ĐỨC GIÊSU - MỘT CON NGƯỜI HÒA ĐỒNG

Khi dựng nên trời đất muôn vật, Thiên Chúa đã đặt muôn loài thọ tạo trong sự hài hòa và gắn kết với nhau. Chính sự hài hòa và gắn kết ấy giúp mang đến sự bình an và thanh thoát, một cuộc sống hòa điệu và vui tươi. Sách Sáng Thế còn tường thuật lại một hình ảnh rất tuyệt đẹp diễn tả tương quan thắm nồng giữa con người và Thiên Chúa, là cứ mỗi chiều, qua những cơn gió mát nhè nhẹ, Thiên Chúa đến và dạo chơi với con người. Mối hiệp nhất và gắn kết sâu xa với Tạo Hóa và với nhau làm cho mọi loài được hưởng nếm vị ngọt của hồng ân Thiên Chúa lan tỏa khắp nơi. Đó chính là Thiên Đường.

Nhưng khi tội lỗi đến, nó đã làm rạn vỡ những tương quan, đã làm cho mọi thứ phải tách rời nhau, đối địch nhau, chống chọi với nhau. Những mối dây từ từ bị cắt đứt. Con người đẩy Thiên Chúa ra xa mình. Rồi họ sử dụng các loài thụ tạo khác sai mục đích được thiết định. Giữa thế giới con người bắt đầu nảy sinh những phân tầng, phân biệt, chia rẽ. Sự cảm thông không còn nữa, con người chỉ cố gắng tìm cách thỏa mãn cho chính mình, tự cô lập trong thế giới riêng, tự vun vén cho mình. Họ tự xếp mình ở vị thế cao hơn những ai thấp kém. Rồi cứ thế, thay vì tìm cách đi đến sự hiệp nhất với nhau như ý định của Tạo Hóa, con người càng lúc càng lún sâu vào tội lỗi, lúc nào cũng tìm thỏa mãn bản thân, và gây ra biết bao rạn nứt khác trong cuộc sống.

Ngay từ khi nhập thể làm người, Đức Giêsu đã không bị tư tưởng phân biệt và loại trừ này của con người chi phối. Chiêm ngắm lại toàn bộ cuộc đời của Giêsu, chúng ta sẽ thấy mọi nỗ lực của Ngài đều nhắm đến việc nối kết con người lại với nhau. Ngài hệt như sợi dây, len lỏi khắp nơi, tiếp xúc với mọi lớp người để nối liền tất cả những khoảng cách.

Đức Giêsu đã bắt đầu công cuộc tái hiệp nhất mọi loài bằng cách chọn cho mình một vị thế thấp nhất. Có thể tóm tắt phương thế Ngài dùng bằng một chữ vắn tắt và đơn sơ: nghèo. Người nghèo là người ở cùng tận của xã hội và cả trong tâm thức của con người. Đó là những con người không được ai để ý đến, là người bị người ta khinh bỉ, là người không được xem là “người”. Từ cõi Thiên Cung ngập tràn hào quang ánh sáng, Ngôi Lời đã không chọn cho mình một gia đình bề thế quyền uy, tiện nghi đầy đủ để hạ sinh. Ngài đã chịu mang tiếng nghèo ngay khi còn đang thành hình trong bụng mẹ. Có ai ngờ rằng, ngay chính tại tâm điểm của một thế giới bị cả nhân loại bỏ quên, lại trổ sinh mầm cây ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến là để cứu vớt mọi con người, không chừa ai ra cả. Và Ngài đã làm điều đó bằng cách đưa mình xuống thấp nhất để nâng tất cả lên cao.

Ngài phải trở nên nghèo, vì nếu không, Ngài không thể làm bạn với người nghèo được. Nếu Ngài sinh ra là một vị hoàng tử sống trong điện ngọc cung vàng, thì Ngài sẽ không thể cảm thông được với những ai bần cùng khốn khổ. Nếu Ngài chuẩn bị sẵn cho mình một căn phòng trọ khang trang để chào đời, thì làm sao những mục đồng bé nhỏ có được cơ hội đến kính viếng Ngài? Nếu bố mẹ Ngài là những con người quyền cao chức trọng thì Ngài sẽ chia sẻ điều gì với những người sống trong hoàn cảnh cô thế cô thân? Và nếu Ngài không tự nguyện treo thân trên thập giá, liệu người tử tù có thể được cứu vớt linh hồn vào giờ sau hết không? Giáng sinh nghèo, gia đình nghèo, cuộc sống nghèo và cả cái chết nghèo… Giêsu đã chọn lựa như thế, là vì Ngài muốn đưa người nghèo về với Nước Trời, Ngài muốn nâng người nghèo lên, Ngài muốn nói với họ rằng dù cả thế giới có ruồng bỏ họ, Thiên Chúa vẫn ôm ấp họ vào lòng.

Giữa một xã hội phân cấp và phân tách giai tầng dựa vào khả năng và của cải, Đức Giêsu đã thực thi sứ mạng của mình theo một cách thức khiến cho bao người phải giật mình suy nghĩ. Ngài không giới hạn những lời vàng của mình cho giới quý tộc hay học giả khôn ngoan, nhưng lan tỏa nó ra đến tận mọi người, kể cả những người “ít chất xám” nhất. Đã không biết bao nhiêu lần, trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy Ngài giảng dạy dân chúng bên bờ hồ, dưới gốc cây, nơi ruộng lúa. Ngài đưa tay chạm đến những người phong cùi, vốn bị cho là kẻ ô uế và phải bị loại ra ngoài xã hội. Ngài làm phép lạ chữa lành các bệnh nhân trước hết bằng cách đến gần, hỏi thăm, chứ không phải đứng từ xa mà phán. Ngài dùng bữa với những bậc quyền quý, nhưng cũng không chê thức ăn của những người thu thuế, đĩ điếm, những người tội lỗi. Ngay cả với những người bị luật lệ khắt khe thời ấy kết án tử, Ngài vẫn tìm cách cứu sống hoặc ít ra cũng trao ban cho họ một niềm an ủi và hy vọng vào sự sống đời sau trên Thiên Đàng. Ngài cũng có lối hành xử rất khôn ngoan khi tiếp xúc với nữ giới – hạng người bị xem thường trong xã hội – đến độ, dù các kẻ thù có ghét cay ghét đắng Ngài, cũng không thể trách cứ Ngài điều gì liên quan đến vấn đề này cả. Còn đối với trẻ em, Ngài không những tạo thiện cảm với chúng, còn thích chơi đùa với chúng, chúc lành cho chúng và lấy chúng làm mẫu mực cho công dân Nước Trời. Có thể nói, Đức Giêsu đã trở thành người của mọi người, Ngài hòa đồng với tất cả, Ngài tận hiến đời mình cho tất cả, Ngài đưa tay ôm ấp tất cả, đặc biệt là những người cô thân cô thế nhất giữa dòng đời.

Hòa đồng có nghĩa là xóa bỏ khoảng cách, là mỗi ngày trở nên khắng khít để nên giống nhau hơn. Nếu tội lỗi làm cho người ta xa cách vì cho rằng mình khác, mình hơn, thì cuộc chiến chống lại tội lỗi là nỗ lực để đưa mọi người đến gần bằng một thái độ chân thành và đơn sơ, không phân biệt, không nghi kỵ, không xếp mình lên trên người khác. Lối sống hòa đồng của Giêsu rõ ràng là một tấm gương để ta soi lại đời sống của mình. Ta thường chỉ thích làm bạn với những ai “ngang hàng” với ta, chứ hạng “thấp kém” hơn ta, có mấy khi ta để ý đến. Đụng chạm đến người nghèo, người bệnh, người dơ dáy bẩn thỉu làm ta cảm thấy khó chịu, không vui. Ta thích được kẻ đón người đưa, thích được phát biểu nơi những chỗ trang trọng, thích làm khách nơi những bữa tiệc cao sang, thích bắt tay và trò chuyện với người quyền cao chức trọng. Những điều ấy làm cho ta có cảm giác là mình có uy, mình ở vị trí cao, mình là người có thế giá. Chẳng ai bảo điều đó là sai cả, nhưng nếu ta chỉ thích như thế thôi, mà không đưa mắt nhìn đến những con người kém may mắn hơn ta, thì ta với Giêsu vẫn còn khác nhau quá. Hãy trải lòng mình ra như Giêsu, lan rộng sợi dây tình thân đến với mọi loài và mọi người. Đó là cách ta xây dựng Thiên Đường hạnh phúc mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta thực thi.



Pr. Lê Hoàng Nam, SJ