LỜI CHÚA CN XVII-TNB

Đào tạo trái tim – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.
Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.
Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.
Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.
Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.
Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.
Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.
Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen

CUỘC HỌP CHUNG MỞ RỘNG TẠI PALMAS, BRAXIN

Vào cuối tháng sáu vừa qua, Chị Bề Trên Dự-Tỉnh đã đến Pháp, để từ đây chị sẽ cùng với các soeurs tại Pháp khởi hành đi Braxin, tham dự Cuộc Họp Chung mở rộng của Hội Dòng tại Palmas- Braxin. 



Cuộc họp diễn ra hai năm một lần giữa hai kỳ Tổng Hội,  quy tụ những Bề Trên thượng cấp của các Tỉnh Dòng và của Dự-Tỉnh, cũng như các chị đại biểu của ba Tỉnh Dòng tại Braxin. Hội nghị đúc kết những vấn đề đã được đưa ra trong Tổng Hội kỳ trước và sẽ thảo luận về những vấn đề của Hội Dòng.










Sau đây là chương trình làm việc chính thức của Cuộc Họp Chung kỳ này:

Chương trình làm việc của Cuộc Họp Chung Mở Rộng

 tại  Brasil  từ  ngày 19-30/07

Ngày 19/07: Ban Điều Hành Trung Ương họp.

Ngày 20-24/07: Tất cả các thành phần tham dự họp chung.

Ngày 25/07: nghỉ ngơi

Ngày 26-27/07: các thành phần tham dự tiếp tục họp chung.

Ngày 28-29: Ban Điều Hành Trung Ương và Ban Điều Hành 

Tỉnh Dòng họp.

Ngày 30/07: Ban Điều Hành Trung Ương họp.



Xin được gửi một vài hình ảnh của cuộc họp kỳ này. 






LỊCH TĨNH TÂM NĂM CỦA CÁC KHỐI

       Trong những ngày cuối tháng bảy và đầu tháng tám này , các em Thỉnh Sinh, các em Nhà Tập và các chị Khấn Tạm sẽ có tuần tĩnh tâm năm, để nhìn lại một năm sống vừa qua, cũng như hướng tới thời gian sống sắp tới của các chị với những giai đoạn mới trong đời sống thánh hiến.
- Từ ngày 27/07- 31/07: các em Thỉnh Sinh và các em Nhà Tập sẽ tĩnh tâm tại Đan viện Biển Đức Thiên Phước, Thủ Đức.
- Từ ngày 02/08- 08/08: các chị Khấn Tạm sẽ có tuần tĩnh tâm năm cũng tại Đan Viện này.

        Trong những tuần lễ này, xin hiệp ý cầu nguyện cho các chị được tĩnh tâm sốt sắng và lắng nghe được Thánh ý Thiên Chúa muốn thực hiện trong cuộc đời của các chị.

THÔNG BÁO VỀ THÁNH LỄ KHẤN DÒNG NĂM 2015

Mùa hè - mùa của những bông hoa phượng đỏ thắm- cũng là " Mùa Thánh Hiến" với việc tuyên khấn của những tu sĩ nam nữ trong các Hội Dòng. Hòa cùng niềm vui thiêng liêng đó, Dự-Tỉnh Đức Mẹ La Vang  cũng hân hoan đón nhận những chị em tuyên khấn sống theo tinh thần của Mẹ Anastasie- Đấng Sáng Lập. Chương trình cụ thể như sau:
- Ngày 10  tháng  08, lúc 05h30, cha Phêrô Nguyễn Văn Việt sẽ chủ sự thánh lễ lặp lại Lời Khấn của hai mươi chị khấn tạm tai Tu viện Mẹ Thiên Chúa, tọa lạc tại Long Khánh, Đồng Nai. 

- Ngày 11 tháng 08, lúc 09h00, tại Giáo xứ Tân Xuân- Giáo phận Xuân Lộc, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh sẽ chủ sự Thánh lễ tuyên khấn Lần Đầu và Vĩnh Viễn của tám chị em trong Dự-Tỉnh.

Xin hiệp ý cầu nguyện cho các chị sẽ có nghi thức khấn Dòng trong thời gian sắp tới, để các chị luôn can đảm dấn thân sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho những người mà các chị phục vụ.








LỜI CHÚA CN XVI-TNB

TÌNH MỤC TỬ ẤP Ủ ĐOÀN CHIÊN
" Mục tử"  là  một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tự ví mình là " mục tử, người chăn chiên"  và dân Israel được Chúa chọn là đoàn chiên của Chúa : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta ...Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ..." (Gr 23, 3). Đến lượt Chúa Giêsu, khi thấy dân chúng bơ vơ tất tưởi, Người động lòng trắc ẩn ví họ như : "Đàn chiên không người chăn dắt" (Mc 6, 34). Người cũng tự nhận mình là "Người chăn chiên".
Hình ảnh người mục tử với đoàn chiên thật tuyệt đẹp, dễ thương và đầy cảm động, diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với Dân Ngài như "Mục tử" với "đoàn chiên".
Thông thường, trong Cựu Ước, người ta gọi Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v ...) Sự so sánh này có nguồn từ đầu lịch sử thánh, vì dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước hết là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môisen, kẻ chăn cừu nhận được mạc khải từ bụi gai đang cháy trong sa mạc, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành là một trong những hình ảnh lâu đời nhất của Kitô giáo. Hình ảnh này được tìm thấy trong các hang toại đạo, người ta khắc vẽ Chúa Giêsu với hình ảnh người chăn chiên dịu dàng và trìu mến, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đoàn của chúng để chia sẻ cùng một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với hình ảnh cổ xưa trong Kinh Thánh, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn là Đấng trao ban sự sống cho dân : "Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số" (Gr 23, 3). Vì muốn trao ban nên một khi đã trao ban thì Chúa bảo vệ giữ gìn. Các mục tử được Chúa trao cho chăn dắt đàn chiên Chúa không cẩn thận, Chúa nổi giận đòi lại chiên : "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé chiên Ta... Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta...Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng" (Gr 23, 1-4). Chúa chăm sóc chiên của Chúa như thế nào? Những cảm nghiệm của con chiên dẫn chứng sự chăm sóc của chủ chiên : "Trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng" (Tv 22, 1-3). Ðiều này có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta không những sống mà còn sống dồi dào, Ngài muốn hướng dẫn chúng ta tới các đồng cỏ tốt tươi, nơi chúng ta có thể được nghỉ ngơi bồi dưỡng, sự sống ấy bắt nguồn từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa không muốn con người phải hư mất hay bị diệt vọng, nhưng muốn con người đạt tới cùng đích là sống viên mãn tràn đầy. Ðó là điều mà bất cứ người mục tử nào cũng mong muốn cho đoàn chiên.
Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình như Mục Tử của đoàn chiên lạc nhà Israel. Cái nhìn của Chúa trên đám đông dân chúng là cái nhìn "mục tử" đầy tình thương. Thánh Marcô viết : "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều" (Mc 6,34). Chúa Giêsu nhập thể dưới hình hài Thiên Chúa Mục Tử với kiểu giảng dậy của Người và các việc Người làm, bằng cách chữa lành các người đau yếu và tội lỗi, săn sóc những người ốm đau tật bệnh, để dẫn đưa họ đến bến bình an trong tình xót thương vô bờ của Thiên Chúa là Cha.
Vì kẻ dữ luôn tìm cách phá hỏng công trình của Thiên Chúa, bằng cách gieo vãi chia rẽ trong trái tim con người, giữa thân xác với linh hồn, giữa con người với Thiên Chúa, trong các tương quan liên bản vị, xã hội, quốc tế và cả giữa con người và thụ tạo. Kẻ dữ gieo rắc chiến tranh; Thiên chúa tạo dựng hòa bình. Hơn thế nữa, như thánh Phaolô khẳng định : "Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người" (Ep 2,14). Ðể chu toàn công trình hòa giải triệt để ấy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, đã phải trở thành Chiên Con, "Chiên Con Thiên Chúa... gánh tội trần gian" (Ga 1,29). Chỉ như thế Người đã có thể thực hiện lời hứa tuyệt diệu của Thánh Vịnh: "Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài" (Tv 23, 6).
Người mục tử dẫn dắt đoàn chiên không đành lòng đuổi chiên nhưng đưa chiên tới đồng cỏ xanh tươi, tới suối nước trong lành. Tập hợp chiên lại xung quanh mình : "Mục tử tốt lành thí mạng vì đoàn chiên" (Ga 10, 11). Người vừa là Mục tử và vừa là Cửa chuồng chiên (Ga 10, 7) "Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí" (Eph 2 18). Nhờ Người mà chúng ta đi vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã yêu thế gian như thế đó, " Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu thí mạng vì người mình yêu". "Thiên Chúa là tình yêu" Ngài đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một (x. Ga 3, 16), không ngần ngại trao ban sự sống mình (x. Eph 2, 14)
Những lời trên thật cảm động và đầy an ủi biết bao cho nhân loại hôm nay, vì nó đáp ứng khát vọng sâu thẳm của con người : đó là sống, sống viên mãn, sống vui và sống đời đời! Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô, Nữ Vương Bình An, Đấng luôn sống trong đồng cỏ Trời Cao, nơi Chiên Con Mục Tử hằng chăn dắt, cầu cho chúng con ! Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

CẢM NGHIỆM MỘT CHUYẾN ĐI MAI LINH

Mai Linh là một cộng đoàn heo hút nằm trên đồi cao thuộc tỉnh Bình Phướ,  nằm trong khu vực bệnh viện Nhân Ái- nơi săn sóc những bệnh nhân nhiễm HIV- cách Tp. Hồ Chí Minh gần 400km.
 Ao ước tới Mai Linh nay đã thành hiện thực. Chiếc xe chở tôi cùng đoàn tình nguyện   băng qua những quốc lộ ồn ào tấp nập là những con dốc ngoằn ngòe xa tít, lên dốc rồi xuống đồi cây cứ trùng trùng điệp điệp, đẹp như tranh vẽ. Xe chúng tôi chạy ngang qua thủy điện Thác Mơ hùng vĩ  cộng thêm những hàng cây rợp bóng trên con đường mòn tiến lên đỉnh dốc . Cuối cùng, xe dừng lại ở cộng đoàn Mai Linh  là 11g 30 trưa. Khung cảnh của núi đồi hoang sơ, mái nhà cũng đơn sơ, con người cũng đơn sơ. Chúng tôi nghỉ trưa ở cộng đoàn, trong bữa cơm trưa, chưa thân mà đã quen. Cuộc sống phục vụ làm cho mọi người ở đây luôn sống thân tình, sự hòa hợp và thân thương với nhau. Mặc dù cho mỗi người, mỗi dòng, mỗi cộng đoàn khác nhau, nhưng khi đã đến Mai Linh thì cứ như người một nhà. Cuộc sống đụng chạm nhiều giữa những con người khác biệt nhau nhưng lại có thể sống chung hòa hợp và phục vụ cùng một lý tưởng- phục vụ Đức Kitô trong những người nghèo, trong những anh em bị HIV. Đây là điểm đánh động tôi   đầu tiên trong chuyến đi này. Mặc dù công việc khó khăn vất vả nhưng lúc nào nụ cười cũng rạng rỡ trên những khuôn mặt ở đây.
Đến chiều, chúng tôi cùng các sơ phục vụ xuống thăm các anh chị em HIV ở bệnh viện Nhân Ái cách cộng đoàn không xa. Hiện tại, Cộng đoàn đang phục vụ tại Khoa Nội C là nơi dành cho những người giai đoạn cuối. Những con người ở đây thật lạ lùng. Họ không còn đáng sợ và bạo ngược như thời họ còn ăn chơi trác tang nhưng họ trở nên hiền lành, ngoan ngoãn. Nhìn họ không ai là không thương cảm. Vào đến nơi họ ở, cha đi giải tội, còn các anh chị em tu sĩ thì giúp họ tập hát và chuẩn bị mọi thứ cho Thánh lễ. Mặc dù giọng hát thì lạc nhưng họ hát với tất cả tấm lòng yêu mến của mình. Chính họ tự đọc các bài đọc, chính họ hát thánh ca, chính họ làm mọi việc chuẩn bị cho thánh lễ. Rồi họ sung sướng được đón nhận Mình Thánh Chúa. Những hình ảnh này cứ đập vào mắt yôi và dâng trong tôi một niềm xúc động.  Sau Thánh lễ là những giây phút thân tình cha con nói chuyện chia sẽ với nhau. Họ nói chuyện vui vẻ, hồn nhiện, tíu tít như một đứa trẻ quấn quýt bên cha mẹ. Họ thản nhiên nói về cuộc đời của họ, nói về con người của họ và ngay cả cái chết gần kề với họ nữa. Đối với họ, cái chết đến nhẹ nhàng như một điều tất yếu và họ đã sẵn sàng. Sau những giây phút trò chuyện ngắn ngủi, cha con chia tay họ ra về, những ánh mắt mến thương quyến luyến làm tâm hồn tôi cũng buâng khuâng. Trên đường về, cha kể về họ- những con người đã từng vật vã như thế nào để chiến đấu và giành sự sống. Sau đó, trong bữa cơm tối thân tình, chúng tôi được nghe các sơ các thầy kể về cộng việc phục vụ của mình.


Sáng hôm sau, sau Thánh lễ và điểm tâm, chúng tôi nói lời tạm biệt cộng đoàn. Buổi chia tay diển ra rtrong sự quyến luyến dù  mới chỉ gặp nhau  chưa đầy 24 tiếng. Chúng tôi trao cho nhau những lời chúc, những hứa hẹn, những lời dặn dò  và ước nguyện được trở lại Mai Linh, được gặp lại nhau và hơn nữa la được cùng nhau phục vụ. Nơi đây tuy xa lạ mà sao thấy thân thương. Nơi đây tôi học được nhiều điều: cuộc sống hòa hợp giữa những con người khác nhau, khác Dòng, nhưng cùng chung một lý tưởng, tinh thần dấn thân phục vụ bất chấp mọi gian khổ hiểm nguy, cũng như cách đón nhận cuộc sống cách lạc quan vui vẻ và thân thiện của những người bước vào những giây phút cuối cuộc đời. Những con người có lẽ gặp một lần và không bao giờ gặp lại nữa để lại trong lòng tôi một tình mến và một nỗi lòng khao khát trở lại nơi này mỗi khi có cơ hội.  

CHÚA NHẬT XV-TNB

Chân dung của Sứ giả Tin Mừng.
(Suy niệm của Lm Jos. Tạ Duy Tuyền)
Một cuộc đời đẹp là một cuộc đời dấn thân vì lợi ích cho tha nhân. Một tâm hồn thanh cao là tâm hồn luôn thanh thoát khỏi những bon chen vật chất, những vinh hoa phù phiếm mau qua. Đó chính là mẫu người mà xã hội hôm qua cũng như hôm nay đang cần, rất cần họ để điểm tô cho xã hội thêm phong phú nhờ những cống hiến vô vị lợi và đầy lòng quảng đại của họ.
Đó cũng chính là chân dung của các sứ giả Tin mừng. Họ đã để lại cho nhân thế những bước chân thật thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng đầy tình người. Họ là những người được tuyển chọn để cứu nhân độ thế. Họ dấn thân vào đời để giải cứu thế gian khỏi ba thù hiểm độc. Thế gian có quá nhiều mưu mô và xảo quyệt. Ma qủy có quá nhiều phương cách để cám dỗ. Họ cần phải ra đi với đôi chân nhẹ nhàng và lòng thanh thoát. Họ không được mang bao bị, không mang bạc tiền của nhân thế. Họ là những người chấp nhận cuộc sống nổi trôi "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Sứ mệnh của họ là đẩy lùi sự dữ và thi thố tình thuơng. Họ không thể bận tâm đến của cải thế gian. Họ không để lòng mình bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất và tiện nghi. Nếu họ quá quan tâm đến mình sẽ quên đồng loại. Nếu họ quá chú trọng đến vật chất sẽ dẫn đến lo hưởng thụ và tích góp cho bản thân. Thiện chí sẽ mất. Hướng đi sẽ chệch đường lạc lối. Lý tưởng ban đầu sẽ bị đảo ngược. Thay vì cứu đời sẽ chỉ còn lại sự lợi dụng địa vị chức quyền để vun quén cho bản thân.
Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày.
Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.
Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn. Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, tối mặt vì công việc, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò. Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn. Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình. Anh cưới vợ và sinh con. Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một cái áo rách. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật. Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều rất hấp dẫn để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam - Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm. Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình. Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một chiếc áo rách.
Thực vậy, vì tiền bạc, mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời.Vì tiền mà cái tính bổn thiện của con người ban đầu đã không còn. Vì tiền mà người ta có thể chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Đó là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền thật cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó chính là con dao hai lưỡi có thể làm hại cuộc đời chúng ta, nếu không khôn ngoan, sáng suốt để nhận định đúng giá trị của nó. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm của cải vật chất, chúng ta cần có đủ nghị lực khước từ mọi hành vi bất chính, mọi thoả hiệp với lừa đảo, gian trá của thế gian. Chúng ta không thể vì tiền mà đánh mất tính người. Vì tiền mà đánh mất tình người. Vì tiền mà lòng mang dạ sói để hại người, hại đời, để làm tôi cho ma quỷ sai khiến ra đi gieo vãi sự dữ cho trần gian.
Con người luôn hướng về sự thiện. Con người luôn mong muốn cống hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Đó chính là mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Thế nhưng ma quỷ luôn vẽ lối chúng ta đi sai đường Chúa. Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta, hãy lo tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa hơn là thế gian. Hãy để tâm làm việc phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Đừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi gía trị tinh thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống theo lời Chúa để được phúc lành mai sau. Vì "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ". Amen.

CHÚA NHẬT XIV-TNB