Alleluia...! Chúa Đã Phục Sinh

 

ALLELUIA…! CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

 


Chúng ta hân hoan mừng ngày Đức Kitô Phục Sinh. Ngài phục sinh sau khi chịu khổ nạn, chịu chết trên thập tự, và mai táng trong mồ. Đó là một biến cố vĩ đại, biến cố nền tảng cho niềm tin của chúng ta. Đúng như thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Tin vào Chúa Phục Sinh là cả một chặng đường dài trong cuộc sống. Nói đến Tin là nói đến Yêu, hay ngược lại cũng thế. Đó là cặp sóng đôi trong đời sống Kitô hữu.

Đức tin là sự phối hợp nhịp nhàng của con tim và lý trí, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhờ vậy mà qua dấu chỉ hữu hình, người ta nhận ra một thực tại vô hình. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự hoảng hốt hay thất vọng trước những thất bại và đổ vỡ trong cuộc đời. Là Kitô hữu, chúng ta cần tu tập cho mình có cái nhìn đức tin, để luôn sống bình an và lạc quan trong mọi tình cảnh.

Bản thân ta chỉ nhận ra bóng dáng Chúa Giêsu Phục Sinh, và trở nên nhân chứng của Chúa khi nào trái tim ta biết rung động sâu xa trước tình yêu Chúa trong cuộc đời mình.

 


Thấy Mình Trong Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu

 

THẤY MÌNH TRONG CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

 


Đấng đáng kính TGM Fulton J. Sheen (1895-1979, Hoa Kỳ) đã trình bày bài suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Chúng Ta và Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô theo nhiều cách.  Hai trong số những cách đáng chú ý nhất mà ngài đã trình bày về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là:


a) Suy niệm sâu sắc về “Bảy Lời Cuối Cùng của Chúa Giêsu từ Thập Giá.”

b) Trình bày cách mô tả “Các Nhân Vật Trong Cuộc Khổ Nạn.”  Ngài mô tả các thái độ, nhân đức hoặc tính xấu khác nhau của nhiều người tham gia vào Cuộc Khổ Nạn – đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

 

“Các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” chắc chắn có thể dùng như một phương tiện để xét mình nghiêm túc đối với mỗi người trong chúng ta.  Chúng ta có thể khám phá và xác định mình với nhiều đặc điểm của các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa – một số tích cực và đáng khen, một số tiêu cực và đáng trách.

 

Vì vậy, chúng ta hãy can đảm bước vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu bằng cách vừa suy gẫm vừa suy nghĩ về những nhân vật hoặc những người liên quan Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa chúng ta.  Hy vọng chúng ta sẽ được coi là những người trung thành của Chúa Giêsu, những người mang lại niềm an ủi sâu sắc cho Trái Tim bị thương và chảy máu của Ngài.

 

Chúng ta sẽ xem xét một số nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.  Bài viết ngắn này không đầy đủ, nhưng nó sẽ cho chúng ta nếm trải ít nhất một hương vị trong nhiều tính cách của những người có mặt trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, cách phác họa các động độ khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo nhiều cách và có thể thúc đẩy chúng ta hoán cải.

 

ÁC VƯƠNG HÊRÔĐÊ

Chúa Giêsu bị chất vấn trước mặt vua Hêrôđê và triều đình, nhưng Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi nào.  Ông vua độc ác này đại diện cho những người theo chủ nghĩa nhục dục, chủ nghĩa khoái lạc, phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu không mở miệng bởi vì Ngài sẽ chỉ bị chế giễu, mỉa mai và nhạo báng.  Với những loại người này, Chúa Giêsu xác định: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7:6)

Ngày nay, nhiều người theo chủ nghĩa khoái lạc, hướng về nhục dục, hoàn toàn phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.  Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:5-6)

 

TỔNG TRẤN PHILATÔ

Người biện lý La Mã này đại diện cho nhiều người ngày nay.  Về cơ bản, Philatô đại diện cho kẻ hèn nhát điển hình.  Vợ ông là Claudia đã mơ về sự vô tội của Chúa Giêsu, nhưng ông ta đã bỏ qua yếu tố chân lý này.  Ông ta muốn làm hài lòng đám đông, ông ta là “người làm vui lòng dân hơn là làm vui lòng Chúa!”

 

Chúng ta thường hành động và phản ứng như thế nào để làm vui lòng mọi người, để được mọi người vui thích và tán thưởng, để làm tổn hại chúng ta vì đã từ chối ý muốn của Thiên Chúa và làm mất lòng Chúa?  Sự tôn trọng dành cho con người lại thường vượt xa sự tôn trọng dành cho Thiên Chúa!

 

PHARISÊU, KINH SƯ VÀ SAĐỐC

Nhiều người từ chối Chúa Giêsu và kêu gào kết án Ngài, điều đó thể hiện sự kiêu ngạo về trí tuệ.  Đây là giới trí thức – nhóm có học thức và uyên bác về Kinh Thánh.  Họ là những người biết nhiều về tâm linh.  Người ta cảm thấy quá sức tưởng tượng khi đối diện với một người thợ mộc khiêm tốn, ít học, đến từ Nadarét, giống như một thỏi nam châm, thu hút vô số người bởi những lời nói và việc làm của Ngài.

 

Quả thật, chính sự kiêu ngạo và đố kỵ về trí tuệ của họ đã làm cho họ mù quáng, không thể nhận ra mà chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ.  Ngày nay có biết bao người vẫn mù quáng, không nhận biết và không chấp nhận sự thật do sự kiêu ngạo về trí tuệ!

 

VÔ SỐ NGƯỜI THEO DÕI CHÚA GIÊSU

Nhiều người trong nhóm này là biểu tượng của những người tò mò.  Nhiều người tìm kiếm sự mới lạ, sự đổi mới, mốt mới và kiểu lạ để khơi gợi sự tò mò bệnh hoạn của họ.  Thật nguy hiểm biết bao khi họ chỉ sống vì sự phấn khích mau qua.  Người ta có câu: “Sự tò mò giết chết con mèo!”

 

TIẾNG HÔ “ĐÓNG ĐINH!”

Có những người trên thế giới thực sự có lòng căm thù đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu, và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Nhóm Sađốc, các thượng tế đứng dưới thập giá và đám đông trước mặt Philatô kêu to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”

 

Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người nuôi dưỡng lòng căm thù quỷ quyệt đối với Chúa Giêsu và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Số người này trong thế giới hiện đại vẫn tiếp tục gia tăng!

 

ÔNG SIMÔN KYRÊNÊ

Sau khi làm việc và trở về từ cánh đồng, ông Simôn thành Kyrênê bị bắt buộc phải giúp Chúa Giêsu vác thập giá.  Lúc đầu, Simôn chống cự và tìm cách thoái thác, nhưng khi đã chấp nhận vác thập giá, ông ấy không chỉ thấy hoàn toàn phù hợp với công việc này, mà còn thích giúp Chúa Giêsu vác thập giá.

Có thể đó là bạn và tôi: ngay từ đầu chúng ta muốn chạy trốn khỏi thập giá, nhưng khi đã chấp nhận, chúng ta thấy “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)

 

BÀ VÊRÔNICA

Bà Vêrônica là một phụ nữ dũng cảm.  Bà đã chen qua đám đông và lau mặt Chúa Giêsu bằng khăn trùm của mình.  Chúa Giêsu đã đền đáp cho bà bằng cách để Thánh Nhan Ngài in vào tấm khăn đó.  Còn chúng ta, liệu chúng ta có can đảm ra đi để giúp đỡ những người đang đau khổ và hoạn nạn hay không?

 

NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG ĐINH CHÚA

Mặc dù điều này có thể khó chấp nhận, nhưng mỗi khi chúng ta đồng ý phạm một tội trọng, thì theo nghĩa thực tế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa Giêsu, về những chiếc đinh đâm vào chân tay Ngài.  Tuy nhiên, bằng cách xưng tội nên, chúng ta nhổ đinh và để cho Chúa Giêsu Phục Sinh bước đi!

 

NHỮNG NGƯỜI LÍNH RÚT THĂM CHIA CHÁC

Có những người lính bên dưới khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và đau đớn tột cùng.  Họ rút thăm xem ai được nhận y phục của Chúa Giêsu.  Những người này, cùng với nhiều người trong đám đông đang nhìn xem, thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm.

 

Ngày nay có quá nhiều người bày tỏ thái độ dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ, xa cách đối với Chúa Giêsu.  Sách Khải Huyền lên án mạnh mẽ thái độ này bằng những lời lẽ làm rung chuyển trái đất này: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.  Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!  Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)

 

Đáng buồn là có một số đông những người được gọi là Kitô hữu Công giáo thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm với Chúa, với các Bí Tích và với Giáo Hội.  Có lẽ chúng ta thuộc nhóm này.  Nếu vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi!

 

KẺ TRỘM DỮ

Bất chấp gương tốt của Chúa Giêsu và tấm gương cao quý nhất về lòng nhân từ và thương xót của Ngài: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc. 23: 24)  Tên tử tội xấu đã tự kết liễu đời mình bằng cách nguyền rủa và thách thức Chúa Giêsu.  Thậm chí hắn còn muốn biến đổi tử tội cùng bị đóng đinh với mình, nhưng hắn vẫn chết với trái tim lạnh lùng, nhẫn tâm và độc ác!  Có những người, mặc dù được Thiên Chúa ban cho nhiều ân sủng, nhưng họ lại trở nên chai cứng và nhẫn tâm hơn.  Xin Chúa giải cứu chúng ta!

 

NGƯỜI TRỘM LÀNH

Ở mặt khác của đồng tiền, bên cạnh Chúa Giêsu trên Thập Giá, chúng ta gặp người trộm lành.  Anh ta kết thúc đời mình bằng cách ăn năn và cầu xin Chúa Giêsu thương xót.  Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ, tỏ lòng thương xót, và mở Thiên Đàng cho tử tội sám hối này, với những lời an ủi nhất: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc. 23:43) TGM Sheen nhắc nhở chúng ta: “Anh ta chết mà vẫn ăn trộm vì anh ta đã lấy trộm Thiên Đàng.”  Sự cứu rỗi có thể xảy ra ngay giây phút cuối cùng đối với những người thật lòng ăn năn!

 

VIÊN ĐỘI TRƯỞNG ĐÂM CHÚA

Sau khi đâm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, viên đại đội trưởng này đã tin!  Ông công nhận: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39) Máu và nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn ơn hoán cải và ơn cứu độ vô tận!

 

MARIA MAĐALÊNA

Sau khi được trừ bảy quỷ, bà Mađalêna đã biến đổi nhờ tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Đứng dưới chân Thập Giá, ôm lấy Thập Giá với mái tóc rối bù, bà Mađalêna thể hiện tình yêu chân thành và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu.  Bà Mađalêna đại diện cho những người thực sự canh tân cuộc sống.  Tất cả đều được mời gọi ăn năn và tín thác.  Có lẽ vẫn còn điều gì đó giống bà Mađalêna trong chúng ta, đó là cần đổi mới chăng?

 

MÔN ĐỆ GIOAN

Môn đệ Gioan đứng dưới Thập Giá đại diện cho giới tư tế.  Linh mục có thể được định nghĩa là nạn nhân, là vật hy sinh, là người dâng những lời cầu nguyện và hy sinh để đền tội cho mình và cho các tội nhân.  Chúa Giêsu là lễ vật không tì vết, và bị treo tên Thập Giá.  Môn đệ Gioan đứng bên Mẹ Maria, dưới chân Thập Giá, dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha Hằng Hữu để xin ơn cứu độ tội nhân và nhân loại.  Xin cho các giáo sĩ biết noi gương Thánh Gioan!

 

ĐỨC MẸ

Có rất nhiều danh hiệu dành cho Đức Mẹ.  Tuy nhiên, TGM Sheen tôn vinh Đức Mẹ là Đấng Vô Tội – Innocence, vì Đức Mẹ đã đứng bên Thập Giá suốt ba giờ.  Tất cả chúng ta đều đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá do tội lỗi của mình.  Đức Maria không hề phạm tội, nhưng đã dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha để cứu rỗi toàn thể nhân loại.

 

CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta có cách mô tả rõ ràng nhất về Tình Yêu Nhập Thể. Thánh Inhaxiô nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập Giá vì hai lý do:

a) Cho chúng ta thấy sự xấu xa của tội lỗi.

b) Đặc biệt cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài dành cho chúng ta.  Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, Chúa Giêsu vẫn chịu khổ nạn và chịu chết vì yêu thương bạn và cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn.

 

17. CHÚA CHA VĨNH HẰNG

Trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của Mel Gibson, cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá kết thúc bằng một giọt nước khổng lồ từ trên trời rơi xuống.  Cách hiểu thế nào?  Đó là Giọt Nước Mắt của Chúa Cha từ trời cao.  Chúa Cha khóc trước cái chết của Con Ngài và khóc vì tội lỗi của nhân loại.  Nhưng Chúa Cha cho phép Con Ngài chết vì yêu thương chúng ta và sự cứu rỗi đời đời của chúng ta.

 

KẾT LUẬN

Hãy dành nhiều thời gian để suy ngẫm về các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.  Bạn có thể xác định điều gì trong số những điều này với cuộc sống của chính mình?  Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí bạn để biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát bạn.

 

Lm. Ed Broom, Omv - Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

 

Tình Yêu Làm Cho Thập Giá Nở Hoa

 

THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2024:

TÌNH YÊU LÀM CHO THẬP GIÁ NỞ HOA


Thưa các bạn, vui, buồn, sướng, khổ là những yếu tố tạo nên nhịp sống của con người. Tuy nhiên, con người chỉ muốn đón nhận vui sướng và từ chối đau khổ, nhưng đau khổ vẫn cứ xảy đến. Có những người đương đầu với đau khổ bằng nổi loạn hoặc buông xuôi, thất vọng; nhưng có nhiều người đã đương đầu với đau khổ bằng cả nghị lực và quyết tâm của mình vì một mục đích lớn hơn. Chẳng hạn vì tương lai con cái, gia đình mà cha mẹ đã hy sinh không tính toán. Có những người biết tận dụng đau khổ như cơ hội để thử thách, rèn luyện bản thân thêm vững mạnh và còn có những người tận dụng và biến đau khổ trở thành ích lợi cho mình và cho nhiều người.

Có thể nói, các bài đọc Lời Chúa ngày Thứ Sáu Thánh hôm nay cho chúng ta một cái nhìn mới về đau khổ và nguyên nhân gây ra đau khổ qua cuộc thương khó của Đức Giêsu. Ngài đã đón nhận đau khổ thập giá bằng tình yêu và làm cho cây thập giá trổ sinh hoa yêu thương trái cứu độ.

Đức Giêsu vốn mang thân phận là một vị Thiên Chúa, Ngài lại không đòi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng mang lấy thân xác phàm giống như mọi người và chịu đau khổ, chịu chết như mọi người. Đức Giêsu đến thế gian không phải để tìm kiếm đau khổ, Ngài cũng không tìm kiếm cây thập giá để treo mình trên đó, nhưng Ngài đến để đem sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại.

Ma quỷ và tội lỗi là nguyên nhân gây ra đau khổ, chết chóc cho con người. Nhân loại này bị chìm ngập trong đau khổ bởi ma quỷ và tội lỗi trói buộc. Khi con người để cho ma quỷ và tội lỗi làm chủ tâm hồn và cuộc đời, để cho nó sử dụng những suy nghĩ và điều khiển hành vi, con người trở thành cộng tác viên của ma quỷ, gây ra đau khổ cho đồng loại của mình. Chính vì yêu thương, Thiên Chúa đã cứu chuộc và đem lại cho chúng ta tự do, thoát khỏi sự ràng buộc của ma quỷ. Thiên Chúa có thể có nhiều cách để cứu con người, nhưng Thiên Chúa lại muốn dùng cách cho Con của Ngài làm người, để cùng đồng hành và dẫn lối cho con người, giúp con người được giải thoát.

Một khi đã mang thân phận xác phàm của con người, Chúa Giêsu cũng phải trải qua vui buồn, sướng khổ như tất cả mọi người và thậm chí còn đau khổ hơn cả những người khác. Thiên Chúa Cha không đày đoạ Con mình, nhưng dường như, Ngài lại làm ngơ để cho Con mình bị thế gian đày đoạ. Bài ca Isaia trong bài đọc một cho thấy, mặc dù thế gian đày đoạ Con của Thiên Chúa, dù Thiên Chúa không ra tay để trừng phạt những kẻ ác, nhưng Thiên Chúa ban sức mạnh và là nguồn an ủi cho Con của Ngài vượt qua những đau khổ. Tiên tri Isaia đã nhìn thấy trước hình ảnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa hết mực vâng phục, cho dù bị đánh đập, mặt mày tan nát không còn dáng vẻ con người. Tất cả những đau khổ Người Tôi Tớ này gánh chịu, không phải vì lỗi của Ngài, nhưng vì tội lỗi của mỗi người chúng ta. Ngài đã chịu đòn, chịu đánh thay cho chúng ta: Chính Ngài đã mang lấy đau khổ tật nguyền của chúng ta. Ngài bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Ngài mang thương tích để chúng ta được chữa lành. Thiên Chúa đã đón nhận những đau khổ, nhục nhã Ngài phải chịu để làm cho muôn người được nên công chính và biến nó trở thành cuộc chiến thắng. Hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ mà tiên tri Isaia đã tiên báo, được ứng nghiệm cụ thể nơi Đức Giêsu và cuộc khổ nạn của Ngài. Trong hành trình thập giá, Chúa Giêsu đã trải qua đau khổ tột cùng của kiếp người, đau khổ cả thể xác và tâm hồn, cuối cùng là đón nhận một cái chết tất tưởi, cô đơn, lẻ loi một mình.

Tin Mừng Gioan hôm nay kể về hành trình thập giá của Chúa Giêsu, cũng là đau khổ cùng cực nhất mà Ngài trải qua khi bị đồng loại ghét bỏ, bị người thân phản bội và có những lúc dường như bị Thiên Chúa bỏ rơi hoặc nguyền rủa. Để đương đầu với đau khổ này, phải có một ý chí sắt đá, một nghị lực bền bỉ và một mục đích vô cùng lớn lao. Mục đích của Chúa Giêsu là muốn cứu chuộc nhân loại, ý chí của Ngài là bắt mình vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha để sống trọn kiếp người và một nghị lực để bước tới, đó là lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu nơi Thiên Chúa. Tất cả những điều này trở thành sức mạnh giúp Chúa Giêsu đi trọn hành trình thập giá.

Sau Bữa Tiệc ngập tràn tình yêu thương với các môn đệ, Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín đến vườn Gethsemani. Ở đây, Chúa Giêsu trải qua cơn hấp hối và là một cuộc chiến đấu với bản thân khi đối diện với hành trình thập giá. Ai đối diện với cái chết cũng sợ, nhưng Chúa Giêsu còn sợ hãi đến đổ mồ hôi máu, vì cái chết trước mắt Ngài quá kinh khủng. Lúc này đây, mặc dù Chúa có những người thân bên cạnh, nhưng họ không hề đồng cảm, mà còn lăn ra ngủ. Trong lúc cô đơn như vậy, thì Giuđa đã lộ mặt thật của hắn là tên phản bội, hắn dẫn người đến để bắt Thầy mình. Hắn đã phá bỏ tình nghĩa thầy trò trong nhiều năm để đổi lấy mấy đồng bạc và còn giả hình bằng cái hôn chỉ điểm, để quân lính bắt Thầy. Trong khi đó, ba môn đệ thân tín bên cạnh chỉ phản ứng cách yếu ớt: Phêrô rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ, còn các ông khác sợ hãi bỏ trốn. Lúc đó, Chúa Giêsu không nghĩ tới bản thân, nhưng vẫn nghĩ đến các học trò của mình và yêu cầu quân lính: Các ông cứ bắt tôi, nhưng hãy để cho những người này đi. Suốt cả hành trình thập giá bị đánh đòn, bị điệu đến hết chỗ này đến chỗ khác như một tên tội đồ, Chúa Giêsu không có ai bên cạnh, không ai lên tiếng bênh vực. Đám đông trước đây từng hoan hô Con Vua Đavít, từng được chứng kiến phép lạ, nay họ cũng vào hùa với nhau để gây đau khổ cho Chúa. Chúa đau khổ về thể xác nhưng còn đau khổ gấp nhiều lần vì bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị những kẻ mình yêu thương phản bội.

Các Thượng tế và luật sĩ đã bộc lộ rõ sự gian ác tột cùng của họ. Cái ác đã có sẵn trong những con người này, nay có cơ hội bộc phát cùng với sự xúi giục của ma quỷ, lòng tự ái và sự ghen tương đã biến hành động gian ác của họ trở nên tàn nhẫn với Chúa Giêsu. Các Thượng tế và luật sĩ bắt Chúa Giêsu, tìm cách loại trừ Ngài chỉ vì sợ mất ảnh hưởng với dân chúng. Các Thượng tế đã thực hiện âm mưu giết Chúa Giêsu, nhưng lại muốn ném đá giấu tay, che đậy bộ mặt thật của mình. Vì thế, họ mượn tay người Rôma để loại trừ Chúa Giêsu. Khi đem Đức Giêsu đến dinh Philatô, họ đã vu khống Chúa Giêsu như kẻ hoạt động chính trị hoặc kẻ nổi loạn chống lại hoàng đế Cêsarê, ngăn cản việc nộp thuế, xưng mình là vua. Vì những cáo buộc này, cùng với sự kích động và gây sức ép của dân chúng, Philatô đã tuyên án tử hình thập giá cho Chúa Giêsu. Bản án hoàn toàn mang tính cách chính trị và là bản án của Rôma, còn các Thượng tế và Biệt phái phủi trách nhiệm trong cái chết này. Chúa Giêsu chết vì bị chính những đồng hương của mình loại trừ và chủ mưu, bị những người được Ngài đến để yêu thương phục vụ nay chống lại Ngài. Những đau khổ mà những người Do Thái và quân lính gây ra cho Chúa Giêsu không làm thay đổi tình yêu đối với nhân loại, càng không làm lay chuyển được lòng trung kiên, vâng phục và tình yêu trọn vẹn của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã đương đầu với đau khổ cho đến hơi thở cuối cùng khi tuyên bố: Mọi sự đã hoàn tất. Và thưa với Chúa Cha: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.

Thiên Chúa Cha không vui mừng trước đau khổ của Con Ngài, trái lại, Ngài cùng đau nỗi đau của Người Con Chúa hằng yêu mến. Thiên Chúa Cha không thất vọng trước cái ác của con người, cũng không chịu thua những mưu mô của ma quỷ thế gian, Ngài đã dùng quyền năng làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Thiên Chúa vĩnh viễn tiêu diệt sự chết bằng việc phục sinh Con của Ngài. Thiên Chúa đã biến cây thập giá thành cây Thánh giá, biến một dụng cụ hành hình ghê sợ của con người, trở thành biểu thượng của tình yêu và sự tha thứ.

Suy niệm bài thương khó hôm nay, chúng ta xin Chúa thứ tha những lần chúng ta đã gây đau khổ cho Chúa và anh chị em khi sống dửng dưng, vô tình, vô cảm, từ chối Chúa và từ chối anh chị em. Xin cho ta mỗi ngày đem đến cho Chúa và cho nhau những niềm vui, giảm bớt đi những đau khổ. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, tin rằng Chúa luôn ở bên để nâng đỡ và chia sẻ với ta trong những lúc đau khổ. Xin đừng để đau khổ đè bẹp hoặc làm ta thất vọng, nhưng xin cho chúng ta biết nhìn lên Đức Giêsu, can đảm bước theo Ngài và nhờ tin theo Chúa, chúng ta cũng vượt thắng gian khổ và được chung phần phục sinh với Chúa. Amen.

 

Thứ Năm Tuần Thánh - Bữa Tiệc Của Tình Thương

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2024:

BỮA TIỆC CỦA TÌNH THƯƠNG


 
Thưa các bạn, chúng ta quen gọi ngày lễ hôm nay là Thánh lễ Tiệc Ly, điều này không sai, vì quả thật thánh lễ này kỷ niệm lại bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của Chúa, mà trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu chia tay với các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, chúng ta có thể gọi bữa tiệc này là Bữa Tiệc Tình Yêu. Trong cuộc sống hiện đại, người ta thường so sánh và gọi: Tiệc âm thanh, tiệc ánh sáng, tiệc âm nhạc, để nói về những sự kiện trình diễn âm thanh, ánh sáng hoặc âm nhạc đặc biệt, thì hôm nay chúng ta cũng có thể gọi bữa tiệc của Chúa Giêsu với các môn đệ là Bữa Tiệc Tình Yêu. Vì trong bữa tiệc này, ngoài món ăn là bánh không men và thịt chiên, thì những người tham dự còn được thưởng thức món ăn vô cùng đặc biệt đó là tình yêu thương. Từng cử chỉ, từng hành động trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã cho các môn đệ của Ngài được hưởng nếm, đụng chạm đến tình yêu và còn được “ăn” cách cụ thể qua việc Chúa Giêsu trao ban thân mình cho các môn đệ với lời truyền: Các con hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống.

Bữa tiệc tình yêu này được Giáo Hội tái hiện lại cách đặc biệt trong thánh lễ hôm nay, với nhịp điệu trầm ấm của các nghi thức cử hành. Hai hành động của Chúa Giêsu được nhấn mạnh cách đặc biệt trong thánh lễ này đó là việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể - chức Linh mục và việc Chúa rửa chân cho các môn đệ.

Tin Mừng Gioan không thuật lại chi tiết việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, nhưng lại diễn tả việc Ngài trao ban con người của mình cho các môn đệ qua việc rửa chân cho các ông. Thánh Phaolô trong bài đọc hai đã ghi lại: Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: Trong đêm bị nộp Chúa cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy… Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy. Thánh Phaolô cho thấy, việc đón nhận Mình và Máu Chúa mà cho đến hôm nay Giáo Hội vẫn liên tục cử hành là điều các tông đồ đón nhận từ nơi Chúa chứ không phải từ ai khác. Vì hành động yêu thương đến trao ban cả máu thịt mình như thế, thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện được và chỉ có một tình yêu đến tận cùng mới có thể có sáng kiến tuyệt vời như thế.

Bữa tiệc Vượt Qua ngày xưa, con chiên đã bị giết, máu bôi lên khung cửa làm dấu chỉ đem lại sự sống, sự vượt qua, còn thịt chiên thì trở thành bữa ăn tăng thêm sức lực để đoàn dân lên đường. Nhưng với bữa tiệc Vượt Qua hôm nay, Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của bữa tiệc truyền thống, bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của tình yêu thương đến tận cùng. Vì trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã biến mình thành Con Chiên bị sát tế, đã đổ máu ra để ký kết một giao ước mới, đã biến thịt mình thành của ăn nuôi dưỡng toàn nhân loại qua việc Chúa cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ trước sự ngỡ ngàng và dường như chưa hiểu của các ông: Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy. Ngài cầm lấy chén và nói: Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới... Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Với việc biến bánh rượu trở nên thịt máu Chúa và trở nên của ăn cho nhân loại, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương đến cùng. Ngài không còn tiếc gì với các môn đệ và cũng không còn giữ lại gì cho riêng mình, nhưng muốn cho đi, muốn trao tặng tất cả con người, linh hồn và thể xác cho những người mình yêu thương. Ngài không trao tặng bản thân như món quà lưu niệm, nhưng lại trao ban để làm của ăn, để qua việc bị ăn, Chúa có thể trở nên một xương một thịt, một thân xác, một tâm hồn với những kẻ Ngài yêu thương. Khi yêu nhau mãnh liệt, người ta luôn muốn nên một với nhau, ở trong nhau, thì giờ đây khi trở nên của ăn, của uống, Chúa Giêsu có thể nên một thực sự với những kẻ Ngài yêu thương.

Chúa Giêsu không muốn để bị thiếu của ăn cho nhân loại, không muốn để tình yêu thương của Ngài bị vơi cạn, vì thế, Ngài đã tín nhiệm và trao cho các môn đệ chức Linh Mục khi truyền cho các ông: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Dẫu biết rằng các môn đệ của mình còn nhiều yếu đuối bất toàn, biết các ông chưa thể hiểu hết, nhưng Chúa vẫn trao gửi cả thân mình cho các ông, để từ đây các ông nối dài tình yêu của Chúa cho thế giới. Khi trao thân mình vào tay các môn đệ, từ vị trí của một người Thầy, Ngài chấp nhận trở thành kẻ phục vụ, vì qua việc các tông đồ “Làm như Thầy đã làm”, Chúa tiếp tục hiện diện, tiếp tục yêu thương, tiếp tục trao ban thân mình và ở lại với nhân loại.

Tin Mừng Gioan đã diễn tả việc Đức Giêsu hoán đổi địa vị Thiên Chúa để trở nên tôi tớ phục vụ qua việc Chúa rửa chân cho các môn đệ. Với lời kể của Gioan, chúng ta thấy một khung cảnh, một căn phòng đậm đặc tình yêu: Chúa Giêsu biết đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha… Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng. Vì yêu đến cùng nên Chúa Giêsu không những trao tặng cả con người, máu thịt, mà còn trao tặng cả địa vị, danh dự cho các môn đệ: Ngài trỗi dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, lấy nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ, lấy khăn thắt lưng mà lau. Từ địa vị là Thầy, là Chúa, mà Đức Giêsu đã cởi bỏ, để thắt lưng mang thân phận của một kẻ nô lệ, quỳ gối rửa chân cho các học trò, trước sự ngỡ ngàng của các ông. Chắc chắn những đôi chân được Chúa rửa hôm đó, có đôi chân của kẻ phản bội là Giuđa, có đôi chân của kẻ chối Thầy và còn có những đôi chân của những kẻ bỏ trốn. Chúa Giêsu đã nâng niu những đôi bàn chân ấy với lòng yêu mến, cảm thông và đã lau khô chúng bằng chiếc khăn thắt lưng của Ngài. Ngài đã đem vào mình sự dơ bẩn, yếu đuối và tội lỗi của các học trò chỉ vì yêu thương.

Simon Phêrô đã không thể hiểu và không dễ dàng để chấp nhận việc làm này của Thầy. Ông đã phản ứng quyết liệt: Không lẽ nào Thầy lại rửa chân cho con. Không đời nào con chịu. Chúa Giêsu đã ân cần trả lời cho Simon: Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Quả là bài học quá lớn, quá bất ngờ đối với Simon và các môn đệ, mà Chúa Giêsu muốn thực hành làm gương trước và nói lý thuyết sau. Chúa Giêsu đã giải thích bài học sau khi đã mặc áo vào, trở về chỗ, Ngài giải thích: Thầy là Thầy là Chúa, mà con rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Đây chính là bài học Chúa muốn để lại cho các môn đệ, muốn các ông sau khi đã được Chúa trao ban Mình Máu và quyền nhân danh Chúa để tiếp tục cử hành những điều Chúa đã làm, thì các ông phải là những người phục vụ chứ không phải là người ban phát. Chúa còn muốn các ông phục vụ trong sự khiêm nhường, hạ mình như người tôi tớ phục vụ chủ. Vì thế, Chúa truyền cho các ông: Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm.

Bài học của Thánh Lễ cử hành Bữa Tiệc Tình thương hôm nay, Chúa cũng muốn để lại cho mỗi chúng ta, đó là hãy khiêm nhường, cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tuy nhiên, để thực hành bài học này vẫn là điều khó, vì mỗi người đều có sẵn trong mình cái tôi và sự cao ngạo của nó. Chính cái tôi này điều khiển, khiến nhiều người muốn đặt mình trên tất cả mọi người, muốn người khác phục vụ mình, chứ không ngược lại. Tuy nhiên là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ chối bài học và mẫu gương của Chúa.

Chúng ta sẽ phải hạ mình để nhìn thấy những nhu cầu và thấy cả những hoàn cảnh của anh chị em. Chúng ta hạ mình xuống để dễ dàng cảm thông, quan tâm phục vụ nhau, hy sinh cho nhau. Chúng ta được mời gọi phục vụ đến quên mình và thậm chí còn được mời gọi hiến mình theo gương Chúa Giêsu, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Tham dự bữa tiệc tình yêu của Chúa mỗi ngày và đón nhận món quà yêu thương là Mình Máu Chúa, chúng ta xin Chúa biến đổi ta nên những môn đệ thấm nhuần bài học yêu thương phục vụ của Chúa hôm nay, để mỗi người cũng biết yêu anh chị em chung quanh và phục vụ mọi người theo mẫu gương và lời dạy của Chúa: Hãy yêu như Thầy đã yêu và hãy làm như Thầy đã làm. Amen

 

Phung Vụ Thánh Thể


PHỤNG VỤ THÁNH THỂ



Si mon Phêrô đã không thể hiểu và không dễ dàng để chấp nhận việc làm của Thầy. Ông đã phản ứng quyết liệt: Không lẽ nào Thầy lại rửa chân cho con. Không đời nào con chịu. Chúa Giêsu đã ân cần trả lời cho Simon: Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Quả là bài học quá lớn, quá bất ngờ đối với Simon và các môn đệ, mà Chúa Giêsu muốn thực hành làm gương trước và nói lý thuyết sau. Chúa Giêsu đã giải thích bài học sau khi đã mặc áo vào, trở về chỗ, Ngài giải thích: Thầy là Thầy là Chúa, mà con rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Đây chính là bài học Chúa muốn để lại cho các môn đệ, muốn các ông sau khi đã được Chúa trao ban Mình Máu và quyền nhân danh Chúa để tiếp tục cử hành những điều Chúa đã làm, thì các ông phải là những người phục vụ chứ không phải là người ban phát. Chúa còn muốn các ông phục vụ trong sự khiêm nhường, hạ mình như người tôi tớ phục vụ chủ. Vì thế, Chúa truyền cho các ông: Thầy đã nêu gương cho anh em, anh em cũng hãy làm như Thầy đã làm.

Bài học của Thánh Lễ cử hành Bữa Tiệc Tình thương hôm nay, Chúa cũng muốn để lại cho mỗi chúng ta, đó là hãy khiêm nhường, cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tuy nhiên, để thực hành bài học này vẫn là điều khó, vì mỗi người đều có sẵn trong mình cái tôi và sự cao ngạo của nó. Chính cái tôi này điều khiển, khiến nhiều người muốn đặt mình trên tất cả mọi người, muốn người khác phục vụ mình, chứ không ngược lại. Tuy nhiên là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể từ chối bài học và mẫu gương của Chúa. Chúng ta sẽ phải hạ mình để nhìn thấy những nhu cầu và thấy cả những hoàn cảnh của anh chị em. Chúng ta hạ mình xuống để dễ dàng cảm thông, quan tâm phục vụ nhau, hy sinh cho nhau. Chúng ta được mời gọi phục vụ đến quên mình và thậm chí còn được mời gọi hiến mình theo gương Chúa Giêsu, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Tham dự bữa tiệc tình yêu của Chúa mỗi ngày và đón nhận món quà yêu thương là Mình Máu Chúa, chúng ta xin Chúa biến đổi ta nên những môn đệ thấm nhuần bài học yêu thương phục vụ của Chúa hôm nay, để mỗi người cũng biết yêu anh chị em chung quanh và phục vụ mọi người theo mẫu gương và lời dạy của Chúa: Hãy yêu như Thầy đã yêu và hãy làm như Thầy đã làm. Amen

Trời Đã Tối

 

TRỜI ĐÃ TỐI



Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.  Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).  Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).  Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).  Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).  Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình. 


Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.  Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.  Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).  Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy, nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.  Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.  Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra. 


Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.  Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.  Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy, như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.  Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.  Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?  Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi. 


“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).  Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.  Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).  Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).  Giuđa ra đi lúc trời đã tối. 

 

Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.  Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).  Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.  Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ. 

 

“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).  Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.  Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma, anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”  Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.  Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó. 

 

************************

Lạy Chúa, 
xin cho con quả tim của Chúa. 
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện. 
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con. 
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen. 

 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ