7 ĐIỀU QUÝ GIÁ NÊN "HỌC" SUỐT ĐỜI

1. Học nhận lỗi

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2. Học nhu hòa

Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Giữ tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn

3. Học hạnh nhẫn nhục của đất

Dù ban cho con người thức ăn, chốn ở nhưng cũng chịu đựng biết bao nhiêu thứ nhơ nhớp người ta đổ vào lòng đất. Vậy mà đất vẫn nhẫn nhục chịu đựng trong im lặng.

Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4. Học thấu hiểu

Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

7 ĐIỀU QUÝ GIÁ NÊN "HỌC" SUỐT ĐỜI


5. Học buông bỏ

Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống… lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

6. Học cảm động

Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ mừng vui cùng cho họ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

7. Học sinh tồn

Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bè bạn yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

BÀI HỌC CUỘC SỐNG

Có một chú tiểu khá thông minh, chú luôn đặt những câu hỏi xung quanh cuộc sống. Một ngày nọ, chú hỏi sư thầy của mình:



– Thưa thầy, giá trị cuộc sống của một con người là gì ạ? Con hỏi vậy vì thường ngày thấy mọi người lên chùa đều cầu mong cuộc sống có giá trị.

Người thầy đi vào phòng rồi mang ra cho chú tiểu một hòn đá xấu xí và bảo:

– Con hãy mang hòn đá này ra chợ bán và hãy nhớ là dù có ai mua thì cũng không được bán và mang về cho ta.

– Tại sao lại phải vậy thưa sư phụ?

– Nếu con muốn biết giá trị cuộc sống là gì thì hãy làm như ta bảo.

Vì sự tò mò nên chú tiểu đã làm theo. Chú mang hòn đá ra chợ ngồi bán và trong suy nghĩ thì không hiểu tại sao nó lại liên quan đến giá trị của cuộc sống.

Chú ngồi bán hòn đá ở chợ cả ngày mà không hề có ai hỏi, mọi người còn thấy làm kỳ lạ không hiểu tại sao chú lại ngồi bán một hòn đá xấu xí mà không có giá trị gì. Ngồi cả một ngày, một người bán rong thấy vậy thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá 1 đô la. Chú tiểu nhớ lời sư phụ dặn dù bất kỳ ai hỏi mua cũng không được bán. Mang hòn đá về, chú hỏi sư phụ:

– Hòn đá này có gì đặc biệt mà thầy lại bảo con mang bán. Cũng may đã có người hỏi mua với giá 1 đô la. Vậy giá trị cuộc sống là gì thưa thầy?

Sư thầy cười và nói:

– Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào cửa hàng bán vàng và bán cho chủ cửa hàng vàng, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán, rồi còn sẽ hiểu thế nào là giá trị cuộc sống.

Vì tò mò, chú tiểu lại làm theo lời sư thầy. Hôm sau, chú mang hòn đá đi vào một cửa hàng vàng, vừa đi vừa nghĩ, tại sao sư phụ lại bảo mình mang hòn đá này vào bán trong cửa hàng vàng trong khi cả ngày qua chú ngồi ngoài chợ bán mà không ai mua, dù mua cũng không đáng giá. Dù rất ái ngại nhưng vì tò mò nên chú quyết định làm theo lời sư phụ.

Và thật bất ngờ, khi chú mang vào bán trong một cửa hàng vàng, chủ tiệm đã trả giá hòn đá là 500 đô la. Rất bất ngờ vì một hòn đá qua một ngày từ chỗ bán không ai mua giờ lại có giá như vậy, nhớ lời sư phụ dặn chú tiểu đã không bán và mang về.

Chú vội vàng hỏi tại sao lại như vậy và giá trị cuộc sống là gì mà tại sao một hòn đá từ không giá trị qua một ngày lại có giá trị rất lớn như vậy

Sư phụ cười và nói:

– Nếu con muốn hiểu giá trị cuộc sống là gì thì ngày mai con hãy mang hòn đá này tới một tiệm đồ cổ và bán, nhớ là dù với bất kỳ giá nào thì con cũng không được bán và mang về cho ta. Con sẽ hiểu giá trị cuộc sống là gì.

Chú tiểu càng tò mò hơn. Hôm sau, chú mang hòn đá tới một tiệm đồ cổ. Sau một hồi xem xét thì chú tiểu vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Chú nhất quyết không bán và vội về kể lại với sư phụ:

– Vậy hòn đá này là gì, mà từ một thứ không giá trị không ai mua giờ nó có giá cả một gia tài.

– Đó chính là giá trị cuộc sống – Sư thầy nói.

Giá trị cuộc sống của mỗi con người đều do chính chúng ta quyết định, cũng giống như chú tiểu do dự khi mang một hòn đá không có giá đi bán. Giá trị cuộc sống là do chính chúng ta tạo dựng và đặt ra. Vậy hãy tự đặt mình vào nơi mà mọi người hiểu ta và đó là nơi giá trị sống được tôn trọng.

Cuộc sống ở trong tất cả mọi sự việc, từ những điều to lớn cho đến điều đơn giản, thậm chí là ở trong những điều mà chúng ta không hề quan tâm đến. Cuộc sống luôn “nói chuyện” với chúng ta thông qua những điều giản dị nhất và không ngờ đến nhất. Đừng bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của bạn!

Mint
(Dịch từ Fructuous)

LỜI CHÚA CN XXII- TNB

Tiến sĩ luật bị tù – Lm. Mark Link
Chủ đề: "Trọng tâm tôn giáo không ở tại nghi thức và lề luật mà ở tại yêu mến Chúa và tha nhân"
Nhà thần học William Barclay kể lại câu chuyện một Rabbi (tiến sĩ Luật Do Thái giáo) lão thành nọ bị tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm mục đích kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua, vị Rabbi ấy ngày càng yếu dần. Cuối cùng người ta buộc phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông ta bị thiếu nước. Báo cáo của y sĩ khiến đám sĩ quan cai ngục bối rối. Họ không hiểu nổi tại sao vị Rabbi ấy lại có thể thiếu nước, bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, song vẫn tương đối đủ chứ đâu đến nỗi tệ! Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát "Ông già" ấy một cách kỹ lưỡng hơn để thử xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng người ta đã khám phá ra bí mật. Ông Rabbi ấy đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn. Như thế đương nhiên ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu được bài Phúc Âm hôm nay. Nó giúp ta hiểu rõ hơn các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã cảm thấy chướng tai gai mắt và bực bội thế nào khi nhìn thấy các môn đệ Chúa Giêsu ăn uống mà chẳng chịu rửa tay theo đúng nghi thức. Đấy chính là điểm quan trọng của bài Phúc Âm hôm nay. Điểm quan trọng này được biểu lộ trong một tranh luận sôi nổi giữa chúng ta và những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Chúng ta hãy xét kỹ hơn cuộc tranh luận đặc biệt này.
Khi Chúa Giêsu nói về "Lề luật", thì từ ngữ này có một trong hai ý nghĩa: Hoặc là lề luật thành văn hoặc là lề luật "truyền khẩu". Trong hai thứ lề luật này cái cổ hơn và quan trọng hơn là lề luật thành văn. Lề luật này căn cứ trên sách Torah (Ngũ Thư) nghĩa là 5 quyển sách đầu tiên của Cựu Ước, đôi khi còn gọi là luật Môisê. Một số lề luật này mang tính cụ thể và đặc thù, số còn lại thì rất chung chung giống những kiểu mẫu phải theo hơn là luật lệ. Trong một thời gian dài, dân Do Thái bằng lòng với những "kiểu mẫu" này. Họ áp dụng chúng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.
Tuy nhiên, tới thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu về Luật đã tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng Israel. Họ thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng, với nhiều chi tiết hơn. Và họ đã tiến hành làm công việc ấy. Từ đó phát sinh ra bộ luật thứ hai, gồm những luật truyền miệng, hay những truyền thống khẩu truyền. Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do Thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay trước khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng cũng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa nữa. Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái tuân giữ những lề luật truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Thư. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống. Nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xảy ra vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài: Tuân giữ những nghi thức này thì được kể là đạo đức, là biết phụng sự Chúa. Để nói lên sự nguy hiểm của thói nệ luật ấy, William Barclay chứng tỏ rằng xét về mặt lý thuyết, người ta có thể căm ghét kẻ khác một cách sâu sắc từ trong trái tim, nhưng họ chẳng hề áy náy gì cả "bao lâu họ còn tuân thủ chặt chẽ nghi thức rửa tay và những nghi thức đúng đắn khác về vấn đề thanh tẩy".
Để minh hoạ thói nệ luật này rõ hơn, Barclay kể thêm một câu chuyện có lẽ có ghi trong Nguỵ thư nói về một người Hồi Giáo đuổi theo để giết kẻ thù của anh ta. Đang khi rượt theo kẻ thù ấy, chợt hồi chuông báo giờ cầu nguyện vang lên. Lập tức anh hồi giáo này nhảy ngay xuống ngựa, mở thánh kinh ra quì gối xuống và cầu kinh theo như luật định một cách hết sức lẹ làng. Đoạn, anh ta lại leo lên ngựa tiếp tục rượt theo kẻ thù. Đó chính là chủ nghĩa câu nệ lề luật mà Chúa Giêsu cực lực phản đối.
Tất cả những chuyện ấy dạy chúng ta điều gì? Nó cảnh cáo ta đừng rơi vào chủ nghĩa đồng hoá tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài. Chẳng hạn việc đi lễ, đọc kinh, đọc sách thánh, làm việc bố thí... tự chúng chưa bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện đâu. Lý do rất đơn giản là chúng ta có thể làm tất cả những điều này vì một lý do không mấy đúng đắn, hoặc chúng ta có thể làm tất cả điều này mà không phải do yêu thương, vì điều quan trọng không phải là việc chúng ta làm, mà chính là tình yêu trong trái tim đã thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chúng ta chất đầy nỗi chua chát hoặc kiêu căng thì tất cả mọi nghi thức bề ngoài trước mắt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta thánh thiện trước mặt Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, tự vấn xem mình đã áp dụng những lời trong bài đọc thứ hai chưa? "Anh chị em đừng đánh lừa mình khi cho rằng chỉ cần nghe lời Chúa là đủ... Tôn giáo tinh tuyền và chân thực phải là biết lo lắng cho kẻ mồ côi goá bụa.. và giữ mình khỏi bị băng hoại hư hỏng". Và liệu những lời của tiên tri Isaia mà Chúa Giêsu dùng trong bài Phúc Âm hôm nay bao gồm cả chúng ta không? "Đám dân này thờ Ta ngoài môi miệng, còn lòng dạ chúng thì quả thực là xa Ta".
Tóm lại, điều cốt lõi trong tôn giáo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Hành động của chúng ta phải phát xuất từ tình yêu, từ con tim: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân. Để kết thúc, chúng ta hãy nghiêm trang đọc lại những lời nói về Tình yêu của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô. "Dù cho tôi có biệt tài giảng thuyết... Dù cho đức tin tôi cực kỳ mạnh mẽ có thể dời núi chuyển non, mà nếu chẳng có Đức Ái thì tôi sẽ chẳng là gì cả. Dầu tôi dâng hiến tất cả mọi điều tôi có mà tôi không có Đức Ái thì điều ấy cũng chả lợi lộc gì cho tôi.
"Tình yêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tử tế, không ganh tị, kiêu căng xấc láo, tình yêu khiến ta không vụng xử, không ích kỷ hay dễ nóng giận, tình yêu không để bụng chấp nhất những sai trái. Tình yêu không bao giờ lùi bước, tình yêu thì bất diệt. Vì thế, tình yêu chính là điều anh em phải nổ lực tìm kiếm".

LỜI CHÚA CN XXI-TNB


Lời ban sự sống – Lm. Ignatiô Trần Ngà
Bảo rằng lương thực hằng ngày như cơm, như bánh có thể mang lại cho con người sự sống tạm bợ đời nầy là điều dễ chấp nhận, vì rõ ràng nhờ cơm bánh mà chúng ta có thêm sức mạnh để lao động hằng ngày.
Bảo rằng thuốc men và các chất bổ dưỡng làm gia tăng sinh lực cho con người thì cũng dễ hiểu thôi, vì chúng ta có thể cảm nhận hiệu quả ấy trước mắt.
Thế nhưng Lời tuyên xưng của thánh Phê-rô trong Tin Mừng hôm nay: "Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời" là những lời khó thuyết phục, vì lời nói thoảng bay trong gió, chứ có phải là lương thực, là thuốc men đâu mà có sức kéo dài tuổi thọ của con người.
Thiên Chúa dùng Lời để tác tạo vũ trụ và thông ban sự sống.
Từ nguyên thuỷ, khi tất cả còn hư vô trống rỗng, Thiên Chúa đã dùng Lời mà tác thành vũ trụ và sáng tạo muôn loài. Mọi sự sống trong hoàn vũ, từ sự sống của các loài sinh vật đơn giản cho đến sự sống của loài người đều do Lời Chúa phán mà ra.
Sáng thế ký chương I viết: "Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc,... liền có như vậy."
Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy.
Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta..." Và từ Lời thần thiêng đó, con người đã được tạo thành và được thông ban sự sống. (Stk 1, 20.24.26)
Lời Chúa hồi sinh kẻ chết
Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng dùng Lời thần thiêng của mình để phục hồi sự sống cho những kẻ chết.
Hôm ấy, khi Chúa Giêsu thấy người ta khiêng cậu con trai duy nhất của một bà goá ở thành Na-im đi chôn, người mẹ theo sau xác con gào khóc thảm thiết. Động lòng thương, Chúa truyền cho người khiêng đứng lại và Người dùng Lời của mình ban lại sự sống cho người thanh niên: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho anh hãy chổi dậy" (Lc 7,14), lập tức người chết được hồi sinh.
Rồi đến lượt La-da-rô đã chết đến bốn ngày, xác đã nặng mùi, thế mà Chúa Giêsu cũng chỉ dùng Lời của mình ban lại sự sống cho anh. "La-da-rô, hãy ra ngoài!". Vừa nghe lời quyền năng đó, người chết đội mồ sống lại. (Gioan 11, 43)
Thế thì rõ ràng là Chúa Giêsu có những Lời truyền ban sự sống, nhưng không chỉ thông ban sự sống sinh vật tạm thời mà còn đem lại sự sống vĩnh cửu trên thiên quốc.
Khi giảng tại Hội Đường Ca-phác-na-um, Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Bánh hằng sống, ai ăn thịt và uống máu Người sẽ được sống đời đời. Lời đó khiến dân chúng và các môn đệ bị sốc, không chấp nhận và tuần tự bỏ đi. Dầu vậy, thánh Phê-rô vẫn kiên vững tuyên xưng: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời." (Ga 6, 68)
Chúa Giêsu được mệnh danh là Ngôi Lời, đã hiện hữu từ trước muôn đời, "nhờ Người vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành" (Gioan 1, 1-3) thì chắc chắn Người có đủ quyền năng ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Người.
Nếu hôm nay trên thị trường có thuốc trường sinh, chắc chắn sẽ có nhiều người xô đẩy nhau quyết tìm mua bằng mọi giá. Thế mà nay Chúa Giêsu tặng ban miễn phí những Lời đem lại sự sống đời đời cho nhận loại, lẽ nào chúng ta lại thờ ơ.
Vậy thì cùng với thánh Phê-rô, chúng ta hãy tuyên xưng với tất cả lòng tin: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời".
Cùng với Mẹ Maria là Đấng hằng ghi nhớ và suy niệm Lời Chúa trong lòng, chúng ta hãy hấp thụ Lời Chúa vào tâm hồn, để Lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mỗi người chúng ta được hưởng sự sống hoan lạc đời nầy và sự sống vĩnh cửu mai sau.

THÁNH LỄ KHẤN DÒNG NĂM 2015


Vào lúc 9g00 sáng ngày 11/08/2015, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã chủ sự Thánh lễ Tiên khấn và Vĩnh khấn của 8 chị em trong Dự-Tỉnh Đức Mẹ La Vang. Cùng đồng tế với Đức Cha có Cha Đaminh Đinh Viết Tiên, đặc trách tu sĩ Giáo phận Xuân Lộc; Cha Giuse Nguyễn Đức Hòa, Giám tỉnh dòng Đaminh Việt Nam và rất đông quí Cha trong và ngoài giáo phận.
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Cha Đaminh nói đến tinh thần tận hiến của người nũ tu, đó là một đời sống tận hiến cho Chúa với cả tâm hồn và thân xác của mình. Nhất là luôn biết phục vụ Chúa trong niềm vui và hạnh phúc. Ngài dựa trên ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô : ở đâu có người Công Giáo sinh sống thì ở đó sẽ có niềm vui, bởi vì Tin mừng của Chúa là tin vui và sống Tin mừng của Chúa thì mang niềm vui và hạnh phúc đến cho anh chị em mình. Do đó, các nữ tu cũng phải luôn trở nên niềm vui và hạnh phúc cho mình và cho anh chị em. …
Sau bài giảng lễ là Nghi Thức Khấn Dòng. Trong niềm vui hòa lẫn sự xúc động, các chị em đã tiến lên tuyên khấn trong tay chị Bề Trên Dự-Tỉnh  
Trước khi kết thúc Thánh lễ, chị Marie Lucie Nguyễn Thị Quý Phương, Bề trên Dự-Tỉnh đã có lời cám ơn Đức Cha, Quý Cha và cộng đoàn. Sau đó mọi người cùng chia sẻ niềm vui với các tân khấn sinh tại hoa viên của Giáo xứ Tân Xuân.



Các chị Tiên Khấn:
1. Marie Faustine Dương Thi Tuyết
2. Marie Du Rosaire Mai Thị Thủy Tiên
3. Marie Odile Nguyễn Thị Mỹ
4. Marie Angèle Nguyễn Thị Lành





Các chị Vĩnh Khấn:
1. Marie Mathieu Nguyễn Thị Hồng Thịnh
2. Marie Consolata Đặng Thị Nhàn
3. Marie Geneviève Nguyễn Thị Chúc
4. Marie Bernard Phạm Thị Hồng Diễm




THÁNH LỄ TRAO TU PHỤC TẠI TU VIỆN FATIMA

               
Trong niềm hân hoan mừng lễ Cha Thánh Đaminh, vào chiều nay, ngày 07/08/2015, tại Tu viện Fatima- Bình Triệu, Cha Phaolô Cao Chu Vũ, Op đã cử hành Thánh lễ trao tu phục cho 4 chị em trong Dự-Tỉnh Đức Mẹ La Vang. 
Mở đầu Thánh lễ, Cha Phaolô nhắc lại gương của Cha Thánh Đaminh, là một con người rất dễ động lòng trước những đau khổ của người đồng loại, ngài sẵn sàng bán đi những thứ quý giá nhất của mình là quyển Kinh Thánh bằng da, để giúp đỡ cho anh chị em đang đói khổ. Đồng thời, cha Phaolô cũng chia sẻ niềm vui với các chị em sắp lãnh nhận tu phục. Trong bài giảng lễ, cha cũng nhắn nhủ với các chị: như việc các chị sắp được lãnh nhận tu phục mới, hãy mặc lấy con người mới chính là con người Đức Giêsu Kitô. Chiếc áo dòng không làm nên người tu sĩ, nhưng chính đời sống, chính cái phẩm hạnh, sự thánh thiện mới làm cho mọi người nhận ra được chúng ta là những người bước theo Đức Kitô.
             Sau bài giảng lễ là nghi thức trao tu phục. Mở đầu, chị Bề trên Dự-Tỉnh hỏi ý kiến của các chị về việc muốn dấn thân bước theo Chúa Kitô trong linh đạo Đaminh- Anastasie của Hội Dòng. Các chị đồng thanh đáp: Nhờ ơn Chúa, chúng em muốn và hết lòng khao khát. Sau đó, cha chủ tế làm pháp áo dòng, lúp và tràng hạt, rồi ngài trao cho các chị, để từ nay các chị chính thức gia nhập vào Dòng.

Tiếp đến, các chị được nhận tên mới trong Dòng và chị Bề trên Dự-Tỉnh công bố: các chị bắt đầu kỳ tập của mình trong thời gian hai năm, sau hai năm nếu ccá chị đáp ứng được những gì Hiên Pháp Dòng mời gọi và Dòng cũng đáp ứng được những gì các chị mong muốn trong việc bước theo Chúa Kitô thì các chị có thể tuyên khấn.
              
         Sau đó, Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.


             Bài hát tạ lễ kết thúc, chị Bề trên Dự-Tỉnh thay mặt cho chị em cảm ơn cha chủ tế đã đến dâng Thánh Lễ để cầu nguyện cho các chị em nhận tu phục, cũng như cha đã có những lời chia sẻ rất chân tình với cộng đoàn, nhất là với các Tân Tập Sinh. 

Sau cùng, cha chủ tế đã cùng chụp hình lưu niệm với cộng đoàn và với các Tân Tập Sinh.




LỜI CHÚA CN XIX-TNB

Ta là bánh ban sự sống”

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Mỗi ngày Việt nam đang phải đối đầu với bao cái ác hoành hành. Những cái chết của phi nhân bất nghĩa, của tình người băng giá, của đạo đức suy đồi, của tham lam bất chính. Đây phải là lúc chúng ta nhìn lại nhân sinh quan cuộc sống, tại sao giữa nền văn minh nhân loại lại đổ vỡ tình người, lại tan nát tất cả những luân thường đạo lý mà bốn ngàn năm văn hiến của cha ông đã gầy dựng?
Đạo lý làm người nay ở đâu? Con người có còn là “nhân chi sơ tính bản thiện” hay đã bị thoái hóa mất tính người? Con người biết thiện và ác, có khả năng tự chủ bản thân hơn loài vật, sao lại dễ dàng làm điều xấu, điều hại người hơn là làm điều tốt, điều cứu sống anh em?
Là người ky-tô hữu, ai trong chúng ta cũng tự hào vì mình là hình ảnh Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng tự hào mình vượt lên trên muôn loài muôn vật vì “nhân linh ư vạn vật”. Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng con người có tương giao với Thiên Chúa, với thần linh. Con người đến từ Thiên Chúa. Con người thuộc về Thiên Chúa, vì con người bởi Thiên Chúa mà ra. Nhưng liệu rằng, khi nhìn vào cuộc sống của chúng ta người ta có nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa hay người ta sẽ ngán ngẩm bảo rằng: cuộc sống của anh, suy nghĩ độc ác, ích kỷ, những ước muốn tầm thường, những lời nói giết người không dao của anh làm tan nát tâm hồn bao người, …tất cả chúng tôi nào có lạ gì, sao anh bảo anh đến từ Thiên Chúa tình thương và nhân lành? “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con yêu thương nhau”. Liệu rằng dấu hiệu ấy có được tỏ hiện qua lời nói việc làm của chúng ta hay không?
Cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Ngài đến để giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương. Ngài đi gieo vãi yêu thương. Ngài đi nối kết tình người. Ngài đi xoa dịu đau thương. Ngài sống một cuộc đời thanh thoát không lệ thuộc của cải danh vọng trần gian. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập. Ngài không kết án ai. Ngài luôn bao dung tha thứ. Ngài đã từng tha thứ cho cả kẻ gây nên nhục hình cho Ngài. Đỉnh cao của dấu hiệu yêu thương ấy là chết cho người mình thương.
Cuộc đời Ngài ví tựa tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Tấm bánh mang lại hạnh phúc cho nhiều người. Tấm bánh làm vui lòng trẻ thơ cũng như người già. Tấm bánh hòa tan cho muôn người. Kẻ thấp hèn cũng như người giầu sang. Tấm bánh thêm sức mạnh cho mọi người. Kẻ no đầy cũng như người khát. Tấm bánh nối kết tình mọi người. Vì “bánh ngọt bẻ đôi” sẽ là nhịp cầu thân ái cho người với người gần nhau hơn. Tấm bánh đời Ngài ban cho thế gian để cho thế gian được sống và sống dồi dào. “Và ai ăn bánh này sẽ không phải chết bao giờ”. Đó là tấm bánh phục sinh. Bánh cải từ hoàn sinh. Bánh trao ban sự sống đời này và cả đời sau.
Phải chăng Ngài cũng mời gọi chúng ta đón nhận tấm bánh đời Ngài để sức sống, ân sủng, tình thương của Ngài thẩm thấu trong cuộc đời chúng ta, để chính chúng ta cũng trở thành tấm bánh trao ban bình an và hạnh phúc cho tha nhân?
Phải chăng Ngài cũng đang mời gọi chúng ta, không chỉ nhận ra mình mang nguồn gốc từ trời, mà phải sống và hành động như con cái của Chúa. Sống hoàn thiện mình mỗi ngày như cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Mỗi ngày chúng ta phải thanh tẩy mình khỏi mọi điều gian ác, khỏi những ước muốn tầm thường và mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu như Đức Ky-tô để dung nhan Thiên Chúa được tỏ hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Ước gì trong mỗi lời nói hành động đầy yêu thương bác ái của chúng ta mà các anh chị em chung quanh sẽ ngợi ca Cha chúng ta là Đấng ngự trên trời. Ứơc gì khi chúng ta nhận ra tình thương của Chúa dành cho mình, thì mỗi người hãy biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, đồng thời biết noi gương Chúa sống yêu thương anh em đồng loại của mình.
Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể là tấm bánh bẻ ra cho muôn người nâng đỡ và giúp chúng ta biết sống cao thượng, sống đúng với phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Amen.

BỔN MẠNG VÀ SINH NHẬT TRONG THÁNG 8

THÁNG 8
NGÀY
LỄ
QUAN THẦY

04.08
Lễ thánh Gioan M. Vianney
*Chị Thùy.
08.08
Lễ thánh Đaminh.
* Chị Thảo

11.08
Lễ thánh Clara, trinh nữ.
* Chị Phước
12 .08
Lễ thánh Jean de Chantal

* Chị Hữu.

14.08
Lễ thánh Maximilien Kônbê
* Chị Mỹ Tiên
15.08

Lễ Đức Mẹ Lên Trời
*Bổn mạng Dự-Tỉnh
*Các Chị Vĩnh Khấn.
*Rửa tội: Chị Nhi, Chị Phương, Chị Hải, Chị Dung, Chị Cần, chị Bích Dung, Chị Thiên Hằng,  Chị Tuyết, Chị Lành, chị Huyến, chị Kim Liên, C. Gia Hân, C. Hải( TS)
18.08
Lễ Thánh Hèlène.
*Chị Sinh.
20.08
Lễ Thánh Bênađô
*Chị Hồng Diễm.
22 . 08
Lễ  Mẹ Maria Trinh Nữ Vương.
*Chị Hồng Diễm (RT)
23 . 08
Lễ thánh Rosa Lima, trinh nữ
*Chị Xuân Châu.
24 . 08
Lễ thánh Emilie de Viala
*Chị Xuyên.


Ghi Chú:     *Từ ngày 02/08 đến ngày10/08 xin Chị Em làm tuần cửu nhật cầu nguyện cho các chị có nghi thức khấn dòng.


*Từ ngày06/08  đến ngày14/08  xin Chị Em làm tuần  cửu nhật mừng lễ Mẹ Lên Trời, Bổn Mạng Dự-Tỉnh Đức Mẹ LaVang-Việt Nam.