưa mình xuống thấp và đưa người kia lên cao. Ta không thích cúi, vì ta không thích có ai đó ở vị thế cao hơn mình.

Lịch sử đã chứng minh cho loài người thấy sự kiêu ngạo giết chết nhân loại như thế nào. Con tàu Titanic nổi tiếng vào đầu thập niên 20, được người ta xưng tụng là con tàu vĩ đại, đến cả Thượng Đế cũng không thể nhấn chìm được. Nhưng chỉ cần một tảng băng trôi và một cú va chạm, nó đã chìm sâu trong đáy biển, cùng với biết bao con người đang hành trình cùng với nó. Thành phố Pompei của Ý đã từng được xem là kinh đô phát triển với nhiều công trình kỹ thuật vượt bậc, một nơi đáng mơ ước của bao nhiêu người. Nhưng chỉ qua một đêm, nó đã bị một ngọn núi lửa chôn vùi. Cái còn lại chỉ là tàn tích của tro bụi, của những xác người còn lộ vẻ sợ hãi trên khuôn mặt cháy đen.
Giữa vũ trụ bao la rộng lớn này, con người chẳng là gì. Trước sức mạnh của tự nhiên, con người thấy mình nhỏ bé cùng cực. Ngôi nhà thờ vĩ đại và nổi tiếng Notre Dame de Paris đứng sừng sững bao nhiêu thế kỷ, vẫn không thể chống chọi lại ngọn lửa bừng bừng. Con người có gì mà vỗ ngực xưng tên, nhìn trời mà ngạo mạn. Mọi cái trong trời đất này đều sẽ qua đi. Người ta tìm đến những di tích cổ xưa cũng chỉ thấy nơi đó một dấu ấn phai nhạt, cố mường tượng lại cuộc sống nhiều năm trước đã bị thời gian cuốn trôi. Đâu rồi những oai hùng, vinh quang rực rỡ!
Chẳng ai trong chúng ta thích là người phải cúi xuống. Cúi xuống là hành vi đưa mình xuống thấp và đưa người kia lên cao. Ta không thích cúi, vì ta không thích có ai đó ở vị thế cao hơn mình. Bẩm sinh, con người nào cũng thích mình ở trên người ta, chứ chẳng bao giờ thích điều ngược lại.
Người cúi xuống có thể sẽ bị người khác khinh thường, mỉa mai. Họ có thể bị cho là tầm thường, nhu nhược, yếu đuối. Họ phải chịu mất đi danh dự, có khi còn bị dèm pha. Người nào bị ép phải cúi xuống sẽ cảm thấy rất khó chịu. Người nào buộc phải cúi xuống vì không còn chọn lựa nào khác thì chẳng có gì đáng để khen ngợi. Còn người nào vốn dĩ ở vị trí trên cao, không cần phải cúi xuống, nhưng đã chọn cho mình con đường thấp hèn này, người đó quả thật là một con người vĩ đại.
Họ không tìm cách khẳng định chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Họ chẳng màng chi đến cái gọi là danh tiếng, vị thế, thứ bậc, vốn là những cái con người tự vẽ ra rồi lao mình vào cuộc chiến tranh giành. Họ không cần thể hiện, không cần biết ai nghĩ gì. Chỉ đơn giản, họ có một tầm nhìn rộng hơn, nền tảng hơn. Sự vĩ đại của họ được thể hiện nơi sự khiêm tốn, biết thu mình. Lòng họ đầy tràn nhân đức và một lối sống biết nghĩ cho người khác.
Trong những ngày qua, dân mạng xôn xao, cả thế giới cũng chấn động khi thấy hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô – một ông cụ ngoài 80, sức khoẻ không được tốt, là lãnh đạo tối cao của một tôn giáo hơn 1 tỷ 2 tín đồ – đã quỳ xuống và hôn chân các nhà lãnh đạo đối lập Nam Suđan để xin các vị này chấm dứt chiến tranh, trả lại sự bình yên cho người dân ở vùng đất này.
Ngay khi tin tức về sự kiện này được truyển tải trên mạng, đã có rất nhiều ý kiến bàn tán xôn xao. Có người cho rằng Đức Giáo Hoàng chỉ giả vờ “làm màu” để được nổi tiếng. Ý kiến khác cho rằng ngài đã làm một việc ngu xuẩn, tự bôi nhọ chính mình. Cũng có người nói là ngài đang làm một điều vô nghĩa. Rồi cũng có không ít người Công Giáo bảo là ngài đã làm “hạ giá” tôn giáo của mình khi vốn là vị đứng đầu Giáo Hội lại tự xếp mình thấp kém hơn các nhà lãnh đạo kia…
Nhưng hành vi này của ngài, dù chưa thể nói gì đến hiệu quả như ngài mong chờ, nhưng đã phản ánh phần nào sự vĩ đại nơi con người của ngài và lòng yêu mến của ngài dành cho Thầy Giêsu, Đấng cũng đã cúi mình hơn 2000 năm trước, và mối bận tâm dành cho con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.
Bông lúa càng trĩu hạt thì càng cúi đầu. Một đời sống nhân đức làm cho người ta biết khom lưng, biết hạ thấp mình, biết làm cho mình nhỏ lại, biết nghĩ đến người khác. Một bông lúa cúi đầu là một bông lúa mang trong mình biết bao thành quả tốt đẹp. Đó là một bông lúa được nhà nông mong chờ. Nó trở thành một bông lúa hữu ích. Người càng biết cúi đầu thì càng lớn lao, vĩ đại, đáng cho người ta ngưỡng mộ vì đã chiến thắng được bản thân, đã không còn màng gì đến thói hơn thua của đời, đã thoát được cuộc đua tranh danh vọng của trần thế. Họ thật sự là vị chân nhân, một anh hùng.
Một lần người ta hỏi Socrates: “Khoảng cách từ đất đến trời dài bao nhiêu?”Ông trả lời rằng: “Một mét.” Người kia ngạc nhiên: “Chỉ một mét thôi à, vậy làm sao người ta có thể sống được?”Socrates trả lời: “Đúng vậy, chỉ một mét thôi, nên nếu người ta muốn sống được, người ta phải biết khom lưng cúi đầu!”.
Socrates đã cho để lại cho đời một triết lý sống vừa thâm sâu vừa thuận đạo trời đất. Người  nào sống mà biết khiêm nhu, cúi xuống, người đó sẽ được hưởng phúc lộc bình an. Còn người nào tỏ ra ngạo mạn kiêu căng, người đó sớm muộn gì cũng tự diệt.
Chấp nhận cúi xuống không phải là hành vi của kẻ nhu nhược, nhưng là bản lĩnh của người có một chiều sâu nội tâm và một đời sống nhân đức tràn trề.
[Triết lý cao vượt này, chúng ta nhìn thấy rất rõ nơi hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng từ chốn cao vời, đã chấp nhận xuống thế làm người, mặc lấy thân phận của một người phục vụ. Chúa Giêsu không chỉ là người phục vụ trong đêm Tiệc Ly, nhưng đã luôn là một con người biết cúi mình xuống. Sự hiến thân của Ngài đạt tới đỉnh cao khi Ngài chấp nhận biến mình thành của ăn cho người thế. Ngài đích thực là một bông lúa nặng hạt, luôn cúi mình đã đành, còn sẵn sàng chịu nghiền nát để trở thành tấm bánh nuôi dưỡng người khác. Đây chính là lối sống của Thiên Chúa, là cung cách hành xử của Ngài; tất cả đều xuất phát từ một tình yêu vô bờ bến.
Phải, ai biết cúi mình, người đó mới cao quý, nhưng một sự cúi mình làm cho người ta nên cao quý phải xuất phát từ một tình yêu, “yêu đến cùng”, như Giêsu.]


Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CHÚA NHẬT PHỤC SINH - C

Ngôi mộ là điểm cuối của cuộc đời?
Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.
“Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du).
Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty?
Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.
Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh.
Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.
Người biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Người khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Người đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!
Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.
Phục sinh với Chúa Giêsu
Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giêsu như chi thể liên kết với thân mình và vững tin vào Người như lời Người mời gọi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”. (Ga 11, 25).
Vậy thì cùng với Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy giã từ ngôi mộ giam nhốt chúng ta lâu nay trong tội lỗi. Cùng với Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy cởi bỏ những giây băng, những khăn trùm đầu, những tấm vải liệm ràng buộc gò bó chúng ta bấy lâu nay để vùng đứng lên bước vào đời sống mới. Cụ thể là chúng ta hãy từ bỏ những đam mê tội lỗi vốn trói buộc chúng ta và làm cho đời sống tâm linh chúng ta giẫy chết.
Chúa Giêsu là Đầu của chúng ta đã khải hoàn bước vào thiên quốc, là thân mình của Người, chúng ta chắc chắn sẽ được cùng Người tiến vào cõi vinh quang bất diệt.
Vậy ngay hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu ngày thứ nhất của cuộc đời mới với Chúa Giêsu bằng tiếng reo alleluia và với niềm vui tràn ngập tâm hồn.
Lm. Ignatiô Trần Ngà

PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM?

Đây không phải là nội dung ca khúc tình tứ của Ngô Thụy Miên, nhưng là những điều lạ lùng người ta thấy sau vụ cháy ở nhà thờ Đức Bà Paris.

  1. Vụ Cháy Kinh Hoàng
Cả thế giới bàng hoàng với thông tin nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy khoảng 18h50 ngày 15 tháng 4. Bàng hoàng vì đó là biểu tượng tôn giáo của Paris nói riêng và của cả nước Pháp và Châu Âunói chung. Sau vài giờ, ngọn lửa đã được khống chế với mọi nỗ lực của lính cứu hỏa và các chức năng. Hậu quả là ngọn lửa đã thiêu sập tháp nhà thờ và nhiều phần khác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi các nhân viên cứu hỏa: “Nhờ bản lĩnh của họ, điều tồi tệ nhất đã tránh được.” Mặt tiền nhà thờ, hai tháp bên ngoài và nhiều thánh tích còn nguyên vẹn.
  1. Trưởng nữ của Giáo Hội
Ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội sơ khai, nước Pháp luôn là bệ đỡ và chỗ dựa cho Giáo Hội phát triển. Các vua thời đó một mực tuân phục Đức Giáo Hoàng và Kitô giáo phát triển nhanh chóng tại Pháp. Theo đó, nhiều công trình Kitô giáo được dựng xây. Chẳng hạn Nhà thờ Đức Bà Paris (tiếng Pháp: Cathédrale Notre-Dame de Paris) là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic nằm cạnh dòng sông Seine ở Paris. Năm 1163, Giáo hoàng Alexanđê III và vua Louis VII đã đặt viên đá đầu tiên. Trải qua nhiều giai đoạn thi công, Nhà Thờ chính thức xây dựng xong năm 1350. Đây là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris.
Ngoài ra trong lịch sử Giáo Hội Công giáo, chúng ta thấy một thời Giáo Triều Rôma phải di chuyển đến Pháp để tránh áp lực chính trị của Ý. Ví dụ, Giáo Triều Avignon: Ðức Boniface VIII (1294-1303), Ðức Clêmentê V (1305 – 1314). Khi Đông-Tây phương chia cắt, Pháp luôn đồng hành cùng Giáo Hội Rôma để bảo vệ đức tin với nhiều thần học gia và trường học Công giáo nổi tiếng. Pháp đóng vai trò quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn hội thừa sai Paris (MEP), thành công rực rỡ tại Giáo hội Viêt Nam. Với nhiều lý do, người ta chân nhận Pháp như là Trưởng nữ của Giáo Hội.
  1. Lời nguyện cầu trong đêm

Tuy nhiên Trưởng nử ấy trong những thập niên vừa qua đang sa đà vào thế giới tục hóa. Rất nhiều người bỏ đạo, và chối mình là người Công giáo. Trào lưu tục hóa này xảy ra mạnh mẽ nhất ở ngay tại kinh đô ánh sáng Paris. Tuy nhiên, Paris đêm qua có một điều lạ: “Nhưng sự kiện tối hôm nay đã gắn kết họ, nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy cảnh tượng kinh khủng đó, và hàng ngàn người đứng dọc sông Seine theo dõi sự việc trong im lặng. Nhưng đặc biệt là tiếng hát, tiếng kinh cầu nguyện vang lên của một nhóm người đang quỳ và hướng mắt về phía nhà thờ.” (Theo nhân chứng Paul Minh Lê ghi nhận tại chỗ.)
Nhìn về Nhà Thờ đang bốc cháy, cả thành phố Paris được thôi thúc nguyện cầu. Lòng tin yêu của họ được ngọn lửa kia thôi thúc ngay trong đêm tối. Hy vọng họ trở về với Thiên Chúa trong mỗi ngày sống.
  1. Thánh Giá tỏa sáng
Thế giới lo lắng những báu vật của Nhà thờ Đức Bà Paris có thể bị cháy rụi. Ngoài Nhà Thờ, nơi đây chúng ta thấy biết bao công trình nghệ thuật tranh tượng và thánh tích linh thiêng của Kitô giáo như: Mão gai Chúa, mảnh Thánh giá Đích thực, hay Đinh Thánh v.v. Theo Thị trưởng Paris Anne Hidalgo, Mão gai Chúa cùng những hiện vật quan trọng khác tại Nhà thờ Đức Bà Paris đã được bảo vệ an toàn.
Sau khi ngọn lửa được kiểm soát, nhiều người chứng kiến thánh giá chính diện đền thờ tỏa sáng. Đó là một hiện tượng lạ lùng.
“Theo Fan Page ABC News, đây là những hình ảnh đầu tiên sau khi lửa đã bị khống chế, chỉ còn khói. THẬT LẠ LÙNG, người ta đã phải kinh ngạc đến lạ kỳ về cây Thánh giá giữa cung nguyện đến nỗi nhiều người đã thốt lên: “Beautiful! The cross shining ! God is good!”” – Đẹp quá. Thánh Giá đang tỏa sáng! Thiên Chúa thật tuyệt hảo biết bao!”.  Ôi. Thánh giá không bị lửa chạm đến và đang chiếu sáng!”  Ôi Lạy Chúa ! Chúc tụng Chúa! Ôi Thánh Giá!”
Đừng quên chúng ta đang trong những ngày của Tuần Thương Khó. Chính Chúa Giêsu chịu đánh đòn, vác thánh giá lên đồi Canvê để chịu chết vì tội nhân loại. Trong tâm tình đó, nhiều người xem đây như là biểu tượng của niềm hy vọng giữa biến cố đau thương này.
Ngọn lửa có thể phá hủy tất cả, nhưng Thánh Giá Chúa luôn hiện diện và chiếu sáng đến mọi tâm hồn người ta. Đó là những cảm nhận của nhiều người trong những thời khắc này.
  1. Ngọn lửa khơi dậy đức tin
Khi viết tin về vụ cháy, tôi có dịp đọc và xem nhiều thông tin liên quan. Trong đó, người ta nhận thấy ngọn lửa trong nhà thờ bùng cháy bao nhiêu, thì ngọn lửa đức tin lại dâng cao bấy nhiêu. Đám đông đoàn kết hát thánh ca. Họ lần hạt, cầu nguyện với Đức Mẹ Lộ Đức và với Thiên Chúa ban cho Nhà Thờ được bình an. Cả những phóng viên và những ai đọc tin liên quan, hẳn trong lòng đều hướng đến một niềm tin nào đó. Với những người Công giáo, dĩ nhiên đó là thời khắc người ta tin cậy vào Chúa. Nhiều người chứng kiến đã phải thốt lên: “Tất cả vượt quá sự mong đợi. Nhà thờ sẽ được xây dựng lại!”
Vâng, chúng ta không chỉ hy vọng nhà thờ sẽ được xây lại, nhưng ước gì đức tin của mỗi người cũng được gia tăng. Thiên Chúa đang hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong Tuần Thánh này.
Nguyện xin Thánh Giá Chúa cứu độ chúng con, mão gai Chúa bảo vệ chúng con, đinh thánh Chúa gìn giữ chúng con và Thánh đường Chúa chăm sóc chúng con. Được như thế, chúng con thấy đêm qua Paris có nhiều điều lạ lùng, với một đức tin dâng trào hy vọng! Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)