BỔN MẠNG THÁNG 11


THÁNG 11

NGÀY
LỄ
QUAN THẦY
03/11
Lễ thánh Martinô Porres
* Đấng bảo trợ Dự -Tỉnh, Bổn mạng Cộng Đoàn Martinô Cung Kiệm, Chị Thu Thảo
17/11
Lễ thánh Élisabeth
* Chị Thu Hiền
21/11
Lễ Đức Mẹ dâng mình 
*Bổn mạng các em Thỉnh Sinh
22/11
Lễ thánh Cêxilia
* Chị Nhung
25/11
Lễ thánh Cathérine Labourée
* Chị Sáng

·                   Ghi chú: từ ngày 21/11 đến ngày 23/11, chị em làm tuần tam nhật kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Bảo trợ Dự-Tỉnh

LỄ GIỖ CHA MẸ CHỊ EM
TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN




NGÀY
LỄ GIỖ

08.11

Giỗ Anh Chị Em của Dòng
20.11
Bà cố Mônica – Thân mẫu Chị Nhi
26.11
Bà cố Têrêsa – Thân mẫu Chị Lệ (N.Tập)
28.11
Ông cố Tôma- Thân phụ Chị Diễm Lan

NÓI VÀ LÀM

Nói và làm là hai cách thức thể hiện tư tưởng của một con người. Nói và làm tác động và gắn bó với nhau, đến nỗi lời nói chứng minh cho việc làm và ngược lại. Tư tưởng thì trừu tượng; việc làm thì cụ thể. Tư tưởng thì dễ dàng và cao xa bay bổng; việc làm thì khó khăn và nghiệt ngã khắt khe. Người ta chỉ có thể kiểm chứng và lượng giá lời nói của một người, nếu đã thấy những việc làm của người đó phù hợp với những gì đã được thể hiện qua lời nói. Nói và làm cùng phát xuất từ tư tưởng của một con người, nhưng không dễ để hoà hợp và đi đôi với nhau. Có nhiều người nói một đàng mà làm một nẻo. Có những người nói thì rất hay mà làm lại rất dở. Vì thế để cho lời nói phù hợp với việc làm, cần phải luôn khôn ngoan thận trọng và cố gắng. Người nào biết hòa hợp lời nói và việc làm, người đó có thể được coi là hoàn hảo.
Còn nhớ vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, trên báo Nhân Dân hằng ngày có mục “Nói và Làm” của tác giả N.V.L. Mỗi ngày có một bài viết, ngắn gọn nhưng rất cụ thể. Tác giả đề cập tới những sự việc gây bức xúc trong mọi lãnh vực của xã hội. Đó cũng là giai đoạn được đánh dấu bằng ngọn gió đổi mới, đưa xã hội Việt Nam sang một bước ngoặt lịch sử, chấm dứt ngăn sông cấm chợ, không còn khép kín, nhưng mở ra với thế giới bên ngoài. Nhờ những bài viết trong mục “Nói Và Làm”, một số lớn những tiêu cực và bất cập trong xã hội bị dẹp bỏ. Người dân phấn khởi vui mừng. Tiếc rằng những bài viết thể loại này hiếm thấy trên báo chí, trong một xã hội hôm nay đầy nhiễu nhương, bất công và tiêu cực.
Từ nói đến làm tuy gần mà rất xa. Dư luận xã hội gần đây xôn xao trước thông tin một số cán bộ khi vừa nhận chức đã có những bài phát biểu rất hùng hồn. Lời nói của các vị này làm nức lòng cán bộ và nhân dân vì thể hiện tâm huyết với công việc được trao, với những lời hứa sẽ sống thanh liêm trong sạch trước hiện tượng tham nhũng. Tuy vậy, những lời nói có cánh ấy chẳng được lâu bền. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ diện. Trước những tố cáo của người dân, cơ quan điều tra đã vào cuộc và đã có kết luận vị cán bộ này dùng bằng giả, nhận đất đai nhà cửa và xe cộ của người khác “biếu tặng” một cách bất minh. Đó chỉ là một trong trăm ngàn trường hợp trong xã hội chúng ta cho thấy lời nói và việc làm luôn có khoảng cách xa vời.
Cũng trong xã hội hiện nay, dường như tồn tại một tình trạng “nói mà không làm”. Những phong trào, những đợt ra quân, những bài phát biểu hùng hồn, những quyết tâm, những chiến dịch, thoạt nghe ban đầu có vẻ hùng hồn, quyết liệt, nhưng thường rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”. Hậu quả là lãng phí của công và làm dịp cho một số cá nhân trục lợi làm giàu. Đơn cử trường hợp chính quyền một quận của Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết tâm giành lại vỉa hè, quyết định này làm nức lòng người dân. Ấy vậy mà một thời gian sau, vị lãnh đạo đi dẹp đường cũng bị “dẹp” luôn do quyết định của vị cán bộ cấp cao hơn. Những việc làm nhằm tới mục đích rất tốt, nhưng không được thực hiện nhất quán và toàn bộ, thì chỉ nổi lên như bong bóng xà phòng. Và thế là, những dự định tốt đẹp ấy chỉ dừng lại ở lời nói. Phải chăng vì thế mà rừng vẫn bị phá mặc dù có những lời kêu gọi bảo vệ rừng; môi trường vẫn ô nhiễm sau một loại những chiến dịch xây dựng thành phố xanh sạch đẹp và những dự án rất tốn kém. Điều đó cho thấy, ngoài những khẩu hiệu, phải có những việc làm cụ thể để đào tạo những con người và thu phục nhân tâm.
“Nói mà không làm”, đó cũng là điều Chúa Giêsu phê phán những người biệt phái và luật sĩ. Chúa đã dùng những lời lên án rất nặng nề và gọi họ là những kẻ giả hình, vì họ nói rất hay nhưng làm chẳng bao nhiêu. Họ chỉ “cốt đè đặt gánh nặng trên vai người khác, mà không muốn đặt ngón tay lay thử” (Mt 23,4). Điều đáng chú ý, những người bị Chúa lên án là những bậc vị vọng, có uy quyền trong xã hội Do Thái. Họ cũng là những nhà lãnh đạo tôn giáo và có ảnh hưởng lớn trong dân chúng thời bấy giờ. Lời nói của họ rất có trọng lượng và uy tín đối với công chúng, vì họ được coi như những người “ngồi trên tòa ông Môisê mà giảng dạy” (x. Mt 23,2), nhưng tiếc thay, những việc họ làm ngược lại với những điều họ nói. Chúa Giêsu đã so sánh những người giả hình giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài bóng bẩy mà bên trong đầy xú khí. Người cũng gọi họ là những người mù quáng, chỉ chăm chút bên ngoài để che đậy lối sống cướp bóc và thói ăn chơi vô độ.
Một lối sống Đạo chỉ dừng ở những lời nói mà không tác động và biến đổi con tim, đó cũng là tình trạng phổ biến nơi đời sống đức tin của một số Kitô hữu hiện nay. Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời Chúa trong các lễ nghi Phụng vụ và trong các buổi cử hành. Tuy vậy, chúng ta chưa thực sự đón nhận Lời Chúa một cách nghiêm túc, và như thế, việc thực hiện Lời Chúa còn là một việc xa vời. Người tín hữu đich thực là người biết đưa Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày, nhờ đó mà họ luôn cảm thấy Ngài hiện diện để hướng dẫn, như tác giả Thánh vịnh đã viết: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Trong những sự kiện quan trọng của cộng đoàn, có những bài phát biểu bao gồm những lời lẽ rất uyên bác và khôn ngoan, những băng-rôn khẩu hiệu trích dẫn giáo huấn Lời Chúa, nhưng ít khi những lời ấy lắng đọng nơi những người tham dự. Vì vậy mà người nói cứ nói mà không đem lại hiệu quả là nơi người nghe. Những tín hữu thể loại này giống như mảnh đất đầy gai góc hoặc đá sỏi mà Chúa Giêsu đã diễn tả trong dụ ngôn “người gieo giống”. Họ nghe Lời Chúa rồi để Lời ấy bị bóp nghẹt vì những lo toan bận rộn của cuộc sống, và vì thiếu sự trân trọng và cộng tác để cho Lời ấy sinh hoa kết trái.
“Người ta chẳng bao giờ tin một người nói láo, dù nó có nói thật đi chăng nữa” (Cicero). Các Cụ ta cũng dạy: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Một lần nói dối sẽ đánh mất uy tín biết bao năm tạo lập. Một người chân chính coi uy tín trọng hơn vàng bạc, vì thế họ thà chấp nhận thiệt thòi chứ không chịu nói hai lời. Một khi lời nói đi đôi với việc làm, chúng ta sẽ luôn an bình thanh thản trước mặt Chúa và đối với anh chị em.
Tháng 10-2017

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN - A

Đã có lần Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận từng nói với Bill Gate rằng: "Sự văn minh đích thực là không để ai ở lại phía sau". Và Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nói: "Sự văn minh đích thực là phục vụ sự sống". Thế nhưng, "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Một thế giới quá chênh lệch giầu nghèo. Một thế giới quá đề cao đồng tiền mà quên cả lương tri con người. Một thế giới lấy kinh tế làm đầu nên đã làm đảo lộn biết bao thuần phong mỹ tục, và những giá trị đạo đức truyền thống của các tiền nhân. Khoa học tiến bộ, nhưng đạo đức và phong hoá xuống cấp trầm trọng. Sự tiến bộ của khoa học dường như đang giúp sức cho sự dữ gia tăng. Khoa học tiến bộ đang phục vụ cho văn hoá sự chết hơn là phục vụ cho văn hoá sự sống. Người ta tìm muôn nghìn cách thức để lừa đảo, gian manh và truỵ lạc. Đứng trước viễn cảnh đen tối của xã hội hôm nay, Sĩ Phu Bắc Hà đã đúc kết thành bốn câu thơ:
Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi
Chỉ còn lương thực tăng giá thôi
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực
Chân lý chân giò một giá thôi!
Một thế giới thượng vàng hạ cám đã làm lệch đi rất nhiều những giá trị của cuộc sống. Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Đó chính là một thách đố cho người ky-tô hữu chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám sống triệt để giới răn mến Chúa yêu người giữa một xã hội loại trừ Thiên Chúa và thiếu thốn tình người hay không? Liệu rằng chúng ta có dám chịu thiệt thòi để người khác hưởng thụ trên lòng quảng đại của chúng ta hay không? Liệu rằng chúng ta có dám yêu người khi mà người ta đang chơi xấu, đang lợi dụng, đang làm hại chúng ta? Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính của người môn đệ Chúa là "yêu mến tha nhân như chính mình". Vì tình yêu là lẽ sống, là hơi thở của người ky-tô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho Tin mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà trong lòng vẫn còn thù ghét anh em của mình. Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.
Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tinh yêu tinh ròng đến nỗi "dám chết cho người mình yêu". Ngài đã chọn thập tự giá làm biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình. Với thanh dọc, Chúa chấp nhận cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại trong tình thương của Chúa. Người ky-tô cũng được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh em như chính mình.
Chính tình yêu đó sẽ giúp chúng ta vượt thắng những tham lam bất chính, những thói hại người hại đời để tìm tư lợi riêng cho bản thân mà người đời vẫn đang sống. Có thể là người, chúng ta cần địa vị, cần danh vọng nhưng vì lòng yêu mến Chúa chúng ta không thể bán rẻ lương tậm, không làm hại đồng loại. Có thể chúng ta cũng cần của cải để sinh sống, nhưng vì Chúa, chúng ta biết sống quảng đại để mua lấy hạnh phúc Nước Trời. Có thể đồng loại, vẫn mưu toan làm hại chúng ta, nhưng vì Chúa chúng ta nhịn nhục và nhẫn nại với nhau trong yêu thương và tha thứ.
Như vậy, chỉ có ở trong tình yêu Chúa, chúng ta mới dám sống yêu thương đồng loại như chính mình. Chính nhờ tình yêu Chúa, sẽ giúp chúng ta trao ban sự sống sung mãn cho nhân thế qua những nghĩa cử yêu thương, bác ái và vị tha. Chính tình yêu đối với Chúa, sẽ giúp chúng ta sống nhân ái và bao dung với tha nhân là hình ảnh của Ngài.
Ước gì giữa một thế giới đang băng hoại về tình người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Ước gì giữa một thế giới đang bán rẻ lương tri, người ky-tô hữu hãy biết sống tôn trọng lẫn nhau, biết sống cho tình người cao quý, hơn là những của cải vật chất tầm thường. Ước gì người ky-tô hữu chúng ta, đừng vì danh lợi thú mà đánh mất nhân phẩm con người là hình ảnh Thiên Chúa. Ước gì giữa một xã hội mà chân lý bị vùi giập, chúng ta dám sống cho sự thật, cho dẫu rằng, có bị nghi kỵ, hiểu lầm, kết án và tẩy chay. Giữa một thế giới mà người ta có thể nhân danh quyền lợi của mình để giết hại người khác một cách phi nhân, ác đức, đặc biệt là các thai nhi vô tội, chúng ta hãy sống theo gương Thầy Giêsu dám chết cho người minh yêu, dám sống mình vì mọi người, và dám trở nên mọi sự cho mọi người như Thầy Giêsu.
Nguyện xin Chúa là tình yêu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim yêu thương của Chúa. Amen.
Lm Giuse Tạ Duy Quyền

HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM

Có đôi khi, nhiều người thường tự vấn rằng không biết chắc chắn rằng mình có ơn gọi hay có thể sống mãi trong nhà Dòng hay không? Bởi vì có nhiều chặng đường với nhiều gian truân, nhiều “cửa ải” họ phải vượt qua.
1.
Đứng trước một bước ngoặt quan trọng của hành trình dâng hiến như: vào nhà tập, tuyên khấn lần đầu, tuyên khấn vĩnh viễn, nhiều người sống đời thánh hiến đều có những cảm xúc và những nỗi ưu tư đan xen nhau. Nhiều cảm xúc vì niềm vui khi khoác trên người bộ áo Dòng còn thơm mùi vải; vì cảm nghiệm tình yêu mà Thiên Chúa và Hội Dòng dành cho bản thân. Tuy nhiên, những giây phút ấy rồi cũng qua mau và thay vào đó là những ưu tư, lo lắng cho tương lai, cho ơn gọi vì phía trước có không ít gian lao, thử thách. Bước vào hành trình ơn gọi như là bước vào cuộc “cá cược” vì người sống đời thánh hiến sẽ gặp nhiều khó khăn cho lựa chọn dấn thân; những phút giây xao xuyến khi yếu đuối; những nỗi cô đơn, cô độc trong suốt hành trình. Quả vậy, ơn gọi không chỉ dừng lại với lời tuyên khấn hay một mục tiêu đạt được nhưng đó là một hành trình tìm kiếm và đáp trả không ngừng với Đấng mình yêu mến với những sự bấp bênh, chọn lựa, xuyến xao.
 2.
Có đôi khi, nhiều người thường tự vấn rằng không biết chắc chắn rằng mình có ơn gọi hay có thể sống mãi trong nhà Dòng hay không? Bởi vì có nhiều chặng đường với nhiều gian truân, nhiều “cửa ải” họ phải vượt qua. Chắc nhắn không ít người ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”: Tiến thì thấy sợ, lui thì mắc cỡ! Với tâm thế như thế, để đạt được một mục đích nào đó, nhiều người sống đời thánh hiến sống “nhắm mắt cho qua”, “cầm hơi” hay “nín thở qua cầu”. Họ sống một cuộc sống với sự chán nản, không còn động lực; sống trong sự khép kín và phòng vệ nên chẳng thể thanh thoát và vươn cao.

Để có thể vượt qua được những bấp bên ấy, thiển nghĩ, người sống đời thánh hiến cần phải luôn tích cực sống trọn vẹn giây phút hiện tại vì Chúa đã nói: Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34). Nhiều người có một tâm thức sống hướng về tương lai và níu kéo quá khứ mà quên đi hiện tại. Đức Kitô luôn muốn người môn đệ bằng lòng với hiện tại và sống hết mình những giây phút ấy. Một thái độ cần có, theo người viết, phải là thái độ đón nhận tất cả trong hiện tại như là một hồng ân, là thánh ý Chúa. Một khi được như vậy, người sống đời thánh hiến đã xây dựng hành trình ơn gọi của mình trên một nền móng vững chắc và sẽ vững bước cho dù chung quanh vẫn có những sóng gió hay bấp bênh.
 3.
Ắt hẳn rằng khi đối mặt với những khó khăn, bấp bênh trong đời tu, không ít người sống đời thánh hiến đã nhiều hơn một lần so sánh thiệt hơn, đắn đo suy nghĩ giữa lựa chọn của mình với những mời gọi, dễ dãi, tự do đến từ bên ngoài xã hội. Thật ra, sẽ có những “cảm giác chán nản” nhất thời mà người sống đời thánh hiến cần vượt qua và điều quan trọng hơn cả cần phải xác tín rằng chọn lựa một hướng đi (ơn gọi) không phải là một điều dễ dàng như chọn mua một món hàng theo cách “thuận bán-vừa mua”. Chọn lựa dấn thân là một chọn lựa đòi hỏi phải từ bỏ, đổi mới mỗi ngày và trung tín đến cùng. Tiến trình ấy là “một chuỗi những động tác”: từ bỏ- vác thập giá-theo Đức Kitô. Nhờ từ bỏ và theo Chúa dứt khoát, người sống đời thánh hiến sẽ ngày một vươn cao tiến gần đến Chân-Thiện-Mỹ đích thực. Thật vậy, không phải vào Dòng và cam kết đã là từ bỏ và theo Chúa. Bởi vì có khi bên ngoài (xem ra) là từ bỏ nhưng trong lòng không chịu bỏ, vẫn níu kéo với những “tham-sân-si” làm trì trệ khiến đời tu không thăng tiến đến mức độ như Chúa mong muốn; đôi khi còn đánh mất tất cả, mất “cả chì lẫn chài”.
 4.
Bản tính con người là yếu đuối. Vì vậy, chắc hẳn nhiều người cũng đã kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân nhưng chính Chúa lại chọn gọi con người yếu đuối ấy? Vậy làm sao con người yếu đuối ấy dám đáp trả cho lời mời gọi từ Ngài? Hay là đáp trả theo kiểu tâm lý đám đông? “Ai sao tôi vậy/ người khấn tôi cũng khấn”? Thiết nghĩ người sống đời thánh hiến cần phải tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa vì: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6, 50). Nhưng điều đó không phải là “thoái thác” tất cả cho Chúa nhưng cần phải sự cộng tác tích cực từ bản thân mỗi người. Một khi sống tâm tình phó thác thì người sống đời thánh hiến để luôn trung thành nhìn lên, cậy trông và sống trong ân nghĩa với Chúa với niềm tin: “Ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).
Đời thánh hiến phải là cuộc tự hủy mỗi ngày để khiêm tốn và vui tươi đón nhận những đau khổ, thử thách: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Một trong những điều quan trọng mà người sống đời thánh hiến cần luôn xác tín rằng: lời khấn không phải để GIỮ nhưng là để SỐNG CÁCH TỰ DO hơn.
 5.
Sống tâm tình canh tân mỗi ngày cũng là một đòi hỏi quan trọng trong đời sống thánh hiến; canh tân dù thành công hay thất bại, buồn hay vui. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã từng nói một từ ngữ nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ngài: “Aggiornamento/ cập nhật hóa”. Đây cũng là điều mà nhạc sĩ Mi Trầm mượn tư tưởng của thần học gia nổi tiếng Karl Rahner để sáng tác bài hát thánh ca “Xin Giữ con”: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù khi thất vọng, dù khi mỏi mòn con vẫn cậy trông. Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu. Này con chiến thắng, này con chiến thắng, tươi sáng hy vọng”.
Yêu Chúa là dâng cho Chúa tất cả những gì mình CÓ và mình LÀ. Con tim của người sống đời thánh hiến phải là ngọn lửa cháy mãi lời hứa (trung thành) chứ không phải là ngọn lửa đốt cháy lời hứa. Có như thế đôi chân mới vững tiến dù đôi lúc cảm thấy xao xuyến muốn buông xuôi.
6.
Trong niềm đơn sơ, con xin phó thác đời con cho Chúa. Có thể nói đó là điều tâm niệm mà mỗi người sống đời thánh hiến phải xác tín. Bởi vì, hành trình ơn gọi là một cuộc lữ hành mà mỗi người cần khám phá và làm mới lại mỗi ngày. Dù có cô đơn, yếu đuối, thử thách, bấp bênh, xao xuyến nhưng ước mong rằng, người sống đời thánh hiến luôn vững tin và cam đảm bước đi vì hành trình theo Chúa không là hành trình đơn độc. Thiên Chúa và Giáo hội vẫn luôn đồng hành ngay bên và bởi vì cuối con đường ấy thập giá sẽ nở hoa; hãy để Chúa nắm tay dìu bước và luôn thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng” (Gr 19,7). Ước mong sao!


Felicitas

TẠI SAO LẠI ĐI TU?

Là tu sĩ, tôi thường được nhiều người hỏi: “Tại sao bạn lại đi tu?” Với tôi hoặc bất cứ người tu sĩ nào, hẳn đây là câu hỏi ý nghĩa và quan trọng. Ý nghĩa vì nó giúp tu sĩ định hướng được cuộc đời mình khuôn theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Và quan trọng vì khi tìm thấy động lực ơn gọi và đáp trả tiếng gọi của Chúa, người tu sĩ nhận được niềm vui bình an để tiến bước. Tuy nhiên trước câu hỏi này, người tu sĩ không thể trả lời rốt ráo một lần. Đó là cả một hành trình đời tu, để trước Thiên Chúa, người tu sĩ được mời gọi làm mới lại ơn gọi tu trì của mình. Bởi đó, mỗi lần nghe người khác hỏi mình, hoặc chính mình chất vấn bản thân: “Tại sao lại đi tu?”, hy vọng đó là cơ hội để người tu sĩ gần hơn với Thiên Chúa. 
Nhớ lại thời Đức Giêsu, Ngài kêu gọi mười hai tông đồ để đi theo Ngài. Một cách nào đó, họ là những tu sĩ đầu tiên và trực tiếp được Đức Giêsu gọi chọn để ở với Ngài. Trong hành trình ấy, Tin Mừng thuật lại nhiều câu chuyện cho thấy các ông không phải lúc nào cũng muốn theo Thầy Giêsu một cách trọn vẹn. Hơn nữa, không ít lần các ông đi theo Thầy chỉ để được tiếng tăm, quyền lực, được lợi lộc trần gian. Do đó đứng trước lời tiên báo rằng Thầy sẽ phải chịu chết, chịu bách hại, họ phản đối hoặc làm ngơ. Chỉ sau khi Đức Giêsu phục sinh, các ông mới theo Giêsu một cách trọn vẹn, dám sống chết để loan báo Tin mừng, làm chứng cho Thầy. 
Tu sĩ thời nào cũng luôn là người được Thiên Chúa mời gọi để bước theo Thầy Giêsu. Trên con đường ấy người tu sĩ được mời gọi từ bỏ mọi thứ để làm vinh danh Chúa hơn. Đây đó nhiều người tưởng các tu sĩ đi tu để tìm quyền cao chức trọng, an nhàn sung túc. Đúng là những thứ đó luôn cám dỗ, bủa vây người tu sĩ, khiến họ vất vả chiến đấu để loại bỏ từng ngày. Người tu sĩ mong ước mỗi ngày vươn đến lòng mến nồng nàn với Đấng mà họ khấn hứa bước theo. Điều ấy có nghĩa là người tu sĩ không tìm lợi lộc cho riêng mình, nhưng hoàn toàn để Thiên Chúa được cả sáng, ý Cha được trọn lành trong sứ mạng và cuộc đời người tu sĩ. 
Ngoài câu hỏi trên, bạn bè tôi thường hỏi thêm “Đi tu có sướng không, có tự do không?” Cảm ơn bạn đã hỏi, đã giúp tôi nhìn lại ơn gọi để tiếp tục bước tới với Thầy Giêsu. Dĩ nhiên hiếm người tu sĩ nào một sớm một chiều mà hoàn toàn biết Thiên Chúa muốn mình bước vào con đường dâng hiến. Đó là một hành trình đời tu. Mỗi ngày đứng trước câu hỏi ấy, mình thấy đời tu vẫn còn hấp dẫn và cho mình hạnh phúc vì có Thầy Giêsu, thế là mình tự do bước tiếp! 
Dĩ nhiên đi tu không sung sướng hoặc an nhàn theo kiểu thế gian như người ta thường nghĩ. Cũng như bao người muốn hạnh phúc và thành công, người tu sĩ cũng phải tập chiến đấu với những cám dỗ thế gian. Họ được mời gọi để học hành nghiêm túc, cầu nguyện liên lỷ, huấn luyện lâu dài và từ bỏ mỗi ngày. Rồi trong cánh đồng sứ mạng, họ vui buồn với Thầy Giêsu trong những công việc phục vụ hằng ngày. Họ ước mong mang về cho Thiên Chúa càng nhiều linh hồn càng tốt. Dẫu đời tu có vất vả khó khăn, nhưng người tu sĩ không cho phép mình bỏ buộc. Hơn nữa, họ được ban nhiều bình an trong tâm hồn, vì họ có được tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Đó là chìa khóa để giúp họ sống vui phục vụ. 
Bạn biết đấy, mỗi ơn gọi đều có những nét đẹp riêng. Ơn gọi gia đình cho người ta hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Từng thành viên được mời gọi để sống theo ý Chúa cụ thể trong gia đình mình. Đời tu cung thế. Người tu sĩ thấy mình hạnh phúc để chu toàn những điều kiện khi bước theo Thầy Giêsu. Điều kiện ấy là từ bỏ mọi sự, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy. Do đó họ vui sống ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vậy bạn hỏi “Tại sao người ta lại đi tu?”, chắn hẳn tại vì họ muốn sống theo những lời mời gọi này của Thầy Giêsu dành cho họ. Ngài không gọi mọi người phải trở nên người tu sĩ, nhưng Ngài chỉ chọn riêng những ai Ngài muốn. Đó là ơn gọi tu trì. Còn người khác, Ngài muốn họ hạnh phúc bước vào một ơn gọi khác.
Đứng trước câu hỏi trên, chắc hẳn mỗi người tu sĩ đều có câu trả lời cho riêng mình. Ước mong mỗi ngày câu trả lời cũng chính là cuộc sống triển nở của người tu sĩ, gần hơn với Thầy Chí Thánh. Được như thế, cuộc sống tu trì không sầu buồn như lắm người tưởng, không chán ngán như nhiều người nghĩ. Ngược lại, đó là cuộc sống của hạnh phúc bình an trong tâm hồn, của niềm vui khi bước theo Thầy Giêsu trong muôn nẻo đường sứ mạng. 
Chia sẻ vài điều với bạn, hy vọng bạn cũng cầu nguyện thêm cho các tu sĩ. Chúng ta cầu chúc cho họ từng ngày họ nhận được niềm vui của Thầy Giêsu. Hy vọng họ không biến đời tu thành một nghề nghiệp đơn thuần để tìm vinh hoa quyền thế. Ngược lại, ước sao mỗi người sống đời thành hiến tự do đáp lại lời mời gọi từ bỏ mọi sự của Thầy Giêsu trong niềm vui và bình an. Được như thế chúng ta tin rằng đi tu là để sống vui với Giêsu và thuộc trọn về Giêsu trong cuộc sống hằng ngày.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ (dongten.net)

ĐỘC THÂN, XU THẾ MỚI CỦA NGƯỜI TRẺ HAY ÍCH KỶ CỦA BẢN THÂN?

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Xuân Tiến - Giảng viên Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Văn Hiến.  
"Ngoài những nội dung liên quan đến công việc, học hành, du lịch, mua sắm (và cả chuyện đời sống thường nhật của các ngôi sao, hotboy, hotgirl?!), các bạn trẻ hay nói về chuyện tình cảm của bản thân, mà từ khóa được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là từ… ế.
Có những bạn trẻ than vãn sự ế như thể một hoàn cảnh éo le cần sự thấu cảm sẻ chia: thèm một vòng tay ấm buổi ban chiều se lạnh, thèm một bờ vai nương tựa khi mệt lòng hoang hoải, thèm phút giây an yên mỗi lúc sóng gió cuộc đời như thể triều dâng… 

Độc thân, theo cách hiểu ngày nay, không chỉ là tâm thế của sự bị động, do những lần đứt gánh duyên phận, do những lần trắc trở đường tình; mà trong nhiều trường hợp, còn là kết quả của sự lựa chọn hết sức chủ động của người trong cuộc."
Trần Xuân Tiến

Nhưng cũng có những bạn trẻ khoe sự ế của bản thân với thái độ lạc quan, tích cực. Tự do tuyệt đối, mặc sức thả mình, độc thân vui tính là hình ảnh mà các bạn tập trung hướng đến.
Không khó để nhận thấy người trẻ độc thân ngày càng nhiều. 
Một bộ phận các bạn trẻ cảm thấy thời gian quan tâm hay dỗ dành một ai đó là điều quá đỗi xa xỉ; sau cả ngày dài mỏi mệt với trăm công nghìn việc tại công sở hay những cuộc hội thảo, hội họp, gặp gỡ triền miên bất tận.
Thay vì trò chuyện, tâm sự với người yêu, chi bằng vùi mình trong chiếu chăn, cùng giấc ngủ miên man đem lại sự tái tạo sức lao động để ngày sau trở lại niềm hứng khởi như đã từng. Ngày qua ngày, đời vẫn "tươi không cần tưới", dẫu không có ai để gọi là… người yêu.
Có thể nói, các bạn hài lòng với cuộc sống độc thân hiện tại. Người ngoài không hiểu, chòng ghẹo là ế. Nhưng các bạn tự tin, cảm thấy yên lòng thì tự nhìn nhận hoàn cảnh của bản thân là độc thân tự do. 
Các bạn bằng lòng với hiện tại, thi thoảng thấy đời có chút nhàm chán thì "thả thính" vài chỗ, nói vài câu bông đùa ngọt ngào, tán gẫu qua điện thoại hay qua tin nhắn mạng vài hôm, hợp hơn nữa thì hẹn nhau café ăn uống, hoặc cùng nhau dạo phố vài lần… 
Rồi dăm ngày một tuần sau, không ai bảo ai, lại ai về cuộc sống của người nấy, như chưa từng có sự gắn bó thiết thân, ai cũng lại lao mình vào vòng quay của công việc rộn rịp quen thuộc. 
Và tất nhiên, cả hai vẫn "thấy" nhau trên mạng xã hội, vẫn like, vẫn comment những câu chữ vu vơ, hồn nhiên, bông đùa, vẫn thấy mình độc thân hạnh phúc biết nhường nào, vẫn thấy có thêm người yêu là có thêm gánh nặng trên vai trong lòng, vẫn thấy có thêm người yêu là phải sẻ bớt thời gian vốn dĩ chỉ có hai mươi bốn giờ quý báu để chăm lo cho chính bản thân mình…
Có thể, chúng ta sẽ có cảm giác, một số người trẻ thích "tâm sự" chốn đông người hơn là chia sẻ riêng tư cùng người yêu, người thân. Không chỉ những niềm vui mà cả những rắc rối nảy sinh hàng ngày, những nỗi khổ tâm tưởng chừng khó nói cùng ai, ngày nay hiện diện từng giờ từng phút trên các status (dòng trạng thái). 
Nhu cầu tâm sự của giới trẻ ngày nay là thế. Trên các trang cá nhân, mỗi người là một nhân vật chính trong câu chuyện cuộc đời của bản thân. 
Dường như ai cũng có nhu cầu chia sẻ với cả thế giới về thời gian biểu, về đời sống tình cảm, về những thông tin mà trước đây, khi mạng xã hội chưa phát triển, người ta chỉ tâm sự cũng những người yêu thương, thân thuộc. 
Đã có những người quan tâm ta đến thế, sẵn sàng comment (bình luận) hay inbox (nhắn tin) an ủi ta trong bất kỳ status nào khi ta vừa đăng tải, ta đang sống trong tình yêu thương ngập tràn, độc thân thì có gì là đáng ngại?

Vâng, phải chăng người trẻ lười yêu đến thế? Lười yêu người vì quá yêu bản thân mình?"

Trần TRẦN XUÂN TIẾN (Giảng viên Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Văn Hiến) (tuoitreonline)

CHÚA NHẬT LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

Thông thường khi cầu xin bất cứ ân huệ gì, chúng ta tha thiết cầu xin cho bản thân, cho gia đình mình trước. Thế nhưng, khi đất nước lâm nguy, cần có người ra biên thuỳ bảo vệ, thì người ta lại sốt sắng cầu xin cho người khác, ngoại trừ bản thân, được can đảm xông ra chiến trường bảo vệ giang sơn. Nếu ai cũng cầu như thế và những lời cầu kiểu nầy được chấp nhận, thì làm gì còn Tổ Quốc!
Trong việc cầu cho công cuộc truyền giáo cũng vậy, chúng ta thường cầu với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin cho có đông người, ngoại trừ con, biết quảng đại lên đường đi khắp muôn phương loan báo Tin Mừng cứu độ.” Nhưng thử hỏi: nếu ai cũng cầu xin thế nầy, thì cánh đồng truyền giáo sẽ vắng bóng thợ gặt, tìm đâu ra người đi loan báo Tin Mừng.
Vậy thì lời cầu nguyện thiết thực nhất mà mỗi người chúng ta phải dâng lên Chúa là: “Lạy Chúa, tuy con bất xứng, nhưng xin hãy sai con đi làm thợ gặt cho Chúa ngay hôm nay.”
Dù muốn dù không, chúng ta cũng là ngôn sứ của Chúa ngay từ ngày lãnh bí tích thánh tẩy. Bí Tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở thành chi thể Chúa Giêsu, cho thông dự vào vai trò ngôn sứ của Người, nên chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm loan Tin Mừng cứu độ của Người.
Chính vì thế, trước khi về trời, Chúa Giêsu long trọng chuyển trao cho chúng ta, là môn đệ Người, tiếp tục thi hành sứ vụ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, … dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20)
Vậy thì sứ mạng loan Tin Mừng là một bổn phận phải làm chứ không phải là việc tuỳ thích. Thánh Phao-lô thú nhận: “Đối với tôi rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng.” (1 Cr 9,16).
Vì đây là bổn phận của mọi chi thể Chúa Giêsu nên chỉ khi nào chúng ta tự tách lìa mình ra khỏi Hội Thánh là Thân Thể Chúa, thì chúng ta mới có thể cho phép mình ngừng loan báo Tin Mừng.
Truyền giáo là truyền lửa yêu thương
Trong đêm Vọng Phục Sinh, lòng nhà thờ hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thế rồi, từ cuối nhà thờ, Nến Phục Sinh được thắp sáng lên và được long trọng rước lên cung thánh. Linh mục chủ sự lấy lửa từ Nến Phục Sinh thắp lên cho một vài cây nến nhỏ bé khác trên tay vài người. Những người nầy lại đem lửa phục sinh thắp lên cho người bên cạnh và cứ tiếp tục như thế, chẳng mấy chốc, cả ngàn cây nến nhỏ của các tín hữu tham dự đều được thắp lên.
Loan Tin Mừng cũng là thắp lên lửa yêu thương cho người quanh ta. Lửa đức tin, lửa yêu thương đã được Chúa Giêsu thắp lên trong ta, thì đến lượt mỗi chúng ta cũng hãy thắp lửa đức tin, lửa yêu thương ấy cho người bên cạnh và công việc truyền lửa nầy cần phải được tiếp nối không ngừng.
Chân phước Têrêxa Calcutta cũng cho rằng truyền giáo là chia sẻ tình thương. Mẹ không rao giảng Phúc Âm bằng lời nhưng bằng những tâm tình và cử chỉ yêu thương cụ thể. Mẹ cũng chẳng chủ trương yêu thương đại chúng cách chung chung, nhưng là yêu thương từng người đang đối diện.
Mẹ nói: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là từng người một. Để thương yêu một người thì phải đến gần người ấy… Tôi chủ trương một người đến với một người. Mỗi một người đều là hiện thân của Đức Kitô… Người đó phải là người duy nhất trên thế gian (mà ta cần yêu thương trọn vẹn) trong giây phút đó.”
Với tâm tình nầy, Mẹ Têrêxa đã thu phục nhân tâm nhiều người trên thế giới. Cũng bằng phương thức nầy, Giáo Hội công giáo Hàn Quốc đã làm gia tăng gấp đôi số tín hữu chỉ trong vòng mươi năm!
Theo gương Mẹ Têrêxa, mỗi một người công giáo nên kết thân với một người lương, coi người đó như anh em ruột thịt và đem hết lòng yêu thương người đó.
Mỗi gia đình công giáo nên kết thân với một gia đình lương dân, coi họ như thân quyến của mình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi; khi có kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc gì trong gia đình, hãy mời họ cùng thông hiệp. Nhờ đó hai bên thắt chặt mối giây thân ái và qua tình thân nầy, Tin Mừng của Chúa Kitô sẽ được lan toả như ánh nến đêm Vọng Phục Sinh.
Lm Ignatio Trần Ngà


 

SÂN KHẤU VÀ CUỘC ĐỜI

Sân khấu là nơi biểu diễn các tiết mục nghệ thuật. Qua các tiết mục này, người ta muốn thể hiện “nhân tình thế thái”, chuyển tải những vui buồn sướng khổ và những ước vọng sâu xa của con người. Dù mang nội dung gì đi nữa, các tiết mục biểu diễn trên sân khấu đều do các nghệ sĩ - chuyên hay không chuyên - “đóng vai”, tức là chỉ diễn lại một sự kiện hay một ý tưởng.
Cuộc đời là nơi con người sinh sống với bao nỗi niềm trăn trở. Nơi cuộc đời, con người phải đối diện với sự thật, phải bon chen để tồn tại và vươn lên. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, nhờ cọ sát với đời, mà con người ngày càng trưởng thành để trở nên “người” hơn. Cuộc đời vừa bao dung vừa nghiệt ngã. Bao dung vì nếu ta biết khiêm tốn nhận ra khuyết điểm để sửa mình, thì ta sẽ được mọi người đón nhận; nghiệt ngã vì nếu ta chủ quan và bất cần, thì sẽ có ngày bị nghiền nát tiêu vong.
Gần đây, qua báo chí, chúng ta đọc thấy một số thông tin có liên quan đến các nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ chân chính, sống tư cách và đạo đức. Họ đáng trân trọng vì cuộc sống đời thường của họ rất thanh tao. Nghề nghệ sĩ thường nghèo. Họ vui với cái nghèo và bằng lòng với những đóng góp cho sự nghiệp nghệ thuật. Có những nghệ sĩ vang bóng một thời, nay sa cơ lỡ vận, bị quên lãng và sống nương nhờ người khác. Lại có những nghệ sĩ mang gương mặt nhân hậu trên sân khấu, nhưng lại tráo trở gian dối trong đời thường. Một số người mang danh là “người của công chúng” nhưng lại nổi tiếng ăn chơi, nghiện ngập cờ bạc và thay tình như thay áo. Một vài trường hợp đã xảy ra, đối với diễn viên A, người mẫu B, danh hài C, nổi tiếng trên sân khấu, nhưng khi vi phạm luật giao thông, bị cảnh sát thổi còi, lại cự cãi và buông những lời tục tĩu làm người nghe ngỡ ngàng. Đành rằng nghệ sĩ cũng là con người, nhưng nhân bản và lịch sự là điều tối thiểu đối với hết mọi người, dù người đó là ai. Thế mới thấy, từ sân khấu đến cuộc đời quả là một khoảng cách rất xa.
Cuộc đời cũng không mơ mộng và tràn ngập ánh sáng màu hồng giống như sân khấu. Qua vụ việc lùm xùm có liên quan đến Hãng Phim truyện Việt Nam bị cổ phần hóa, chúng ta gặp lại những nghệ sĩ điện ảnh gạo cội đã có một thời làm nên niềm tự hào của ngành “nghệ thuật thứ 7” của Việt Nam. Những diễn viên đã để lại ấn tượng khó phai trong các bộ phim để đời, nay thể hiện những bức xúc về nghề nghiệp, về đồng lương và những gì có liên quan đến cơm áo gạo tiền. Những gương mặt thường chỉ thấy trên sân khấu và trong phim ảnh, nay quyết liệt đòi quyền lợi và sự công bằng trước những bất công và tình trạng phe nhóm nơi những người lãnh đạo. Đây cũng là một khoảng cách xa vời giữa sân khấu và đời thường.
Cuộc đời cũng được so sánh như một sân khấu rộng lớn bao la. Tất cả mọi người đang sống trên trần thế đều là những “nghệ sĩ” và đang đảm nhận một vai nào đó trên sân khấu mênh mông vĩ đại này. Quả thật, chúng ta dù nghèo hay giàu, dù trí thức hay bình dân, dù ở nông thôn hay thành thị, đi tu hay sống ở đời, tất cả đều đang đảm nhận một vai trò trong cuộc sống. Vai trò này hoàn toàn khác với vai đóng trên sân khấu. Bởi lẽ những gì chúng ta đang sống và đang làm, phải được thực hiện với lương tâm ngay thẳng và với trái tim chân thành. Nếu mỗi người sống trên trần gian đều đang là một “nghệ sĩ” trên sân khấu cuộc đời, thì chỉ có một khán giả duy nhất là Thiên Chúa. Phong cách sống của chúng ta, cùng với cách xử sự, lời nói, kể cả những tâm tư thầm kín, đều được Ngài biết rõ. Tác giả Thánh vịnh đã diễn tả: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả” (Tv 139, 1b-3). Ý thức Chúa luôn quan sát dõi theo từng bước đường đời, sẽ giúp chúng ta thận trọng hơn trong lời nói việc làm. Chúa không theo dõi đường đi nước bước của chúng ta để xử phạt, nhưng để gìn giữ, yêu thương và chúc lành.
Trên sân khấu nghệ thuật, có những vai diễn dở, có những người diễn tốt. Diễn tốt không phải là vì vai của một nhân vật quan trọng, mà do diễn viên biết nhập vai và phản ánh được thông điệp qua vai diễn. Trên sân khấu cuộc đời, cũng có những người thực hiện tốt vai trò của mình, nhưng cũng có những người thất bại chua cay. Thực hiện tốt, không phải vì là người có địa vị quan trọng trong xã hội hay Giáo Hội, mà là người chuyên tâm chu toàn nhiệm vụ được trao phó, mặc dù ở bậc sống nào. Có thể đó chỉ là người cha người mẹ rất bình dân khiêm tốn, nhưng đã chu toàn trách nhiệm dạy dỗ con cái bằng gương sáng đạo đức của mình. Có thể đó chỉ là những người nông dân suốt đời vất vả, nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh tao, sống nhân ái với mọi người. Trong khi đó, có những người được trao phó những nhiệm vụ quan trọng, nhưng lợi lộc vật chất và ham hố quyền lực đã làm họ mờ mắt, biến chất và sau cùng chuốc lấy thất bại đắng cay. Sự kiện một số quan chức đã phải đứng trước vành móng ngựa vì lợi dụng quyền hạn để tham nhũng đã chứng minh điều đó.
Thiên Chúa không chỉ là một Khán giả trước sân khấu cuộc đời. Ngài còn là vị Thẩm phán tối cao và nhân từ. Đến ngày tận thế, mỗi người sẽ phải trả lời trước tòa Chúa vì những việc mình đã làm khi còn sống trên dương gian. Những gì chúng ta làm khi còn sống, sẽ là lý do để lãnh phần thưởng hay chịu hình phạt, vào lúc Thiên Chúa xét xử con người. Ai đong đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy, Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta như vậy (x. Lc 6,38). Vào lúc phán xét, Chúa sẽ căn cứ vào cách chúng ta đối xử với tha nhân để cho chúng ta được sống hạnh phúc đời đời hay trầm luân vĩnh cửu (x. Mt 25, 31-46).
Người nghệ sĩ trên sân khấu chỉ thực hiện một “nghề diễn”, trong khi con người sống trên sân khấu cuộc đời là sống thực. Các vai diễn bao giờ cũng có một kịch bản viết sẵn, chỉ cần học thuộc lời thoại và nhập vai, trong khi các “vai diễn” trên sân khấu cuộc đời chẳng có kịch bản viết sẵn nào, mà phải tự tìm tòi và trau dồi hiểu biết, để có thể đối nhân xử thế một cách xứng hợp. Có những nghệ sĩ trên sân khấu được mọi người biết đến vì một vai diễn thành công, đến nỗi tên gọi của nhân vật trở thành tên gọi của người nghệ sĩ đó. Trên sân khấu cuộc đời, cũng có những người đã thành công “vai diễn” đến nỗi danh thơm của họ được lưu cho hậu thế. Họ là những người đạo hạnh, là niềm tự hào cho con cháu và thậm chí niềm tự hào cho cả một giang sơn. Đó cũng là đời sống tốt lành của các vị thánh. Danh thơm của các ngài lưu truyền cho mọi thế hệ noi theo. Bí quyết thành công của họ thật đơn giản: đó chỉ là mến Chúa yêu người.
Ai đó đã viết, đại ý: Cuộc sống có nhiều cơ hội và thách thức, người có chí thì tìm thấy trong thách thức có nhiều cơ hội và người lười biếng thì chỉ thấy trong cơ hội có nhiều thách thức. Cuộc sống vẫn phức tạp như nó từng phức tạp xưa nay, từ khi con người hiện hữu trên trái đất này. Khám phá ra lợi điểm hay yếu điểm của cuộc sống tùy thuộc ở mỗi chúng ta. Người khôn ngoan không mơ mộng trong đời như đang ở trên sân khấu nghệ thuật, cũng không dựa dẫm vào một kịch bản viết sẵn, nhưng không ngừng khám phá và can đảm vươn lên, tìm lối đi cho riêng mình. Trên sân khấu cuộc đời, người tín hữu tin có Thiên Chúa là Đấng Quan phòng. Ngài luôn gìn giữ và thêm sức cho chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ (Mt 10,29-31). Lời Chúa trên đây giúp chúng ta kiên vững và thành công giữa bao thử thách gian truân để thực hiện tốt vai trò của mình giữa sân khấu cuộc đời.
Tháng 10 năm 2017
 Gm Giuse Vũ Văn Thiên