Thiên Chúa Hiện Diện Giữa Dân Người

 

THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN GIỮA DÂN NGƯỜI

 


Những lo toan bận rộn và khó khăn bế tắc của cuộc sống dễ lôi kéo chúng ta vào một vòng xoay bất tận.  Hậu quả là chúng ta quên lãng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.  Dù muốn hay không, con người cần có Thượng Đế.  Ki-tô hữu là người hướng về Chúa như hoa hướng dương hướng về mặt trời, như hơi thở đối với thân xác và như lương thực nuôi sống hằng ngày.  Trong Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc chúng ta: đừng quên sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Người. Danh xưng Đấng Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.  Vì thế, hãy vui lên và hãy nhìn cuộc đời này với lăng kính tích cực và với lòng nhân ái.  Thiên Chúa cũng rất vui mừng khi ở giữa chúng ta.

 

Xô-phô-ni-a là vị ngôn sứ người Do Thái sống ở thế kỷ VII trước Công Nguyên, và hoạt động ở miền Nam dưới triều vua Giô-si-gia-hu (640-609 TCN).  Sứ điệp của ông là bảo vệ người nghèo, lên án giai cấp lãnh đạo và các thẩm phán đương thời, cùng với những thói tục xấu và việc thờ ngẫu tượng.  Ông cũng là ngôn sứ của niềm hy vọng, với niềm xác tín Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Người.  Đoạn sách được đọc trong Chúa Nhật hôm nay là phần kết của cuốn sách mang tên ông.  Vị ngôn sứ mời gọi dân Do Thái hãy vui mừng, kể cả giữa những bất công và thảm họa, vì Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Người.  Ngài hiện diện để nâng đỡ, ủi an những ai đang đau khổ.  Ông cũng dùng một kiểu nói rất bạo dạn để diễn tả Thiên Chúa: “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” “Thiên Chúa nhảy múa” là một hình ảnh kỳ lạ và bất thường.  Trong một số truyền thống văn hóa cổ xưa, người ta quan niệm các vị thần cũng giống như con người.  Họ cũng vui, cũng buồn và cũng giận dữ.  Thiên Chúa của người Do Thái là Đấng luôn vui mừng hân hoan.  Ngài chia sẻ vận mạng của Dân Ngài.

 

Cũng như người Do Thái thời ngôn sứ Xô-phô-ni-a, các Ki-tô hữu cũng được mời gọi hãy vui mừng, vì Chúa gần đến.  Đó là lời giáo huấn của thánh Phao-lô với tín hữu Phi-líp-phê.  Ki-tô hữu là người đang chờ đợi Chúa đến.  Vậy phải làm sao để khi Chúa đến, Người thấy chúng ta đang sống hiền hòa rộng rãi, tương thân tương ái với anh chị em đồng đạo và đồng loại.  Khi sống hiền hòa, là chúng ta làm lan tỏa tinh thần yêu thương như Chúa đã dạy.  Người tin Chúa luôn vui mừng, vì có Chúa ở với chúng ta.  Người luôn đồng hành với chúng ta trên từng bước đi của nẻo đường dương thế.

 

Chuẩn bị để đón Chúa, đó cũng là thời điểm để mỗi chúng ta nhìn lại mình.  Thánh Gio-an Tẩy giả xuất hiện là một hiện tượng đặc biệt đối với người Do Thái.  Qua lời giảng, ông Gio-an khẳng định với những người đương thời: điều mà cha ông chúng ta vẫn chờ đợi, nay sắp đến rồi.  Để có thể đón tiếp Người, mỗi người phải sám hối.  Lãnh nhận phép rửa do ông cử hành là hành vi sám hối, hoán cải canh tân để trở nên con người mới.

 

Mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội lại mượn lời rao giảng của thánh Gio-an Tẩy giả, giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa.  Thực ra Chúa Giê-su đã đến trong lịch sử.  Người đã sinh ra tại hang đá Be-lem cách đây hơn hai ngàn năm.  Nếu Giáo Hội mời gọi chúng ta đón Chúa, là để giúp chúng ta tái xác tín vào sự hiện diện của Người trong cuộc đời và trong tâm hồn chúng ta.  Những khuynh hướng xấu, tội lỗi và đam mê là lực cản che lấp sự hiện diện của Chúa.  Sám hối sửa mình, sẽ giúp ta nhận ra Chúa và cố gắng để nên giống như Người.

 

“Chúng tôi phải làm gì?”  Đó là câu hỏi mà những người Do Thái đặt ra cho ông Gio-an Tẩy giả.  Đoàn người đến cùng ông rất đa dạng.  Họ là những người thu thuế, những quân nhân và nông dân.  Ông Gio-an đưa ra những lời khuyên cụ thể cho từng trường hợp.  Đối với chúng ta, tâm tình sám hối để đón Chúa đến không phải là chung chung mờ nhạt, nhưng cụ thể và phải được chứng minh bằng việc làm.

 

Tâm tình hân hoan vui mừng còn được thể hiện trong sách I-sai-a được chọn cho phần Đáp ca của Thánh lễ: “Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò, vì giữa người, Đức Thánh của Ít-ra-en thật là vĩ đại!”  Thiên Chúa không phải là một vị thần nghiêm khắc hay một ông chủ độc tài.  Ngài là Cha yêu thương, luôn ở giữa chúng ta và ban cho chúng ta niềm an ủi.  Sự hiện diện của Chúa sẽ giúp chúng ta xua tan tăm tối, lan tỏa niềm vui và tràn trề niềm hy vọng.  Bầu khí nhộn nhịp, hân hoan tưng bừng trong những ngày Giáng Sinh gần kề nhắc chúng ta: Chúa đang ngự giữa chúng ta, và chúng ta vui mừng được đón tiếp Ngài.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên