Cầu Nguyện Cho Tu Sĩ và Linh Mục


Để cứu độ con người, Thiên Chúa tình thương đã phải hạ giới "làm người giống như con người", là một con người trọn vẹn. Cuộc đời tại thế của Ngài kết thúc bằng một cái chết đau thương trên thập giá. Dù đã Phục Sinh nhưng Ngôi Lời nhập thể biết rằng Ngài không thể suốt đời suốt kiếp sống kề bên con người một cách nhãn tiền và hữu hình được sẽ đến lúc Ngài phải ra đi và đồng hành bên con người theo một cách thức khác. Thế nên trong khoảng thời gian còn ở dương thế, Ngài đã mời gọi một số người đến với mình, ở với mình nghe những lời giáo huấn của mình để sau này Ngài có thể sai họ đi, tiếp nối bước chân và sứ mạng cứu thế của Ngài.
Ai cũng được mời gọi bước theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Ngài, nhưng có một số người được Giêsu mời gọi theo một cách thức khác để ở với Ngài riêng tư hơn. Họ chưa hẳn là những con người xuất chúng hay lỗi lạc, cũng chưa hẳn họ là những người thánh thiện hơn, hiền hòa hơn, dễ thương hơn những người khác. Có khi họ cũng bồng bột như Phêrô, nỏng nảy như Giacôbê, cuồng nhiệt như Phaolô nhưng tiếng gọi đến với họ thật bất ngờ khiến nhiều khi bản thân họ cũng không thể nghĩ tới. Tiếng gọi ấy nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, êm dịu nhưng cuốn hút tâm hồn khiến họ cứ luôn nghĩ về nó mãi không thôi. Họ cũng là những con người bình thường như bao người khác, vẫn là những người nam người nữ muốn ăn sung mặc sướng, muốn có một tổ ấm cho tiêng mình, muốn được ấp ôm chiều chuộng, muốn được sở hữu ai đó làm của riêng, muốn sống một đời tự do tự tại thỏa mãn những sở thích của mình. Nhưng bỗng dưng một lời mời gọi lạ kì nào đó xuất hiện trong lòng và một phút bất ngờ nào đấy lôi kéo họ đến việc từ bỏ tất cả chỉ để đi tìm một sự thân mật riêng tư với Giêsu và phục vụ những con người khác.

Đi tu là chọn lựa tự do của mỗi cá nhân, nhưng đó không phải là sự chọn lựa do sở thích con người thúc đẩy. Tiên vàn nó xuất phát do một lời mời từ cõi trời vọng xuống trong tâm hồn người được chọn. Giỏi giang, thánh thiện, tài năng không phải là tiêu chí tối cần của một đời sống tu. Ngay cả bản thân người đi tu cũng không hiểu tại sao mình được chọn mà không phải là ai khác nổi trội hơn mình. Ơn gọi dâng hiến đích thực là một ơn ban, một quà tặng nhưng không của Chúa không phải là cái mà con người có thể sở đắc bằng khả năng của mình. Có những tu sĩ một đời chôn mình trong dòng kín, làm bạn với những câu kinh, những bài thánh ca ngợi khen Chúa. Họ lấy những công việc chân tay tầm thường nhỏ bé làm niềm vui, có người xông pha trên những biên cương xa lắc đối mặt với những sóng gió dặm trường gặp gỡ những con người ở phía cuối chân trời xa xôi, ngôn ngữ khác, văn hóa khác, có khi tính mạng cũng chẳng được đảm bảo ngày mai, có người sáng tối trò chuyện nâng đỡ những bệnh nhân sắp sửa bước vào cõi chết. Sự hiện diện và săn sóc, những lời hỏi han của họ dù có thể không làm người ta lành bệnh, nhưng cũng đủ để những bệnh nhân ấy nở một nụ cười tươi trước khi lìa thế. Hành trình xuôi ngược vượt non cao băng rừng sâu biển lớn để mang Tin Mừng đến cho những người khác là điều mà các Tu Sĩ dần trở nên thân quen. Nơi đâu vắng niềm vui, họ thắp lên hy vọng, nơi đâu đang tăm tối họ nhóm lửa yêu thương. Họ đi khắp tứ phương thiên hạ, mang trong tim hình bóng của Giêsu để sưởi ấm lòng Người, họ cứ đi mãi và chỉ dừng lại khi đôi chân không  còn bước đi được nữa. Dù được chọn lựa cách đặc biệt, nhưng các Tu Sĩ vẫn là những con người bình thường như bao người khác với những yếu đuối mỏng manh. Có những mệt mỏi đâu ai biết, có những phút cô đơn đến vô chừng, có những chán trường không ai thấu, có những lắng lo như gào xé con tim, người Tu Sĩ phải sống giữa căng thẳng, chân thì đạp đất mà đầu thì hướng về trời cao, cũng muốn được yêu thương nhưng không được phép nắm giữ. Họ sống trong thế gian nhưng lại không được để thế gian thống trị mình. Biết bao nhiêu nguy hiểm và cám dỗ đang rình rập các Tu Sĩ, lôi kéo họ đến chỗ phản bội lời thề hứa đã có với Chúa, xúi giục họ hãy bỏ Thập Giá Đức Kitô giữa đường. Chúng ta hãy dành ít phút cầu nguyện cho các Tu Sĩ, xin Chúa ban cho họ sức mạnh của Thánh Thần để họ ý thức về ơn gọi cao quý mà họ đã lãnh nhận. Xin cho họ biết tìm đến với Giêsu để nương ẩn mỗi khi thấy lòng bất an. Xin cho họ đừng bao giờ tìm bù trừ nơi đời sống dâng hiến nhưng biết chịu tiêu hao đi để ngọn lửa tình yêu của Đức Kitô được bừng cháy trên trần thế này.

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - B

  1. Tình người mục tử – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Có một thai nhi sắp được chào đời. Nó mới hỏi Thượng đế rằng: “Thưa Ngài, có phải ngày mai Ngài sẽ đưa con vào đời không?
Thượng đế trả lời: Đúng đó con ạ!
Đứa bé đáp: Nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?”.
Thượng đế đáp: “Hãy yên tâm, trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ ở bên con và chăm sóc con chu đáo”.
Đứa bé lại hỏi: “Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?”
Thượng đế trả lời: “Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những lời ngọt ngào và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dậy con biết nói những điều hay lẽ phải”.
- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Vậy, ai sẽ bảo vệ con?
- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của mình.
- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được thấy ngài nữa.
- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta mỗi khi lạc lối.
- Vậy thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con là gì?
- Tên của người không quan trọng, con chỉ giản đơn gọi người là Mẹ.
Nếu người mẹ cần thiết cho con cái thế nào, thì người mục tử cũng cần thiết cho đàn chiên như vậy. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục từ luôn sống vì lợi ích đàn chiên, luôn sống cho và vì đàn chiên. Người mục tử gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.
Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Ngài yêu thương con người nên đã mang lấy thân phận con người để cùng đồng hành với con người. Ngài đã cùng chia vui sẻ buồn với con người qua những thăng trầm của cuộc sống. Ngài đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ như một người đầy tớ phục vụ chủ nhân. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho đàn chiên được sống. Ngài còn hiến mình thành lương thực nuôi dưỡng đàn chiên qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.
Hình ảnh người mục tử còn là hình ảnh của những người cha, người mẹ đang ngày đêm lo lắng bảo vệ con con cái. Các ngài đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc các con. Các ngài đã trải qua những mưa nắng khắc nghiệt của dòng đời để mang lại cơm no áo ấm cho đàn con. Các ngài đã chấp nhận chịu tiêu hao như hạt lúa chịu mục nát đời mình cho con cái lớn khôn.
Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử hết lòng vì đàn chiên. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có cha, có mẹ luôn hết mình hy sinh cho chúng ta. Cám tạ Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách. Cám ơn Chúa vẫn nuôi dưỡng chúng ta trên đồng cỏ xanh tươi là bàn tiệc Thánh thể, nhờ đó mà ta được no thoả ân tình của Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta biết siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể. Xin đừng bao giờ để tâm hồn mình bị chết đói, chết khát ngay bên nguồn nước trong lành với đồng cỏ xanh tươi là Bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu với tình mục tử đã dọn sẵn cho chúng ta. Amen.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH-B



CHÍNH ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN
Lm. Giuse Trực

Sau khi sống lại, Đức Giêsu Kitô Phục Sinh đã hiện ra với nhiều người, ở nhiều nơi, có khi cùng một lúc. Sứ điệp của Đấng Phục Sinh trước hết là củng cố niềm tin cho những kẻ đi theo Ngài, rằng Ngài đã sống lại thực sự. Kế đến là sự bình an đích thực trong tâm hồn cho những kẻ tin vào Ngài, vì từ đây họ không còn sợ gì nữa. Và sau cùng là sứ mạng phải loan báo tin mừng Phục Sinh cho mọi người: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 48).

Lời của Đấng Phục Sinh vẫn vang vọng hôm nay dành cho mỗi người chúng ta, ngay trong nhà thờ này, khi chúng ta trở về gia đình, khi chúng ta đến lớp học, đến nơi làm việc, hay bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện: “Chính anh chị em là chứng nhân về những điều này”.

Rất nhiều người trong chúng ta sẽ ngỡ ngàng trước mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh. Chúa kêu mình làm chứng “về những điều này”, nhưng chúng ta chưa ý thức được mình phải có bổn phận làm chứng; hoặc chúng ta chưa biết phải làm chứng về điều gì; hoặc giả có ý thức làm chứng, có biết về điều làm chứng, nhưng không biết cách phải làm sao, phải làm như thế nào…

I. LÀM CHỨNG CHO ĐỨC GIÊSU KITÔ

1. Làm chứng về điều gì?
Trong suốt tuần Bát Nhật Phục Sinh, chúng ta đã được nghe lời rao giảng của các Tông đồ. Những lời rao giảng đó các nhà chú giải Thánh kinh gọi là Kerygma. Mỗi Kerygma cho dù có khác nhau trong những chi tiết, nhưng luôn luôn có 4 nội dung chính, là cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, cái chết của Ngài, việc Ngài sống lại, và kêu gọi người ta tin vào Ngài để được cứu độ.

Nói tóm lại, nội dung để chúng ta làm chứng là Đức Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta, và đã sống lại để chúng ta cũng được sống lại với Người trong sự sống mới.

2. Làm chứng như thế nào?
Bài đọc I là một Kerygma của Phêrô. Ông cho dân chúng thấy họ đã sai lầm khi đòi giết Đức Giêsu. Ngài đến thế gian này là quà tặng của Thiên Chúa ban cho nhân loại vì yêu thương nhân loại, vậy mà họ đã đồng loạt hô vang: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá”. Từ đó Phêrô mời gọi họ: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em”(Cv 3, 19).

Còn Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay ra một mệnh lệnh rất rõ ràng: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 47) .

Vì vậy cách thức để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô là mời gọi người khác hãy sám hối, từ bỏ đường lối sai lầm của mình để quay trở về với nẻo chính đường ngay. Mà con đường ngay thẳng nhất chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống”.

Từ đó chúng ta có thể tóm tắt đời sống đạo của chúng ta là phải từ bỏ những điều sai trái mới có thể tin và sống theo sự hướng dẫn của Đức Kitô. Nghĩa là phải biết sám hối luôn luôn. Đó cũng là cách để chúng ta làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh là làm sao để người khác có được sự hoán cải, từ bỏ đường xưa lối cũ để bước vào sự sống mới.

II. HÃY SÁM HỐI

Để trở thành nhân chứng, trước hết chính bản thân người làm chứng phải có sự sám hối để tin vào Tin Mừng. Nhưng chúng ta phải sám hối, phải hoán cải về điều gì?

1. Về niềm tin
Điều đầu tiên mà chúng ta cần phải sám hối là sám hối về niềm tin của mình. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Còn niềm tin là sự tín thác, là cách thức để chúng ta đón nhận ân ban đó.

Chắc chắn hạt giống đức tin đã được gieo vào tâm hồn của chúng ta, nhưng vì nhiều lý do, và nhất là vì đức tin còn non kém nên chúng ta vẫn chưa tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.

Thể hiện của việc chưa tin tưởng tuyệt đối vào Chúa là chúng ta chưa đặt Chúa ở vị trí số một trong cuộc đời. Chính vì vậy chúng ta cầu nguyện, đi lễ, làm việc lành theo cảm hứng, chứ không phải bằng một niềm xác tín; theo thời vụ chứ không phải luôn luôn suốt cả cuộc đời.

Chúng ta còn mê tin dị đoan vì chúng ta đặt Chúa ngang hàng với những thế lực khác. Đây là sai lầm lớn nhất của chúng ta, vì chúng ta đã hạ giá Chúa, đã tự hạ giá cuộc đời mình. Hạ giá Chúa vì chúng ta bắt Chúa làm những chuyện “tầm xàm ba láp” theo ý của chúng ta, trong khi Chúa làm cho chúng ta những điều cao cả, lớn lao hơn nhiều. Hạ giá chính bản thân mình vì nếu Chúa không đáng tin thì mình theo Chúa làm gì, người khác cười cho!

Người cha dẫn đứa con trai vào rừng săn thú. Đi qua một gốc cây lớn, đứa con trai đi theo phía sau với khoảng cách vài mét. Người cha có linh tính không lành. Ông quay lại và đúng là chuyện chẳng lành cho đứa con trai. Ông nhìn thẳng vào mặt của nó và ra lệnh: “Đứng yên tại chỗ, không nhúc nhích”. Rồi ông chĩa họng súng về hướng đứa bé: “Con có tin cha không?” Đứa bé gật đầu. Người cha nói: “Vậy thì con hãy nhắm mắt lại”. Tiếng súng vang lên, đứa con trai tưởng là chuyện gì đã xảy đến với mình. Nhưng ngay lúc đó, người cha chạy đến ôm nó vào lòng, ôm thật chặt vì ông biết rằng con trai mình vẫn còn sống. Sau khi đã bình tĩnh lại, người cha chỉ cho con trai thấy con rắn hổ mang rất lớn đã bị ông bắn hạ, vì lúc nảy nó ở ngay trên đầu đứa bé.

Tin tưởng vào ai là chúng ta biết rằng người đó yêu thương chúng ta, người đó không bao giờ làm hại chúng ta, người đó luôn mong muốn cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất… Trong cuộc đời này ai thương chúng ta nhất? ai không bao giờ làm hại chúng ta? ai có thể làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu? Chúng ta có tin Chúa của chúng ta như vậy không? Chúng ta có dám nhắm mắt để Chúa hành động  như đứa bé không?

2. Về cách sống
Sau khi đã sám hối về niềm tin, chúng ta cần phải sám hối về cách sống của mình.

Có những sự thật mà dường như ai trong chúng ta cũng nhận thấy. Sự thật đó là người Việt Nam ngày càng hung hăng hơn (dĩ nhiên không phải là tất cả) và giới trẻ ngày nay quá tự do chuyện tình dục.

Theo thống kê của bộ y tế, 6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong 7 ngày Tết Ất Mùi vừa qua. Đó là chưa kể những người đánh nhau nhưng đã được xử lý tại gia đình, đánh nhau nhưng không đến mức phải nhập viện… Mời rượu nhưng không uống, hay uống dối dẫn đến lời qua tiếng lại - đánh nhau; đứng chen lấn mua vé, va chạm mà không nói lời xin lỗi - đánh nhau; nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời - đánh nhau… Đôi lúc chỉ vì sự va chạm tình cờ trên đường phố cũng dẫn đến những trận thư hùng hỗn loạn. Đó là những lý do mà người ta rất hay bắt gặp trong cuộc sống thường ngày.

Đâu là những nguyên nhân khiến con người ngày càng hung hăng hơn? Nguyên nhân căn bản nhất là do gia đình và giáo dục học đường. Một trẻ em sinh ra trong gia đình suốt ngày nghe chửi lộn, chứng kiến cha mẹ, anh chị em, bà con hàng xóm xô xát lẫn nhau thì làm sao mà nó không ảnh hưởng tính hung hăng ngay từ bé. Trong trường học hai đứa bé đánh nhau, chưa biết thực hư như thế nào, phụ huynh lôi cả dòng họ, thậm chí cả côn đồ để “xử” thầy cô hoặc “bọn bên kia”. Nhà trường chưa biết dạy, hoặc dạy chưa đến nơi đến chốn, hoặc dạy mà chưa thực hành những chuyện lễ phép, nhường nhịn nhau. Châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” chưa áp dụng một cách quán triệt trong nhà trường một phần là do chính gia đình cản trở. Vì thế gia đình và trường học có sự phối hợp với nhau thì trẻ em mới tránh được tính hung hăng ngay từ nhỏ.

Nhưng điều quan trọng nhất là do chúng ta chưa có bác ái của Kitô giáo. Hãy chiêm ngắm, hãy nhìn Đức Kitô sống và chết cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ bớt đi tính hung hăng. Chúng ta là chứng nhân cho Đức Kitô khi chúng ta bỏ đi tính hung hăng của mình, đơn giản vì chúng ta sống tinh thần bác ái của Đức Kitô.

Điều kế tiếp mà gia đình và xã hội đang rất lo ngại là tình trạng giới trẻ ngày hôm nay quá tự do trong chuyện tình dục. Hay nói cách khác ma quỷ đã len lỏi vào xã hội tự do và dễ dãi làm cho giới trẻ xem tình dục chỉ là một thứ vui chơi, giải trí. Nhiều người xem thúc bách của tính dục giống như chuyện đói bụng, khát nước. Có nhu cầu là phải giải quyết. Nếu không có sẵn thì bỏ tiền ra mua.

Điều làm cho con người khác một con vật là họ có tâm hồn và lý trí để họ quyết định những điều làm cho tâm hồn họ trở nên trong sáng tốt và đẹp hơn. Tình dục phải gắn liền với tình yêu và trách nhiệm. Điều thứ hai quan trọng hơn mà các bạn trẻ chưa được trang bị, đó là tình dục chỉ để phục vụ đời sống hôn nhân gia đình, làm cho gia đình thêm hạnh phúc.

Những hiểm họa mà xã hội đang gánh chịu do việc dễ dãi trong chuyện tính dục là nạn nạo phá thai ở tuổi thanh thiếu niên; là việc suy đồi đạo đức; là việc con người xem thường những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình và xã hội; là việc con người nghiêng chiều về lối sống hưởng thụ... Gia đình, cha mẹ phải là những người chịu trách nhiệm trước hết vì họ không quan tâm đến con cái của mình, hoặc quá dễ dãi để con cái mình muốn làm gì thì làm. Kế đến là sự ngây thơ, khờ dại, ngu muội của các em gái. Ai là người đau khổ, thiệt thòi nhiều nhất trong hậu quả này? Đàn ông, con trai chỉ là tìm thỏa mãn thân xác thôi, chứ họ đâu biết đến đau khổ mà người con gái phải chịu. Sau cùng là lời cảnh tỉnh, mời gọi các bạn nam hãy sống cao thượng, sống đúng lương tâm của mình, sống đúng với sự mạnh mẽ của người đàn ông là yêu thương, bao bọc, chở che cho người khác chứ không phải là sự xúc phạm, gây đau khổ cho người khác.

Mức thấp nhất để sám hối là hãy biết rằng chúng ta không phải là một con vật để thích gì thì làm đó. Mức thứ hai, chúng ta còn là một con người có phẩm giá, đừng đánh mất phẩm giá đó trong những thứ đam mê thấp hèn. Mức cao nhất, chúng ta còn là hình ảnh của Thiên Chúa, đừng xúc phạm đến hình ảnh của Ngài qua bản thân chúng ta. Hãy biết hướng những đam mê của chúng ta đến những điều cao thượng hơn. Hãy biết cầu nguyện và sống hy sinh, khổ chế… đó là sự sám hối trong cách sống dễ dãi của chúng ta. Chúng ta sẽ là chứng nhân của Đấng Phục Sinh khi chúng ta biết sống trong sạch.

Căn bản niềm tin là Đức Giêsu Kitô đã sống lại hiển vinh để chúng ta cũng được sống lại với Ngài. Vì vậy hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Hãy biết sống ngay lành, tránh xa tính hung hăng, thiếu bác ái yêu thương; tránh xa những dục vọng thấp hèn để sống cho tình yêu đích thực như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta.

Làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh là mời gọi người khác hãy sống những giá trị mà chúng ta vừa xác quyết với nhau để được hạnh phúc thực sự với Chúa và trong Chúa.

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- B

Có một đoàn hát đi về một vùng quê để phục vụ. Trong đoàn hát có một anh hề rất nỗi tiếng, chuyên đem đến cho người xem những phút thư giãn quí báu. Chỉ cần anh xuất hiện, thì bất cứ một cử chỉ, một hành động nào của anh cũng đem lại cho người xem những liều thuốc bổ bằng những trận cười thoải mái. Nhưng chuyện không may lại xảy ra. Không biết vì lý do nào mà nơi cư ngụ của đoàn bị bốc cháy. Mọi người lo chạy chửa, còn anh hề lo đi tìm những người chung quanh đến phụ giúp. Nhưng khốn khổ thay, khi mọi người nhìn thấy anh, họ rất vui mừng, xúm lại chung quanh. Mặc cho anh nói gì, làm gì, họ chỉ có được những trận cười thỏa thích. Anh càng tỏ ra sự việc nguy hiểm, càng cầu khẩn, van xin, họ càng thích thú và cho rằng: Ở bên ngoài anh hề càng gần với thực tế thì càng biểu diễn xuất thần hơn. Thế là đoàn hát dành phải chịu như số phận nó đã được định như thế. Họ cố gắng được bao nhiêu thì chỉ có bấy nhiêu thôi, còn sứ mạng của anh hề để cứu cho đoàn kể như thất bại. Vì bao nhiêu người chỉ nhìn thấy chất hề nơi anh ta, cũng với một cung cách đó, cũng với những hành động đó, cũng với những kiểu nói đó và cùng với chính con người đó thì làm sao có thể thuyết phục được người nghe có một cái nhìn khác về anh ta được. Nghe qua bài Phúc Âm chắc có lẽ chúng ta không khỏi trách thầm Tôma tại sao lại quá cứng tin khi nghe các Tông Đồ tường thuật lại những gì mình đã chứng kiến, những gì mình đã nghe, những gì đã được chỉ bảo. Thử nhìn lại xem: cũng với những con người đó: Những con người đã từng phản bội, những con người đã từng hèn nhát , trốn chạy, những con người đã từng sợ sệt; cho đến giờ này, những thái độ đó vẫn còn hiện diện, không có gì thay đỗi. Làm sao Tôma có thể tin được lời: "Chúng tôi đã thấy Chúa, chúng tôi đã được nhận Thánh Thần, chúng tôi đã được sai đi . . ." Vậy mà giờ nầy họ vẫn còn ngồi ỳ ra đó, vẫn còn sợ sệt, vẫn còn bất động, thì thử hỏi các ông đã thấy, đã tin Chúa Sống lại như thế nào ? Nếu chính các ông không có thái độ tin thật sự, thì việc các ông báo lại cho người khác với một thái độ như thế thì làm sao người nghe có thể tin được, khi nhìn thấy lời nói và hành động hoàn toàn khác như thế. Vậy thì ai là người đáng trách ? Chúa Giêsu không trách Tôma, Ngài đã nhìn thấy, Ngài muốn củng cố lòng tin cho ông. Chúng ta thấy thái độ của ông rất đáng khâm phục : Ông đã tỏ thái độ xứng đáng của một người tin thật sự. Chắc là Ông không cần phải thực hiện lời nói của mình là : phải chạm đến, phải sờ vào. Nhưng khi ông cảm nhận được những gì Thiên Chúa đặt biệt đối xử với ông. Không còn cách nào khác hơn là ông phải tin. Không phải chỉ bằng lời nó suông nhưng bằng hành động cụ thể. "Phúc cho những ai không thấy mà tin." Lời chúc phúc dã trải qua 2000 năm lịch sử. Giờ đây chúng ta có cảm nhận được Lời Chúc đó cho chính mình, hay chúng ta vẫn ngỡ rằng : Lời đó cho ai chứ không phải cho tôi. Vậy thì chúng ta vẫn còn mang nặng tâm trạng của các Tông Đồ khi xưa. Chỉ nhìn thấy nỗi thống khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Hình khổ thập giá vẫn đè nặng trên con người chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày. Đó là chúng ta chỉ nhìn thấy những vất vã của cuộc đời, nên nỗi bi oan thống khổ luôn đè nặng trong tâm trí. Mặc dù Chúa đã sống lại, đã hiện ra, đã truyền lệnh và đã chúc phúc. Trải qua bao nhiêu năm của cuộc đời, chúng ta vẫn ngồi yên bất động, không có chút gì thay đỗi trong cuộc sống. Chúng ta vẫn trình bày bộ mặt thảm sầu của cây thập giá qua cách sống của chính mình. Nhiều khi chúng ta cũng cố gắng thực hiện lệnh truyền của Chúa phục sinh: thông báo cho mọi người biết nhưng không kết quả, vì chúng ta chỉ dùng lời nói, nhưng hành động lại hoàn toàn khác. Chúng ta hay phiền trách người này người nọ cứng tin, chúng ta chỉ biết quy lỗi cho người. Nhưng có khi nào tự nhìn lại bản thân, nhìn lại cách sống của chính mình xem. Chúng ta chưa sống thật với Lời chúc phúc, cũng chưa sống được với niềm vui phục sinh mà chúng ta đã lãnh nhận, thì làm sao thông báo cho ai được. Dùng lời lẽ để chứng minh cho đức tin là một điều tốt, nhưng tốt hơn và cần hơn là hành động cho người khác thấy niềm tin của mình. Đó chính là điều mà các bạn của Tôma lẽ ra phải có, nhưng không có. Còn chúng ta, chẵng lẽ trong cuộc sống đời thường, mình cũng vẫn là một anh hề trên sân khấu, để đến khi kết cuộc chúng ta không có điều gì có thể tin được sao ? Như vậy, hậu quả chúng ta sẽ lãnh nhận được như thế nào ? Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người nhận được sự sống mới của Chúa, và biết sống sự sống mới, sự Phục Sinh trong cuộc sống đời thường.

CÁC BIỂU TƯỢNG LỄ PHỤC SINH

MÙA PHỤC SINH


Ý nghĩa của các biểu tượng Lễ Phục Sinh  

Góp nhặt
Lửa phục sinh (Osterfeuer/ Easterfire) 


Người ở vùng quê sống đời nông nghiệp vui mừng mùa đông giá lạnh đi qua, xuân đến bắt đầu gieo trồng rồi gặt hái, nguồn gốc lửa phục sinh ngày xưa được đốt lên từ những cánh đồng trong đêm đầu tiên phục sinh, từ đó sẽ thắp lên ánh nến phục sinh. Ngọn lửa sưởi ấm mùa đông dài lạnh lẽo vì thời xa xưa không đủ tiện nghi như ngày nay có lò sưởi điện..Người Ai Cập từng tôn thờ thần mặt trời xem ánh lửa như thần thiêng. miền bắc Na Uy không có mặt trời, mặt trời tái xuất hiện vào cuối tháng giêng khoảng 4 phút, học sinh ở Trombo nghỉ học một ngày để chào mừng ánh mặt trời, ngược lại mùa hè đêm 23 tháng 7 thì mặt trời không hề lặn, không có mặt trời thì trên trái đất nầy sẽ không có sự sống, vì thế ánh lửa phục sinh cũng là nguồn sống của con người, lửa phục sinh tượng trưng cho ánh sáng mới mà chúa đã mang đến cho chúng ta, từ năm 750 ở Pháp đã có phong tục đốt lửa phục sinh, thời sơ khai người ta dùng hai hòn đá đánh cho xẹt ra lửa, rồi từ từ biết dùng khí đốt. Đến thế kỷ thứ 11 ở Đức đã dùng ánh lửa như một sự dâng hiến trong các nghi lễ về Tôn giáo. 



Nến phục sinh (Osterkerze/ Eastercandle) 



Các Tôn giáo đều sử dụng nến (đèn cầy) đốt sáng trên bàn thờ, ánh sáng nến có thể đem vào nơi tối tăm, năm 384 lần đầu tiên ở Piacenca thánh Hieronymus (347- 419) viết trong thư Tôn đồ về ý nghiã biểu tượng của nến phục sinh là sự sống .đến năm 417 Giáo Hoàng Zosimus cùng công nhận biểu tượng đó là sự chết và sống lại của Chúa Jesus. Từ thế kỷ thứ 7 thánh điạ La Mã công nhận và sử dụng nến phục sinh cho đến thế kỷ thứ 10 được các quốc gia theo Thiên chúa sử dụng cho đến thế giới ngày nay . 



Nến Phục sinh được đốt lên từ đống lửa trước nhà thờ trong đêm phục sinh được thánh hóa theo phong tục lâu đời. Nến đốt sáng được rước vào nhà thờ, Tín đồ sẽ thắp nến của mình từ cây nến phục sinh cả nhà thờ được rực sáng bởi ánh nến là dấu hiệu của sự sống, chiến thắng được tội lỗi và sự chết. mọi người reo mừng "Christus ist das Licht- Gott sei ewig Dank" Ngày phục sinh cây nến có ghi hình thánh giá hay khắc tia ánh sáng mặt trời hay dòng nước..Trên nến có cắm 5 dấu đinh, phía trên ghi mẫu tự Alpha và bên dưới mẫu tự Omega với ý nghiã đầu tiên và cuối cùng của tiếng Hy Lạp, tượng trưng cho chúa Jesu là khởi đầu và cuối cùng, chung quanh cây nến ghi năm để nói lên " Chúa Jesus là Đấng cứu độ từ khởi đầu, hôm nay và mãi mãi "Trong các lễ rửa tội, hay lễ an táng nến phục sinh được đốt sáng. 



Trứng (Ostereier/ Easter egg) 



Từ thế kỷ thứ 12, Thứ bảy phục sinh Ostersamstag người ta nấu trứng gà chín và sơn màu sắc sặc sở với những ý nghiã đẹp : màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch màu cam cho sức mạnh .. bỏ trứng trong giỏ với những thức ăn khác mang đến nhà thờ. Trứng còn biểu tượng cho sự khởi nguyên của sự sống, bởi vậy theo truyền thuyết người chết được tẩm liệm người ta để trong quan tài một cái trứng biểu tượng cho cứu chuộc và sự sống đời sau, trên quan tài người chết thường cúng cơm có trứng gà. Người ta quan niệm con gà con tự mổ vỏ trứng chui ra, Chúa Jesu bị hành hạ đánh đập qua những đoạn đường dài khổ cực vác thánh giá rồi bị đóng đinh chết an táng trong ngôi mộ đá đã đập vỡ cửa mồ và sống lại. 



Thỏ phục sinh Osterhase/ Easter bunny 



Các chuyện thần thoại hay trong dân gian đều có chuyện vui giúp đời như con thỏ là con vật hiền lành không làm hại sinh vật nào,Thỏ không có khả năng tấn công hoặc gây nguy hại cho các loài động vật khác, nhưng lại thường xuyên bị những con như sói, báo, chim ưng, cú... uy hiếp. Chính vì vậy, thỏ thường xuyên phải vểnh tai để chú ý xem bốn phía chung quanh có động tĩnh giø không, nhằm đề phòng bất trắc. Trong hoàn cảnh khắp nơi là kẻ địch như vậy, nên đôi tai của thỏ đặc biệt to dài nghe rất thính để chạy trốn khi nghe tiếng động trước sự tấn công. 



Nữ thần ái tình Hy Lạp "Liebesgưttin Aphrodite" cho đến Nữ Thổ Thần Nhật nhĩ Nam "Erdgưttin Holda" đều yêu chuộng thỏ. Ở Byzanz Tây Ban Nha các nhà biểu tượng học xem biểu tượng con thỏ là một Thiên sứ. Mãi cho đến thế kỷ thứ 16 nhiều điạ phương đã quan niệm các con thú khác như cáo, gà, cò chim cu, hạt, cú đã mang trứng đi giấu ..Thỏ sống cách đây 55 triệu năm bộ xương thỏ vừa được khai quật ở Mông Cổ. Gomphos elkema, tên của con vật, là thành viên cổ nhất trong họ nhà thỏ từng được tìm thấy. Phân tích Gomphos đã cho thấy, thỏ hiện đại, cùng với các loài thú khác, đã xuất hiện sau thời kỳ khủng long. Các nhà sinh vật học cho biết thỏ sinh sản nhiều, nhưng chú thỏ phục sinh xuất hiện từ năm 1678 do một giáo sư y khoa Von Georg Franck ở Franckenau dạy đại học Heidelberg công nhận thỏ là biểu tượng của sự sinh nở phong phú, một con thỏ mẹ hàng năm có thể đẻ 20 thỏ con, mùa xuân với cỏ non làm thực phẩm cho các chú thỏ con vừa chào đời, vào tận trong vườn để tìm thức ăn, trứng phục sinh được sơn nhiều màu, người lớn đã cắt nghiã do các chú thỏ mang tới, từ đó có thỏ và trứng. Từ thành phố zurich Thuỵ Sĩ là nơi phát họa ra chú thỏ và cái trứng trong mùa phục sinh. Sau đó các hãng sản xuất kẹo bánh, không bỏ cơ hội buôn bán từ năm 1875 sản xuất những chú thỏ bằng schololate làm bằng tay, mãi cho đến đầu thế kỷ 20 mới sản xuất bằng máy theo kỷ nghệ 



Hoa phục sinh 



Người Đức thường dùng cành cây tươi, treo những cái vỏ trứng gà, sơn nhiều màu và những con thỏ nhỏ bằng schocolat cho trẻ em, và các loại hoa thường dùng như Thủy tiên Osterglocken/daffodil; Uất kim cương Tulpen/Tulip; Phong tín tử Hyazinthen/hyacinth; Cúc đồng Gaenebluemchen/ dasiy; Bồ công anh Loewenzahn/ dandetion; Mao cấn Hahnenfuss/ buttercup.. 



Mùa phục sinh bên quê nhà thì nắng ấm, năm nay nhiều nơi hạn hán không đủ nước cho các vụ mùa, thời tiết mỗi lục địa khác nhau, nhưng những mùa lễ Giáng Sinh, Phục sinh đều giống nhau. Trước 1975 Việt Nam Nam Bắc chia đôi, sinh hoạt đời sống về an sinh bị khó khăn, những ngày lễ cũng giới hạn với giai đoạn chiến tranh. Ngày nay Việt Nam thanh bình thường tổ chức các lễ hội như đi Chùa Hương, giỗ Tổ Hùng Vương, Trung Thu, Giáng sinh, lễ hoa Đà lạt, lễ tế Nam Giao và nhiều lễ hội khác ở các điạ phương tổ chức linh điønh nhằm phục tồn truyền thống văn hoá cổ truyền, ngay cả ngày lễ tinh yêu (Valentinstag) trước đó Việt nam chưa từng thực hiện, nhưng ngày nay các chàng dù nghèo cũng dành tiền mua cho người yêu một đóa hoa hồng, một món quà nhỏ, như người xưa đã nói "phú quý sinh lễ nghĩa". 



Hy vọng đời sống phát triển về kinh tế dân trí và dân quyền cũng phát triển theo, để quê hương chúng ta bớt nghèo đói và lạc hậu. Các nước Tây phương vật chất đầy đủ, sau lễ Giáng Sinh Tết, ngày tình yêu... lễ hội hoá trang, tiếp đến lễ Phục sinh các siêu thị lớn, nhỏ đều bày bán những con thỏ bằng Chocolat, trứng sơn đủ màu và những thiệp Chúc Mừng Phục Sinh

THƯ CHÚC MỪNG PHỤC SINH CỦA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN

Chị em thân mến !
Tất cả sự tồn tại, tất cả con người chúng ta phải rao giang Tin Mừng trên mái nhà. Tất cả con người chúng ta phải phản chiếu Đức Giêsu, mọi hành động, mọi cuộc sống của chúng ta phải gào rằng : Chúng ta đang sống cho Đức Giêsu và chúng phải trao ban một đời sống tin mừng. (Charle Foucauld).
« Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui ». Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc, không cần đi tìm hạnh phúc ở nơi khác ; chứng tỏ rằng tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui ; chứng tỏ rằng sự trao ban trong việc phục vụ Giáo Hội, các gia đình, các người trẻ, các người già, các người nghèo giúp cho chúng ta đạt được sự thành tựu bản thân và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc đời. ( ĐTC Phanxico).
Chỉ có Đức Kitô Phục Sinh có thể ban cho chúng ta mọi ân sủng ! Ngài vẫn đang sống giữa chúng ta ! Alleluia ! Hãy sống tỉnh thức !

Chúc Mừng lễ Phục Sinh !

Thân ái !

     
Sr Cléonice Cardoso - Prieure Générale


Paris, Pâques 2015