BỔN MẠNG THÁNG 7


THÁNG 7

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
06.07                            
Lễ thánh Maria Goretti.
*Chị Hải
11.07
Lễ thánh Beneđicto

* Chị Hường

18.07
Lễ thánh Consolata Betrone.
* Chị Nhàn
22.07 
Lễ thánh Maria Madalena
* Chị Nhơn
23.07
Lễ thánh Brigitte
* chị Trâm
24.07 
Lễ thánh Christina.
* Chị Lộc.

26.07

Lễ thánh Gioakim và Anna.
*Chị Ngân.
* *RT:Chị Diễm Lan, Chị Thật, Chị Xuyên, Chị Lộc, Chị Bích Phượng
29.07

Lễ thánh Matta.
*RT: Chị Hiên, Chị Hoa, Chị Hà,  Chị Thìn,
C. Thùy Dung, C. Thu
31.07
Lễ Thánh Ignace de Loyola
* Chị Loan
*Ghi chú: Từ ngày 30/07 đến ngày 07/08, xin Chị em làm tuần cửu Nhật kính Thánh Đaminh- Tổ phụ Dòng

 

Lễ giỗ cha mẹ chị em

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN

NGÀY
LỄ GIỖ
09.07
Chị Marie  Bernadette Nguyễn Thị Việt

27.07

Ông cố Phêrô - Thân phụ Chị Khiêm


TÂM SỰ CHIẾC VỎ ỐC

Ai đã từng đi biển sẽ có kinh nghiệm được quan sát cuộc sống của loài Ốc cách sống động và thú vị, hoặc chúng ta cũng có thể quan sát những con Ốc Sên sống ở khu vườn nhà của mình mỗi khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, dù sống ở những môi trường khác nhau như thế, nhưng loài ốc đều có một đặc điểm chung là thu mình vào trong chiếc vỏ của chúng mỗi khi gặp nguy hiểm, và chỉ chui ra khỏi cái vỏ khi chúng cảm thấy an toàn.

Trong thực tế, chiếc vỏ có ý nghĩa sống còn với loài Ốc, chúng không chỉ là lá chắn cứng cáp để bảo vệ tấm thân mềm mại và yếu đuối của chúng khỏi các mối đe dọa, nhưng còn là ngôi nhà để chúng nghỉ ngơi sau những giờ lao nhọc đi kiếm thức ăn.

Đôi khi tôi tự hỏi!

Phải chăng cuộc sống của mỗi người cũng cần một chiếc “vỏ Ốc” như thế?

Và tôi tự nhủ lòng mình: Tại sao không! Bởi chiếc vỏ ốc tự bản chất nó là tốt và cần thiết cho cuộc sống, vấn đề là mình sử dụng chiếc “vỏ ốc” với thái độ nào.

Có thể nói, nguyên lý sống của loài Ốc cách nào đó cũng được con người áp dụng cho cuộc sống của mình rất nhiều. Chúng ta cần quần áo để bảo vệ tấm thân của mình khỏi những tác động nguy hiểm từ bên ngoài – nắng mưa và lạnh giá, cần một ngôi nhà để nghỉ ngơi khi màn đêm buông xuống.v.v… Nếu không có những chiếc “vỏ ốc” ấy thì chúng ta thật khó tồn tại.

Tuy nhiên, trong truyền thống ca dao tục ngữ Việt Nam, chẳng biết vì lý do gì mà ông bà xưa thường có quan niệm về cuộc sống liên quan đến loài Ốc không mấy tốt đẹp. Chẳng hạn như: “Ăn Ốc nói mò”, hay nhìn từ góc độ tâm lý thì người ta hay dùng hình ảnh: “Thu mình vào vỏ Ốc” để nói về những người tự ti hay mặc cảm, không dám mở lòng ra với cuộc sống và mọi người xung quanh.

Tôi nghĩ rằng, chắc hẳn những quan niệm ở trên không có ý muốn nói về những chiếc vỏ ốc vật chất, nhưng là những chiếc vỏ ốc về mặt tinh thần. Đôi khi vì quá lo lắng cho bản thân hay vì sợ hãi với cuộc sống bên ngoài mà người ta cứ ẩn mình trong chiếc vỏ ốc của mình, để rồi không dám mở lòng mình ra với thế giới và mọi người xung quanh. Thế nhưng, chúng ta cần chậm lại một tí trước khi đưa ra một phán quyết hay nhận xét nào về những người không may rơi vào hoàn cảnh như thế. Bởi vì đôi lúc người ta không dám ra khỏi chiếc “vỏ ốc” vì cảm thấy quá nhiều mối đe dọa, bất an và bối rối từ nhiều phía. Chính những bối rối và sợ hãi này đã “giam” họ ở trong chiếc vỏ ốc mà không dám mở ra với cuộc sống xung quanh. Do vậy, những ai thu mình trong chiếc vỏ ốc cần lắm sự quan tâm và chia sẻ từ người khác, thay vì chỉ biết chỉ trích và lên án.

Có lẽ mỗi người trong chúng ta cần phải can đảm đối diện với những khó khăn xảy đến trong cuộc đời của mình với một ý chí can trường và nỗ lực hết mình, thay vì chỉ biết thu mình lại. Dẫu rằng đôi khi chúng ta phải chấp nhận những hy sinh và mất mát khi đương đầu với khó khăn, nhưng qua đó ta sẽ rút ra cho mình những bài học thật quý giá.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn biết nhìn lại chính bản thân, biết mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, và biết xua đi ý định phán xét một ai đó mỗi khi nó xuất hiện trong đầu con. Bởi vì không một ai trong chúng con hoàn hảo đủ để có thể lên án và phán xét về anh chị em mình. Xin Chúa cho chúng con biết sống quan tâm và để ý đến nhu cầu của những người anh chị em xung quanh chúng con, và tập bỏ đi cái nhìn thiếu tích cực về người khác. Amen!

Paul Khuê S.J
http://dongten.net


HAI CUỘC ĐỔI ĐỜI

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng tòa nhà Hội thánh vững chắc và tỏa rạng cho khắp năm châu.
 Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi”. Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giêsu.
Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hóa khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.
Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.
Theo Thánh Kinh kể lại: Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết! Phêrô chột dạ. Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”. Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Còn lời nào biện minh cho hành động hèn nhát của ông. Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã "đổi mới" tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.
Còn Phaolô thì sao? sau khi ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói lòa. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng. Ông đang thấy và thấy rất rõ. Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận. Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy và đã biết.
Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới. Văn hóa ky-tô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu. Có thể nói ở đâu đó còn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hóa Kitô giáo. Ở đâu đó vẫn còn đó những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của tin mừng. Ở đâu đó vẫn còn đó những tâm hồn thất vọng, lầm than họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà Kitô giáo mang lại cho họ.
Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang tin mừng đến khắp cùng trái đất. Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng tòa nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tùy theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen
(Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)


SỐNG THANH THOÁT ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Nước Pháp người ta vẫn tự hào về chị nữ tu Emmanuelle.  Nữ Tu này, đã từng được biết đến  như là "Nữ Tu lượm giẻ rách" tại Cairô, Ai Cập.  
Năm 1971, Nữ Tu Emmanuelle đến sống giữa những anh chị em nghèo cùng tại khu nhà ổ chuột ở thủ đô Cairô, Ai Cập, và đi lượm rác kiếm sống như họ. Năm 1980, Nữ Tu đã thiết lập hội "Trợ Giúp Xã Hội và Y Tế cho Trẻ Em", hiện có mặt hoạt động tại 9 quốc gia trên thế giới, và giúp cho khoảng hơn nửa triệu trẻ em.
Trong lần sinh nhật 87 của bà, người ta đã nêu câu hỏi dành cho bà: "làm sao Sour có thể chấp nhận sự mất tự do ấy khi sống cho người nghèo và hoàn toàn lệ thuộc vào người nghèo?"
         Vị nữ tu trả lời : "tôi lại nghĩ rằng nữ tu là người tự do nhất !" Trước sự ngạc nhiên của cử tọa, chị giải thích :
Với ba lời khấn hứa của đời nữ tu, tôi hoàn toàn tự do. Ba lời khấn đó là :
- Thứ nhất : nghèo khó, không giữ của riêng. Nhờ đó tôi không bị ràng buộc bởi những ham muốn tiền bạc, tài sản, không phải bon chen tìm kiếm chúng, không phải loay hoay để bám lấy chúng. Sống có nhà dòng lo, chết cũng nhà dòng lo nên tôi chẳng phải bận tâm đến nó.
- Thứ nhì : thanh tịnh, không dính vào tình yêu nam nữ. Nhờ đó tôi được giải thoát khỏi sự kềm tỏa của quý ông (mọi người cười) ! Không phải sợ chồng con hỏi đi đâu, bao giờ về, tôi hoàn toàn tự do sống cho người nghèo.
- Thứ ba : vâng lời, tuân phục bề trên. Nhờ đó, tôi được giải thoát khỏi chính tôi, tức là khỏi những ham muốn, khi thì thích đi đây, khi thì thèm đi đó, khi đòi làm chuyện này, lúc muốn làm chuyện nọ, của riêng tôi. Tôi để bề trên quyết định
Bà kết luận : với ba sự giải thoát ấy, tôi hoàn toàn tự do.
Và tôi có cảm tưởng những người nghèo đói sống trong những khu nhà ổ chuột ở Cairô, Ai Cập lại có vẻ hạnh phúc hơn những người giàu vì họ ít ham muốn... Và điều quan trọng là họ thỏa mãn với những gì mình có.
Cuộc sống con người quan yếu là hạnh phúc. Hạnh phúc không dựa vào tiền bạc, quyền lực mà hạnh phúc là sống thanh thoát khỏi những bon chen của tiền – tình – quyền. Có tiền mà không hạnh phúc thì cũng không bằng không tiền mà hạnh phúc. Có quyền lực mà không có tự do cũng không bằng thường dân mà thanh thản.
Cuộc sống sẽ đẹp biết bao khi con người biết sống thanh thoát khởi những ham muốn danh lợi thú trần gian. Đôi chân sẽ nhẹ nhàng để đến với mọi người. Đôi tay sẽ thanh thoát để trao ban. Tâm hồn sẽ lạc quan dẫu cuộc đời vẫn còn đó những khó khăn.
Hôm nay Chúa Giê-su cũng nhắc nhở người theo Chúa hãy sống thanh thoát với ảo ảnh trần gian. Chính Chúa cũng sống vượt ra ngoài những tiện nghi. Chúa không có nơi gối đầu để có thể thanh thoát ra đi đến với muôn nơi. Đôi chân Chúa không bị níu kéo bởi những tình cảm mau qua. Chúa đã chọn sống vì mọi người và cho mọi người. Cuộc sống của Ngài không tìm niềm vui riêng cho mình. Ngài không giữ lại cho mình một mái nhà, một người thân mà sẵn lòng bỏ lại đi đến tận cùng của hiến dâng cho đồng loại.
Xin cho chúng ta biết sống cao đẹp như Chúa khi biết sống mình vì mọi người. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống thanh thoát trước những mời gọi của danh lợi thú để tâm hồn luôn dành trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Người ta bảo ở bên Palextina có hai biển hồ... Biển hồ thứ nhất gọi là biển chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở hồ lúc nào cũng trong xanh mát dịu, con người có thể uống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này...
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
Đây là một định lý trong cuộc sống: có cho đi mới được lãnh nhận. Vì "xởi lởi trời cho, co ro trời co lại". Hay ít ra cũng là "có qua có lại mới toại lòng nhau". Người có tâm hồn quảng đại trao ban mới có cơ hội đón nhận niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống. Người có tâm hồn thanh thoát khỏi những tham sân si của giòng đời mới tự do tự tại. Vì vậy, thật bất hạnh cho những ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. "Sự sống" trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển chết. Và thật hạnh phúc cho những ai biết trao ban. Cuộc sống họ sẽ mãi lan tỏa và dồi dào sức sống như biển hồ Galilê.
Đó chính là cung cách sống của Chúa Giêsu. Ngài đã sống một cuộc sống thanh thoát với những tiện nghi vật chất. Ngài đã chấp nhận cuộc sống bấp bênh, rày đây mai đó đến độ không có nơi gối đầu. Ngài đã đi vào cuộc đời với cảnh nghèo khó khốn cùng trong thân phận người nghèo: "sinh vô gia cư, chết vô địa táng". Ngài đã sống một cuộc đời cho đi: cho đi tình yêu, cho đi cả tính mạng mình vì người mình yêu. Ngài đã bỏ lại tình yêu của gia đình, của xóm làng để ra đi rao truyền chân lý, để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa Cha. Giá tri cuộc sống của Ngài là làm theo thánh ý Chúa Cha. Ngài không làm theo ý riêng. Ngài không tìm danh vọng cho bản thân. Ngài luôn chu toàn thánh ý Chúa Cha và làm rạng danh Chúa Cha qua đời sống hiến dâng phục vụ nhân trần.
Hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc sống. Ý Chúa có thể làm chúng ta phải thiệt thòi, nhưng là cơ hội để chúng ta đón nhận niềm vui bất diệt trên quê hương trên trời. Ý Chúa đang mời gọi chúng ta bỏ lại những hận thù, ghen ghét, những vinh hoa phú quý trần gian hay những tình cảm mau qua để chọn Chúa làm gia nghiệp đời đời. Ý Chúa đang mời gọi chúng ta đừng bám víu vào những tham vọng của danh lợi thú để tâm hồn thanh thoát bình an. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy quảng đại trao ban, hãy cho đi để được nhận lãnh. Ý Chúa cần thể hiện trong mỗi giây phút khi phải chọn lựa giá trị Nước Trời hơn là những giá trị vật chất tầm thường mau qua.
Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những người thích bám víu vào của cải danh vọng trần gian, vẫn còn đó những người sống lệ thuộc vào những tình cảm mau qua, vẫn còn đó những người vẫn để lòng tham làm hoen ố tâm hồn, làm mất đi nét đẹp của hoạ ảnh Thiên Chúa nơi tâm hồn của mình. Họ chưa thực sự sống tín thác vào Chúa. Họ chưa thực sự để cho Chúa làm chủ con người của họ. Họ vẫn là những con người làm tôi hai chủ. Sống đạo nửa vời, thiếu dứt khoát khi phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và danh lợi thú trần gian.
Xin cho mỗi người chúng ta biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa, biết chọn Chúa làm nghiệp đời đời. Xin cho tâm hồn chúng ta luôn thanh thoát khỏi những ràng buộc vật chất và những tình cảm mau qua trần gian để tâm hồn và thân xác chúng ta luôn thuộc trọn về Chúa. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền


THÔNG BÁO VỀ VIỆC NHẬN ƠN GỌI NIÊN KHÓA 2016-2017


Hội Dòng Đaminh Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi Monteils - Dự-Tỉnh Đức Mẹ La Vang xin thông báo về việc nhận ơn gọi mới cho niên khóa 2016-2017. Bắt đầu từ ngày 1/07/2016, tại Tu viện Fatima- Bình Triệu, nhà đào tạo của Dự-Tỉnh, sẽ đón nhận các ơn gọi muốn tìm hiểu về tinh thần và linh đạo của Hội Dòng. Hội Dòng rất mong được đón nhận các thiếu nữ thực sự khao khát dâng mình cho Chúa, sống ơn gọi tu trì theo Linh đạo Đaminh.
Vì thế, các bạn trẻ có ước muốn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa theo đoàn sủng của Hội Dòng, xin liên lạc: 

Chị Marie Goretti Hoàng Lê Thanh Hải 
Tu viện Fatima- Bình Triệu
165/12 Quốc lộ 13- Kp.1
Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức , Tp. Hồ Chí Minh

Đt: (08) 37268671

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN LÀ GÌ?

Kinh đọc trong năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn Thánh hiến (2014-2015) được bố cục thành năm triệt, với những ý được liên kết chặt chẽ với nhau.

Triệt thứ bốn “cầu cho các cộng đoàn tu sĩ nam nữ được luôn trung thành với căn tính của mình, hầu phát sinh những hoa trái thánh thiện phong phú, nên dấu chỉ rạng ngời của Nước Trời giữa thế gian qua đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục”

Vậy đời sống Thánh hiến là gì?

Đời sống Thánh hiến là lối sống Nước Trời trong những thực tại trần thế (Réalités terrestres). Đời sống thánh hiến không phải là một lối sống xa rời trần thế. Ngược lại, là một phương cách đảm nhận thực tại trần thế, và trình bày một phương án giải quyết, khác với lối suy nghĩ “thế gian”. Ta gọi là phương án Nước Trời. Chẳng hạn ba lời khuyên Phúc Âm, mà các tu sĩ tuyên khấn, đó chính là sự dấn thân đảm nhận những thách đố căn bản nhất của cuộc sống con người, bằng phương thức mà Chúa đề nghị. Ba lãnh vực bao trùm cuộc sống con người, đó là: Tình yêu, kinh tế và chính trị. Lời khấn khiết tịnh là cách diễn tả một tình yêu chân thật nhất. Lời khấn khó nghèo trình bày một cách sống, hay nói mạnh hơn, một cách giải quyết vấn đề kinh tế, triệt để nhất. Và lời khấn vâng phục là một phương án giải quyết những vấn đề chính trị căn bản nhất (“chính trị” trong ý nghĩa ban đầu, chính là đời sống chung giữa con người với nhau). Do đó, đời sống thánh hiến, dù là đan tu, vẫn bao hàm một liên hệ sâu xa với cuộc sống trần thế.

Mặt khác, Giáo Hội chính là Bí tích Nước Trời. Nước Trời không đồng nhất với Giáo Hội hữu hình, nhưng cũng không tách biệt với Giáo Hội  hữu hình. Điều quan trọng là Giáo Hội  phải tỏ lộ cho thế giới một sự hiện diện ẩn sâu của Nước Trời trong nề nếp sinh hoạt cụ thể của một Giáo Hội hữu hình được định nghĩa như là một dấu chỉ. Do đó, sự hiện diện của đời sống thánh hiến góp phần cho vai trò “bí tích” của Giáo Hội  phổ quát. Nếu việc quản trị luôn có nguy cơ làm lu mờ khía cạnh siêu nhiên của bản chất Giáo Hội, và nếu sứ vụ thánh hóa trần gian luôn có nguy cơ chìm ngập trong não trạng thế tục, thì chính sự hiện diện của đời sống thánh hiến là một sự bù đắp cần thiết - Cần thiết như một lời chứng.

Sự hiện diện của đời sống thánh hiến, không phải chỉ là làm gương sáng. Nhưng cốt yếu là một lời chứng cho một thực tại khác. Chứng tá không chỉ là làm gương. Làm gương đôi khi có tính máy móc, vô hồn… giống như một người thạo nghề cầm tay chỉ việc cho một người  tập sự “Anh phải thao tác như thế này”. Hiểu và làm theo được còn tùy sự thông minh, khéo tay của người học trò. Còn làm chứng là nhìn đúng về bản thân mình trong Đức tin, Đức mến để rồi không nâng mình lên, mà ngược lại, phải hạ bản thân mình xuống, và để làm lộ ra sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa. Đó chính là cách làm chứng của Gioan Tẩy giả “Người phải lớn lên, tôi phải nhỏ đi. Người đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài ( Ga 1, 27).

Tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội đều có chung một sứ mạng là làm cho Đức Giêsu được lớn lên giữa lòng Giáo Hội, và giữa lòng thế giới. Dĩ nhiên đời sống thánh hiến cũng có những bước thăng trầm. Có những mặt sáng, và mặt tối. Và nếu Giáo Hội  trần thế vẫn luôn cần thiết được thanh luyện trong Chúa Thánh Thần, thì đời sống thánh hiến vẫn cứ phải liên lỉ thực hành việc canh tân và sám hối.

Lm. An-tôn Vũ Thanh Lịch

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN - C

Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: những người biết từ bỏ sẽ làm nên những cuộc đời đẹp cho trần gian. Từ bỏ ở đây có thể là một cuộc sống giầu sang, với chức tước và địa vị cao, nhưng họ đã từ bỏ để sống cho người nghèo và như người nghèo. Từ bỏ ở đây cũng có thể là một quá khứ lầm lỗi, nhưng họ đã từ bỏ để sống cao đẹp hơn. Vâng, một cuộc từ bỏ bao giờ cũng đẹp. Trong hoàn cảnh nào cũng đẹp. Từ bỏ sẽ làm cho đời người có ý nghĩa với bản thân và với tha nhân.
Một tháng nay, thực khách đến với quán cơm từ thiện Nụ Cười ở quận 3 (TPHCM) hết sức bất ngờ và thú vị khi được một “ông Tây” phục vụ cơm cho mình.
Nhân viên bồi bàn đặc biệt đó là ông John Kelly, từng làm Giám đốc bưu điện ở thành phố Palo Alto, thủ phủ của thung lũng Silicon (Mỹ). Sau khi nghỉ hưu, ông John quyết định làm tình nguyện viên toàn thời gian tại quán cơm Nụ Cười.
Ông John Kelly chia sẻ: “Thông qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi đến quán Nụ Cười tặng một ít tiền và trở thành tình nguyện viên ở đây. Công việc rất bận rộn nhưng tôi yêu bầu không khí ở nơi này”.
Hình ảnh ông John Kelly thật đẹp khi ân cần phục vụ trong quán cơm như người hầu bàn. Ông lau dọn. Ông chạy bàn khi khách yêu cầu. Ông luôn dễ mến đáng yêu đối với mọi người. Ông đã từ bỏ một đời sống nhung lụa, giầu sang, tiện nghi để sống cho người nghèo và vì người nghèo. Hình ảnh ông toát lên vẻ thanh thoát của con người biết từ bỏ chính mình để sống cho tha nhân.
Cuộc đời của người ky-tô cũng chỉ đẹp khi biết từ bỏ. Từ bỏ ý riêng để sống cho ý Chúa. Từ bỏ tội lỗi để sống theo lề luật của Chúa. Từ bỏ bản thân để sống vì lợi ích tha nhân. Nhất là từ bỏ chính mình để Chúa được lớn lên trong ta. Từ bỏ không chỉ là một lời mời gọi mà còn là một mệnh lệnh cho những ai tin theo Chúa. Tin Chúa phải theo Chúa. Có đi theo là có bỏ lại đằng sau. Bỏ lại những gì không cần thiết trong đời sống. Bỏ lại những gì làm cản bước chân ta. Bỏ lại tất cả những ràng buộc trần gian để con người sống gắn bó với Chúa hơn, sống cho Chúa để vì Chúa mà phục vụ anh em.
Giáo hội đã từng có những con người làm đẹp cho vườn hoa giáo hội qua đời sống từ bỏ như: Một Phan-xi-cô khó khăn đã từ bỏ nhung lụa để sống nghèo và cho người nghèo. Một Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã từ bỏ danh vọng để sống cho Tin mừng. Một Augustino đã từ bỏ những lối đường lầm lạc để sống yêu mến Chúa trọn đời. Các ngài dám từ bỏ là vì niềm tin vào Đức Ky-tô. Các ngài đã khám phá ra Đức Ky-tô là kho tàng vô giá, là hạt ngọc quý báu để có thể đánh đổi tất cả mà chọn Đức Ky-tô là phần gia nghiệp đời mình. Không có Đức Ky-tô, các ngài vẫn chìm đắm trong danh lợi thú trần gian. Nhưng một khi đã gặp Đức Ky-tô, các ngài đã từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy từ bỏ để đi theo Chúa. Hãy từ bỏ những gì không xứng hợp với danh nghĩa ky-tô hữu. Hãy từ bỏ những gì làm cản trở bước tiến nhân đức của chúng ta. Hãy từ bỏ những gì làm nguy hại cho thân xác và linh hồn chúng ta. Hãy chọn Đức Ky-tô là gia nghiệp hơn là những vinh hoa phú quý mau qua. Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa hơn là tìm kiếm những của cải mau hư nát. Đây là một cuộc từ bỏ không mất mát mà là một cuộc từ bỏ để chọn những điều thiện hảo hơn, chân thiện mỹ hơn. Đây là một cuộc từ bỏ để lấy lại chính mình. Nếu chúng ta còn bị ràng buộc bởi đam mê như từ bỏ tật xấu: uống rượu, cờ bạc... mà ta được thong dong và tự do hơn. Nếu chúng ta còn sống ích kỷ thì nhờ từ bỏ lối sống tầm thường này mà ta được nhìn nhận là cao thượng hơn, đáng kính trọng hơn trước mặt người đời.
Ước gì chúng ta luôn thể hiện niềm tin theo Chúa bằng việc từ bỏ để hoàn thiện mình mỗi ngày một tốt hơn. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền


CẢM NHẬN SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH 2016

Một năm đã qua và thời gian của năm mới đã khởi đầu. Với Sứ điệp Hoà bình năm 2016, Đức Giáo hoàng mời gọi những điều cơ bản xây dựng hoà bình. 
Đừng dửng dưng
Thời gian được định nghĩa chung mang tính chất vật lý để đo lường, xác định sự kiện trước sau… Với định nghĩa thời gian vật lý như thế, chúng ta sẽ nhắc tới năm này và năm kia với những sự việc xảy ra, có thể vui, buồn, không mang gì mới mẻ, cuộc sống dẫn tới nhàm chán và dửng dưng. 
Là xác lập của vật lý nên thời gian không hơn không kém theo cách tính của một đơn vị đo lường nên thời gian chẳng thể mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống. Quan niệm thời gian như thước đo nên có những hệ luỵ “buồn nôn”: “Một ngày như mọi ngày” để trả nợ cuộc đời mà con người trót vay. Sống như một cách trả nợ đời nên cũng có những cuộc sống kéo lê trong kiếp buồn: “lặng lẽ nơi này, một mình tôi đi”. Sống bên nhau mà chẳng thấy nhau, dửng dưng “ đi bên cạnh cuộc đời” của nhau.
Thời gian của niềm vui 
Quá khứ là những gì đã qua, đã khép lại, không còn có thể thay đổi. Tương lai lại là những gì chưa tới và có thể thiết lập ngay từ hiện tại. Xây dựng hoà bình để ra khỏi sự dửng dưng chỉ có thể thiết lập trên việc đối thoại bình đẳng, tôn trọng quyền lợi của nhau. “Mọi tín hữu Kitô có thể có một con tim chín muồi khiêm nhường và từ bi, có khả năng loan báo và làm chứng cho lòng thương xót, “tha thứ và cho đi”, rộng mở “cho những ai sống trong các vùng ngoại biên rải rác nhất của cuộc sống, mà thế giới tân tiến thường tạo ra một cách thê thảm”, không “rơi vào sự dửng dưng hạ nhục, không rơi vào thái độ quen nhờn làm tê liệt tâm trí và ngăn cản khám phá ra sự mới mẻ, không rơi vào thái độ vô liêm sỉ tàn phá” (Misericordiae vultus, 14-15).
Thời gian cần mang hạnh phúc 
“Hạnh phúc là một hành trình chứ không là một mục tiêu.” Dửng dưng với Thiên Chúa khi con người đi tìm kiếm cho mình hạnh phúc ngoài Thiên Chúa. Khoái lạc, hưởng thụ là những khái niệm mơ hồ chóng qua. “không có sự rộng mở siêu việt, con người dễ dàng trở thành mồi cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành động theo công lý và dấn thân cho hoà bình” (Ibidem.). Việc lãng quên và khước từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa, và chỉ lấy mình làm quy tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực vô chừng mực (Bênêđictô XVI, Phát biểu Ngày Liên tôn Cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại Assisi 27-10-2011). Ra khỏi ích kỷ, con người mới nghe thấy những nhu cầu cỏ nhiều người nghèo đói về nhiều phương diện khác nhau trên thế giới. Ra khỏi lợi ích, hưởng thụ cá nhân hoặc nhóm, mới có thể thực sự thực hiện hoà bình, công bằng, bác ái, yêu thương đến nhiều người. Hạnh phúc là hướng tới mọi người được sống an sinh, thái bình, công bằng hiển trị. 
Thời gian là một ân ban 
Thời gian là một quà tặng đến từ Thiên Chúa. Thời gian là quà tặng không ngừng đổ rót cho đến bao lâu con người còn sống trên trần gian. Là một ân ban mới mẻ luôn mãi trong cuộc đời, giây phút này mới hoàn toàn không xuất phát từ giây phút đã qua. Để sống trong sự mới mẻ, sứ điệp hoà bình mời gọi mỗi người cần hoán cải con tim:  “Nghĩa là ơn của Thiên Chúa biến đổi con tim bằng đá của chúng ta thành con tim bằng thịt (x. Ed 36,26), có khả năng rộng mở cho tha nhân với tình liên đới đích thực. Thật thế, tình liên đới là điều nhiều hơn một “tình cảm của lòng trắc ẩn mơ hồ hay một mềm yếu  hời hợt đối với các khổ đau của biết bao người gần xa (Sollecitudo rei socialis, 38). Tình liên đới là “sự quyết tâm vững vàng và kiên trì dấn thân cho công ích: hay cho hạnh phúc của tất cả mọi người và từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm đối với mọi người” (Ibid.), bởi vì sự trắc ẩn nảy sinh từ tình huynh đệ.” 
Thánh Iréné viết rằng “vinh quang của Thiên Chúa là con người sống” và Chúa Giêsu chính là Đấng đã nói Ngài “đến để cho chúng sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Truyền thông và giáo dục để sống hạnh phúc đích thực luôn là một lời mời gọi phục vụ cho chân lý, sự thiện và vẻ đẹp tối hậu. Liên đới trách nhiệm với nhau bằng tình thương, nhất là được khởi đi từ cảm nghiệm cá nhân về lòng thương xót của Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu mời gọi người mắc nợ: "Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" (Mt 18,32-33). 
Ra khỏi dửng dưng để cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, để thấy nhu cầu cần thiết của anh chị em mình, nhất là những người nghèo khó, chịu bất công, di dân, tị nạn... Ra khỏi dửng dưng để nghe thấy tiếng rên xiết của thiên nhiên, tài nguyên nước và khoáng sản đang cạn kiệt kêu cứu. 
“Hãy chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình!” 
Suy tư từ Sứ điệp Hoà bình 2016 của Đức Giáo hoàng Phanxicô
 Lm. Giuse Hoàng Kim Toan




ĐƯỜNG BÓNG


Giêsu là một siêu sao
Đệ nhất danh thủ dạt dào xót thương
Đời con – trái bóng lăn vòng
Xin Ngài cứ đá theo Tôn Ý Ngài

Dù nhanh – chậm, lăn ngắn – dài
Chỉ mong lăn trọn tháng ngày trần gian
Sân đời con chạy dọc, ngang
Vừa làm cầu thủ, vừa làm thủ môn

Có khi phải cố tấn công
Để cho ma quỷ phải nhường bóng con
Có khi phải giữ cầu môn
Để không lọt lưới và không phạt đền

Chạy nhanh mà phải khôn ngoan
Tạo đường bóng đẹp như thần lướt bay
Trận đời thi đấu gắt gay
Mong ước một ngày đoạt Cúp Trường Sinh

Lạy Thiên Chúa, Đấng chí linh
Xin hãy thương tình dẫn dắt luôn luôn
Đời con như trái bóng tròn
Xin Ngài dẫn bóng con lên Thiên Đàng


TRẦM THIÊN THU