Điều Tra Dân Số Trên Toàn Cõi Đất

 

ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRÊN TOÀN CÕI ĐẤT

 


“Điều tra dân số trên toàn cõi đất” (Lc 2:1).  Đây là bối cảnh Chúa Giêsu sinh ra và là bối cảnh mà Tin Mừng tập trung vào.  Biến cố này có thể được cập đến một cách lướt qua, nhưng thay vào đó Tin Mừng thuật lại một cách cẩn thận.  Và với trình thuật này, Tin Mừng đưa ra một sự tương phản lớn: trong khi hoàng đế kiểm kê dân số trên toàn cõi đất, thì Thiên Chúa bước vào đó một cách ẩn mình; trong khi những người nắm quyền cố gắng vươn lên vị thế những người vĩ đại của lịch sử, thì vị Vua của lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé.  Không ai trong số những người có quyền lực chú ý đến Người, ngoại trừ một số người chăn cừu, những người bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.

 

Nhưng cuộc điều tra dân số nói lên điều gì đó hơn nữa.  Trong Kinh Thánh, việc điều tra dân số không để lại một dấu ấn đẹp.  Vua Đa-vít, chiều theo sự cám dỗ của số đông và yêu sách không lành mạnh cho rằng mình tự đủ, đã phạm một tội lỗi nghiêm trọng khi tiến hành một cuộc điều tra dân số.  Đa-vít muốn biết sức mạnh và sau khoảng chín tháng, vua đã có được số người có thể cầm được gươm (xem 2 Sm 24,1-9).  Chúa đã phẫn nộ và bất hạnh đã ập đến với người dân.  Tuy nhiên, vào đêm nay, “Con vua Đavít,” Chúa Giêsu, sau chín tháng trong lòng Đức Maria, đã hạ sinh tại Bêlem, thành phố của vua Đavít, và không trừng phạt cuộc điều tra dân số, nhưng khiêm nhường để mình được đếm.  Một giữa rất nhiều.  Chúng ta không thấy một Thiên Chúa giận dữ trừng phạt, nhưng là Thiên Chúa nhân hậu nhập thể, bước vào thế giới một cách yếu ớt, và trước đó là lời loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người” (Lc 2,14).  Và trái tim của chúng ta đêm nay hướng về Bêlem, nơi Hoàng Tử Hòa Bình vẫn bị khước từ bởi luận lý thắng thua của chiến tranh, với tiếng gầm vang của vũ khí mà ngay cả ngày nay cũng ngăn cản Người tìm một nơi trú ngụ trong thế giới (xem Lc 2,7).

 

Nói tóm lại, cuộc điều tra dân số trên toàn cõi đất một mặt thể hiện âm mưu quá con người xuyên suốt lịch sử: âm mưu của một thế giới tìm kiếm quyền lực và sức mạnh, danh tiếng và vinh quang, nơi mọi thứ đều được đo lường bằng những thành công và kết quả, bằng những chỉ số và con số.  Đó là nỗi ám ảnh về hiệu suất.  Nhưng đồng thời, trong cuộc điều tra dân số, con đường của Chúa Giêsu, Đấng đến tìm kiếm chúng ta qua việc nhập thể, trở nên nổi bật.  Người không phải là vị thần biểu diễn mà là Thiên Chúa nhập thể.  Người không lật đổ những bất công từ trên xuống bằng vũ lực, nhưng từ dưới lên bằng tình yêu thương; Người không bẻ gãy với sức mạnh vô hạn nhưng đi vào giới hạn của chúng ta; Người không tránh né sự mong manh của chúng ta nhưng chấp nhận những giới hạn đó.

 

Anh chị em thân mến, tối nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta tin vào Thiên Chúa nào?  Vào Thiên Chúa nhập thể hay vào sự biểu diễn?  Đúng, bởi vì chúng ta có nguy cơ mừng Lễ Giáng Sinh với ý tưởng ngoại giáo về Thiên Chúa, như thể Người là một ông chủ quyền năng trên trời; một vị thần gắn với quyền lực, thành công trần thế và sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ.  Hình ảnh giả dối về một vị thần xa cách và cảm tính, đối xử tốt với người tốt và nổi giận với người xấu; về một vị thần được tạo ra theo hình ảnh của chúng ta, chỉ hữu ích để giải quyết cho chúng ta các vấn đề và xóa bỏ nơi chúng ta những điều chẳng lành.  Tuy nhiên, Người không sử dụng cây đũa thần, Người không phải là vị thần thương mại “tất cả và ngay lập tức;” Người không cứu chúng ta bằng cách nhấn nút, nhưng Người đến gần để thay đổi thực tế từ bên trong.  Tuy nhiên, ý tưởng trần tục về một Thiên Chúa xa cách và kiểm soát, cứng rắn và quyền thế, giúp dân chiến thắng kẻ khác, thật đã ăn sâu nơi tâm thức chúng ta!  Nhiều lần hình ảnh này bén rễ sâu trong chúng ta.  Nhưng Người không phải như vậy: Người được sinh ra cho tất cả, trong cuộc điều tra dân số trên toàn cõi đất.

 

Do đó, chúng ta hãy nhìn lên “Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1 Ts 1,9): nhìn vào Người, Đấng vượt trên mọi tính toán của con người nhưng lại để cho mình được đếm vào số dân của chúng ta; nhìn vào Người, Đấng biến đổi lịch sử bằng cách sống trong đó; nhìn vào Người, Đấng tôn trọng chúng ta đến mức cho phép chúng ta khước từ Người; nhìn vào Người, Đấng xóa bỏ tội lỗi bằng cách chịu trách nhiệm về nó, Đấng không cất đi nỗi đau nhưng biến đổi nó, Đấng không cất đi những vấn đề khỏi cuộc sống của chúng ta, nhưng ban cho cuộc sống của chúng ta một niềm hy vọng lớn lao hơn những vấn đề.  Người muốn ôm lấy sự hiện hữu của chúng ta, đến mức từ vô hạn, Người trở nên hữu hạn vì chúng ta; từ lớn lao, đã trở nên nhỏ bé; người công chính, đã chịu những bất công của chúng ta.  Đây là điều kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh: không phải sự pha trộn giữa những tình cảm kiểu cách và những tiện nghi trần thế, nhưng là sự dịu dàng chưa từng có của Thiên Chúa, Đấng cứu thế giới bằng cách nhập thể.  Chúng ta nhìn Hài Nhi, chúng ta nhìn vào máng cỏ của Người, chúng ta nhìn vào hang đá Giáng Sinh, mà các thiên thần gọi là “dấu lạ” (Lc 2,12): thực ra đó là dấu chỉ mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng trắc ẩn và thương xót, toàn năng chỉ và chỉ trong Tình Yêu.  Người trở nên gần gũi, dịu dàng, thương cảm.  Đây là cách của Thiên Chúa: gần gũi, dịu dàng và thương cảm.

 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ngạc nhiên vì “Người đã trở nên xác phàm” (x. Ga 1,14).  Xác thịt: một từ gợi nhớ sự mỏng manh của chúng ta và được Tin Mừng dùng để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã đi sâu vào thân phận con người của chúng ta.  Tại sao Người lại đi đến mức này?  Bởi vì Người quan tâm đến mọi thứ của chúng ta, bởi vì Người yêu thương chúng ta đến mức coi chúng ta là quý giá hơn bất cứ thứ gì khác.  Anh em, chị em, nhờ Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong cuộc điều tra dân số, anh em chị em không phải là một con số, nhưng là một gương mặt; tên của mỗi người được viết trong trái tim của Người.

 

Nhưng bạn, khi nhìn vào trái tim mình, nhìn vào những màn trình diễn vượt tầm với của mình, nhìn vào thế giới phán xét và không tha thứ, có lẽ bạn thấy mình đang sống tệ trong Giáng sinh này, nghĩ rằng mình sống không tốt, nuôi dưỡng cảm giác thiếu thốn và không hài lòng về sự mong manh của bạn, về những vấp ngã và những vấn đề của bạn.  Nhưng hôm nay, xin hãy để quyền chủ động cho Chúa Giêsu, Đấng đã nói với bạn: “Vì con, Ta đã trở nên xác thịt, vì con, Ta đã trở nên giống như con.”  Tại sao bạn vẫn ở trong nhà tù của nỗi buồn?  Như những mục đồng đã rời xa đàn chiên của mình, bạn hãy rời khỏi vòng vây u sầu của mình và đón nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa Hài Nhi.  Không mặt nạ và không áo giáp, hãy trao mọi lo lắng của bạn cho Người và Người sẽ chăm sóc bạn (xem Tv 55,23): Người, Đấng đã trở nên xác thịt, không chờ đợi những màn trình diễn thành công của bạn, mà là trái tim rộng mở và tự tin của bạn.  Và trong Người, bạn sẽ tái khám phá bạn là ai: là con yêu dấu của Chúa, con được Chúa yêu thương.  Bây giờ bạn có thể tin điều đó, bởi vì đêm nay Chúa đã đến với ánh sáng để soi sáng cuộc đời bạn và đôi mắt Người chiếu sáng tình yêu dành cho bạn.  Và chúng ta khó tin vào điều này, rằng đôi mắt của Thiên Chúa chiếu sáng tình yêu dành cho chúng ta.

 

Đúng vậy, Chúa Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt.  Tuy nhiên, ai nhìn đến Người, giữa vô số sự vật và cuộc đua điên rồ của một thế giới luôn bận rộn và thờ ơ?  Tại Bêlem, trong khi nhiều người bị cuốn vào cuộc điều tra dân số sôi động, đến rồi đi, chật kín các nhà trọ, nói chuyện này chuyện nọ, nhưng một số người gần gũi với Chúa Giêsu: họ là Đức Maria và Thánh Giuse, những mục đồng, rồi đến các đạo sĩ.  Hãy học hỏi từ họ.  Họ nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu, với tâm hồn hướng về Người, họ không nói nhưng họ thờ lạy.

 

Thờ lạy là cách đón nhận sự nhập thể.  Bởi vì chính trong thinh lặng mà Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, trở nên xác thịt trong đời sống chúng ta.  Chúng ta cũng làm như ở Bêlem, cái tên nghĩa là “nhà bánh”: chúng ta đứng trước mặt Người, Bánh sự sống.  Chúng ta hãy khám phá lại sự thờ lạy, bởi vì sự thờ lạy không phải là lãng phí thời gian mà là để Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta.  Đó là làm cho hạt giống nhập thể nảy nở trong chúng ta, đó là cộng tác vào công trình của Chúa, Đấng như men làm thay đổi thế giới.  Đó là sự cầu thay, sửa chữa, để Thiên Chúa làm thẳng lại lịch sử.  Một người kể chuyện vĩ đại về những hành động sử thi đã viết cho con trai mình: “Cha cho con điều tuyệt vời duy nhất để yêu mến trên trái đất: Bí tích Thánh Thể.  Ở đó con sẽ tìm thấy sự quyến rũ, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và con đường đích thực của tất cả tình yêu của con trên trái đất” (J.R.R. TOLKIEN, Thư 43, tháng 3 năm 1941).

 

Anh chị em thân mến, đêm nay tình yêu thay đổi lịch sử.  Lạy Chúa, xin làm cho chúng con tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, rất khác với sức mạnh của thế gian.  Lạy Chúa, xin làm cho chúng con, giống như Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các vị đạo sĩ, tụ họp quanh Ngài để tôn thờ Ngài.  Được tạo dựng bởi Ngài và giống với Ngài hơn, chúng con sẽ có thể chứng minh cho thế giới thấy vẻ đẹp diện mạo của Ngài.

 

Đức Phanxicô, Lễ đêm Giáng sinh năm 2023

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Thánh Giuse và câu chuyện Giáng Sinh

 

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

 


Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu viện, thị trấn và thành phố được đặt tên Thánh Giuse.  Quê hương Canada của tôi nhận ngài làm đấng bảo trợ.

 

Vậy chính xác Giuse này là ai?  Ngài là nhân vật lặng lẽ trong câu chuyện Giáng Sinh, với tư cách chồng của Đức Mẹ và nghĩa phụ của Chúa Giêsu, rồi sau đó, ngài không còn được nhắc đến lần nào nữa.  Hình ảnh của lòng mộ đạo bình dân có về ngài là hình ảnh của một người lớn tuổi, bảo vệ cho Đức Mẹ, người thợ mộc, khiết tịnh, thánh thiện, khiêm nhường, lặng lẽ, thánh bảo trợ hoàn hảo cho người lao động chân tay và những nhân đức thầm lặng, hiện thân của đức khiêm nhường.

 

Chúng ta thật sự biết được gì về ngài?

 

Trong phúc âm Thánh Matthêu, việc thụ thai Chúa Giêsu được báo cho Thánh Giuse thay vì cho Đức Maria.  Trước khi họ đến với nhau, Đức Maria đã có thai nhờ Chúa Thánh Thần.  Giuse, chồng bà là người ngay thẳng và không muốn làm cho bà phải hổ thẹn, nên đã quyết định âm thầm tuyệt hôn với bà, vừa lúc đó một thiên thần xuất hiện trong giấc mơ và bảo ngài đừng sợ cưới Đức Maria về làm vợ, rằng đứa bé trong bụng Đức Maria được thụ thai nhờ Thánh Thần.

 

Đoạn này nói lên điều gì?

 

Hầu hết là những điều mang tính tượng trưng.  Thánh Giuse trong câu chuyện Giáng Sinh rõ ràng làm chúng ta liên tưởng đến Giuse trong Cựu Ước, cũng được báo mộng, cũng đi Ai Cập, cũng cứu gia đình.  Cũng như vậy, vua Hêrôđê rõ ràng là tái hiện vua Pharaô Ai Cập, cả hai đều cảm thấy bị đe dọa, đều giết con trai người Do Thái, nhưng Thiên Chúa đã bảo vệ mạng sống của họ, sẽ cứu họ.

 

Nhưng sau tính biểu tượng đó, Thánh Giuse trong câu chuyện Giáng Sinh còn có câu chuyện riêng của ngài.  Ngài được cho là người “ngay thẳng,” theo các học giả, đây là cách gọi ngụ ý ngài tuân theo Lề luật của Thiên Chúa, tiêu chuẩn thánh thiện tối cao của người Do Thái.  Về mọi mặt, ngài không có gì đáng trách, ngài là gương mẫu của sự tốt lành, thể hiện qua việc ngài không muốn vạch trần để làm nhục Đức Maria, dù ngài quyết định sẽ âm thầm tuyệt hôn.

 

Về mặt lịch sử, chuyện gì đã xảy ra?

 

Theo những gì chúng ta có thể làm tái hiện, thì bối cảnh mối quan hệ giữa thánh Giuse và Đức Maria là như sau.  Phong tục hôn nhân thời đó là khi đến tuổi dậy thì, người phụ nữ trẻ sẽ được cha mẹ sắp xếp gả cho một người đàn ông, thường là lớn hơn vài tuổi.  Họ sẽ hứa hôn, về căn bản là thành vợ chồng, nhưng chưa sống với nhau và chưa có quan hệ tình dục trong vài năm.  Luật do thái đặc biệt nghiêm ngặt về chuyện hai người phải giữ khiết tịnh trong thời gian hứa hôn.  Trong thời gian này, người thiếu nữ sẽ tiếp tục sống với cha mẹ mình, còn người đàn ông sẽ đi dựng nhà và tìm một nghề nghiệp để có thể chu cấp cho vợ sau khi hai người sống chung.

 

Thánh Giuse và Đức Maria đang ở giai đoạn này, là vợ chồng về pháp lý, nhưng chưa sống với nhau, thì Đức Maria có thai.  Thánh Giuse biết đứa con không phải của mình, như thế là có vấn đề.  Nếu ngài không phải là cha đứa trẻ, vậy ai là cha đứa bé?  Để giữ thanh danh của mình, ngài có thể yêu cầu điều tra công khai, và làm Đức Maria sẽ bị cáo buộc tội gian dâm, đồng nghĩa với cái chết.  Nhưng ngài quyết định “lặng lẽ tuyệt hôn,” nghĩa là tránh cuộc điều tra công khai có thể sẽ làm cho Đức Maria bị rơi vào tình cảnh khó xử và tình thế nguy hiểm.

 

Rồi sau khi được báo mộng, ngài đồng ý đưa Đức Maria về nhà mình làm vợ, đặt tên con như con của mình, như thế là nhận mình là cha đứa trẻ.  Khi làm như thế, ngài giúp Đức Maria không bị bẽ mặt, thậm chí còn cứu cả mạng sống cho Đức Maria, và ngài cho đứa trẻ sắp sinh ra có một vị thế được đón nhận về mặt tôn giáo, xã hội, vật chất, đồng thời nuôi dạy đứa trẻ.  Nhưng ngài còn làm một việc khác nữa, một việc không hữu hình bằng.  Ngài cho thấy người ta có thể là một tín hữu ngoan đạo, đầy đức tin vào mọi sự trong tôn giáo của mình, nhưng đồng thời lại mở lòng với một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu tôn giáo và nhân văn của mình.

 

Đây chính là vấn đề đối với nhiều tín hữu Kitô, kể cả Thánh Matthêu, vào thời điểm các Phúc âm được viết.  Họ là những người Do Thái tận tâm không biết làm sao để đưa Đức Kitô vào khung tôn giáo vốn có của mình.  Khi Thiên Chúa đi vào đời sống con người theo những cách mới mẻ thì không thể tưởng tượng nổi, con người phải làm gì?  Với một khái niệm bất khả thi, chúng ta phải làm thế nào?  Thánh Giuse là một gương mẫu.  Như thần học gia Raymond Brown nói: “Nhân vật chính trong câu chuyện sơ khai của thánh Matthêu là thánh Giuse, một người Do Thái tuân theo Lề luật nhưng nhạy bén.  Trong Thánh Giuse, thánh sử đã họa nên điều mà ngài nghĩ một người Do Thái (ngoan đạo thật sự) nên là, và có lẽ cũng là điều mà ngài đã sống như vậy.”

 

Về căn bản, Thánh Giuse dạy chúng ta cách sống trong lòng trung tín yêu thương với mọi sự mà chúng ta bám vào về mặt nhân bản hay tôn giáo, đồng thời chúng ta cũng mở lòng với mầu nhiệm của Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta vượt ra ngoài mọi phạm trù thực hành và tưởng tượng tôn giáo.  Và đây chẳng phải là thách thức thật sự của Giáng Sinh hay sao?

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Sẵn Sàng Đón Chúa

                                        SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA

 


Niềm vui Giáng sinh đã gần kề.  Những gì chúng ta mong đợi đã sắp đến.  Cùng với những trang hoàng bề ngoài, Phụng vụ hôm nay “thẩm vấn” chúng ta: Bạn đã làm gì để đón Chúa?

 

Các bài đọc Lời Chúa cho chúng ta thấy lời mời gọi luôn sẵn sàng để đón Chúa đến.  Trước hết là lời loan báo gửi đến một làng quê nhỏ bé hẻo lánh, đó là làng Bê-lem.  Truyền thống Kinh Thánh nói với chúng ta, Thiên Chúa thường ưa thích những gì bé mọn.  Nói đúng hơn, những ai khiêm tốn nhận mình là bé mọn thì sẽ được đón Chúa ghé thăm.  Ngôn sứ Mi-kha mời gọi: Hỡi Bê-lem, ngươi đừng mặc cảm về thân phận nhỏ bé vô danh của mình, nhưng hãy vui mừng vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.  Và thế là, ngày vui ấy đã đến.  Con Thiên Chúa làm người đã sinh hạ tại nơi đây.  Bê-lem trở thành nơi “tiếp đất” của Ngôi Hai Thiên Chúa, nhờ đó mà được toàn thế giới biết đến cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.

 

Nếu Bê-lem dường như ngỡ ngàng vì được Đấng thống lãnh Ít-ra-en viếng thăm, thì một người phụ nữ khác là bà Ê-li-sa-bét cũng lại rất ngỡ ngàng sửng sốt vì được đón tiếp Chúa.  Khi gặp người em họ là Trinh nữ Ma-ri-a, bà đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”  Những lời của bà Ê-li-sa-bét mang đầy ý nghĩa, vừa thể hiện sự ngạc nhiên, vừa là lời chúc tụng tạ ơn Chúa.  Ê-li-sa-bét đã vô cùng cảm động vì nghĩ thân phận mình thấp hèn, cũng như Bê-lem xưa không ngờ có ngày mình được thăm viếng.

 

Thánh Lu-ca nói với chúng ta, sau ngày Truyền tin, Trinh nữ Ma-ri-a đã vội vã lên đường, vượt qua khoảng 150 cây số để đến với người chị họ.  Ma-ri-a mang theo tâm trạng vui mừng và tạ ơn.  Hơn thế nữa, Bà còn mang theo Đấng Cứu Thế mà Bà được cưu mang trong lòng.  Bài ca tạ ơn Trinh nữ Ma-ri-a được gợi hứng thốt lên sau đó đã diễn tả sự ngạc nhiên của chính bản thân Người, đồng thời nhận ra, mình quá nhỏ bé mà lại được Chúa nâng lên, để rồi “từ nay đến muôn đời, thiên hạ sẽ khen tôi diễm phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều thật cao cả.”

 

Mầu nhiệm Giáng sinh thật kỳ diệu, vì đó là sự hạ mình của Con Thiên Chúa.  Tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri đã mượn tâm tình của Thánh vịnh để diễn tả sự khiêm hạ vâng lời của Đức Giê-su: “Lạy Thiên Chúa, này đây con đến để thực thi ý Ngài.”  Quỳ bên hang đá máng cỏ trong mùa Giáng sinh, chúng ta hãy suy niệm về sự khiêm hạ của Thiên Chúa.  Bê-lem năm xưa là một làng quê nhỏ bé hẻo lánh, đã được diễm phúc trở thành nơi Chúa sinh ra.  Trinh nữ Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét đều là những người khiêm tốn bé nhỏ, đã được cưu mang Chúa và được Chúa thăm viếng.  Vì vâng lời, Ngôi Lời cao sang đã trở nên nhỏ bé khiêm hạ để thực thi ý Chúa Cha.  Người mang thân phận như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.  Ngày hôm nay, Người vẫn hiện diện khiêm tốn trong bí tích Thánh Thể, và nơi cuộc đời của những ai nghèo khó, bé mọn đơn côi, bị quên lãng bên dòng đời.

 

Mỗi chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta đã làm gì cụ thể để đón lễ Giáng sinh và đón Chúa đến trong cuộc đời?  Những trang trí bên ngoài rất cần thiết và quan trọng, nhưng phải đi đôi với tâm tình cụ thể, thiện chí đón Chúa đến trong cuộc đời.  Đương nhiên, đó là thiện chí sám hối bản thân, lãnh nhận các Bí tích, tham dự Phụng vụ.  Nhưng đó còn là việc đón Chúa Giê-su nơi những người nhỏ bé đơn sơ và cô thân cô thế.  Bởi lẽ, Chúa luôn nhớ đến họ, thậm chí còn đồng hóa với họ, để rồi khi chúng ta giúp đỡ những anh chị em này là chúng ta giúp đỡ chính Chúa.

 

Giáng sinh năm nào cũng về rồi lại đi.  Điều còn lại là gì, nếu không phải là niềm vui mà Chúa Giê-su đem đến cho nhân loại, kèm theo lời nhắn nhủ của Người: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Anh em hãy trở nên ánh sáng cho trần gian.  Hãy tỏa lan những điều tốt lành, chân thật trong cuộc sống này để Nước Thiên Chúa thực sự đến với mọi người.  Này đây, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.  Đó là những lời giúp chúng ta suy niệm và cầu nguyện bên hang đá máng cỏ trong Mùa Giáng sinh.

 

Chúng ta hãy noi gương Đức Trinh Nữ thành Na-da-rét, mở rộng tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế.  Cùng với Mẹ, chúng lên đường để nói với mọi người đang sống trong xã hội hôm nay rằng: NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI VÀ Ở CÙNG CHÚNG TA.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 


Giáng Sinh Đặc Biệt Của Lão Panov

 

Truyện ngắn hay nhứt trong mùa Giáng Sinh do Leo Tolstoy phóng tác thành văn xuôi từ vở thoại kịch có tựa đề là ‘Le père Martin’ của Ruben Saillens.  Từ câu chuyện Ông Panov này, ngày nay đã có hàng ngàn phiên bản bằng văn, thơ, kịch khác phổ biến trong văn học thế giới như một thông điệp về nhân ái và hạnh phúc, nhất là trong dịp Lễ Giáng Sinh hàng năm.

 

                      GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT CỦA LÃO PANOV 

               


Hôm đó là ngày vọng (trước) Giáng sinh, mặc dù chỉ mới có xế chiều mà đèn đã được thắp lên khắp cả, từ nhà ở cho đến các cửa tiệm trong ngôi làng nhỏ của nước Nga này, bởi vì những ngày mùa đông thì ngắn ngủi và rất chóng tàn.  Những đứa bé vốn lúc nào cũng hớn hở đã chạy nhẩy lon ton ở bên trong và bây giờ, thoát ra từ những khung cửa chớp khép kín, là những âm thanh giống như bị bóp nghẹt của những cuộc trò chuyện và những tiếng cười đùa.

 

Lão Panov, ông thợ giày của làng, bước ra bên ngoài để có một cái nhìn rảo khắp.  Những âm thanh của hạnh phúc, những ánh đèn rực rỡ và mùi vị thoang thoảng của những món ăn ngon   Giáng sinh làm cho ông nhớ tới những mùa Giáng sinh đã qua khi người vợ của ông vẫn còn sống và những đứa con vẫn còn bé bỏng.  Bây giờ thì mọi người đã đi xa rồi.  Khuôn mặt tươi vui tự nhiên của ông, thường đi đôi với một cặp mắt xe lại vì nếp cười, ẩn nấp sau cặp kính tròn, bây giờ trông buồn rời rợi.  Tuy nhiên, ông đã bước vào trong nhà một cách dứt khoát, kéo cửa chớp xuống và đặt bình cà phê lên bếp than.  Sau đó, với một tiếng thở dài, ông ngả người lên chiếc ghế bành lớn.

 

Lão Panov thường không đọc sách, nhưng tối nay, ông với lấy cuốn sách Kinh Thánh cũ của gia đình, và từ từ dùng ngón tay trỏ lân lê theo dòng chữ, ông đọc lại câu chuyện Giáng sinh.  Ông đọc tới đoạn Bà Maria và Ông Giuse, mệt mỏi sau cuộc hành trình đi Bêlem, không tìm được một chỗ nào tại nhà trọ, phải sinh đứa con nhỏ trong một chuồng bò.

 

“Trời đất ơi, Trời đất ơi!” Lão Panov kêu lên, “nếu mà họ đến đây!  Tôi sẽ nhường chiếc giường của tôi cho họ và tôi bảo đảm sẽ lấy tấm chăn bông của tôi để bao bọc cho đứa bé.”

 

Khi ông đọc tiếp tới đoạn các nhà đạo sĩ đến thăm em bé Giêsu, tặng cho em nhiều món quà tuyệt vời.  Thì sắc mặt của Lão Panov xụ xuống.  “Tôi chẳng có món quà nào cho em cả” ông buồn bã nghĩ thế.

 

Rồi gương mặt của ông lại tươi lên.  Ông bỏ cuốn Kinh Thánh xuống, đứng dậy và vươn cánh tay dài lên một ngăn tủ ở trên cao trong căn phòng nhỏ.  Ông lấy xuống một chiếc hộp nhỏ đã phủ đầy bụi và mở ra.  Bên trong là một cặp giày nhỏ bằng da hoàn hảo.  Lão Panov mỉm cười hài lòng.  Vâng, đôi giầy vẫn còn tốt như trước - đôi giày tốt nhất mà ông từng làm ra.  “Tôi phải cho em đôi giầy này” ông định bụng như thế, rồi nhẹ nhàng cất chúng đi và ngồi xuống một lần nữa.

 

Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, và càng đọc thì càng buồn ngủ hơn.  Những giòng chữ bắt đầu nhảy múa trước mắt cho đến khi ông phải nhắm mắt lại, để nghỉ thêm một phút.  Nhưng chẳng bao lâu thì Lão Panov ngủ vùi.

 

Trong giấc ngủ, ông thấy một giấc mơ.  Ông nằm mơ một người nào đó đang ở trong phòng của mình và ông nhận biết, giống như mọi người đều nhận biết khi ở trong những giấc mơ của họ, ông nhận ra ngay người đó là ai.  Là Chúa Giêsu.

 

“Panov, nếu con muốn gặp Ta” Chúa nói một cách dịu dàng “thì hãy tìm Ta vào ngày mai.  Đúng ngày Giáng Sinh Ta sẽ đến thăm con.  Nhưng hãy chú ý cẩn thận, Ta sẽ không tỏ cho con biết rõ Ta là ai.”

 

Cuối cùng thì Lão Panov tỉnh dậy, khi chuông nhà thờ reo vang và một luồng sáng mỏng manh luồn lọc qua khung cửa chớp.  “Chao ôi, vui quá là vui!”  Lão Panov reo lên.  “Đây là ngày Giáng sinh rồi!”

 

Ông đứng dậy và duỗi mình cho qua cơn nhức mỏi.  Rồi thì khuôn mặt của ông rực lên một niềm vui hạnh phúc vì hồi tưởng lại giấc mơ vừa qua.  Đây sẽ là một ngày Giáng sinh đặc biệt hơn tất cả, vì Chúa Giêsu đến thăm ông.  Ngài sẽ trông giống như thế nào nhỉ?  Sẽ còn là một em bé như lúc Giáng sinh đầu tiên?  Hay sẽ là một người trưởng thành, một anh thợ mộc - hay là một vị vua huy hoàng, xứng đáng với danh phận là Con Đức Chúa Trời?  Ông tự nghĩ phải cẩn thận canh chừng từng giây phút của ngày để có thể nhận ra Ngài khi Ngài ngự đến.

 

Lão Panov pha một bình cà phê đặc biệt cho bữa ăn sáng Giáng Sinh, kéo cửa chớp của cửa sổ lên và nhìn ra ngoài.  Đường phố còn vắng tanh, không ai cả.  Không ai ngoại trừ ông quét đường.  Ông ta có vẻ khổ sở và bẩn thỉu hơn bao giờ hết, và cũng là đáng kiếp!  Ai mà đi làm việc vào ngày Giáng sinh bao giờ - và lại làm việc trong cái lạnh cay đắng của lớp sương muối trong một buổi sáng như thế này?

 

Lão Panov mở cửa ra, một làn khí lạnh mỏng lùa vào.  “Vào đây!" ông hô to qua phía bên kia đường bằng một giọng vui vẻ.  “Vào đây uống một chút cà phê cho ấm bụng!”

 

Ông quét đường nhìn lên, gần như không tin vào tai mình.  Rõ ràng ông ta đã quá sức vui mừng khi được đặt cây chổi xuống và đi vào căn phòng ấm áp.  Quần áo của ông bay phất phới nhẹ nhàng trong cái hơi nóng từ bếp lò thoát ra và ông siết chặt cả hai bàn tay đỏ như gấc vì lạnh vào cái ly ấm áp và đầy an ủi.

 

Lão Panov hài lòng nhìn ông ta, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt qua khung cửa sổ.  Ông không muốn bỏ lỡ người khách đặc biệt của mình.

 

“Ông đợi ai đó?” ông quét đường sau cùng phải hỏi như thế và Lão Panov kể cho ông ta về giấc mơ của mình.

 

“Vâng, tôi hy vọng ông ta tới" ông quét đường nói, “ông vừa tặng cho tôi một chút niềm vui Giáng sinh mà tôi đã không bao giờ mong đợi.  Tôi cũng muốn nói rằng ông xứng đáng có được một giấc mơ trở thành sự thật.”  Và ông ta đã mỉm cười một cách thực lòng.

 

Khi ông ta đi rồi, Lão Panov cắt nhỏ bắp cải đưa vào nồi súp để dọn bữa ăn, sau đó đi ra cửa nữa, quét mắt nhìn quanh đường phố.  Ông vẫn không thấy ai.  Nhưng thực sự ông đã nhầm.  Có người đang đi đến.

 

Cô gái bước đi rất chậm chạp và lặng lẽ, dựa sát vào bờ tường của các cửa hàng và nhà ở, phải mất một thời gian dài trước khi ông nhận ra cô nàng.  Cô ta trông thật mệt mỏi và đang mang một cái gì đó.  Khi cô gái tiến gần ông hơn, ông nhận ra rằng 'cái gì đó' là một đứa bé, bọc trong một chiếc khăn choàng mỏng.  Có một nỗi buồn u uẩn phảng phất trong khuôn mặt của cô gái và trong khuôn mặt bị ép chặt của đứa bé, đến nỗi trái tim của Lão Panov muốn rơi ra vì họ.

 

“Xin mời vào nhà” ông bước ra ngoài để gặp họ. “Cô và em bé cần có chút lửa ấm và chút nghỉ ngơi.”

 

Bà mẹ trẻ để cho ông ta dẫn cô vào nhà và tới với sự thoải mái của chiếc ghế bành.  Cô thở dài nhẹ nhõm.

 

“Tôi sẽ hâm nóng một chút sữa cho em bé” Lão Panov nói, “Tôi cũng đã có con - tôi có thể cho con bé bú.”  Ông lấy sữa từ bếp lò và cẩn thận cho đứa con gái nhỏ bú bằng muỗng, đồng thời hơ ấm đôi bàn chân nhỏ của nó lên bếp.

 

“Con bé cần có giày,” ông thợ đóng giày nói.

 

Nhưng bà mẹ trẻ trả lời: “Tôi không có tiền mua giày đâu, tôi không có chồng để lo chu cấp cho chúng tôi.  Tôi phải đi đến làng bên cạnh để tìm việc làm.”

 

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong trí của Lão Panov.  Ông nhớ lại đôi giày nhỏ ông đã coi lại đêm qua. Nhưng ông muốn giữ đôi giầy ấy cho Chúa Giêsu.  Ông nhìn xuống đôi chân lạnh của đưa bé một lần nữa và rồi làm một quyết tâm.

 

“Thử đôi giầy này cho con bé” ông vừa nói vừa đưa trả đứa bé cùng với đôi giày cho người mẹ.  Đôi giày nhỏ xinh đẹp đi vào vừa vặn.  Cô gái mỉm cười hạnh phúc và con bé cũng ríu rít lên vì vui sướng. 

 

“Ông tốt với chúng tôi quá,” cô gái nói, và bế đứa bé lên mà đi ra.  “Mong rằng tất cả những ước mơ Giáng sinh của ông trở thành sự thật!”

 

Nhưng đến lúc này thì Lão Panov đã bắt đầu nghi ngờ cái ước mơ Giáng sinh đặc biệt của mình có thể trở thành sự thật không.  Có lẽ ông đã bỏ lỡ người khách của mình?  Ông lo lắng nhìn lên các đường phố cả trên lẫn dưới.  Vẫn có nhiều người đi qua nhưng toàn là những gương mặt mà ông từng quen biết.  Có nhiều người hàng xóm đi gọi người nhà về.  Họ gật đầu chào và mỉm cười chúc ông Giáng sinh vui vẻ!  Hoặc nhửng tên hành khất - và Lão Panov vội vã gọi họ vào nhà để biếu họ một tô súp nóng và một ổ bánh mì kha khá, rồi cũng vội vã chạy ra cửa để đề phòng ông không bỏ lỡ Người Lạ Mặt Quan Trọng.

 

Rồi thì chẳng mấy chốc mà cảnh hoàng hôn của mùa đông lại rơi xuống.  Khi Lão Panov đi ra cửa một lần nữa và dù có căng đôi mắt của mình ra đến mấy, ông cũng không còn nhìn thấy một ai trên đường.  Mọi người đều đã về nhà.  Ông chậm rãi đi vào phòng, đóng cửa chớp xuống, và ngồi xuống một cách mệt mỏi trên chiếc ghế bành.

 

Chỉ là một giấc mơ thôi.  Chúa Giêsu nào có đến.

 

Nhưng bỗng nhiên ông cảm thấy ông không ở một mình trong phòng.

 

Điều xảy ra không phải là một giấc mơ vì ông hoàn toàn tỉnh táo.  Đầu tiên, ông thấy trước mắt một hàng dài những người đã đến với ông ngày hôm đó.  Ông già quét đường, người mẹ trẻ và đứa con và những người hành khất mà ông đã cho ăn.

 

Khi họ đi qua, họ đều thì thầm một câu: “Ông không thấy tôi à, Ông Panov?”

 

“Bạn là ai?” ông kêu lên, hoang mang.

 

Lập tức, một giọng nói khác trả lời ông.  Đó là giọng nói từ giấc mơ - giọng của Chúa Giêsu.

 

“Ta đói, ngươi đã cho ăn,” Chúa nói.  “Ta trần chuồng và ngươi đã cho mặc.  Ta lạnh và ngươi sưởi ấm cho Ta.  Hôm nay Ta đến thăm ngươi qua tất cả những người mà ngươi đã mời vào mà cứu giúp.” 

 

Rồi sau đó, là một sự tĩnh mịch.  Chỉ còn tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ lớn.  Một sự bình an và hạnh phúc lớn lao lấp đầy căn phòng nhỏ, tràn ngập trái tim của Lão Panov đến nỗi Lão phải phá lên cười, hát vang và nhảy múa hân hoan.

 

“Ngài đến thật rồi!” ông chỉ nói được như thế mà thôi.

 

Leo Tolstoy

Trần Mạnh Trác dịch

 

Thiên Chúa Hiện Diện Giữa Dân Người

 

THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN GIỮA DÂN NGƯỜI

 


Những lo toan bận rộn và khó khăn bế tắc của cuộc sống dễ lôi kéo chúng ta vào một vòng xoay bất tận.  Hậu quả là chúng ta quên lãng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.  Dù muốn hay không, con người cần có Thượng Đế.  Ki-tô hữu là người hướng về Chúa như hoa hướng dương hướng về mặt trời, như hơi thở đối với thân xác và như lương thực nuôi sống hằng ngày.  Trong Mùa Vọng, Giáo Hội nhắc chúng ta: đừng quên sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Người. Danh xưng Đấng Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.  Vì thế, hãy vui lên và hãy nhìn cuộc đời này với lăng kính tích cực và với lòng nhân ái.  Thiên Chúa cũng rất vui mừng khi ở giữa chúng ta.

 

Xô-phô-ni-a là vị ngôn sứ người Do Thái sống ở thế kỷ VII trước Công Nguyên, và hoạt động ở miền Nam dưới triều vua Giô-si-gia-hu (640-609 TCN).  Sứ điệp của ông là bảo vệ người nghèo, lên án giai cấp lãnh đạo và các thẩm phán đương thời, cùng với những thói tục xấu và việc thờ ngẫu tượng.  Ông cũng là ngôn sứ của niềm hy vọng, với niềm xác tín Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Người.  Đoạn sách được đọc trong Chúa Nhật hôm nay là phần kết của cuốn sách mang tên ông.  Vị ngôn sứ mời gọi dân Do Thái hãy vui mừng, kể cả giữa những bất công và thảm họa, vì Thiên Chúa luôn hiện diện giữa dân Người.  Ngài hiện diện để nâng đỡ, ủi an những ai đang đau khổ.  Ông cũng dùng một kiểu nói rất bạo dạn để diễn tả Thiên Chúa: “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội.” “Thiên Chúa nhảy múa” là một hình ảnh kỳ lạ và bất thường.  Trong một số truyền thống văn hóa cổ xưa, người ta quan niệm các vị thần cũng giống như con người.  Họ cũng vui, cũng buồn và cũng giận dữ.  Thiên Chúa của người Do Thái là Đấng luôn vui mừng hân hoan.  Ngài chia sẻ vận mạng của Dân Ngài.

 

Cũng như người Do Thái thời ngôn sứ Xô-phô-ni-a, các Ki-tô hữu cũng được mời gọi hãy vui mừng, vì Chúa gần đến.  Đó là lời giáo huấn của thánh Phao-lô với tín hữu Phi-líp-phê.  Ki-tô hữu là người đang chờ đợi Chúa đến.  Vậy phải làm sao để khi Chúa đến, Người thấy chúng ta đang sống hiền hòa rộng rãi, tương thân tương ái với anh chị em đồng đạo và đồng loại.  Khi sống hiền hòa, là chúng ta làm lan tỏa tinh thần yêu thương như Chúa đã dạy.  Người tin Chúa luôn vui mừng, vì có Chúa ở với chúng ta.  Người luôn đồng hành với chúng ta trên từng bước đi của nẻo đường dương thế.

 

Chuẩn bị để đón Chúa, đó cũng là thời điểm để mỗi chúng ta nhìn lại mình.  Thánh Gio-an Tẩy giả xuất hiện là một hiện tượng đặc biệt đối với người Do Thái.  Qua lời giảng, ông Gio-an khẳng định với những người đương thời: điều mà cha ông chúng ta vẫn chờ đợi, nay sắp đến rồi.  Để có thể đón tiếp Người, mỗi người phải sám hối.  Lãnh nhận phép rửa do ông cử hành là hành vi sám hối, hoán cải canh tân để trở nên con người mới.

 

Mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội lại mượn lời rao giảng của thánh Gio-an Tẩy giả, giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa.  Thực ra Chúa Giê-su đã đến trong lịch sử.  Người đã sinh ra tại hang đá Be-lem cách đây hơn hai ngàn năm.  Nếu Giáo Hội mời gọi chúng ta đón Chúa, là để giúp chúng ta tái xác tín vào sự hiện diện của Người trong cuộc đời và trong tâm hồn chúng ta.  Những khuynh hướng xấu, tội lỗi và đam mê là lực cản che lấp sự hiện diện của Chúa.  Sám hối sửa mình, sẽ giúp ta nhận ra Chúa và cố gắng để nên giống như Người.

 

“Chúng tôi phải làm gì?”  Đó là câu hỏi mà những người Do Thái đặt ra cho ông Gio-an Tẩy giả.  Đoàn người đến cùng ông rất đa dạng.  Họ là những người thu thuế, những quân nhân và nông dân.  Ông Gio-an đưa ra những lời khuyên cụ thể cho từng trường hợp.  Đối với chúng ta, tâm tình sám hối để đón Chúa đến không phải là chung chung mờ nhạt, nhưng cụ thể và phải được chứng minh bằng việc làm.

 

Tâm tình hân hoan vui mừng còn được thể hiện trong sách I-sai-a được chọn cho phần Đáp ca của Thánh lễ: “Dân Xi-on, hãy mừng rỡ reo hò, vì giữa người, Đức Thánh của Ít-ra-en thật là vĩ đại!”  Thiên Chúa không phải là một vị thần nghiêm khắc hay một ông chủ độc tài.  Ngài là Cha yêu thương, luôn ở giữa chúng ta và ban cho chúng ta niềm an ủi.  Sự hiện diện của Chúa sẽ giúp chúng ta xua tan tăm tối, lan tỏa niềm vui và tràn trề niềm hy vọng.  Bầu khí nhộn nhịp, hân hoan tưng bừng trong những ngày Giáng Sinh gần kề nhắc chúng ta: Chúa đang ngự giữa chúng ta, và chúng ta vui mừng được đón tiếp Ngài.

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên