BỔN MẠNG THÁNG 10



THÁNG 10


NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
01/10
Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
* Chị Hằng (Thérèse)
* Bổn mạng Tuyển Sinh
04/10
Lễ thánh Phanxicô Assisi
Chị Khiêm
05/10
Lễ thánh Faustina
Chị Tuyết
07/10
Lễ Mẹ Mân Côi
* Bổn Mạng Hội Dòng
* Chị Thủy Tiên
15/10
Lễ  thánh Têrêsa Avila
Chị Cần
16/10
Lễ thánh Maguerite
Chị Tươi
18/10
Lễ Thánh Luca
Chị Hà (NT)


Ghi Chú

* Từ ngày 31/10 đến 02/11: Làm tuần tam  nhật Mừng Kính Thánh Martinô Porres.  Đấng Bảo Trợ Dự-Tỉnh.


LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN



NGÀY
LỄ GIỖ
16/10
Bà cố Maria - Thân mẫu Dì Cẩm


01/10 Lễ Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su


Một con người đơn sơ – Một tâm hồn trẻ thơ
Nếu có dịp về vùng miền quê, chúng ta dễ phát hiện ra những nụ cười ngây thơ và trong sáng trên khuôn mặt của các em thiếu nhi nơi đây. Những hình ảnh đáng yêu, hồn nhiên của các em thiếu nhi tại một vùng quê thanh bình đã phần nào mô tả được cuộc sống thường ngày của các em tại nơi này. Với khói bụi, với cánh đồng lúa, với khuôn mặt thân thương và trong sáng đem đến sự đáng yêu, tinh nghịch, ngộ nghĩnh trên từng khuôn mặt. Cuộc sống của con người không thể thiếu đi những nụ cười của trẻ nhỏ, những nụ cười mang đến cho chúng ta sự vui vẻ và thân thiện. Tuổi thơ không nuôi dưỡng chiến tranh nhưng luôn gầy dựng hoà bình. Tuổi thơ không ghen ghét, kèn cựa lẫn nhau nhưng đoàn kết, hợp tác thân thương. Thế nên, tuổi thơ thật đáng yêu, đáng trân trọng. Và những ai có tâm hồn tuổi thơ cũng đáng được ca ngợi, mến yêu.
Chúa Giê-su Ngài cũng yêu thích tâm hồn tuổi thơ. Ngài cũng cần các môn đệ Ngài phải có tấm lòng đơn sơ như trẻ nhỏ. Một tấm lòng đơn sơ để Chúa làm mọi việc nơi mình. Một tấm lòng đơn sơ để có thể cúi xuống làm mọi việc vì lòng yêu mến tha nhân. 
Tâm hồn đơn sơ ấy đã được một người sống và thể hiện thành công trong suốt cuộc đời mình chính là thánh nữ Tê-rê-sa hài đồng Giê-su. Nơi ngài chúng ta thấy một con người đơn sơ. Một tâm hồn trẻ thơ. Một cuộc đời ẩn tu và chỉ sống vỏn vẹn 24 năm dương gian nhưng đã làm cho cả thế giới kính phục. 
Dù rằng trong ngày an táng của ngài vào ngày 1. 10. 1897, tại một tỉnh lẻ ở Pháp một đám tang chỉ vỏn vẹn mười người,  đi đầu là Thánh Giá, tiếp theo là Linh Mục linh hướng, rồi linh cữu người quá cố trên một chiếc xe đẩy, đi sau linh cữu là mấy nữ tu và vài ba thân nhân. Thế nhưng, trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: "Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”.  Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên :" A ! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”.  Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa:”Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.
Từ đấy, cả thế giới đã nói về chị Têrêsa. Cuộc bùng nổ những sách báo viết về chị. Chị được tôn vinh hiển thánh năm 1925, và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền gíao toàn cầu. Năm 1997 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã tôn phong Ngài lên Tiến sĩ Hội Thánh.
Tiểu sử của Ngài thật ngắn gọn. Nhưng nói về tâm hồn của ngài là một kho tàng vô giá. Têrêsa sinh năm 1873. Vào dòng kín lúc 15 tuổi. Chết lúc 24 tuổi và được phong thánh vào năm 1925. chúng ta nhận thấy chị là một nữ tu tiến rất mau trên con đường thánh thiện. Chỉ tu có chín năm, thế mà hai mươi tám năm sau khi qua đời đã được phong thánh.
Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên và tự hỏi :
- Chị sống thế nào mà nên thánh mau lẹ như vậy ?
Chắc hẳn chị sẽ trả lời cho chúng ta rằng :
- Chị chỉ làm những việc nhỏ bé tầm thường và kín đáo. Tầm thường nhưng với một trái tim phi thường còn hơn là việc phi thường mà với một trái tim tầm thường, lố bịch.
Có thể nói cuộc đời của Têrêsa được gồm tóm trong một chữ yêu. Thánh nữ muốn sống cho tình yêu và chết cho tình yêu để được yêu Chúa luôn mãi bằng một tình yêu muôn thuở, không bao giờ tàn phai.
Với tình yêu chân thành, Tê-rê-sa đã sống và hành động vì tình yêu. Dù chỉ là công việc tầm thường như :giặt quần áo cho các chị em trong dòng, quét cầu thang, dọn phòng ngủ, làm vườn. . . Tê-rê-sa đã làm vì lòng yêu mến Chúa. Tê-rê-sa đã biến những công việc tầm thường ấy trở thành những việc phi thường khi phủ vào ấy một tình yêu nồng nàn dành cho Thầy chí thánh Giê-su đến mức độ ngài nói: ‘dù cúi xuống nhặt một cây kim, chị cũng làm vì lòng yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Bên cạnh đó, Têrêsa đã làm tất cả những việc đó trong tinh thần của một trẻ thơ: "Con ước ao trở nên vô danh tiểu tốt trước vạn vật . Con khônga mơ ước danh vọng của loài người . Tê-rê-sa đã sống một cuộc đời đơn sơ như trẻ thơ. Không toan  tính. Không vị lợi. Nhưng luôn khiêm tốn, nhỏ bé để dễ dàng phục vụ tận tuỵ nhiệt thành vì Chúa và vì tha nhân.
Sự nhỏ bé ấy còn được biểu lộ qua thái độ yêu thương giúp  đỡ các chị em bằng cách chịu đựng những bực bội do họ gây nên. Có lần khi phải chăm sóc một masour già khó nết, chị vẫn luôn tươi cười với lời gắt gỏng của Masour già, bằng ánh mắt cảm thông với những sai lỗi của các chị em khác. Chị đã cho đi bằng những việc làm cụ thể. 
Con đường nên thánh của tê-rê-sa thật bình thường. Bình thường từ cách sống của mình chan hoà tình yêu. Bình thường bằng cách sống đơn sơ như trẻ nhỏ để gìn giữ hoà khí với mọi người. Chị đã sống đơn sơ và được Chúa chúc phúc như lời Ngài đã phán :
- Nếu không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng được vào nước trời đâu.
Ước gì cuộc đời chúng ta luôn đơn sơ như trẻ thơ để dễ gần gũi và đáng yêu trước mặt mọi người. Ước gì chúng ta luôn làm mọi việc vì lòng yêu Chúa và cứu rỗi các linh hồn để dù việc ta làm nhỏ nhặt nhưng sẽ là những việc phi thương mang lại mùa xuân cứu độ cho an hem. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền

HỌC CÁCH “TU CÁI MIỆNG” BẰNG CÁCH KHÔNG NÓI 8 LỜI SAU ĐÂY

Sống ở trên đời, “tu cái miệng” là một điều đặc biệt quan trọng. Người xưa có câu: “Nước đổ khó hốt, gương vỡ khó lành”. Mỗi lời nói ra cũng giống như bát nước hắt đi, thật khó lòng thu hồi về được nữa…


Nói chuyện là một nghệ thuật, dù là lời hay ý đẹp cũng phải đắn đo. Nói điều không tốt khiến đôi bên nghe xong đều mất hứng thì đương nhiên là không nên nói. Vậy những lời thế nào là không tốt và không nên nói ra?

1. Không nói những lời chán nản, thối chí
Có người bình thường thích nói những lời chán nản làm người khác nhụt chí. Thật ra cuộc sống rất cần những lời cổ vũ động viên từ người khác, cho dù không có ai khích lệ thì cũng phải tự khích lệ chính mình. Bản thân không cổ vũ chí hướng của mình, trái lại còn nói ra những lời thoái chí thì đương nhiên sẽ rơi vào vực sâu suy sụp.

2. Không nói những lời tức giận
Con người đang lúc tức giận thường không tự chủ được mà nói ra những lời giận dữ, có lúc làm tổn thương người khác, có khi lại làm tổn thương chính mình. Người ta khi bị xúc phạm thì cần nhất là giữ được tỉnh táo, không nên tùy tiện phát ngôn, vì lời nói lúc nóng giận thường rất khó nghe, vì vậy nhất định đừng nên nói.

3. Không nói những lời oán trách
Khi không hài lòng, người ta thường nói ra những lời bất mãn, oán giận ông chủ, oán giận bạn bè, thậm chí oán giận cả người nhà. Nếu bạn thường xuyên nói những lời oán trách, người khác nghe được sau này sẽ mượn đó làm đề tài để nói về bạn, gây ra bất hòa thị phi, khiến bạn phải đối phó với người này, đối phó với người kia, cuối cùng tự mình làm khổ mình, bạn việc gì phải khổ như vậy?

4. Không nói những lời tổn thương
Có người lỗ mãng nói năng tùy tiện, không biết bao dung tôn trọng người khác, thường hay nói những lời tổn thương người khác, có lúc “hại người ích ta”, nhưng cũng có khi “hại người hại mình”. Lời nói tổn thương người khác có thể chỉ là nhất thời, nhưng nhân cách của mình đã bị người ta xem thường rồi đó, tổn thương ấy là vĩnh viễn!

5. Không nói những lời khoe khoang
Có người khi nói chuyện thường thích tuyên truyền về bản thân, tự mình quảng cáo rùm beng, tự mình thổi phồng chính mình, người khác nghe xong nhất định không đồng tình. Cho nên khoe khoang thực tế cũng chẳng được lợi ích gì, trái lại còn làm mình bị tổn thương. Con người muốn vĩ đại thì phải làm những việc vĩ đại, vĩ đại ấy là phải để người khác nói, không thể tự nhận được đâu, bản thân mình khiêm tốn là tốt hơn cả.

6. Không nói những lời dối trá
Phật giáo giảng “Ngũ giới”, “cấm nói dối” là một trong năm giới cấm này. Nói dối tức là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, đúng mà nói là sai, sai mà nói là đúng”, nói một cách đơn giản thì đó là những lời không thật.
Truyện ngụ ngôn “Sói đến rồi” (hay “Chú bé chăn cừu”) từng nói về hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối. Một ví dụ khác, ban đầu có 1 chiếc máy bay, qua tai người khác nói thành 11 chiếc, cuối cùng biến thành 91 chiếc, đây chính là những tin đồn thất thiệt, chuyện bé xé ra to, cũng tương tự như là nói dối.

7. Không nói những lời bí mật
Trên đời này có lắm điều bí mật, từ gia đình đến công ty không đâu là không có, nghiệp vụ có bí mật nghiệp vụ, quốc gia có bí mật quốc gia. Hiện nay các quốc gia đều rất coi trọng việc bảo mật, nếu chẳng may tiết lộ bí mật quốc gia thì bạn sẽ bị xử lý nghiêm khắc và chịu hình phạt nặng nề.
Cho nên chúng ta cần phải tạo thành thói quen giữ bí mật, không được tùy tiện phát ngôn. Trước khi nói ra những chuyện bí mật, bạn phải nghĩ đến những hậu quả xấu có khả năng xảy ra, hiểu rõ tính nghiêm trọng của nó thì sẽ không dám tùy tiện ăn nói lung tung.

8. Không nói những lời riêng tư
Mỗi người đều có những chuyện riêng tư, việc riêng của mình đương nhiên không muốn người khác biết, việc riêng của người khác cũng không thể mang ra nói lung tung. Cho dù bạn có nói ra hết chuyện riêng của người khác mà họ không phản kháng lại thì tính xấu của bạn cũng đã lộ ra rồi, sau này bạn sẽ khó mà có được hậu phúc nữa.
Con người sống trong nhà không chỉ để che mưa che nắng mà còn vì an toàn, nhưng chủ yếu nhất là để đảm bảo sự riêng tư. Người ta mặc quần áo một phần là để giữ ấm nhưng quan trọng là để che đậy thân thể của mình. Vì thế, nếu muốn tôn trọng lẫn nhau thì không được tiết lộ những việc riêng tư của người khác.
Ngoài những điều kể trên, đương nhiên còn có rất nhiều điều không nên nói và không nên làm, thận trọng với những lời nói của mình cũng chính là đang “tu khẩu” (tu cái miệng của mình), bằng không chính bạn đang hủy đi phúc đức của mình đấy!
Theo Vietdaikynguyen

ĐỨC TIN VÀ PHÉP LẠ

Mặc dù Thiên Chúa đầy quyền năng và tình thương có thể cho các phép lạ xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu, nhưng thực sự Người không bao giờ muốn thực hiện các phép lạ một cách tràn lan.

Suốt chiều dài lịch sử của Hội thánh, các Ki-tô hữu không ngừng được nghe nói đến hoặc chứng kiến và cảm nghiệm khá nhiều phép lạ xảy ra đó đây trên khắp thế giới. Sở dĩ các phép lạ được phép xảy ra là vì Thiên Chúa muốn bày tỏ cho con người về ý định cứu rỗi, quyền năng và tình thương quan phòng của Người. Phép lạ là một thứ ngôn ngữ và dấu chỉ cho thấy rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

Tuy nhiên Hội thánh cũng lưu ý rằng có nhiều trường hợp xảy ra những sự kiện tôn giáo được xem là “lạ” nhưng không được công nhận là phép lạ. Bởi vì xưa nay Hội thánh rất thận trọng trong việc khẳng định một sự kiện nào đó là phép lạ. Hội thánh luôn cân nhắc cũng như căn cứ trên một số tiêu chuẩn và điều kiện nhất định. Chúng ta nên lưu ý là, “Trong ngôn ngữ của Giáo hội, tiếng ‘phép lạ’ dùng để dịch danh từ ‘Miraculum’ tiếng La-tinh. Theo nguyên ngữ, nó ám chỉ một hiện tượng khác thường, gây ra ngạc nhiên, thán phục... Trong ngôn ngữ thần học thì để một sự kiện có thể gọi là phép lạ, cần hội đủ hai điều kiện: 1- thứ nhất, việc đó mang tính cách khác thường; 2- thứ hai, nó do Chúa làm ra. Hai điều kiện đi đôi với nhau thì mới được nhận là phép lạ” (Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P, bài “Phép lạ là gì?”, nguồn daminhvn.net).

Để trả lời câu hỏi “Phép lạ là gì?”, ĐGM José Luis Gutierrez thuộc Bộ Phong Thánh, tháng 10-2003 đã giải thích rằng “Đối với những nhà thần học, phép lạ ‘thông truyền một thông điệp cứu độ, đó là một điều phi thường đặc biệt làm mọi người khâm phục, một biến cố vượt trên những luật vật chất. Mục đích của phép lạ không nhằm gây thán phục nhưng là thông truyền một thông điệp cứu độ’. Dưới khía cạnh học thuyết, ĐGM Gutierrez nói rõ rằng ‘chỉ có Thiên Chúa mới làm phép lạ, Mẹ Maria và các thánh can thiệp vào’. Theo thánh Tô-ma, ‘phép lạ vượt trên thiên nhiên được tạo dựng và chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được,’ ngài cũng nói: ‘những phép lạ thật chỉ có thể xảy ra do nhờ Thiên Chúa’ “ (LM An-tôn Nguyễn Trường Thăng, bài “Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi”, nguồn tgpsaigon.net).

* PHÉP LẠ CỦNG CỐ ĐỨC TIN
Phép lạ có một vai trò đặc biệt trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Nó giúp củng cố niềm tin và loan báo một sứ điệp nào đó cho con người. Mặc dù Thiên Chúa đầy quyền năng và tình thương có thể cho các phép lạ xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu, nhưng thực sự Người không bao giờ muốn thực hiện các phép lạ một cách tràn lan. Phép lạ chỉ thực sự xảy ra khi cần thiết và luôn có chủ đích. Mục đích của phép lạ luôn là thông truyền một thông điệp nào đó mà Thiên Chúa muốn gửi đến cho con người. Chẳng hạn năm 1917 từ Fatima, Đức Ma-ri-a đã truyền đi thông điệp cho cả thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.
Do đó, có thể suốt cuộc đời mình, Ki-tô hữu chúng ta không có dịp “nhìn” thấy phép lạ tỏ tường hay được hưởng những ơn đặc biệt do các phép lạ, nhưng chúng ta vẫn xác tín phép lạ là có thật vì chúng ta tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Mặt khác, chính đức tin soi sáng cho chúng ta biết ý nghĩa đích thực của các phép lạ Chúa làm.

Đức Giê-su, khi đi rao giảng về Tin Mừng Nước Thiên Chúa, ngoài việc trừ quỷ, ngài cũng đã làm nhiều phép lạ như hóa bánh ra nhiều, biến nước lã thành rượu ngon, chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại, truyền khiến sóng gió im lặng vv... Một mặt các phép lạ Chúa làm đã giúp củng cố lòng tin của các môn đệ về những mạc khải của Ngài, mặt khác cũng giúp chứng minh hùng hồn về nguồn gốc thiên tử và sứ mệnh thiên sai của Ngài. Thực vậy, “Qua các phép lạ, Đức Giê-su chứng tỏ rằng Vương Quốc Đấng Massia được các sứ ngôn loan báo, đã hiện diện nơi chính bản thân Người (Mt 11,4 tt). Người làm cho người ta phải lưu ý đến Người và đến Tin Mừng của Vương Quốc mà Người là hiện thân. Người khơi dậy sự ngưỡng mộ và lòng kính sợ tôn giáo khiến con người phải tự hỏi xem Người là ai (Mt 8,27; 9,8; Lc 5,8 tt)” (x. Mục từ “Phép lạ”, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh GHHV Pi-ô X Đà-lạt).

Ngày nay, trong nhiều trường hợp, phép lạ đã khơi dậy niềm tin nơi nhiều người, kể cả các Ki-tô hữu cũng như những người lương dân. Nhiều người Công giáo đã bỏ đạo hay đang sống khô khan nguội lạnh, sau khi chứng kiến các phép lạ, họ thành tâm ăn năn thống hối, cầu nguyện và đã được nhiều ơn lành Chúa ban, đã trở lại với Chúa và có một đức tin mãnh liệt. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến các ơn lạ từ phép lạ Đức Mẹ hiện ra tại Fa-ti-ma, tại Lộ-Đức, hay tại La-Vang vv... Tại đây có nhiều người đến cầu nguyện, đã được khỏi các bệnh-tật, đã được những ơn lành cầu xin, họ trở thành các chứng nhân sống động về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa cũng như về sự cầu bầu hiệu nghiệm của Đức Ma-ri-a. Trong khi đức tin giúp soi sáng ý nghĩa và mục đích của phép lạ, thì các phép lạ giúp phát sinh lòng tin và sự hoán cải.

* PHÉP LẠ TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU
Chúng ta phải khẳng định một điều là đức tin cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu hơn là phép lạ. Có thể nói đức tin là yếu tố tiên quyết để phép lạ xảy ra. Nhất là nếu chỉ dựa vào phép lạ mới tin thì đó là dấu chứng tỏ đức tin chưa hoàn hảo (x. Ga 10, 38 ; 14,11). Chính Chúa Giê-su cũng thường xuyên nhấn mạnh đến vai trò của đức tin đối với các môn đệ và những người đi theo Ngài. Chẳng hạn Ngài nói về sức mạnh của lòng tin, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em ” (Lc 17, 6). Và câu chuyện sau đây cũng cho thấy chính lòng tin vào Đức Giê-su đã chữa lành bệnh, “Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: ‘Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!’. Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: ‘Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.’ Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (Mt 9, 20-22).

Có thể nói phần đông các tín hữu chúng ta rất nhiệt tình đối với các sự lạ xảy ra nơi này nơi kia. Ngay cả đối với những sự kiện có thể là “lạ” nhưng chưa được giáo quyền công nhận, cũng vẫn gây sự quan tâm của nhiều người và thu hút họ đến các địa chỉ “thánh địa” để hành hương, chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Chẳng hạn, tại Việt-Nam, thường xuyên vẫn có nhiều đoàn hành hương đi đến các địa điểm được truyền tụng là đã xảy ra các phép lạ của Đức Mẹ, như La-Vang, Tà-Pao, La-Mã (Bến Tre), Măng Đen (Kon-tum) vv...    

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến điều này là, “Thật đáng buồn là có không ít các Ki-tô hữu giữ đạo chỉ vì phép lạ. Họ xem Chúa như một người làm phép lạ để phục vụ cho những nhu cầu của mình. Nơi nào xảy ra nhiều phép lạ, họ càng kéo đến đông, càng tỏ vẻ cung kính và quảng đại dâng hoa, dâng tiền bạc. Điều này chẳng những không giúp nhiều cho đời sống thiêng liêng mà còn biến tôn giáo của chúng ta thành một kiểu buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và hạ thấp những chân lý đức tin. Dĩ nhiên, chúng ta có quyền xin Chúa thực thi những phép lạ, giúp dàn xếp những bất ổn trong gia đình, giúp chữa lành bệnh, giúp vượt qua khó khăn hoạn nạn… Nhưng chúng ta không nên xem phép lạ là điều kiện tối cần thiết phải có để tin vào Chúa. Cầu xin là việc ta cần làm, còn việc có ban cho ta theo lòng ta sở nguyện hay không là chuyện của Đấng Toàn Tri và Toàn Năng là Thiên Chúa. Ngài thừa biết điều gì tốt cho ta và khi nào ban cho ta thì có lợi cho ơn cứu độ của ta hơn” (Pr. Lê Hoàng Nam SJ, bài “Phép lạ, liệu có thật?”, nguồn dongten.net)./.


Aug. Trần Cao Khải

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - B

Có một câu truyện ngụ ngôn của Ấn độ kể rằng: Một hôm thần Krisna muốn thử lòng các vua trên trần thế.
Trước tiên thần cho gọi Duriana, một ông vua nổi tiếng tàn ác, đến: “Ta muốn ngươi đi khắp thế giới tìm cho ta một con người có lòng tốt”. Duriana đi khắp thế giới một thời gian rồi trở về tâu: “Lạy Ngài, con không thể gặp được một người nào như thế cả, vì mọi người đều ích kỷ, đê hèn”.
Thần gọi tiếp một ông vua khác nổi tiếng quảng đại, tên là Damanatra và ra lệnh ngược lại: “Ngươi hãy đi tìm cho ta một người thực sự xấu xa”. Một thời gian sau, Damanatra trở về buồn bã báo cáo: “Lạy Ngài, con xin chịu tội, con đã gặp rất nhiều người hẹp hòi, ích kỷ, gian tham, trộm cắp… nhưng người thực sự xấu xa thì con không gặp. Cho dù có vấp ngã, mọi người đều có lòng tốt”.
Xem ra nhận xét về một con người tùy thuộc vào tình cảm của người nhận xét nhiều hơn là về bản thân của người được nhận xét. Không ai hoàn toàn xấu, và cũng không ai hoàn toàn tốt. Vì “nhân vô thập toàn”, và mọi sự trong trời đất đều tương đối. Nhưng đáng tiếc con người lại không nhận ra. Nhiều người vẫn cho rằng mình không sai lầm. Nhiều người vẫn tưởng rằng mình không có khuyết điểm. Con người cho mình là trung tâm điểm nên dễ dàng loại trừ, kết án, tẩy chay những ai khác với mình, hoặc không đồng quan điểm với mình.
Đó còn là lý do khiến người ta thường hay phân loại để chơi. Những người cùng sở thích, cùng quan điểm, cùng ý thức hệ thì liên đới với nhau, ngược lại thi xa lánh, đôi khi lại hiềm thù và đối nghịch với nhau. Khi yêu nhau người ta dễ cảm thông, tha thứ, nâng đỡ nhau, vì “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”. Khi ghét nhau thì “Cau sáu bổ ra làm mười”. Có khi còn “ghét cả tông ti họ hàng”.
Là người Kitô hữu Chúa bảo chúng ta đừng bao giờ có kẻ thù. Hãy dùng tình yêu mà xóa bỏ hận thù. Hãy yêu kẻ thù của mình vì chính Chúa đã chọn chết để xin ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi lầm lạc. Chúa còn bảo chúng ta nếu không yêu tha nhân như chính mình thì chúng ta không xứng đáng là môn đệ của Chúa. Chúa còn mời gọi chúng ta hãy vì Chúa để sống cho thanh sạch, cho công bằng và yêu mến sự thật. Chúa không chấp nhận là người Kitô hữu mà gây nên gương mù gương xấu cho người khác vì tật xấu, vì đam mê thấp hèn, vì tội lỗi của mình. Nhất là vì sống thiếu tình yêu thương với đồng loại trong lời nói và hành động.
Đó chính là bài học mà Chúa đã dạy chúng ta bằng cả cuộc sống của Ngài. Chính Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương. Yêu thương đến nỗi cho đi cả tính mạng của mình. Tình yêu thương đó Chúa trải rộng trên người lành kẻ dữ. Chúa không kết án tội của Lê-vi, tội của người phụ nữ ngoại tình. Chúa càng không kết án tội của những người làm điều gian ác mà chúng chẳng hay biết. “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Chúa đã nêu gương yêu thương đến quên cả chính mình, và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà yêu tha nhân. Hãy vì Chúa mà đối xử tốt với nhau. Hãy vì Chúa mà quên đi cái tôi để sống vị tha và nhân ái với nhau.
Nhưng đáng tiếc con người lại thiếu tình thương nhưng lại đầy lòng ghen ghét. Thiếu lòng bao dung nhưng đầy hận thù. Thiếu sự cảm thông nhưng chất chứa đầy những toan tính hẹp hỏi, ích kỷ và thờ ơ. Chính lòng ghen ghét, lòng thù hận, và thiếu cảm thông đã đẩy con người vào bể khổ trần gian với biết bao nước mắt của oan trái, đau thương.
Có ai đó nói rằng: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người đều trở nên mù lòa”. Cuộc đời sẽ là thảm họa nếu thiếu lòng bao dung và yêu thương. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết quên đi cái tôi để đón nhận mọi người trong yêu thương tha thứ. Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng ta luôn sáng ngời bài ca đức ái để xây dựng tình hiệp nhất yêu thương, để đẩy lùi những khổ đau và mang lại hạnh phúc cho nhân thế hôm nay. Amen.

TIỀN BẠC DƯỚI CON MẮT CỦA CÁC TÔN GIÁO

Tất cả mọi đồng tiền tôn giáo đều phải được đổi sang đồng tiền tôn giáo riêng của họ, vì họ nghĩ rằng, họ nắm con đường đến với Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã cố gắng thanh tẩy chúng ta khỏi bất kỳ thái độ hay hành động nào mang suy nghĩ như thế.

Không một ai, dù là cá nhân hay tổ chức, nắm trọn con đường đến với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã làm quá rõ ràng điều này.
Ví dụ trong câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ bằng cách lật tung các bàn đổi tiền. Việc này thường được dùng để biện minh cho những cuồng nộ và bạo lực được làm dưới danh Chúa. Luôn luôn là thế, khi có người quả quyết Thiên Chúa bất bạo lực, thì họ sẽ gặp phản ứng: “Vậy việc Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ thì sao?” “Vậy Chúa Giêsu nổi nóng, nổi giận thì sao?”
Dù các câu hỏi này có hợp lý gì đi nữa, thì chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ vẫn có một dụng ý sâu xa hơn. Điều này đặc biệt rõ ràng trong Tin mừng theo thánh Gioan, khi sự kiện này được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang thay thế một loạt những tục lệ tôn giáo cũ bằng một cách thức Kitô mới. Ví dụ như, ngay trước sự kiện tẩy uế đền thờ, ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã thay thế một tục lệ tôn giáo cũ (khi bước vào nhà một người Do Thái, bạn phải thanh tẩy bằng một loạt các nghi lễ tẩy uế trước khi ngồi vào bàn) bằng một cách thức Kitô mới tự thanh tẩy bản thân để được ngồi vào bàn tiệc thiên quốc (với các Kitô hữu thì rượu của cộng đoàn Kitô giáo, rượu của Phép Thánh Thể, giờ đây sẽ thanh tẩy để bạn có thể ngồi vào bàn tiệc nước trời).
Việc tẩy uế đền thờ cần được hiểu trong bối cảnh đó: Chúa Giêsu đang thay thế việc thực hành tôn giáo cũ bằng một cách thức Kitô mới, và Ngài đang mặc khải một điều rất quan trọng về Thiên Chúa khi làm như thế. Diễn tả theo ẩn dụ như sau: Chúa Giêsu đang thay thế loại tiền tệ tôn giáo cũ bằng một loại tiền tệ tôn giáo mới. Đó vừa là một phép ẩn dụ vừa là một bài học:
Chúng ta tất cả đều quen thuộc với sự kiện này: Chúa Giêsu đi vào khu vực đền thờ, nơi những người đổi tiền đặt bàn của họ, Ngài lật tung bàn, đuổi hết những người đổi tiền và nói rằng: “Đem hết tất cả những thứ này khỏi đây, và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.”
Nhưng phải hiểu chuyện này một cách cẩn thận. Xét sơ qua, bản văn này có vẻ rõ ràng là như vậy, nhưng đàng sau lại đầy tính hình tượng vi tế (cho dù ý nghĩa thật rõ ràng đi nữa). Chúng ta khơi mở ý nghĩa của chuyện này thế nào đây?
Điều quan trọng là phải nhận ra những người đổi tiền đó đang làm một công việc cần thiết. Dân chúng từ nhiều nơi đổ về Giêrusalem để cử hành việc thờ phượng trong đền thờ. Họ đem theo đồng tiền của nước mình, và khi đến đền thờ, họ phải đổi sang đồng tiền Do Thái để có thể mua những con vật (bồ câu, cừu, dê) dùng làm lễ tế. Những người đổi tiền làm công việc này, cũng như nhân viên ngân hàng bây giờ, khi bạn ra nước ngoài, bước xuống máy bay là phải đến quầy đổi tiền để có tiền nước đó dùng.
Tất nhiên, trong số những người đổi tiền đó, có một số người thiếu lương thiện, nhưng đó không phải là lý do Chúa Giêsu phản ứng mạnh quá đỗi như vậy. Và cũng không phải là Ngài thấy bị xúc phạm quá đáng khi việc đổi chác xảy ra tại một nơi thiêng liêng như thế. Khi Chúa Giêsu nói, “đem hết những thứ này ra khỏi đây và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”, là Ngài đang dạy một điều, vượt trên yêu cầu phải sống lương thiện, và cũng vượt trên yêu cầu không được buôn bán trong đền thờ. Sâu xa hơn, là “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” phải hiểu như sau: “Khi đến thờ phượng Thiên Chúa, ngươi không cần phải đổi tiền của mình qua bất kỳ tiền tệ nào khác. Ngươi có thể thờ phượng Thiên Chúa bằng tiền tệ của mình, bằng đồng tiền của mình. Không một ai, không một cá nhân, không một đền thờ, không một Giáo hội, không một tổ chức nào, tuyệt đối là không một điều gì, được phép đứng giữa ngươi và Thiên Chúa mà nói rằng: “Anh phải đi qua tôi mới được!”’
Đó là một lời dạy mạnh mẽ và sẽ không hợp lắm với nhiều người trong chúng ta. Ngay lập tức, họ sẽ bật ra câu hỏi: “Vậy giáo hội thì sao? Giáo hội không cần thiết cho ơn cứu độ sao?” Câu hỏi đó thậm chí càng đau lòng hơn nữa, khi thời này, nhiều người nói thẳng ra họ không cần đến Giáo hội: “Tôi có lòng đạo, nhưng không theo tôn giáo.”
Cứ cho là có một nguy cơ trong việc khẳng định và nhấn mạnh lời dạy này của Chúa Giêsu, nhưng, và đây là điểm mấu chốt, lời dạy này không hướng đến những người vào thời đó đang mở miệng nói: “Tôi có lòng đạo, nhưng không theo tôn giáo.” Đúng hơn, lời dạy này nhắm đến những cá nhân có tôn giáo và các tổ chức tôn giáo đang nghĩ rằng con đường đến với Thiên Chúa phải đi qua con đường dẫn cụ thể (con đường đó đang nằm trong tay họ).  Tất cả mọi đồng tiền tôn giáo đều phải được đổi sang đồng tiền tôn giáo riêng của họ, vì họ nghĩ rằng, họ nắm con đường đến với Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã cố gắng thanh tẩy chúng ta khỏi bất kỳ thái độ hay hành động nào mang suy nghĩ như thế.
Điều này không bác bỏ sự chính đáng hay cần thiết của Giáo hội cũng như những người phục vụ trong Giáo hội. Thiên Chúa làm việc qua Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội. Nhưng điều này bác bỏ bất kỳ tính chính đáng nào khi người ta cho rằng Giáo hội và các thừa tác viên của mình mới nắm con đường đến với Thiên Chúa.
Không một ai nắm giữ con đường đến với Thiên Chúa, và nếu Chúa đã từng nổi nóng thì đó là vì đôi khi chúng ta tin rằng con đường đến với Ngài đang hoàn toàn nằm trong tay mình.
Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch


VÌ SAO TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA

Tôi tin rằng một Thiên Chúa của lòng mình tồn tại vì những lý do mà tôi không thể nói rõ được: là sự tốt lành của các thánh, một hạt giống không bao giờ phôi phai trong lòng tôi, biểu hiện của đức tin trong cảm nghiệm của riêng tôi...

Một số tác giả tôi yêu thích là những người theo thuyết bất khả tri, những người chân thành và dũng cảm đối diện cuộc đời mà không có đức tin vào một Thiên Chúa của mình. Hầu như họ đều khắc kỷ, những người bình an với việc có lẽ Thiên Chúa không tồn tại và có lẽ chết là hết. Tôi thấy được điều này nơi James Hillman, một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và là người có rất nhiều điều để dạy cho các tín hữu về ý nghĩa của việc lắng nghe và tôn trọng linh hồn con người.
Nhưng có một điều tôi không ngưỡng mộ nơi các nhà khắc kỷ bất khả tri. Dù họ dũng cảm đối diện với giả định rằng Thiên Chúa không tồn tại và chết là hết, nhưng họ lại không có cùng dũng cảm đó để đặt ra chất vấn về chuyện nếu Thiên Chúa tồn tại và chết không phải là hết thì sẽ thế nào. Nếu như có Thiên Chúa và nếu giáo lý của đức tin chúng ta đúng thì sao? Họ cũng cần phải đối diện với chất vấn đó nữa.
Tôi tin rằng Thiên Chúa tồn tại, không phải bởi tôi chưa từng có chút nghi ngờ, cũng không phải bởi tôi được nuôi dạy trong đức tin với những người đã làm chứng sâu đậm cho chân lý của đức tin đó, cũng không phải bởi đại đa số nhân loại trên hành tinh này tin vào Thiên Chúa. Tôi tin rằng một Thiên Chúa của lòng mình tồn tại vì những lý do mà tôi không thể nói rõ được: là sự tốt lành của các thánh, một hạt giống không bao giờ phôi phai trong lòng tôi, biểu hiện của đức tin trong cảm nghiệm của riêng tôi, lòng dũng cảm của các bậc tử đạo xuyên suốt dòng lịch sử, chiều sâu thăm thẳm trong giáo huấn của Chúa Giêsu, những thấu suốt sâu sắc trong các tôn giáo khác, trải nghiệm thần nghiệm của vô số người, nhận thức của chúng ta về mối liên kết với cộng đoàn các thánh và những người thân yêu đã qua đời, những lời chứng chung và riêng của hàng trăm người đã chết lâm sàng rồi được sống lại, những chuyện chúng ta trực cảm vượt ngoài mọi lý luận lô-gích, vòng tuần hoàn hồi sinh trong cuộc đời chúng ta, chiến thắng của sự thật và sự thiện trong suốt lịch sử, sự thật rằng hy vọng không bao giờ chết, sự cưỡng bách không nguôi trong chúng ta muốn được hòa giải với người khác trước khi chết, chiều sâu vô tận của trái tim con người, và việc các nhà vô thần và bất khả tri trực cảm rằng có thể điều này cũng hợp lý. Tất cả cho tôi thấy sự hiện hữu của một Thiên Chúa sống động của tôi.
Tôi tin Thiên Chúa hiện hữu vì đức tin thành sự, ít nhất là thành sự đến mức độ của chúng ta. Sự hiện hữu của Thiên Chúa tự chứng minh đến mức độ mà chúng ta đón nhận một cách nghiêm túc và sống cuộc đời mình dựa trên điều đó. Nói đơn giản, chúng ta hạnh phúc và bình an đến mức độ chúng ta liều mình sống đức tin, một cách rõ ràng hay không chút nghi hoặc gì. Những người hạnh phúc nhất mà tôi biết cũng là những người đáng kính, dễ thương, vị tha, và quảng đại nhất tôi biết. Đây không phải tình cờ.
Leon Bloy từng nói rằng trong đời chỉ có một nỗi buồn thực sự, đó là không được làm thánh. Chúng ta thấy trong câu chuyện về chàng thanh niên giàu có trong Tin mừng đã từ chối lời mời của Chúa Giêsu muốn anh sống đức tin sâu sắc hơn. Anh đã buồn rầu bỏ đi. Dĩ nhiên, làm một vị thánh và sống buồn bã, không phải là chuyện trắng hay đen, cả hai đều có những mức độ. Nhưng trong chuyện này có sự nối tiếp. Chúng ta hạnh phúc hay buồn bã cũng tương xứng với mức độ chúng ta thành tín hay bất tín với những gì là độc nhất, là chân, thiện, mỹ. Tôi biết rõ điều này trong đời mình. Tôi hạnh phúc và bình an đến mức độ tôi đón nhận đức tin cách nghiêm túc và sống đức tin trong thành tín, càng thành tín tôi càng thấy bình an, và ngược lại.
Trong tất cả chuyện này, còn có một “luật nghiệp quả” nói cụ thể là vũ trụ trả lại cho chúng ta chính xác những gì chúng ta cho nó. Như Chúa Giêsu đã nói, “Anh em đong bằng đấu nào sẽ được đong lại bằng đấu ấy.” Những gì chúng ta thở ra, đến cuối cùng chính là những gì chúng ta hít vào. Nếu chúng ta thở ra ích kỷ thì sẽ hít vào ích kỷ, nếu chúng ta thở ra cay đắng thì sẽ gặp đắng cay, nếu chúng ta thở ra tình yêu, nhân từ và tha thứ thì chúng ta sẽ nhận lại cùng mức độ đó. Cuộc sống và vũ trụ của chúng ta có một cơ cấu yêu thương và công bằng thâm sâu, tự nhiên và không thể bàn cãi đã được viết sẵn, một cơ cấu chỉ có thể được viết nên bởi một trí tuệ thần thiêng sống động và một tâm hồn yêu thương.
Dĩ nhiên, không điều nào trong những điều này chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa với những bằng chứng theo kiểu khoa học hay toán học, nhưng đâu thể tìm được Thiên Chúa bằng một thí nghiệm kinh nghiệm luận, một phương trình toán học hay một tam đoạn luận triết học. Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, rõ ràng và dứt khoát, nơi một đời sống quên mình, nhân từ, chân thành và tốt lành. Điều này có thể có trong tôn giáo hay ngoài tôn giáo.
Thầy dòng Biển Đức người Bỉ, Benoit Standaert, đã nói rằng khôn ngoan là ba sự thêm một. Khôn ngoan là tôn trọng tri thức, tôn trọng sự chân thật và vẻ đẹp, tôn trọng mầu nhiệm. Và điều thứ tư, khôn ngoan là tôn trọng một Đấng nào đó.
Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - B

Muốn làm lớn, muốn tỏ ra mình là người có giá trị, hay nói khác đi, muốn tự khẳng định mình là một nhu cầu hết sức quan trọng và được biểu hiện bằng nhiều hình thức trong cuộc sống.
Thời Chúa Giê-su, các vị kinh sư và các người biệt phái tự khẳng định mình bằng cách “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”. (Mt 23, 5-7)
Ngay cả các môn đệ Chúa Giê-su cũng hay tranh luận với nhau giữa họ ai là người lớn nhất. Điều nầy đã được ghi lại nhiều lần trong Tin Mừng (Mc 9, 33-34; Lc 9, 46; Mt 18,1; Lc 22, 24).
Có lần, hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giê-su cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Người được hiển vinh. Bấy giờ, mười môn đệ kia tỏ ra bất bình với Gioan và Giacôbê vì anh em nhà nầy muốn giành trước hai chiếc ghế mà họ đang ngấp nghé. (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37)
Đó là khát vọng chung của con người. Ai cũng muốn nổi bật, ai cũng muốn vươn cao; không ai muốn bị lu mờ. Nói chung, ai cũng muốn làm gia tăng giá trị của mình.
Đây là một khao khát rất tự nhiên. Chính Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn con người khát vọng đó để thúc đẩy họ vươn lên thành những người cao cả. Chúa Giê-su cũng kêu gọi các môn đệ vươn tới đỉnh trọn lành: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48)
Làm thế nào để trở thành người cao cả thật sự
Có người cố làm tăng giá trị của mình bằng cách trang điểm thân xác. Tuy nhiên, người ta không thật sự trở nên cao cả nhờ nhan sắc, vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”.
Có người tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng của cải vàng bạc, nhưng thực ra, “giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu”.
Có người trau dồi và phát huy tài năng cho người ta nể phục, hoặc cố giành những địa vị cao trong xã hội để nâng giá trị mình lên.
Còn Chúa Giê-su, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Người chỉ cho họ một cách để thực sự trở thành cao cả: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35)
Lời dạy của Chúa Giê-su xem ra trái nghịch với suy nghĩ của người đời. Thông thường, muốn làm lớn thì phải tôn mình lên để thống trị người khác; đằng nầy Chúa Giê-su dạy phải hạ mình xuống làm tôi tớ hầu hạ mọi người. Thật thế sao?
Ngày 5 tháng 9 năm 1997, cả thế giới xúc động, thương tiếc và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa khi hay tin một nữ tu già nua, thấp bé mang danh Tê-rê-xa qua đời tại Calcutta, Ấn-độ ở tuổi 87. Nhà Nước Ấn-độ, một quốc gia phần đông theo Ấn-giáo, đã long trọng tổ chức quốc táng cho Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu khiêm tốn bình dị công giáo, người gốc An-ba-ni! Thật là điều không tưởng tượng nổi.
Tại sao Mẹ Tê-rê-xa lại được vinh dự lớn lao như thế?
Vì Mẹ đã thực hành đến mức hoàn hảo điều mà Chúa Giê-su truyền dạy cho các môn đệ Người trong Tin Mừng hôm nay. Đó là hạ mình làm tôi tớ hầu hạ phục dịch những con người nghèo thiếu và khốn khổ nhất thế gian với lòng yêu thương vô hạn.
Cuộc đời của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng giáo huấn của Chúa Giê-su là xác đáng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35)
Như thế, phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ chính là con đường đưa tới vinh quang.
Lm. Ignatiô Trần Ngà