Hoán Cải

 

HOÁN CẢI

 


Có hai anh em ruột kia rất thương nhau, thông cảm nhau, và cùng có một mơ ước cao đẹp là sẽ sống một cuộc đời hết sức thánh thiện.

 

Lớn lên, người anh cưới vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn và cũng không quên những bổn phận đạo đức hàng ngày.  Còn người em thì đi tu, thành một thầy dòng ngày ngày đi khắp nơi giảng đạo và giúp đỡ những người nghèo.

 

Rồi một ngày kia người em làm thầy dòng trở về quê thăm lại anh mình.  Hai anh em nói chuyện với nhau thật nhiều về cuộc sống và tâm tư của mình.  Người anh khám phá ra rằng ngày xưa hai anh em tâm đầu ý hiệp như thế, mà sao bây giờ lại khác nhau quá xa: người em thì vẫn thích thánh thiện như xưa và còn thánh thiện hơn xưa nữa, còn mình thì sao quá tầm thường không còn chút mơ ước nào về lý tưởng thánh thiện ngày xưa nữa.

 

Người anh tìm đến một vị ẩn sĩ để hỏi cho biết nguyên do sự khác biệt ấy.  Vị ẩn sĩ không trả lời thẳng mà dùng những hình ảnh thiên nhiên để giải thích cho anh:

 

- Trước tiên là đám mây trên trời: thường thường bầu trời ngày nào cũng có những đám mây, nhưng không có đám mây ngày nào giống đám mây ngày trước.  Cũng là mây, nhưng mây ngày nay khác mây ngày hôm qua.

 

-  Kế đến là một cái cây xanh: nó vẫn luôn luôn là cây thông xanh rì, nhưng năm trước nó nhỏ hơn, năm nay nó đã lớn hơn và cao hơn một tí, năm sau nó sẽ lớn và cao hơn tí nữa.  Có nhiều cái lá của năm trước mà năm nay không còn, và có nhiều chiếc lá của năm nay sẽ rụng vào năm tới để thay bằng những chiếc lá khác.

 

- Và sau cùng chính là thân xác con người: các tế bào trong thân xác con người luôn luôn thay đổi: có cái chết đi và có cái sinh ra thêm.  Khoa học tính rằng cứ sau 7 năm thì thân xác ta hoàn toàn đổi mới không còn một tế bào nào của 7 năm trước đây nữa: sợi tóc, móng tay, làn da của ta năm nay hoàn toàn không chứa một tế bào nào của sợi tóc, móng tay và làn da của 7 năm trước.

 

Và tới lúc đó vị ẩn sĩ mới kết luận: tâm hồn con người cũng thế: muốn lớn lên, muốn tươi trẻ mãi, muốn hăng say sinh động thì mỗi ngày cũng phải bỏ những yếu tố xấu và đồng thời thu vào những yếu tố tốt.  Không đào thải đi và không thu nhận vào thì nó sẽ chết khô như một thân cây chết cứng chứ không còn là một thân cây sống động vươn lên nữa.  Cái diễn trình đào thải và tiếp nhận ấy chính là cuộc hoán cải, cần phải hoán cải liên tục.  Sở dĩ người anh cảm thấy mình tầm thường, khô cằn vì anh ta bấy lâu nay đã tự mãn với những cái mình đang có, không muốn bỏ đi cái nào và cũng không mong thu thêm cái nào nữa.

 

Câu chuyện tới đây kể ra cũng đủ kết thúc.  Nhưng người anh còn muốn tìm hiểu rõ ràng hơn nên hỏi tiếp:

 

- Làm thế nào để loại bỏ những cái xấu trong tôi?  Nó nhiều quá và nó đã bám quá chặt vào con người tôi?  Vị ẩn sĩ trả lời: quan hệ nhất là đức tin và tư tưởng: tuy đời mình có nhiều tội lỗi, nhưng ta đừng quá chú ý tới nó, đừng để mình bị nó ám ảnh, đừng nghĩ nhiều tới nó.  Nếu lỡ phạm tội hãy sám hối, tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, rồi bỏ quên nó đi, phải coi thường nó.  Đầu óc mình sẽ được thanh thản khỏi những điều xấu.

 

- Còn làm thế nào để thu nhận những điều tốt, người anh hỏi tiếp?  Vị ẩn sĩ cũng trả lời: cũng quan trọng ở đức tin và tư tưởng: phải quí chuộng những điều tốt, phải luôn nghĩ tới nó, phải để cho nó ám ảnh tâm trí mình và phải mơ ước thực hiện cho kỳ được những điều tốt, và tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình thực hiện được.

 

Người anh trong câu chuyện trên phản ảnh tâm trạng của chúng ta:

 

- Cuộc sống của chúng ta có thể nói là cứ mãi mãi ở thế bình bình: chúng ta không đến nỗi xấu lắm mà cũng không được tốt lắm.  Cái thế bình bình đó khiến chúng ta giống như một thân cây bị chai: không chết khô mà cũng không có sức sống vươn lên.

 

- Tại vì mỗi ngày chúng ta không biết cố gắng loại bớt khỏi ta những gì là xấu, là khuyết điểm, là tội lỗi và đồng thời cũng không cố gắng đón nhận những gì là tốt, là cao, là lý tưởng hơn.  Nghĩa là vì chúng ta không chú ý thực hiện sự hoán cải hằng ngày cho nên hết ngày này sang ngày khác cuộc đời của chúng ta vẫn cứ chai lì, tầm thường, vô vị.

 

- Muốn cho cuộc sống có đà vươn lên thì phải thực hiện sự hoán cải ấy:

 

Mỗi ngày loại dần những cái xấu bằng cách đừng nghĩ tới nó, đừng tiếp xúc với nó, đừng mơ tưởng tới nó.  Mỗi ngày đón nhận thêm những điều tốt bằng cách đi tìm nó, chú trọng tới nó, mơ ước nó và cố gắng chiếm đoạt nó.

 

Bấy nhiêu thôi xét ra cũng đủ là một chương trình dài hạn cho chúng ta chẳng những trong mùa chay này mà còn trong suốt cả cuộc đời chúng ta.

 

Trích trong Sợi Chỉ Đỏ

 

HOA TRÁI THINH LẶNG

 

HOA TRÁI THINH LẶNG

“Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất!” 

Trong “Thoughts in Solitude”, “Hoa Trái Thinh Lặng”[1] - người viết dịch, Thomas Merton nhận định, “Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!  Lắng nghe và đáp trả là việc của con; nhờ đó, con được cứu độ.  Vì thế, con phải lặng thinh!”

 Kính thưa Anh Chị em,

“Con phải lặng thinh!”  Cùng với cảm nhận của Thomas Merton, Lời Chúa hôm nay nói đến tĩnh lặng và hoa trái của nó từ một ‘chuyển động kép!’  Một từ trời xuống, lời Thiên Chúa; một từ đất lên, lời con người - Kinh Lạy Cha - ‘hoa trái thinh lặng!’

 Chỉ vỏn vẹn hai câu, Isaiah mô tả tuyệt vời Lời kỳ vĩ của trời, “Như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời…; lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” - bài đọc một.  Lời Thiên Chúa là Lời biến đổi, Lời nuôi sống, Lời củng cố hy vọng!  “Kinh Lạy Cha” Chúa Giêsu dạy hôm nay là ‘kết quả của Lời’ “trở về trời.”  “Nó là ‘ma trận’ của mọi lời cầu Kitô giáo; vì lẽ, mọi ước nguyện được thể hiện trong Kinh Lạy Cha.  Một mặt, nó như chiêm ngưỡng Thiên Chúa, sự huyền bí, vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài; mặt khác, nó như một lời khẩn xin chân thành, can đảm, về những gì chúng ta cần.  Thiên Chúa yêu tôi.  Đó là một bảo đảm tuyệt vời!” - Phanxicô.

 Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’  Vậy mà, xem ra không ít người coi thường những hoa trái đó!  Họ thích nói nhiều, muốn được hiểu nhiều, nhưng không học cách lắng nghe.  Chúng ta thường không thể lắng nghe, vì không quen thinh lặng!  Mẹ Têrêxa từng viết, “Cầu nguyện là ‘hoa trái thinh lặng!’”  Đúng thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, cầu nguyện là để lắng nghe hơn là để nói.  Khi ở cùng một người hiểu biết về một chủ đề mà bạn quan tâm, bạn hạn chế nói nhiều và dành bản thân để lắng nghe.  Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, điều đó có nghĩa là, mối quan tâm chính của chúng ta trong cầu nguyện là nên hỏi Ngài về Chúa Cha; và sau đó, chuyên tâm lắng nghe!

 Thiên Chúa là Cha yêu thương, Ngài biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu; tuy nhiên, chúng ta cần hỏi, bởi khi hỏi, chúng ta ý thức có những nhu cầu mà chỉ một mình Ngài mới có thể ban.  Hãy hỏi Chúa Giêsu về điều gì cần nhất cho sự cứu rỗi của mình!  Đó là lý do tại sao Ngài dạy “Kinh Lạy Cha.”  Cầu nguyện với lời kinh này còn nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha của mọi người; và mọi người thực sự là anh em của nhau.

 Anh Chị em,

“Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Chúa là dạy bảo!”  Thiên Chúa không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời, qua những con người, cũng như qua các biến cố.  Ngài mong ước mỗi sứ điệp của Ngài “thấm vào đất lòng” chúng ta và trổ sinh hoa trái.  Hoa trái đầu tiên Ngài chờ mong có lẽ là bạn và tôi biết lặng thinh để lắng nghe Ngài; lắng nghe từ ‘đôi tai của trái tim’ trong giây phút hiện tại; để sau đó, vượt lên chính mình và làm theo tiếng nói ấy!  Đây là một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ; làm theo tiếng nói ấy chính là biến đổi!  Cầu nguyện là lắng nghe và cầu nguyện còn là biến đổi!

 Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để kinh nguyện của con rộn ràng nhưng hời hợt, ồn ào nhưng vô hồn; dạy con để Lời ‘thấm vào đất lòng’ khi con thực sự là con trước Chúa là Cha!”  Amen!

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 

Suy niệm Chúa nhật II Mùa Chay năm B

 


LÊN NÚI

 

Nếu Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ muốn đưa chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, thì Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời chúng ta cùng lên núi với Người.  Vào sa mạc để sống tinh thần khổ chế của chay tịnh; lên núi cao để được biến đổi, canh tân.

 

Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được coi như nơi thuận tiện để con người được gặp gỡ Thiên Chúa.  Ba tháng sau khi ra khỏi Ai Cập, các vị kỳ lão đại diện cho Dân Do Thái được ông Môisen dẫn lên đỉnh núi Sinai để gặp Chúa.  Tại đây Chúa ban cho họ Luật Giao ước (x. Xh chương 19).  Ngôn sứ Elia trong cuộc chạy trốn vua Akháp đã đi bốn mươi ngày đêm để đến núi Horeb.  Ở đó, ông được gặp Chúa và tìm được sức mạnh để có thể đối diện với những khó khăn trong sứ mạng (x. 1V chương 19).  Trong Tân ước, núi cao cũng là những địa điểm gắn liền với giáo huấn của Chúa Giêsu.  Chính trên núi cao mà Người giảng tám mối phúc thật, được coi như Luật Mới của Tin Mừng.  Cũng trên đỉnh núi, người biến hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ.  Và cuối cùng, trên núi cao, Đấng Phục sinh đã gặp gỡ các môn đệ và sai các ông đi khắp thế gian để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Người đã thực hiện khi còn tại thế.

 

Để lên được núi cao, con người phải buông bỏ những ràng buộc.  Người nào mang quá nhiều hành trang sẽ khó có thể tới đỉnh núi.  Lên núi thiêng liêng là bỏ bớt những tham lam ích kỷ, những toan tính nhỏ nhen để con người thanh thoát.  Chỉ khi nào chấp nhận buông bỏ, chúng ta mới gặp được Chúa.  Có hai cuộc lên núi được đề cập trong Lời Chúa hôm nay, đó là Bài đọc I trích sách Sáng thế và Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô.

 

Ông Abraham sinh được một mụn con vào lúc đã một trăm tuổi và ông đặt tên là Isaac.  Tên gọi này có nghĩa là “Thiên Chúa làm cho tôi cười,” như chính bà Sara vợ ông đã giải thích (x. St 21,1-7).  Chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết hai ông bà yêu quý cậu con trai nối dõi tông đường này thế nào, vì đây là niềm hy vọng và là niềm vui duy nhất của ông ở tuổi xế chiều.  Tuy vậy, Chúa muốn thử thách lòng trung thành của Abraham, và Ngài truyền cho ông sát tế con mình làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi.  Dưới ngòi bút của tác giả, Abraham được diễn tả như một người kiên định và hoàn toàn phó thác vào Chúa.  Đối với ông, thánh ý Chúa là điều tối quan trọng, những điều khác chỉ là vô nghĩa, kể cả đứa con độc nhất của mình.  Nếu Abraham đã trung thành với Chúa, thì Chúa không bỏ rơi ông.  Chúa có cách can thiệp của Ngài.  Chính Chúa sẽ tìm ra một giải pháp, một lối thoát cho hoàn cảnh này.  “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ!” – lời nói của Abraham với con mình đã khẳng định sự xác tín của ông.  Và, quả thật là Chúa sẽ liệu, như chúng ta thấy ở phần kết của câu chuyện.  Ngọn núi từ đó được mang tên “Núi Đức Chúa sẽ liệu.  Qua vị sứ thần, Thiên Chúa đã ghi nhận lòng vâng lời, trung thành và tín thác của ông, khi ông không ngần ngại sát tế đứa con thừa tự của mình.  Chính do lòng trung thành này mà Thiên Chúa hứa cho ông những điều tốt đẹp ở tương lai.  Đó là một dòng dõi đông đảo và được chúc phúc.

 

Cuộc lên núi thứ hai được diễn tả như một cuộc thần hiện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.  Tác giả Mác-cô cẩn thận ghi rõ chi tiết thời gian “sáu ngày sau” ở đầu trình thuật.  Đó là sáu ngày sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất cuộc thương khó và phục sinh.  Trước lời loan báo này, xem ra các ông không hiểu gì.  Vậy nên ông Phêrô mới can gián Người và bị Người gọi là Satan (x. Mc 8,33).  Chính trong bối cảnh ấy là Chúa dẫn ba môn đệ thân tín lên núi và Người biến hình đổi dạng trước mắt các ông.  Ba môn đệ đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình trên núi.

 

Các ông ngỡ ngàng trước cảnh tượng mà các ông nhìn thấy.  Nơi đây, các ông chứng kiến một cuộc “thần hiện” huy hoàng: Chúa Giêsu không còn dáng vẻ của một người thường như mọi ngày, nhưng Người đã tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa, vinh quang sáng ngời, quyền năng mạnh mẽ.  Bóng mây bao phủ và tiếng nói từ trời là cách diễn tả Thiên Chúa Cha.  Ngài giới thiệu cho mọi người biết sứ mạng Thiên Sai của Con Một Ngài.  Hai nhân vật nổi bật của Cựu ước, ông Môisen tượng trưng cho Lề Luật, ông Elia tượng trưng cho truyền thống ngôn sứ, đều hiện ra cùng lúc để làm chứng về Chúa Giêsu.  Đối với độc giả Do Thái, khi đọc những dòng trình thuật này, chắc chắn họ không thể thắc mắc gì về sứ mệnh thiên sai của Đức Giêsu.  Người là Đấng được Lề Luật và các Ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa, nay đã đến để cứu độ con người.  Ba môn đệ là những người được biến đổi trước hết.  Nếu trước đó sáu ngày, ông Phêrô còn ngờ nghệch và nghi nan, thì hôm nay khi chứng kiến Chúa biến hình, ông lại choáng ngợp trước vẻ huy hoàng của cuộc biến hình.  Ông đã ngỏ lời làm ba lều, một cho Chúa, một cho ông Môisen và một cho ông Elia.  Tác giả Phúc âm không quên chú giải thêm: ông không biết mình nói gì, vì kinh hoàng.  Khi chứng kiến cuộc “thần hiện” này, quan niệm về Đấng Thiên sai nơi ba tông đồ không còn mang những nét trần tục, nhưng hoàn toàn thần thiêng.  Nhờ sự biến đổi này, các ông xác tín vào Thày mình, Đấng họ đã từ bỏ mọi sự mà tin theo.

 

Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao nhiêu bon chen tính toán trần tục, chúng ta thường bị cám dỗ và có nguy cơ trở nên tầm thường, ti tiện trong ứng xử.  Mùa Chay là mùa “lên núi” để tập sống tinh thần của Abraham, tín thác cậy trông vào Chúa.  Mùa Chay cũng là mùa lên núi như các tông đồ để cảm nhận rõ hơn sứ mạng của Đấng Cứu thế, với xác tín Người đang hiện diện giữa chúng ta.  Theo Chúa chính là một cuộc leo núi, kiên trì, liên lỉ.  Trong cuộc leo núi, có nhiều người bỏ dở ngang đường vì không đủ can đảm trút bỏ những vướng víu ngăn cản tiến lên.  Mùa Chay giúp ta nhìn lại chặng đường mình đã đi, nhiều khi không phải là lên cao nhưng trái lại, đang là những tụt dốc, làm chúng ta càng ngày càng trở nên xa Chúa và xa rời anh chị em mình.  Sám hối ăn năn, giao hòa với Chúa và với anh em, từ bỏ lối mòn của quá khứ để dám lên đường khởi đầu một hành trình mới, đó chính là một cuộc “lên núi” thiết thực đối với chúng ta.

 

“Chúa không hứa ban cho chúng ta một cuộc hành trình êm ả, Người chỉ hứa giúp ta đến đích an toàn” (John Gower – Thi sĩ người Anh, thế kỷ 14).

 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Suy niệm Chúa Nhật I Mùa Chay

 

SỨC MẠNH ĐỂ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ




 Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa.  Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Người cảm thấy đói.  Satan xuất hiện, mon men lại gần để cám dỗ.  Chúa đã chiến thắng Satan bằng sức mạnh Thánh Thần và Lời Thiên Chúa.

 1.    Ba cơn cám dỗ

– Cơn cám dỗ thứ nhất phát xuất từ cái đói.  Ma quỷ gợi ý cho Chúa Giêsu “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3).  Cơn cám dỗ về bánh nói lên ước muốn căn bản nhất là bản năng sinh tồn của con người.  Thân xác với những khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.

 – Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên thượng đỉnh đền thờ và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống coi!  Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5).  Ma quỷ dùng Tv 91,11 để gợi ý cho Chúa Giêsu nhảy từ nóc đền thờ xuống, xem Thiên Chúa có biểu lộ quyền năng của Người hay không.  Cám dỗ thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng để tìm vinh quang cá nhân.  Đó là bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh.  Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình.  Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men rượu, ma túy, lạc thú…

 – Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đem Chúa Giêsu lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” (Mt 4,9).  Một cơn cám dỗ đã hằng theo đuổi dân Israel, chẳng những trong thời gian hành trình sa mạc mà cả khi định cư trên đất Palestina.  Đó là thờ lạy các tà thần mong được giàu sang, quyền thế, có khả năng thống trị các quốc gia khác.  Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi một con người.  Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình.  Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó.  Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, lạc thú, vật chất, tiện nghi, sắc dục.

 Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu.  Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu.

 Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một.  Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin.  Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình.  Cả ba Phúc âm Mátthêu, Máccô, Luca đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa chịu phép Rửa ở sông Giođan, và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3.17).  Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận từ nơi Chúa Cha (GLTC #394).

 Cơn cám dỗ Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của Ađam và Eva trong bài đọc một (St 2,7-9;3,1-7).  Ma qủy gieo sự nghi ngờ và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa.  Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực,” bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.

 Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer.  Không vượt qua được cơn cám dỗ, Lucifer đã trở thành Satan.

 Thụ tạo đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ.  Và hai Nguyên Tổ này cũng đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ.

 Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.

 Chúa Giêsu sau khi đã trải qua những cám dỗ và thắng các cám dỗ cũng thấy được điều này, nên Người đã dạy các môn đệ không được coi thường bằng cách dựa vào sức lực, tài trí, và khả năng của riêng mình.  Người dạy phải cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.  Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ.

 2.    Sức mạnh nào giúp vượt thắng cám dỗ?

Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Chúa Giêsu không đi vào hoang địa một mình, nhưng mà Người đi cùng với Chúa Thánh Thần.

 – “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1).

– “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.  Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

– “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về.  Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

 Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần.

 Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.

 Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực.  Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.

 Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742).  Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1).  Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với các thánh trên trời.

 Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta.  Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng… hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ.  Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

 3.    Cầu khẩn và kêu xin Chúa Thánh Thần bằng cách nào? 

– Khi thằng quỷ dâm ô xúi tôi mở những emails lạ, dụ dỗ tôi tò mò đi vào những websites của Trư Bát Giới…  Tôi phải mau mắn và thành tâm xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để tôi nhận ra rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.  Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,28-29).

 – Khi thằng quỷ gian dối xúi tôi nói dóc, nói xạo, nói quanh co, nói sai sự thật, lừa bịp thiên hạ… tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để tôi có thể nhớ lời của Chúa Giêsu phán dạy tôi rằng: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có,’ ‘không’ thì phải nói ‘không.’ Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra!” (Mt 5,37).

 – Khi thằng quỷ kiêu căng, ngạo mạn xúi tôi phê bình chỉ trích người này, xét đoán người kia, lên án người nọ… thì tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhớ rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán.  Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37).

 – Khi bị thằng quỷ dâm ô xúi tôi ly dị, bỏ chồng, phụ vợ, làm giấy ly dị giả… tôi phải cầu xin với Chúa Thánh Thần ngay để Ngài giúp cho tôi hiểu rằng “[Tôi và người bạn đời của tôi] không còn là hai [nữa], nhưng chỉ là một xương một thịt.  Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).

 – Khi thằng quỷ kiêu căng xúi tôi khoe khoang, tự kiêu tự đại... thì tôi xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở cho tôi rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục... kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 11,2; 16,18).

 – Khi thằng quỷ giận hờn xúi tôi giận người này, ghét người kia, thù người nọ... thì tôi phải cần đến sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng để tôi hiểu rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.  Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.  Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5,22).

 – Khi thằng quỷ dâm dục xúi bẩy tôi đi ngoại tình, ăn chơi trác táng, quan hệ bừa bãi... tôi phải van nài Chúa Thánh Thần, xin Ngài nhắc nhở cho tôi nhớ rằng: “Thân xác [của con] là Đền Thờ của [Ta đấy nhé!  Chớ có làm cho nó ra ô uế!]” (1 Cr 6,19).

 Sau khi chịu phép Rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ.  Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu!  Điều quan trọng là chúng ta có thành tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!

 Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần.  Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa.

 Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.

 Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng.  Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài.  Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ.  Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi.  Ngài sẽ ban thêm sức mạnh.  Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong.  Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.

 Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Tình Yêu Chữa Lành


Tin Mừng Chúa Nhật tuần này cho chúng ta thấy cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự dung hoà tốt đẹp giữa đạo và đời.Thực vậy,  Ngài không phải chỉ hăng say rao giảng Phúc Âm, cứu rỗi phần hồn của chúng ta mà còn bằng những hành động bác ái yêu thương, Ngài xoa dịu những nỗi đớn đau và thống khổ của chúng ta. Ngài đã đẩy lui cơn sốt cho bà mẹ vợ của Phêrô, Ngài đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và dân chúng tuôn đến với Ngài thật đông đảo. Phải chăng đây cũng là điều chúng ta cần noi gương bắt chước và thực hiện trong cuộc sống, để nhờ đó bản thân chúng ta trở nên những chứng nhân sống động của Chúa và mọi người cũng nhờ đó mà nhận biết tình thương của Ngài.

Nếu cứu vớt người khác khỏi chết về phần xác là một hành động cao cả và tốt đẹp. Vậy thì trường hợp cứu vớt người khỏi chết về phần hồn chắc chắn lại càng cao cả và tốt đẹp hơn biết chừng nào? Chúng ta đã làm được những gì để xoa dịu những đớn đau của người khác, và hơn thế nữa đã làm được những gì để góp phần vào công việc truyền bá Phúc Âm, dẫn đưa người khác trở về cùng Chúa? 

Bổn mạng tháng 2

 

 

THÁNG 2



NGÀY

LỄ

QUAN THẦY

05/02

Lễ thánh Agathe

Chị Thùy Dung

10/02

Lễ thánh Scholastica

Chị Thiên Hằng 

11/02

Lễ Đức Mẹ Lộ Đức

Chị Phương (Lourdes)

18/02

Lễ thánh Bernadette

Chị Thư

20/02

Lễ thánh Jacinta

Chị Nguyệt






 


LỄ GIỖ BỐ MẸ CHỊ EM

TƯỞNG NHỚ VÀ CẦU NGUYỆN


NGÀY

LỄ GIỖ

07/02

(29/12 ÂL)

Bà cố Maria - Thân mẫu Dì Thủy

10/02

(03/01 ÂL)

Ông Gioan - Thân phụ chị Hoạt

11/02

11/02/1988

(24/12/1987 ÂL)

Bà cố Anna - Thân mẫu chị Diễm Lan

Ông cố Giuse - Thân phụ chị Thùy

12/02/2021

Ông cố Phêrô - Thân phụ Chị Hoa

14/02/2003

(14/01/2003 ÂL)

Bà cố Maria - Thân mẫu chị Hằng - chị Nhung

17/02

Bà cố Anê - Thân mẫu chị Hữu

18/02/1988

(02/01/1988 ÂL)

Bà cố Anna - Thân mẫu chị Thật

22/02

Giỗ Đức Cha cố Đaminh Nguyễn Văn Lãng

24/02

(05/01 ÂL)

Ông cố Luca - Thân phụ chị Thảo (Martine)

27/02

Bà cố Anê - Thân mẫu chị Thanh Hải