ĐI ĐẠO ...

Cha ông ta đã khéo vận dụng từ ngữ để diễn tả những thực tại tâm linh. Từ ngữ xem ra bình dân mà nội dung phong phú, sâu sắc. Khi Tin Mừng được truyền giảng tại quê hương, các ngài đã gọi đó là ĐẠO. ĐẠO là “tôn giáo”, “đạo giáo” mà cũng là ĐƯỜNG phải đi để đạt ĐẠO. Như thế, ĐẠO là ĐƯỜNG mã cũng là ĐÍCH, vì người có ĐẠO cần phải sống cho phải ĐẠO, sống theo ĐẠO lý, sống có ĐẠO đức để đạt tới ĐẠO làm người, ĐẠO làm con Chúa. ĐẠO là ĐÍCH mà cũng là CỘI NGUỒN. Ai sống tốt lành đạo đức được coi như người ĐẠO gốc, ĐẠO dòng, người sinh ra trong gốc gác, dòng dõi của ĐẠO. Ai đón nhận Tin Mừng và rửa tội thì được gọi là THEO ĐẠO. Rồi khi ĐẠO đã thành nếp sống thì gọi là ĐI ĐẠO. Ai không đi ĐẠO thì được gọi là ĐI LƯƠNG (sống theo LƯƠNG TÂM?) Người nào sống ngược với đạo đức, lễ giáo, luân thường thì bị coi là “quân VÔ ĐẠO.” Ai chống đối, phá rối, ngăn cản, làm cho tục hóa đạo giáo thì bị gọi là “quân PHẢN ĐẠO, RỐI ĐẠO, BÁNG ĐẠO…”
Khi suy nghĩ về đời sống Đạo Chúa Kitô tại Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng thử bàn qua về ba từ mấu chốt trong một chuỗi từ ghép liên quan đến ĐẠO trên đây: giữ đạo, sống đạo, truyền đạo.
Giữ Đạo
Đạo đã được truyền vào nước ta khoảng 500 năm trước. Cha ông chúng ta đã đón nhận Đạo với niềm tin đơn thành, sốt mến. Liền sau khi theo Đạo, cha ông chúng ta đã tích cực đi Đạo, nghĩa là tin nhận và sống theo đạo lý mới. Đạo lý mới được cụ thể hóa bằng những điều phải tin và phải giữ. Vậy theo Đạo, đi Đạo đồng nghĩa với tin Đạo và GIỮ ĐẠO. Nhưng rồi việc theo Đạo không phải là thuận lợi mà đã gặp những chống đối, bắt bớ, cấm cách, bách hại… Chân lý của Đạo bị xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ… Các nhà truyền giáo bị cấm giảng Đạo, các tín hữu bị buộc phải bỏ Đạo, chối Đạo… Lúc này đi Đạo vẫn mang nghĩa là GIỮ ĐẠO, nghĩa là giữ gìn bảo vệ sự tinh tuyền giáo lý của Đạo, giữ gìn lòng hăng say và can đảm truyền Đạo, giữ gìn lòng trung thành với Đạo, dù có phải máu chảy đầu rơi, thây phân trăm mảnh…

Sống Đạo
Đạo cần phát triển về chiều sâu, cần thấm nhập vào đời sống, cần trở thành thịt thành máu, thành tim thành óc của mỗi tín hữu, cần bén rễ sâu vào mọi ngóc ngách của môi trường sống… Đi đạo lúc này không chỉ dừng lại ở việc giữ Đạo mà cần phải sống Đạo, làm cho Đạo trở thành cuộc sống, và làm cho cuộc sống chuyên chở Đạo. Đạo không chỉ là một loạt những điều cần tin, cần giữ, cũng không chỉ đóng khung trong khuôn viên nhà thờ nhà thánh, mà Đạo đi sâu vào mọi góc cạnh, như hơi thở của linh hồn, linh hồn của thể xác… Tinh thần Đạo được thể hiện không chỉ trong kinh nguyện mà cả trong cuộc sống hàng ngày nơi phố xá, làng mạc, trường học, công sở, chợ búa, đồng nương, nghệ thuật, văn hóa, chính trị…
Truyền Đạo
Đạo là kho tàng, kho báu. Người đi Đạo như tìm được ngọc quý, bỏ mọi sự để theo Đạo, để có Đạo. Nhưng Đạo không phải là một kho tàng quý báu để chôn cất giấu giếm. Đạo cần được chi ra, lan rộng. Đi Đạo, thấm nhuần Đạo, thì không thể không tìm thấy niềm vui hạnh phúc “có Đạo,” không thể không thấy được trách nhiệm cần phải chia Đạo cho người khác, vì cốt lõi của Đạo là Bác Ái, một tình yêu rộng rãi, sẻ chia, vô điều kiện. Đạo là Lửa từ trời, càng chia càng cháy, càng loan càng sáng. Ngọn lửa chia ra, bay xa không tắt đi, yếu đi mà cháy thêm, sáng thêm. Nếu nó chỉ cháy mình nó, có lẽ nó sẽ vụt tắt một ngày, vì dầu của nó thì hữu hạn, gỗ của nó cũng có chừng. Đi Đạo là Truyền Đạo, vì không Truyền Đạo là ngược lại với bản tính của có Đạo, đi ngược với ơn gọi lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội, đi ngược với điều răn Bác Ái Kitô giáo.
Suy nghĩ về cuộc sống Đạo, ta thấy thực ra giữ Đạo, sống Đạo hay truyền Đạo không phải là những khía cạnh tách rời hoặc loại trừ nhau. Sống Đạo không có nghĩa là bỏ giữ Đạo, truyền Đạo cũng chẳng phải là xao lãng việc giữ Đạo và sống Đạo. Đó là ba khía cạnh như kiềng ba chân của việc đi Đạo. Sống Đạo làm cho việc giữ Đạo đi vào chiều sâu, và truyền Đạo làm cho việc sống Đạo lớn lên về chiều rộng. Càng sống Đạo thì việc giữ Đạo càng sốt sắng, nhiệt thành và càng truyền Đạo thì việc sống Đạo càng khởi sắc, hăng say. Đi Đạo là giữ Đạo, sống Đạo và truyền Đạo vậy. Đạo là Đường nên cần phải lên đường, cần phải đi…
Dominic Trần
***********************************************
Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng, và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời. Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.
Origênê (Trích Lời Kinh Từ Cuộc Sống – p.110)