ĐƯỢC THỤ THAI BỞI HÃM HIẾP, TẠ ƠN CHÚA TÔI KHÔNG BỊ PHÁ THAI


“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo; dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.
Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách của Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Thánh Vịnh 139, 13-16)
Tôi luôn ý thức rằng mình là một người con nuôi. Tôi nhớ cảnh cha mẹ tôi đã phải đặt tôi ngồi xuống, và giải thích mọi chuyện cho tôi. Tôi đã khóc cho tới khi ngủ thiếp đi bởi ý nghĩ rằng, họ không phải là cha mẹ ruột của tôi. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi và tổn thương vì điều đó.
Họ yêu tôi rất nhiều và muốn giúp tôi giải quyết những cảm xúc tuôn trào ấy, nhưng họ không biết nó đau đến thế nào. Họ không thể biết được. Họ biết cha mẹ mình. Nhưng tôi thì không.
Cuộc đấu tranh nội tâm ấy tiếp diễn trong nhiều năm. Tôi đã không biết rằng mình chỉ biết một phần câu chuyện. Và đến tận trung học, tôi mới phát hiện ra rằng: mẹ đẻ của tôi đã bị hãm hiếp.
Tôi đã không ngừng tưởng tượng ra cảnh tượng ấy trong tâm trí mình – và làm thế nào mà gần như tôi không thể được sinh ra trên đời. Một phụ nữ trẻ được bạn trai hẹn hò và đưa đón vào một buổi tối trong thành phố. Anh ta quyến rũ và có tài thuyết phục. Buổi tối ấy thật tuyệt, và mọi thứ bỗng trở nên tồi tệ. Cô ấy đã bị hãm hiếp trong buổi hẹn hò.
Chín tháng sau, tôi được sinh ra trong thế giới, bởi một người mẹ không hề mong muốn tôi – thậm chí chẳng muốn biết tôi là trai hay gái. Không được yêu thương, không được mong muốn, nhưng tôi đã may mắn được cứu thoát khỏi sự tàn bạo của nạo phá thai, thứ tội ác mà chẳng hiểu tại sao lại được chấp nhận trong xã hội của chúng ta.
Tôi đã từng có ý nghĩ rằng, mày là sản phẩm của tội ác, số phận đã định đoạt rằng mày chẳng làm nên trò trống gì cả. Đó là điều mà ma quỷ nói với tôi.
Trong nhiều năm, tôi đã phải sống với những cảm giác, những ý nghĩ dai dẳng và đáng ghét đó – cái cảm giác rằng số phận đã dành cho tôi điều gì đó khủng khiếp bởi cái cách mà tôi được sinh ra. Tôi thật đáng thảm hại, hoặc ít nhất đó là điều mà tôi luôn tự nói với mình.
Tôi đã có những ngày, những tuần, những tháng vui vẻ… nhưng rồi lại ủ dột trở lại. Tôi vẫn nhớ rõ ràng những gì xảy ra vào ngày hôm đó, Satan đã làm cho những lời nói rất tình cờ của mẹ tôi từ sự thật trở thành lời nói dối. Tôi đã không nói với chính mình rằng mình sẽ chẳng làm nên trò trống gì, mà là ma quỷ nói với tôi rằng mày sẽ chẳng làm nên trò trống gì – bất cứ điều gì cũng có thể làm tôi ngã lòng và đặt câu hỏi về mục đích cuộc đời tôi.
Ai có thể tưởng tượng rằng mình bị hãm hiếp và rồi phát hiện ra rằng mình đang mang trong bụng đứa con của gã đàn ông đó?
Khi còn là học sinh trung học, tôi đã biện minh rằng phá thai có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh bị hãm hiếp – ý tôi là, làm sao bạn có thể mong đợi một phụ nữ chịu mang thai một đứa trẻ bởi hành vi tội ác khủng khiếp đó? Khoan đã, đó phải chăng là chính tôi… tôi đã đặt câu hỏi về mọi thứ: giá trị của bản thân và thậm chí cả sự tồn tại của chính mình.
Ý nghĩ tự tử đến và đi. Chỉ cho đến khi tôi tìm kiếm tiếng nói của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, thì ý nghĩ đó mới bắt đầu biến mất.
Tôi hầu như chẳng biết rằng Thiên Chúa mời gọi tôi đến với Ngài. Ngài muốn gọi tôi ư? Không thể thế được – Ngài đâu biết gì về tôi, chẳng biết tôi từ đâu tới… “Đúng rồi, Ashley, Ta muốn con,” Tôi mở cuốn Kinh Thánh của mình, tới sách Ngôn sứ Giê-rê-mi-a chương I, câu 5: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi; Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.”
Ngài biết tôi, Ngài đã dựng nên tôi, Ngài yêu tôi. Bạn thấy đấy, tôi không phải là một sản phẩm lỗi. Thiên Chúa biết điều gì sẽ xảy ra, ngài biết ngày được thành hình, và có một kế hoạch lớn lao hơn cho tôi, mà không ai có thể hiểu hết được. Thậm chí cha mẹ nuôi của tôi cũng không thể hiểu được, Cha trên trời của tôi đã mặc khải cho tôi ý nghĩa và mục đích mà Ngài đã ghi khắc vào cuộc đời tôi.
Thiên Chúa biến sự dữ thành sự lành. Tôi là con của Thiên Chúa! Ngài đã làm cho tôi được nhận nuôi, và công trình lộng lẫy của Ngài thật tốt đẹp, vững chắc và kỳ diệu. Tôi ở đây để chia sẻ Tin Mừng, và kế hoạch Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn và tôi. Tôi sống sót – không phải vì một sai lầm, mà nhờ hồng ân Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta đều phải nhớ rằng Thiên Chúa có kế hoạch cho cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể không thấy và không hiểu hết nó là gì. Tất cả những gì chúng ta có thể làm hàng ngày là tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Chúng ta không được nản chí, khi cảm thấy rằng thế giới đã quay lưng lại với mình, nó phải như vậy.
Nhưng Thiên Chúa không quay lưng với chúng ta. Ngài đã, và vẫn đang làm chủ mọi sự. Bởi tôi đã được hoài thai và chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt, nên tôi có cơ hội tuyệt vời để lên tiếng chống phá thai và chia sẻ tình yêu của Đức Kitô cho những người đang thiếu.
Hàng ngày tôi đều nhắc nhở mình rằng kế hoạch của Thiên Chúa thì hoàn hảo. Tôi có diễm phúc được viết và nói về những gì Ngài đã làm cho tôi và thông qua tôi. Xin ngợi khen Thiên Chúa bởi sự mặc khải của Ngài trong sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Vì chính Ta đã biết các kế hoạch Ta định làm cho ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa – kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng.” (Gr 29, 11)
* Ashley Lawton là một nhà văn, một nhiếp ảnh gia và là một diễn giả Kitô giáo, bà yêu thích việc chia sẻ lời chứng bảo vệ sự sống của mình. Hiện bà đang cùng chồng và hai con nhỏ sống ở Greenville, Nam Carolina.
Hà An, dịch từ Lifesite - Thái Hà

MÙA CAO ĐIỂM CHO KẺ THÙ CỦA TÔN GIÁO

Đây là những ngày khó khăn cho những người tin vào thể chế Giáo Hội và tôn giáo. Ngày nào cũng có tin tức nói về tội lỗi, tham nhũng, lạm dụng quyền uy, cuồng tín sai lạc, niềm tin bị phản bội – tất cả đều được làm nhân danh tôn giáo hay dưới vỏ bọc tôn giáo!
Tệ nạn ấu dâm nơi các linh mục Công Giáo La Mã, các vụ tai tiếng tình dục và tiền bạc nơi các nhà truyền giáo trên truyền hình, các vụ bắt cóc làm con tin,  các vụ ném bom do những người chính thống quá khích Ả-rập, Công giáo Ai-len và Hồi giáo Sikh, những vụ này và các vụ khác ít tai tiếng hơn in đầy ở các trang nhất. Có người nói, “đây là vụ Watergate của Giáo Hội!”

Vì thế, việc nhiều người bị lung lay đức tin là chuyện dễ hiểu. Niềm tin, một khi bị phản bội thì khó khôi phục. Vào thời kỳ đẹp nhất, lòng tin vào thể chế tôn giáo đã khó, bây giờ với các vỡ mộng như thế này thì càng ngày tín hữu càng nghĩ tốt hơn là sống độc lập, không cần đến thể chế Giáo Hội.

Ngoài ra, đối với những người xem thường hay phớt lờ thể chế tôn giáo (người theo thuyết bất khả tri, chống tôn giáo, chống hàng giáo sĩ), thì đây là mùa cao điểm.

Tất cả tai tiếng này góp phần củng cố thêm mối hoài nghi đã có sẵn nơi họ. Tôn giáo là trò lừa bịp; trên thực tế thể chế Giáo Hội chỉ để phục vụ quyền lợi cho những người tổ chức nó; độc thân trong Giáo Hội La Mã chỉ là bề mặt; mỗi người có một quan điểm riêng; trong Giáo Hội cũng như bất cứ đâu, tình dục và tiền bạc là tiếng nói cuối cùng: phần cơ chế của tôn giáo là phần làm hỏng đức tin; lòng hy sinh không vụ lợi không có trong các giáo hội; người ta có thể sống tốt mà không cần đến tổ chức tôn giáo; Đức Giê-su xây dựng nước trời, con người xây nhà thờ. Tất cả các biểu hiện kiểu Watergate này cuối cùng đang phơi bày sự thật!

Nói gì và làm gì khi đối diện với các chuyện này?

Mọi chữa lành đều bắt đầu bằng cách nạo vết thương. Dù đau đớn và nhục nhã trước các chuyện này, chúng ta nên biết ơn vì sự thật đã được phơi bày. Về lâu dài, sự thật sẽ làm cho chúng ta tự do.

Ngắn hạn thì, chẩn đoán không được tích cực cho lắm. Chúng ta phải chuẩn bị cho một mùa, có lẽ sẽ rất dài, của đau đớn triền miên, của bối rối và bào mòn đức tin. Chúng ta phải chấp nhận nó, chấp nhận mà không tủi thân, không hợp lý hóa, không biện minh cho sự non nớt, hoặc mọi cố gắng làm dịu độ nặng của các tai tiếng này. Một phần chúng ta có bệnh và, vì vi rút đã tiêm nhiễm vào cơ thể, nó sẽ đi theo tiến trình của nó và cơ thể, đau đớn, nóng sốt, phải xây dựng một hệ thống miễn dịch mới. Ngắn hạn, chúng ta chỉ có thể làm theo sách Ai Ca khuyên: “Hãy nếm bụi tro và chờ đợi!”

Ngoài điều ấy ra, ai trong chúng ta không trực tiếp liên quan đến các tai tiếng này, dù trên phương diện cá nhân hoặc tập thể, phải cự lại cám dỗ tách mình ra khỏi Giáo Hội với thái độ, “Đừng nhìn tôi, tôi vô tội, đây là vấn đề của người khác, không phải của tôi!”

Đó là vấn đề của chúng ta, dù chúng ta vô tội hay có tội. Mọi kitô hữu, cũng như tất cả tín hữu chân thành đều là một thân thể. Thân thể Đức Ki-tô. Tất cả chúng ta đều ở cùng trong thân thể này, với Đức Kitô. Chúng ta có thể không dễ dàng hiệp thông với nhau trong giây phút ân sủng của Giáo Hội, các thánh, các thánh tử đạo, và các thành tựu đáng hãnh diện, thì chúng ta nhanh chóng tách biệt mình ra khỏi lịch sử tối tăm, các tranh chấp, tội lỗi, nạn ấu dâm và tai tiếng tình dục và tiền bạc của Giáo Hội. Là thành viên của Giáo Hội, là tín hữu, là liên kết với ân sủng và tội lỗi.

Trong bối cảnh này, cần nhấn mạnh Đức Kitô đã chết giữa hai người kẻ trộm. Chúa vô tội; họ có tội. Tuy nhiên, vì sự hy sinh của Người trong bối cảnh này, Chúa bị phán xét như người kẻ trộm, những người hiện diện lúc đó xem Chúa cũng xấu như hai người kẻ trộm. Dân chúng nhìn vào thập giá mà không phân biệt được ai có tội, ai không. Họ đánh giá những gì họ thấy như nhau. Đối với họ, ai bị đóng đinh đều giống nhau.

Giáo Hội lúc nào cũng bị phán xét theo cách đó. Là thành viên của Giáo Hội là liên đới với cộng đoàn, với tội lỗi và với những người có tội. Đức Ki-tô là mục tiêu của ngờ vực và hiểu lầm. Mọi cáo buộc đều nhắm hết vào Người. Với Giáo Hội của Người, điều này cũng sẽ luôn luôn đúng.

Giống như Đức Ki-tô, Giáo Hội luôn bị những người ở ngoài phán xét, theo công thức chống đối, đây là tổ chức của những người lạm dụng trẻ em, bịp bợm, dối trá, trộm lành và trộm dữ. Thập giá của Đức Kitô vẫn tiếp diễn và vẫn đồng hành theo các bi kịch cá nhân của những người tội lỗi chân thành cũng như không chân thành. Đức Ki-tô luôn luôn bị đóng đinh giữa các kẻ trộm.

Tuy nhiên Giáo Hội không cần phải đưa ra một biện minh đặc biệt nào cho chuyện này. Đức Giê-su đã có mặt ở đó. Tại sao Giáo Hội không có mặt ở đó?

Cách đây một thế kỷ, Thần học gia Tin lành, Friedrich Schleiermacher đã nói trong cuốn Các bài nói chuyện với những người khinh nền văn hóa tôn giáo (Speeches to the Cultured Despisers of Religion) rằng, lúc nào cũng có cám dỗ khinh miệt tôn giáo dưới vỏ bọc tích cực, nhất là dưới khía cạnh lịch sử cụ thể trong các giáo hội nơi mà, giáo hội  bị vướng mắc một cách vô vọng và bất lực với tội lỗi, nhỏ nhen và các nhược điểm của người bình thường. Lúc nào cũng có cám dỗ nói rằng, “Tôi có thể luận giải về Thiên Chúa, nhưng tôi sẽ không dính líu đến tất cả các xáo trộn của con người mà chúng ta gọi là Giáo Hội này!”

Câu nói đó là câu nói của người dị giáo. Đó là cũng là câu nói của người muốn từ bỏ Đức Ki-tô để theo ngẫu tượng. Đức Ki-tô đi với những người tội lỗi, ăn uống với họ, bị cáo buộc với họ và chết cùng họ. Giáo Hội đúng khi liên đới với Người, đặc biệt trong chuyện này. Gần đây Giáo Hội đã chết đi với nhiều người tội lỗi. Giáo Hội vẫn đang bị nhục – nhưng, đó là thập giá!

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Nguyễn Kim An dịch
(phanxico.vn 22.06.2019)

SỐNG CĂN TÍNH ĐỜI TU

Dường như có một tỷ lệ nghịch trong đời sống con người ngày nay. Khi đời sống vật chất càng tiện nghi đủ đầy thì con người càng xa lánh và chạy trốn Thiên Chúa; muốn thoát khỏi những giá trị thiêng thánh.
Hành trình dâng hiến không luôn là một hành trình dễ dàng. Thật vậy, để có thể trở nên một người môn đệ đích thực bước theo Đức Kitô, người tu sĩ phải luôn nhạy bén nhận diện những thách đố hầu có thể vượt thắng. Những thách đố ấy có thể đến từ chính trong bản thân mỗi người, nơi cộng đoàn mà người tu sĩ thuộc về và cũng là những thách đố mà xã hội ngày nay đặt ra. Bài viết dưới đây là những suy tư cá nhân xoay quanh chủ đề trên.

1. Những giới hạn của cá nhân và cộng đoàn
Một trong những thách đố đặt ra cho không ít Hội Dòng hiện nay chính là sự “già hóa” trong các thành viên. Qủa vậy, do ảnh hưởng của môi trường xã hội và những yếu tố khách quan lẫn chủ quan làm cho các mầm non ơn gọi đang ngày càng giảm sút, trong khi đó các tu sĩ sống trong các Hội Dòng mỗi ngày trở nên lớn tuổi. Chính vì thế, trong không ít Hội Dòng có thực trạng một số thành viên phải đáp ứng nhu cầu công việc cách quá tải; kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Điều này dễ khiến người tu sĩ bị cuốn hút theo công việc hay sứ vụ mà quên đi chiều kích thiêng liêng của đời tu.

Ngoài ra, sống trong xã hội ngày nay không ít các người trẻ hẳn đã ít nhiều lĩnh hội một lối giáo dục và tư duy mang nặng tính chất giải thiêng, tục hóa và thực dụng. Nhiều tu sĩ thường chỉ đánh giá con người và các thực tại theo vẻ bên ngoài hoặc thành quả công việc mà bỏ quên mất rằng để có thể có một nhận định khách quan và đúng đắn về một con người phải dựa trên rất nhiều yếu tố.

Yếu tố môi trường xã hội và thực tế trong đời tu thực sự là một thách đố lớn với các nhà đào tạo. Đôi khi vì muốn chạy đua với thời gian, không ít người trẻ được chọn gọi cách thiếu cân xứng, chưa lĩnh hội một nền tảng đào tạo vững chắc. Thậm chí không ít các ứng viên chưa có được sự được đồng hành cách nghiêm túc và xứng hợp từ những người có trách nhiệm trong suốt quá trình đào tạo. Điều này gây nên một lỗ hổng khá lớn cho sự phát triển và triển nở tròn đầy của các ứng viên nói riêng và sự phát triển bền vững của Hội dòng nói chung.

Một thách đố khác đặt ra cho các Hội Dòng rất có thể là khả năng hy sinh và đáp trả. Thật vậy, khả năng sống hy sinh và tiết độ không cao sẽ là một trở ngại rất lớn cho sự phát triển tròn đầy và khả năng đáp trả của người tu sĩ. Lối sống tiết độ đã được thực hành và đón nhận trong Hội Thánh. Đây là một trong những đòi hỏi đối với người tu sĩ. Tuy vậy, ngày nay người trẻ sợ sống khổ chế và ngại nói đến khổ chế vì dễ bị coi “lạc hậu”. Lối sống này với nhiều người có vẻ quá xa lạ và bất khả thi. Khả năng đáp trả không cao sẽ dẫn đến sự phai nhạt theo tháng năm; mất đi tình yêu mến nhiệt thành thuở ban đầu. Ngọn lửa mến trong người tu sĩ kém nồng nàn thậm chí đôi khi tắt lịm trước Thiên Chúa và tha nhân.

2. Những bận tâm với giá trị thế trần
Dường như có một tỷ lệ nghịch trong đời sống con người ngày nay. Khi đời sống vật chất càng tiện nghi đủ đầy thì con người càng xa lánh và chạy trốn Thiên Chúa; muốn thoát khỏi những giá trị thiêng thánh. Một tâm thế quá dính bén và bận tâm với trần thế và của cải vật chất khiến người tu sĩ dần mất đi cảm thức thánh thiêng về Thiên Chúa. Hệ quả là nơi người tu sĩ dần mất đi lòng nhiệt thành và dấn thân để đáp trả trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

Não trạng này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến các mầm non ơn gọi và chính ngay các tu sĩ đã tuyên khấn. Họ dần đánh mất thao thức tông đồ và tinh thần thừa sai. Chỉ muốn tìm an toàn trong vỏ ốc của chính mình. Mất đi những sáng kiến và lòng hăng hái cho sứ vụ. Thật vậy, thế giới vật chất quá hấp dẫn và lôi cuốn ngày nay phần nào khiến người tu sĩ có cái nhìn không còn đậm ánh nhìn của Giêsu. Thay thế những giá trị Tin Mừng bằng những giá trị thế trần thực dụng. Một khi quá dính bén với vật chất, con tim người tu sĩ không còn thổn thức trước những người cần sự giúp đỡ và hiện diện của mình. Những yếu tố này cũng sẽ được mang vào và thể hiện làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hiệp thông huynh đệ đích thực trong cộng đoàn.
Yếu tố tình-tiền-quyền nơi một số ít các tu sĩ ngày nay cũng làm giảm bớt uy tín của chính họ, làm đời tu và đời sống luân lý không theo những giá trị của Tin Mừng nữa.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên không thể đánh giá chung hết được những hậu quả mà những thực trạng ấy ảnh hưởng đến người tu sĩ. Một điều quan trọng là người tu sĩ cần luôn luôn tái định hướng, theo sát triệt để giá trị Tin mừng và căn tính đời tu cũng như đặc sủng Hội Dòng để đời tu không biến chất nhưng luôn vững vàng và thăng hoa trước những tác động của môi trường xã hội.

3. Bước theo Đức Kitô cách đặc biệt
Thiên Chúa luôn kêu gọi người tu sĩ dấn thân cách trọn vẹn cho ơn gọi và sứ mạng. Người tu sĩ là những người đã được thánh hiến cách đặc biệt và sai đến trong thế gian. Thật vậy, người tu sĩ phải sống sao cho đời thánh hiến của họ phải nên họa ảnh sống động cho Đức Kitô giữa lòng thế giới hôm nay. “Trong truyền thống Giáo Hội, việc tuyên khấn tu trì được coi như việc đào sâu độc đáo và phong phú sự thánh hiến đã lãnh nhận trong bí tích thánh tẩy ; nhờ việc tuyên khấn ấy, sự kết hiệp thâm sâu với Đức Kitô đã khai mào trong bí tích rửa tội được phát triển thành hồng ân trở nên đồng hình đồng dạng với Người một cách rõ rệt và trọn vẹn hơn bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông huấn đời sống thánh hiến- Vita consecrata, số 30).

Như các tông đồ xưa, người tu sĩ là những người được Chúa tuyển chọn, quy tụ và dành riêng cho một sứ vụ. Khởi đầu là một tiếng gọi; dần lớn lên trong cộng đoàn và được xác nhận bằng cam kết giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và người tu sĩ trong lời tuyên khấn. Sống hiệp thông và dấn thân cho sứ vụ để làm vinh danh Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho tha nhân là một cách diễn tả hữu hình và bền vững cho sự lựa chọn và liên kết của người tu sĩ với Đức Kitô. Thật vậy, chính Đức Kitô sẽ hiện diện và ân sủng của Thánh Thần sẽ được tuôn đổ tràn đầy nơi cộng đoàn quy tụ và hiệp nhất với nhau. Đó chính là biểu hiện cho sự toàn hiến và thuộc trọn về Đức Kitô của mỗi thành viên trong cộng đoàn.

4. Cam kết sống cho Chúa và những giá trị Tin mừng
Đời sống thánh hiến là một đời sống bước theo Đức Kitô “Sequela Christi”. Đời sống ấy được thể hiện qua việc sống theo ngài trong đời sống giản đơn, thanh bần và vâng phục. Thật vậy, qua việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ được mời gọi theo Đức Kitô cách sát sao hơn và cam kết trọn vẹn sống cho Chúa và tha nhân. Nhờ đó, người tu sĩ sống những giá trị của đời sống vĩnh cửu ngay trong cuộc sống hôm nay.

Khi triệt để tuân giữ ba lời khấn phúc âm, người tu sĩ đã nói lên niềm xác tín chọn chính Chúa làm gia nghiệp duy nhất. Qua tiếng xin vâng, người tu sĩ đã dâng hiến trót cuộc đời mình cho Đức Kitô. Đó là một sự dâng hiến toàn diện và đó cũng chính là điều cần duy nhất mà người tu sĩ phải luôn xác tín: kiếm tìm Ngài trên hết tất cả các giá trị khác. Qua lời tuyên khấn, người tu sĩ quyết tâm sống cho một sự lựa chọn dứt khoát trong cả cuộc đời: chỉ sống cho Thiên Chúa và những giá trị của Tin mừng.

Tuy nhiên, một nguy cơ là người tu sĩ có thể có ngộ nhận rằng việc chọn Chúa và những công việc của Chúa chỉ là một. Thật ra, đời sống dâng hiến hệ tại ở việc chọn Chúa chứ không phải là công việc của Chúa. Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã từng nói: “Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần; Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!”. Ngài chia sẻ thêm: chính niềm xác tín này giúp tôi có một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi một sự bình an mà thế gian không cho được (x. ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 5 Chiếc Bánh Và 2 Con Cá- Chiếc Bánh Thứ Hai- Phân biệt giữa Chúa và việc của Chúa).

5. Lòng trung thành trong ơn gọi thánh hiến
Khi tuyên khấn lời khấn vĩnh thệ, người tu sĩ cam kết trung thành cho đến chết, cho dù hoàn cảnh cuộc sống ơn gọi có thế nào đi nữa.

Sự kiên trì là điều kiện để tín trung cho đến cùng. Để luôn tín trung trong đời sống và sứ vụ, người tu sĩ phải biết can đảm đón nhận sự khốn khó; can đảm bước theo con đường thập giá của Đức Kitô. Dù không ít thách đố nhưng người tu sĩ cần luôn xác tín với lời hứa của Chúa. “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10); và “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10, 13). Còn thư Hípri trình bày: “Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Hr 10, 23-24).
Mục đích và ý nghĩa đời sống và sứ vụ của người tu sĩ là phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn, nên mỗi tu sĩ cần phải đặt căn tính đời tu của mình nơi Chúa Kitô; sáng tạo và uyển chuyển cho thích nghi với các thực tại của thế giới hôm nay để nên thánh và nhằm phục vụ hữu hiệu và trung thành sứ mạng của Giáo Hội qua sứ mạng của Hội Dòng.

Để có thể vượt thắng những thách đố ngày hôm nay và triển nở trong ơn gọi, thiết nghĩ, người tu sĩ cần phải ý thức luôn canh tân bản thân cách toàn diện, hòa hợp những nét độc đáo của bản thân đồng thời hòa hợp trong tổng thể Hội Dòng. Mỗi người tu sĩ cần luôn xác tín và tập sống trưởng thành qua từng lời đáp trả trong mỗi gian đoạn theo nền tảng Phúc âm và với sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, cũng cần sống với các thực tại của thế giới hôm nay nhưng luôn bén rễ và gắn bó sâu trong các giá trị: luôn trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm; trung thành với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội; trung thành với đặc sủng và sứ mạng của Hội Dòng, qua các dấu chỉ  được Chúa Thánh Thần khơi gợi và thúc đẩy (x. Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, Đào tạo trưởng thành nhân bản Kitô giáo và đời tu, lưu hành nội bộ, 2016, trang 50-63).

Cùng với mẹ Hội Thánh, người tu sĩ cần phải khiêm tốn và luôn kiên định cầu nguyện cho ơn trung thành và sử dụng mọi trợ giúp siêu nhiên cũng như tự nhiên để có được sự trung thành trong suốt cuộc đời dâng hiến. Ước mong người tu sĩ luôn biết khẩn xin ơn Thánh Thần để được luôn tín trung suốt đời, cho đến cùng, với Chúa, với Giáo Hội, với Hội dòng, với anh/ chị em, trong việc thực thi cách khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu ba lời khuyên Phúc Âm Vâng Lời- Khó Nghèo và Khiết Tịnh mà mỗi người đã tuyên khấn.
***
Ước mong sao mỗi người tu sĩ luôn xác tín và sống triệt để các lời khuyên Phúc âm bằng việc gắn bó đời sống của mình với chỉ Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, hiệp nhất với Chúa Kitô; sống các giá trị Tin mừng và trong tình huynh đệ chân thành hiệp nhất của cộng đoàn; luôn tích cực hoán cải và biến đổi và trung thành với căn tính và sứ vụ mà mình đã cam kết chọn lựa. Nhờ đó, người tu sĩ sẽ vượt thắng những thách đố và luôn vui sống hân hoan và trọn vẹn căn tính đời tu. 


Felicitas

Vì sao giới trẻ Công Giáo ngày nay lơ là với đời sống Đức tin?

Vừa qua, trên trang web có bài viết nhan đề “Người trẻ còn thiết tha với tôn giáo?”, qua đó tác giả đã đưa ra cái nhìn khái quát về tình hình sống đạo của các bạn trẻ Công giáo. Theo tác giả bài viết này, ta có thể chia ra làm hai thành phần:
Thành phần thứ nhất là những bạn tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt đối với đời sống tôn giáo, lý do vì cuộc sống vất vả, đầu tắt mặt tối, không còn thời gian và hơi sức dành cho đời sống đức tin nữa. Có chăng mỗi tuần cố gắng đi lễ chủ nhật, mỗi năm xưng tội một lần, theo luật buộc. Thế thôi! Trong khi, đời sống xã hội có muôn vàn hấp hẫn khiến họ khó có thể từ chối “nhập cuộc”, chẳng hạn ăn uống tiệc tùng, du lịch, đi phượt, bạn bè, đam mê mạng xã hội vv. Những thứ này chắc chắn sẽ hấp dẫn họ hơn là Thánh Kinh hay các sinh hoạt đoàn thể Công giáo…

Thành phần thứ hai, theo tác giả bài viết, là những bạn trẻ Công giáo vẫn trung thành với đời sống đức tin chân chính. Họ vẫn còn trung thành đến với Thiên Chúa nơi thánh lễ, các bí tích. Họ cũng phấn khởi tham gia hội đoàn, nhóm trẻ sinh viên Công giáo vv. Trong những vui buồn của cuộc sống, họ vẫn biết chạy đến với Thiên Chúa như chỗ dựa tinh thần. Với họ, tôn giáo luôn là mối bận tâm để giúp họ cân bằng cuộc sống. Hơn nữa, họ giúp nhau đến với Thiên Chúa và cùng nhau vượt qua những khó khăn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng số người trẻ này quả là quá ít ỏi so với dân số Việt Nam. Và chiếm số đông vẫn là thành phần thứ nhất. [1]

Bên cạnh đó, khi bàn về đức tin của giới trẻ trong đời sống hôm nay, tác giả Lô-ren-sô Vũ Văn Trình MF, cũng đã phác họa khá chi tiết và cụ thể về thực trạng sống đức tin của giới trẻ hiện tại. Bài viết có đoạn sau:

“Hiện nay vẫn còn một số bạn trẻ làm cho chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho thế hệ tương lai…Các nhà lãnh đạo tôn giáo rất lo ngại trước vấn đề đạo đức của giới trẻ bị sa sút!

“Tại một số xứ đạo, các bạn trẻ đi lễ đang giảm dần một cách trầm trọng, nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc đi lễ là một gánh nặng. Đi vì bổn phận, hoặc vì gượng ép. Họ đến nhà thờ là do cha mẹ thúc giục, không đi không được, hoặc vì không đi sợ mắc tội chứ không vì niềm tin và lòng mến. Họ có mặt ở nhà thờ nhưng không hề ý thức mình đang có mặt ở đó để làm gì, chỉ mong sao giờ lễ mau kết thúc.

“Và vẫn còn những điều đáng buồn khác, nhiều bạn trẻ ngày nay sống đức tin rất hời hợt. Có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ đang học lớp giáo lý hôn nhân, tôi thật ngỡ ngàng về một số đông không biết gì về giáo lý căn bản, ngay cả những kinh đọc hằng ngày họ cũng không thuộc. Họ mang danh nghĩa là đạo gốc nhưng dường như họ theo đạo chủ yếu làm cho cha mẹ vui lòng, không ý thức mình là người Kitô hữu. Một bạn trẻ nói: ‘Những việc như đi nhà thờ, đọc kinh và cầu nguyện chỉ là do thói quen, cũng như do áp lực của những người thân’.

“Như vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay, đức tin của giới trẻ chúng ta đang xuống dốc trầm trọng. Ở một vài giáo xứ, số lượng người trẻ đi học giáo lý ngày càng ít đi. Và người ta không còn thấy bóng dáng bạn trẻ đi tham dự Thánh lễ hằng tuần. Và nếu có đi, thì ghế ngồi của họ là ‘xe ôm’, hoặc tụ tập thành nhóm đứng ngoài lề trò chuyện, hút thuốc cho qua giờ lễ… Một người mẹ chia sẻ: ‘Mỗi lần tôi nhắc nhở đứa con trai đi tham dự Thánh lễ, nó trả lời rằng: Thời đại này, đến nhà thờ làm gì hả mẹ? Chỉ cần mình tin có Chúa là đủ. Mẹ thử nghĩ xem, mấy đứa bạn con có đi lễ đâu mà nhà nó vẫn giàu có đấy thôi”. [2]

Nhân đây, xin nhắc lại là, trong Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng lên tiếng nhấn mạnh như sau:

“Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái (số 5)”.

Quả vậy, thực trạng giới trẻ ngày nay lơ là với đời sống tôn giáo, lung lạc trong đời sống đức tin, không quan tâm tới việc sống đạo…là điều quá rõ ràng. Và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn thì thấy rằng thực trạng ấy đã xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính vẫn là sự khủng hoảng trầm trọng về niềm tin tôn giáo của giới trẻ trong thời hiện đại và sự thiếu sót quá lớn trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ. 

* TỪ THỰC TRẠNG THỬ TÌM RA NGUYÊN NHÂN

Chúng ta có thể tạm thời liệt kê ra đây một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ Công giáo lơ là đời sống đức tin, như sau:

- Có thực mới vực được đạo!

Khi nói đến vấn đề sống đạo, thực hành đức tin, nhiều bạn trẻ phản ứng ngay, “Có thực mới vực được đạo!”. Điều đó có nghĩa là đời sống vật chất, vấn đề “cơm-áo-gạo-tiền” đã chi phối toàn bộ cuộc sống của người Ki-tô hữu trẻ. Từ sáng sớm đến tối mịt, từ ngày này qua ngày kia, từ tháng này qua tháng nọ, người ta đầu tắt mặt tối lao vào việc kiếm việc, kiếm tiền, củng cố sự nghiệp. Điều đó không có gì đáng trách nhưng sẽ là một mối nguy cơ lớn nếu tiền bạc, vật chất ảnh hưởng xấu tới đời sống tâm linh, tôn giáo. Thực vậy, “Do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ Công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái”. [3] 

Tuy nhiên, bạn trẻ chúng ta sẽ phải đối mặt với hai trường hợp: khi vấn đề “thực” là cấp bách thì có thể chúng ta lấy lý do “cơm áo gạo tiền” để biện minh cho việc chọn lựa cái gì là ưu tiên, là khẩn thiết. Lúc đó chúng ta quên “đạo” hay xếp “đạo” vào hàng thứ yếu. Nhưng đến khi chúng ta đã cơm no, áo ấm, thì liệu cái “thực” có vực được cái “đạo” không, hay là chúng ta liều đánh mất “đạo” để bảo đảm cái “thực”, để sống theo hấp lực của vật chất, tiền bạc. “Có tiền mua tiên cũng được” hay “Đồng tiền liền khúc ruột”…

Người ta nhận thấy, chính trong cuộc sống dư thừa, giầu có, sung túc mà các bạn trẻ lại dễ dàng xa Chúa, đánh mất gốc đạo của mình và rời bỏ đức tin. Về vấn đề này, một tác giả đã đưa ra nhận định sau:

“Về phương diện vật chất dường như họ không thiếu sự gì, nhưng cái ‘thực’ nó cũng chẳng vực được cái ‘đạo’, đáng buồn hơn nữa là nó còn làm mất luôn cái ‘đạo’. Càng những ông to bà lớn, càng những cậu ấm cô chiêu thì càng suy thoái đạo đức, tung tiền qua cửa sổ vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, nhất dạ đế vương. Con nhà nghèo, không có ‘thực’ lấy tiền đâu ra mua thuốc ‘lắc’, uống rượu ngoại, chích xì ke? Họ chẳng biết bám víu cậy nhờ vào ai trên thế gian này, cho nên chỉ còn biết ngửa mặt lên phó thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Chính những con người khốn khó cơ cực đó lại vực lên được cái ‘đạo’ thì sao? Nhìn sang những nước văn minh tiên tiến giầu có ở Âu Châu, ở Hoa Kỳ, có biết bao nhà thờ phải đóng cửa, phải bán đi vì không có ai đến tham dự thánh lễ nữa. Có nhiều nhà dòng, chủng viện phải chuyển đổi mục đích sử dụng vì không còn người đi tu nữa. Cái ‘thực’ nó có vực được cái ‘đạo’ nơi những quốc gia giầu có này không?

“Vì thế muốn đặt vấn đề ‘có thực mới vực được đạo’ cho đúng đắn, chúng ta phải cậy nhờ vào Kinh Thánh. Lời Chúa như thế này: ‘Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần, ai làm tôi Đức Kitô như vậy thì được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận’. Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa nói: ‘Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng, để chúng không lìa bỏ Ta’ (Gr 32, 39). Chúa không nói: ‘Ta sẽ cho chúng ăn no để chúng không bỏ Ta’. [4]

- “Thiên Chúa đã chết!?”

Triết gia vô thần (Friedrich Nietzsche*1844-1900) đã khẳng định “Thiên Chúa đã chết!” (Dieu est mort). Có thể nhiều Ki-tô hữu chúng ta, nhất là các bạn trẻ, đang sống mà như không có Thiên Chúa. Chúng ta đã khai tử Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống chúng ta, mặc dù trên danh nghĩa chúng ta là kẻ có đạo!

Nhiều Ki-tô hữu, nhất là giới trẻ, chỉ quan tâm giữ đạo một cách hình thức, theo thói quen và theo nếp cũ, họ nghĩ rằng làm một vài việc theo luật buộc là đủ, là yên tâm “mình có đạo”. ĐHY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở rằng, đừng coi trọng công-việc-của-Chúa ngang bằng Chúa được. Chúng ta tích cực “hành đạo” mà điều cốt lõi trong lệnh truyền của Chúa là “Mến Chúa - Yêu Người” thì ta bỏ sót, không quan tâm.

Thực vậy, “Giữ đạo đơn giản là giữ đúng những gì mà Giáo Hội yêu cầu: Đi lễ mỗi ngày Chúa nhật, xưng tội rước lễ một năm ít là một lần… Vậy mà vẫn có một số người, đặc biệt là giới trẻ họ vẫn không giữ được đạo của mình. Có người vì tiến thân trong công việc hoặc địa vị xã hội đã không dám xưng mình là người theo đạo Thiên Chúa trong tờ sơ yếu lí lịch khi đi học, xin việc làm hoặc vào Đoàn, vào Đảng. Có người không dám bày biện bàn thờ trong nhà khi ở trong khu phố có nhiều Đảng viên. Trong nhà hàng, quan sát những khách ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối… có mấy người theo đạo dám ‘làm dấu thánh giá’ trước bữa ăn? Có một số người lại mặc cảm, không dám xưng mình theo đạo trong các cuộc gặp gỡ bạn bè. Hoặc rất ít gia đình tổ chức đọc kinh gia đình mỗi ngày, hoặc đọc kinh trước bữa ăn, mặc dầu chỉ là một kinh lạy cha”. [5]

Xét thực tế trên, phải chăng chúng ta đã “quên mất” Thiên Chúa rồi chăng? Và chúng ta có khác gì người vô thần không?

- Mục tử và con chiên: cung không đủ cầu!

Có một thực tế mà ngày nay ai cũng có thể nhận ra, đó là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Hay nói theo kiểu kinh tế, thì cung không đủ cầu, nghĩa là số lượng mục tử quá ít, không đáp ứng nhu cầu chăm sóc con chiên quá đông… Khi mục tử không còn đủ sức lực, thời gian, tâm trí để phục vụ con chiên nữa thì một số chiên sẽ bơ vơ lạc lõng, một số chiên sẽ tan đàn, mạnh ai nấy sống, đường ai nấy đi.

Liên quan đến vấn đề này, một tác giả đã viết như sau:

“Nếu xét theo qui luật cung cầu thì trong Giáo hội Việt Nam hiện nay, người linh mục không cần giáo dân mà giáo dân cần linh mục; nghĩa là cung không đủ cầu. Chính điều đó làm cho người linh mục càng ngày càng ít quan tâm đến việc ‘lên đường đi tìm con chiên lạc’, ít nỗ lực xoay sở để loan báo Tin Mừng, nhưng thường thoả mãn nhu cầu tâm linh của người giáo dân một cách bất đắc dĩ, hoặc đạo đức hơn thì cũng dừng lại ở mức độ một người mục tử liêm chính, chu toàn trách nhiệm đòi hỏi của một người công chức. Những tính cách như thế khác xa mẫu mực của người mục tử mang ngọn lửa của sứ vụ trong tim. Tình hình mất quân bình theo luật cung cầu như thế làm cho người linh mục cũng như những sinh hoạt trong giáo xứ rất dễ tiến theo kiểu ban phát, theo cơ chế xin cho như chúng ta thấy trong xã hội thời kinh tế bao cấp trước đây”. [6]

Khi chiên phải sống “xa” mục tử và mục tử không còn mang mùi chiên nữa thì vấn đề giữ đạo, sống đạo đối với tín hữu chỉ còn là chuyện hình thức có cũng được, mà không có cũng chẳng sao!

* TỪ NGUYÊN NHÂN NGHĨ TỚI MỘT VÀI GIẢI PHÁP

Trước tình trạng giới trẻ ngày nay thờ ơ, lạnh nhạt đối với đời sống đức tin, các vị chức trách trong Hội thánh đều cảnh báo và đặc biệt quan tâm tìm những giải pháp thích hợp nhằm giúp các Ki-tô hữu nói chung, các bạn trẻ nói riêng thoát khỏi tình trạng sống đạo hình thức, sống xa đời sống và sinh hoạt của Dân Thiên Chúa, sống như không-có-Thiên-Chúa.

Ở đây, xin mạn phép đề cập vắn tắt hai giải pháp cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ trong việc lấy lại và củng cố niềm tin vào tình thương của Thiên Chúa, vào đạo của Chúa Ki-tô, vào Tin Mừng cứu rỗi.

- Giới trẻ ngày nay cần được hưởng nền giáo dục đức tin thích hợp

Thư Mục Vụ năm Đức Tin 2012 của HĐGMVN đã nêu rõ:

“Cách riêng, chúng tôi muốn ngỏ lời với các linh mục, tu sĩ, và các bậc cha mẹ trong gia đình công giáo. Giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục đến nỗi ‘các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa’. Do đó, trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn giáo phận, anh em linh mục hãy dành thời giờ, năng lực và nhiệt tâm cho công việc hết sức quan trọng và cần thiết này, đặc biệt trong việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý cho thiếu nhi và giới trẻ. Anh em cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ giáo lý viên, những người trực tiếp cộng tác với chúng ta trong việc thông truyền đức tin cho thế hệ trẻ” (số 9).

Như vậy chúng ta thấy rằng, trách nhiệm chủ yếu trong việc giáo dục đức tin cho giới trẻ vẫn thuộc về các linh mục, đặc biệt là các linh mục trực tiếp phục vụ tại giáo xứ. Để chu toàn nhiệm vụ này, các ngài phải dành nhiều thời gian, công sức kể cả tài chánh để đầu tư vào công việc khẩn thiết và quan trọng này. Tuy nhiên, xét thực tế, ta thấy hiện nay, tại nhiều nơi đã và đang gặp phải nhiều khó khăn, phức tạp, chẳng hạn:

- Tổ chức các lớp giáo lý cho thiếu nhi thì ở đâu cũng có, nhưng lớp giáo lý cho giới trẻ và cho giáo dân trưởng thành thì nhiều nơi chưa làm được vì còn gặp khó khăn về đội ngũ giảng viên, giáo lý viên, nhất là không có sự tham gia tích cực của học viên… Rất nhiều thành phần, tuổi tác trong giáo dân hiện nay biết rất ít về giáo lý, về Thánh Kinh, về các vấn đề cần biết trong đời sống và sinh hoạt của Hội thánh vv. Có thể nói phần đông họ mù tịt. Đó là một thực trạng đáng báo động!

- Tại nhiều nơi, các linh mục không quan tâm đầu tư cho bài giảng đạt “chất lượng cao”, các ngài thích nói lòng vòng, không chủ đề, thiếu chủ điểm, sao cho hết giờ, mà không lưu ý đến việc chuyển tải ý hướng Phụng vụ, đến việc truyền dạy những những điều liên quan tới đức tin, luân lý và Tin Mừng Ki-tô giáo. Vì phần lớn giáo dân chỉ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần vào ngày Chúa Nhật, do đó, bài giảng của linh mục chủ tế có thể được coi là một nguồn nuôi dưỡng không thể thiếu được vì nhờ đó đem lại lợi ích thiêng liêng cho giáo dân. Vì khi đó linh mục chẳng những “giảng” mà còn “dạy” nữa. Dạy đức tin, dạy luân lý Ki-tô giáo, dạy Thánh Kinh, dạy Thần học vv.     

- Giới trẻ ngày nay cần sống trong môi trường có nhiều chứng nhân

ĐTC Phao-lô VI đã nói: “Ngày nay, người ta tin vào những chứng nhân hơn là thầy dạy”. Điều đó có nghĩa là trong lãnh vực sống và truyền bá đức tin, rất cần có các chứng nhân cụ thể, sống động, nhiệt tình. Các bạn trẻ sẽ chịu ảnh hưởng và thu hút bởi các gương sống đạo, từ môi trường gia đình, xóm đạo, cho tới xứ đạo, cộng đoàn Ki-tô hữu vv.

- Gia đình Ki-tô được mệnh danh là “Hội thánh tại gia”, do đó các thành viên phải tích cực sống đạo và nêu gương sáng cho nhau. Thực vậy, “Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các bạn trẻ sống đức tin một cách sung mãn. Một gia đình mà trong đó cha mẹ và mọi người sống đạo đức, thánh thiện biết yêu thương lẫn nhau thì con cái sẽ noi gương cha mẹ. Hơn nữa, con cái cần được lớn lên trong bầu khí đức tin sống động của gia đình: Thường xuyên nghe những lời cầu nguyện của cha mẹ, được cha mẹ dạy dỗ cầu nguyện, được nhắc nhở về những ơn lành thánh và sự hiện diện của Chúa, được động viên học hỏi giáo lý, tham dự Thánh lễ, sinh hoạt hội đoàn, được chứng kiến đời sống đức tin cụ thể qua những chọn lựa yêu thương và hy sinh cho nhau mỗi ngày, con cái sẽ thấm nhuần lối sống đức tin đó vào cuộc sống của riêng nó trong xã hội”. [2]

- Giáo xứ là cộng đoàn đức tin và đức ái, nên cũng là môi trường thích hợp để mọi thành viên làm gương sáng cho nhau về niềm tin và lòng yêu thương. Các bạn trẻ sẽ nhìn vào đời sống các mục tử và các tín hữu trưởng thành để học hỏi gương sống đức tin và thực hành đức ái. Hơn lúc nào hết, ngày nay các bạn trẻ rất quan tâm tới đạo-thực-chất hơn là đạo-hình-thức, do đó họ dễ nản lòng và thất vọng khi thấy trong cộng đoàn giáo xứ thiếu gương sáng sống đạo, thiếu chứng tá Tin Mừng và thiếu sự hợp nhất yêu thương./.  

Aug. Trần Cao Khải

- - - - - - - -

[1] “Người trẻ còn thiết tha với tôn giáo?”, Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[2] Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF – Bài “Đức tin của giới trẻ trong đời sống hôm nay” - Nguồn: giaophanvinhlong.net

[3] Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012, HĐGMVN

[4] LM Giuse Trần Đình Long, SSS – Bài “Có thực mới vực được đạo” - Nguồn: http://danchuausa.net

[5] Phê-rô Nguyễn Sơn Thạch – Bài “Theo đạo – Giữ đạo – Sống đạo” – Nguồn: tonggiaophansaigon.com

[6] LM Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP - Bài “Thời WTO, đe dọa hay cơ may của đời sống đức tin?” – Nguồn: Internet