GIẬN GHÉT THẦY

Đụng gì đến tiêu cực trong Giáo hội là giới chức trách, luật sư, truyền thông ầm ầm can thiệp, đưa tin, thậm chí là kích động. Ngược lại, trước biết bao đóng góp, hy sinh và cống hiến cho xã hội con người của hàng trăm ngàn giám mục linh mục, hàng triệu tu sĩ, giáo dân thì họ phớt lờ hoặc cố tình lảng tránh.

Thời gian gần đây Giáo hội chúng ta liên tục đương đầu với những cuộc chống đối, vu cáo và thậm chí là khủng bố, giết hại. Những vụ tố cáo lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ bùng nổ khắp trời Tây. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao đạo CG lại bị thù ghét như vậy, phải chăng do chúng ta sống tội lỗi, hay do mình quá kiêu căng tự phụ nên thiên hạ chướng tai gai mắt?

Đức Giêsu đã nói: "Thế gian ghét anh em là bởi vì nó đã ghét Thầy trước, và cũng bởi vì anh em không thuộc về nó...".

Giáo hội của Chúa Kitô luôn lội ngược dòng thế gian. Chúng ta kiên quyết chống lại việc phá thai, ly dị, không chấp nhận hôn nhân đồng tính, chống lại mọi hình thức bóc lột, xúc phạm nhân phẩm, kinh doanh thân xác con người.. Thế thì không lạ gì mà "thế gian" và con cái của nó ngày càng thù ghét Giáo hội.

Đụng gì đến tiêu cực trong Giáo hội là giới chức trách, luật sư, truyền thông ầm ầm can thiệp, đưa tin, thậm chí là kích động. Ngược lại, trước biết bao đóng góp, hy sinh và cống hiến cho xã hội con người của hàng trăm ngàn giám mục linh mục, hàng triệu tu sĩ, giáo dân thì họ phớt lờ hoặc cố tình lảng tránh.

Ví như tại Việt Nam, sự đóng góp của GHCG cho một đất nước đang xuống cấp trầm trọng về đạo đức thiết thực như thế nào! Bao nhiêu thánh lễ mỗi ngày cầu cho quốc thái dân an, biết bao bài giảng của hàng giáo sĩ nhắc nhở nhau sống công bình bác ái, công tác giáo dục và thiện nguyện nơi các dòng tu xứ đạo...nhằm nâng cao phẩm giá con người khắp mọi miền đất nước... Vậy mà có nhà chức trách hay truyền thông nào lên tiếng nói vài câu khích lệ không? Xem báo đài hằng ngày chỉ thấy người ta ưu tiên nói về tiêu cực, bạo lực, vật chất và thụ hưởng...

Một nước Pháp tự hào rằng mình là người đẳng cấp, văn minh lịch sự nhất thế giới, vậy mà có những kẻ vô nhà thờ đập phá, lấy phân vẽ hình thánh giá rồi lấy Mình Thánh Chúa treo lên đó! Thật kinh tởm..

Xã hội phương tây luôn tự hào mình thượng tôn luật pháp và sống cao thượng, nhưng hùa nhau tố gian rất nhiều các đấng bậc những chuyện mơ hồ từ...vài chục năm trước. Để rồi có đấng cùng quẫn tự vẫn, có đấng chết trong nhục nhã, có đấng thành kẻ tù tội như ĐHY George Pell với những lời tố cáo mơ hồ vô căn cứ của hàng chục năm về trước.

Gần đây một cặp vợ chồng người Pháp thừa nhận mình cáo gian cha xứ và bị phạt mỗi người 500Euro! Một linh mục ở Ba-Lan được giải oan sau 8 năm bị vu cáo lạm dụng trẻ vị thành niên.. Truyền thông im hơi lặng tiếng. Những đấng này dù sao vẫn còn may mắn hơn rất nhiều những vị khác vì còn tìm lại được thanh danh cho mình.

Trước sự cáo gian và đối xử tàn nhẫn của công chúng cùng với nhà cầm quyền đạo đời, Thầy Giêsu của chúng ta giữ thái độ thinh lặng, nhẫn nhục trong tha thứ và cầu nguyện cho họ. Chúng ta tự hỏi mình nên tự hào hay xấu hổ khi Giáo hội tỏ ra yếu nhược trước các chống đối? Tại sao họ chỉ chống phá GHCG, còn các tôn giáo khác thì không? Tỉnh táo để nhận biết rằng khi Giáo hội không chấp nhận thoả hiệp dễ dãi, không bạo lực cực đoan, không hùa theo thế tục...là chúng ta đã tách biệt mình ra khỏi thế gian, và như vậy thế gian ghét chúng ta cũng là chuyện tất yếu.

Giáo hội thánh thiện vì là của Chúa, nhưng Giáo hội bao gồm những người con yếu đuối bất toàn. Chính vì tội lỗi chúng ta mà Ngôi Hai Thiên Chúa mới xuống trần gian đổ máu cứu chuộc. Chúng ta khiêm tốn nhìn nhận những yếu đuối lầm lỗi của mọi thành phần trong Giáo hội bằng sự cảm thông, thương yêu và cầu nguyện cho nhau. Đó mới là thái độ chân chính của người môn đệ Đức Kitô.


Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh

ĐI TU LÀ LIỀU LĨNH

Nếu Thiên Chúa gọi chọn người trẻ, Ngài sẽ có cách để giúp người ấy hạnh phúc trong đời tu. Khi đó, chút liều lĩnh của người tu sĩ trở nên của lễ dâng hiến trước nhan thánh Chúa.

Nhiều người vẫn không thể hiểu hết con đường dâng hiến cho Thiên Chúa. “Tại sao lại đi tu?” luôn là câu hỏi khó trả lời rốt ráo cho người thời đại hôm nay. Trước khi bước vào nhà Dòng, lắm người tu sĩ đã có nhiều thứ, từ bằng cấp, trình độ cho tới tiền tài danh vọng. Thập chí họ có cả một tiền đồ sáng lạn. Thế nhưng tiếng gọi đi tu mạnh đến nỗi khiến họ chấp nhận từ bỏ những thứ ấy để bước vào một giai đoạn nhiều thách đố theo thầy Giêsu. Có khi phải can đảm, đôi khi anh dũng, dấn thân vào sự lựa chọn mà đức tin đòi hỏi. Đó là liều lĩnh một cách sáng sốt, đáng làm!
Mới đây trong Sứ điệp nhân ngày cầu nguyện cho ơn gọi thứ 56, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ cần chấp nhận, mạo hiểm, liều lĩnh để đáp lại ơn Chúa gọi. Đó là một thách đố dường như quá tầm đối với giới trẻ hôm nay. Thách đố vì khi bước vào đời tu, dĩ nhiên họ phải khuôn mình trong luật lệ của nhà Dòng. Từ đây họ không còn tiếp bước trong danh vọng trần gian, nhưng họ phải làm theo những kế hoạch Thiên Chúa vạch ra cho họ. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng họ chẳng còn tự do để làm theo ý riêng. Nhận xét ấy hoàn toàn đúng, vì người tu sĩ đích thực luôn vâng theo ý Thiên Chúa, ngang qua nhà Dòng.
Thực ra ơn gọi nào cũng cần người ta liều lĩnh để bước vào. Đời sống hôn nhân cũng vậy, bậc sống tu trì cũng thế. Nếu không chấp nhận liễu lĩnh bước vào, thử hỏi làm sao họ chạm đến thành công? Bởi cuộc sống tương lai luôn hàm chứa những rủi ro, thách đố, nên liều lĩnh hay can đảm là cần thiết để con người mở ra với tương lai. Do đó, khi người trẻ cảm thấy Thiên Chúa đang gọi mình vào hành trình dâng hiến, họ thử một lần liều lĩnh đáp lại tiếng ấy. Ước gì các bạn trẻ cảm nhận được lời an ủi của Chúa: Ơn ta đủ cho con!” (2Cr 12,9). Rồi với hoài bão và nhiệt huyết tuổi trẻ, họ dám liều đánh cược cuộc đời mình trong đời tu.
Thực ra, nếu Thiên Chúa gọi chọn người trẻ, Ngài sẽ có cách để giúp người ấy hạnh phúc trong đời tu. Khi đó, chút liều lĩnh của người tu sĩ trở nên của lễ dâng hiến trước nhan thánh Chúa. Vả lại, chẳng ai làm chủ hoàn toàn đời mình, nên khi bước vào một lãnh vực nào đó, sự liều lĩnh lại cần thiết để người ta bước tiếp. Trong đời tu, dĩ nhiên họ không liều lĩnh một mình, nhưng có nhà Dòng, có thầy Giêsu cùng với người tu sĩ viết lên một hành trình không thiếu hạnh phúc, cùng những đau thương. Kết quả dành cho người trung thành với Thiên Chúa là phần thưởng Nước Trời. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Thiên Chúa gọi người trẻ đi tu! Chính Thiên Chúa cũng muốn liều lĩnh để mời người trẻ bước vào con đường chẳng mấy ai đi.
Rồi trên hành trình ấy, chính Thiên Chúa liều lĩnh giao cho người tu sĩ những sứ mạng khó khăn: giúp đỡ các linh hồn! Đó là món quà Thiên Chúa muốn dành cho những ai theo Ngài. Để trong đời tu, người tu sĩ không chỉ sống cho hạnh phúc riêng tư, nhưng chính họ cần giúp cho nhiều linh hồn đến gần với Chúa hơn. Họ trở nên người trung gian của Thiên Chúa với con người hôm nay. Họ quảng đại liều lĩnh lựa chọn Thiên Chúa mà không nghĩ tới lợi ích riêng. Trong tâm thế đó, chính ân sủng của Thiên Chúa sẽ cho họ sức mạnh để sống thật hạnh phúc, bình an.
Các bạn trẻ thân mến,
Không chỉ chúng ta hay người tu sĩ mới hoang mang khi bước theo thầy Giêsu. Chính các tông đồ ngày xưa cũng chất vấn Giêsu: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Giêsu hứa cho các ông cũng như cho những người theo Chúa: Được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (x. Mt19, 27).  Đó là món quà quý giá mà người trẻ ước mong. Theo đó, thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh với người trẻ: Hãy can đảm tham gia vào những trào lưu nên thánh mà các bậc đại thánh, nam và nữ, đã khơi dậy theo chân Đức Ki-tô.” (Tông huấn đời sống thánh hiến, số 106).
Cần nhấn mạnh ở đây là đừng liều lĩnh một mình. Bởi đi tu là đi theo Đức Ki-tô (sequela Christi) bằng việc họa lại nếp sống tại thế của Người (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục). Khi đó sự liều lĩnh của người tu sĩ luôn có Thiên Chúa đồng hành và đảm bảo cho họ một thế đứng vững chắc trong đời tu. Còn đó những thách đố, khó khăn, nhưng cùng với Giêsu, họ vui lòng bước tiếp và làm phong phú cuộc đời của họ. Bằng cách nào? Linh đạo dâng hiến chỉ cho họ nhiều cách thức: cầu nguyện, hãm mình, dấn thân, phó thác, tin, cậy, mến, v.v. Được như thế, đời tu bén rễ sâu vào Giêsu. Từ đó hành trình dâng hiến là con đường phưu lưu đến Nước Trời cùng với Giêsu trong chính cuộc trần này.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho các bạn trẻ, cho các tu sĩ trẻ. Xin cho họ có lòng can đảm, có sự liều lĩnh cần thiết để bước ra khỏi nỗi sợ cá nhân. Xin đừng bịt tai, nhắm mắt trước tiếng mời gọi của Giêsu. Tuyệt vời biết bao vì ơn gọi luôn là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì thời này không thiếu bạn trẻ đang liều chính bản thân, chấp nhận đương đầu với thách đố mới. Họ từ bỏ tất cả những gì ràng buộc họ vào con thuyền nhỏ, để với ơn Chúa, họ liều lĩnh bước vào một chân trời rộng lớn với nhiều say mê dâng hiến.
ĐGH Phanxicô nhắn với người trẻ rằng: Hãy luôn nhớ rằng, với những người bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa, Ngài hứa cho họ niềm vui của một cuộc sống mới, làm cho tâm hồn được đầy tràn và Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của họ”

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Tâm tình sống Mùa Chay: Dòng sông thanh tẩy (bài 4)

Đợi ngày mai biết có hay không? Mỗi ngày là một món quà (present) trong giây phút hiện tại (present) mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Sao lại phải đợi đến ngày mai điều mà mình có thể làm và thưởng thức hôm nay? 

3/ Thanh tẩy điều mình nghe
“Kẻ nói tức là gieo, kẻ nghe tức là gặt” (Plutaroue). Cần phải xem người anh em đang gieo giống gì? Và ta đang gặt hoa quả gì? Người khôn ngoan thường nghe biếtchứ không nghe theo, nghe người khác nhưng còn phải biết nghe chính mình. Nghe người khác hay chính mình thì còn phải có khả năng lắng nghe chân lý. Chân lý không phải là người khác, cũng không phải là mình, nhưng chân lý tiềm ẩn nơi nhau: phía sau của những ngôn từ, cách thế và hình thức đối thoại; phía dưới những quan niệm, cá tính và quan điểm dị biệt; trong tấm lòng và trên những lý lẽ.  
Câu chuyện trong Kinh Vathupama cho ta biết cách thanh tẩy những điều mình nghe.
“Có vị Bàlamôn đến ngồi cạnh Thánh Nhân và hỏi:
– Thưa Gautama kính mến, phải chăng ngài sắp xuống tắm dưới sông Bahuka?
– Hỡi vị Bàlamôn, tại sao lại là con sông Bahuka? Bahuka để làm gì vậy?
– Thưa Gautama kính mến, bởi vì tôi nghe rằng, Bahuka được nhiều người thừa nhận là linh thiêng, được nhiều người thừa nhận có tác dụng tẩy sạch. Nhiều người gột rửa những hành động xấu xa của mình ở sông Bahuka.
Thánh Nhân bèn đọc những câu kệ này cho vị bà-la-môn:
Dù ở sông Bahuka hay ở sông Adhikakka,
Dù ở sông Gaya hay ở sông Sundariaka,
Dù ở sông Payaga hay ở sông Sarassati,
Dù ở sông Banumati,
Một kẻ điên khùng có những hành động đen tối dù thường tắm ở đó, cũng không tự tẩy sạch được.
Sundariaka, Payaga hay Bahuka sẽ làm được gì?
Không sông nào tẩy sạch được một người hằn học từng phạm nhiều hành động xấu xa.
Đối với kẻ nào tinh khiết, bao giờ cũng có đền Phaggu.
Đối với kẻ nào tinh khiết, ngày nào cũng là thiêng liêng.
Đối với kẻ nào tinh khiết và hành động tinh khiết, thì bao giờ cũng có lề luật.
Hỡi vị bà-la-môn kia, người hãy tắm ở đây đi,
Tỏa rộng ý thanh bình cho mọi sinh linh,
Và nếu người không nói lời sai lạc,
Nếu người không làm hại cuộc đời,
Nếu người không lấy những gì không phải của mình,
Nếu người có lòng tin và không có lòng đố kỵ,
Thì việc gì người phải đến Gaya?
Giếng của người đã là Gaya!”
Thanh lọc điều mình nghe vẫn là chuyện khó, vì ta dễ bị choáng ngợp trước dư luận và hay xu hướng theo đám đông, cũng như dễ dựa theo những người có thế giá. Nhưng “thế giá” nhiều khi cũng chỉ là “dàn giá” bề ngoài. Phải để cho mình luôn có sự cân nhắc và phân định thực hư từ những tình tiết. Phải lắng nghe bằng cả lý trí và con tim chứ không chỉ bằng lỗ tai. Lỗ tai chỉ là đường vào, còn sự thật thế nào thì phải để đôi mắt kiểm chứng, lý trí sàng lọc, và con tim cảm nhận một cách trung thực.
Có những người nói rất hay, nhưng hãy coi chừng!“Hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức” (Người có đức ắt có tài ngôn ngữ, người có tài ngôn ngữ chưa chắc là có đức).
Trong quan hệ với mọi người, dù là người thân thích đi nữa, thì nghe không bao giờ đi liền với tin, nhập nhằng hai điều này thành một khiến ta dễ thành kẻ hồ đồ. Đành rằng, sống với nhau thì phải tin nhau, nhưng không có nghĩa là nhắm mắt để tin. Theo thói thường, đứng trước sự tình, tâm tưởng người ta dễ bị dao động và tâm lý biến chuyển rất phức tạp. Người khác nói cho ta nghe sự thật, nhưng nhiều khi sự thật đã bị biến dạng, đổi mầu, bị thổi phồng hoặc co rút lại do cảm xúc chủ quan hay thành kiến.
Hơn nữa, để hiểu sâu xa điều người khác nói, không phải chỉ hiểu ngôn từ, lý lẽ hay biện luận, mà phải hiểu được tâm ý của họ. Những kẻ có hậu ý thường rất ma mãnh trong những điều họ nói để chài mồi và lôi kéo ta về phía họ. Thánh Phaolô đã cảnh giác chúng ta như sau: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô.” (Cl 2, 8).
Điều tai hại là có khi lời nói mưu mô hay vô tâm của người khác lại phù hợp với định kiến và mong muốn của lòng mình. Có khi người ta cũng rất thành ý nhưng đã đánh mất đi sự phận định của lý trí, vì quá tin vào những điều huyền bí. Để gột rửa những điều mình nghe, ta cần lắng đọng thâm tâm và vượt ra ngoài sự kiện, nghĩa là nghe mà không bị vọng động, không bị đẩy đưa, không bị dây dưa theo những cảm xúc nhất thời của người khác. Tâm tĩnh khí hòa phải là phẩm chất của một tâm hồn siêu thoát, luôn tỏa ngát hương thơm của sự thật, sự thiện và cái đẹp,
  1. Thanh tẩy việc mình làm
Làm và sống
Làm để sống, hay sống để làm? Chắc hẳn là làm để sống, nhưng ta đang làm hay đang sống? Sống và làm không thể tách rời nhau, mà là hai trong một, nghĩa là vừa làm vừa sống. Sống là phải có cảm nếm và làm phải có cảm nhận, nghĩa là phải thưởng thức được việc mình đang làm trong từng giây phút sống. Đó là cách làm việc của người sống siêu thoát, luôn có một trải nghiệm mới.
Không cần phải đợi đến ngày mai hay tương lai để có thành công hay sự nghiệp, thì ta mới thảnh thơi “thơ túi rượu bầu”, nhưng ngay trong chính hiện tại, ta đã cảm được hương vị của hạnh phúc. Đợi ngày mai biết có hay không? Mỗi ngày là một món quà (present) trong giây phút hiện tại (present) mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Sao lại phải đợi đến ngày mai điều mà mình có thể làm và thưởng thức hôm nay? Tương lai nằm trong tay Chúa, chỉ có hiện tại là được trao vào tay chúng ta. Ai cũng ham muốn làm cho có thật nhiều để vun đắp tương lai, được sung túc rồi mới sống an vui, vì vậy mà đã bỏ đi bao điều tốt đẹp ngay trước mắt. R. Tagore chia sẻ cho ta cảm nghiệm này:
“Tiêu hao năm tháng
Du ngoạn khắp vùng
Thấy bao núi cao
Thấy bao biển rộng
Sao ta không thấy
Ngay trước sân nhà
Giọt sương lấp lánh
Trên cành cây ngô”.
Giọt sương trên cành ngô thì có gì là quan trọng, nhưng thấy nó một cách sinh động từ bên trong, nghĩa là cảm nhận được sự sống đang diễn ra lại là sự kiện quan trọng. Hạnh phúc chẳng đâu xa, chính trong hiện tại, ngay trong tầm với, mà ta cứ mãi mộng tưởng đến tương lai hoặc tìm về quá khứ. Thực tại với bao điều kỳ diệu vẫn đang diễn ra mà ta lại thường bỏ lỡ.
Làm việc gì ta cũng muốn làm cho mau, xong cho sớm, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Đi đâu cũng vậy, đi cho nhanh, về cho kịp. Chẳng lúc nào ta cảm thấy thảnh thơi, thanh thản, cứ phải tất bật, vội vàng để hướng đến điều mình muốn có. Cuối cùng, có mà lại không, được mà lại mất.
Ta giống như người đi trên con đường dài, cứ mong ngóng tới cuối con đường thì mới có hạnh phúc, nhưng thật ra “Không có con đường nào đi tới hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường.” (Đức Phật). Từng bước đi trên con đường không cảm thấy hạnh phúc thì cuối con đường cũng chẳng có gì khác hơn. Hơn nữa, cuối đường có thể là cuối đời, chẳng còn gì nữa để mà mong, tinh thần và thể chất cũng đã cạn kiệt. Ta không nhận ra rằng, ngay khi được đi, được làm, được nói, được nghe, được nhìn, được ngửi… được sống trong giây phút này là hạnh phúc rồi, chờ hạnh phúc nào nữa? Mỗi giây phút đều là ân ban, ta có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua thêm một phút để sống. Thế sao ta cứ phải bồn chồn, đứng ngồi không yên?
Ta không hạnh phúc không phải vì không có gì để hạnh phúc, mà chỉ vì ta không cảm nhận cái gì là hạnh phúc. Tâm ta có quá nhiều vọng động, nhiều mong cầu và đòi hỏi, nên mọi sự trước mắt đều trở nên nhàm chán. Vì vậy mà ta không thấy được ý nghĩa việc mình làm, chỉ có cảm giác mà không hề cảm nếm.Làm và sống không có sự liên kết nên sự chết đã phát sinh từ trạng thái đó.
Sự sống luôn có mặt nhưng sự chết luôn len lỏi vì ta vắng mặt. Mọi cái đang hiện hữu, nhưng nếu ta không hiện diện thì tất cả là hư vô. Hiện diện là có mặt với toàn tâm toàn ý ngay trong việc mình làm. Không thể có mặt theo kiểu của triết gia Descartes: “Tôi suy nghĩ nên tôi có mặt” (I think therefore I am). Đã suy nghĩ hay suy tư thì không thể có mặt, vì ta đang hướng đến đối tượng khác, hoặc đang bị cuốn vào những tư tưởng nào rồi.
Phải thanh tẩy mọi rác rến trong đầu thì ta mới có mặt đích thực. Đang muốn thưởng thức một món ăn ngon mà ta lại đăm chiêu tưởng nghĩ về hương liệu hay cách chế biến thức ăn đó, thì còn gì là cảm giác ngon lành. Đang gặp người này mà cứ mường tượng đến người kia; đang làm việc này mà cứ nghĩ tới việc nọ, khiến ta xa rời với thực tại. Chẳng lạ gì có những cái ta nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, hoặc thấy sai hiểu lạc. Ta bị bệnh lo âu nên lúc nào cũng thấy mình có nhiều điều quan trọng để làm, và muốn làm cho xong, nhưng xong cái này lại đến cái nọ.
Ta muốn làm để có được mọi sự. Mọi sự có thể có, nhưng có bình an và cảm nhận hạnh phúc không? Ta muốn làm nên những công trình và thành quả to tát, nhưng có phải vì yêu thương và ích lợi cho tha nhân, hay chỉ để khoe mẽ bản thân mình? Bỏ cái này, dẹp cái nọ, trừ khử cái kia… có phải vì thấy có những điều tiêu cực, hay chỉ vì cảm xúc nhất thời và lợi lộc trước mắt? Nếu sự rời rạc đã hình thành từ bên trong, không thể nối kết với toàn thể bên ngoài thì cuộc sống vẫn vô hồn.
Cần đi vào toàn thể với thái độ tích cực nhất, ta mới ngộ ra ý nghĩa thâm sâu và thưởng thức cái huyền nhiệm đang diễn ra. Nên nhớ rằng, Chúa đang hiện diện trong mọi sự nên Ngài mời gọi ta hiện diện trong mọi cái. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói lên điều đó: “Hiện diện cách thanh bình với mỗi thực tại, cho dù nó nhỏ bé thế nào, đều mở ra cho chúng ta những chân trời hiểu biết và hoàn thiện bản thân. Linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự trưởng thành mang dấu ấn tiết độ và hạnh phúc với những gì bé nhỏ.” (Laudato Sì s. 222).
Dù sao đời Kitô hữu vẫn là một cơ may lớn nhất, vì là người mang Đức Kitô trong mình. Ngài chính là hạnh phúc trong ta, khi ta sống và hành động trong Ngài. Hạnh phúc đúng là một sự phát khởi đơn thuần từ thâm tâm, nhưng đó cũng chính là ân ban của Đấng là suối nguồn hạnh phúc. Cuộc sống không phải là một tiến trình nhân quả ngẫu nhiên một cách máy móc, mà trước hết nó thuộc về Đấng làm chủ sự sống và nắm trong tay vận mạng của con người. Không thể loại trừ hay phớt lờ Thiên Chúa trong cuộc đời mà có thể nếm trải hạnh phúc đích thực.
Tuy nhiên, cách thức mà Thiên Chúa làm nên nơi mỗi người rất mầu nhiệm, bằng tình yêu sâu nhiệm của Người, điều mà ta không sao lý giải được, và Phật giáo gọi là “duyên”. Vạn sự tùy duyên – cưỡng cầu vô ích. Nói như thế không phải là buông trôi, mặc tình thế sự, nhưng hiểu được mình phải sống với Chúa như thế nào để đón nhận hạnh phúc như một ân ban trong mọi hoàn cảnh. “Có Trời mà cũng có ta”, ân sủng của Thiên Chúa vẫn luôn mở ra cho mọi nỗ lực và thiện chí của con người.
Lm. Thái Nguyên

VỀ NHÂN ĐỨC VÀ TỘI LỖI

Có một câu châm ngôn nói rằng: Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức. Đây là chân lý sâu sắc, nhưng còn một khía cạnh ẩn giấu nữa. Khi làm việc tốt, chúng ta thấy bản thân mình tốt đẹp. Nhân đức thực sự là phần thưởng cho chính nó rồi, và như thế là tốt. Nhưng cảm giác mình công chính có thể sớm biến thành cảm giác tự đại. Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức, nhưng sự tự đại có vẻ cũng cho ta cảm giác tốt đẹp nữa.
Chúng ta thấy điều này được biểu lộ rõ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người thu thuế và người Pharisiêu. Người Pharisiêu thực hành nhân đức, ông hành động đúng theo những điều được dạy, nhưng ông không có lòng khiêm nhượng, cũng không thấy mình cần Thiên Chúa và lòng thương xót, mà chỉ có thái độ tự đại và xét đoán người khác. Tất cả chúng ta cũng thế, cũng dễ trở thành người Pharisiêu này. Mỗi khi thấy người khác đang phải đấu tranh để sống đẹp, chúng ta nói: Nhờ ơn Chúa tôi mới được thế này. Thái độ có vẻ khiêm nhượng đó có thể mang hai ý nghĩa rất khác nhau. Nó có thể là một lời tạ ơn chân thành vì đã được những ơn mình không xứng đáng, hoặc có thể dễ dàng là một thái độ tự đại về sự vượt trội của mình so với người khác.
Những ngòi bút thiêng liêng kinh điển như Gioan Thánh Giá, khi nói về những thử thách chúng ta gặp phải trên con đường môn đệ, đã nói về một thứ gọi là: Lỗi của những người nằm ngoài hoán cải ban đầu. Ý nghĩa của câu này là: Chúng ta không bao giờ thoát được cuộc đấu tranh với tội lỗi. Khi chúng ta trưởng thành, thì tội lỗi càng tinh vi hơn. Ví dụ như, trước khi trưởng thành, chúng ta xác định được bảy mối tội đầu, và chúng thể hiện nơi chúng ta một cách nguyên sơ và rõ ràng. Chúng ta thấy điều này nơi trẻ con, thanh thiếu niên. Với họ, kiêu ngạo rõ ràng là kiêu ngạo, ghen tỵ rõ ràng là ghen tỵ, ích kỷ rõ ràng là ích kỷ, tham lam rõ ràng là tham lam, và nóng giận rõ ràng là nóng giận. Chẳng có gì tinh vi hay ẩn giấu cả, cái lỗi nằm rành rành ra đó.
Nhưng khi chúng ta vượt qua được dạng nguyên sơ của những tội này, thì chúng lại đội những lốt khác tinh vi hơn trong cuộc đời mình. Vì thế, chẳng hạn như, khi chúng ta khiêm nhượng, thì chúng ta lại trở nên kiêu ngạo và tự đại vì sự khiêm nhượng của mình. Và tôi thấy từ chính kinh nghiệm của mình rằng: Không một ai thiển cận và xét đoán hơn một người mới trở lại đạo hay một người mang ngọn lửa nhiệt thành ban đầu.
Tội có những phức tạp của nó. Một số khái niệm ngây thơ của chúng ta về tội và sự khiêm nhượng cũng cần được xem xét lại. Ví dụ như, chúng ta thường nuôi một khái niệm lãng mạn hóa rằng, người có tội thì khiêm nhượng, nhận thức mình cần được tha thứ, và mở lòng ra với Chúa. Và chúng ta có thể thấy điều này trong Phúc âm. Khi Chúa Giêsu rao giảng, những người Pharisiêu đương cự với Chúa và thông điệp của Chúa, còn những người thu thuế và gái điếm lại mở lòng hơn với Ngài. Vậy từ đó chúng ta có thể đặt một câu hỏi: Có phải tội lỗi còn khiến chúng ta nhận ra mình cần Chúa hơn cả nhân đức nữa?
Đúng, khi tội đó thành thật, khiêm nhượng, biết thú nhận và sám hối, hoặc là khi hành động sai trái của chúng ta bắt nguồn từ việc bị tổn thương, bị lợi dụng. Không phải mọi tội lỗi đều như nhau. Có tội ngay thẳng và tội bất lương.
Là con người, chúng ta yếu đuối và thiếu sức mạnh để luôn làm theo những gì tốt đẹp nhất trong con người mình. Đôi khi chúng ta chịu thua cám dỗ và yếu đuối. Để giải thích về việc chúng ta phạm tội, chỉ cần nói điều này thôi. Chúng ta là con người! Và đôi khi, người ta rơi vào tình trạng tội lỗi vốn không thật sự do tay họ gây ra. Họ bị lợi dụng, bị bắt sống trong hoàn cảnh tội lỗi không do họ chọn lựa, họ là nạn nhân của nạn buôn người, là nạn nhân của hoàn cảnh bất công trong xã hội hay gia đình, hoặc họ bị tổn thương quá nặng. Trong những hoàn cảnh đó, một hành động sai lầm, là vấn đề sống còn chứ không phải vấn đề chọn lựa tự do. Một bà đã giải thích cho tôi rằng: “Tôi đơn giản là một con chó, cắn để khỏi bị cắn thôi.” Trong những trường hợp này, thường thì dưới lớp vỏ chai đá có một tâm hồn vẫn ngây thơ vô tội biết mình cần lòng thương xót Chúa. Có tội ngay thẳng.
Và có tội không ngay thẳng, là thứ tội biện luận, luôn chìm trong kiêu ngạo nên không thể thú nhận mình tội lỗi. Kết quả là, nó trở thành một tâm hồn đầy xét đoán, cay đắng, và chai đá. Khi tội biện luận, thì sự cay đắng tiếp vào, kéo theo sự ghét bỏ với nhân đức mà nó đã không giữ được. Khi chúng ta biện luận, thì bản năng luân lý của chúng ta không bị lừa phỉnh đâu. Nó phản ứng lại và trừng phạt bằng cách khiến chúng ta ghét bỏ mình. Và khi ai đó ghét bỏ mình, thì sự căm ghét đó sẽ lớn lên và trở thành ghét bỏ người khác, và nhất là ghét bỏ nhân đức mà mình đã không giữ được. Ví dụ như, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người ngoại tình thường cay độc vô cùng khi nói đến đức khiết tịnh.
Thấy mình yếu đuối và tội lỗi, có thể khiến chúng ta cúi mình khiêm nhượng, và mở lòng chúng ta đón nhận lòng thương xót Chúa. Nhưng nó cũng có thể biến tâm hồn chúng ta chai đá, cay đắng và xét đoán. Không phải mọi người có tội đều cầu nguyện như người thu thuế trong Phúc âm.
Nhân đức khiến chúng ta biết ơn. Tội lỗi khiến chúng ta khiêm nhượng.
Đúng là thế. Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY - C

Chúa nhật IV Mùa Chay mời gọi chúng ta cảm nhận được và nhất là sống được trong niềm vui, niềm hạnh phúc của một người vừa thoát một hoạn nạn, một đau buồn, một cơn ác mộng và đang sống trong một thực tế an toàn và thanh thản. Có bao giờ chúng ta cảm được kinh nghiệm đó chưa? Đó là kinh nghiệm của một người tưởng mình mắc bệnh nan y đang chờ chết, nhưng sau khi đi khám bác sĩ bảo không có gì đáng ngại, sẽ khỏi. Đó là kinh nghiệm của hai vợ chồng cắn đắng nhau, gây gỗ nhau tưởng đã đi đến chỗ đổ vỡ, nhưng sau đó tìm lại được sự tha thứ, sự giải hòa và ôm nhau trong nước mắt. Đó là kinh nghiệm của người vừa an toàn thoát khỏi một tai nạn kinh hoàng, trong những trường hợp đó, chúng ta sẽ thấy thấm thía khi hát lên thánh vịnh 124: “Hồn tôi như cánh chim đã vượt thoát bẫy của người đánh chim, bẫy đã tan tành muôn mảnh, còn chúng tôi, chúng tôi đã thoát.”
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giosuê kể lại sự vui mừng hạnh phúc của dân Do Thái sau khi thoát khỏi nô lệ Ai Cập và nhất là sau khi đặt chân đến miền Đất Hứa. Không còn nữa những ngày lang thang sa mạc gian lao, nguy hiểm. Dân Chúa đã về đến quê hương Chúa đã hứa ban cho Abraham làm gia nghiệp, nơi đó tổ tiên của họ là Abraham, Isaác, Giacóp đã sống. Họ đã xây dựng lại, đã khai khẩn đất đai làm mùa và nhất là đã bắt đầu tiêu dùng những thổ sản quê hương, từ ruộng đất và lao công của họ. Vui hưởng ân lành của Chúa cảm thấy hạnh phúc tràn trề. Trong tình yêu thương săn sóc của Chúa, họ đã hát lên thánh vịnh 33 dùng làm đáp ca “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.”
Nơi bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã nhắc cho tín hữu thành Côrintô một hạnh phúc to lớn, không hạnh phúc, không niềm vui nào có thể so sánh được. Đó là hạnh phúc của con người trở thành tạo vật mới, trở thành con Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Công cuộc trở thành tạo vật mới đó được thực hiện nhờ sự giao hòa lại cùng Thiên Chúa. Tội lỗi làm cho con người sống xa Chúa, cắt đứt mọi liên lạc cùng Chúa, cuộc đời bị mất hướng, đời sống trở thành vô nghĩa, nhất là nguy hiểm diệt vong đang chờ đón. Nhưng may mắn cho nhân loại, cho chúng ta, thánh Phaolô bảo: “Vì Chúa Kitô, chúng tôi van nài anh chị em hãy giao hòa lại với Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội thì Thiên Chúa làm cho nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên công chính trước Thiên Chúa.”
Không còn niềm vui nào bằng, từ tội lỗi trở thành công chính, từ nô lệ sự dữ trở thành con Thiên Chúa, từ đứng bên bờ diệt vong trở thành sống đời đời, trong ân sủng và tình thương. Niềm vui được cứu thoát nô lệ Ai Cập về Đất Hứa của dân Do Thái trong sách Giôsuê, nơi bài đọc thứ nhất không thể nào so sánh được với niềm vui to lớn của con người từ nô lệ tội lỗi trở về làm con cái Thiên Chúa.
Đến bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ tuyệt vời, rõ ràng dễ hiểu và nổi tiếng, ai cũng biết cả. Để an ủi để khích lệ người tội lỗi hãy biết suy nghĩ, hãy biết dứt khoát đứng dậy và mạnh dạn tuyên bố: “Tôi muốn ra đi trở về với Cha tôi,” Chúa Giêsu đưa ra hai người con tiêu biểu cho hai cuộc trở về. Người con phung phá trở về trong tình yêu của cha mình, của mái ấm gia đình. Người con cả cần phải trở về trong tình anh em, phải biết tha thứ cho em mình, phải biết hòa nhập vào niềm vui của gia đình. Sự trở về trong tình anh em này cũng có một tầm quan trọng giống như sự trở về cùng tình cha con. Người con cả dầu tự hào là luôn sống trung thành với Cha, nhưng nếu khước từ tình anh em, thì anh vẫn là người ngoại cuộc không vào nhà và không cùng chung hưởng hạnh phúc niềm vui của gia đình. Nếu anh không vào chính là tự ý anh không vào. Người cha vẫn luôn mở rộng cửa nhà, mở rộng vòng tay, mở rộng cõi lòng năn nỉ anh.
Vậy niềm vui thật của cuộc trở về trong tình yêu thương của Chúa phải có hai chiều kích, trở về cùng Thiên Chúa là Cha, và trở về cùng anh chị em của mình, chính là tha thứ, làm hòa lại với nhau, giải tỏa những hận thù và sống trong tình yêu thương. Đó là niềm vui thật, niềm vui mà ca nhập lễ kêu mời “Mừng vui lên hỡi Giêrusalem, tề tựu cả về đây hỡi những ai hằng mến yêu chân thành. Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng hân hoan tận hưởng niềm an ủi chứa chan.”
Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi noi gương người em trong gia đình nơi bài dụ ngôn của Chúa Giêsu. Tôi phải làm một hành động chứng tỏ tôi nhất định đứng dậy lên đường trở về nhà cha tôi, để sống lại trong hạnh phúc của tình yêu thương nồng thắm của Người. Hành động đó có thể là một sự dốc lòng từ bỏ một tật xấu đã từng làm tôi đau buồn, đã kéo ghì tôi trong tội lỗi hay đã làm cho những người thân yêu trong gia đình tôi phải khổ. Và kế đó học lấy bài học của người anh: Tôi không đứng để cho Cha tôi phải năn nỉ. Tôi hãy biết tha thứ cho người khác, hãy hòa mình vào niềm vui của gia đình, nhất là chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa là Cha tôi khi một người anh chị em tôi trở về nhà Cha.
Radio Veritas Asia - Trích trong “Suy Niệm Lời Chúa”

ĐỜI SỐNG TU TRÌ: SƯỚNG HAY KHỔ?

“Đời sống tu trì, sướng hay khổ?”. Quả thực đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Đa số giáo dân khi nhìn vào những người tu hành thì thốt lên, “Ôi, sướng quá! Tu là cõi phúc, tình là dây oan...”. Còn các đấng các bậc trong đời sống tu trì thì lại than thở rằng: “Không ở trong chăn sao biết chăn có rận!”.

Thực ra, nhận định, đánh giá đời tu sướng hay khổ, ta không nên dựa vào những cảm nhận chủ quan của con người. Trái lại phải liên hệ tới Lời của Chúa khi Ngài kêu gọi các môn đệ, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9, 23). Từ bỏ mình, vác thập giá liên lỉ trong hành trình theo Chúa, đó chính là mệnh lệnh của ơn gọi tu trì và là điều kiện cho những ai dấn thân làm môn đệ Chúa.

Vậy đã rõ, một khi theo Chúa bước vào đời sống tu trì thì không còn vấn đề sướng hay khổ, mà chỉ là thành tâm đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, đồng thời cam kết trung thành với sứ vụ cho đến trọn đời. Đời sống vật chất ở một vài nơi tu hành có thể còn thiếu thốn, cơ cực, nhưng sự hy sinh trong đời sống tận hiến và hạnh phúc được phục vụ Chúa trong mọi người mới chính là vẻ đẹp thánh thiện của người tu hành.

Tông huấn Pastores dabo vobis số 22-23 đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: ”Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh mục-Mục Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình toàn thể cộng đoàn và từng thành viên” (Nguồn: ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên gp Đàlạt, tháng 02-2009).

Có thể nói phương châm của những người tận hiến theo Chúa là phục vụ và phục vụ hết mình. Các linh mục, tu sĩ được Chúa chọn và sai đi, không phải để được phục vụ mà là để phục vụ con người (x. Mc 10,45). Họ là người của muôn người, được sai đi để làm đầy tớ thiên hạ. Nói là đầy tớ vì họ không được tuyển để làm quan trong thiên hạ (cha mẹ của dân), mà làm kẻ phục vụ người khác. Đúng như cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Càng phục vụ tích cực, càng phải hi sinh hết mình. Càng lo cho người khác, càng chết cho chính mình. Càng yêu mến quan tâm người khác, trái tim càng đau khổ dày vò. Đó chính là thân phận của hạt lúa chôn vùi trong đất.“Nếu hạt giống rơi xuống đất mà thối đi, nó sẽ nảy sinh hoa trái” (Ga 12, 24).

Vậy “sướng” hay “khổ” không phải là giá trị để ta đánh giá đời sống tu trì, trái lại ta có thể dựa vào 3 đặc điểm sau để suy tư:

* Cam kết độc thân vì lý tưởng tận hiến

Tu sĩ, linh mục tự nguyện sống độc thân để có điều kiện tốt nhất hoàn thành lý tưởng dâng mình cho Chúa và Hội thánh. Họ sống độc thân nhưng không cô độc, lẻ loi, kể cả khi họ sống một mình. Bởi vì, con người của họ vừa là người của cầu nguyện, vừa là người của công việc. Có những công việc có-tên, nhưng cũng có những công việc không-tên. Có những công việc trong-kế-hoạch, nhưng cũng có nhiều công việc ngoài-kế-hoạch. Có những công việc dài-hơi, nhưng cũng có hàng tá công việc đột-xuất ...

Chẳng hạn, nhìn vào thực tế ta có thể thấy một ngày sống của linh mục thật tất bật. Nếu là cha xứ thì chắc hẳn lịch làm việc và sinh hoạt của ngài dầy đặc công việc. Sáng, chiều dâng thánh lễ, ngồi tòa, soạn bài giảng, dạy giáo lý, đọc kinh nguyện, suy gẫm, họp hành, công tác mục vụ thường xuyên, định kỳ, đột xuất...đó là chưa kể việc đi kẻ liệt, thăm viếng mục vụ, tiếp khách, đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, lao động và giải trí vv.

Mặc dù tu sĩ, linh mục sống độc thân, không có gia đình riêng tư, nhưng họ có cộng đoàn là đại gia đình nơi mà họ sống, sinh hoạt và được sai đến. Họ sống độc thân không phải là tìm sự an nhàn sung sướng cho bản thân, cũng không cảm thấy thiếu thốn tình cảm này nọ, nhưng là tìm thấy hạnh phúc của người cho đi, ban phát, dâng hiến. Đức Ki-tô Mục Tử luôn luôn hiện diện trong trái tim của họ để cùng với họ trao ban và yêu mến. Cộng đoàn cũng luôn ở trong tâm trí, lòng dạ của họ để cùng nhau đồng hành, chia vui sẻ buồn, cùng gánh vác công việc của Chúa. Chúng ta biết rằng, trong liên đới và hiệp thông không có chỗ cho sự cô đơn và lẻ loi. Khi tình yêu Chúa và lòng mến tha nhân là sức mạnh chiến thắng tất cả thì đời tu dù sướng hay khổ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa...    

* Chấp nhận sống nghèo vì ơn gọi phục vụ

Có thể nói các tu sĩ, linh mục không bao giờ sướng vì giàu có và khổ vì nghèo túng. Bởi vì đối với họ, sống nghèo là điều quan trọng. Sống nghèo là một chọn lựa vừa nhân bản vừa đạo đức. Nếu họ giàu có, thì tiền bạc và của cải vật chất là để phục vụ chứ không phải để sống an nhàn, sung túc, vô lo. Dù sao trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các linh mục, tu sĩ cũng được mời gọi để làm chứng nhân cho đức khó nghèo Ki-tô giáo.

ĐGM GB. Bùi Tuần (gp Long Xuyên), trong tập “Truyền giáo”, tài liệu tĩnh tâm các LM TGp TPHCM năm 1990 đã viết: “Khi Chúa Giê-su sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo, tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ ra đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo cả về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm thánh giá cứu độ và tám mối phúc thật là những điều quan trọng của Lời Chúa”.

Vậy thì khi dấn thân theo ơn gọi làm linh mục, tu sĩ, người môn đệ của Chúa tự nguyện chấp nhận sống nghèo, xem như đó là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi tận hiến, như ý Chúa muốn và như Hội thánh mong đợi. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo” (Nguồn Internet). Ngoài các Ki-tô hữu nói chung, thì thành phần nòng cốt các linh, tu sĩ nói riêng, là những nhân tố cần thiết giúp xây dựng và củng cố một Hội thánh nghèo và chính họ cũng trở thành nơi nương tựa bám víu của những người nghèo hèn khốn khổ trong xã hội…

Có thể nói, tu sĩ, linh mục là những người được sai đến với người nghèo và vì người nghèo. Nhiều giáo dân phàn nàn về việc linh mục (nào đó) hay lui tới, đi lại quan hệ mật thiết với người giàu có, sang trọng. Những người nghèo dần dần xa tránh chủ chăn của mình vì mang mặc cảm giàu nghèo.  ĐTC Phan-xi-cô đã nhắc nhở các mục tử: “Hãy sống tích cực, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và đồng thời, hãy ra đi, sẵn sàng gặp gỡ mọi người, đặc biệt những ai bị khinh rẻ và bất hạnh. Đừng sợ phải đi ngược dòng” (Nguồn: Internet). Và chúng ta cũng không quên câu nói nổi tiếng của ngài, như sau: “Linh mục phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình ‘mùi của chiên’ ” (Nguồn: Internet).

Trong bài “Linh mục và của cải trần gian”, LM Đỗ Xuân Quế O.P đã chia sẻ như sau: “Thật vậy, trong các đòi hỏi phải từ bỏ của Chúa Giê-su đưa ra cho các Tông Đồ, có một đòi hỏi về vật chất, đặc biệt là tiền của (Mc 10,21; Lc, 18,22). Đó cũng là một đòi hỏi được gửi đến mọi Ki-tô hữu theo tinh thần nghèo khó, nghĩa là gỡ lòng mình cho khỏi dính bén của cải để có thể thanh thản phụng thờ Chúa và quảng đại phục vụ tha nhân. Nghèo khó là một hình thức cam kết dựa vào lòng tin vào Chúa Giê-su và lòng mến dành cho Người. Hình thức này đòi phải có sự thực tập, một sự từ bỏ của cải tương ứng với đời sống và bậc đời của mỗi người theo ơn gọi Ki-tô hữu, với tư cách riêng của mỗi cá nhân hay chung của một cộng đoàn thánh hiến. Tinh thần nghèo khó có giá trị đối với mọi người. Mỗi người phải thực hiện theo cách nào đó cho phù hợp với Tin Mừng” (Nguồn: VietCatholic News 13-5-2014).

ĐTC Phanxicô trong buổi gặp gỡ đại diện các Dòng tu tại Đại hội Công Nghị Quốc Tế ngày 4-5-2018, đã phát biểu: “Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay” (Nguồn: trungtammucvudcct.com).

* Sẵn sàng ra đi vì sứ mệnh tông đồ

Có thể nói tu sĩ, linh mục mang trong mình căn tính của người-được-sai-đi. Họ thực thi sứ mệnh tông đồ như lời Chúa truyền dạy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Gio 15,16).

Người ta có thể hình dung cuộc sống của linh mục như những người lang thang du mục, có điểm đến nhưng cũng có điểm đi. Không cắm chặng ở một nơi chốn nào cố định. Sau ngày vinh thăng chịu chức là vài năm làm phó xứ ở một nơi, rồi vài năm sau đến làm chính xứ ở một nơi, rồi vài năm sau nữa đổi đi xứ khác...cứ thế cho đến ngày trở về nhà hưu dưỡng, chờ lúc ra đi vĩnh viễn để về Nhà Cha. Linh mục xây nhà thờ nhà xứ nhưng không xây nhà cho riêng mình, nếu có chỉ là trường hợp cá biệt và hãn hữu mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng đã mang thân phận vô-gia-cư này: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58).

ĐTC Phan-xi-cô cũng đã nhắc nhở hàng giáo phẩm và giáo sĩ như sau:

“Giám mục và linh mục không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân!”;

“Giám mục và linh mục hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa”.

Những lời trên của ĐTC Phan-xi-cô giúp ta xác tín rằng đời tu không phải là một nghề để tìm sự an vui cá nhân, khép kín trong trong một hoàn cảnh sống riêng tư, biệt lập, trái lại là một dấn thân mang đầy ý nghĩa của Tin Mừng. Có thể nói, tu sĩ, linh mục là con người “vô gia cư, vô nghề nghiệp” và họ luôn chấp nhận mất hút trong cánh đồng truyền giáo bao la, mịt mù. Vì “đồng lúa thì bao la mà thợ gặt thì ít ỏi”. Một khi đã trung thành sống ơn gọi của mình, họ là những anh hùng, dù là anh hùng vô danh tiểu tốt.

Tóm lại, đi tu không phải là tìm sự sung sướng cho bản thân, cũng không hẳn phải là liều mình lao vào chỗ khổ cực, mà là đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, dấn thân phục vụ ở bất kỳ nơi nào cần đến. Nếu phải chấp nhận đời sống nghèo theo tinh thần của Tin Mừng Ki-tô giáo, thì các linh mục tu sĩ sẽ an tâm sống cuộc đời hiến tế của mình theo gương thầy chí thánh Giê-su. Cái lo của họ chắc chắn sẽ không hướng hoàn toàn về việc phải ăn gì, uống gì, mặc gì, nhà cửa ra sao...(x. Mt 6,25-34), trái lại, mối bận tâm chính của họ chính là cố gắng trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cố gắng để trở thành con người sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Và đòi hỏi chính yếu luôn đặt ra cho người theo Chúa, đó là: tinh thần từ bỏ và tinh thần khó nghèo, như lời Ngài đã chỉ dạy: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24); và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy.” (Lc 14,33)./.

Aug. Trần Cao Khải