Mùa thu đã về! Vẻ
đẹp của mùa thu được ghi dấu bởi những chiếc lá vàng rơi lãng đãng, trong làn
sương mù bàng bạc và làn gió se se lạnh đầu ngày.
Vẻ đẹp của mùa thu
còn đi liền với ánh trăng. Mặc dù mặt trăng xuất hiện quanh năm, nhưng trăng
mùa thu mới mang một vẻ đẹp huyền bí, tạo nên một nét đẹp vừa thanh tao vừa
lãng mạn, nhất là ở miền quê, là nơi không có nhiều ánh sáng của đèn điện. Ánh
trăng thu dịu êm và tươi mát, tạo cho ta một cảm giác thư thái thanh bình. Sau
một ngày lao động mệt nhọc, vầng trăng thu giúp ta lấy lại sức khỏe thể xác và
tinh thần. Trăng thu đã gợi hứng cho các thi sĩ tạo nên những áng thơ bất hủ.
Hàn Mặc Tử, một thi sĩ công giáo, đã gắn bó cả cuộc đời mình với trăng và với thơ.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của người thi sĩ này, trăng là bạn và là nguồn cảm
hứng để ông sáng tác. Ông không thể thiếu trăng trong cuộc đời. Đối với ông,
trăng gợi hứng để cầu nguyện, trăng giúp ông nâng tâm hồn lên với Chúa và giúp
ông trở về với đời sống nội tâm. Trăng còn là người bạn tri kỷ, là nơi ông trút
bầu tâm sự những lúc ông bị căn bệnh phong quái ác hành hạ. Trăng như một người
tình vừa hư vừa thực, vừa trần tục vừa thanh tao. Trăng là nơi gửi gắm yêu
thương và cũng là nơi ông thể hiện sự dỗi hờn. Yêu trăng đến mức say trăng và
nhìn đâu cũng thấy trăng, có lẽ điều này chỉ có nơi Hàn Mặc Tử. Cũng như thi
sĩ, thiên nhiên vũ trụ đều ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của trăng:
“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, Chị Hằng ơi” (Bẽn lẽn)
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, Chị Hằng ơi” (Bẽn lẽn)
Ở nước ta và ở
Trung Quốc, tết Trung thu được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch. Ngày tết này
cũng được gọi là tết Trông Trăng. Từ thành phố tới thôn quê, mỗi nơi mỗi vẻ,
những cuộc múa lân được tổ chức rộn ràng, với tiếng trống thùng thình vang dội,
thu hút nhiều trẻ em và người lớn tham gia. Những bài hát mang nội dung ca ngợi
mặt trăng mà người ta gọi với cái tên rất thân thương là “Chị Hằng.” “Chị Hằng”
được coi như người thân của mọi người, rất xinh đẹp và thân thiện, lại là người
tốt bụng hay tặng quà cho các bé ngoan. Người ta tổ chức cỗ trung thu gồm bánh,
kẹo và trái cây các loại. Các em thiếu nhi thì vui mừng nhảy múa ca hát, tới
khuya thì cùng “phá cỗ,” tức là mọi người cùng thưởng thức mâm cỗ đã chuẩn bị.
Tết Trung thu là tết của người lớn cũng như của trẻ em. Đây là dịp biểu lộ sự
quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái, là ngày hội ngộ gia đình trong
bầu khí thân thương, hài hòa.
Nếu người Việt Nam
và người Trung Hoa tổ chức lễ Trung thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch để ca
ngợi vẻ đẹp của vầng trăng, thì người công giáo cũng tôn vinh Đức Mẹ Maria vào
ngày 15 tháng 8 dương lịch. Trong thi ca công giáo, Đức Mẹ được sánh ví như
vầng trăng tuyệt vời. Đức Mẹ không chỉ là vầng trăng cho một số dân tộc mà là
vầng trăng cho cả nhân loại. Nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy tất cả những ưu điểm của
vầng trăng như sự dịu mát, thanh bình, hướng tâm, thánh thiện:
“Mẹ là suối mát trinh nguyên giữa sa mạc hoang.
Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang.
Mẹ là tiếng hát ru êm giữa đêm hè vắng.
Mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang”
(Dao ca Mẹ dịu hiền – Văn Chi)
Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang.
Mẹ là tiếng hát ru êm giữa đêm hè vắng.
Mãi mãi Mẹ là mây trời biển rộng thênh thang”
(Dao ca Mẹ dịu hiền – Văn Chi)
Hơn thế nữa, Mẹ
Maria còn là Đấng che chở và phù giúp chúng ta trong cuộc sống dương thế đầy
gian nan vất vả. Chúng ta đều biết, mặt trăng là một tinh tú ở gần trái đất. Nó
không có khả năng phát sáng, mà nó tiếp nhận ánh sáng từ mặt trời giống như bao
vì tinh tú khác. Nhờ việc tiếp nhận này, mặt trăng được sưởi ấm và tích tụ ánh
sáng để chiếu soi ban đêm, khi mà mặt trời bị khuất dạng bởi trái đất xoay vần.
Vì thế mà ánh trăng luôn dịu dàng, thanh thoát và chiếu sáng vào ban đêm. Mẹ
Maria là một thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa. Mẹ nhận ánh sáng Chân Lý từ Đức
Giêsu Kitô, là Mặt Trời Công Chính để rồi Mẹ thông truyền cho thế gian. Ánh
sáng của Chúa Giêsu là tình yêu, lòng nhân hậu, sự từ tâm, tình huynh đệ, lòng
bao dung tha thứ, lòng trung thành và khiêm nhường… Đức Giêsu là Ánh Sáng Thật,
Ánh Sáng Bởi Ánh Sáng, tức là nơi Người phản ánh hình ảnh của Chúa Cha là cội
nguồn ánh sáng. Ánh Sáng này đã đến thế gian để phá tan tăm tối mịt mù, để xóa
bỏ hận thù ghen ghét, và khai mở một thế giới yêu thương. Tất cả giáo huấn của
Chúa trong Tin Mừng đều nhằm đến nội dung căn bản này. Như thế, đón nhận Đức
Giêsu là đón nhận ánh sáng từ trời, nhờ đó ta nhận ra con đường dẫn tới hạnh
phúc đích thực.
Là người Kitô hữu,
chúng ta cũng được tiếp nhận ánh sáng thiêng liêng từ Chúa Giêsu, qua Giáo Hội.
Trong nghi thức rửa tội, vị linh mục chủ sự trao cho thụ nhân một cây nến sáng
và nói: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn sống như con cái của
sự sáng, để được bền vững trong đức tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh
đón Người với toàn thể các thánh trên trời” (Nghi thức Rửa tội). Cũng như Đức
Maria, Vầng Trăng Thu tuyệt hảo, đã đón nhận ánh sáng từ Đức Giêsu là Mặt Trời
Công Chính để giãi ánh vàng êm dịu cho trần gian, chúng ta, các Kitô hữu, cũng
được đón nhận ánh sáng từ Đấng Cứu độ, để thông truyền cho cuộc đời, góp phần
đẩy lui bóng tối là sự hận thù ghen ghét và dối gian.
Chúng ta đang chuẩn
bị đón tết Trung thu, bầu khí rộn ràng của ngày hội vui này đang lan tỏa trong
cộng đồng xã hội. Ước chi mỗi tín hữu biết ca tụng quyền năng Thiên Chúa khi
ngắm vầng trăng vàng mùa thu, đồng thời nhận ra sự che chở yêu thương của Đức
Mẹ, Vầng Trăng Vĩnh Cửu.
Gm. Giuse Vũ Văn
Thiên