AI LÀ NGƯỜI TRUYỀN GIÁO?



Tháng 10/2019 được Đức Giáo hoàng Phanxico chọn làm tháng Truyền giáo ngoại thường và toàn thể Giáo Hội đang được làm “nóng” về sự canh tân đổi mới vai trò của Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho khắp muôn dân.
Đâu đó chúng ta vẫn thường được nhắc nhở rằng bản chất của Giáo hội là Truyền giáo và rằng sư mạng Truyền giáo là của tât cả mọi người. Tuy nhiên, thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa tin theo đạo. Theo thống kê của ban Truyền giáo thì số người gia nhập vào đạo mỗi năm vẫn còn rất thấp, nếu không nói là là ít có sự tiến triển mạnh mẽ. Có nhiều lí do dẫn đến việc Truyền giáo không đạt kết quả cao nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là tinh thần Truyền giáo nơi chính mỗi người Kitô hữu. Vẫn còn có không ít người mang trong mình não trạng Truyền giáo là việc to lớn vĩ đại, là trách nhiệm của những người đứng đầu trong Giáo Hội, của quý linh mục tu sĩ, của các hội đoàn… còn bản thân mình thì nhỏ bé và chưa có đủ điều kiện để tham gia vào công cuộc Truyền giáo. Không những thế, nhiều người vẫn chưa ý thức được mối liên hệ sâu xa giữa đời sống chứng tá với vai trò Truyền giáo; vẫn còn thấy đó là một công việc nằm ngoài đời sống thường nhật và bổn phận thực hành niềm tin của mình.
Tháng Truyền giáo ngoại thường được mở ra là một dịp đặc biệt để Giáo Hội đổi mới lòng nhiệt thành Truyền giáo nơi mỗi người Kitô hữu. Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxico đã nhấn mạnh về  tầm quan trọng của một “sự hoán cải Truyền giáo” thực sự.
Với chủ đề “Được Rửa tội và được sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô với sứ mạng Truyền giáo trên toàn thế giới”.  ĐTC muốn nhấn mạnh rằng việc được sai đi với sứ mạng Truyền giáo chính là một lời mời gọi vốn có trong Bí tích Rửa tội và dành cho tất cả những ai đã được rửa tội. Chính vì vậy, đời sống chúng ta, trong Đức Kitô, cũng chính là một việc truyền giáo! Chính chúng ta là những nhà Truyền giáo bởi vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.[1]
Trước đó ĐTC cũng đã có lần nhắc nhớ các tín hữu rằng: “nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh trong cuộc sống mới của ân sủng và được kêu gọi để làm chứng nhân cho Tin Mừng trước thế giới.” Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở nên "những môn đệ truyền giáo" trong sự hiệp thông với Giáo Hội.[2]  Chức vụ Ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội xem ra ít được chú tâm thực hành trong đời sống của mình. Trong các mối liên hệ thường ngày con người ta thường dễ dàng nói và chia sẻ với nhau về muôn vàn vấn đề của cuộc sống nhưng lại ngại ngùng và dè dặt chia sẻ về Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài. Thật dễ dàng nhận thấy việc thực hành đời sống Đức tin nơi một số cộng đoàn tín hữu ngày nay ở nhiều nơi chỉ dừng lại nơi việc thực hành các sinh hoạt đạo đức thường lệ: tham gia hội đoàn, đi lễ, đọc kinh rước sách… mà chưa chú tâm đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống thường nhật của mình. Thiên Chúa vẫn còn vắng bóng nơi công sở, giữa phố chợ,  trường học, trong xóm làng, trong các mối tương quan, trong các chọn lựa khi hành động cụ thể …
Cần có một sự canh tân đổi mới nơi lòng nhiệt huyết loan báo Tin Mừng nơi mỗi người Kitô hữu. “Không ai có thể cho người khác điều gì mình không có”, chúng ta chỉ có thể loan báo cho người khác về Thiên Chúa một cách hữu hiệu khi chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa yêu thương, nhân từ và giàu lòng xót nơi chính bản thân mình mà thôi.  Chúng ta không cố “lôi kéo” người khác vào đạo vì một lợi ích trần thế nhưng là vì niềm xác tín rằng Thiên Chúa yêu tôi, yêu bạn nên tôi cũng muốn cho người khác được hưởng trọn tình yêu ấy giống như tôi. Một vị thánh đã từng nói rằng: “Kitô giáo không phải là một tập hợp các chân lý phải tin, các  luật lệ phải tuân theo, và các điều cấm đoán. Nhìn cách này thấy đáng ghét. Kitô giáo là một con người đã yêu tôi rất nhiều và đòi tôi yêu lại. Kitô giáo là Đức Kitô”.[3]  Đức Kitô đã yêu tôi và chết vì tôi để tôi được sống muôn đời, tôi chỉ có được hạnh phúc thực sự khi làm con Ngài.  
Tuy nhiên, “con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thầy dạy”[4], mọi lời rao giảng sẽ là không có giá trị nếu như chúng ta đã không thực sự sống và cảm nghiệm điều mình rao giảng. Muốn được như vậy điều cần có trước nhất là chúng ta cần có sự kết nối liên lỉ với Thiên Chúa - Người không phải là Đấng chúng ta “đặt” trên bàn thờ mà là Đấng luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi nơi mọi lúc. Hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung, mỗi chúng ta cùng nhìn lại việc thực thi sứ mạng truyền giáo của mình để có những hành động cụ thể trong đời sống của mình. Một tấm gương cao cả mà Giáo Hội mừng kính ngay đầu tháng 10 về sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa Tình Yêu  cho tất cả cho chúng ta noi theo đó chính là Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu. Là nữ đan sỹ của dòng kín nhưng chị đã trở nên bổn mạng của các xứ Truyền giáo bởi đã tìm ra “con đường thơ ấu thiêng liêng” để nên thánh với tất cả tình yêu phi thường. Một con đường với đầy lòng yêu mến, sự kết hiệp sâu xa cùng lòng phó thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa Tình Yêu.Con đường ấy đã dẫn lối cho nhiều người được nhận biết Chúa hơn. Đó là một lời chứng hùng hồn và là mẫu gương cho tất cả chúng ta noi theo. Không ai có thể đưa ra những lí do tôi quá bận hay không đi đâu được để  thực hiện công việc Truyền giáo. Bởi Truyền giáo chính là việc thực hành Lời Chúa dạy trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình với tất acr lòng yêu mến. Chính khi chúng ta thực hiện được điều đó là lúc chúng ta trở nên chứng tá sống động của Đức Kitô.
Sẽ thật khó khăn cho tất cả chúng ta nếu một mình thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của mình. Chúng ta luôn có sự đồng hành và trợ giúp đặc biệt đó chính là Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo và là sự trợ giúp đắc lực để chúng ta thắng vượt mọi khó khăn thử thách để can đảm đi tới “vùng ngoại biên” để loan truyền Tình Yêu Thiên Chúa cho tất cả những ai chưa biết Chúa bằng chính đời sống bác ái, yêu thương. Như thế, cùng với mẹ Giáo Hội chúng ta sống đúng bản chất của mình là làm cho danh Chúa được lan rộng khắp nơi.
X.Tine


[1] Cuộc tiếp kiến 1/6//2018, nhân dịp Đại hội đồng thường niên diễn ra từ ngày 28 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 tại Fraterna Domus Sacrofano (Rome)

[2] Cuộc tiếp kiến chung vào Thứ Tư 15/01/2014
[3] Thánh Oscar Romero, Bài giảng(6 tháng 11, 1977), in Su Pensamiento, I-II, San Salvador, 2000, p.312
[4] (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41: loc. cit., 31f)

CHÚA NHẬT LỄ MẸ MÂN CÔI

 




MẸ MÂN CÔI, MẸ HÒA BÌNH

                                                                                                                      Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Ngày 21 tháng 9 vừa qua, Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã long trọng vinh danh Nữ Tu Công Giáo Angelique Namaika và trao tặng cho chị giải thưởng Nansen. Đây là giải thưởng cao quý của Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để tôn vinh những người làm việc với những người tị nạn. Chị Angelique Namaika đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 2.000 phụ nữ và các bé gái đã bị buộc phải rời nhà của họ sau khi bị nhóm Quân đội Kháng chiến của Allah lạm dụng trong những năm dài địa ngục của họ. (x. Vietcatholic 30.9.2013).
Hôm nay ngày 7 tháng 10, Giáo hội suy tôn một phụ nữ diễm phúc nhất trần gian, đó chính là Đức Mẹ Mân Côi. Với tâm tình sùng mộ, mọi tín hữu suy tôn Mẹ Maria là Nữ Vương Ban Sự Bình An. Suốt tháng Mân Côi, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi là lời kinh hòa bình. Bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh cầu nguyện cho hòa bình thế giới, mỗi người cầu xin bình an cho gia đình cho tâm hồn mình.
Lễ Đức Mẹ Mân Côi được ĐGH Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng là nhờ các tín hữu lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến. Một phép lạ của Đức Mẹ trong Tháng Mân Côi. ĐGH Leo XIII đã thiết lập Tháng Mười là tháng Mân Côi vào ngày 1-9-1883 và đã công bố con số kỷ lục là 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại Giáo hoàng của ngài.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, suy tôn Mẹ là Nữ Vương Ban Sự Bình An với 3 lý do.
1. Lý do thứ nhất
Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Kinh Mân Côi, xét về phương diện mầu nhiệm suy gẫm, là kinh về Chúa Giêsu. Nhưng xét về nội dung thành phần của chuỗi hạt, tức là từng kinh Kính Mừng, thì đó là kinh về Đức Maria. Mẹ kết hợp cuộc đời mình với Chúa Giêsu qua 20 ngắm: Vui, Sáng, Thương, Mừng. Vui là vui với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể; Sáng cũng là sáng với Chúa Giêsu qua mọi nẻo lối rao giảng Tin Mừng; Thương là thương cùng với Chúa Giêsu trên đường Thánh giá; và Mừng còn là mừng cùng với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm phục sinh. Mỗi ngắm như thế là mỗi phần đời khác nhau, nhưng liên kết cả 20 ngắm lại sẽ thấy cuộc đời của Đức Mẹ gắn bó với đời của Chúa Giêsu không rời nửa bước. Con đi đâu thì Mẹ theo đi đó: Con xuống thế làm người chuộc tội nhân loại, thì Mẹ cũng hiệp công với Con của mình từ đêm giáng sinh cho đến chiều tử nạn mà bước đi trên đường giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Con của Mẹ là Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha, thì Mẹ vì sự gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình trong suốt hành trình như thế cũng đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Nếu Eva xưa đã để lại thảm họa, thì với Mẹ Maria cách riêng trong kinh Mân Côi, cách riêng hơn nữa trong lời kinh Ave Maria, nền hòa bình viên mãn của trời đã chính thức mở ra. Vì vậy, Đức Mẹ trong kinh Mân Côi, hay Đức Mẹ Mân Côi cũng chính là Nữ Vương Hòa Bình.
2. Lý do thứ hai
Vì Mẹ cũng hỗ trợ con người trong công cuộc xây dựng hòa bình với nhau.
Vào thế kỷ XIII, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.
Thế kỷ XVI, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân Côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.
Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo hoàng đã thiết lập lễ Mân Côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.
Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân Côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân Côi.
Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân Côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan...
Chuỗi Mân Côi chính là một phương thế hòa bình hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Ở đâu kinh Mân Côi được ưa chuộng, ở đó tước hiệu hòa bình đi liền với danh xưng của Mẹ cũng được mộ mến. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: "Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con". Xét về cấu trúc của kinh Mân Côi phần sau của mỗi ngắm chúng ta quen đọc "ta hãy xin cho được" ơn này ơn khác, hoặc phần sau của chính kinh Kính Mừng với câu "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời...", chúng ta cũng thấy cả một dự phóng, cả một chương trình, cả một lời kinh dâng lên Mẹ Mân Côi mong hòa bình nội tâm, làm tiền đề cho cách cư xử giao hòa của con người với Thiên Chúa cũng như cách đối xử hòa bình giữa con người với nhau. Đằng nào cũng thế, giúp đỡ con người dập tắt chiến tranh năm xưa (lý do của lễ Mân Côi) hay là nâng đỡ con người xây dựng hòa bình hôm nay, Đức Mẹ Mân Côi trong lòng Giáo Hội chính là tượng đài Nữ Vương Hòa Bình.
3. Lý do thứ ba
Vì Mẹ còn khuyên tất cả mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra và ban sứ điệp: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau. Chuỗi Mân Côi được đặt như một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp chúng ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Bao giờ cũng thế, trong nghệ thuật công giáo, Đức Mẹ không đứng một mình, luôn luôn có Chúa Giêsu hiện diện, hoặc trong những thế kỷ gần đây tại Lộ Đức, cũng như tại Fatima, Đức Mẹ hiện diện với chuỗi Mân Côi. Nếu có ai hỏi tôi: Đức Mẹ có lần hạt không? Chắc chắn tôi sẽ đưa ra lời khẳng định: Có. Không chỉ vì Đức Mẹ đã lần chuỗi chung với ba trẻ ở Fatima hoặc với cô Bernadette ở Lộ Đức, mà còn ngay trong mầu nhiệm của chuỗi kinh Mân Côi đã có sự hiện diện của Đức Mẹ rồi. Có nghĩa là Mẹ cùng lần hạt với chúng ta và hơn nữa Mẹ kêu gọi chúng ta lần hạt. Cá nhân lần hạt Mân Côi, cá nhân vui sống thảnh thơi an bình; gia đình lần chuỗi Mân Côi, gia đình hạnh phúc một đời an vui. (x. ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, bài giảng tại Tàpao ngày 13-10-2011).
Giáo hội tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Hòa Bình. Chuỗi Mân Côi là chuỗi kinh của nền hòa bình. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khuyên nhủ: "Chuỗi Mân Côi là giây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ niệm con đường hy vọng của Mẹ: âu yếm như Bêlem, khắc khoải như Ai Cập, trầm lặng như Nazareth, lao động như xưởng mộc, sốt sắng như đền thờ, cảm động lúc Chúa giảng, đau khổ bên thánh giá, vui mầng lúc phục sinh, tông đồ bên thánh Gioan. Tóm tắt lại, Chúa sống trong Mẹ, Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một. Đừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ, trong Mẹ" (Đường Hy vọng số 922); "Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán" (Đường Hy vọng số 947).
Lạy Mẹ Mân Côi, Nữ Vương Hòa Bình, xin giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con có thể cộng tác với Mẹ trong công cuộc xây dựng nền hòa bình thế giới và đem ơn cứu độ cho muôn dân. Amen.

ĐỨC MẸ MÂN CÔI


ĐỨC MẸ MÂN CÔI


"Lần hạt Mân côi từ bao năm tháng đã là tỏ lòng kính mến Đức Mẹ. Thực hành này đã có một chiều sâu mới trong thời chúng ta. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, một thuyền đoàn Kitô Giáo gồm 206 chiếc thuyền với 80 ngàn người do thánh Giáo Hoàng Piô thứ V tổ chức, và do Don John của Áo Quốc lãnh đạo đã quyết thắng thuyền đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo với 320 chiến thuyền và 120 ngàn binh sĩ và người chèo tù nhân Kitô giáo của Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh biển Hy Lạp. Một lần nữa, đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo không chế ngự được đoàn quân Kitô giáo Âu châu. Trong trận hải chiến này, nhóm Mân Côi Rôma đã lần chuỗi Mân Côi để cầu thắng cho Hải đội Kitô Giáo trong nhà thờ Đức Bà. Khi tin đoàn thắng được loan ra, ai ai cũng nhìn nhận đó là sự bầu cử của Đức Mẹ. Đức Giáo Hoàng Piô thứ V thuộc dòng Đaminh rất sùng kính Kinh Mân côi đã lập ra lễ Đức Bà Toàn Thắng để đánh dấu sự chiến thắng nói trên. Về sau lễ này được đổi ra là lễ Đức Mẹ Mân Côi mà Giáo hội vẫn giữ vào ngày 7/10 mỗi năm. Khi người ta lần hat ở các đám tang đêm trước ngày chôn cất, người chủ sự thường nhân cơ hội dể đọc hết 150 kinh Mân côi, các Sự Vui, Sự Thương, và Sự Mừng, với kinh mở đầu cho lễ Đức Mẹ Mân Côi. Đó là tóm tắt đầy đủ nhất của cuộc đời Mẹ Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ. Mặc dù Đức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho thánh Dômincô không được coi có tính cách lịch sử, nhưng sự phát triển của kinh nguyện này là nợ lớn đối với những đệ tử của thánh Đôminicô.

Lạy Chúa xin đổ tràn tim chúng con với tình thương của Chúa. Chúa đã sai thiên thần báo cho chúng con, Con Chúa giáng trần làm người. Xin hãy đưa chúng con đến sự vinh quanh phục sinh nhờ cuộc khổn nạn và cái chết của con Chúa. Amen.
                                                                                        Nguồn giáo phận Vĩnh Long