THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH
Có vô số người, vương cung thánh
đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu viện, thị trấn và thành phố được đặt
tên Thánh Giuse. Quê hương Canada của
tôi nhận ngài làm đấng bảo trợ.
Vậy chính xác Giuse này là ai? Ngài là nhân vật lặng lẽ trong câu chuyện
Giáng Sinh, với tư cách chồng của Đức Mẹ và nghĩa phụ của Chúa Giêsu, rồi sau
đó, ngài không còn được nhắc đến lần nào nữa. Hình ảnh của lòng mộ đạo bình dân có về ngài
là hình ảnh của một người lớn tuổi, bảo vệ cho Đức Mẹ, người thợ mộc, khiết tịnh,
thánh thiện, khiêm nhường, lặng lẽ, thánh bảo trợ hoàn hảo cho người lao động
chân tay và những nhân đức thầm lặng, hiện thân của đức khiêm nhường.
Chúng ta thật sự biết được gì về
ngài?
Trong phúc âm Thánh Matthêu, việc
thụ thai Chúa Giêsu được báo cho Thánh Giuse thay vì cho Đức Maria. Trước khi họ đến với nhau, Đức Maria đã có
thai nhờ Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng
bà là người ngay thẳng và không muốn làm cho bà phải hổ thẹn, nên đã quyết định
âm thầm tuyệt hôn với bà, vừa lúc đó một thiên thần xuất hiện trong giấc mơ và
bảo ngài đừng sợ cưới Đức Maria về làm vợ, rằng đứa bé trong bụng Đức Maria được
thụ thai nhờ Thánh Thần.
Đoạn này nói lên điều gì?
Hầu hết là những điều mang tính
tượng trưng. Thánh Giuse trong câu chuyện
Giáng Sinh rõ ràng làm chúng ta liên tưởng đến Giuse trong Cựu Ước, cũng được
báo mộng, cũng đi Ai Cập, cũng cứu gia đình. Cũng như vậy, vua Hêrôđê rõ ràng là tái hiện
vua Pharaô Ai Cập, cả hai đều cảm thấy bị đe dọa, đều giết con trai người Do Thái,
nhưng Thiên Chúa đã bảo vệ mạng sống của họ, sẽ cứu họ.
Nhưng sau tính biểu tượng đó,
Thánh Giuse trong câu chuyện Giáng Sinh còn có câu chuyện riêng của ngài. Ngài được cho là người “ngay thẳng,” theo các
học giả, đây là cách gọi ngụ ý ngài tuân theo Lề luật của Thiên Chúa, tiêu chuẩn
thánh thiện tối cao của người Do Thái. Về
mọi mặt, ngài không có gì đáng trách, ngài là gương mẫu của sự tốt lành, thể hiện
qua việc ngài không muốn vạch trần để làm nhục Đức Maria, dù ngài quyết định sẽ
âm thầm tuyệt hôn.
Về mặt lịch sử, chuyện gì đã xảy
ra?
Theo những gì chúng ta có thể làm
tái hiện, thì bối cảnh mối quan hệ giữa thánh Giuse và Đức Maria là như sau. Phong tục hôn nhân thời đó là khi đến tuổi dậy
thì, người phụ nữ trẻ sẽ được cha mẹ sắp xếp gả cho một người đàn ông, thường
là lớn hơn vài tuổi. Họ sẽ hứa hôn, về
căn bản là thành vợ chồng, nhưng chưa sống với nhau và chưa có quan hệ tình dục
trong vài năm. Luật do thái đặc biệt
nghiêm ngặt về chuyện hai người phải giữ khiết tịnh trong thời gian hứa hôn. Trong thời gian này, người thiếu nữ sẽ tiếp tục
sống với cha mẹ mình, còn người đàn ông sẽ đi dựng nhà và tìm một nghề nghiệp để
có thể chu cấp cho vợ sau khi hai người sống chung.
Thánh Giuse và Đức Maria đang ở
giai đoạn này, là vợ chồng về pháp lý, nhưng chưa sống với nhau, thì Đức Maria
có thai. Thánh Giuse biết đứa con không
phải của mình, như thế là có vấn đề. Nếu
ngài không phải là cha đứa trẻ, vậy ai là cha đứa bé? Để giữ thanh danh của mình, ngài có thể yêu cầu
điều tra công khai, và làm Đức Maria sẽ bị cáo buộc tội gian dâm, đồng nghĩa với
cái chết. Nhưng ngài quyết định “lặng lẽ
tuyệt hôn,” nghĩa là tránh cuộc điều tra công khai có thể sẽ làm cho Đức Maria
bị rơi vào tình cảnh khó xử và tình thế nguy hiểm.
Rồi sau khi được báo mộng, ngài đồng
ý đưa Đức Maria về nhà mình làm vợ, đặt tên con như con của mình, như thế là nhận
mình là cha đứa trẻ. Khi làm như thế,
ngài giúp Đức Maria không bị bẽ mặt, thậm chí còn cứu cả mạng sống cho Đức
Maria, và ngài cho đứa trẻ sắp sinh ra có một vị thế được đón nhận về mặt tôn
giáo, xã hội, vật chất, đồng thời nuôi dạy đứa trẻ. Nhưng ngài còn làm một việc khác nữa, một việc
không hữu hình bằng. Ngài cho thấy người
ta có thể là một tín hữu ngoan đạo, đầy đức tin vào mọi sự trong tôn giáo của
mình, nhưng đồng thời lại mở lòng với một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu tôn giáo
và nhân văn của mình.
Đây chính là vấn đề đối với nhiều
tín hữu Kitô, kể cả Thánh Matthêu, vào thời điểm các Phúc âm được viết. Họ là những người Do Thái tận tâm không biết
làm sao để đưa Đức Kitô vào khung tôn giáo vốn có của mình. Khi Thiên Chúa đi vào đời sống con người theo
những cách mới mẻ thì không thể tưởng tượng nổi, con người phải làm gì? Với một khái niệm bất khả thi, chúng ta phải
làm thế nào? Thánh Giuse là một gương mẫu.
Như thần học gia Raymond Brown nói:
“Nhân vật chính trong câu chuyện sơ khai của thánh Matthêu là thánh Giuse, một
người Do Thái tuân theo Lề luật nhưng nhạy bén. Trong Thánh Giuse, thánh sử đã họa nên điều mà
ngài nghĩ một người Do Thái (ngoan đạo thật sự) nên là, và có lẽ cũng là điều
mà ngài đã sống như vậy.”
Về căn bản, Thánh Giuse dạy chúng
ta cách sống trong lòng trung tín yêu thương với mọi sự mà chúng ta bám vào về
mặt nhân bản hay tôn giáo, đồng thời chúng ta cũng mở lòng với mầu nhiệm của
Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta vượt ra ngoài mọi phạm trù thực hành và tưởng tượng
tôn giáo. Và đây chẳng phải là thách thức thật sự của
Giáng Sinh hay sao?
Rev. Ron Rolheiser, OMI