PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 2
TẠI SAO PHẢI PHÂN ĐỊNH ĐỂ TÌM Ý CHÚA?
Làm sao để tìm được chọn lựa tốt nhất là ước mong của
mọi người. Để làm điều đó cần biết phân
định (discern, discernment). Đức Thánh
Cha Phanxicô đã muốn đưa thái độ phân định vào lối hành xử của mọi Kitô hữu. Người trẻ cũng cần tập phân định. Không phải chỉ phân định trước những chọn lựa
lớn như chọn bậc sống (đi tu hay lập gia đình) hay chọn người bạn trăm năm, mà
còn phải phân định trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày. Phân định trở thành một thói quen tự nhiên làm
cho cả cuộc sống được thống nhất theo một hướng.
Thiên Chúa không giấu ý muốn của
Ngài đối với ta, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta phân định để tìm ý Ngài như một cử
chỉ khiêm tốn của lòng kính trọng và yêu mến. Hơn nữa, tìm ý Chúa cũng là hành vi mà chỉ con
người có lý trí, ý chí và tự do mới làm được. Đó là một hành vi nhân linh. Mỗi người phải tìm ý Chúa cho cuộc đời mình. Chẳng ai làm thay cho mình được, vì trong từng
hoàn cảnh, mỗi người có những câu hỏi rất riêng tư. Hùng tự hỏi có nên vào chủng viện khi ở nhà chỉ
có người mẹ già sống một mình không? Hương sẽ chọn ai làm chồng, anh Thắng giàu có,
đạo đức, nhưng không cùng tôn giáo, còn anh Phúc thì nghèo hơn, ít đạo đức hơn,
nhưng cùng tôn giáo và được lòng mẹ của Hương? Phát được làm trong Ban giám hiệu của một trường
quốc tế. Anh suy nghĩ có nên tiếp tục
làm việc ở trường này nữa không vì thấy nó quá chú tâm vào lợi nhuận? Phát có nên ở lại trường với hy vọng từ từ
mình có thể đổi được hướng đi của trường? Duyên phải giúp cha mẹ nuôi các em. Cô tìm được một chỗ làm lương cao để nuôi các
em, nhưng cô lại không được nghỉ ngày Chúa nhật, ít có giờ đi lễ hay tham gia một
nhóm sống đạo. Duyên có nên tìm một việc
khác ít lương hơn nhưng có sự thảnh thơi hơn không?
Tìm ý Chúa không phải là chọn giữa
một điều tốt và một điều là tội. Thánh
Inhaxiô Loyola nhắc chúng ta không được phép chọn một điều xấu hay ngược với
giáo lý của Hội Thánh (Linh Thao số 170). Thí dụ không được lấy một người đã lập gia
đình và vẫn đang sống với người phối ngẫu; không được ly dị người bạn đời của
mình để lấy người khác; không được phá thai…
Tìm ý Chúa là tìm xem Chúa muốn tôi làm điều nào giữa hai (hay nhiều điều)
được phép làm. Giữa hai điều tốt, tôi chọn
điều tốt hơn mà tôi biết mình có thể làm được nhờ ơn Chúa.
Ngay cả khi đã biết ý Chúa, chúng
ta cũng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi cụ thể hơn. Thí dụ, bác sĩ Phong mới ra trường, phải suy
nghĩ xem Chúa muốn mình phục vụ ở vùng quê hay ở thành phố. Nếu về vùng quê thì có nhiều cơ hội giúp người
nghèo, nhưng đời sống vật chất của mình và sự thăng tiến trong nghề sẽ ra sao?
Một bạn trẻ quyết định đi Mùa Hè
Xanh cũng phải phân định để tìm ý Chúa. Nên
đi khi nào? Địa điểm nào cần sự hiện diện của tôi hơn? Tôi sẽ làm gì
khi đến đó? Tôi sẽ ở đó bao lâu? Có câu trả lời
chỉ tìm ra được khi đến nơi mình phục vụ. Ánh sáng của Chúa đến với tôi qua thực tế tôi đang trải
nghiệm. Nếu tôi còn nhiều môn phải thi lại hay tôi còn phải
hoàn tất bài luận văn ra trường, thì năm nay tôi có nên đi Mùa Hè Xanh, hay chỉ
đi một tuần thôi?
Nói chung, hàng ngày ai cũng phải
đối diện với những chọn lựa. Trước đây, trên đường lên Đà Lạt, có ngôi nhà
thờ căng một tấm bảng lớn có ghi câu: Sống là Chọn. Mà chọn thì phải
bỏ. Bỏ nhiều khi làm tôi thấy mình bị giằng co, xâu xé, tiếc
nuối, đau đớn. Tôi không thể nào chọn mọi sự, vì tôi không thể
nào làm hết mọi sự, dù lòng tôi có tốt đến đâu. Tôi không thể
vừa muốn đi tu, vừa muốn tiếp tục nuôi dưỡng mối tình với người ấy. Tôi không thể
lập gia đình với hai người, dù tôi đã có nhiều kỷ niệm với cả hai, dù mỗi người
đều có những nét riêng làm tôi ngưỡng mộ. Chấp nhận chọn là chấp nhận có thể bị tổn thương, ít
là lúc đầu. Không muốn chịu tổn thương thì cũng không chạm đến chọn
lựa một cách triệt để.
Thường thường người ta chọn lựa dựa
theo cái tôi của mình. Cái tôi của tôi là trung tâm. Tôi chọn điều
tôi thích. Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho tôi: tiếng tăm, tiền
bạc, khoái lạc, quyền lực… Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho đất nước tôi, cho
gia đình tôi, cho những người thân của tôi, cho tổ chức hay nhóm của tôi, dù
cái lợi ấy gây hại cho nước khác hay người khác. Khi đọc báo
hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người đã chọn theo kiểu ấy, vì thế biết bao thảm
kịch đã xảy ra khắp nơi trên toàn cầu: chiến tranh, xung đột, giết chóc, bất
công, tham nhũng, dối trá, bóc lột, áp bức, kỳ thị, hố sâu giữa người giàu người
nghèo… Mọi nỗi khổ đau của nhân loại đến từ những chọn lựa
quy về cái tôi và những gì là của tôi. Khi cái tôi trở thành tiêu chuẩn để chọn lựa, thì tôi
không thể nghĩ đến người khác, không thể tôn trọng quyền lợi của họ.
Như thế để làm một lựa chọn đúng
đắn, tôi phải được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ. Tôi không bị
nô lệ cho cái tôi đầy thèm muốn chiếm đoạt của mình. Dĩ nhiên là
tôi phải yêu tôi, nhưng tôi lại không phải là trung tâm để mọi sự, mọi người phải
quy hướng vào đó. Trung tâm của tôi phải ở ngoài tôi, phải ở trên tôi. Đối với một Kitô
hữu, trung tâm của tôi là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhờ Đấng ấy mà tôi hiện hữu
trên đời này. Mọi chọn lựa của tôi phải quy về Đấng ấy.
Các nhà luân lý nói đến việc mỗi
người cần xác định đâu là lựa chọn căn bản của đời mình (fundamental option). Tôi chọn tôi
hay chọn Thiên Chúa? Tôi chọn tôi hay chọn tha nhân? Lựa chọn căn
bản này sẽ chi phối mọi lựa chọn nhỏ khác của đời tôi.
(Còn
tiếp)
Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn:
https://dongten.net