KHI NGHỊCH CẢNH ĐẾN, BẠN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?

Trong cuộc sống, rất nhiều người sợ lâm vào khó khăn, nghịch cảnh. Vì thế, họ luôn đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Sao mọi thứ lại không trôi chảy?”; “Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn, trở ngại?”; “Tại sao điều này lại xảy ra với mình?”; “Tại sao đời bất công đến vậy?”; hay “Tôi đã làm gì để ra nông nỗi này?”. Nhưng nếu suy tư một chút, chúng ta sẽ thấy: nghịch cảnh cuộc đời là điều không thể tránh. Không ai tránh được những bất trắc trong cuộc sống. Thật thế, người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ, hoặc thậm chí sức khỏe sa sút. Đôi khi những thử thách đó lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, nên dù cố gắng đến mấy, nó vẫn tan thành mây khói. 

Điều đáng bàn ở đây là: chúng ta sẽ phải ứng xử với những nghịch cảnh đó như thế nào cho đúng mực, hầu đem lại hiệu quả tối ưu! 

1. Những thái độ khác nhau khi gặp nghịch cảnh Thật ra, mỗi khi thử thách đến trong đời, chúng ta thấy có rất nhiều thái độ khác nhau, mỗi người đối diện và phản ứng một kiểu, chẳng ai giống ai. Có người thì quay lưng lại với chúng. Có người lại không dám tiến lên vì sợ thất bại. Lại có người không bao giờ hành động... vì lo không đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, cũng có những người khi thất bại đến, họ coi đó như là một điều kiện cần để tiến đến thành công. Lại có những người coi việc thất bại như là một phần của cuộc sống để làm cho cuộc đời này ý nghĩa, giá trị hơn. Những người đó, họ coi thất bại như là chút mắm, muối, gia vị... để làm cho “tô phở cuộc đời” được mặn mà, thơm ngon hơn. Ralph Waldo Emerson đã nói: “Vinh quang lớn nhất của chúng tôi không phải là không bao giờ thất bại, nhưng tăng lên mỗi khi chúng tôi thất bại”; “Chẳng ai trở nên hoàn hảo và tốt đẹp mà chưa từng mắc lỗi lầm nào cả” (William E. Gladstone). 

Thật thế, những người có thái độ tích cực đối với thất bại thì trong đầu họ luôn nghĩ: “Nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn. Hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn” (Fanco Molinary). “Thất bại chỉ là cách chúng ta học hỏi qua phương pháp thử và sai. Chúng ta không chỉ cần chấm dứt ngay nỗi sợ hãi thất bại mà còn cần sẵn sàng chấp nhận thất bại – thậm chí hào hứng đón nhận thất bại. Họ gọi phương pháp đón nhận thất bại này là ‘thất bại để tiến lên’. Bạn chỉ cần bắt tay thực hiện, phạm sai lầm và tiếp tục tiến về phía mục tiêu của mình. Tất cả những kinh nghiệm thu được đều là những thông tin hữu ích bạn có thể sử dụng cho những lần sau” (Jack Canfield – trích trong “những nguyên tắc thành công”). Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nếu nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ nhận ra những món quà quý giá bạn đang tận hưởng trong hiện tại lại “đâm chồi nảy lộc” từ nơi nghịch cảnh bạn phải hứng chịu trong quá khứ. Tại sao thế? Thưa vì: “Bạn không thể học được ít hơn, bạn chỉ có thể học được nhiều hơn. Tôi có kiến thức sâu rộng chính là bởi tôi đã phạm rất nhiều sai lầm” (Buckínter Fuller - Nhà toán học và triết gia). Thất bại là chậm trễ, nhưng không đánh bại. Đó là một đường vòng tạm thời, không phải là một ngõ cụt. 

Tuy nhiên, “nghịch cảnh chỉ mang đến lợi ích trong tương lai nếu bạn giữ được thái độ tích cực, chủ động tìm kiếm những cơ hội mới và không ngừng bước tới. Nếu bạn cho phép nghịch cảnh nhấn chìm bạn vào những suy nghĩ tiêu cực và thôi không phấn đấu thì đương nhiên, chẳng điều tốt đẹp nào đến với bạn cả” (trích trong “3 món quà đến từ nghịch cảnh” đăng trên: http://www.hoclamgiau.vn/skill/1641/mon-qua-den-tu-nghich-canh) 

2. Câu chuyện thành công từ những nghịch cảnh Có một câu chuyện kể rằng: Những nông dân ở miền Nam Alabama đã quen trồng chỉ mỗi một thứ là cây bông (dùng để se chỉ, dệt vải). Một năm kia, những con sâu bọ đã tàn phá cả vùng. Năm sau những người nông dân đem nhà cửa của họ đi cầm cố để có tiền và lại tiếp tục trồng cây bông, hy vọng vào một kỳ gặt hái tốt đẹp. Thế nhưng, khi những cây bông bắt đầu mọc, những con sâu bọ đó lại đến và phá sạch hầu hết các cánh đồng. Một số ít những người "sống sót" qua 2 năm đó đã quyết định trồng thử một thứ mà trước đây họ chưa bao giờ trồng, đó là cây lạc (đậu phộng). Và kết quả là cây lạc của họ nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi lợi tức của năm đó đủ để họ trả hết nợ của 2 năm trước. Kể từ đó họ trồng cây lạc và rất phát đạt. Và rồi bạn biết những người nông dân đó làm gì không? Họ trích một phần trong tài sản của mình để dựng một đài kỷ niệm ngay giữa trung tâm thành phố để ghi công "những con sâu bọ". Bởi nếu không vì những con sâu đó họ sẽ không bao giờ khám phá ra cây lạc. Họ sẽ mãi mãi đủ ăn với nghề trồng cây bông từ thế hệ này qua thế hệ khác. 

3. Đứng trước nghịch cảnh, người Công Giáo cần có thái độ nào? Khởi đi từ nguyên tắc cứu độ của Đức Giêsu trong nguyên lý của hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24); rồi chính Đức Giêsu đã đi trên con đường tự hủy đó để cứu độ con người. Đỉnh cao của mầu nhiệm này là cái chết trên thập giá như Ngài đã tiên báo: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8, 31). Tinh thần này đã được thánh Phanxicô Assisi lựa chọn và sống, ngài viết: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Quả thật, con đường này là con đường nghịch lý của thập giá mà chính Đức Giêsu đã lựa chọn. Tuy nhiên, đằng sau sự mục nát của hạt lúa, chúng ta thấy trổ sinh nhiều cây và bông hạt khác. 

Cũng vậy, nếu không có thập giá hôm nào thì không có sự phục sinh của Đức Giêsu và niềm hy vọng của chúng ta. Chính Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận cũng đã nói: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “ Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời" (ĐHV., số 41. 43). “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Trong hành trình sống đạo, hẳn không thiếu những nghịch cảnh. Tuy nhiên, khi đối diện với chúng, mỗi người chúng ta hãy kiên trì và trung thành với ơn gọi mà mình đã khám phá và cảm nghiệm.

Mỗi khi khó khăn thử thách đến với chúng ta, đừng vì thất vọng mà buông xuôi. Nhưng hãy trung thành đến cùng. Nếu bỏ cuộc, chúng ta đã làm việc này việc nọ vì hứng chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa. Tuy nhiên, lòng yêu mến Chúa thì không phải là hứng mà làm, nhưng là vì cảm nghiệm. Khi đã cảm nghiệm thì không còn chuyện bàn tán nên hay không nên, mà tất cả đều có ích cho những người yêu mến Chúa. Hình ảnh người trộm lành cho chúng ta thấy, anh ta hạnh phúc ngay trong sự thất bại. Anh ta được hạnh phúc là vì anh ta tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Còn Giuđa thì thất vọng khi đang sống trong tình yêu nhưng lại nghi ngờ, nên ông đã là người thất bại thê thảm. Nếu không bền chí thì không phải là người tài đức song toàn. Người tài là người được lớn lên trong thử thách. Người có đức là người bền chí, trung thành và can đảm. Bền chí là dấu hiệu của người đang dồi dào ânsủng. Nếu thiếu đi hai yếu tố trên thì không phải là mình “hiền” như mình vẫn lầm tưởng, mà là “hèn”. Cần hiểu và phân định rõ rằng: “hiền” và “hèn” là hai lối sống và biểu hiện khác nhau. 

Nếu không có lòng yêu mến Chúa, thì không thể kiên trì, trung thành được, bởi vì, họ sẽ không thể tìm ra ý nghĩa của đau khổ, thất bại. Họ sẽ không thấy sự sống trổ sinh từ cây thập giá chết. Họ sẽ không thể hy vọng về một tương lai tươi sáng khi đang phải đối diện với tối tăm mù mịt. Giuđa và Gioan chỉ khác nhau ở lòng mến mà thôi. Trong tâm hồn chúng ta cũng vẫn còn đó hai hình ảnh và hai lối sống lẫn lộn: Gioan và Giuđa. Bao lâu chúng ta còn kiên trung, bền chí, và hy vọng, ấy là dấu chỉ ta theo Gioan để đi trọn con đường tình yêu dưới chân thập giá. Còn giờ phút nào chúng ta nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, ham danh, ấy là lúc chúng ta đã chọn Giuđa làm quan thầy và thắp hương tôn thờ vị"quan thầy phản bội". 

Bạn thân mến, Chúng ta thường than oán mỗi khi rơi vào nghịch cảnh. Thế nhưng, chúng ta quên rằng Chúa là Cha của chúng ta ở trên trời, Chúa luôn yêu thương chúng ta, Ngài biết trước những gì chúng ta cần, vì thế chúng ta nên phó thác trong tay Ngài. Hãy tin tưởng vào Chúa quan phòng (x. Mt 6,25-34). Mỗi khi gặp nghịch cảnh , khó khăn xảy đến, chúng ta đừng quá bận tâm cho câu hỏi tại sao? Mà hãy chú tâm và khám phá ra ý định của Thiên Chúa trong nghịch cảnh đó. Khi thinh lặng nội tâm, Ngài sẽ cho biết lý do tại sao, hay cần làm gì để chúng ta nhận biết được những hồng ân quý báu Chúa ban cho trong nghịch cảnh đó. 

Thật vậy, mọi sự đều trở nên ích lợi cho những người yêu mến Chúa. Vì thế, không còn chuyện than thân trách phận hay buồn bực, chán nản và thất vọng vì những điều không hợp với ý của ta nữa. Các thánh là những người đã sống mầu nhiệm thập giá qua những nghịch cảnh cách xuất sắc. Có những đấng đã xin Chúa cho chịu thật nhiều đau khổ để đến vì tội mình. Lại có đấng sẵn lòng chịu khổ cực thay cho người khác. Và cũng có những đấng đón nhận mọi khổ cực đắng cay, hiểu lầm vì lòng yêu mến Chúa. Các thánh là những người phải chiến đấu với sự yếu đuối bản thân, với những nghịch cảnh từng ngày từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống. Xin hãy nhớ rằng: những điều tốt đẹp ngày hôm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua. 

Để kết thúc, xin bạn cùng với tôi, chúng ta cùng nhau suy ngẫm câu nói sau: " ‘Khổ’. Đúng vậy. Thương khó, bỏ dễ. Khó mới quí, bỏ là quỉ” (ĐHV., số 60). Vậy bạn và tôi, chúng ta muốn làm thánh hay là quỷ??? 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - B

CON ĐƯỜNG VỀ ÁNH SÁNG
Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52
Một nhóm sinh viên tổ chức tham quan mỏ than Scottish ở Anh Quốc. Mỗi sinh viên được phát một nón bảo hộ của thợ mỏ, đằng trước nón có gắn bóng đèn nối với một bình điện đeo ở thắt lưng.
Người hướng dẫn đưa họ vào buồng thang máy xuống tận đáy hầm than. Tới nơi, ông đề nghị các sinh viên bật đèn trên nón bảo hộ vì con đường dẫn đến khu khai thác tối đen như mực. Mái vòm chỉ cao một mét hai, nên mọi người phải cúi rạp xuống khi di chuyển. Than được chở trên băng tải và đổ vào các toa trên đường ray.
Ngay trước khi nhóm sinh viên đến khu khai thác, người hướng dẫn nói: "Các bạn hãy tắt tất cả các đèn trên nón". Mọi người đều làm theo. Không ai thấy gì cả. Mọi vật đều một màu đen. Trong tăm tối, người thợ mỏ nói: "Hãy cố gắng nhìn kỹ vào ngón tay của bạn". Chẳng ai thấy gì cả. Một vài người bắt đầu sợ hãi. Rồi người thợ mỏ nói một câu mà các sinh viên không bao giờ quên được: "Đây là tình trạng của những người mù".
Tất cả các sinh viên đều hiểu ra. Bị mù thì không bao giờ thấy được ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì khác. Họ cũng hiểu tại sao những người thợ mỏ lại thích bầu trời trong xanh và ánh nắng rực rỡ của mặt trời.
Qua đó chúng ta hiểu được ý nghĩa ca khúc của “Đôi mắt” với ca từ dễ thương của Nhạc sĩ Xuân Hồng mà có lẽ ai trong chúng ta cũng biết.
Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,
Để nhìn đời và để làm duyên.
Mẹ cho em đôi mắt màu đen,
Để thương để nhớ, để ghen để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn,
Là bài thơ hay nhất,
Là lời ca không dứt,
Là tuyệt tác của thiên nhiên.
Đôi mắt là cửa ngõ tâm hồn,
là tuyệt tác thiên nhiên…
Riêng đối với những người đang yêu thì tất cả cuộc sống, đặc biệt là tình yêu trong trẻo trong đôi mắt như thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết hai câu thơ:
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Đôi mắt là cửa ngõ tâm hôn, anh mù Báctimê mù từ lúc mọi sinh, cuộc sống đối với anh là một màu đen tối từ ngày lúc sinh, được Chúa chữa cho sáng mắt và anh đã đi theo Ngài.
Trên đường đi Giêrusalem như đã loan báo ba lần (x. Mc 8,31-33;  9,30-32; 10,32-34), Đức Giêsu và các môn đệ đến  Giêrikhô. Theo các nhà khảo cổ học, Giêrikhô là một thành phố cổ xưa nhất thế giới, đã có người cư ngụ từ năm 7.800 trước Chúa Giáng sinh, với những di tích đồn lũy có từ 7.000 năm trước Chúa Giáng sinh. Giêrikhô tọa lạc về phía đông bắc Giêrusalem, nằm ở 250m dưới măt biển, tại một ốc đảo trong vùng trũng bên sông Giođan nên cảnh vật thiếu sức sống, hoang vắng, lúc nào cũng thấp thoáng bóng dáng thần chết. Tên Giêrikhô trong tiếng Do Thái có nghĩa là "thành phố mặt trăng", chắc chắn để kỷ niệm việc thờ kính trong dân gian xa xưa: Vị thần của ban đêm.
Đức Giêsu và đoàn người đã không dừng lại Giêrikhô như bao nhiêu khách hành hương từ miền Bắc Galilê đi dọc theo sông Giođan lên Giêrusalem để dự lễ Vượt, thì đây là chặng đường cuối cùng, vì chỉ cách thủ đô 35 cây số. Vì thế, Giêrikhô là biểu tượng cho "công việc tiến vào miền đất hứa" ngay sau khi vượt qua sông Giođan. Đối với Đức Giêsu cũng vậy, đó là con đường dẫn đến Giêrusalem, dẫn tới Ngày mai (Mc 11,1).
Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đang đi ra khỏi thành thì gặp anh hành khất mù Báctimê, đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi nghe biết Đức Giêsu thành Nadarét đi qua, liền kêu lên: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". Tước hiệu Con Vua Đavit”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng như các lời tiên báo của Ngôn sứ: Đấng Cứu Thế xuất thân tự dòng dõi vua Đavit, Đấng được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần. Ngày mai ở Giêrusalem dân chúng cũng sẽ cầm cành lá vạn tuế trên tay để tung hô Đức Giêsu cùng với tước hiệu “Hỡi con vua Đavít"  (Mc 11,10). Dù rằng theo suy nghĩ con người "Vua" thuộc dòng dõi Đavít mang theo cách hiểu lầm về chính trị "sẽ lập lại vương quyền tại Israel" khi Đức Giêsu lên Giêrusalem là lên "nắm quyền", nhưng Chúa Giêsu đã nhiều lần giải thích vương quyền của Ngài không theo kiểu những quốc gia trần thế (x. Mc 10,42; Mt 27,11; Ga 18,33-36) Người đứng đầu bằng cách làm người sau chót, là nô lệ và là vị vua được giương cao với vương miện bằng gai nhọn để tất cả mọi người nhìn lên và tin thì được cứu độ. "Xin thương xót tôi", tiếng Hy Lạp là "Kyrie Eleison". Sau này xuất phát một truyền thống rất lâu đời của Giáo hội Đông phương dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xyria, Ai Cập, Cappadoce vùng Sa mạc... phương thế tự thánh hóa mình nhờ "lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: Lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót".
Anh mù Bactimê tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu trước mặt mọi người bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bằng cử chỉ vứt bỏ áo choàng (nhu cầu tối cần của anh), bằng cách nhảy lên, vội vã chạy tới Chúa, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh.
Người hành khất mù được sáng mắt nhờ đức tin như Chúa Giêsu đã khẳng định “Đức tin của con đã cứu con” đối tượng đức tin duy nhất là Đức Giêsu Nagiarét con vua Đavit mà anh đã đặt hết niềm tin vào. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã sáng mắt và con hơn nữa anh thấy điều mà những người sáng không được thấy như tin mừng Marco nhấn mạnh: “Anh liền xem thấy, rồi đi theo Người” (Mc 10,52b), theo Ngài lên Giêrusalem.
Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem ra khỏi Giêrikhô, như ra khỏi bóng tối đê tiến về thành đô ánh sáng, thực hiện mầu nhiệm được cứu độ, Ra khỏi thành bóng tối, Ngài cũng kéo anh mù Bectimê được khỏi tối tăm khi cho anh được sáng nhờ đức tin của anh.
Chúng ta cũng duyệt lại đời sống của mình, có còn ở trong bóng tối, như anh mù ở thành Giêrikhô – thành của bóng tối. Chúng ta tín thác với thầy đang trong hành trình tiến về Giêrusalem, Đấng sẽ kéo chúng ta về sự sáng.
Xin Chúa chữa niềm tin còn u tối… U tối của tội lỗi, của bất toàn và của yếu đuối thân phận của con người… U tối của những suy nghĩ, u tối trong cách hành xử với nhau.
Giúp con sáng mắt Chúa ơi!
nhận ra tình Chúa giữa đời gian nan.
Tin tưởng, phó thác, bình an
giã từ bóng tối, vững vàng niềm tin.
                        (Ánh sáng niềm tin, Monica Lệ Thi).

                                            Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài gòn,24/10/2015


Tĩnh Tâm Học Viện Quý 1




Tĩnh tâm là dịp nhìn lại đời sống thiêng liêng của mỗi người sau những tháng ngày bôn ba với công việc, học hành, sứ vụ….
Hôm nay, hòa chung với niềm vui của Giáo Hội mừng lễ Thánh Phanxicô Assi. Chị em Học Viện tập trung về Tu Viện Mẹ Thiên Chúa để tĩnh tâm quý I năm 2015-2016. Đây là lần tĩnh tâm quý đầu tiên của năm mới. Chương trình tĩnh tâm bắt đầu từ lúc 9h00 sáng, mở đầu ngày tĩnh tâm chị giáo đã gặp gỡ tất cả chị em học viện để nhắc nhở, hướng dẫn một số điều trước khi vô phòng tĩnh tâm. Tiếp đó là thời gian im lặng gặp gỡ Chúa để xét mình, kiểm điểm lại đời sống của mình trong thời gian qua. Để dốc lòng loại bỏ đi những gì tiêu cực và phát huy những gì tích cực nhằm thăng tiến đời sống ơn gọi của mình mỗi ngày càng trở nên giống Chúa hơn.
Đề tài tĩnh tâm hôm nay cha giảng phòng đề cập đến vấn đề “canh tân đoàn sủng của Hội Dòng” Cha nhấn mạnh  hai nguyên tắc căn bản để canh tân là: trở về nguồn và thích nghi đời tu vào bối cảnh hiện tại. Để đổi mới đời sống thánh hiến, mỗi Hội Dòng phải khám phá lại tinh thần và mục đích của Đấng sáng lập. Muốn canh tân Hội Dòng trước hết chúng ta phải canh tân, đổi mới chính bản thân mỗi người qua từng công việc mình đang đảm nhận. Mỗi khi cá nhân thăng tiến thì Cộng Đoàn, Hội Dòng sẽ thăng tiến. Sự canh tân này cần có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần vì tự sức con người không thể làm được. Sự canh tân này cần làm phát huy những truyền thống tốt đẹp mà các Đấng sáng lập để lại.
Canh tân đoàn sủng bằng cách kiểm điểm đời sống ơn gọi của mình để tìm ra những phương hướng mới nhằm thăng tiến đời sống ơn gọi cá nhân.Trong quá trình canh tân đời sống ơn gọi, chúng ta cũng cần phải tiếp thu những điều mới mẻ phù hợp với thời đại. Qua bài chia sẻ của cha giảng phòng đã để lại trong lòng mỗi người ý thức mạnh mẽ và quyết liệt trong cách sống ơn gọi của mình. Dù sống trong môi trường nào chúng ta cũng luôn mang trong mình khát khao canh tân đời sống mỗi ngày để sống xứng đáng với đoàn sủng của Hội Dòng.
Ngày tĩnh tâm kết thúc với giờ Chầu Thánh Thể thật trang nghiêm và sốt sắng, mỗi chị em được đón nhận dồi dào ơn Chúa và quyết tâm sống con người mới của mình cách hiệu quả hơn. Niềm vui và ơn Chúa của ngày tĩnh tâm còn được nối dài với giờ sinh hoạt chung của tất cả chị em học viện. Sau giờ cơm tối tất cả chị em học viện quây quần bên nhau cùng với sự hiện diện của chị giáo. Mục đích của giờ sinh hoạt này là để mừng bổn mạng một số chị em có thánh quan thầy trong tháng 10 và cũng là cơ hội để chị em chia sẻ với nhau những sinh hoạt mục vụ của chị em nơi các cộng đoàn, giáo xứ….để nhờ đó thắt chặt tình thương mến, hiệp thông, chia sẻ và cầu nguyện cho nhau trong sứ vụ, và giúp nhau hòan thành tốt sứ vụ mà Hội Dòng đã trao phó.Giờ sinh hoạt kết thúc đã đem lại nhiều niềm vui cho mỗi chị em sau những tháng ngày căng thẳng vất vả và bận rộn với công việc bổn phận.
Nguyện xin Chúa thương ban muôn ơn lành cần thiết, giúp cho mỗi chị em chúng con biết ý thức canh tân đời sống ơn gọi của mình mỗi ngày để trở nên những môn đệ đích thực của Chúa và góp phần xây dựng  Hội Dòng ngày càng phát triển như lòng Chúa mong ước.

Chị Em Học viện Bình Triệu