PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI
THƯỜNG – PHẦN 1
Làm sao biết được ý Chúa? Đó là câu hỏi
mà nhiều bạn trẻ thường hỏi tôi. Thật ra câu hỏi này chẳng của riêng ai. Câu hỏi này
đi theo suốt đời con người, đặc biệt với những ai có tâm hồn khao khát kết thân
với Chúa. Chính điều này giúp người tín hữu tìm được ý nghĩa
đích thực của đời mình. Nếu không khao khát thì cần gì phải tìm kiếm ý Chúa. Ta cứ làm
theo điều ta nghĩ, điều ta thích, điều làm ta thấy thoải mái, dễ chịu là được. Nhưng người đặt
mình trong tương quan với Chúa không sống như vậy, không coi mình là trung tâm,
không muốn tự định đoạt đời mình. Họ biết mình là một thụ tạo, và trên đầu mình còn có Đấng
tạo ra mình. Họ muốn sống theo ý muốn của Đấng ấy, không bị áp đặt
như một nô lệ, nhưng hạnh phúc như một người con. Chính việc biết
mình đã sống đúng theo ý của Đấng đã cho mình sống trên đời, đem lại cho họ hạnh
phúc và bình an.
Làm sao biết được ý của Thiên Chúa? Thiên Chúa có
thường giấu kỹ ý muốn của Ngài không? Hẳn là không rồi. Thiên Chúa rất
muốn bày tỏ ý của Ngài cho con người, cho từng người. Ngài muốn mặc
khải về kế hoạch riêng Ngài có với từng người chúng ta. John Powel viết
một câu rất ý nghĩa:
Thiên Chúa sai mỗi người đến
thế gian
với một sứ điệp để loan báo,
với một bài ca đặc biệt để hát lên,
với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng.
Ai cũng có thể hát vang một bài
hát đặc biệt, không giống với những bài hát của người khác. Ai cũng có một
sứ điệp đặc biệt để loan báo, và một cách đặc biệt để thể hiện tình yêu. Chỉ mình Thiên
Chúa mới có thể làm cho những đặc biệt và dị biệt đó thành một bản giao hưởng
tuyệt vời của hơn 7 tỷ con người. Mỗi bạn trẻ cũng được mời gọi tìm ra bài ca mà Thiên
Chúa muốn mình hát bằng cuộc đời mình.
THIÊN CHÚA BÀY TỎ Ý MUỐN CỦA NGÀI CHO CON NGƯỜI
Trong Cựu Ước có nhiều cách tìm ý
Chúa. Có thời người ta đi tìm ý Chúa bằng cách bốc thăm (x.
Xh 28, 30). Saul đã bốc thăm để xem ai là người có tội, một bên là
ông và Gionathan con trai ông, bên kia là dân Chúa (x. 1 Sm 14, 41). Saul còn bốc
thăm lần nữa để biết giữa ông và Gionathan, ai là người có tội (x. 1 Sm 14,
42). Việc bốc thăm để tìm ý Chúa sau này bị mai một dần,
tuy Tân Ước cũng có lần nói đến việc bốc thăm. Khi các tông
đồ tìm một người thay thế Giuđa, họ đã có hai ứng viên hội đủ mọi điều kiện, đó
là Giô-xếp và Mát-thia (Cv 1, 21-23). Biết chọn ai bây giờ? Các tông đồ
bèn cầu nguyện để xin Chúa cho biết thánh ý. Và họ đã muốn
tìm ý Chúa qua việc bốc thăm (x. Cv 1, 24-26). Ông Mát-thia là người trúng thăm
để vào số Mười Hai tông đồ.
Có khi con người không phải đi
tìm ý Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đích thân đến với con người để bày tỏ ý định
của Ngài. Câu chuyện cậu Samuel được Chúa gọi ở đền thờ Si-lô là
một thí dụ (1 Sm 3). Đức Chúa cao cả muốn gặp cậu vào ban đêm khi cậu
đã yên giấc. Ngài gọi tên cậu, và cậu đã nghe được tiếng ấy. Nhưng tiếng gọi
của Chúa không khác với tiếng của thầy cả Êli nên Samuel tưởng là thầy mình gọi.
Mau mắn, kính
trọng và sẵn sàng, cậu đã chạy đến gặp thầy: Dạ con đây, thầy gọi con. Chúa đã gọi cậu
lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nhưng cậu vẫn chưa nhận ra tiếng Chúa, cậu vẫn tưởng
đó là tiếng thầy Êli. Nhưng khi Samuel đến gặp Êli lần thứ ba, thì thầy hiểu
ra là Samuel không nằm mơ, chính ĐỨC CHÚA gọi Samuel chứ không phải ai khác. Thầy đã cho
Samuel một lời khuyên tuyệt vời: Nếu có ai gọi con thì con thưa: Lạy ĐỨC CHÚA,
xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe. ĐỨC CHÚA lại
gọi tên Samuel lần thứ tư, và gọi tên cậu hai lần (1 Sm 3, 10). Samuel đã
nghe và đáp lại tiếng gọi của ĐỨC CHÚA - Đấng cao cả
trò chuyện với một cậu bé trong đêm tối. Samuel lớn lên, được nuôi bằng những cuộc gặp gỡ như
thế, và trở thành ngôn sứ của Chúa để chuyển đạt ý Chúa cho dân.
Một câu chuyện khác cũng cho thấy
Thiên Chúa tỏ lộ ý định của Ngài cho một người, cả khi người ấy tin chắc là
mình đã tìm thấy rồi. Đó là trường hợp của ông Sao-lô (còn gọi là Sa-un hay
Phaolô) trên đường đi Đamát. Sao-lô coi những người Do-thái tin theo ông Giêsu là
những người chạy theo tà đạo. Ông đi Đamát để bắt những người ấy, trói lại và giải về
Giêrusalem (x. Cv 9, 1-2). Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với ông. Lập tức ông
biết mình đã sai lầm và trở lại. Cuộc đời của ông lật sang một trang mới. Từ một người
bách hại Đạo, Sao-lô trở thành vị tông đồ nhiệt thành rao truyền Đạo khắp mọi
nơi.
Vào ngày 10-9-1946 trên chuyến xe
lửa đi từ Calcutta đến Darjeeling để làm tĩnh tâm năm, Mẹ Têrêsa đã nhận được một
tiếng gọi mới. Khi ấy Mẹ đã ở trong Dòng Loreto được gần 20
năm, đã khấn lần cuối, đã làm hiệu trưởng một trường nữ sinh và được mọi người
yêu mến vì thánh thiện và tài năng. Theo lẽ tự nhiên thì cuộc đời Mẹ đã có bến đỗ. Nhưng ngày
hôm đó, một điều xảy ra mà Mẹ không sao giải thích nổi. Đó là cơn khát
của Chúa Giêsu xâm chiếm trái tim Mẹ: khát tình yêu và các linh hồn. Từ đó Mẹ thấy
một ước muốn mãnh liệt làm thỏa cơn khát của Chúa. Những ngày
tháng sau đó, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thổ lộ với Mẹ về khát khao của lòng mình,
và nài xin: “Hãy đến làm ánh sáng của Ta. Ta không thể đi một mình.” Ngài xin Mẹ lập một cộng
đoàn dòng tu để phục vụ những người nghèo nhất. Hai năm sau,
Mẹ đã ra khỏi Dòng Loreto để bước vào thế giới của người nghèo, trong chiếc áo
sari trắng viền xanh.
Thiên Chúa đã bày tỏ ý muốn của
Ngài cho Samuel, Sao-lê, Têrêsa và muôn vàn người khác trong dòng lịch sử. Ngài trao cho
họ một sứ mạng. Ngày nay nhiều bạn trẻ cũng có những kinh nghiệm
tương tự. Những kinh nghiệm đánh động trái tim họ và kéo họ đi,
nâng họ lên một tầm cao mới, mở ra một chân trời mới. Cuối cùng họ đã
buông mình để theo một tiếng gọi, hay đúng hơn theo một Đấng làm thay đổi hoàn
toàn đời họ.
(Còn
tiếp)
Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Nguồn:
https://dongten.net