"Vôi
trách người - chậm trách mình", ta tưởng chừng đó chỉ là những điều nhỏ bé
trong cuộc sống, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Hầu như đó là mầm mống mọi sự
chia rẽ và tan vỡ.
Mỗi một chúng ta
được Tạo Hoá ban tặng cho những món quà riêng trong khả năng của mình, nhưng là
phận người nên trong ta vẫn luôn ẩn chứa những yếu đuối, bất toàn. Hơn thế nữa,
trên đường đời lắm chông gai và nhiều thách thức này, ta khó mà tránh khỏi
những vấp ngã, lầm lỗi.
Tuy nhiên, có một
sự thật hiển nhiên mà hầu như ai trong chúng ta cũng mắc phải đó là trong những
lúc thất bại, sai lỗi ta thường trách người mà chẳng trách mình. Ta luôn nghĩ
người khác sai, còn cho mình đúng. Ta luôn đổ lỗi cho người khác mà chẳng bao giờ
nhận lỗi về mình.
Vội trách người mà
chậm trách mình là một trong những xu thế chính dẫn đến sự rạn nứt và đổ vỡ của
những mối tương quan trong cuộc sống. Nó len lỏi, đục khoét và phá vỡ cả những
sợi dây liên kết tình cảm mà ta tưởng chừng cứng cỏi và bền chặt.
Trong tương qua
tình người, tình làng nghĩa xóm, nhiều khi chỉ vì những sự hiểu nhầm nhỏ, hay
những tranh luận cá nhân, ta vội đánh giá người và đổ lỗi cho họ khiến không
khí căng thẳng và nghiệm trọng. Bức tường khoảng cách cứ thế ngày càng cao và
rộng hơn giữ ta với tha nhân.
Nơi tình bạn đơn sơ
và chân thành, lắm lúc lúc chỉ vì những xung đột nhỏ hay những khác biệt trong
quan điểm cá nhân, ta đi đến chỗ ghen ghét, hiềm khích chỉ vì thiếu tình vị
tha. Ta trách bạn, bạn trách ta mà chẳng ai trách mình. Cứ thế sự trách móc lớn
dần theo năm tháng và chia cách tình bạn sau bao năm thắm thiết từ thuở còn
thơ.
Trong tình yêu cũng
thế, sau bao năm cùng nhau xây dựng mối tình nhỏ, đôi khi chỉ vì những lầm lỗi
chẳng đáng trách nhau. Nhưng anh đổ lỗi cho em, em đổ lỗi cho anh. Chẳng ai
chịu nhận lỗi. Để rồi chút chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Và bao nhiêu kỷ niệm
đẹp, bao ký ức yêu thương, bao nhiêu nụ hôn ngọt ngào... bỗng tan thành mây
khói chỉ vì chẳng ai chịu hạ mình để từ bỏ cái tôi của mình.
Nơi những mái ấm
gia đình ta tưởng chừng kiên cố và vững chắc, ấy thế mà những trách cứ vu vơ vô
tình đôi khi lại trở nên sức mạnh phá vỡ mái ấm: đôi khi đó chỉ là là chút giận
giữ của chồng hay tý điêu ngoa của vợ; những lúc ta không nhường nhịn người bạn
đời của mình; những khi ta không kìm lòng nhìn lại bản thân. Tất cả những điều
tưởng chừng nhỏ bé ấy lại có thể trở nên quả bom nổ tung mái ấm nhỏ ấy. Hạnh
phúc bỗng dưng tan vỡ. Tình nghĩa vợ chồng đi đến cạn kiệt. Con cái bơ vơ như
trẻ không nhà.
"Vôi trách
người - chậm trách mình", ta tưởng chừng đó chỉ là những điều nhỏ bé trong
cuộc sống, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Hầu như đó là mầm mống mọi sự chia rẽ
và tan vỡ. Nó đang ăn sâu dần vào tâm trí của nhiều người theo tỷ lệ thuận với
độ tuổi. Càng trải nghiệm, càng hiểu biết nhưng thiếu sự học hỏi và cảm thông
có thể đưa ta đến những định kiến cứng nhắc và bảo thủ để chỉ biết trách móc
người khác và không bao giờ nghĩ mình sai.
Đừng để những trách
cứ vu vơ thiếu cảm thông phá vỡ những mối tương quan tốt đẹp. Đừng để cái tôi
quá lớn phá đổ những mối tình đẹp trong đời như tình người, tình bạn, tình yêu
và tình vợ chồng.
Ai trong ta cũng
đang bơi trong dòng đời nhiều nghiệt ngã này. Nếu biết trách mình trước khi
trách người sẽ là mái chèo đưa ta đến gần với nhau và đến với đích điểm của
đời. Sự cảm thông sẽ hàn gắn hiểu nhầm, tính xây dựng sẽ loại bỏ những hờn
trách, niềm vui sẽ thay thế nỗi buồn, tình yêu sẽ xua tan hận thù và hạnh phúc
sẽ vượt thắng đau khổ. Tất cả sẽ được hiện hữu sống động và sáng tỏ giữa trần
gian tăm tối này nếu chúng ta "vội trách mình - chậm trách người".
J.B Lê Đình Nam