SỚ TÁO QUÂN



SỚ TÁO QUÂN


Nhân ngày đầu năm
Táo quân tổng kết
Kể hết sự tình
Mọi việc gia đình
Lên tâu thánh thượng
Trần gian nghiệp chướng
Ăn nói cộc cằn
Nét mặt hay nhăn
Chẳng hề vui vẻ
Ôi sao buồn tẻ
Đưa đến mọi người
Không có nụ cười
Mừng xuân năm mới
Suốt ngày chửi bới
Nghe điếc cả tai
Vợ con khóc hoài
Đâu thấy hạnh phúc
Hóng hách chửi tục

Nghe mà rợn gáy
Nghiến răng múa máy
Ai thấy cũng ghê
Khổ cực trăm bề
Vợ con chịu đựng
Âu cũng số phận
Thượng đế trao cho
Ai đó phải lo
Mau mau hối cải
Suy nghĩ trước sau
Tu tâm dưỡng tính
Ăn ở công chính
Để được làm gương
Gia đình mẫu mực
Mới mong khỏi cực
Chúa dủ lòng thương
Khốn khó trăm đường
Có Cha giải tỏa.




                                                                        Maria Ánh Nguyệt





Ý Nghĩa Linh Thiêng Ngày Tết Nguyên Đán

(Bài giảng thuyết này đã đọc nhân dịp Tết Nguyên Đán, năm 1992, do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San Jose, California, tổ chức tại rạp hát Center for Performing Arts. Đức Giám Mục Giáo Phận chủ tọa, Thánh Lễ do Cha Quản Nhiệm chủ tế với các Linh Mục đồng tế. Số giáo dân và quan khách tham dự hơn năm ngàn. Sau Thánh Lễ, Cha Quản Nhiệm đại diện Cộng Đồng chúc Tết Đức Cha. Tiếp theo là phần trình diễn văn nghệ. ĐOÀN VĂN NGHỆ DÂN TỘC do các Sư Huynh Dòng LaSan luyện tập, đã trình diễn những vũ điệu dân tộc.)
Đối với dân tộc Việt nam, Tết Nguyên Đán là một Đại Lễ, vì bao gồm tất cả các ý nghĩa và tâm tình của các lễ Giáng Sinh, lễ Tân Niên theo Dương lịch, lễ Tạ Ơn, lễ Chiến sĩ Trận Vong, ngày Giỗ, và tiệc mừng Sinh Nhật của mỗi người.
Mỗi khi Tết đến trên giang sơn Việt Nam, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu, hoa đào đỏ, hoa mai vàng, hoa mận trắng, thêu dệt nên một bức thảm thiên nhiên sặc sỡ muôn mầu sắc rực rỡ, khiến lòng người tưng bừng phấn khởi mở hội hè đình đám để thuởng Xuân.
Thật vậy, Tết đã mang một ý nghĩa thiêng liêng rất cao siêu, vì là ngày giao cảm giữa Trời-Đất, Thần Thánh và con người, ngày không phân biệt biên giới giữa kẻ sống và người chết. Do đó, mọi người dân Việt đều kính cẩn tham dự các nghi lễ như Trừ tịch, lễ Giao thừa, lễ tế Nam giao, v, v.
Từ khi Ánh Sáng của Chúa Cứu Thế chiếu tỏa trên quê hương Việt nam, đúng như lời Ngài dạy:” Ta đến đến để hoàn thiện chứ không phải để phá đổ“(Mat.5,17), Hội Thánh đã tìm cách “thánh hóa” những tập quán tốt, bằng cách thanh lọc các yếu tố dị đoan mê tín, rồi mặc cho chúng một ý nghĩa linh thiêng cao siêu. Ngày nay, Hội Thánh vẫn chủ trương đường lối thích nghi, và tôn trọng giá trị văn hóa, bản sắc các dân tộc :” Hội Thánh Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, HộiThánh xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Hội Thánh duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người..”(Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài-Kitô giáo).
Theo nguyên tắc trên, ta thử suy nghĩ về ý nghĩa linh thiêng, cao siêu của ngày Tết Nguyên Đán, qua các đoạn sau đây: Thiên Chúa là Mùa Xuân bất diệt; Trời mới Đất mới; Chim có tổ, Người có tông.
A. Chúa Là Mùa Xuân Bất Diệt
Mỗi độ Xuân về, người dân Việt không quên cảm tạ Vị Chúa Tể Càn Khôn, vì Ngài là căn nguyên của vũ trụ và là nguồn sống của muôn loài. Ngài là một Mùa Xuân trường cửu, bất diệt. Ngài là “Đấng hằng hữu, hiện hữu, và sẽ đến (Khải Huyền 1,4). Con người và vũ trụ đều phải lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài để được ban ơn Phước-Lộc-Thọ.
  1. Tết Là Ngày Lễ Tạ Ơn
Từ xa xưa, truyền thống dân tộc Lạc Hồng là luôn luôn nhớ ơn Đấng đã sinh thành, chở che, và nuôi dưỡng mình, qua câu ngạn ngữ “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời che đất chở” hay: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ” (câu này có thể đã được truyền tụng từ thời Hai Bà Trưng, cưỡi voi đánh quân Tô Định, thời kỳ voi còn là một con vật rất gần gũi, và đông đảo trên giải đất Việt). Theo dã sử, từ đời vua Hùng Vương thứ ba, đã có tập tục dùng gạo nếp nấu thứ bánh, biểu tượng cho ngày Tết, là Bánh Dày và Bánh Chưng. Bánh Dày, hình tròn dày dặn, chỉ vòm trời. Cũng có nơi làm Bánh Tét (do chữ Tết?), hoặc Bánh Tày, Bánh Ống (miền Hà nam, Phủ Lý, có hình tròn và dài như giò lụa). Bánh Chưng, hình vuông, chỉ bốn phương trái đất:” Vuông như bánh chưng tám góc”( Việt Nam Tự Điển). Vuông-Tròn chỉ sự hoàn hảo, trọn vẹn như câu thành ngữ:” Mẹ tròn, con vuông”. Do đó, ý nghĩa cao siêu của bánh Dày, (bánh Tét), bánh Chưng, dùng trong việc cúng tế hay biếu tặng trong ngày Tết, là chỉ sự Hòa Hợp giữa Trời và Đất, giữa Con người và Vị Chúa Tể, như câu:” Thiên Nhân tương dữ”( Trời và Người có liên hệ tương quan với nhau). Trong ngày lễ Tạ Ơn, dân Hoa kỳ có thói quen dâng hoa, hoặc bắp ngô, trái bí đỏ, làm lễ vật để tỏ lòng tri ân đối với Thượng Đế đã ưu đãi họ. Từ xa xưa, người dân Việt đã biết dùng gạo nếp để nấu bánh Chưng, bánh Dày, làm lễ vật đặt trên Bàn Thờ để Tạ Ơn Trời đã cho mưa thuận gió hòa:
“Lạy Trời mưa xuống,
lấy nước tôi uống,
lấy ruộng tôi cầy,
lấy chén cơm đầy,
lấy khúc cá to
 “ Uống nước nhớ nguồn”, để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ đã đổ mồ hôi trên thửa ruộng, nương khoai, làm lụng vất vả để nuôi sống con cháu, như câu ca dao:
“chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”
Trong Thánh Lễ cũng có lời nguyện lúc dâng bánh ruợu, như sau “Chúng con tạ ơn Chúa đã cho chúng con bánh này là hoa quả từ ruộng đất và lao công của con người…”. (Xin phân biệt: “lao công” khác nghĩa với “công lao”. “Lao công” (labor) là vất vả khó nhọc làm việc mới có miếng ăn; còn “công lao” (merit) là phần thưởng, công nghiệp).
Bởi vậy, muốn được Trường Sinh Bất Tử, muốn được Phước-Lộc-Thọ, con người phải phụng sự Chúa, Nhân đạo phải phù hợp với Thiên đạo. Giữa Thiên Chúa và nhân loại phải có sự Giao Hòa mật thiết, như lời nguyện của Kinh Lạy Cha “Ý Cha thể hiện dưới Đất cũng như trên Trời”.
  1. Thánh Lễ Giao Thừa
Cũng vì thấu suốt ý nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ, nhân sinh: chính lúc nửa đêm 30 tháng chạp, năm cũ hết, bước sang năm mới, mỗi người được thêm một tuổi, nên lễ Giao Thừa là giây phút rất cảm động và linh thiêng. Theo cổ tục, sau khi làm lễ Trừ Tịch để xua đuổi tà ma ác quỷ ra khỏi nhà thì khởi sự làm lễ Giao Thừa. Người ta tin rằng vào lúc năm cũ, năm mới giao nhau, vị Thần năm cũ ra đi để tiếp đón một vị Thần năm mới đến. Đối với tín đồ Công giáo, vị Thần đó chẳng phải vị nào khác, ngoài Thiên Chúa là Chúa Tể càn khôn. Vì Chúa đã phán:” Ta là Nguyên Thủy (Alpha), và Cứu Cánh(Omega) của mọi loài”. Để thánh hóa tập tục này, các Cộng Đồng Công Giáo thường cử hành Thánh Lễ Giao Thừa rất trọng thể, để mọi người con Chúa, con Hội Thánh, cùng tham dự vào một Tiệc Thánh, cùng được ăn và uống Mình và Máu Thánh Chúa. Mọi người cùng hòa hợp với nhau, với thiên nhiên, với dân tộc để dâng lời cảm tạ Chúa là Chúa Tể của Mùa Xuân Bất Diệt và Trường Cửu.
Ngoài Thánh Lễ Giao thừa cử hành đúng nửa đêm, các tín đồ còn tổ chức Thánh lễ Tất Niên, cũng gọi là Ngày Tạ Ơn, vào chiều ngày 30, để cảm đội ơn Chúa đã ban cho nhiều hồng ân trong năm qua. Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, là Ngày cầu Hòa Bình cho gia đình, dân nước và thế giới. Ngày mồng hai Tết, cầu nguyện cho Tiên Nhân, cho ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời, theo tinh thần của Đạo HiếuNgày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt. Hoặc dâng ba ngày Tết để tôn thờ “Mầu Nhiệm “Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi”.
B. Trời Mới, Đất Mới
Ngoài ý nghĩa thần thiêng kể trên, Tết Nguyên Đán còn mang nặng một ý nghĩa nhân về sinh cao siêu nữa. Thật vậy, thân phận con người là lệ thuộc vào thời gian, chi phối bởi luật Tuần Hoàn của trời đất. Do đó, nhân ngày Tết, ngày đầu Xuân, ngày ca tụng sự Sống, con nguời tự nhiên xúc cảm, nên tìm về cội nguồn gốc rễ của mình. Đã làm người ai cũng đều có giấy “khai sinh “, và giấy” khai tử” rõ ràng. Nhìn lại năm cũ, ta thấy thời gian bay biến vùn vụt, như tên bay, ngựa phi, hỏa tiễn! Thời gian trôi đi như dòng nước chảy liên tiếp ra biển khơi không bao giờ trở lai, như câu thơ bất hủ: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi?( Bạn không thấy nước sông Hoàng từ trên cao chảy xuống, nó chảy ra biển, mà không bao giờ trở lại?). Nhân sinh, vạn vật, khí hậu, nóng lạnh, luôn biến đổi, vận chuyển theo luật Tuần Hoàn của trời đất: bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông:”Tre già, măng mọc”,” Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”..
Tết chỉ là khởi điểm của một chu kỳ mới trong thời gian. Vì Nhân Tâm, Nhân Đạo phải thuận theo Thiên Lý, Thiên Đạo, cho nên, sau một mùa đông ảm đạm tiêu điều, khi vạn vật cỏ cây bắt đầu lột xác để sống lại xanh tươi, mới mẻ, thì con người cũng phải “tống cựu nghinh tân”, nghĩa là trút bỏ những cái cũ, để sửa soạn đón nhận những cái mới. Do đó, để đón Xuân mới, người ta dọn dẹp nhà cửa cho mới mẻ, trang hoàng bàn thờ, trưng bày bông hoa, đặc biệt hoa Đào, hay Mai vàng, hoặc chậu Thuỷ tiên, Phong lan..Thỉnh các “Thầy đồ”, văn hay, chữ tốt, viết dùm câu đối trang trí trên cột, trên tường để đọc và ngắm nghía! Thường các câu đối là những vần thơ tán tụng các đức hạnh cao quý, sự nghiệp hiển hách, hoặc ca ngợi cảnh sắc tuyệt vời của quê hương. Mua sắm các tranh Tết phác họa một cách dí dỏm, ngộ nghĩnh nếp sống mộc mạc nơi thôn dã với bầy gia súc: trâu, lợn, gà, mèo, chuột ..Đừng quên tắm rửa sạch sẽ, bận quần áo mới, đầu tóc chải chuốt! Bao nhiêu nợ nần năm cũ phải thanh toán cho hết( Ngày nay thời buổi văn minh, chỉ dám hứa với “Ông Bà chủ nhà Băng”, sẽ xin trả góp mỗi tháng!). Để chuẩn bị tâm hồn với nét mặt vui vẻ, tươi cười, mọi người phải tha thứ, xóa bỏ xích mích, và làm hòa với nhau trong năm mới:” Ăn cơm mới, chớ nói chuyện cũ“! Điều tối ky là nóng giận, chửa rủa, la hét, hay nói những lời cay đắng độc ác! Trong ba ngày Tết, chỉ nên nói toàn lời êm dịu dễ nghe, làm cho người ta mát ruột, mát gan để cầu may! Do đó, nên tìm những lời chúc Tết hay ho, đẹp đẽ nhất và chúc cho thích hợp vói địa vị, tuổi tác, chức nghiệp, và hoàn cảnh của người mình chúc. Ví dụ, đối với Ông Bà, hay những vị cao niên, thì chúc câu “thọ tỉ cao sơn”‘ đối với nhà buôn: “ phát tài sai lộc“; đối với công chức: “thăng quan tiến chức“’ dối với thư sinh: “công thành danh toại”, v, v. Ngày xưa, cách thức chúc Tết hay dùng nhất là chúc: Tam đa( đa thọ, đa nam(con trai!), đa phú quí), hoặc chúc: Ngũ Phúc ( Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh).
Tóm tắt, năm mới, tâm hồn và thể xác con người cũng đổi mới để hòa hợp cùng Thiên Nhiên, như người nghệ sĩ rung cảm trước vẻ nhiệm mầu của Chân-Thiện-Mỹ.
Tết đến giúp ta nhớ lại lời tiên tri của Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền,Rev.21,1-3 :” Tôi thấy TRỜI MỚI, ĐẤT MỚItrời, đất, biển xưa đã biến đi! Tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới từ Thiên Chúa xuống, trang điểm lộng lẫy như tân giai nhân đi đón đức lang quân”.
C. Chim Có Tổ, Người Có Tông
Bất cứ người dân Việt nào, dầu tha phương cầu thực ở đâu, hoặc làm ăn buôn bán xa nhà, dầu thành công hay thất bại, đến ngày Tết, mọi người đều tìm về quê cha đất tổ để đoàn tụ với gia đình, làng nước!
Trước hết, Tết là ngày tưởng niệm đến ông bà tổ tiên đã khuất bóng, nhưng hồn thiêng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây, vì “chết không phải là hết”, nhưng “sự tử như sự sinh” ( chết cũng như hãy còn sốngđể phù hộ cho con cháu trong năm mới được mạnh khoẻ và làm ăn tấn tới. Không có biên giới giữa người sống và kẻ chết! Nhờ lòng tín ngưỡng vào Hồn thiêng bất tử của Tổ Tiên mà gia đình Việt Nam được nối kết bền chặt qua nhiều thế hệ. Ngày Tết, đoàn con cháu đến chúc tuổi ông bà, cha mẹ, cô bác, bên nội cũng như bên ngoại. “Mồng một chúc Tết mẹ cha(bên nội), Mồng hai Tết vợ (bên ngoại), Mồng ba Tết thày”. Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị; con rể chúc Tết gia đình bên vợ (thường vào mồng hai), và học trò chúc Tết thày ( thường vào mồng ba). Do đó, ngày Tết cũng là ngày mừng Sinh Nhật của mọi người. Việc chúc Tết, chúc tuổi là một cách biểu lộ tình nghĩa, tình hữu nghị đối với các vị ân nhân, cũng như đối với bạn bè, tương tự như việc tặng quà dịp lễ Giáng Sinh. Trong việc chúc tuổi tặng quà thì bậc đàn em con cháu được chú ý hơn cả. Vì mong cho”Tre già, măng mọc”, nên các bậc phụ huynh thường cầu chúc cho con cháu được mau lớn, học giỏi, đậu đạt thành tài. Tiền”lì xì”( do chữ “lợi sự”, đọc theo giọng Quảng đông?) đặt trong bao đỏ, với đôi lời cầu chúc, nhắn nhủ lớp hậu sinh hăng say xây dựng sự nghiệp, làm vẻ vang cho gia đình, và dòng họ. Trong thực tế, đối với con cháu còn nhờ vả cha mẹ để ăn học, tiền “lì xì” mang lại nhiều lợi ích như để dành trong băng, trả tiền học phí, may sắm quần áo, đồ dùng, v, v, .Bởi vậy, ước mong quí vị bậc đàn anh đàn chị mở rộng “hầu bao”, túi tiền “lì xì”, để bọn em út được nhờ, “gọi là ngày Tết, ngày Nhất!”
Ngày Tết cũng là dịp để người dân Việt bộc lộ tình tự dân tộc. Suốt năm, đầu tắt mặt tối làm lụng vất vả, không có ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, Tết là ngày hoàn toàn nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè đình đám:”Tháng giêng là tháng ăn chơi” Trong nhà ngoài phố, nơi công sở, nhất là nơi đình làng: trẻ già, trai gái, đều dự các trò chơi ngoạn mục thích thú, để mọi người thưởng ngoạn cảnh vui thú, thân tình và bình an, trong những ngày đầu Xuân.
Tạm Kết
Dầu ở phương trời nào, trong giây phút linh thiêng của Thánh Lễ Giao Thừa, mỗi người con dân đất Việt hãy dâng lời cầu nguyện, cảm tạ lên Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, đã ban muôn hồng ân cho gia đình và tổ quốc Việt Nam mến yêu. Dầu ở góc biển chân trời nào, ngày đầu Xuân, mỗi người hãy thề hứa sẽ giữ gìn những giá trị cao quí của gia đình Việt Nam, nơi nương tựa cho ta trong cảnh cô đơn, hiu quạnh nơi đất khách quê người. Tết Nguyên Đán cũng là dịp để ta bộc lộ hào khí của dân tộc đã thấm nhuần một nền đạo lý, kỷ cương cao siêu. Ta hãy ước nguyện sẽ bảo toàn truyền thống, tinh hoa của dân tộc, và lưu truyền cho thế hệ tương lai. Nhân ngày đầu Xuân, đặc biệt cầu chúc cho giới trẻ Việt Nam luôn thăng tiến về mọi mặt, để làm rạng rỡ cho giống nòi, xứng đáng là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Đường Thi Trương Kỷ
Nguồn: Xuân Bích Việt Nam

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN - C

Tin Mừng Luca cho thấy Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, Ngài trở về Galilê, và tiếng tăm Ngài được đồn ra khắp vùng. Ngài bắt đầu giảng dạy trong các hội đường của người Do Thái, cụ thể ở hội đường làng Nadarét.
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi
Đức Giêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Ngài làm tất cả dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, cụ thể Ngài đi chịu phép rửa tại sông Yordan, Ngài vào hoang địa ăn chay cầu nguyện, và hôm này Ngài ra đi rao giảng. Dưới tác động của Thánh Thần, Đức Giêsu là người mang tin mừng cho người có tinh thần nghèo, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người.
Thánh Thần ở trong Hội Thánh như hồn ở trong thân xác. Trong Hội Thánh có nhiều chức vụ, nhưng tất cả đều do Thánh Thần ban tặng và tác động: người làm đầu người làm mắt người làm chân tay. Tất cả đều thuộc về Hội Thánh, và không thể thiếu một chức vụ nào, cũng như một thân xác không thể thiếu một bộ phận nào. Không một bộ phận nào trong thân thể bị thiếu mà lại không ảnh hưởng đến bộ phận khác và toàn thân thể, cũng tương tự vậy những chức vụ trong Hội Thánh.
Ước gì mỗi người đều ý thức Thánh Thần luôn gần gũi, luôn ở với, và luôn hướng dẫn mình cùng Hội Thánh trong mọi hành động.
Đức Giêsu- Tin Mừng
Thiên Chúa chúc lành cho con người, làm tất cả cho con người qua Đức Giêsu.
Có ai hiểu được những người bị tù đầy mong được ngày ra khỏi tù như thế nào? “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”: một ngày trong tù, lâu như thể ngàn năm ở ngoài. Ở đây người ta nói tới thời gian tâm lý, và qua đó diễn tả mong ước ngày được tự do đến độ nào! Đức Giêsu là người công bố ơn đại xá, được miễn án và ra khỏi tù. Nếu ai hiểu được người mù cực khổ như thế nào, và người mù mong được sáng đến độ nào, sẽ dễ dàng hiểu câu “Đức Giêsu là người làm cho người mù được sáng” có nghĩa gì với người mù. Những người bị áp bức hà hiếp, cực khổ như thế nào, mong được minh oan và được giải thoát đến độ nào! Đức Giêsu là người giải phóng họ.
Người ta có thể bị tù đày nô lệ trong không gian như bị giam cầm trong một nơi chốn nào đó, nhưng người ta cũng có thể bị giam hãm trong một cái nhìn nào đó, có thể bị nô lệ với một thành kiến mà người ta không biết. Đức Giêsu tới, cho người ta nhận ra giá trị chân thực, giúp con người biết tiêu chuẩn chân thực để phán đoán. “Chân lý” giải phóng con người khỏi nô lệ, làm người bị u mê nhận ra sự thật và nhờ đó được tự do.
Tin Mừng cho người nghèo
Tin Mừng Đức Giêsu, không phải mọi người đều nhận ra. Những người Do Thái không nhận ra, nên muốn giết Đức Giêsu. Để nhận ra Đức Giêsu là Tin Mừng, cần phải có con mắt của người nghèo, người thấy mình “còn thiếu”, người thấy mình cần được soi sáng, người sẵn sàng và luôn ngóng chờ Thiên Chúa nói với mình.
Những người tự mãn, tự cho mình đã đủ không còn thiếu gì nữa, rất khó đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu. Những người này có thể là những người cho rằng mình đã đạo đức đủ, không nhận ra mình yếu đuối tội lỗi cần Thiên Chúa thương xót và trợ giúp. Họ cũng có thể là những người cho mình có học, không sẵn sàng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu với cuộc sống “bình thường”. Cũng có thể họ là những người giầu, và Đức Giêsu không thêm gì cho họ: Ngài không làm cho họ giầu hơn hoặc danh tiếng hơn hoặc có địa vị cao hơn.
“Phúc cho người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ” (Mt.5, 3). Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, người giầu cũng như người nghèo. Người giầu có nhiều thứ và nhiều bận tâm, nên không còn chỗ và không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa không yêu thương họ. “Nghèo” như thái độ, là mối phúc thật sự.
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

THỜI GIAN LÀ QUÀ TẶNG HỒNG ÂN

Con người sống vui vì có định mốc thời gian. Các nhà khoa học đã giả định vũ trụ hiện hữu đã có hằng tỷ năm. Chúng ta không biết chắc chắn thời gian và nguồn cội của vũ trụ càn khôn. Trên không trung có cả triệu triệu hành tinh như những ngôi sao rọi sáng trong bầu trời.
Từ ngàn xưa, địa cầu cứ tiếp tục vần xoay, mặt trăng khi tròn khi khuyết và mặt trời luôn chiếu sáng và sưởi ấm. Sự có mặt hay vắng mặt của con người chẳng liên quan gì đến sự vận hành của vũ trụ. Ngày ngày trăng sao vẫn lấp lánh, mây vẫn trôi, gió vẫn thổi, sóng biển vẫn dập dồn và cây cối vẫn trổ hoa sinh trái.
Chúng ta được sinh ra làm người là một hạnh phúc tuyệt vời. Chúng ta được chiêm ngưỡng những kỳ công vượt trên mọi trí tưởng tượng. Với khả năng được trao ban, nhân loại đã dần dần khám phá được phần nào những bí nhiệm của vũ trụ. Chúng ta cần học hỏi và tìm kiếm nhiều hơn để nhận ra ý nghĩa và cùng đích của sự hiện hữu này.
Một điều kỳ lạ, có rất nhiều người ngây thơ chối bỏ căn nguyên cội rễ của vũ trụ. Họ nghĩ rằng cứ phủ nhận và chối bỏ nguyên lý nhân quả là họ được hưởng tự do. Đây chỉ là một thứ tự do ngông cuồng và vô thức. Con người có thông minh, giỏi giang và có quyền lực gì chăng nữa, cũng chỉ sống vỏn vẹn trên trần đời một thời gian ngắn dài khoảng là tám chín chục năm. Khoảng đời chẳng là gì so với tuổi của vũ trụ.
Chúng ta đều là loài thụ tạo. Sự hiện hữu là một hồng ân. Thời gian là một món quà. Chúng ta đã chẳng làm gì để thủ đắc, đón nhận hay sở hữu thời gian. Thời gian giống như khí quyển mà chúng ta thở hít mỗi giây phút. Món quà thời gian không chỉ dành cho riêng chúng ta.
Trời ban cho mọi người thời gian đồng đều. Dù khi chúng ta ngủ hay thức hoặc ý thức hay vô thức, đồng hồ thời gian vẫn cứ chạy đều. Một năm có 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày, 8.760 giờ, 525.600 phút và 31.536.000 giây. Người giầu kẻ nghèo, người học thức, kẻ thất học, người khỏe, kẻ yếu, đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều lãnh nhận đủ 24 giờ một ngày.
Điều quan trọng nên nhớ là, chúng ta không thể ngừng thời gian. Cũng không thể làm cho thời gian nhanh hơn hay chậm lại và cũng không thể thay đổi. Thời gian tiếp tục đi tới. Chúng ta không thể cứu vãn thời gian đã trôi qua. Một khi đã đi qua là đã qua. Ngày qua đã đi vào dĩ vãng đời đời.
Ngày hôm qua đã rời xa, ngày mai chưa tới và giây phút hiện tại là đang sống. Chúng ta có thể có những viễn tượng về tương lai xa gần, nhưng thật sự không thể bảo đảm việc gì sẽ xảy đến. Thời gian là một món quà rất quý báu. Chúng ta đừng hoang phí, lạm dụng quá độ hoặc dùng nó cho riêng mình. Chúng ta nên đầu tư thời gian để thi hành điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta và xã hội.
Quy luật của thời gian là sự đào thải. Mọi loài thụ tạo đều có chung một quá trình trong thời gian. Có sinh, có tử. Có trẻ, có già. Có mới, có cũ. Có lúc khởi đầu và có khi kết thúc. Có đó, rồi mất đó. Con người hãy nhớ mình là tro bụi, sẽ trở về bụi tro. Tất cả các loài thực vật, động vật và loài người đều nằm trong lẽ vô thường. Hôm nay trai trẻ khỏe mạnh, ngày sau sẽ già nua yếu bệnh.
Hôm nay chúng ta cố đấu tranh để đạt quyền cao chức trọng, rồi cũng có ngày phải về vườn qui ẩn. Hôm nay chúng ta chắt chiu của cải nên giầu có, rồi cũng có lúc ra đi trắng tay. Hôm nay chúng ta đầu tư thời gian để kiếm tiền, nhưng rồi khi đã có tiền, cũng chẳng mua lại được thời gian. Luật đào thải của thời gian không chừa một ai. Thời gian sẽ đẩy lùi tất cả và có thể giải đáp mọi vấn đề.
Tấm lịch của ngày giờ năm tháng giúp chúng ta phân chia thời gian. Ai cũng có những quãng đời dài ngắn đã đi qua. Gọi là tiến trình của tuổi ấu thơ tới tuổi già. Để nhận biết rõ hơn về chính mình, chúng ta có thể phân chia cuộc đời ra nhiều giai đoạn, mỗi kỳ khoảng 10 hay 15 năm. Nhìn bức tranh cuộc đời sẽ rõ ràng. Khởi đầu tuổi thơ ấu với nhiều kỷ niệm đẹp. Thời gian tuổi thơ là vui sướng nhất. Tuổi trẻ là tuổi thần tiên.
Tuổi dệt mộng đẹp nhất. Người trẻ thì tràn đầy nhựa sống và niềm hy vọng. Khi bước vào trường đời, ước mơ của tuổi trẻ với nhiều dự tính tương lai rất ấn tượng. Tương lai đang mở ra với biết bao hy vọng. Thật là sung sướng!
Mới đây, trên mạng ảo facebook, có kể câu truyện thật hư không rõ, nhưng chúng ta nên để tâm suy nghĩ một chút. Truyện kể:Có một đại gia không may bị chết sớm. Người vợ thừa kế số tiền là 19 tỉ đồng.  Sau khi lo đám tang chồng, người vợ đã lấy anh tài xế của đại gia, làm chồng. Anh tài xế hân hoan phát biểu: Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình làm thuê cho ông chủ, bây giờ mới biết chính ông chủ mới là người làm thuê cho tôi. Thật là xót xa. Ky cóp cho cọp nó xơi. Điển trai, danh vọng, chức vị, tiền tài chưa đủ để sống hạnh phúc dài lâu. Chúng ta cần có sức khỏe để vui sống. Ở đời chưa biết ai làm thuê cho ai.
Mỗi người có thể nhìn lại đời mình, ai ai cũng có khi trẻ lúc già. Bước vào tuổi nửa chừng xuân, chúng ta bắt đầu cảm nhận những đổi thay cả về tinh thần lẫn thể xác. Cổ nhân thường nói rằng: Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới. Đúng thế, sau những tháng năm dài miệt mài lao động kiếm sống, chúng ta cần có thời gian để suy tư. Thật vậy, nếu chúng ta không dành thời giờ và tiền bạc lo cho sức khỏe khi còn trẻ, chúng ta cũng sẽ phải dùng tiền đó lo cho sức khỏe khi về già.
Nhiều người đã than phiền và lo lắng cho nửa cuộc đời về sau là sức khỏe, huyết áp, máu mỡ, bảo hiểm, của cải thừa kế…và sợ cái chết đến gần. Đừng sợ! Người trước kẻ sau, ai cũng sẽ được đi đến cùng đường. Bởi thế, dù đường đời dài hay ngắn, điều đó không quan trọng. Sự quan trọng là làm sao chúng ta sống cuộc đời cho có ý nghĩa.
Theo cách tính lịch của người Do-thái thuở xưa, sách Lêvi đã viết: “Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm…và sẽ công bố năm thứ năm mươi và gọi là năm thánh, năm toàn xá…(Lêvi 25, 8-10). Sự tuần hoàn của cơ thể con người cũng phát triển theo hướng tự nhiên. Cứ bảy năm, các tế bào trong thân thể của con người lại đổi mới theo một chu kỳ.
Sau bảy lần bảy là bốn mươi chín năm, chúng ta bước vào giai đoạn mới của cuộc đời. Đây là tuổi của sự thành đạt trên đường đời và cũng là thời kỳ thách đố về sức khỏe. Như chiếc xe cũ, thân xác của chúng ta cũng sẽ thoái hóa dần. Đây là sự thật của luật đào thải. Chúng ta hãy chấp nhận những gì mình đang có và vui sống trong mọi hoàn cảnh.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được hiện hữu trên đời. Chúng con được thưởng ngắm tất cả những kỳ công tuyệt vời của của Đấng Tạo Hóa. Tất cả là hồng ân Chúa ban cách nhưng không. Chúng con cảm tạ, ca tụng và ngợi khen danh Chúa đến muôn ngàn đời. 
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐỨC ÁI VỚI NHỮNG NGƯỜI NÓI HUYÊN THUYÊN

Đối diện với những người nói huyên thuyên bất tận đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, dễ thương và có óc khôi hài.
Dù trong gia đình, giữa bạn bè, hay ở sở làm, chúng ta ít nhiều đều từng gặp một người huyên thuyên nói không ngừng. Họ kéo dài cuộc họp đến vô tận, kể những kỷ niệm cá nhân không ai buồn quan tâm, cho lời khuyên mà không ai nhờ (khi nào cũng không đúng lúc), hoặc đơn giản là vụng về khi trình bày vấn đề làm mọi người chán mà họ không biết!
Cứ tiếp tục làm như vậy thì rồi những người này bị gạt ra bên lề. Vì họ làm mọi người chán, dần dần mọi người tránh xa họ nhưng thực sự những người ba hoa chích chòe này không làm gì xấu. Họ dông dài làm mất thì giờ mọi người, kể một lô chi tiết không cần thiết để đi đến kết luận mà mọi người đã nắm rõ. Nhưng như vậy có phải là lý do chính đáng để chúng ta tránh họ không? Ngược lại, đây có phải là cơ hội để chúng ta triển khai sự thấu cảm và chấp nhận người khác không? Sau đây là bảy lời khuyên để giúp chúng ta chịu đựng được những người nói không ngừng:
Nhìn đây như một thay đổi để chúng ta lớn lên trong đức hạnh
Một người nói không ngừng là dịp để chúng ta phát triển tính kiên nhẫn.
Dịp tỏ ra tôn trọng và yêu thương
Nếu bạn cho người này thấy, bằng lời hay bằng hành vi (tùy theo mức độ quen biết của bạn) rằng bạn thương họ và họ rất đáng kể với bạn thì họ sẽ không mếch lòng khi bạn khéo léo thay đổi đề tài hay ra một hạn định cho buổi nói chuyện mà bạn không thích.
Yêu mến những gì họ mang lại
Bạn đừng gạt họ ra khỏi đời sống xã hội của bạn vì ai cũng có những điều tích cực mang lại cho mình. Có một ngày họ sẽ cám ơn bạn vì bạn đã kiên nhẫn với họ.
Hành động nói nhiều hơn là lời
Bạn đừng quên bạn là tấm gương, đặc biệt là cho con cái bạn. Trong bữa ăn gia đình, khi bạn đến nói chuyện với người mà ai cũng tránh, bạn sẽ dạy cho con cái mình đức tính thấu cảm và tình yêu cho người khác. Nếu bạn muốn con cái mình trở thành người có đức ái, bạn phải làm gương cho chúng.
Tìm đồng minh
Bạn tìm người nào yêu thích người bạn huyên thuyên này, rồi cùng họ kiên nhẫn nghe và làm sao để người này đừng độc thoại vô tận.
Hãy chủ động
Khi bạn nói chuyện với một người có “nguy cơ” huyên thuyên, bạn hướng câu chuyện về đề tài mình thích và mời các người khác cùng tham dự. Đừng để cối xay lời lấn hết chỗ mà bạn biết là họ sẽ nói hàng giờ.
Xử lý vấn đề với tinh thần hài hước
Bạn có thể vừa tôn trọng vừa khôi hài để xử lý tình trạng này. Một người huyên thuyên ý thức được được họ huyên thuyên, dù họ khó thay đổi nhưng họ cũng có thể… cười theo.
Chúng ta tất cả đều có khiếm khuyết vì thế chúng ta phải luôn kiên nhẫn và yêu thương nhau. Chịu đựng người thông thái rởm là một gánh nặng, nhưng họ, họ sẽ nghĩ gì về chúng ta? Có thể họ cũng khổ vì tính thiếu kiên nhẫn và hời hợt của chúng ta hay với một trong các yếu đuối của chúng ta không đây?
Vì thế chúng ta nên luôn để tâm nhìn sự việc vượt lên các khiếm khuyết, cố gắng nhìn người khác là người mà Chúa đã tạo dựng bằng tình thương để họ sẽ yêu và được yêu.
Marta An Nguyễn dịch từ fr.aleteia.org
Nguồn: http://phanxico.vn

TỔ ẤM GIỮA GIÔNG TỐ

Tổ ấm vừa là cái nôi dạy tôi làm người nhưng cũng là lớp học vỡ lòng hướng dẫn tôi biết yêu. Tổ ấm trong tôi không chỉ ấm khi êm ả nhưng nó vẫn luôn ấm trong những khi bão giông.

Ngồi trên ban công của nhà Dòng, tôi bất giác nhìn ra những giọt mưa đang nhẹ buông giữa buổi chiều buồn ảm đạm. Mưa rơi ngoài trời hay trong lòng tôi mà làm cho lòng tôi ướt sũng khi hình ảnh của người mẹ đang tảo tần hôm sớm nơi quê nhà ùa về bất tận. Gió cuộn từ nơi đâu làm cho bao ký ức về gia đình từ đó lũ lượt kéo nhau về. Tổ ấm, tiếng gọi thân thương mà bất kì ai sinh ra trong cuộc đời đều mong được ủ ấp trong đó.
            Không chỉ đơn thuần khi ta có một mái nhà thật to và vài ba con người sống chung trong đó chưa chắc là tổ ấm. Vậy mà chỉ là một mái tranh nghèo thôi nhưng lại được sưởi ấm bằng tình cảm vợ chồng thiêng liêng và tình yêu thương, chăm sóc lại trở nên một tổ ấm mà bất kì ai đã ở đều không muốn rời xa.
            Tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày mình còn sống ở quê. Căn nhà chỉ có khoảng 50m2 cho năm người sống. Ba tôi là một tài xế lái xe. Mẹ tôi là một phụ nữ tảo tần với gánh hàng ăn để lo cho ba miệng ăn còn đang trong tuổi chơi, tuổi học. Cuộc sống cứ thể trôi qua, gia đình tôi cũng phải chật vật để kiếm từng đồng. Vào một ngày nắng đẹp hơn mọi ngày, tôi chẳng biết lý do tại sao ba tôi lại dọn dẹp khu bếp nơi mẹ vẫn hằng ngày nấu nướng cho gánh hàng của mình. Cuộc sống nhà tôi tuy nghèo xen lẫn vất vả nhưng tình yêu của ba và mẹ dành cho anh chị em chúng tôi luôn tràn trề, chan chứa. Hôm ấy, ba tôi làm một bữa cơm thịnh soạn với 5 con cá mú chiên giòn cùng với một chén nước mắm tỏi ớt. Bên cạnh đó, ba tôi cũng bày thêm một dĩa rau muống luộc và một tô nước luộc rau với chanh. Một bữa cơm thịnh soạn được bày lên bàn và nhẹ nhàng đậy lồng bàn lại. Tôi nào biết rằng đó là bữa cơm cuối cùng mà ba tôi dành tặng cho cả nhà.
            8 giờ tối, chị gái tôi gọi điện về, bên đầu dây bên kia tôi chỉ nghe được một câu: “Nhà lo dọn dẹp, ba chết rồi”. Xung quanh tôi như tối sầm lại và dường như tai tôi hóa rè ra với những điều vừa đón nhận. Kể từ sau khi ba tôi đi, tôi vẫn dùng chính chiếc chăn mà ba tôi dùng lúc còn sống để giữ ấm cho mình như thể muốn níu kéo chút hơi ấm của một bàn tay mạnh mẽ vừa đi qua trên cuộc đời mình.
            Khoảng thời gian sau đó tôi sống cùng với mẹ. Anh trai của tôi lại tiếp tục lên đường để hoàn tất chương trình nghĩa vụ quân sự. Chị gái tôi thì lên Sài Gòn học. Tôi ở lại quê vừa đi học mà cũng vừa chia sẻ cuộc sống cùng mẹ. Dường như, mọi vất vả, khó khăn với tôi trong khoảng thời gian đó lại trở nên những nấc thang để tôi sống mạnh mẽ hơn. Hồi đó, tôi dành dùm hết số tiền lì xì của mình để nói mẹ dẫn tôi đi mua một chiếc nhẫn vàng có khắc hình Thánh Giá. Tôi giữ chiếc nhẫn như vật bất ly thân và coi nó như là vật báu. Khoảng một năm sau đó, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn kinh tế khiến mẹ tôi không còn đủ vốn để có thể tiếp tục kinh doanh gánh hàng ăn của mình. Mỗi buổi sáng khi đi học, tôi thấy mẹ nằm co ro trên giường, có vẻ như việc ngồi dậy để nghĩ xem ăn sáng món gì lúc ấy là một điều xa xỉ. Trưa đi học về, tôi còn trong túi áo đúng 20.000đ. Tôi dùng số tiền đó mua một hộp cơm 18.000đ và để dành 2.000đ còn lại mà trả tiền gởi xe khi đi học. Tôi mang hộp cơm về nhà, tôi và mẹ cùng chia nhau một hộp cơm. Tôi cố tình nhường cho mẹ miếng thịt to nhất vì tôi còn trẻ và còn khỏe. Mẹ thấy thế liền nhường lại cho tôi. Hai mẹ con chẳng ai nói ai lời nào, nhìn nhau rồi nước mắt đã rơi tự bao giờ.
            Trong lúc túng bấn lúc ấy, tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc hằng ngày chạy lên nhà thờ để cầu nguyện xin Chúa thương giúp đỡ gia đình mình. Đang vật lộn với những đau khổ và dằn vặt về nỗi bất lực của bản thân, tôi bất chợt nhìn xuống tay mình và phát hiện ra mình vẫn còn đeo chiếc nhẫn vàng đã làm phép. Tôi đeo chiếc nhẫn ấy với lời nhắc nhở rằng mình dành cuộc đời này cho Chúa theo con đường dâng hiến. Bất ngờ, tôi nghĩ rằng mình sẽ bán chiếc nhẫn đi để đưa cho mẹ. Con tim nói rằng bán nhưng cái đầu lại bảo không. Con tim nó nói bán đi để có tiền lo cho gia đình, còn cái đầu lại bảo nhẫn làm phép rồi bán đi không phải lẽ cho lắm. Trở về nhà, tôi thấy mẹ vẫn đang ủ rũ ngồi nhìn ra cửa sổ với đôi mắt buồn với cuộc đời lênh đênh, mà gia đình tôi đang phải cố gắng chèo chống.
            Chiều đã buông và mọi người đã trở về sau một ngày dài làm việc, tôi nghe đâu đó những tiếng cười đùa từ những mái nhà xung quanh. Xa xa, tôi nghe những tiếng leng keng của chén đũa của nhà nào đó đang dùng cơm tối. Chợt nhận ra mình và mẹ cũng chưa có gì lót dạ chiều nay. Tôi liền theo phản xạ cho tay vào túi thì một sự thật phũ phàng rằng trong đó chỉ là hư không.
            Cuối cùng, tôi mang chiếc nhẫn của mình đến tiệm và bán nó. Tối đó, tôi và mẹ cũng vẫn cùng nhau ăn chung một hộp cơm. Khi chuẩn bị đi ngủ, tôi choàng tay ôm mẹ và nói: “Mẹ! Mẹ cầm tiền để mai ăn uống rồi bán hàng nè”. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm vì chẳng biết tiền ở đâu ra, nhưng tôi hiểu cảm giác đó của mẹ. Tôi liền trấn an: “Mẹ yên tâm! Tiền con bán chiếc nhẫn đó”.
            Vất vả vẫn còn đó, tôi vẫn sống trong ngôi nhà đó với người mẹ tảo tần khuya sớm với nồi bún bò. Chiếc nhẫn đã làm được điều kỳ diệu đó là mang lại cho mẹ tôi một tia hy vọng trong hành trình dài phía trước của hai mẹ con. Phải mất gần 5 năm sau, anh trai và chị gái của tôi mới ổn định công việc. Gia đình tôi bắt đầu sang trang mới từ đấy.
            Vâng, khi nói về tổ ấm, người ta thường nói về những hạnh phúc, những yêu thương và những thành công. Đằng này tôi lại đi nói về sự đau khổ và vất vả. Tổ ấm với tôi nó không chỉ là gia đình nhưng nó còn là hơi ấm của tình yêu xen lẫn hy sinh. Tổ ấm là một điều rất thiêng liêng với tôi vì nó mang lại cho tôi một con tim biết rung những nhịp đập thổn thức nỗi đau của người gần bên tôi. Tổ ấm vừa là cái nôi dạy tôi làm người nhưng cũng là lớp học vỡ lòng hướng dẫn tôi biết yêu. Tổ ấm trong tôi không chỉ ấm khi êm ả nhưng nó vẫn luôn ấm trong những khi bão giông.
            Hôm nay, khi ngồi viết ra những dòng tâm sự này, tôi đã trở thành một tu sĩ Dòng Tên trẻ với biết bao hoài bão, với ước ao dâng cuộc đời cho những sứ mạng phía trước. Trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, tôi hiểu rằng tổ ấm là nơi tôi trở về để sống lại những yêu thương ngay cả trong giông tố. Xin cho những ai đang có tổ ấm luôn biết trân quý những gì mình có. Vì yêu thương mới làm nên một tổ ấm thực sự. 

JB Nguyễn Phi Long, S.J.(dongten.net)