NIỀM VUI TRỞ VỀ
Sắc
áo tím của Phụng vụ mùa Chay có thể làm nhiều người hiểu mùa Vọng là thời gian
khổ chế. Ngược lại, mùa Vọng là mùa của
niềm vui. Niềm vui vì Chúa sắp đến. Niềm vui vì ta được trở về với Ngài.
Mặc dù xuất phát ở những bối cảnh khác nhau, các Bài đọc
Kinh Thánh đều diễn tả niềm vui. Trước hết
đó là niềm vui mà ngôn sứ Ba-rúc đã loan báo. Ông kêu gọi dân cư Giê-ru-sa-lem hãy cởi bỏ
tang chế, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu. Các chuyên viên Kinh Thánh đều kết luận sách
ngôn sứ Ba-rúc được viết vào khoảng từ năm 582-550, tức là vào cuối thời lưu
đày của người Do Thái tại Ba-bi-lon. Giống
như ngôn sứ I-sai-a, ngôn sứ Ba-rúc loan báo ngày Thiên Chúa sẽ giải phóng dân
Ngài. Ngài sẽ dẫn đưa họ về quê cha đất
tổ. Đất nước của họ sẽ trở lại tươi sáng
như xưa. Giê-ru-sa-lem sẽ sầm uất kẻ đến
người đi. Đô thành Hòa Bình này sẽ phủ
bóng rừng xanh với muôn loài sản vật.
Niềm
vui ngôn sứ Ba-rúc loan báo đã được thực hiện vào năm 539. Vua Ky-rô, người Ba Tư đã ký sắc lệnh cho người
Do Thái hồi hương. Họ tin Ky-rô là người
Thiên Chúa sai đến giải phóng dân Ngài. Thánh
vịnh 125 được đọc trong phần Đáp ca diễn tả niềm vui vỡ òa của dân tộc. Bao năm tha hương, nay họ trở về quê cha đất tổ.
Nhiều người tưởng chừng như đang ngủ mơ.
Thiên
Chúa luôn dẫn chúng ta trên con đường trở về với Ngài. Sám hối canh tân chính là điều kiện cần thiết
để chúng ta tìm được niềm vui trong cuộc sống cũng như trong tâm hồn. Ông Gio-an Tẩy giả xuất hiện từ hoang địa. Ông là một sứ giả đến loan báo niềm vui mà dân
Do Thái bao đời mong đợi: Đấng Thiên sai sắp đến. Sống cách thời điểm này quá xa về thời gian và
không gian, chúng ta không cảm nhận được niềm vui của người Do Thái trước lời
loan báo Đấng Thiên sai sắp đến. Về bối
cảnh xã hội, lúc đó dân đang bị ách Rô-ma cai trị. Về khía cạnh tôn giáo, lời cầu nguyện xin Chúa
gửi Đấng Thiên sai luôn luôn vang vọng trong các buổi đọc Kinh Thánh. Vì thế, dân chúng đông đảo đến nghe ông Gio-an
rao giảng, và sẵn sàng cúi mình xuống để xin ông làm phép rửa trong dòng sông
Gio-đan.
Người
Ki-tô hữu cần cảm nhận được niềm vui trong đức tin. Chúng ta vui vì có Chúa đang ở với chúng ta. Đức Ki-tô đã hứa với các môn đệ: “Này
đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Vì vậy, lời loan báo của ngôn sứ Ba-rúc và
thánh Gio-an Tẩy giả vẫn luôn mang tính thời sự đối với chúng ta. Chúa Giê-su đã đến trong lịch sử, cách đây hơn
hai ngàn năm. Hiện tại, Người hiện diện
giữa chúng ta một cách huyền nhiệm linh thiêng. Vào cuối cùng của thời gian, Người sẽ đến
trong vinh quang “để phán xét kẻ sống và kẻ chết” như chúng ta
tuyên xưng trong Kinh Tin kính. Ki-tô hữu
là người luôn tỉnh thức và đợi chờ biến cố Chúa Giê-su tái lâm, tức là đến lần
thứ hai trong vinh quang. Người vừa hiện
diện giữa chúng ta, vừa dường như vắng bóng trong cuộc đời. Bởi lẽ sự hiện diện của Chúa là linh thiêng và
huyền nhiệm.
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầu; mọi núi đồi
phải bạt cho thấp; khúc quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm phải san cho
phẳng.” Những gì ông Gio-an Tẩy giả khuyên người Do Thái năm
xưa, vẫn đang giúp chúng ta nhìn lại bản thân để xét mình trước mặt Chúa. Trong nội tâm chúng ta, vẫn còn đó những đồi
cao của kiêu ngạo; thung lũng của yếu đuối; quanh co của mưu đồ. Để đón Chúa đến trong tâm hồn, cần phải sám hối
canh tân và buông bỏ những gì là bất xứng.
Niềm
vui xuất phát từ tình yêu mến. Đó là điều
thánh Phao-lô đã cảm nhận, như ông tâm sự với giáo dân thành Phi-líp-phê. Những tín hữu của cộng đoàn này yêu mến ông
Phao-lô và điều đó, tạo cho ông niềm vui thân thương. Ông cũng yêu mến họ và vui sướng mỗi khi cầu
nguyện cho họ. Ông đã viết: “Có
Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình yêu
thương của Đức Ki-tô Giê-su. Điều tôi khẩn
khoản nài xin là cho lòng mến của anh em ngày càng thêm dồi dào… để nhận ra cái
gì là tốt hơn.” Theo thánh Phao-lô,
khi sống với nhau bằng tình yêu mến, chúng ta sẽ tiến xa trong sự hiểu biết
Thiên Chúa và hiểu biết nhau. Như vậy,
chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận ý Chúa và cùng nhau xây dựng một thế giới an bình.
Niềm
vui của mùa Vọng là niềm vui trở về. Như
dân Do Thái hồi hương sau những năm dài sống nơi lưu đày, chúng ta được trở về
với Chúa, để được gặp Ngài và nhờ đó được tiến triển trong tình yêu mến Chúa và
yêu mến tha nhân.
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên