Thánh Phanxicô Xaviê

 

        PHANXICÔ XAVIÊ – VỊ THÁNH SAY MÊ CHINH PHỤC CÁC LINH HỒN

 


Được mệnh danh là Phaolô của thế kỷ XVI, thánh Phanxicô Xaviê luôn luôn thao thức về số phận của những linh hồn chưa bao giờ được nghe Tin Mừng.  Lời Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10, 20) luôn vang vọng và thôi thúc trong tâm trí thánh nhân.  Thánh nhân đã xúc động cực độ khi thấy có rất nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu.

 

Phanxicô chào đời ngày 07/04/1506 tại lâu đài Javier (Javier Castillo) gần thành phố Pamplona, miền Navarra, Tây Ban Nha, trong một gia đình danh giá và giàu có.  Ngài là con út trong gia đình có năm người con.  Năm lên 19 tuổi, Phanxicô được gửi đến Paris học tại học viện Sainte – Barbe thuộc đại học Paris.  Sau khi tốt nghiệp văn chương và triết lý, Phanxicô được bổ nhiệm làm giáo sư triết lý tại đại học Paris.  Vị giáo sư trẻ Phanxicô sớm nổi tiếng và được ca tụng trong giới sinh viên đại học thời bấy giờ.

 

Những tưởng vị giáo sư trẻ Phanxicô sẽ còn tiến xa hơn trên con đường công danh và sự nghiệp, thế nhưng, qua trung gian của một người bạn chí thân – thánh Inhaxiô, câu Lời Chúa: “nếu được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16,16) đã chinh phục và làm thay đổi hoàn toàn nơi vị giáo sư trẻ vốn thông minh và đầy tham vọng.  Kể từ đó, Phanxicô đã tùy thuộc hoàn toàn vào kế hoạch nhiệm mầu của Chúa và trở nên khí cụ đắc lực của Tin Mừng.

 

Ngày 15/08/1534, cùng với Inhaxiô và năm anh em khác, Phanxicô đã dâng lời khấn khó nghèo, trinh khiết và sống cộng đoàn để “cùng nhau phục vụ Chúa,” khai nguyên Dòng Tên (Société de Jésus).  Ngày lễ thánh Gioan Tẩy Giả 24/06/1537, tại Venise, Phanxicô được chịu chức linh mục.  Kể từ đó, ngài gia tăng việc ăn chay, hãm mình, suy niệm và thực hành bác ái nhằm không ngừng thánh hóa bản thân và chuẩn bị hành trang cho sứ vụ mà Chúa sắp trao phó cho ngài.

 

Được thúc đẩy và hun nóng bởi khát vọng và lòng say mê cho Danh Chúa được cả sáng (Ad majorem gloriam Dei) và cho nhiều linh hồn được cứu rỗi (Ad salutem aminarum), vị linh mục trẻ Phanxicô Xaviê đã khao khát được đến với khắp mọi nơi để đem Chúa đến cho mọi người.  Với con tim rực cháy lửa mến Chúa và cháy bỏng khát khao thu phục các linh hồn đã đưa Phanxicô Xaviê vượt đại dương đến với miền Viễn Đông xa xôi, đầy khó khăn và nhiều khác biệt.  Cũng nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo đó, Phanxicô Xaviê đã can đảm gặp gỡ các vị lãnh chúa miền Á Đông, tiếp xúc với các tôn giáo truyền thống như Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Khổng giáo.  Trên tất cả, ngài luôn trăn trở làm sao đem Chúa Giêsu và Tin Mừng tình yêu của Người đến với tất cả những ai chưa có cơ hội nhận biết Người.

 

Ngày 07/07/1543, thánh Phanxicô Xaviê lần đầu tiên đặt chân lên thành phố Goa, miền tây nam Ấn Độ – một vùng đất hoàn toàn xa lạ đối với ngài, nhưng thánh nhân đã ngày đêm thăm viếng và nâng đỡ đức tin cho những người nghèo, giúp đỡ những người thuộc đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Ấn thời bấy giờ.  Ngài dành nhiều thời gian để di đến các làng mạc thăm viếng, khích lệ những người ốm đau bệnh tật, rửa tội cho trẻ em, dạy giáo lý cho người lớn và tổ chức các giờ kinh lễ.  Trong một lá thư viết từ Ấn Độ gửi cho thánh Inhaxio ở Rôma, thánh Phanxicô viết rằng: “Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Kitô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Kitô hữu.  Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học Châu Âu, trước hết là đại học Paris, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng: tiếc thay, chỉ vì lỗi của các ông mà biết bao linh hồn không được cứu rỗi!” [1]

 

Nhờ sức mạnh của lòng mến, thánh Phanxicô Xaviê đã ngày đêm hăng say chinh phục các linh hồn, mặc dù ngài luôn bị những người theo Ấn giáo và Hồi giáo chống đối.  Trong thư gửi về Rôma cho các anh em Dòng Tên, ngài viết: “Tôi tin rằng, ai thực lòng yêu mến thánh giá Chúa Kitô sẽ tìm thấy an bình khi đương đầu với những thử thách” [2].  Trong một thư khác, thánh nhân viết: “Xin Chúa ban cho chúng ta được biết và nhận ra ý muốn rất thánh của Chúa, và khi đã nhận ra, xin Chúa ban dồi dào sức lực và ân sủng, để với đức mến, chúng ta chu toàn thánh ý Chúa ngay ở đời này” [3].  Và để sức mạnh của lòng mến sinh hiệu quả, theo thánh Phanxicô, lòng mến phải được cụ thể trong hành động ngay ở đời này, và sẵn sàng “đi đến bất cứ nơi đâu để có thể phục vụ Chúa” [4].

 

Là một nhà truyền giáo Tây phương, bị đặt vào thế lưỡng nan, hoặc phải bảo vệ quyền lợi của thực dân Bồ Đào Nha hay bênh vực cho người bản xứ Ấn Độ, nhưng nhờ ơn Chúa, thánh Phanxicô đã chọn con đường khác: liên kết ý muốn của con người theo ý muốn của Thiên Chúa, kết hợp phương tiện với mục tiêu hướng đến tình yêu đích thực và nhắm lợi ích các linh hồn.  Trọn vẹn ý muốn của thánh nhân để chỉ hoàn toàn phục vụ thánh ý Chúa và mưu ích cho các linh hồn, như trong lá thư gửi về Rôma đề ngày 20/09/1542, ngài viết: “xin Chúa ban sức mạnh cho chúng ta ở đời này để chúng ta phục vụ Chúa trong mọi sự như Chúa truyền dạy, và chu toàn thánh ý Chúa ở đời này” [5].

 

Niềm đam mê các linh hồn đã dẫn đưa thánh nhân mạo hiểm dấn thân vào những hoàn cảnh tối tăm bao trùm và dường như bị Chúa bỏ rơi, nhưng sau khi trải qua kinh nghiệm về “sự thing lặng của Thánh Thần” đó, thánh nhân đã đạt đến điểm tận cùng của ý Chúa và khám phá ra niềm an ủi thiêng liêng lớn lao từ bên trong tâm hồn nhờ chu toàn ý muốn rất thánh của Người.  Khi đến quần đảo Môrô ở Nam Dương (Indonesia ngày nay), ngài đã viết thư cho các anh em Dòng Tên ở Rôma đề ngày 20/01/1548, rằng: “Tôi nhớ ngày xưa chưa từng được an ủi thiêng liêng lớn lao và liên tiếp như trên đảo này, lại ít cảm thấy phải cực nhọc về phần xác […].  Thay vì gọi đó là Các Đảo Môrô, có lẽ nên gọi là Các Đảo Hi Vọng Vào Chúa thì hơn” [6].

 

Hăng say dấn thân vì đức tin nơi các vùng đất xa lạ và khắc nghiệt, thánh nhân luôn ước ao nên giống Đức Kitô nhằm phục vụ các linh hồn được nhiều hơn.  Trong tâm trí thánh nhân, điều làm ngài thao thức mãnh liệt và thường trực nhất là những vùng đất và những con người chưa được nhận biết Đức Kitô.  Dù nhận thấy đầy dẫy những hiểm nguy phía trước, như ngài viết: “những nỗi sợ, những hiểm nguy, những đau khổ mà bạn bè nói tới, tôi kể là số không; tôi chỉ còn sợ Thiên Chúa” [7], nhưng thánh nhân vẫn một lòng tận hiến cho kế hoạch của Chúa qua những thúc bách trong chính tâm hồn ngài.  Trong một lá thư viết cho thánh Inhaxiô, đề ngày 01/02/1549, ngài viết: “Con thấy tâm hồn rất phấn khởi.  Con không ngại đi Nhật Bản, vì con cảm nhận trong tâm hồn mình cái gì đó dạt dào, mặc dầu con hầu như chắc chắn sẽ gặp nhiều hiểm nguy lớn lao hơn những gì con từng gặp xưa nay” [8].

 

Chuyện kể lại rằng, một đêm kia, trong lúc ngủ, thánh Phanxicô đã kêu lên: “mas, mas, mas.”  Và sau này, chính ngài giải thích: “Tôi thấy công việc truyền giáo quá mênh mông, nhiều mệt nhọc và nhiều ưu phiền gây nên bởi đói khát, giá lạnh, các chuyến ra đi, những vụ đắm tàu, những cuộc bách hại, những phản bội và nhiều hiểm nguy khác… được gửi đến cho tôi; vì lòng yêu mến mà chính Chúa ban cho tôi và với ơn trợ giúp của Người, tôi chịu đựng được.  Vì thấy chưa đủ, tôi xin Người ban thêm và luôn luôn thêm mãi; nên tôi đã thốt lên những lời ‘mas, mas, mas’, có nghĩa là: ‘nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa.’”  Những lời “nhiều hơn nữa” của Thánh Phanxicô dường như là những thúc đẩy thần bí làm cho thánh nhân hoàn toàn tận hiến cho Chúa Kitô để ơn cứu độ của Người đến được với các linh hồn.

 

Lòng say mê các linh hồn không bao giờ vơi cạn nơi thánh Phanxicô, với ý Chúa nhiệm mầu, thánh nhân đã phải nhìn về đại lục Trung Hoa mênh mông với tình yêu lai láng và ước nguyện lớn lao, nhưng chưa thành hiện thực.  Rạng sáng ngày 03/12/1552, thánh nhân qua đời tại đảo Shanchuan (Trường Xuyên) nơi cửa ngõ của đất Trung Hoa.  Tháng 03/1553, xác ngài được đưa về Malacca (Malaysia) trong tình trạng vẫn tươi nguyên.  Và mùa Chay năm 1554, xác ngài được đưa về Goa (Ấn Độ), một lần nữa, quan tài được mở ra và xác ngài vẫn tươi nguyên như đang ngủ.

 

Ngày 25/10/1619 Phanxicô Xaviê được Đức Phaolô V phong chân phước, và đến ngày 12/03/1622, Đức Grêgôriô XV nâng ngài lên bậc hiển thánh.  Năm 1748, thánh nhân được tôn phong làm Bổn Mạng của Phương Đông; và đến năm 1904, ngài được tôn phong làm Bổn Mạng công cuộc truyền bá Đức Tin.  Năm 1927, Đức Piô XI tôn phong ngài làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo.

 

Chỉ với 46 năm tuổi đời, 15 năm linh mục, thánh Phanxicô Xaviê dù không sống lâu, nhưng ngài đã sống nhiều, sống hết và sống hoàn toàn cho Chúa và vì các linh hồn.  Cũng chỉ có hơn 10 năm ra đi truyền giáo, nhưng thánh nhân đã đi tới hơn 100 ngàn cây số, rửa tội cho khoảng 30 ngàn người tại Á Châu.

 

Thánh Phanxicô Xaviê là một Phaolô mới – một Ðại Tông Ðồ, là mẫu gương cho những người trẻ, đặc biệt cho các chủng sinh, linh mục và tu sĩ trong thời đại hôm nay về lòng khao khát đem Tin Mừng đến cho những người chưa nhận biết Đức Kitô.  Đã có rất nhiều nhà truyền giáo can đảm lên đường nhờ gương sáng và lời chuyển cầu của thánh Phanxicô Xaviê.  Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ấn Ðộ tháng 02/1986, khi huấn từ cho các linh mục và nam nữ tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Goa, nơi giữ xác không bị hư nát của Thánh Phanxicô Xaviê, sau khi thuật lại những chặng đường truyền giáo của thánh nhân, vị tông đồ không biết mỏi mệt của miền duyên hải Ấn Ðộ, của quần đảo Maluku (Indonesia), của Nhật Bản và của Trường Xuyên (đảo Shanchuan, Trung Hoa), Đức Gioan Phaolô II nói: “Ngày nay, các tông đồ của Tin Mừng phải theo bước chân của Nhà Truyền Giáo thời danh và nhiệt thành này để chiếu dọi ánh sáng Chúa Kitô cho mọi người dân của Lục Ðịa Á Châu này.”

 

Fx. Hồng Ân
______________

[1] X. Bài đọc Kinh Sách, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, bài đọc 2.
[2] Bt 15, 15: Bút tích thánh Phanxicô Xaviê, tài liệu 15, đoạn 15.  Tất cả những điều thánh Phanxicô Xavier đã viết, và còn lưu lại, được gom trong bộ Bút tích thánh Phanxicô Xavier, (bản tiếng Việt của Hoàng Sóc Sơn, S.J.)
[3] Bt 48, câu kết.
[4] Bt 50, 2.
[5] Bt 15, câu kết.
[6] Bt 59, 4.
[7] Bt 78, 2.
[8] Bt 70, 10.