CHÚA NHẬT PHỤC SINH - C

Thế là cuối cùng, sau bao ngày chịu bắt bớ, xét xử, vu cáo, chịu đòn vọt rách nát thịt da, chịu vác thánh giá nặng nề tiến lên núi sọ trong khi sức tàn lực kiệt ngã lên té xuống nhiều lần, rồi lại phải chịu đóng đinh thân mình rất đỗi đau thương vào thập giá... Chúa Giêsu đã gục đầu tắt thở và được mai táng trong mồ. Tảng đá lấp cửa mồ đã đóng lại, đóng lại lịch sử một đời người đã làm những việc diệu kỳ. Cuối cùng, ngôi mộ đá được đóng lại, chôn vùi một Con Người tưởng là sẽ đem lại niềm hy vọng cho Israel.
Thế là hết! Còn đâu nữa những ngày nắng đẹp Ngài ngồi trên núi giảng bài tám phúc giữa đám đông quần chúng. Còn đâu nữa những buổi chiều trong hoang địa Ngài hoá bánh ra nhiều nuôi trên năm ngàn người ăn. Còn đâu nữa vị ngôn sứ oai hùng quát bảo cho sóng yên biển lặng. Còn đâu nữa Con Người làm cho kẻ chết đội mồ sống lại, người phong hủi được chữa lành, người câm được nói, người điếc được nghe... Còn đâu nữa vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và hành động phán bảo những điều đem lại phấn khởi cho bao người...
Đức Giêsu đã chết thật rồi, chẳng còn hy vọng gì nữa. Những môn đệ thân tín sau khi hoàn tất việc an táng Thầy thân yêu, giờ đây ra về trong u sầu tuyệt vọng. Mọi sự như chìm vào tang tóc đau thương.
Thế rồi điều kỳ diệu xảy ra: qua ngày thứ ba, từ lúc tờ mờ sáng, Maria Madalêna đi viếng mộ ngay từ sáng sớm cho vơi bớt đau thương. Tới nơi, bà hoảng hồn vì mồ đá mở toang. Nhìn vào bên trong không còn thấy thi hài của Thầy đâu nữa. Bà hoảng hốt chạy về báo tin cho các môn đệ. Các môn đệ ra tận nơi xem xét ngôi mộ trống và rồi sau đó lại ngỡ ngàng gặp gỡ Chúa phục sinh. Niềm vui tràn ngập cõi lòng. Bấy giờ các ngài mới biết là Chúa Giêsu đã sống lại. Ngôi mộ đá tưởng là nơi chôn vùi, nơi xoá sổ cuộc đời Thầy dấu ái, là điểm tận cùng của Chúa Giêsu nay đã trở thành khởi điểm cho một đời sống mới, thành tảng đá đầu tiên xây dựng Vương Quốc trường sinh.
Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mác-ta và Maria: "Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ."
* * *
Từ thời nguyên tổ phạm tội đến nay, tội lỗi thống trị và huỷ diệt sự sống con người. Con người vừa được sinh ra là đã mang án chết, như hoa còn đang nụ mà đã chớm lụi tàn, như nhộng chưa thành bướm mà đã phải tiêu vong... Mầm mống chết chóc hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống và một sớm một chiều sẽ phá huỷ sự sống đi. Lưỡi hái tử thần như đang kề cổ mọi người và cướp đi sinh mạng của mọi người chẳng trừ ai.
Thế rồi qua sự phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của sự sống vĩnh hằng. Ngài đã thắng sự chết. Thần Chết phải buông khí giới quy hàng. Loài người không còn phải bị tiêu diệt bởi lưỡi hái tử thần nhưng đã được cứu sống bởi quyền lực của Chúa Giêsu phục sinh. Sự sống đã được khai thông. Cái chết đã bị đẩy lùi. Ngôi mộ không còn là điểm tận cùng của kiếp người nhưng là khởi điểm cho một đời sống mới. Cái chết không còn là dấu chấm hết của cuộc đời nhưng là khúc dạo đầu cho bản giao hưởng trường sinh. Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã xoá đi đêm dài tăm tối của kiếp sống đau thương để làm bừng lên bình minh của cuộc đời vĩnh cửu.
Xin mọi người hãy đến cùng Chúa phục sinh để đón nhận cuộc sống hồng phúc Ngài ban tặng.
Lm. Ignatiô Trần Ngà


THỨ BẢY TUẦN THÁNH - SỨ ĐIỆP BÊN MỒ

Đêm nay Giáo hội gọi là đêm Canh Thức Vượt Qua, nghĩa là chúng ta cùng canh thức để được “Vượt Qua” với Đức Kitô. Chúng ta tham dự vào Tam Nhật Thánh, đặc biệt trong đêm cực thánh này là để mong muốn cho chính bản thân mình, cũng như cầu chúc cho những người thân của mình có được sự đổi mới và sự sống mới. Khi chúng ta có được sự sống mới, khi chúng ta được đổi mới là chúng ta được “Vượt Qua”, vượt qua cái chết, vượt qua tội lỗi, vượt qua những cái cũ kỹ của bản thân mình…
Biểu tượng của cái chết, biểu tượng của những gì cũ kỹ được diễn tả qua ngôi mộ. Hình ảnh ngôi mộ trống cho chúng ta thấy Đức Kitô đã vượt qua cái chết, vượt qua những gì là cũ kỹ, xấu xa để đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới, vào sự sống mới.
Đứng trước ngôi mộ trống của Đức Giêsu đêm nay tôi nhận ra được 2 sứ điệp mà tôi gọi là sứ điệp bên mồ.
I.                   PHẦN THƯỞNG CHO NHỮNG AI DÁM YÊU
Sứ điệp thứ nhất: Tin mừng viết cho chúng ta “các bà” là những người đầu tiên được gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Do đâu họ được diễm phúc đó? Thưa vì họ là những người đã có mặt bên thập giá của Chúa Giêsu, có mặt khi Chúa được đặt vào trong phần mộ để chôn cất, và giờ đây họ đang lãnh phần thưởng của tình yêu.
Có lẽ trong các phụ nữ theo Chúa Giêsu, hai cô gái này là những người yêu Chúa nhiều nhất. Tại sao vậy? Vì họ là những người được Chúa thông cảm và tha thứ nhiều nhất. Theo Thánh Luca thì Mađalêna là người phụ nữ bị quỷ ám, đã được Chúa chữa khỏi khi bà tìm gặp Người: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mađalêna, người được giải thoát khỏi bảy quỷ” (Lc 8, 2). Kinh thánh không hề viết Mađalêna là một cô gái điếm, mà chỉ nói cô là người được Chúa Giêsu “giải thoát khỏi bảy quỷ”. Nghĩa là cô là một con người tội lỗi rất nhiều được Chúa Giêsu tha thứ và chữa lành. Nếu chỉ đơn giản là cô gái điếm thì chỉ có một tội, đằng này cô được Chúa trừ tới bảy quỷ, tức là nhiều tội lắm.
Maria còn lại là ai? Rất có thể đó là Maria đã xức dầu thơm và lấy chính tóc của mình mà lau chân Chúa khi Ngài đang dũng bữa tại nhà ông Simon. Thánh Luca cho chúng ta biết: “Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisiêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7, 36-38). Trước hành động khó hiểu của Maria và thái độ khó chịu của ông Simon, Chúa Giêsu đã nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha” (Lc 7, 47).
Chính vì đón nhận ơn tha thứ của Chúa Giêsu mà họ đã một lòng theo Chúa, chẳng những trên bước đường rao giảng, mà còn cả trong hành trình thương khó. Vì lẽ đó mà họ được diễm phúc thấy Đấng Phục Sinh đầu tiên. Đây chính là phần thưởng cho những ai dám yêu và theo sát gót Đức Giêsu.
II.               SỨ MẠNG CHO NHỮNG NGƯỜI DÁM SỐNG
Sứ điệp thứ hai mà tôi nhận được nơi ngôi mộ trống trong đêm cực thánh này là sứ mạng của Đấng Phục Sinh dành cho những ai dám sống vì yêu.
1.      Hãy tin:
Sứ mạng đầu tiên là hãy tin. Những lời của Thiên sứ nói với 2 người phụ nữ hôm nay nhằm nhắc lại lời hứa của Chúa Giêsu khi còn sống: “Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28, 6a). Lúc này hai người phụ nữ mới nhớ lại chính Thầy mình đã nói những điều đó. Kế đến, Thiên sứ còn kêu họ đến ngôi mộ trống để kiểm chứng: “Các bà đến xem chỗ người đã nằm rồi mau về nói với các môn đệ” (Mt 28, 6b). Mỗi lời nói của Thiên sứ là một lời mời gọi họ hãy tin vào những điều Chúa Giêsu đã nói, vì đó là sự thật.
2.      Hãy loan báo:
Sứ mạng kế tiếp mà Đấng Phục Sinh muốn trao cho hai người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay là hãy mau mắn loan báo Tin mừng Phục Sinh: “Mau về nói với các môn đệ” (Mt 28, 7); “Về báo tin cho anh em của Thầy” (Mt 28, 10)… Khi họ đã khám phá ra Chúa Giêsu Phục Sinh, họ được thúc giục phải chia sẻ cho người khác.
3.      Hãy vui mừng:
Sứ mạng thứ 3 mà Đấng Phục Sinh trao cho 2 cô Maria là hãy vui mừng. Lời chào của Đấng Phục Sinh dành cho 2 người phụ nữ hôm nay là “Chairete”! Nó không chỉ đơn giản là một lời chào thông thường, mà nó còn có nghĩa: “Hãy vui mừng lên!” Ai gặp gỡ Đấng Phục Sinh sẽ sống mãi trong niềm vui, vì từ nay không gì có thể làm họ buồn được, dù đó là gian truân, thử thách, và thậm chí là cái chết.
Sứ điệp bên mồ đó không chỉ dành riêng cho 2 cô Maria, mà còn dành cho mỗi chúng ta, những người đang canh thức Vượt Qua với Chúa.
III.            SỨ ĐIỆP CHO NHỮNG NGƯỜI ĐANG CANH THỨC
Sứ điệp đó trước hết là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Đứng bên cạnh ngôi mộ Chúa, chúng ta không chỉ xúc động theo cảm xúc của con tim khi chứng kiến cái chết của người thân, mà chúng ta còn phải rung động vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người quá sức tưởng tượng, tình yêu mà không có cảm xúc nào có thể tả xiết. Đối với Thiên Chúa, dám yêu là dám hạ mình xuống. Đó chính là mầu nhiệm Nhập Thể mà Thánh Giá là cao điểm của chứng từ yêu thương.
Tình yêu thương đó được tiếp nối trong sự tha thứ. Mađalêna bị tới “bảy con quỷ” nhập. Tức là trong bảy mối tội đầu, tội nào bà cũng có. Có thể nói bà là đại diện cho những người tội lỗi, chứ không phải chỉ là một cô gái điếm như chúng ta từng biết. Hay Maria là một người tội lỗi công khai trong thành chứ không phải chỉ là những tội thầm kín như chúng ta tưởng… Ấy vậy mà Chúa tha hết. Sao Chúa tha thứ dễ quá vậy? Như vậy mới là Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải suy xét cho kỹ. Thiên Chúa không cần điều kiện gì, nhưng để được tha thì con người phải có tấm lòng thành hướng đến Thiên Chúa. Nếu tình yêu của Thiên Chúa là hạ mình xuống, thì tình yêu của con người phải là vươn mình lên để sự phàm tục của con người chạm tới được sự thánh thiêng của Thiên Chúa.
Khi chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ cũng là lúc Chúa cho chúng ta được gặp gỡ Ngài. Điều đó không phải một sớm một chiều chúng ta có được, mà nó phải là một hành trình để chúng ta ý thức mình tội lỗi, ăn năn sám hối và đón nhận ơn tha thứ. Và lại tiếp tục là cuộc hành trình vì không phải chúng ta được tha một lần cho tất cả, mà phải là liên lỉ trong suốt cuộc đời mỗi khi mình yếu đuối, phạm tội. Đó chính là hành trình vác thập giá, đứng dưới chân thập giá, chôn cất con người cũ của mình, thì mới mong được gặp Chúa, chính là con người mới của chúng ta.
II. SỨ MẠNG CHO NHỮNG NGƯỜI MUỐN ĐƯỢC ĐỔI MỚI
Khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh, chúng ta cũng được Ngài trao cho sứ mạng. Sứ mạng này cũng là để cho những ai muốn được gặp gỡ Đấng Phục Sinh.
1. Hãy tin:
Sứ mạng đó trước hết là hãy tin vào Chúa dù cho mọi biến cố của cuộc đời. Có nhiều người chỉ tin tưởng trong những lúc thuận lợi, chỉ sống đạo trong những lúc hăng hái, chỉ giữ đạo trong những lúc rãnh rang, chỉ đến nhà thờ khi thấy mình đầy đủ về tài chánh… Nghĩa là trong những lúc gian nan, thử thách, khó khăn, bận rộn, nghèo khổ… thì người ta không còn tin tưởng vào Chúa nữa. Muốn thấy Chúa Phục Sinh thì phải đi cùng với Chúa trên con đường khổ nạn.
Như vậy sứ mạng “hãy tin” đòi hỏi chúng ta một sự liên lỉ để nhìn thấy Chúa ngay cả trong những lúc đêm tối của cuộc đời. Và quả thật, những người tin tưởng một cách tuyệt đối thì không gì có thể ngăn cản họ đến với Chúa.
2. Hãy loan báo:
Sứ mạng kế tiếp của Đấng Phục Sinh là hãy loan báo cho người khác biết Tin mừng mình đã lãnh nhận. Ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho một cá nhân nào, mà phải loan đi “đến tận cùng trái đất”, nghĩa là ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện.
Sứ mạng loan báo Tin Mừng này thúc giục những người chồng hoặc những người vợ đang sống đức tin phải nhắc nhở, động viên cho người bạn đời của mình nếu như họ chưa sống tốt Tin Mừng Phục Sinh. Rất nhiều những đôi vợ chồng mà một bên không Công giáo theo một bên Công giáo. Chúng ta phải cám ơn Chúa, cám ơn những người chồng, những người vợ đã được gặp Chúa nhờ người bạn đời của mình. Đồng thời đó cũng là trách nhiệm cho bên Công giáo phải tiếp tục dẫn dắt người bạn đời của mình trong đức tin mà mình đã gieo cho họ. Lắm lúc chúng ta phải chấp nhận hy sinh, hạ mình nhiều hơn họ vì đức tin của chúng ta. Thành thật nhìn lại thì có nhiều gia đình mà người chồng hoặc người vợ “đạo gốc” sống đạo chưa tốt, huống hồ chi đến chuyện nhắc nhở, lôi kéo người bạn đời là người theo đạo của mình? Trớ trêu thay, có những người chồng, người vợ theo đạo chúng ta mà họ lại sống tốt, giữ đạo đàng hoàng; điều đó khiến cho những người chồng, những người vợ “đạo gốc” phải suy nghĩ lại.
3.      Hãy vui mừng:
Sứ mạng cuối cùng của Đấng Phục Sinh là hãy vui mừng. Những ai sống gắn bó với Chúa thì không gì có thể khiến họ buồn phiền vì họ biết rằng niềm vui Phục Sinh là động lực và cùng đích cuộc đời của họ.
Sự khác biệt giữa người có đức tin và người không có đức tin là ở chỗ chúng ta luôn luôn bình an trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Tóm lại đứng bên ngôi mộ trống của Chúa đêm nay chúng ta nhận được hai sứ điệp. Sứ điệp thứ nhất là muốn được Phục Sinh với Chúa thì phải gắn bó với Ngài. Sứ điệp thứ hai là Đấng Phục Sinh trao cho chúng ta sứ mạng phải tin, phải loan báo và phải vui mừng.

“Vì Chúa đã Phục Sinh, nên con tin vào quyền năng của Ngài, sẽ đổi mới, thế gian này, đổi mới mọi sự từ đây”.
Lm Giuse Trực

THỨ SÁU TUẦN THÁNH - HOÁN CẢI ĐỂ ĐƯỢC XÓT THƯƠNG

Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng Giám Mục Perugia, ở miền Trung nước Ý, người được chọn để viết suy niệm đàng thánh giá do Đức Thánh Cha chủ sự vào Thứ Sáu Tuần Thánh tại hí trường Côlôsê đã nói: “Con người ngày nay, đối với tôi, có vẻ bất hạnh và đau khổ một cách bi đát”. Ngài giải thích rằng: “đau khổ có thể nhìn ra dễ dàng nơi những người nghèo, những người nhập cư, người bệnh, những người cô đơn và bị bỏ rơi. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng gặp những người giàu có, những kẻ dường như có tất cả mọi thứ, nhưng trong thực tế, không có gì - họ sống một cuộc sống trống rỗng, và trong một số trường hợp, thậm chí muốn chết cho xong. Như một người nào đó đã từng viết, sự ác, do đó, ‘có gì là lạ đâu’, nhưng Chúa Giêsu trên thập giá đem đến cho cuộc sống một ý nghĩa khác và chỉ cho chúng ta thấy một con đường khác: con đường hoán cải”. 
Chỉ có con đường hoán cải mới đưa chúng ta về đúng ý nghĩa của cuộc đời mình.
Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, Tin mừng đã cho chúng ta chiêm ngắm một số nhân vật đã biết hoán cải, nhờ thế họ đã tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình, và vì vậy họ được hưởng lòng thương xót của Chúa.
Đó là một trong 2 tên gian phi cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Nói ví von theo lời Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đến lúc cuối đời, hắn còn hành nghề ăn trộm, nhưng là ăn trộm nước thiên đàng. Đó còn là viên đại đội trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 23, 47). Đó còn là đám đông dân chúng “Đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23, 48).
Cụ thể trong bài thương khó hôm nay, chúng ta chiêm ngắm sự hoán cải của Phêrô. Mới trước đó ông đã hăng hái, nhiệt thành để bảo vệ thầy: dùng gươm chém đứt tai bên phải tên đầy tớ của vị thượng tế. Nhưng trong những diễn biến sau đó, Phêrô tỏ ra nhát đảm, ngược hẳn với tính khí của ông. Ông đã chối thầy 3 lần trước mặt đứa tớ gái và những tên đầy tớ của thầy thượng tế với cùng câu nói: “Đâu phải” để từ chối mối tương quan với Thầy Giêsu. Hình ảnh này giống như một trang chiến binh đánh đông dẹp bắc lẫy lừng, nhưng lại sợ chuột, sợ thằn lằn…
Gioan rất tinh tế trong tường thuật này, ông viết: “và ngay lúc ấy, gà liền gáy”. Để ứng nghiệm lời của Đức Giêsu, khi Phêrô hăng hái tuyên bố: “Dù ai có bỏ Thầy mặc kệ, nhưng con thì không, con sẽ liều mạng vì Thầy”. Đức Giêsu đã nói trước cho ông: “Ta bảo thật cho con biết, trước khi gà gáy 2 lần, con đã chối thầy 3 lần”.
Trong tường thuật của Matthêu còn ghi rõ, khi nhớ đến những lời tiên báo của Đức Giêsu:“Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”. Đây là những giọt nước mắt ăn năn thống hối. Chắc có lẽ đối với Phêrô thà đổ máu còn hơn rơi lệ. Vậy mà hôm nay “ông đã khóc lóc thảm thiết”. Con người thật của ông đã được phơi bày ra. Sự mạnh mẽ bao lâu nay chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài để che đậy sự yếu đuối bên trong của ông. Thế nhưng, dù ông có qua mắt được nhiều người, khiến anh em phải khiếp sợ tính khí hung hăng của ông, nhưng Đức Giêsu biết hết, biết rõ, nên đã nói trước sự thật cho ông: “con sẽ chối Thầy 3 lần”. Nhưng ông và cả anh em không ai nghĩ đến chuyện đó.“Làm gì có chuyện Phêrô mà chối Thầy”.
Tuy nhiên chính khi ông biết rõ con người của mình như thế lại là lúc ông tìm đúng ý nghĩa của cuộc đời mình. Ông biết rằng trước đến giờ mình chỉ sống cho cái tôi riêng tư của mình, đó là tâm lý muốn làm đầu, muốn thống trị người khác. Ông luôn luôn thể hiện mình là người mạnh mẽ, vì yểu điệu người ta nói mình yếu; là người thẳng thắn, dám nói thật để che dấu sự yếu đuối bên trong của ông; chứng tỏ mình là nơi nương tựa cho người khác, kể cả Thầy mình. Ông tỏ ra là người quán xuyến tất cả mọi chuyện. Ông phủ đầu hết mọi người. Ông ghét những ai gian dối dám qua mặt ông… Tất cả những điều đó, nếu không có tiếng gà gáy hôm nay, Phêrô cứ mãi mãi tưởng là nét đẹp riêng tư của mình, không ai được đụng đến, vì nó được bao bọc bằng vàng, và ngày càng được che chắn kỹ lưỡng hơn. Mọi người chung quanh cũng nhìn thấy như vậy và nể nang tính khí của ông.
Sự hoán cải của Phêrô khởi đi từ quyền năng của Đức Giêsu, vì Ngài đã biết hết mọi sự và đã nói trước điều đó. Khi nhớ lại, Phêrô phải sợ hãi quyền năng của Chúa.
Kế đến là từ ánh mắt nhân từ của Ngài. Ánh mắt đó kèm theo lời răn dạy: “Thấy chưa, Thầy nói trước với con rồi, đừng tự hào tự đắc về mình, đừng ham muốn thống trị người khác, vì thực sự con yếu đuối lắm, những việc con làm chỉ để che đậy sự nhu nhược bên trong của con mà thôi. Con bắt người khác phải lệ thuộc mình, phải giống mình, kẻo họ hơn mình thì sao! Con muốn mọi sự phải nằm trong vòng tay của mình, kẻo vượt ra ngoài con không kiểm soát được…”
Và trong ánh mắt đó còn có lời thỏ thẻ, thủ thỉ: “Không sao đâu, thầy chọn con không phải vì con mạnh mẽ, không phải vì con đứng ra bảo vệ Thầy, không phải vì con làm được những chuyện lớn lao… nhưng đơn giản vì Thầy muốn con làm môn đệ của Thầy. Hãy chỗi dậy và đi!”.
Kết quả của sự hoán cải đó được chứng minh bằng một cuộc sống hoàn toàn khác sau biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Vì vậy thập giá của Đức Kitô đã giải phóng được con người của Phêrô. Vẫn là con người đó, vẫn với tính khí đó, nhưng không phải được bao bọc bằng vàng để mọi người chiêm ngưỡng hâm mộ, không phải được xây bằng xi măng cốt thép để không ai đụng đến được, nhưng nó đã được thập giá của Đức Giêsu chống đỡ, máu và nước của Ngài bao bọc lấy để ông trở nên hiền lành, ngoan ngoãn và chấp nhận đi theo đường lối của Chúa. Kết quả rõ ràng nhất của sự hoán cải là con người ta sẽ khiêm tốn hơn trong mọi sự.
Từ sự hoán cải của Phêrô cho chúng ta nhận ra sự thật: Không gì và không ai có thể qua mắt được Thiên Chúa, chẳng qua Ngài thinh lặng để chờ đợi sự hoán cải, chờ đợi chúng ta chấp nhận sự thật nơi chính bản thân và mọi sự việc để rồi khóc lóc ăn năn và sửa đổi.
Sự hoán cải chỉ có thể diễn ra trong mầu nhiệm đau khổ của Đức Kitô. Vì vậy sự khổ chế là điều kiện tất yếu cho những ai muốn hoán cải. Không ai muốn mình có những đam mê, những tật xấu, nhưng không ai tránh được. Tuy nhiên muốn bỏ được thì không phải là chuyện dễ dàng, vì nó phải qua mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, phải có sự khổ chế của bản thân.
Sức mạnh của thập giá là ở chỗ nó sẽ biến đổi tất cả mọi sự trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, những ai vui lòng vác thập giá hằng ngày thì chắc chắn sẽ nên thánh. Ngược lại, những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô mà không muốn vác thập giá thì không bao giờ theo Ngài cho đến cùng được. Đó là điều kiện chứ không phải sự thỏa hiệp, nghĩa là phải như vậy chứ không còn gì khác.

Hôm nay, một lần nữa chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu. Lần tưởng niệm này giúp chúng ta sống lại mầu nhiệm hoán cải nhờ thập giá Đức Giêsu, để chúng ta xác quyết hơn sức mạnh của cây thập giá. Từ đó, tôi và anh chị em hãy quyết tâm để cho thập giá Đức Giêsu biến đổi bản thân mình, bằng việc chấp nhận những hy sinh, những khổ chế không phải một năm 2 lần trong dịp Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, mà là liên lỉ trong cuộc đời mình. Khi chấp nhận hy sinh khổ chế là chúng ta đang vác thập giá theo Thầy của chúng ta để làm môn đệ của Ngài. Khi chấp nhận vác thập giá cũng là lúc chúng ta chấp nhận sự hoán cải để trở nên tốt đẹp hơn.
Lm Giuse Trực

THỨ NĂM TUẦN THÁNH - YÊU THƯƠNG ĐẾN CÙNG

Ý nghĩa của ngày Thứ Năm Tuần Thánh được thể hiện thật rõ ràng trong các bài đọc lời Chúa hôm nay.
Trước hết là việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể để tiệp tục hiện diện và nuôi dưỡng con người. Thánh Phaolô trường thuật lại như sau: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em”… Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới lập bằng Máu Thầy”. (1Cr 11, 23-25).
Cũng trong đêm cực trọng này, Đức Giêsu đã lập Bí tích Truyền chức thánh để có một số người tiệp tục hy tế cứu độ của Ngài trên trần gian này. Sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Ngài đã phán: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24b. 25b).
Sau cùng là việc Ngài ban truyền giới luật yêu thương: “Thầy Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga13, 14-15).
Tất cả những hành động này đều vì: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1b).
Yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể. Yêu thương họ đến cùng, nên Ngài đã lập Bí tích Truyền chức thánh. Yêu thương họ đến cùng nên Ngài dạy họ phải biết yêu thương.
“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót”. Vì vậy qua Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền chức thánh và việc yêu thương phục vụ mà Đức Giêsu đã để lại, chúng ta nhận ra được Lòng thương xót của Chúa Cha.
1.      Để họ được sống và và sống dồi dào.
Xưa trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dân chúng bằng manna, bằng chim cút, bằng mạch nước Mêriba… Những hình ảnh cụ thể này cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn muốn con người được no thỏa. Đến thời Chúa Giêsu, Ngài đã nuôi dân chúng bằng việc hóa bánh ra nhiều, để bảo đảm rằng họ không thiếu lương thực khi đi theo nghe Ngài giảng dạy…
Đó chỉ là những lương thực vật chất. Đức Giêsu cho biết ý định của Chúa Cha không phải dừng lại ở đó, mà còn là: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Sự sống mà Đức Giêsu đã chuộc lại bằng máu của Ngài chính là sự sống thần linh. Sự sống này được nuôi dưỡng bởi việc gắn bó mật thiết với Đức Giêsu.
Vì yêu thương và để con người được gắn bó với Ngài, nên trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể để hiện diện thực sự trong tấm bánh và ly rượu. Chính vì thế, Bí tích Thánh Thể là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa Cha dành cho con người qua Đức Giêsu Kitô.
2.      Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
Trong suốt lịch sử dân Do thái, lúc nào Thiên Chúa cũng cho họ những vị lãnh đạo để làm trung gian giữa Thiên Chúa với con người. Những vị này đại diện cho dân tế lễ cho Thiên Chúa, và nói lại những lời của Thiên Chúa cho dân.
Trước khi rời bỏ thế gian, Đức Giêsu đã nâng những con người được chọn làm trung gian giữa Thiên Chúa với con người lên một vị trí “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Nghĩa là cho họ được làm chính hành động yêu thương của Ngài như thể Ngài đang thực hiện. Vì thế khi truyền phép, linh mục không nói: “Này là Mình Đức Giêsu, này là Máu Đức Giêsu”, nhưng nói chính lời của Ngài: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”. Họ hành động nhân danh Đức Giêsu để thể hiện tình yêu thương của Ngài cho nhân loại. Chính vì thế, Bí tích Truyền chức thánh là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và Linh mục chính là hiện thân của lòng thương xót đó.
3.      Thầy đã nêu gương cho anh em
Biến cố Vượt Qua là minh chứng hùng hồn nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Do Thái. Biến cố đó đã được Đức Giêsu tiếp nối qua cuộc Vượt Qua của chính bản thân Ngài. Trước khi bước vào cuộc Vượt Qua đó, Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ông bài học yêu thương là phải phục vụ người khác như Ngài đã làm cho họ. Chính vì thế hành động phục vụ là minh chứng lòng thương xót của Thiên Chúa rõ nét nhất.
4.      Tình yêu đáp đề tình yêu
Tham dự vào những mầu nhiệm thánh của ngày Thứ Năm Tuần Thánh hôm nay, chúng ta không chỉ chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu, mà còn phải sống giống như Đức Giêsu để thực sự trở thành môn đệ của Ngài. Lời mời gọi đó càng đặc biệt hơn trong năm thánh lòng thương xót này.
a.      Để trước hết biết quý trọng lương thực cao cả mà Chúa đã ban, chính là Bí tích Thánh Thể. Khi biết quý trọng Bí tích Thánh Thể là con người đáp trả lại tình yêu của Chúa. Họ sẽ giữ linh hồn của mình được sạch trong để đón rước Chúa vào lòng. Họ sẽ siêng năng đến với nhà chầu để viếng thăm Ngài. Cụ thể đêm nay, ít ra họ sẽ thức với Chúa một giờ vì họ cảm thấu được lời của Đức Giêsu: “Anh em không thức nổi với Thầy một giờ sao?”.
b.      Để các Linh mục của Chúa biết ý thức sứ vụ cao cả mà Chúa đã ban cho mình chính là hành động thay Đức Kitô để trao ban tình yêu thương nơi các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội. Hơn thế nữa, để ý thức bậc sống của mình là lời mời gọi linh thánh để mọi hành động của các ngài cũng phải linh thánh…
Để dân Chúa biết chạy đến với các mục tử trong tình yêu thương chân thành để đón nhận những điều linh thánh mà Chúa sẽ ban qua bàn tay của các ngài.
Khi các linh mục biết thực hiện những nghĩa cử yêu thương như Đức Giêsu, khi dân Chúa biết tìm đến với Đức Giêsu qua những vị đại diện của Ngài bằng lòng khao khát những giá trị linh thánh, thì chính lúc đó lòng thương xót của Chúa Cha được thể hiện.
c.      Để các môn đệ của Đức Giêsu phải có một nét riêng, là yêu thương và phục vụ. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. Trong năm thánh lòng thương xót này, tình yêu đó được mời gọi mãnh liệt hơn dành cho những người yếu đuối, tội lỗi, khô khan, nguội lạnh; những người bị loại trừ dưới nhiều hình thức. Trên hết tất cả, tình yêu sẽ chiến thắng.

Lm Giuse Trực 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C

Sau ba năm Đức Giêsu rao giảng, không ít người đã tin vào Ngài; tuy nhiên niềm tin vào Đức Giêsu của những người này tối đa cũng tương tự như niềm tin của các tông đồ khi Đức Giêsu còn sống đời dương thế. Họ cho rằng Đức Giêsu là một vị thầy, hơn nữa có thể là một tiên tri, và cao nhất có thể là Đấng Kitô Vua (Ga.6, 15; Mc.8, 29; 11, 9-10). Vào thời điểm đó, người ta không thể biết khác hơn được. Còn đối với những người không tin Đức Giêsu, những kẻ khó chịu hoặc bực tức vì Ngài trổi trang hơn họ, Đức Giêsu đơn thuần chỉ là một con người bình thường như bao người. Những người này không chỉ bất đồng ý kiến với Đức Giêsu, không chỉ khó chịu và bực tức mà còn muốn giết Đức Giêsu nữa (Mc.3, 6).
Vào thời cuối của ba năm rao giảng, Đức Giêsu đã nhiều lần nói những điều có thể làm cho Ngài phải bị ném đá. Chẳng hạn Ngài nói Ngài có quyền tha tội (Mc.2, 5.7), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 57-58), Ngài và Thiên Chúa là một (Ga.10, 30). Vào cuối đời, Ngài có những câu nói “gây mất lòng” nhiều người. Càng vào cuối đời, càng có ít người theo Ngài, vì những lời khó có thể hiểu và chấp nhận được, chẳng hạn: “chính tôi là bánh hằng sống. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga.6. 35). Những lời nói tương tự không chỉ làm Đức Giêsu “mất người” mà còn gây thêm có nhiều người thù địch với Ngài, thậm chí còn làm cho những người muốn giết Ngài có đủ bằng cớ và hậu thuẫn. Chẳng hạn, Ngài nhận mình là Thiên Chúa: “chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp nhưng vì một lời phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga.10, 33).
Gần lễ Vượt Qua, âm mưu giết Đức Giêsu trở nên rõ ràng nên Ngài lui về Galilê. Vì thế, thời điểm Lazarô chết không có mặt Đức Giêsu tại đó. Sau đó khi Ngài muốn lên Giêrusalem thì các tông đồ đã ngăn cản. Tông đồ Thomas đã động viên các bạn: “nào chúng ta cùng lên Yerusalem để cùng chết với thầy” (Ga.11, 16). Đức Giêsu cũng biết Ngài sẽ bị giết nếu Ngài lên Giêrusalem vào thời điểm này, tuy nhiên Ngài vẫn cứ lên. Ngài không muốn trốn chạy cái chết. Ngài đã phải chọn lựa giữa sống và chết một cách cụ thể qua việc có lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua này hay không. Cuối cùng Ngài đã chọn lên Giêrusalem cho dù cái chết đang chờ đón Ngài.
Ở Giêrusalem, Ngài vẫn làm điều Ngài vẫn thường làm: “ban ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ, còn ban đêm Ngài và các tông đồ ra vườn dầu để ngủ (Lc.21, 37). Hôm nay Ngài vào Giêrusalem và được dân chúng đón rước như vị Thiên Sai. Ngài chấp nhận biến cố này vì biết thời điểm đặc biệt của Ngài đã đến: thời điểm Ngài được tôn vinh cũng là thời điểm Ngài chết trên thập giá. Cái chết của Ngài có thể được thấy trước vì nó cũng theo quy luật của xã hội: người ta ghét Ngài đến độ muốn giết Ngài (Mc.14, 1).
Lúc khởi đầu người ta muốn giết Ngài vì Ngài đã dám suy nghĩ và nói ngược lại những người có thế lực (Mc.3, 6; 14, 1; 14, 53-59); nhưng khi vị thượng tế hỏi Đức Giêsu và Đức Giêsu trả lời: “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và đến trên mây trời” thì họ không cần phải sắp đặt chứng cớ để giết Đức Giêsu như trước nữa, vì Đức Giêsu đã phạm một tội vô cùng lớn mà mọi người Do Thái một khi biết đều phải xử tử Đức Giêsu, vì là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa (Mc.14, 62-64). Đức Giêsu đầu tiên bị người ta ghen ghét mà muốn giết, rồi khi đã bị bắt và xét xử với chứng cớ được xếp đặt trước, Ngài lại nói Ngài ngang hàng với Thiên Chúa; như vậy trước công nghị Do Thái, Đức Giêsu bị kết án tử hình vì tội tôn giáo: lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa. Trên thập giá Đức Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, 34); thật vậy, không biết nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu, thì kết án Ngài là chuyện tất nhiên.
Để giết được Đức Giêsu một cách hợp pháp, người Do Thái phải đem Đức Giêsu sang tòa Roma. Vào thời người Do Thái bị đô hộ, quyền xử tử thuộc về thẩm quyền người Roma. Đức Giêsu đã bị gán cho tội chính trị “xưng vương”. Nếu không gán cho Đức Giêsu tội chính trị thì Philatô đã không kết án tử hình Đức Giêsu. Philatô biết Đức Giêsu bị oan, nhưng vì sợ mất chức nên đã  kết án Ngài. Nếu không kết án Đức Giêsu, Philatô có thể bị người Do Thái tố cáo với hoàng đế Roma vì đã buông tha người xưng vua phất cờ khởi nghĩa. Nếu vậy, Philatô phải giải thích, phải biện luận, và sẽ gặp nhiều phiền phức, và hậu quả sẽ là không được hoàng đế tin tưởng nữa, vì vậy Philatô đã kết án tử hình Đức Giêsu thuận theo ý của người Do Thái.
Nếu Đức Giêsu chỉ là một con người, Đức Giêsu xứng đáng lãnh án tử. Thực vậy, khi Đức Giêsu còn sống, nào ai biết Đức Giêsu là người có nguồn gốc thần linh, vì đâu là chứng cớ để người ta có thể tin như vậy! Chỉ khi Đức Giêsu chết và sống lại, người ta mới nhận ra những gì Đức Giêsu nói và cho mình là, là chân thực. Như vậy, chỉ sau biến cố Đức Giêsu Phục Sinh, các tông đồ mới biết chân tướng của Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, thì Thiên Chúa đã chẳng phục sinh Ngài, còn nếu Ngài đã sống lại, nghĩa là những điều Ngài đã nói là đúng, là chân lý. Nghĩa là, Ngài và Thiên Chúa là một, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài có trước Abraham.
Khi còn sống đời dương thế, Đức Giêsu khó có thể thoát chết, vì chân tướng của Ngài chỉ có thể được thấy rõ sau khi Ngài sống lại. Đức Giêsu bị hiểu lầm mà bị kết án tử hình, vì không ai biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, vì không ai có thể tưởng rằng Thiên Chúa có thể nhập thể làm người. Sau khi Ngài sống lại, với ơn của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra ý nghĩa của những lời Ngài đã nói mà khi Ngài còn đang sống các ông chẳng hiểu gì. Ngài là Đấng có nguồn gốc thần linh, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài và Cha là một, Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm


THÁNH GIUSE, NHẠY BÉN VÀ KIÊN QUYẾT

Trong nghi thức làm phép ảnh tượng các thánh, thừa tác viên Giáo Hội cầu nguyện:“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không chê bác việc tạc vẽ tượng ảnh các thánh, để mỗi lần con mắt thể xác chiêm ngưỡng ảnh tượng đó, chúng con cũng dùng con mắt ký ức để suy niệm các hành vi và đời sống thánh thiện của các Ngài mà bắt chước. Chúng con nài xin Chúa làm phép + và thánh hóa tượng ảnh này để tôn kính và tưởng niệm đến…Xin Chúa đoái thương, để ai siêng năng tôn kính…trước tượng ảnh này, thì nhờ công nghiệp và sự che chở của Người, được Chúa ban ơn thánh ở đời này và vinh hiển ở đời sau. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”.

Người Kitô hữu tôn kính các thánh qua các ảnh tượng. Con mắt thể xác chiêm ngưỡng vị thánh thì con mắt ký ức suy niệm hành vi và đời sống thánh thiện của ngài để noi gương bắt chước.
Bước vào tháng kính Thánh Giuse, chiêm ngắm và học nơi Ngài hai nhân đức cần thiết cho đời sống đức tin.

Nhạy bén

Đọc Phúc Âm, ta thấy Thánh Giuse có tâm hồn mở ra với tiếng gọi của Thiên Chúa và rất nhạy bén trước ý định của Người.Trong bất cứ hoàn cảnh nào, hễ biết là ý Thiên Chúa, Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành.

-Thấy Maria có thai,Giuse phải đau khổ lắm.Người Hôn Thê đạo hạnh mà Ngài rất mực yêu thương lại mang thai trước khi về nhà chồng. Bối rối và khó xử nhưng Ngài vẫn tiếp tục tin tưởng Maria trong sạch vẹn tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định : “Đào vi thượng sách”. Giuse không còn chọn lựa nào khác “ vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1,19).Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse “Chớ sợ rước Maria về nhà mình”(Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa “ Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về”(Mt 1,24).

- Cuộc sống đang bình yên tại Bêlem thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc sang Aicập sống kiếp lưu đày.Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục “Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,14).

- Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng.Vậy mà một lần nữa Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để ra đi.Thật mau mắn trước Thiên ý “Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2,21).

Trước Thánh ý Thiên Chúa, Giuse nhạy bén lắng nghe và vâng phục chu toàn.Từ Nazareth qua Bêlem, từ Bêlem đi Aicập, từ Aicập về Israel, Chúa bảo ông đi là ông đi, bảo ông về là ông về, bảo ông làm thế nào là ông làm thế ấy, đúng thời gian, đúng địa điểm mà không thắc mắc, không hoài nghi, không cự nự.Tất cả mọi lần Giuse đều thưa như Đức Maria “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”(Lc1,38).

Để nhạy bén với tiếng gọi của Thiên Chúa, Thánh Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Trong nội tâm thinh lặng, Ngài lắng nghe Chúa. Thiên Chúa mà Giuse gắn bó là Đấng đã gọi Ngài. Thánh Giuse hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững.Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.

2. Kiên quyết.

Phúc Âm nói rất ít về thánh Giuse. Nhưng có một điều chắc chắn đã giúp Ngài chu toàn bổn phận bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Điều đó là đức tính kiên định.

Nhạy bén tình hình thực tế nên thấy mối đe dọa cho Hài Nhi, Ngài mau mắn lên đường lánh nạn. Đường xa vạn dặm từ Do thái sang Ai cập mà vợ yếu con thơ, núi đồi hiểm trở, cướp bóc rình rập, nhưng Thánh Giuse luôn kiên quyết đã quyết định là làm cho đến cùng để bảo vệ gia đình.

Đọc Phúc Âm ta thấy rõ đức tính ấy. Từ khi đưa Đức Maria đang mang thai về quê hương Bêlem để khai sổ kiểm tra cho đến khi định cư tại Nazareth, Thánh Giuse luôn kiên quyết bảo vệ gìn giữ gia đình. Về quê quán, đường xa xôi cách trở. Khi đến nơi “Maria đã đến ngày sinh nở”, và phải sinh con “nơi hang đá bò lừa” vì “hai ông bà không tìm được nhà trọ”(Lc 2,7). Chỉ ít lâu sau được lệnh “Thiên sứ báo tin phải lên đường, đưa con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13). Vâng theo ý Chúa, “ngay đang đêm, Giuse chỗi dậy đem con trẻ và mẹ Người lên đường đi Ai cập” (Mt 2,14). Định cư tại Ai cập cho đến khi nhận được lệnh thiên sứ “hãy đưa con trẻ trở về quê hương”, Giuse “lại chỗi dậy đưa gia đình về lại quê hương Nagiaret”. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù gặp những thử thách gian truân, Thánh Giuse vẫn can đảm kiên cường vượt qua. Ngài là cột trụ gia đình, kiên nhẫn làm việc đổ mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động để nuôi sống và đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Thánh Giuse mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta soi.Tấm gương của một con người luôn nhạy bén tình hình thực tế và khi đã nghe tiếng gọi của Thiên Chúa thì mau mắn đáp lại không thắc mắc cho dù phải trả giá.Tấm gương của một con người luôn kiên định xin vâng trước Thiên ý, luôn phó thác để Chúa thực hiện chương trình cứu rỗi của Người.Tấm gương về người quản gia trung tín chăm sóc hai kho tàng quý giá nhất trần gian là Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria.

Nhờ hai đức tính nhạy bén và kiên quyết mà Thánh Giuse đã trở thành đấng bao bọc che chở Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người rất hiệu quả. Đó cũng là bài học quý giá cho đời sống đức tin và trách nhiệm mà Chúa giao phó cho chúng ta. Luôn nhạy bén với tiếng Chúa gọi, nhạy bén với tiếng lương tâm, với các biến cố đời sống, với những biến chuyển của thời đại và với những lời nhắn nhủ của anh chị em mình. Nhạy bén trước những mối nguy hiểm đe dọa những nguy cơ rình rập đời sống, cần kiên quyết để vượt qua. Bất cứ việc gì, đã quyết định là làm cho đến cùng với tinh thần trách nhiệm.

Thánh Gioan Tẩy Giả chân thành “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời. Chính cuộc sống đời thường đã biến thánh nhân thành một vị Đại Thánh. Thánh Cả đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.

Lạy Thánh Giuse, xin cho mỗi người chúng con học nơi Ngài, luôn biết nhạy bén và kiên quyết sống theo hướng dẫn của đức tin. Amen.
Tác giả:  Lm Nguyễn Hữu An


HÃY SỐNG THẬT LÒNG VỚI NHAU ...

Trong cuộc đời... Trên những con đường ta đi có những lối nhỏ, những con đường quanh co, những con đường bằng phẳng và những con đường nhiều gập ghềnh... Vì vậy trong cuộc sống này vẫn có những người tốt và những người xấu xung quanh ta. Và rồi để ta gặp lại, để rồi lại yêu nhau... xa nhau đây cũng không phải lạ. Cuộc sống hôm nay đã và đang đút kết tạo nên thi vị dư âm của cuộc sống...!

Những vòng quay của thời gian, những vòng quay của tạo hóa, đôi khi trong đời sống người ta không thể giải thích cứ lại đi gắn kết cho nó vào chung với số phận, vậy đấy!!! Thời gian là quí báu, là vô hình, là chân giá trị để ta có thể nhận thức bản chất của con người mà ta đang rất yêu thương họ, và luôn đặc niềm tin nơi họ, khi nó đã dần dần tan biến chỉ còn lại một khoảng không vô hình, nhạt nhẽo. Eo ơi ấy vậy mà sao ta cứ mãi yêu đến thế, cứ phải tin để làm gì nhỉ.

Có phải ta đang cho ta một cơ hội để thử thách và để nhìn lại chính mình, nhìn lại chính con người mà ta tưởng chừng không còn có thể tin ai và yêu ai ngoài người đó nữa. Vì tình cảm trong con người là tự nhiên, tình yêu của con người là tự nguyện... Thế mà sao người với người lại cứ thích gian dối nhau. Tại sao người ta cứ muốn dối nhau để rồi cả hai không thoải mái tẹo nào? Họ thường làm cho nhau không vui, và càng làm cho nhau bị tổn thương. Và rồi họ cùng bên nhau nhưng hai trái tim đã đập khác nhịp nhau...!

Sống trên đời cần lắm một tấm lòng biết yêu thương, bao dung, nhường nhịn, quan tâm, chia sẻ. Để ta thấy ấm lòng và tự tin cùng dìu nhau bước tiếp trên con đường phía trước đầy khó khăn, đầy cạm bẫy, mà có lúc tưởng chừng như ta quỵ ngã, bỏ cuộc. Cần lắm một bàn tay dìu ta đứng dậy cùng đi tiếp. Thế nhưng hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Có thể không khi một người đã tạo ra, và có thể không? Tình yêu cho đi mà không cần nhận lại được hay không? Giá trị của tình yêu đích thực có phải xuất phát từ "cám ơn, cảm phục" chăng? Hay là lại sống từ lý trí? Hay từ con tim vốn có? Hay là tất cả?

Và có phải nó xuất phát như thế nào thì nó sẽ trở về như thế đó chăng? Có trả lại được chăng, hay mỗi người mang theo một vết thương khó lành? Mang theo cả những nỗi buồn và những điều tiếc nuối. Cũng bởi ta chưa thật lòng với mình. Ta đã để tình yêu trong ta trôi đi thật là ngớ ngẩn, vì ta cần một người thay thế? Ta cần và cần gì trong cuộc sống này? Ta vẫn không thể xác định được là ta muốn gì thật ư? Tại sao lại cứ phải sống như thế để rồi ta lại làm tổn thương ta và người ta thương yêu? Người đã đem cả lòng thương yêu ta đến thế? Có phải tình yêu nó xuất phát từ "anh yêu em" chăng? Có đơn giản đến thế không?

Giá tr ca hnh phúc con người tưởng chng nó quá phc tp, nhưng ch cn vài phút, ta có th nhn ra. Đó là: Hãy sng tht lòng vi nhau, hãy yêu thương nhau tht lòng, hãy lo lng cho nhau và dành cho nhau tt c cm xúc... Ch by nhiêu thôi không phi ai cũng nhn ra được điu này...!
 
St Internet
Nguồn tin: thanhcavietnam.net